Phiếm luận về chợ

Phiếm luận về chợ
Chợ Tết ở quê.

Phiếm luận về chợ

Cùng với sự phát triển về văn minh vật chất của xã hội loài người, chợ là hình thái tất yếu phải xuất hiện, nhằm thỏa mãn những nhu cầu trao đổi sản phẩm, nhu cầu mua bán, nhằm phục vụ cho cuộc sống con người trở nên đầy đủ hơn, thoải mái hơn. Chợ gắn với sự phát triển của kinh tế, thương mại, tiền tệ, mang trong nó hình ảnh văn hóalịch sử của cả cộng đồng. Nhân dịp năm mới, xin được hầu chuyện độc giả về chợ trong đời sống ngôn ngữ và văn chương của người Việt.

1. Theo “Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học, chợ được định nghĩa là “nơi công cộng để đông người đến mua bán vào những ngày, buổi nhất định”. Những diện mạo của chợ trong đời sống xã hội đương đại, có thể thấy đã vượt qua nội hàm định nghĩa trên. Chợ có sự phát triển từ mức độ sơ khai, tự phát lên mức độ có tổ chức, quy mô, được kiểm soát. Từ những gian chợ quê với vài món quà nghèo, người Việt giờ đã có rất nhều siêu thị lớn ở các thành phố – cũng chính là một dạng chợ của đời sống đô thị hiện đại.

Có những loại hình chợ rất đặc biệt chỉ mở mỗi năm một lần như chợ Viềng Nam Định hay chợ tình Khau Vai. Những loại hình chợ như vậy mang ý nghĩa văn hóa – lịch sử nhiều hơn là ý nghĩa mua bán trao đổi hàng hóa. Như Chợ Viềng chỉ mở duy nhất vào đêm mùng 7 rạng sáng mùng 8 tháng Giêng hàng năm, đón mọi người về chơi với ý nghĩa “mua may bán rủi”. Còn chợ tình Khau Vai chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch, với ý nghĩa dành cho những người yêu nhau mà không thể lấy nhau được ôn lại những kỷ niệm xưa, tình cảm xưa, được có một ngày để gần gũi, tâm sự, hỏi han nhau về cuộc sống riêng của mỗi người.

Người Việt còn có loại hình chợ phiên được họp theo tuần, theo tháng hoặc theo quý. Mỗi chợ phiên như thế có thể có những mặt hàng như những đặc sản riêng biệt của mỗi vùng miền. Phân loại theo không gian họp chợ, người Việt còn có những loại hình chợ khá đặc biệt như chợ nổi hay chợ trời. Chợ nổi được hiểu là chợ họp một cách tự phát trên mặt sông, mọi người bày bán hàng hóa trên các con thuyền. Loại hình chợ nổi rất thịnh hành ở miền Tây Nam Bộ, chẳng hạn chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Châu Đốc (An Giang), chợ nổi Cái Răng (Sóc Trăng), chợ nổi Long Xuyên… Chợ trời thì được hiểu là loại chợ họp ở ngoài trời, không có mái che. Ở Hà Nội, chợ trời nổi tiếng là khu vực Phố Huế – Thịnh Yên.

Khu biệt về tính chất của các loại chợ, người Việt còn có các khái niệm như chợ xanh (chỉ chợ tạm bán các loại rau quả), chợ đen (chỉ thị trường mua bán tiền tệ bất hợp pháp), chợ người (chỉ nơi có những người lao động chân tay đứng chờ sẵn để được người khác thuê mình), chợ cóc (chợ nhỏ, thường họp tự phát trong thời gian ngắn, không ở cố định một chỗ).

Từ “chợ chiều” ngoài ý nghĩa vật lý chỉ thời gian họp chợ, còn được phái sinh thêm ý nghĩa thứ hai là quang cảnh lúc rã đám, tàn cuộc của một sự việc, hiện tượng nào đó. Người đồng bằng khi đi chợ thường nói “ra chợ” hoặc “vào chợ” trong khi người vùng cao thường nói “xuống chợ”. Chợ còn trở thành một chỉ dấu quan trọng đại diện cho đô thị, vì thế mà từ thời Lý – Trần đã có cách nói “kẻ chợ” để chỉ những người ở kinh thành Thăng Long, phân biệt với “kẻ quê” là những người ở các vùng nông thôn.

2. Chợ là một không gian quen thuộc với người Việt ở khắp mọi vùng miền, gắn với đời sống tâm tư tình cảm hàng ngày. Tử thuở bé thơ, ai trong chúng ta mà chẳng trải qua cái cảm xúc ngóng mẹ đi chợ về, từ đây hình thành câu nói cửa miệng: “Mong như mong mẹ về chợ”. Tình cảm đôi lứa, vợ chồng cũng mang trong đó những ví von liên quan đến không gian chợ: “Gái thương chồng đương đông buổi chợ/ Trai thương vợ nắng quái chiều hôm” (Tục ngữ). Chế giễu những cô gái lẳng lơ, thiếu đoan chính, người xưa cũng có một cách nói tài tình gắn với chữ “chợ”: “Chữ trinh đáng giá ngàn vàng/ Từ anh chồng cũ đến chàng là năm/ Còn như yêu vụng nhớ thầm/ Họp chợ trên bụng hàng trăm con người”. Cũng bàn về chuyện phòng the, để phản ánh tình trạng sức khỏe/ năng lực không được như mong muốn của các quý ông, người Việt có cách nói: “Chưa đến chợ đã hết tiền”.

chooquexua vansudia.net min - Phiếm luận về chợMột góc chợ quê xưa.

Trong thơ ca thành văn của người Việt từ cổ điển cho tới hiện đại, chợ gắn liền với niềm vui, nỗi buồn của con người. Như khi Nguyễn Trãi lắng nghe những thanh âm một đời sống hòa bình, no ấm của muôn dân, chợ đã xuất hiện: “Lao xao chợ cá làng ngư phủ” (Bảo kính cảnh giới số 43). Hay sau này, khi Nguyễn Khuyến, nhà thơ của làng cảnh Việt Nam tặng cho chúng ta một bức tranh của chợ Đồng, đó cũng chính là tình cảm của ông với quê hương: “Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng/ Năm nay chợ họp có đông không?/ Dở trời, mưa bụi còn hơi rét/ Nếm rượu tường đền được mấy ông/ Hàng quán người về nghe xao xác/ Nợ nần năm cũ hỏi lung tung”.

Sang đến thời kỳ Thơ Mới lãng mạn (1932 – 1945), chợ đi vào khá nhiều bài thơ nổi tiếng và thường phảng phất những nỗi buồn thời đại. Huy Cận trong cái bơ vơ rợn ngợp không gian như muốn kiếm tìm chút thanh âm của một miền tụ họp con người: “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều” (Tràng giang). Nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã mở đầu bài thơ Chợ Tết bằng những câu thơ ấm áp, đầy màu sắc: “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh/ Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/ Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.” Nhưng cho đến phần kết của thi phẩm thì nỗi buồn hiu hắt, bàng bạc lại trở về trong một cảm giác tàn phai: “Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm/ Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh/ Trên con đường đi các làng hẻo lánh/ Những người quê lũ lượt trở ra về/ Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê/ Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ”. Nguyễn Bính sau những bước chân giang hồ bỗng muốn tìm về giữa chợ trong một cơn say: “Ta đi nhưng biết về đâu chứ/ Đã dấy phong yên lộng bốn trời/ Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ/ Uống say rồi gọi thế nhân ơi” (Hành phương Nam).

Sau này, Đồng Đức Bốn là người có nhiều câu thơ hay tả về chợ nơi làng quê. Chợ trong thơ ông đi từ những miền cụ thể đến miền trừu tượng. Ông mang đến trước mắt chúng ta khung cảnh rất thật của một miền quê Bắc Bộ: “Nhà quê chân lấm tay bùn/ Mẹ đi cấy lúa rét run thân già/ Chợ làng mở dưới gốc đa/ Nhà quê đem mấy con gà bán chơi” (Nhà quê). Không dừng lại ở đó, thi sĩ họ Đồng đã nâng chợ lên thành một biểu tượng, gắn với tình yêu và kiếp người: “Chợ buồn đem bán những vui/ Đã mua được cái ngậm ngùi chưa em/ Chợ buồn bán nhớ cho quên/ Bán mưa cho nắng bán đêm cho ngày/ Chợ buồn bán tỉnh cho say/ Bán thương suốt một đời này cho yêu/ Tôi giờ xa cách bao nhiêu/ Đem thơ đổi lấy những chiều tương tư” (Chợ buồn).

Trong thơ Hồ Dzếnh, chợ gắn với những kỷ niệm của tình đầu một thuở: “Rủ em đi chợ Đồng Xuân/ Tưởng như đi giữa bâng khuâng thuở nào/ Nắng hanh rám má bưởi đào/ Chợt nghe hương vị thấm vào tâm tư/ Đồng Xuân này lối năm xưa/ Anh chưa lấy vợ em chưa lấy chồng/ Nhưng thôi, chuyện cũ – chuyện lòng/ Nhắc chi húng Láng, cốm Vòng hỡi em” (Rủ em đi chợ Đồng Xuân). Trong thơ Xuân Quỳnh, chợ gắn với đủ lo toan sinh hoạt đời thường của những người phụ nữ: “Chúng tôi chỉ là những người đàn bà bình thường không tên tuổi/ Quen việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày/ Cuộc sống ngặt nghèo phải tính sao đây/ Gạo, bánh, củi, dầu chia thế nào cho đủ/ Đầu óc linh tinh toàn nghĩ về chợ búa/ Những quả cà, mớ tép, rau dưa” (Thơ vui về phái yếu).

3. Có một câu chuyện thật đặc biệt của người Việt về chợ. Đó là chợ Mạnh Ma trong truyện cổ tích “Sự tích sông Nhà Bè hay là truyện Thủ Huồn”, được Nguyễn Đổng Chi ghi lại trong “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”.

Truyện kể rằng, Thủ Huồn vốn là một tay đại phú nhờ vào những sự luồn lọt hại người trong những năm hắn làm việc trong các nha các ti, nhưng vợ Thủ Huồn lại không may chết sớm. Nhờ có chợ Mạnh Ma là nơi người sống và người chết có thể gặp nhau mỗi năm một lần, nên Thủ Huồn mới gặp lại vợ, được vợ dẫn đi thăm âm phủ, xem nơi địa ngục là chỗ xử tội những người khi còn sống làm nhiều điều ác. Ở đó, Thủ Huồn thấy xếp sẵn một bộ gông cùm và dụng cụ tra tấn đang chờ hắn.

Về trần gian, Thủ Huồn quyết tâm cải tà quy chính, bố thí hết tài sản, tìm bến sông dựng một chiếc bè giúp đỡ người qua lại cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Nhờ thế, Thủ Huồn không những được xóa sạch tội lỗi dưới âm phủ mà còn được đầu thai làm vua bên Trung Quốc. Như vậy, chợ trong câu chuyện của người Việt còn trở thành một biểu tượng với ý nghĩa giáo dục, cảm hóa con người.

Tóm lại, trong lịch sử của cộng đồng người Việt, chợ là một vùng không gian không thể thiếu, gắn với sinh hoạt hàng ngày, là nguồn cung cấp mọi nhu yếu phẩm cho cuộc sống của con người. Không chỉ thế, chợ còn có nhiều ý nghĩa tích cực trong đời sống tinh thần và người Việt cũng cấp thêm những tầng nghĩa, những biểu đạt mới cho chợ, trong ngôn ngữ và trong các tác phẩm văn học suốt chiều dài lịch sử.

Đỗ Anh Vũ

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây