Quân vương luận pháp – Truyện ngắn Phùng Văn Khai

Quân vương luận pháp - Truyện ngắn Phùng Văn Khai

Nhà văn Phùng Văn Khai.

Mới mờ sáng, còn chưa kịp dùng chút thức vật mà chú tiểu dâng lên, sư phụ Phùng Hiền Anh khẽ giật mình khi thấy phía trước con đường nhỏ ôm sát đầm sen đang vào cuối vụ đột ngột hiện ra một bóng người cao lớn,vận tấm trường bào thô cũ nhanh nhẹn bước thẳng về phía trai phòng. Vừa kịp nhận ra đó chính là Đào Lang vương Lý Thiên Bảo, ngài ngự đã tiến vào trong chắp tay nói:

– A di đà Phật! Phùng sư phụ! Lão tăng hôm nay xin đến thỉnh giáo ngài.

Phùng sư phụ cố trấn tĩnh nhìn người phía trước. Thấy ngài ngự quả đã xuống tóc tự bao giờ. Đôi mắt có đạo thần quang ngày trước còn được mái tóc dày che bớt nay lộ rõ cứ rực lên. Đôi lông mày bạc trắng vươn dài cùng bộ râu ba chòm trắng cước càng tăng thêm vẻ uy nghi, cân quắc.

Phùng sư phụ thảng thốt thi lễ:

– A di đà Phật! Đại tăng hôm nay muốn thỉnh giáo điều gì?

Vị đại tăng trang nghiêm đáp:

– Bạch sư phụ! Ta năm tuổi mất cha, chín tuổi mất mẹ, mười tuổi xuất gia, nửa đường nhập thế, đến nay đã năm mươi sáu tuổi lại cam tâm xin vào bổn tự tu hành, liệu có điều gì trái với đạo pháp của Phật tổ chăng?

Nv pvk tang sach o co quan - Quân vương luận pháp - Truyện ngắn Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai (bìa phải hàng thứ 2) tặng sách ở cơ quan.

Thấy Đào Lang Vương giờ đã là vị đại tăng thần thái uy nghi, lời nói trang nghiêm nhất mực, Phùng sư phụ càng bần thần ngẫm ngợi. Thì ra, Lý chủ công ba tháng ròng ở liền trong đại điện Dã Năng tuyệt không tiếp khách chính là cơn cớ này, bèn trang nghiêm đáp:

– Đại lão tăng! Phật ở trong tâm. Tâm ngài đã hoàn toàn tịnh độ, phẳng lặng như nước hồ thu, tức đã đạt đạo từ lâu rồi, bất tất phải hỏi khó sư đệ? Nếu nói là đắc đạo, ngài đã đắc đạo từ ngày tạm bỏ thiền trượng cầm gươm giáo, dẫn đầu ba quân đánh đuổi bọn người phương Bắc cách đây gần hai mươi năm rồi. Đó chính là ngài đã tu hành một mạch mà không đứt đoạn vậy.

Vị đại tăng lại hỏi:

– A di đà Phật! Ngày trước, bần đạo xuất gia tu tập với Đỗ sư phụ nhiều năm, chỉ thấy ngài ấy đàm đạo việc quân cơ với Phạm trang chủ, còn cho mở lò võ vật, rèn đúc khí giới ngay trong chùa. Vậy thì phật tính ở đâu? Tại làm sao sư phụ vẫn đứng đầu lục đại hộ pháp Luy Lâu?

Nha van Phung Van Khai trao tang sach - Quân vương luận pháp - Truyện ngắn Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai (mặc quân phục) trao tặng sách.

Phùng sư phụ cơ hồ chấn động tâm can khi thấy đại tăng phía trước nhất loạt công kích thẳng vào giới luật. Song suy nghĩ kỹ đều là những chuyện có thực, đã bao năm vẫn được tăng chúng luận bàn, biết rằng hôm nay chính là một cuộc định rõ hay dở đúng sai của các vị tiền bối lập pháp, còn có can hệ sâu xa tới pháp độ, phật tử sau này, bèn thẳng thắn đáp:

– A di đà Phật! Đỗ sư phụ và Phạm trang chủ cùng với ngài đây tuy ba mà một thì việc ấy có gì mà lạ? Quốc thống lâm nguy, hộ quốc cũng là hộ pháp. Lão tướng Phạm Tu cũng như ngài, đều lấy tấm lòng trung trinh với nước làm đạo pháp của mình. Còn như Đỗ sư phụ đứng đầu lục vị hộ pháp thiền phái Luy Lâu cũng là ý của Phật tổ, không cần phải xem xét căn nguyên thêm vướng bận.

Vị đại tăng lại hỏi:

– Ý của Phật tổ ư? Vậy lão phật sống Bồ Đề Đạt Ma sư tổ sau bảy ngày đêm đàm đạo với Lương Vũ Đế ở kinh đô Kiến Khang đã đùng đùng bỏ đi cũng là ý của Phật tổ chăng? Tại sao người cùng một thời lại khác nhau tới vậy? Lương Vũ Đế độ chùa, hộ tăng, hoằng pháp mấy mươi năm nức tiếng trong ngoài Trung Nguyên, có lẽ nào không cảm động đến Phật tổ?

Phùng sư phụ từ tốn đáp:

– A di đà Phật! Muôn người khác biệt, muôn vật chẳng giống nhau. Tại sao lại phải cho rằng hễ nước lớn vua lớn thì đạo pháp được xiển dương, hoàng đế độ pháp, hộ chùa ắt sẽ giàu phật tính? Phật tổ ở cao trên tám cõi nhưng cũng ở ngay trong vạn vật chúng sinh, làm sao có thể giấu ngài? Lương Vũ Đế vung tiền bạc như núi ra khắp thế gian, trăm ngàn sư tăng đêm ngày cầu xin Phật tổ chứng lòng cho Vũ Đế mà cuối cùng ngài ấy vẫn phải chết đói ở cô thành chẳng phải đã rõ tâm ý của Phật tổ hay sao?

Vị đại tăng lại hỏi:

– Vậy quốc chủ Vạn Xuân ta, năm tuổi mất cả mẹ cha, bảy tuổi vào chùa, mười tám tuổi xuất gia làm Giám quân cho người phương Bắc. Rồi cũng chính ngài ấy giương cờ khởi nghĩa đánh đuổi Lương tặc, lập quốc xưng đế. Thuở nhỏ, ta biết quốc chủ vô cùng ngưỡng vọng việc độ chùa, hộ pháp của Lương Vũ Đế, tại sao quốc chủ lại nhất quyết chống lại kẻ đồng đạo với mình? Như thế có điều gì bất nhất? Phải vậy chăng mà đất nước sớm nguy vong?

Phùng sư phụ mồ hôi lấm tấm đổ ra nhưng vẫn chừng mực đáp:

– A di đà Phật! Phương Nam, phương Bắc phong tục, lễ nghĩa khác xa nhau, tâm tính thiện ác của mỗi người càng khác biệt. Việc hành xử của các hoàng đế, quân vương lại càng khác lắm, không thể nào tùy tiện so sánh được. Việc ngưỡng vọng công quả hộ pháp, độ tăng, dựng chùa của quốc chủ Vạn Xuân với Lương Vũ Đế chỉ là cái vỏ tạm bên ngoài. Đến khi cái cây tự tách vỏ hạt vươn ra thì không thể nào bắt cây phải chui lại vào vỏ hạt được nữa. Còn như việc ngôi nước của quốc chủ sớm phần nguy ngập không phải lỗi của ngài ấy đâu. Càng không phải lỗi của bách tính thị tộc Vạn Xuân. Đó chính là cuồng vọng đã ăn vào tủy máu của bọn người phương Bắc. Dẫu có là Nam Đế hay Đông Đế, Tây Đế, cũng sẽ đều thế cả. Đó chính là kiếp nạn của những nước nhỏ bên cạnh nước lớn trong suốt tiến trình lịch sử của mình.

Nha van Phung Van Khai di dien da tai Co Loa - Quân vương luận pháp - Truyện ngắn Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai (bìa trái) đi điền dã tại Cổ Loa.

Vị đại tăng lại hỏi:

– Sư phụ nói như thế, vậy chuyện Mâu Tử, Sĩ Nhiếp thì sao? Cũng là người phương Bắc, trong bụng chứa thi thư Khổng, Mạnh, bất luận dòng dõi xuất thân đến kiến văn, cơ trí đều có được từ tinh hoa Trung Nguyên, sao chỉ vài mươi năm xuống phương Nam đã được dân bản địa tôn tước đại sư, suy vọng vương vị, chết còn được nhiều nơi lập đền thờ cúng, học phái của các ngài ấy còn soi tỏ đến hôm nay? Đại sư Mâu Tử còn vạch thẳng những chỗ hàm hồ của giới quan lại, học thuật, tăng chúng, sư sãi Trung Nguyên. Ngài ấy cho rằng, ngay như ngũ kinh của Khổng Tử cũng còn nhiều thiếu sót, nhất định không thể đứng trên các học phái khác. Cũng chính Mâu Tử đã khẳng định, đạo Phật ở phương Nam có trước phương Bắc, từ thời thượng cổ đến khi các vua Hùng lập quốc đã ăn sâu bám rễ trong bách tính thị tộc vững chắc rồi. Mâu Tử đại sư còn dẫn chứng bậc tiên thánh Chử Đổng Tử – Tiên Dung xuất thân ở phương Nam đã được thờ phụng từ ngàn năm. Các ngôi đền thờ vị nữ tướng của Hai Bà Trưng, sau thắng trận xuất gia tu hành càng thấy rõ tâm thế của người phương Nam vô cùng khác biệt với phương Bắc. Các việc ấy sư phụ có ý gì không?

Phùng sư phụ dần dần lấy lại phong thái an nhiên. Ngài hiểu rõ Lý chủ công tuy đã quyết ý xuống tóc tu hành, song tấm lòng vẫn canh cánh nỗi lo dân nước, bèn thong thả nói:

– Những câu hỏi từ đầu của ngài như vậy đều đã được chính đại tăng tự trả lời rồi. Phong tục bách dân ở đâu, đạo pháp liền ở đó. Đạo như gió nước tự biết điều hòa. Phật giáo tới phương Nam ta không chỉ sớm hơn phương Bắc mà còn mềm mại uyên nguyên gần gũi hơn nhiều. Xưa nay, các danh thần, lương tướng, vua chúa phương Nam xuất thân từ đạo Phật chính bởi các ngài ấy xuất gia, nhập thế đều không vì bản thân mình, mà trước tiên đều có nỗi lòng canh cánh với chúng dân như đại tăng đây. Càng phải bôn ba nơi hố gai miệng vực, phật tính người phương Nam càng vằng vặc dưới trời. Đó cũng là tâm ý của Phật tổ.

Đại tăng lại hỏi:

– Ta nay đang gặp lúc khó, lại biết mệnh mình đã hết, việc nước dở dang, lòng người khó đoán thì phải làm như thế nào?

Sư phụ họ Phùng bấy giờ mới thở phào, mỉm cười nói:

– A di đà Phật! Tất đến tất đi. Tất sinh tất diệt. Nỗi lo của đại tăng rồi sẽ tự hóa giải thôi. Người buộc chuông cũng sẽ là người cởi chuông. Người trong một nước ắt sẽ quy tụ tại một nguồn. Có những chuyện hậu sinh sau này sẽ tự biết đường hóa giải.

– Vậy còn mối lo phương Bắc?

– Đã tự ngàn đời. Phương Nam phương Bắc không thể thống thuộc lẫn nhau. Chỉ có thể phân minh độc lập, tự sáng tự cường, muôn đời bên nhau cùng tồn tại mới không phụ đạo trời.

– Còn lân quốc phía tây? Bần tăng thấy vua nước ấy tráo trở khó lường. Dẫu ta thành tâm thành ý, lân quốc mỗi khi bị phương Bắc khống chế xúc xiểm đều tiếp tay cho họ, dùng dao lén kề bên sườn ta. Muốn đạo pháp phát triển phải yên ổn bên trong. Phía bắc, phía tây như vậy, sư phụ không lo đạo pháp khó mà xiển dương được ư?

Phùng sư phụ tươi cười đáp:

– A di đà Phật! Đại tăng đây vấn pháp với bần đạo sao mà quá giống với tâm thế của quốc chủ Vạn Xuân hỏi kế sách quần thần đến vậy? Sư huynh ơi sư huynh! Sư đệ cũng như sư huynh, có giây phút nào dám lơ là việc đạo cũng là việc nước đâu? Thì chính quốc chủ lân quốc phía tây chẳng phải do một tay sư huynh dắt trở lại ngai vàng hay sao? Nếu không có ý Phật tổ, lại sẵn sư huynh đức độ bao dung, chẳng phải ngai vàng Di Lạo bây giờ đã là của thị tộc Kadai rồi hay sao? Nước ấy, ba đại tộc Kadai, Champasak, Khamsai như thế chân kiềng, không thể bớt đi được chân nào đâu. Bởi vậy, chỉ cần Vạn Xuân tự cường, phương Bắc không dám nhòm ngó, tất lân quốc phía tây sẽ thường niên đến triều cống, xin lệ thuộc vào Vạn Xuân, cũng là ân uy phúc trạch lâu dài mà quốc chủ một nước phải biết vậy.

Buoi ra mat sach cua nha van Phung Van Khai - Quân vương luận pháp - Truyện ngắn Phùng Văn KhaiBuổi ra mắt sách của nhà văn Phùng Văn Khai.

Vị đại tăng lại hỏi:

– Vậy còn Lâm Ấp? Nước chúng năm lần bảy lượt bại binh. Thị tộc Bố Đa ôm hận thiên thu, thời ta phải hóa giải như thế nào? Những quận huyện chúng cắt dâng lên làm lễ giảng hòa phải sắp đặt ra sao cho ổn thỏa?

Phùng sư phụ trang nghiêm đáp:

– Thì ra sư huynh vẫn còn quá nhiều điều chất chứa trong lòng, đã mượn kế tạm xuất gia để sát hạch đệ. Chẳng phải còn có Triệu quân sư đa mưu túc kế đó sao? Ông ấy suốt cuộc đời gắn bó với Ái Châu, Hàm Hoan, Cửu Đức, am tường bách tính thị tộc phương Nam, nhất là đối với các thị tộc người Lâm Ấp, ắt sẽ biết cách sắp xếp thỏa đáng. Các vị tướng quân, các vị huyện lệnh khắp châu, quận trong ngoài ải lũy Hoành Môn Quan đang ở độ tuổi tráng niên, không chỉ lão luyện trên chiến trường mà việc quân chúng lương tiền mấy năm nay đã thành thục lắm. Các sĩ lâm thị tộc đều một mực về theo thế nước. Các tiêu cục thủy, bộ; thương hội đông, tây, nam, bắc đều hăm hở làm ăn, tiến tới vùng đất mới chẳng phải là phúc lớn của nước hay sao? Còn như thị tộc Bố Đa ôm hận đều do chúng tự hiếu danh chuốc lấy, vật không phải của mình cố ôm giữ nay tuột mất cũng là lẽ trời không thể trách người khác được. Quốc lực Lâm Ấp suy kiệt, danh tiếng Rudravaman bị vấy bẩn đều là từ dòng dõi Bố Đa thị, hỏi còn trách được ai nữa? Lý chủ công bất tất phải lo nghĩ cho thêm bận.

Phùng sư phụ đàm đạo luận bàn suốt từ sáng tới trưa vô cùng trôi chảy thỏa đáng. Mọi việc từ đông tây kim cổ đến kinh sách, đạo pháp, phong tục, lục nghệ, bên trong, bên ngoài, quân chúng, ân uy khắp cõi Vạn Xuân thảy đều rõ ràng mạch lạc. Thấy Phùng sư phụ đột ngột chuyển gọi ba chữ Lý chủ công, bất giác vị đại sư phía trước mỉm cười nói:

– Đa tạ sư phụ! Trong lòng bần đạo đã sáng tỏ mọi bề. Mọi chuyện từ nay sẽ không quấy rầy sư phụ nữa!

Nói đoạn, đại tăng thong thả đứng dậy bước ra khỏi trai phòng bỏ mặc phía sau đám đệ tử tới nghe hai vị sư phụ đàm đạo đã đông lên tới hàng trăm người và các tiểu đồng đã chuẩn bị đồ chay nơi dãy nhà gỗ sát đầm sen.

Bảy ngày sau, các vị tộc trưởng tới báo với sư phụ Phùng Hiền Anh một tin sét đánh. Sau buổi đàm đạo với Phùng sư phụ, đức vua trở về đóng cửa trai phòng không tiếp bất kỳ ai. Ngài ngự cũng không đụng tới bất kỳ đồ ăn thức uống gì, chỉ im lặng ngồi thiền không nhúc nhích. Tới ngày thứ bảy, dưới sự thúc giục của tám vị tộc trưởng, các quan hầu cận kiên quyết nhấc cánh cửa gỗ sơ khoáng đi vào bên trong trai phòng đã thấy đức vua viên tịch tự lúc nào. Trên người đức vua chỉ khoác một bộ áo vải thô sờn mà ngài luôn đem theo từ lúc rời cổ tự hương Long Đỗ.

Năm đó, đức vua vừa tròn năm mươi sáu tuổi.

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây