Tác giả Đỗ Nhựt Thư

Tác giả Đỗ Nhựt Thư

ĐỖ NHỰT THƯ

Họ và tên: ĐỖ NHƯ THỨC
Bút danh: ĐỖ NHỰT THƯ
Năm sinh: Giáp Ngọ – 1954
Quê quán: Làng Phong Lục, Điện Thắng, Điện Bàn
Nghề nghiệp đã qua: Giáo viên – Quản lý doanh nghiệp.
Hiện nay: Hưu trí
Thường trú: Hội An, Quảng Nam
Email: [email protected]

Sách đã xuất bản:
+ Tập truyện ngắn: Buồn vui một con đường – NXB Hội Nhà văn 2013
+ Tập truyện ngắn: Cái tình là cái chi chi – NXB Hội Nhà văn 2017
+ Bài đăng trên các báo, tạp chí, trang mạng: Non Nước, Đất Quảng, báo Quảng Nam, tuần báo Văn nghệ TP HCM, vanchuongviet, vandanviet, …

 

CÀ KÊ THÁNG BA: TỪ DỤ THÁI HẬU

Tháng ba, mùa xuân vẫn còn vướng vất, lễ hội ken dày, lòng người sôi động.Tháng ba, có ngày 8 làm cho cả giới phụ nữ hình như mạnh mẽ hơn, họ tràn ngập nhà hàng, cũng nâng ly, cũng dô … trăm phần trăm, họ ăn to nói lớn, họ nhìn giới đàn ông với ánh mắt ngày càng rẻ khinh hơn.

Phải rồi, thời buổi dịch vụ lên ngôi, đàn ông thì ôm chí lớn đầy hoang tưởng mà la cà, sáng cà phê, chiều bia rượu, trụ cột kinh tế gia đình chuyển sang tay đàn bà. Chí phải vì trời sinh 2 giống mà khi truyền giống giới đực phải co vòi thua trận mang nỗi nhục đến nổi không dám ngẩng mặt nhìn đối tác, …, thì lép vế một bề là phải.

Hỡi ơi thiên địa. Rối lẫn chăng? Chắc thế. Thử hỏi nhé: Lãnh đạo từ trung cao trở lên toàn thế giới này có mấy mợ? Cầm súng đánh giặc tỷ lệ nữ là bao nhiêu? Thôi đơn giản hơn: Nếu nhà bị dột có vị nữ lưu nào dám leo lên mái nhà trám trét, gặp kẻ ngang tàng hù dọa có mấy bà dám xông pha …

Bữa rượu cuối tuần tháng ba ấy, lại mấy lão hưu ôm đồm chuyện nhân gian nhìn sự đời mà buồn như chấu cắn. Lão Gàn bỗng nổi giọng vui:

–  Truyện Nữ hoàng thuở 40 của ông Hâm vừa rồi đã được tạp chí N. đăng là tốt quá, đó là tiếng chuông cảnh tỉnh dành cho một số quý bà nhầm lẫn về mình. Nhận thức của các mợ mơ hồ quá, nhiều bà không hiểu tâm, tầm của mình ở đâu nên gây bao hậu họa, gia đình bất hạnh. Lão ưu tư: – Ngẫm lại thánh dạy: Phải chính danh, chí phải.

Lão Chảnh cà rỡn: –  Đừng giỡn mấy cha! Mấy cha quên rồi sao? Mở nền độc lập của nước ta sau thời Bắc thuộc là công lao của một phụ nữ đó.

Lơ phụ họa: –  Rồi thì bà Triệu, Ỷ Lan thứ phi, Linh Từ quốc mẫu … Mới đây là bà Bình, bà Định…

Hâm cười hăng hắc: –  Thôi! Thế thì các ông đếm tên đường ở thành phố ta có được mấy bà? Được 5%  không?

Phớt can ngăn: – Tôi xin mấy ông. Thôi, nhân tháng ba tôi kể hầu quý ông chuyện một đức bà mẫu mực làm quà, nhé.

Rượu thì đang dang dở, thời gian thì họ quá giàu, ham muốn tri thức qua buổi cà kê thì quá lớn, họ nhìn Phớt tán đồng và chú tâm lắng nghe.

***

Vào một đêm trăng sáng nhất tháng sáu năm 1810, ở giồng Sơn Quy, Phạm quốc công phu nhân đã hạ sinh một tiểu thư xinh đẹp lạ thường, đó là đức Từ Dụ nổi tiếng sau này.

Từ nhỏ bà đã được cha mẹ nuôi dạy công phu, 10 tuổi đã thể hiện sự thông minh, đảm đang, hiền thục, chịu thương chịu khó học hỏi không chán. Tứ đức: công dung ngôn hạnh gồm đủ, lại ham đọc sách kim cổ, làu thông kinh sử, am hiểu cả về chính trị, văn thơ. Sống với dân làng rất mực hòa nhã, tôn trọng. Tiếng thơm dậy đất.

Năm 12 bà theo gia đình ra kinh đô Huế, chả là Quốc công họ Phạm là một trọng thần được tiên đế giao phụ chính cho đức Minh Mạng đang trị vì, đây là một giai đoạn lịch sử đầy vẻ vang của nước Việt, minh quân hết lòng lo việc nước nên chúng dân ngưỡng vọng mà sống tuân thủ theo phép nước, lệ làng. Một thời độc lập, thái bình thịnh trị đáng ước ao.

Thuận Thiên Hoàng thái hậu, người trực tiếp nuôi dưỡng cháu nội Miên Tông từ lúc sơ sinh. Hoàng tử nay đã 17, bà liền ra công tìm người xứng đáng hầu hạ ngài, xem xét bao cô con gái của các quan đại thần trụ cột, bà nghe danh tiếng thông tuệ, đoan chính của Phạm thị, cho người tìm hiểu thực hư và hoan hỷ cho đón tiểu thư  mới 14 tuổi về bầu bạn cùng hoàng tử trưởng.

Thái tử Miên Tông lên ngôi hiệu là Thiệu Trị, bà được vua yêu thương tôn trọng phong là Đệ nhất Giai phi, được buông rèm ngồi nghe chính sự và sau buổi thiết triều được góp ý với vua, có những việc vì lời bàn hợp đạo lý của bà mà vua phải thay đổi quyết định. Lạ lùng thay, một vị vua hiếm có từ cổ chí kim. Xã tắc, chúng dân nhờ bà mà âu ca lạc nghiệp, công lao như trời biển một thời.

–  Và bà là mẹ của vua Tự Đức. Phớt nhấn nhá.

–  Ừ, chuyện này nhiều người biết. Lơ tiếp lời: – Lịch sử viết nhiều về ông vua đầy trách nhiệm và hiếu thảo này, quyển “Từ huấn lục” do đích thân vua ghi chép lời dạy của bà vẫn còn lưu giữ.

–  Này các ông! Nhà vua cũng lạ, có lỗi nên dâng lên bà cây roi mây còn ngài nằm xuống chịu đòn, tôi khó tin quá, ông trời của một nước mà. Lão Chảnh vân vi.

Hâm chậm rãi: – Còn chuyện sinh hoạt của bà lại là chuyện xưa nay hiếm, là mẹ vua gần như muốn gì được nấy mà bà lại sống rất cần kiệm. Một lần vua vào chầu mẹ thấy cái đãy đựng kính cũ mềm, nhiều chỗ đã sứt chỉ trông thật nghèo nàn, nhà vua đề nghị xin thay nhưng bà không chịu. Lão chậc lưỡi: – Còn việc này thì khó ai dù nghèo mà làm được: Bà cho cung nữ dồn sáp nhiễu để sau này đúc lại thành cây đèn sáp mới. Mẹ ơi!

Bần thần một lúc rồi lão rẻ rọt: –  Bà thường nói:  “Một sợi tơ, một hạt lúa cũng là máu mỡ của dân, không nên phung phí. Châu báu, gấm vóc tiến nộp ta cho nhập kho làm của chung.”

Gàn sôi nổi tiếp: – Nhân ngày ngũ tuần, vua Tự Đức và quần thần dâng sớ thỉnh tấn tôn, bà dạy, đại khái rằng: “Ta đã được thiên hạ phụng sự thì nên lo những việc thiên hạ đương lo, năm nay không được mùa dân chưa vui là việc Hoàng đế nên lo, còn ta vốn cần kiệm chẳng chuộng phù hoa, gia thêm hư danh chỉ làm tổn đức, nên bỏ.”

Cả bọn đắm chìm trong tôn kính, không gian tỉnh lặng. Bỗng Châu con lão Hâm nãy giờ ngồi trong nhà đọc sách bước ra: –  Xin phép quý sư phụ. Còn việc quan, đức bà dạy thế nào ạ?

Lão Hâm nhìn con khó chịu vì sợ bạn bè chê trách, Lơ bỗng cười xòa:

–  Hay! Câu hỏi rất hợp thời. Chú xin trả lời, bà thẳng thắn phê phán tệ tham ô chức quyền trong triều chính và các địa hạt. Bà nói: “Từ xưa đến nay, quan lại chỉ một chữ tham mà chưa trừ được. Mọt nước hại dân cũng từ đó mà ra. Làm quan mấy năm vị nào cũng giàu có gấp bội. Của ấy không lấy của dân thì lấy ở đâu? Nên phải quyết trừ.”.

Lão Gàn tiếp: –  Bà phê phán gắt gao kẻ dựa vào quyền thế gia tộc của bà để cầu vinh, hoặc che chở kẻ phạm pháp. Bà cũng bảo vua Tự Đức rằng: “Ngưòi trong dòng họ chớ lo việc không được làm quan, phải chuyên cần học hỏi, thi đậu làm quan đem vẻ vang cho gia tộc; chỉ lo là bất tài mà thôi. Ngoài ra, kẻ làm điều trái phép, Hoàng đế nên triệu về kinh, nghiêm trị để làm gương cho người ta biết”.

Châu khiêm nhã: – Và bà cũng rất tôn trọng các vị trung thần như Khâm sai đại thần Võ Trọng Bình, Tham tri Phạm Phú Thứ, Phụ chính Nguyễn Tri Phương. Bà nói: “ Nếu được nhiều người như thế là phúc của xã tắc, Hoàng đế chỉ cần bổ dụng mỗi tỉnh một vị quan đầu tỉnh có tài đức thì việc nước sẽ tốt đẹp biết bao”.

Lão Chảnh tưng tửng: – Tôi đố các ông biết chuyện bị đày của Phạm tham tri đó?

Mấy lão ngẩn người lục tìm trí nhớ rồi đành chịu. Chảnh đắc ý: –  Phạm đại quan đang ở tòa Kinh diên, khẳng khái trách vua xao nhãng việc chính sự, ngài ngự giận tái mặt, vì ngài vốn quá lo việc nước lại thể chất yếu kém nên thường bị ốm mệt – bị bọn xu nịnh dèm pha ngài bèn giáng ông ra làm sai dịch ở Trạm Thừa lưu. Đức bà biết được khuyên rằng: “Làm quan mà dám can gián cái sai của vua ấy là bậc tận trung. Ta hỏi vương: “Ông Phạm làm lính có buồn không?” Tự Đức sẽ sàng: “Thưa, ông ấy còn tỏ ra vui vẻ”. Bà dạy:  “Vương thấy không, người trượng phu không phải vui ở chức tước mà là vui ở những việc làm chân chính”. Ngày sau vua thăng ông làm Tham tri bộ Hình. Hà… hà…

Cả bọn không ai bảo ai cùng nâng ly nốc cạn và cùng hà một tiếng, hồn như nhập về thời buổi ấy, lòng ai nấy nhẹ tênh.

3/ 2014

 

BÀ CHÚA VỰC VUÔNG

Truyện dã sử

Nhìn hai đệ tử nam nữ của mình đẹp như ngọc, mắt vương tình ý, bu bám học hành, vui đùa với nhau ngày ngày, Nguyên Thủy Thiên tôn biết chúng lòng trần chưa dứt, chọn ngày lành tháng tốt, nhìn cửa tử sinh, đến dịp Trung nguyên bèn đày xuống hạ giới để chúng trả cho đủ nợ. Cũng ngày đó Thiên tôn bấm độn biết 2 đệ tử thân cận của Thông Thiên giáo chủ bên Triệt giáo thường theo sư tổ qua lại đàm đạo với ngài cũng sa hạ giới. Ngài khẻ thở dài: – Thiện tai! Thiện tai! Vội sửa soạn phong tư Thiên tôn đằng vân vào Linh Tiêu bảo điện cáo bạch Ngọc đế.

Đêm vọng mạnh thu năm 1560 phủ Văn Phái hầu Nguyễn Quyện bỗng sáng rực, hương thơm ngào ngạt, nhị phu nhân Mạc thị chuyển dạ –  bà là người mà vua Mạc đã gã cho ông năm ông 47 tuổi, sau khi cha ông – Thư quận công mất, ông rời Thanh Hoa bỏ nhà Lê về lại với nhà Mạc theo lời biện giải của tôn sư Trình Quốc công: – Chuyện An Thành hầu Nguyễn Kim phao Lê Ninh là con của Lê Chiêu tông để dựng Ninh lên làm vua năm 1533 có nhiều nghi vấn, năm 1516 là năm đầu Lê Chiêu tông, Ninh sinh năm 1514 thì tại sao có lời đồn mẹ Ninh gặp Chiêu tông khi người bị Mạc Đăng Dung giam lỏng ở vùng Đông kinh thành mà thụ thai Ninh? Lại những giai thoại lan truyền về chân mạng đế vương sao mà mơ hồ quá.

Nhị phu nhân lâm bồn sinh ra một tiểu thư diễm lệ khác thường, cô khóc 3 tiếng, cười 3 tiếng lại  ré 1 tiếng thảng thốt rồi nín bặt, mắt mở to nhìn quanh lạ lẫm.

Nguyễn công vào thăm, nhìn con gái, lật cánh tay con thấy hằn sâu lằn chỉ tiên sa, mở bàn tay phải ông giật nảy mình rồi thở dài vội bảo người hầu lên hương đèn cảm tạ đất trời tiên tổ.

Tính khí khác thường, năm 13 tuổi Nguyễn tiểu thư nằng nặc đòi cha dạy võ, đêm đêm nghiền ngẫm binh thư, còn đường thi thư cũng nổi tiếng văn hay chữ tốt.

16 tuổi nàng được vua Mạc gia ân đặc cách cho vào học trường Quốc tử giám vốn chỉ dành cho nam giới, sau 1 lần gặp gỡ khi nàng ghé thăm chị là đương kim hoàng hậu. Nhà vua trẻ được hậu tâu bày, lại thấy nàng xinh đẹp ngây thơ vua như mê mà nên việc. Ở trường Giám, như duyên tiền định nàng gặp Bùi công tử con quan Ty thừa Chánh sứ Hưng Hóa, đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân – họ quyến luyến nhau như bóng với hình. Lạ một điều Bùi cũng sinh cùng đêm thu năm ấy, tướng mạo tuấn tú đường đường, văn võ song toàn lại tài cao trên nàng một bậc.

Quan Tế tửu ngạc nhiên khi bắt gặp Phan sinh cũng mê đắm nàng ra mặt và luôn hằn học hơn thua với Bùi công tử, ông càng kinh ngạc khi thoáng bắt gặp gương mặt ngờ nghệch của nhà vua trẻ nhìn Nguyễn tiểu thư khi ngài dạo này không hiểu vì sao hay đến thăm trường.

Nghe rằng thời buổi ấy, nhà Mạc thay nhà Lê làm vua từ 1527, thì 6 năm sau Nguyễn Kim lo việc  trung hưng, lập Nam triều Lê Trang tông ở vùng Thanh Hoa, gây nạn nồi da xáo thịt trong cuộc chiến Nam Bắc triều, xã tắc điêu tàn, chúng dân như con cờ mặc sức vần xoay, nghèo đói, chết chóc khắp đất Đại Việt. Hai bên đều ham hố quyền lực, lợi danh, ra sức thu hút nhân tài, vật lực, mọi việc không còn chính đính, chức tước công hầu thụ phong dễ như bỡn.

***

Theo lệnh vua, Nguyễn công đưa quân vào trấn thủ vùng Trường Yên – Ninh Bình chặn đường ra bắc của quân nhà Lê. Hôm nay ông gặp chuyện khó xử, việc hôn nhân của cô gái yêu đáng bậc nữ lưu hào kiệt mà ông cho cô theo  bàn việc quân trong trướng gấm. Cô yêu thương và xin cha cho được lấy Quận Mỹ Bùi tướng quân, còn ông …

Ông biết Quận Kế họ Phan kia không tốt đẹp gì nhưng ông sợ miệng lưỡi của hắn, hắn lại nắm được chuyện cơ mật của ông, hắn mà dèm tấu thì cả nhà ông đi đứt, nhà vua vốn ham chơi, xa xỉ, nhu nhược trước đại thần nắm quyền bính, họ lại chia bè kéo cánh đánh nhau loạn đã. Nay là quận công nhưng mai kia bị chém là thường. Nghe cha kể chuyện này tiểu thư thấy đắng lòng, bên tình bên hiếu, nhìn ánh mắt buồn bã của con ông thở dài ray rứt.

Bỗng quân túc vệ vào: –  Bẩm tướng quân! Có đoàn kỳ hào của vùng Trường Yên xin vào gặp có việc khẩn cần thưa trình.

… Đoàn khách vội lui gót sau khi đã bẩm báo sự việc theo lệ làng và được ông hứa sẽ xem xét giải quyết. Vốn dòng dõi nho gia ông không tin vào việc thuồng luồng đòi vợ, mỗi năm dân làng phải cúng tế một gái đồng trinh để tránh hiểm họa  chết người khi qua Vực Vuông, chẳng qua vực đó đá dựng bốn bề, khi lũ dồn về tạo vùng nước xoáy dữ dằn làm lật thuyền và người bị nạn không đủ sức vượt qua, bị nhấn chìm mất xác, còn thuồng luồng kia chẳng qua chắc chỉ là con chình lâu năm thành tinh thỉnh thoảng lượn lờ kiếm mồi. Nghe kể dân làng khốn khổ vì nạn này từ lâu, bọn kỳ hào hù dọa; ép uổng đổi người để kiếm chác tư túi, lễ lạt xa hoa, dân nghèo bị áp bức như nghẹt thở, thảo nào mà loạn lạc khắp nơi.

Nguyễn tiểu thư nói như reo: –  Thưa cha! Con có cách này vừa giúp dân vừa giải quyết việc hôn sự của con. Cha lệnh cho hai Quận giải quyết nạn này cho dân, ai thành công thì cha gã con gái cho người ấy.

Nguyễn công nhìn con thở hắt một hơi như trút được gánh nặng:

–  Hay ! Con gái ta quả là bậc nữ lưu hiếm có. Và … –  Nguyễn công nhìn con gái đầy yêu thương: – Và với tài trí của Bùi quân lại được gái cưng của ta giúp sức thì chuyện dời non lấp bể chỉ là việc nhỏ.

Hai tay cô đấm lưng cha lộp bộp, nhỏng nhẻo: –  Cha!

Bá tánh vùng Trường Yên hoan hỉ ngất trời, nhờ tài trí của Bùi tiểu tướng đã giúp họ thoát cái nạn thảm sầu hàng trăm năm: lần lượt nộp con gái mình làm vật tế thần, cung phụng lễ cúng theo lệ làng. Họ sụp lạy Bùi như thánh sống.

Nghe họ kể: Bùi, Phan và cả Nguyễn tiểu thư đã nhiều lần lao xuống dòng xoáy Vực Vuông tìm giết thủy quái, Phan suýt chết nên đành bỏ cuộc. Bùi như rái cá, bơi vòng vào tâm xoáy lặn xuống mất hút, ai nấy đều hồi hộp âu lo, lúc lâu lại thấy Bùi nổi lên dưới vực xa lơ lắc.

Ba ngày sau đạo quân của Bùi đã ra tay chỉnh sông trị thủy, họ đào đất làm hỏng chân, đục néo dây kéo, bẩy xô ầm ĩ khiến những tảng đá phía dưới vực ngã nhào nằm chìm dưới làn nước dữ, dòng nước mất khu đá cản trôi phăng về xuôi, xoáy nước gần như giảm hẳn sự dữ dằn vốn có.

Ngày thứ 49 Bùi miệng ngậm dao găm, lưng mang mồi câu lặn xuống vực sâu, dây câu giao cho đội quân lực lưỡng néo giữ, lặn ngụp độ nửa canh giờ thì thủy quái mắc câu, nó vùng vẫy dữ dội khiến quân lữ ngã nhào, may mà có Nguyễn thị kịp thời chỉ bày cách câu giữ, Bùi chờ và áng chừng thủy quái đã mất sức, nhào xuống dòng nước, nhanh như rái cá chém mấy dao, thế mà quần thảo cả canh giờ nữa Bùi và sĩ tốt mới lôi được thủy quái lên bờ sông rồi ngất.

Thân to bằng đầu, dài cả mấy trượng, răng dài nhọn như chông, ai nấy đều le lưỡi. Một đống xương người trước cửa hang cũng là tâm xoáy vực Vuông.

… Nguyễn tướng công buồn bực bàn giao chức quyền cho Quận Kế Phan để về Thăng Long cho triều đình đàn hặc theo lệnh chỉ, vì có sớ tâu của bọn kỳ hào địa phương do Phan xúi giục, vu Nguyễn công lộng quyền, tự ý phá bỏ phong tục của dân làng.  Dọc đường về kinh bách tính vùng Trường Yên bỏ việc quỳ lạy, khóc như cha chết.

***

Nhớ ngày sinh tam thập niên của bào muội, Nguyễn hoàng hậu mời Bùi phu nhân về kinh chiêu đãi. Cung điện vàng son lộng lẫy, cảnh đẹp tuyệt trần. Tiệc mừng bày từ giờ dậu, nem công chả phượng thừa mứa, tỷ muội tâm sự muôn phần vui vẻ.

Trăng lên, giát vàng cảnh vật, mê đắm lòng người, nàng chợt chùng lòng nhớ đến chồng, đang là Sơn quận công trấn thủ Nam đạo đang ngày đêm lo toan, vất vả canh phòng. Tướng sĩ xơ xác, thiếu ăn, mất ngũ vì quân Nam triều do Đô thống Tiết chế Trịnh Tùng liên tiếp chiến thắng và đang gây áp lực đến tận Ninh Bình .

Đang vui thì nhà vua đến, thấy nàng dưới trăng đẹp ngời ngợi, ảo huyền như tiên nữ, ông như đông cứng. Một sự thu hút như từ tiền kiếp bật mở, nó mê hoặc dẫn dụ ông vào cõi vô thức. Mặc cho hoàng hậu nhiều lần nhắc khéo nàng là bào muội, là phu nhân của Bùi quận công, một tướng tài và là trụ cột của triều đình, nhà vua đều bỏ ngoài tai, bắt nàng hầu chuyện gần như suốt đêm và ra lệnh giữ nàng ở lại kinh đô để cùng vua đàm đạo.

Càng gần nàng vua Mạc như càng mê đắm. Là vua thì có toàn quyền sinh sát, mọi thứ trong vương quốc đều là của nhà vua, lại hưởng lạc quen thói, ông ta muốn chiếm đoạt nàng. Bao lần tâu bày cầu khẩn, nàng xin vua hiểu tình yêu son sắt của nàng với Bùi tướng quân không thể đổi dời. Nhà vua trẻ nỗi lòng lang dạ sói, dự định gọi Bùi công về triều tìm cách sát hại để chia loan rẽ phụng. Hoảng sợ và đau đớn, nàng nhờ chị tính kế cứu thoát, đang đêm tế ngựa về dinh Nam phi báo. Bùi quận công cùng hiền thê dẫn đoàn quân thiện chiến của mình chạy vào vùng Gia Viễn về hàng vua Lê.

Chúng dân cười rằng vì chuyện ấy mà 2 tháng sau quân nhà Lê với sự góp sức của Bùi tướng quân đã đánh cho quân nhà Mạc thua tan tác, vua Mạc bỏ kinh thành chạy về Kim Thành, cùng đường vào chùa giả sư vẫn không thoát, cuối năm thì bị bắt, xin 1 bình rượu, uống xong cảm thán:

–  Nghiệp chướng quá sâu! Nay cầu làm một người dân thường, cũng không thể được. Tội lỗi chỉ vì tổ tiên đã làm sự giết vua cướp ngôi, đến nổi con cháu ngày nay phải mắc tội nặng như vầy.

Đúng 20 chu kỳ từ đêm mê đắm mỹ nhân, may nhờ Trịnh Tiết chế rủ lòng thương cảm, thoát tội lăng trì chỉ bêu sống 3 ngày rồi bị chém tại bãi cát Bồ Đề, thủ cấp đem bêu ngoài chợ răn đời.

Cũng có nhiều người xót xa là vua chết quá trẻ, mới hơn 30, lạ một điều là ông cũng sinh đúng vào ngày vọng mạnh thu năm 1560. Lại nghe khi bị chém từ cổ vụt ra một luồng hắc khí bay về phương tây.

***

Bùi phu nhân ngất đi khi đức lang quân – Bùi quận công bị một mũi tên bắn lén trọng thương rồi mất, tình yêu vô lượng, nỗi kính trọng, tài kiêm văn võ của chồng là sự thiêng liêng của riêng nàng, nỗi đau như đứt cả ruột gan. Cố nén đau thương nàng gượng dậy, thề trước linh cửu của phu quân là sẽ tìm kẻ ác tâm sát hại người mà trả thù rồi chết theo chồng mới thỏa tấm lòng trung trinh tiết liệt của nàng.

Nghe lời ly gián của Thái uý Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng muốn tìm cơ hội chạy về vùng Thuận Hóa, lại bị Trịnh đô vương bạc đãi, trong triều vua Lê chỉ là hư vị, Bùi; Phan bỏ nhà Lê về hàng Mạc, định đến Trường Yên lập cứ địa lại xảy ra thảm cảnh này. Vực Vuông! Sông Hoàng Long! Định mệnh chăng?

Phan ! Chính hắn ! Nỗi mê tình truyền kiếp, sự thua thiệt triền miên sinh lòng oán hận ngút trời, từ ngôi trường Quốc Tử giám đến trị thủy Vực Vuông, những trận đánh đẫm máu, đến chức tước cao thấp trong hàng tướng lĩnh trong triều, rồi sự trọng thị của vua quan tướng sĩ. Bùi quận công lúc nào cũng công thành danh toại. Còn hắn? Mũi tên bắn chồng ta từ tên Đô lực sĩ hầu cận Phan – người châu Quảng Nguyên kia sao dấu nỗi ta?

Trong lễ cúng thất tuần trang trọng, hắn cũng đến vái lạy, những giọt nước mắt cá sấu kia làm sao che mắt ta. Sau đó hắn lại tỉ tê mong muốn cưu mang ta trong lúc lưỡng đầu thụ địch, nguy hiểm bủa vây. Nhìn ánh mắt si mê của hắn ta biết. Nhìn đoàn thuyền tiền hô hậu ủng, giáp sĩ vây quanh hắn phòng bị cẩn mật khiến ta không thể manh động. Ừ, thì ta tương kế tựu kế vậy, giả bộ bi thương cùng đường sịnh tồn đang chơ vơ trôi dạt, nhưng cũng phải chầm chậm để điệu hổ ly sơn.

Đêm vọng trọng thu sông Hoàng Long đẹp huyền hoặc, sóng chấp chới ánh vàng, sương lạnh. Thám binh về báo Nguyễn thị ăn mặc rỡ ràng, chỉ có 10 thị tỳ  trên thuyền kết hoa nhã nhạc, Tiết chế tự phong Phan vội đến theo ước hẹn. Nhìn quanh thấy yên tâm, Phan sà vào bàn rượu, mới vài chung giao đãi đã loạn trí cuồng tâm, u mê cho thuyền mình lui về theo lời yêu cầu ngà ngọc của mỹ nhân mà y cả đời mê đắm. Thuyền hắn vừa khuất bóng cũng là lúc hắn bị thân binh đóng giả thị nữ trói bó rọ, Bùi quả phụ đanh thép tuyên cáo tội lỗi tày trời của hắn, ú a ú ớ đến khi Nguyễn thị phạt một nhát kiếm sắc. Một làn hắc khí từ cổ hắn vụt lên về phương tây, Nguyễn thị xây xẩm mặt mày.

Đem thủ cấp kẻ sát nhân về tế chồng, dặn dò các con quay lại phò vua Lê, Bùi quả phụ gieo mình xuống Vực Vuông trẫm mình tử tiết. Sĩ tốt đang than khóc bỗng lạnh người khi vừa hết giờ hợi có một luồng bạch quang từ mộ Bùi tướng công  bay đến vòng theo dòng xoáy, từ dưới nước vụt lên 1 luồng bạch quang pha sắc hồng bay song đôi, đúng 7 vòng chúng thong thả bay về phương đông mất dạng.

Bá tính nhớ công lập đền Vực thờ Bùi quận công và phu nhân, tôn vinh bậc nữ lưu  đất Việt, xinh đẹp, tài giỏi, trung trinh, tiết liệt là Mẫu của xứ. Đền có tiếng linh thiêng, Mẫu Thoải thường cứu giúp chúng dân nghèo khổ, trước ban thờ nổi bật biển đại tự vua ban:  TIẾT  LIỆT  TRUNG  TRINH .

***

Khoảng 400 năm sau, dịp lễ tế xuân làng Phong tổ chức kỵ Mẫu long trọng. Một đoàn hình như là nhóm khảo cứu văn hóa dân gian về cố đô Hoa Lư, ghé thăm đền Vực Vuông, nghe các già làng kể lại sự tích, có cô gái trẻ môi son tím nghét đấm vai bạn trai, mắt lúng la lúng liếng:

–  Dân còn mê tín quá anh há? Lão nhà em cũng vì thế mà hâm hâm nên em được cùng anh đi rong chơi khắp xứ . Đời vui cực. 

25/10/2013 – xcLL

 

BẠCH CA NƯƠNG  

Trời đất đang xuân, thứ mưa bụi đặc hữu xứ Bắc lất phất bay, kinh thành  Thăng Long chìm trong hư thực, cảnh đẹp mê hồn khiến lòng người thêm say đắm, các văn nhân cảm cảnh phóng bút viết những bài tuyệt cú lưu truyền thiên hạ.

Một chiều, năm Bảo Thái thứ ba thời Lê Trung hưng, sau đêm ca trù trong những ngày hội xuân làng Dó, nhóm nho sinh trường Hương cống Lê tụ hội quán lão Gàn gần đó dụng tửu. Chiều nay họ uống tràn cung mây khiến lão phải dè chừng, khẻ nhắc: –  “Đa tửu bại tâm” đó, thưa quý nho sinh. Hà … hà…

Nguyễn sinh bỡn cợt: – Thúc thúc! Vương tiên sinh chẳng có câu: “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu” sao? Thúc thúc chớ quá lo, bọn tiểu sinh không đến nỗi phải cầm áo như Đỗ thánh thi đâu.

Trần công tử mặt còn buồn bực gạt ngang: –  Tức vỡ mật. Chư huynh thử coi. Đệ cầm chầu mà Bạch nương còn ngạo mạn thế, câu hát diễu: “ Ông nghè ông cống ở đâu? …”  lại xuống phách khô khốc, điếng cả người. Ả thân phận đào nương, phường xướng ca vô loại mà sao lộng ngôn, không coi ai ra gì cả?

Phạm sinh nhấn nhá: –  Ừ thì Bạch nương là phận xướng ca mà sao thiên hạ cả vùng ta ngưỡng mộ đến thế? Đêm qua hầu như cả làng đến xem kìn kìn, cả lão nông, cả bọn ta… Hề …hề… Thế thì lời ca tiếng nhạc nó quyến rũ kinh người thật chư huynh ạ.

Trần pha ngang: –  Mà sao Bạch nương bỗng lả người khi thấy gã áo rách ấy nhỉ?

– Giận điên lên được. – Nguyễn tiếp lời: –  Một kẻ ly hương đói khổ từ xứ đồng chiêm nghèo khó, may nhờ sư phụ ta thương tình nuôi dạy mới ra người. Không hiểu sao mà nó học giỏi dường kia. Át cả chư huynh đệ danh gia vọng tộc vùng ta.

Bực thật.

Nguyễn nâng ly rượu nốc cạn, cả bọn như vô thức làm theo. Im lặng.

Lão Gàn nãy giờ theo chuyện, giọng vang chắc nịch:

–  Mấy nho sinh! Sao thế? Không rõ thiên mệnh à? Học rộng như quý công tử mà không nhớ việc vua Lý Thái tổ ta dựng nghiệp lớn sao? Bài năm, thiên mười hai Luận  Ngữ, Tử Lộ viết lời thánh Khổng:“Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên” đó. Hà … – Lão lườm lườm nhìn mặt từng người: – Thế đấy. Cũng có lúc những kẻ tiểu nhân tranh đoạt chính đạo rồi sẽ phải trả giá, các ngươi chú tâm sẽ thấy.

    Rồi tiếp: – Lão nghe chuyện lạ. Cồn Thiêng trước nhà Võ đêm đêm có tiếng học bài nhưng khi sinh hắn ra thì bặt tiếng. Võ Thân tướng mạo tuấn tú, thần thái khác người, hiềm nỗi nhãn quang nhu thuận, chỉ đến bậc á khanh.

Cả bọn nín lặng thẹn thò vì đã mang tiếng đứng đầu trong tứ dân mà tâm trí còn  nông cạn, nhỏ nhen, lý số non kém thua cả lão quán.

Trần nói nhỏ giọng bướng bỉnh: –  Cứ cho là thế. Được!  Để ta cho người theo hắn thử xem.

***

Cũng đêm ấy, đã canh ba rồi mà Võ Thân còn thao thức. Từ đêm qua Võ như sống trong mây, lơ mơ làng màng, đầu óc luôn tơ tưởng đến hình dáng ấy, cơm chẳng thấy ngon, nước nhấm chiếu lệ, đến trường mà chẳng thu nhận được một lời dạy nào của ân sư. Sau phút giao hội sáng lòa làm thân tâm rúng động của đôi mắt hai bên, nàng bỗng lạc giọng ca, rồi ú ớ, mặt tái dần rồi như bị ngất, giáo phường vội dìu nàng vào hậu đình, còn Võ phải níu lấy thân cột mới vững… Mở kinh Thi cũng thấy ánh mắt ấy, định tâm; điều khí, lật kinh Lễ vẫn không xong, Võ thở dài vào sàng nằm mặc cho đầu óc lan man suy tưởng.

Ta vốn ham học, chẳng may thân mẫu mất sớm, kế mẫu quản lý điền viên sinh lợi nên lạm quyền hà khắc, phụ thân lại nhu nhược. Ngày ta bái tạ ra đi, người rơi nước mắt chỉ dặn một câu: “Con cung mệnh công khanh. Ra Thăng Long tự lập thân rồi có cơ lập danh. Phải giữ lễ nghĩa liêm sỉ. Cả đời ta buồn là chẳng giúp được gì cho con. Hãy bảo trọng.”

May mắn ta được  ân sư  đoái thương nuôi dạy, mới 2 năm đã tiến bộ vượt bậc, có tiếng một vùng. Chuyện tình cảm ta cố ép mình nén chịu để toàn tâm lo việc học lập danh. Giờ đây ta sao thế này? … Thấy đồng môn xôn xao đêm hội, xuýt xoa khen ngợi Bạch ca nương, nào gương mặt xinh đẹp lạ thường, nào dáng hình kiều diễm, nào giọng hát liêu trai … Họ xao nhãng việc học chờ xem đêm hát với lòng nôn nao lộ liễu làm ta tò mò tìm đến.

Bận một bộ đồ nâu cũ, Võ đứng nép bên cột đình nhìn trộm đào nương. Và Võ như bị sét đánh khi thấy nàng, đúng là trang quốc sắc, chàng nhìn nàng say đắm như chỗ không người, Võ như bị mộng du lần bước đi về phía nàng, nghe tiếng la thét của người bị Võ chen ngang, nàng nhìn xuống. Và bốn mắt gặp nhau chói lòa duyên nợ.

Vũ đau đớn, tự sỉ vả mình, bức tóc nhéo tai mong cho tỉnh trí. Chiều nay chàng đã chạy như điên đến bở hơi tai rồi nhảy xuống dòng sông lạnh bơi một mạch để mong thoát khỏi cái dáng kiều ám ảnh ma quái đó, nhưng không xong. Ghê gớm thay cho mãnh lực ái tình, hay thật cho sự trêu ngươi của tạo hóa.

Nàng! Nàng chỉ là đào nương, phận xướng ca vô loại. Danh phận gì kia chứ? Gia phong lễ giáo gì kia chứ? Ta! Một nho sinh tài cao đức độ, văn chương thi phú vang danh, bảng vàng đang đợi, tài chấm ngôi Tiến sĩ .

Mà ngẫm lại… Nàng cũng là con người, lại có tài sắc, về sắc đã có câu thơ ca ngợi: “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng”. Mỹ nhân cũng hiếm như danh tướng, trời sinh họ như để giành cho nhau. Còn xướng ca thì có tội gì. Họ có làm gì nên tội? Đường Minh Hoàng còn mê mẩn Dương Quý phi qua điệu vũ Nghê thường kia mà. Thật phi lý. Và tại sao thiên hạ tranh nhau xem họ hát ca? Mà lời ca tiếng nhạc kia mới huyễn hoặc làm sao. Nó ru ta vào cõi mộng yên bình, nhẹ nhõm, nó nói thay ta những điều mà ngôn ngữ bất lực. Ơi cao xanh.

Dãy phòng lưu trú dành cho đệ tử nghèo khó của Hương cống Lê nằm sau ngôi trường, trong phòng của Võ đồ đạc tuềnh toàng, ngọn đèn dầu lạc leo lắt, bỗng có tiếng gõ cửa sẽ sàng, Võ tưởng chú cẩu nghịch ngợm nên nằm im, tiếng gõ cửa mạnh hơn, Võ ngạc nhiên tợn: Ai nhỉ? Hai năm ta ở đây không đêm nào có khách. Ma chăng? – Nghĩ đến những chuyện liêu trai, cáo thành tinh trêu ghẹo thư sinh Võ thoáng ớn lạnh, ngập ngừng ra mở cánh phên tre. Một dáng nữ nhi yểu điệu, Võ như sụm xuống. Tiếng êm như gió thoảng: – “Võ huynh! Thiếp đây! Bạch Hương đây ”. Võ sững sờ , thối lui mấy bước, lúng búng: – “Là … là….. nà…nàng …” .

Bạch nương thong thả bước vào, thoáng nhìn quanh rồi nàng khẻ thở dài, chàng nghèo khổ quá, thật tội, nhưng tướng mạo đường đường của bậc công khanh kia, văn tài nổi danh trấn Tây Thăng Long thì ai cũng biết. Ta! Một đào nương tài sắc vẹn toàn, một danh ca cũng nổi tiếng vùng kinh Bắc, dòng dõi bà tổ ca trù Bạch  Hoa danh tiếng, có kết duyên Châu Trần với chàng thì cũng được chứ sao? Thân phận ta bị xã hội rẻ khinh, còn chàng vì nghèo mà thiên hạ cũng xem thường, lại càng có cơ gá nghĩa. Ta có sai trái gì đâu, theo giáo phường đi hát, được bách tính tung hô, trọng thưởng, cuộc sống thong thả, sau đêm hát ta về nhà cô cô, ngàn vàng nguyên khối, lắm kẻ phú hào mong cưới làm thiếp, bọn công tử rửng mỡ kia thì ta cạch. Ta giai nhân, chàng khanh tướng, long phụng hiệp hòa, tương lai rỡ ràng. Ta không thoát phận nhi nữ thường tình, không bạo dạn tìm kiếm tấm chồng thì sẽ một đời héo úa… Mà chắc là thiên định chăng? Ta đã mong ngóng chàng, chàng nào biết. Và chỉ một lần nhìn thấy nhau đã như tiếng sét ngang tai, rúng động châu thân, ta như ngất khi thấy chàng mụ mị chăm chắm nhìn ta. Ngàn lạy ơn trên cho con được có chàng, dựa bóng tùng quân để không phí một đời quần hồng tài sắc.

Thấy Võ Thân lúng ta lúng túng nàng kéo ghế phân đôi chủ khách: – Võ huynh! Mời thiếp ngồi với chứ?

Võ sực tỉnh lập cập: –  Mời ngồi …., mời cô nương ngồi tạm.

Cầm ấm trà  rót chẳng đủ một chén con Võ ngượng ngùng: – Bạch cô nương  … uống nước.

Nàng cười khẻ, đôi môi đẹp như  hoa hàm tiếu, dưới ánh sáng lờ mờ nàng như tiên nữ giáng trần: – Vâng! Cảm ơn chàng, xin chàng  đừng quá bận tâm.

Họ lúng túng liếc nhìn trộm nhau, tình như chín dần, lòng hân hoan rộn ràng, nỗi vui ngập tràn trời đất.

–  Võ huynh! Chàng vẫn khỏe?

–  Ừ … à… Ngu huynh cũng khỏe. Còn nàng? – Võ mạnh dạn nhìn thẳng vào mặt nàng đầy âu yếm.

Nàng ngượng ngùng: – Cảm ơn chàng, thiếp đã khỏe.

Họ lại im lặng, cái lặng thinh toàn hạnh của sự giao hòa âm dương viên mãn, Võ tay chân lóng ngóng thừa thải, khi chống tay, khi xoa cằm, còn nàng xoay xoay chén trà như nương tựa vào giới hữu hình trong lúc hồn phách phiêu linh. Bao nhiêu điều muốn nói với nhau giờ trốn biệt, thỉnh thoảng họ liếc nhìn nhau rồi cười gượng gạo, lòng đầy bối rối.

… Tiếng gà o óc gáy báo đêm đã quá khuya, nàng choàng tỉnh, lục tay nải lấy ra một túi gấm đặt lên bàn:

–  Võ huynh ! Thiếp đã nghe về chàng, nay gặp gỡ như là duyên tiền định. Biết chàng rất khó khăn trong việc dùi mài kinh sử, thiếp vốn thong thả, vậy mười quan tiền này gọi là lo cho chàng trong cơn túng bấn. Chàng chớ bận tâm. … Đôi ta đầy duyên nợ. Thiếp về đây… Mong chàng mã đáo công thành.

Nàng vụt đứng lên bước ra khỏi cửa, Võ mụ mị theo. Nàng  yên lặng nhìn chàng với đôi mắt đầy yêu thương trao gởi, trong vô thức Võ nắm lấy tay nàng, hai bên rùng mình như điện giật, hoảng hốt nàng rụt tay lại thảng thốt: – “Võ lang” rồi bước nhanh như chạy trốn một mối tình thành tựu quá nhanh.

***

5 năm sau, cũng một chiều xuân mưa bụi giăng mờ trời vùng trấn Tây đất Thăng Long, cảnh vật không đổi mấy, vẫn đẹp nao lòng, chỉ có con người là thêm nhiều nét lao khổ trên tiến trình sinh diệt. Nhóm nho sỹ ngày nào lại cùng nhau đồng ẩm sau đêm ca trù thường niên, với họ sau khi Bạch nương biệt tích chẳng còn ca nương nào đủ sức gây nên cảm xúc, luyến lưu, họ mượn rượu cầu tri âm tri kỷ, họ đã chín hơn bởi vòng quay số phận. Trần, Lê giờ là  thư lại của huyện nhà, Nguyễn ngao du sơn thủy cho quên nỗi buồn bất đắc chí, Phạm tập tểnh thơ văn. Chỉ có lão Gàn giờ đây tóc râu bạc như cước, khí sắc tiêu hao, lão cũng bớt gàn đi mà chờ ngày quy khứ.

Trần như bùng lên nỗi giận: – Võ Tiến sĩ đã tiểu đăng khoa, một tiểu thư con nhà danh giá. Hừ! Nho sỹ! Tình thua một con hát.

Cả bọn trầm ngâm, lòng thẹn thùng lây cho một đồng môn công thành danh toại nhưng giá trị xã hội đã bị tì vết ngàn năm.

Phạm đỡ lời: –  Giận lão cha hắn hèn kém, bó buộc. Mà hắn cũng nhu nhược…

Nguyễn gay gắt cắt ngang: –  Này các ông! Nhớ là con nhà nho nhưng ai không có sỹ khí thì đừng gọi họ là nho sỹ đấy nhé.

Lão Gàn điềm đạm xen vào: –  Quý thầy! Cũng đừng nên nặng nề quá, cuộc sống có quá nhiều ràng buộc mà cá nhân khó vượt qua, nhưng với những người có trí họ sẽ suy ngẫm mà sửa mình. Võ không tệ đâu.

Trần vốn nặng tình với Bạch nương than thở: –  Ai như nàng, biết Võ sau khi giải nhất thi Hương tại phủ nhà, gia đình đã đính ước, năm ngoái lên kinh đô thi Hội nàng còn đến gặp, trong lúc Võ thẹn thùng thì nàng nói câu này đệ  nghe kể mà như đứt cả ruột:  “ Thiếp biết cả rồi, chẳng cần chàng nói. Tiền đồ của chàng còn xa, thiếp hèn hạ không xứng phận hầu khăn sửa túi cho chàng. Âu đó cũng là số phận của thiếp”. Khi đi còn để lại năm mươi quan tiền giúp Võ nộp phí Minh Kinh cho trường thi… Than ôi! Bạch nương!

– Trần huynh! Bao năm cho người dõi theo họ, giờ nàng ở đâu? –  Phạm  nôn nóng hỏi.

Trần cười như mếu: –  Phạm huynh! Sau việc đó đệ mất dấu nàng, cho người lùng sục hỏi han khắp nơi thì nghe kể hình như nàng đã bỏ xứ  lên miền ngược. – Ngập ngừng đôi chút rồi Trần trầm giọng: –  Không đến lượt huynh đâu, nếu gặp nàng ta sẽ tu thân để được nàng yêu rồi cưới nàng làm vợ. Lễ thành thân nhất định ta sẽ mời Võ …

Mưa xuân nặng hạt hơn, chợt nổi cơn xoáy nhẹ, những cánh hoa xoan tim tím rơi lả tả lòng vòng, đất trời kinh thành Thăng Long như chìm đắm trong  nỗi u buồn thiên cổ.

***

Nghe kể rằng Võ làm đến chức Tham tụng, có tiếng là vị quan khảng khái, hào hiệp, dám nói, dám làm, cả một đời thanh bạch, thường giúp đỡ những người cơ nhỡ. Khoảng 20 năm sau Võ đã gặp lại người xưa trong một lần dự tiệc hát tại phủ đồng liêu họ Đặng. Bạch nương giờ đây phai nhạt sắc hương, vẫn một mình nuôi mẹ, hoàn cảnh bần hàn. Võ quận công khẩn khoản xin chu cấp cho mẹ con nàng để gọi là trả lại nghĩa xưa, thế quẫn bách nàng đành nhận nhưng đến khi mẹ mất nàng bỏ đi biệt tích.   

Mạnh thu Quý Tỵ – 2013

 

NỮ HOÀNG THUỞ 40

Quyết định giao hơn trăm mẫu đất vàng thuộc huyện Phú phía đông kinh thành được viên Thị lang tâm phúc trình duyệt trực tiếp không qua văn phòng bộ như quy định cho Tham tri bộ Hộ Nguyễn công, lão nhướng mắt nhìn viên quan thân cận, hắn tươi tỉnh gật đầu và nói nhỏ: – “Ngàn quan ”. Đầu gật gật lão lấy bút ký rẹt, lòng rạo rực nghĩ đến bà chủ xinh đẹp, rực lửa, có đôi chân tròn lẵng dài miên man, vốn nòi phong tình ong bướm, lại dẻo dai, nồng nàn lúc lâm hạnh đang  ngồi ở  văn phòng. Nuốt nước bọt đánh ực lão hỏi nhỏ: –  Còn gì nữa không?

–  Dạ, Võ hoàng xin mời đại quan chiều nay đến Vương gia tửu quán dự yến cảm tạ việc đã thành.

Nguyễn Tham tri thoáng đỏ mặt, nhìn người giúp việc: – Còn phần ngươi?

–  Dạ bẩm, cảm tạ đại nhân, Võ có quên ai đâu. Lễ vật quà cáp đều khắp và gấp đôi thiên hạ. Thật xứng đáng với danh xưng: “Nam thiên đệ nhất nữ hoàng”.

Lão nhíu mày, lòng thoáng âu lo, Võ chi bạo quá, chắc là lợi nhuận của những vụ việc phải khủng lắm, nàng chỉ quà cáp một phần nào thôi chứ có ai thông minh sắc sảo như nàng lẽ nào lại vung tay quá trán. Còn ta ký duyệt cho nàng, hồ sơ đã qua văn phòng thẩm tra theo luật rồi ký nháy. Mà có việc gì thì ngài Mô (1) – Khâm sứ sẽ bao che, vì ta là thủ túc, lại lễ trọng. Nghĩ đến đó lão hân hoan xếp đống công văn như núi rồi ra khỏi thự bộ tìm phút thư giãn để đêm nay đủ đầy năng lượng tiếp nàng.

Vương gia tửu quán chỉ dành cho những bậc vương giả tới lui. Là một mê cung đúng nghĩa. Cửa vào có 2 tráng đinh giả mặc như cấm quân đứng gác. Phòng dưới rộng rãi, sang trọng, những cột lim to cao uy nghi lừng lửng, những bức họa Trung Hoa như tỏa thần khí ma mị, giăng hoa kết đèn huyền ảo.

Gác trên có những phòng riêng, trang trí càng mê hoặc, khách như lạc vào chốn đào nguyên. Phiên bản bức tranh “Leda và thiên nga” của danh họa Mi-sên… gì gì đó người Ý-đại-lợi do vị quan lớn người Pháp ở tòa Khâm tặng gây một cảm giác xôn xao. “Minh Mạng thần tửu” được rót trong chén ngọc lóng lánh, dùng cùng ba ba hầm sâm, bào ngư, súp yến … càng khiến lòng người rạo rực.

… Khi xuân tình đã thỏa, nàng rủ rỉ: – Ngân lượng thiếp lo liệu mọi sự là từ vay mượn của những kẻ kinh tài, bảy phần cấp bách, phần chàng phải lo đốc thúc thủ tục rồi hối thúc bọn trọc phú học đòi ấy giành phần và đặt cọc để thiếp hoàn trả cho lũ áo ôm ấy nhé.

Lão Nguyễn sẽ sàng: – Công văn nhiêu khê lắm, ta sợ sẽ chậm trễ gây phiền phức cho nàng.

–  Thế thì chàng bảo lãnh cho thiếp vay tư khố vậy. Được chứ?

Lão vân vi: –  Khó đó. Lệnh truyền chỉ bảo lãnh cho những vụ việc quan trọng. Ta cũng ngại…

–  Nguyễn công! Chàng là Tham tri, lại là tay chân của ngài Khâm, ai không nể chàng. Vả lại thiếp đã là của chàng, thân này còn bao kẻ thèm khát… Ứ… hư … Nguyễn lang. – Nàng chợt đổi giọng: –  Lê quân đã có bằng chứng về chuyện đôi ta, hắn cứ đòi làm đơn …

Lão thấy vừa khó xử vừa bực bội: –  Sao nàng không ly hôn nó đi?

–  Đã ba lần thiếp lập đơn mà lão có chịu đâu. Mệt thật.

Mà mệt thật. Nàng vốn con nhà cự phú, được học hành giao lưu với bạn Tây nên có lối sống phóng túng từ thời niên thiếu, nàng học lực chẳng ra gì nhưng vẫn tốt nghiệp đíp-lôm năm 18 tuổi, đó là nhờ lão Tây già hiệu trưởng si mê nhan sắc của nàng đã gạ tình đổi điểm, rồi đỗ Tú tài, lại được tốt nghiệp khóa chuyên tu Sư phạm loại khá đều nhờ cái dáng sắc và nỗi đam mê trời đày.

Và nhờ thế, đang là cô giáo, lên hiệu phó nàng lại được quan tri huyện chú ý đưa lên huyện, rồi lên tỉnh, chớp thời cơ nàng rẻ qua thương nghiệp, nàng tin câu truyền miệng “Phi thương bất phú” (2) và được giao làm đại lý mua bán rượu, muối là những mặt hàng nhà nước bảo hộ độc quyền kinh doanh. Nàng giàu lên nhanh chóng, mọi chuyện dù khó khăn với ai vào tay nàng đều dễ dàng như bỡn.

Nàng đã là bà hoàng một vùng trời, nàng xem nhẹ mọi sự, tiền tài với nàng như giấy lộn, ngàn quan tiền chẳng là cái gì ghê gớm đối với nàng. Nàng đang ở đỉnh cao danh lợi. Lão Tham tri này cũng chỉ là người đưa đường cho nàng mưu đồ chuyện lớn, với 2 khu dinh điền, giờ đây khu đất kia nay mai sẽ là khu biệt thự nghĩ mát của bọn Việt tư sản học đòi, đất sẽ hóa vàng, nàng sẽ là đệ nhất phú hào phương nam của đất nước này. Danh lợi, giàu sang … Ha…ha… nàng sẽ ngụp ngụa trong vàng son cao sang lồng lộng.

Gia đình nàng?  Gã chồng nàng con nhà gia giáo, là viên thư lại của bộ Công, gã sống nghiêm nghị như một ông cụ non, tu thân đến khắc kỷ, tề gia nệ cổ, vợ chồng nhiều tương khắc. Những đêm vợ chồng như một nghĩa vụ, gã e ngại gì đến nỗi không dám thắp lên một ngọn nến hồng, xong việc gã lại về thư phòng, bỏ nàng hẩng hụt trở trăn nóng rực. Sinh thú vợ chồng là thế này chăng? Bổn phận! Nó khiến ta oằn người trong lắm việc nhiêu khê, quá nhiều điều vô lý, bất công với giới phụ nữ phương Đông. Những đứa con đẹp ngoan kia hình như mới là mục đích của gia đình họ, còn những hoan lạc trời cho thật xa lạ với Lê. Ôi những hủ nho tội nghiệp.

Biết nàng vốn mạnh mẽ, nặng dục tính nên có lối sống phóng túng, gã răn đe nặng nề, nhưng dù cố gắng giữ danh hiền phụ nàng vẫn không chế ngự được bản năng khốn nạn ấy, nó thôi thúc nàng mờ mắt, gã phải xuống nước mong nàng gìn giữ gia phong, sống có trách nhiệm với đàn con vô tội, mọi việc phải kín đáo, có nơi. Nàng thẹn với lương tâm, đã nhiều lần xin ly hôn nhưng gã sợ mang tiếng với thiên hạ  nên không đồng ý. Khốn khổ.

Mong muốn xây dựng những khu biệt thự nghĩ mát vùng cửa Hiền phá sản do bọn chúng lo sợ trước tình hình đất nước, Việt Minh ngày càng mạnh, thế cuộc có cơ thay đổi. Quan Mô bị triệu về nước vì bất lực, quan Ê (3) qua thay, vị trí Tham tri của Nguyễn công lung lay tận gốc. Còn nàng thì ngập trong nợ nần. các tư khố đua nhau làm đơn khởi kiện, việc lớn dần. Khâm sứ Ê chỉ thị bộ Hình vào cuộc.

Thế là hết một thời vàng son lộng lẫy, thế là hết một thời quyền năng nhất mực. Nàng bị kê biên tài sản, thụ lĩnh án tử. Lão Nguyễn cũng bị tước hết quyền lực, bị án 10 năm. Trong tù oán hận xung thiên vì bị những huynh trưởng bỏ mặc, lại nhận được đơn ly hôn của chồng, nàng lại bất tỉnh.

Chưa đến số lại tham si đè nặng nàng không sao siêu thoát, lẩn quẩn nơi dương thế tìm cơ hội làm lại cuộc đời. 20 năm sau, khi đã tu luyện khí lực cường linh nàng chen lấn vào cửa sinh một nhà trọc phú họ Cù.

***

Đời trôi 1 vòng, 60 năm sau nhân đọc những vụ án do nữ nhân gây tổn hại cho đất nước, bản thân họ bị tù đày, trong đó vụ Cù thị lớn nhất nước,  bọn Thứ –  những lão hưu rảnh rỗi có học võ vẽ dăm câu Luận ngữ ngồi bốc phét. Lão Thứ vốn nhiều chuyện, kể lại vụ nói trên cho anh em nghe rồi bực bội:

–  Mẹ! Thánh dạy “chính danh”. Phải có tài đức đúng ngành nghề mới mong thành đạt. Cù thị vốn dân giáo viên mà qua kinh doanh, chẳng biết gì lại thu chi như kẻ chợ, nghe phỉnh nịnh thì chi bạt mạng cho xứng hư danh, quà cáp vô tội vạ, thu ít chi nhiều, dự án thì may rủi. Sai luật rành rành, chết là phải.

Lão Trung phụ họa: –  Đúng là phụ nữ nghe bằng tai, lời nịnh nọt tâng bốc cứ tưởng thật, lại nhẹ dạ cả tin. Lão cao giọng: – Nữ hoàng! Ha …ha… nữ hoàng. Chết là phải.

Nghĩa ưu tư: –  Sao khi khám nhà gia sản của thị lại chỉ là ngôi nhà cấp bốn, tiền mặt chỉ vài trăm ngàn nhỉ?

Thứ buồn buồn: –  Cuối đời thị mới nhận ra mục đích sống của người phụ nữ: Xây dựng hạnh phúc gia đình, sống an vui bên chồng con là nhất. Còn tất cả việc khác chỉ là phụ. Sống cũng phải lụy, vì mình, vì người nhưng phải biết chừng mực và quan trọng nhất là phải biết mình.

Nam trầm ngâm: – Sao bây giờ sao họ hay phỉnh nịnh phụ nữ xông pha, có chút thành công nhờ nâng đỡ lại nhầm tưởng mình là số một, danh lợi hão đời nào cũng chỉ là ảo mộng phù vân, thân mang tù tội. Thật đáng thương.

Lại Thứ : –  Này các ông! Lão Nguyễn cũng tướng tá một thời đấy nhé, không ngờ lại bị ngã ngựa bởi danh lợi và giai nhân. Mà không! Cù thị có phải là giai nhân đâu!

Trung thu Q Tỵ – 2013

ĐỖ NHỰT THƯ


(1) Maurice Fernand Graffeuil – Khâm sứ Trung kỳ 1934 – 1940
(2) “ … Phi thương bất hoạt ….”  –  Lê Quý Đôn
(3) Emile Louis Francois Grandjean –  K.Sứ T. Kỳ 1940 –  3/1945

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây