Tác giả Hồ Duy Lệ

Hồ Duy Lệ

HỒ DUY LỆ

Sinh ngày 15 tháng Mười một 1944
Quê quán: xã Duy An, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam

Từ năm 1963 đến 1965, sinh viên khoa Luật, Trường Đại học Huế. Cơ sở cách mạng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Quảng Nam – Đà Nẵng. Bị địch bắt bỏ tù lao Thừa Phủ, Huế từ 1965 đến 1968. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (2003).

Sau chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 ra vùng giải phóng Quảng Đà làm phóng viên Báo Giải phóng Quảng Đà, đến năm 1975 là phóng viên Báo Quảng Nam – Đà Nẵng. Lần lượt đảm nhận các chức vụ Giám đốc Nhà xuất bản Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam – Đà Nẵng, Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam.

Tác phẩm chính:

Cát xanh (bút ký, 1994); Trong lớp bụi thời gian (bút ký, 2000); Những người sót lại (bút ký, 2002); Chuyện kể ngày nào (tập truyện ngắn và bút ký, 2004); Hoa xương rồng trên cát (bút ký, hồi ký và thơ của một số tác giả, 2004); Mạ tôi (truyện ký, 2006); Mười Chấp và một thời (ký sự văn học, 2011); Lửa Núi Thành (ký sự, 2011); Không gì trôi đi mất (bút ký và hồi ký văn học, 2012); Dặm trường gian truân (ký sự, 2015).

Giải thưởng:

Hành trình về quá khứ (bút ký) – Giải A cuộc thi Bút ký Báo Tuổi Trẻ; Cát xanh (bút ký) – Giải B của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1994; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật năm 1997…

 

QUÊ HƯƠNG LÀ MẸ, LÀ CHA!

Một hôm tôi nhận được cú điện thoại: “Em là Sáu – em ruột của Huỳnh Quang Mãi. Nghe bạn anh Mãi nói anh biết chuyện anh Mãi đấu tranh bị chết trong nhà tù Phú Quốc. Nếu có dịp về Việt An cho em gặp, vợ em và các con em muốn nghe anh kể về anh Ba Mãi và những người bạn của anh Ba trong nhà tù địch”. Nhận được cú điện thoại quá bất ngờ tôi liền đi Việt An tìm gặp Sáu. Ở chợ Việt An nhiều người biết Sáu với biệt danh Sáu Xe. Bà con còn biết Sáu là Phó bí thư Chi bộ, Thôn trưởng thôn Việt An. Ngoài việc của chi bộ, việc của thôn, Sáu giúp một tay với vợ phục vụ quán cơm nuôi hai con trai ăn học. Đây là cái quán cơm sinh thời mẹ nuôi của Sáu từng bán để nuôi bầy sáu đứa con nuôi! Sở dĩ có biệt danh Sáu Xe là lúc nhỏ Sáu rất mê đi xe. Thấy người ta dựng chiếc honda vào quán ăn cơm thì Sáu thót lên, cài số, rồ ga. Một hôm Sáu cho honda chạy xuống dốc Tranh – cái dốc cách chợ chừng cây số, xe chạy nhanh, không biết hãm phanh, thế là Sáu la làng cho đến lúc chiếc hon da mang Sáu xuống ruộng bùn dưới chân dốc Tranh. Từ ấy dân chợ Việt An tặng cho Sáu biệt danh Sáu Xe.
Nhìn Sáu – một trung niên tầm thước, đầu tóc hớt ca rê, tóc đen điểm sợi trắng, tôi hình dung bóng hình Huỳnh Quang Mãi qua lời kể của bạn tù của Mãi. Trông người chắc nịch vậy mà, nhắc đến anh Ba Mãi thì Sáu rớm rớm nước mắt. Khi ở trong tù, anh Ba Mãi từng nói với bạn tù anh có người em tên là Huỳnh Quang Chung. Thời đánh giặc Pháp, xã Thăng Phước thuộc huyện Thăng Bình, thời đánh Mỹ thuộc huyện Quế Tiên, sau hòa bình một thời gian thuộc huyện Hiệp Đức. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, một số anh em ở Đảo về cùng nhau về Thăng Phước, huyện Quế Tiên tìm thăm người thân của anh Mãi, tìm người tên Nguyễn Quang Chung thì không ai biết, huyện, xã cũng không thấy ai có tên Huỳnh Quang Chung, từ đó biệt tin về Chung và Mãi cho đến khi Sáu tìm về nơi chôn nhau…
Tháng 7 năm 1963, địch mở chiến dịch Bình Châu, triển khai đồng loạt 9 cánh quân, từ nhiều hướng, hàng chục xe GMC đổ quân, xe bọc thép, máy bay phản lực, trực thăng và pháo hỗ trợ, ồ ạt tấn công vào các các xã Bình Lâm, Thăng Phước, Bình Trị, Bình Phú của huyện Thăng Bình, đồng thời đổ quân vào các xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà, Phước Tân của huyện Tiên Phước. Mục tiêu của chiến dịch “Bình Châu” là đẩy lực lượng Giải phóng xa khỏi vùng đất đã chiếm được, tiêu diệt “lực lượng chủ lực”, thiết lập lại bộ máy xã thôn vừa bị Mặt trận Giải phóng đánh tả tơi. Chiến dịch kéo dài cả tháng trời, rồi bom pháo tơi bời, dồn dân vào 13 khu dồn để kềm kẹp, không cho quân Giải phóng có điều kiện tiếp cận dân. Thời điểm ác liệt nhất, vùng Tây huyện Thăng Bình địch đóng đến 17 cái chốt, có các chốt lớn khống chế một vùng rộng lớn, gây cho quân Giải phóng rất nhiều khó khăn, tổn thất. Dân bị xúc đi thì ruộng vườn bỏ hoang hóa, heo rừng xuống tận cầu Ông Triệu. Sắn, chóc, chuối, rau bị chất độc hóa học làm trụi trơ. Đó đây, cán bộ, bộ đội, nhất là bộ đội trẻ măng từ miền Bắc vào đi tìm cái ăn, ăn cả sắn bị chất độc, lạc đường, đói, sốt rét nằm chết trong hầm, chết bên khe nước trong rừng và chết ngay trên cái võng của mình. Những cán bộ phong trào bấy giờ không bao giờ có thể quên những ngày của năm 1969 – 1972, khi các đội công tác cùng du kích đêm đen thọc ra tận bờ rào ấp chiến lược, phá khu dồn kéo dân về làng… Làm sao có thể quên những người dân kiên cường tuyệt đối trung thành với cách mạng, hết lòng cùng cán bộ, du kích: Nhà tan, cửa nát cũng ừ/ Đánh thắng giặc Mỹ cực chừ sướng sau. Trong một trận chống địch càn vào làng, một số chiến sĩ du kích xã Thăng Phước hy sinh. Huỳnh Quang Mãi bị địch bắt, khai làm giao liên cho bộ đội nên địch đưa về giam ở nhà tù Non Nước. Ngày 19 tháng 5 năm 1971, từ nhà giam tù binh Nước Mặn – Non Nước – Đà Nẵng, chúng còng từng ba anh em tù binh vào một chùm, tống lên một chiếc GMC, cho xe chạy vào miệng chiếc tàu thủy há mồm của Hải quân Mỹ đậu ở cảng Tiên Sa, tống anh em xuống sàn tàu, cùng trong một phòng kín bưng. Nằm trên sàn tàu, vẫn bị còng, năm ngày năm đêm lênh đênh trên biển say mềm, mửa mật xanh, mật vàng. Khi cập cảng Phú Quốc, sóng mạnh, tàu không vào sát bến được, chúng cho xà lan kè vào sát thành tàu, đẩy anh em tù lên xà lan chở vào đẩy lên bờ, anh em đói, say sóng trông như những cái xác chết đuối. Vừa lên bờ, gặp ngay mấy tên trật tự trông bặm trợn đứng đón, chỉ hai con đường trước mặt anh em chọn: Ai chiêu hồi, vào trại giam theo Quốc gia, cũng bị đánh, nhưng đánh ít; ai không chịu chiêu hồi, bị đánh tới tấp, vào trại giam Cộng sản. Một tên trật tự, có lẽ là thủ lĩnh trong bọn đe:
– Đây là Phú Quốc, không phải đất liền. Liệu hồn nghe các con!
Chủ nhà ngục tuyển chọn những tên du thủ du thực người đời sợ, bị tống vào tù, giao nhiệm vụ trật tự – như những đao phủ trị anh em tù chính trị. Nhiệm vụ của chúng là đánh dằn mặt ngay từ đầu, đánh túi bụi vào anh em tù, không chừa một ai. Đánh từ bến cho đến nơi một chiếc xe đậu, tống anh em lên xe, chở vào khu B.11. Hôm ấy, trung sĩ Câu loa gọi Nguyễn Thăng – đại diện Khu B11, Thanh – Trưởng phòng Thương binh phòng số 1, khu B.11, đồng thời loa gọi Huỳnh Quang Mãi – người tù nhỏ nhất cùng đến phòng của trung sĩ Câu.
Huỳnh Quang Mãi tham gia du kích lúc mới 16 tuổi, người nhỏ như đứa trẻ 14 tuổi, hôm bị bắt anh em bày khai thêm hai tuổi đủ 18 tuổi để làm tù binh không thì chúng sẽ giam với thiếu sinh quân rồi sẽ bị đưa vào trại lính để tung ra chiến trường thí mạng. Chúng bắt ba người là Thanh, Mãi và Thăng đứng một hàng trước phòng của trung sĩ Câu. Câu gọi Thanh bước lại, bảo đưa hai bàn tay úp lên ngang ngực. Trung sĩ Câu cầm cây thước gỗ lim dài hơn một mét quất bốp bốp năm cái liên tiếp lên mu bàn tay Thanh, bảo ngửa bàn tay ra, hắn quất năm cái liên tiếp. Máu mu bàn tay Thanh chảy tràn hai bàn tay, máu rơi xuống đất. Sau Thanh, đến lượt Thăng cũng bị quất, làm hai bàn tay văng máu, cũng không chịu cởi áo để in số, thì trung sĩ Câu gọi Huỳnh Quang Mãi lại bảo cởi áo ra in số. Huỳnh Quang Mãi nhìn Thanh, Thanh nháy mắt, ý nói không cởi áo, rồi nhìn Thăng cũng nháy mắt như Thanh. Huỳnh Quang Mãi cởi áo đưa cho trung sĩ Câu. Trung sĩ Câu bảo mấy tên trật tự in số trên lưng áo của Huỳnh Quang Mãi. Khi trung sĩ Câu đưa áo bảo mặc vào, Huỳnh Quang Mãi cầm cái áo, nhìn con số 6675 trên lưng áo, đưa mắt, nhìn anh em thì trung sĩ Câu nạt: “Mặc áo vô mày!”. Huỳnh Quang Mãi nhìn anh em tù, mặt giận dữ xé toạc cái áo, vò vò rồi ném vào mặt trung sĩ Câu. Lập tức, lính của trung sĩ Câu ập vô còng tay Huỳnh Quang Mãi. Lúc đó vào khoảng 2 giờ chiều ngày 27 tháng 5 năm 1971. Chúng thay nhau đá, đạp rồi tống Huỳnh Quang Mãi vào hầm đá. Huỳnh Quang Mãi bị sưng bóng đái, chết trong phòng giam. Ngày hôm sau, 28 tháng 5 năm 1971, toàn khu B.11 nổ ra cuộc đấu tranh tuyệt thực. Cuộc đấu tranh kéo dài được bảy ngày thì thức uống dự trữ cầm hơi đã hết, sức lực anh em gần cạn kiệt. Đảng ủy nhà lao bàn nếu tiếp tục đấu tranh bằng tuyệt thực thì sợ nhiều anh em gục mà không đạt yêu cầu. Cuối cùng đi đến quyết định mổ bụng tập thể thì địch mới chịu chấp nhận một số yêu sách của tù nhân…
Tôi đi cùng Sáu về làng Phú Toản, muốn nhìn cái vườn của ông nội Sáu và để gặp, nói chuyện với các anh ở Đảng ủy xã Thăng Phước, hy vọng biết thêm đôi điều về những ngày gian khổ, ác liệt ở vùng đất một thời thấm máu và nỗi đau không cùng nay đã khá hơn chưa: Mỹ hạ trực thăng xuống làng Phú Toản xã Thăng Phước xúc hết mười mấy hộ dân bám trụ, đổ xuống ngã ba Phú Bình. Trong số gia đình kiên cường bám ruộng, bám làng đó có ông cháu Huỳnh Quang Đó. Từ ngã ba đi bộ chừng sáu cây số thì đến chợ Việt An. Trực thăng bắn rốc két, Mỹ lết, xe tăng chà, tàu rà bắn trái khói, vậy mà dân Phú Toản vẫn kiên cường bám làng để du kích có chỗ dựa. Xúc dân đi, giặc Mỹ hy vọng bứng mất chỗ dựa của du kích. Ông Huỳnh Quang Đó không chịu ăn phần lương thực trợ cấp cho bà con bị xúc vào khu dồn mà những người đứng ra gọi tên, phân phát gọi bà con là những người tị nạn Cộng sản. Ông Huỳnh Quang Đó làm ăn đóng góp nuôi cán bộ, bộ đội, các con ông là cán bộ, là du kích, các cháu ông, cả cháu nội và cháu ngoại đều bị mồ côi cha, mẹ, ông bị xúc tách khỏi những người du kích sao gọi ông là dân tị nạn! Sau khi cho bớt hai thằng cháu ngoại mồ côi cha mẹ là Quyền và Ba, ông dắt thằng Sáu – cháu trai duy nhất còn sống sót xuống chợ Việt An kiếm việc chi làm nuôi thân và nuôi cháu. Phải giữ thằng cháu nên kiếm được việc làm không dễ, ông Huỳnh Quang Đó đành lòng cho cháu hy vọng người ta nuôi tốt hơn, may gặp người tốt bụng có thể họ cho cháu đi học không thì cả đời cháu cũng không biết cái chữ a, b, c như ông. Đầu tiên ông cho thằng Sáu cho bà Thơm. Nuôi thằng Sáu được hơn một tháng, bà Thơm thấy thằng Sáu khôn quá, sai chi hắn cũng làm, nói chi hắn cũng nhanh hiểu. Kiểu ni, lớn chút nữa hắn sẽ bỏ bà hắn đi, nuôi uổng cơm, bà Thơm trả thằng Sáu cho ông Huỳnh Quang Đó. Lần thứ hai, ông Đó cho thằng Sáu cho bà Nhứt. Bà Nhứt kêu xe thồ nhờ chở Sáu về nhà dưới Hương An. Ông nội hy vọng cháu có cơm ăn và tránh được bom đạn. Thấy ông nội nói chi đó với bà Nhứt, Sáu liền tụt xuống xe thồ, chạy u lại ôm cứng ông nội. Rồi, một hôm, ông Huỳnh Quang Đó dắt thằng Sáu đến gần chợ Việt An thì gặp Trần Ngụy – Xã trưởng xã Quế Thọ gọi ông Đó bằng cậu. Xã trưởng Trần Ngụy nói ông Đó cho ai nuôi thằng Sáu thì Trần Ngụy sẽ nhận ông Đó ở giữ trâu. Đang trong tình thế khó xử thì bà Sáu Có xuất hiện. Bà Sáu Có không có chồng, thương người, nên nhận nuôi con trẻ bị mất cha mẹ vì bom đạn. Bà Sáu Có đồng ý nuôi thằng Sáu. Nhà cạnh chợ Việt An, bà Sáu Có mở quán bán cơm cho khách và nhận nấu cơm cho lính Sài Gòn. Để không ai làm rầy rà sau này, nhân có mấy người lính ở đồn Cao Lao ra quán ăn cơm, bà Sáu Có nhờ lính viết giùm ông Huỳnh Quang Đó cái giấy cho cháu. Trong lúc hai bên đang viết giấy thu xếp chuyện cho thì thằng Sáu phát hiện ông nội lén ra sau bếp, về hướng nhà Xã trưởng Trần Ngụy, thế là Sáu tuôn chạy theo ông nội. Từ nhà Xã trưởng Trần Ngụy đến nhà bà Sáu Có chưa đầy cây số, ông Đó thuyết phục thằng Sáu nghe lời ở với bà Sáu Có, khi mô nhớ ông nội thì xin bà Sáu Có chạy lên thăm ông nội.
Hỏi Sáu sao lại có tên Nuôi? Sáu rớm nước mắt: Khi anh Ba bị bắt biệt tăm thì chị Bốn rồi anh Năm, người bị bom chết, người bị pháo chết, rồi cha chết, rồi mẹ chết. Bấy giờ em chừng năm tuổi – em sinh năm 1965, ông nội không kham nổi ba đứa cháu mồ côi đành đem cho người ta. Mẹ Sáu Có là người em chịu làm con nuôi. Nhận em thì mẹ nuôi đặt tên khai sinh cho em là Huỳnh Minh Nuôi để có điều kiện cho em đi học.
Nhớ cha thì Sáu ứa nước mắt song không tài nào hình dung ra gương mặt của cha. Nhắc đến mẹ, các anh chị, Sáu ứa nước mắt, nghẹn lời và cũng không tài nào hình dung ra khuôn mặt của mẹ, của anh, của chị. Không ai có một tấm ảnh! Sáu chỉ nhớ hai lần gặp ông nội. Lần đầu là hôm ông nội thả bầy trâu ở cánh đồng gần đường, thấy Sáu, ông nội lại ôm Sáu rồi dẫn Sáu xuống quán bà Sửu mua cho Sáu hai viên bi chai. Rất thích hai viên bi chai ông nội cho. Vậy mà thấy thằng Xí – con bà Tư ăn bánh ít, thèm quá, Sáu đổi cho thằng Xí một viên bi chai, hắn cho cắn nửa cái bánh ít. Và, lần thứ hai, cũng là lần cuối cùng thấy ông nội là thời kỳ bị pháo kích, mẹ nuôi đưa Sáu lên ở trên nhà bà Hai Phụng, Sáu đang đứng chỗ góc sân thì thấy ông nội vác cây chuối sứ đi ngang qua. Ông nội nói vác chuối về cho bà Ngụy nuôi heo. Nhà Xã trưởng Trần Ngụy ngoài nuôi trâu còn nuôi một chuồng heo lai, bấy giờ người ta gọi là heo Thái Lan. Ông nội để cây chuối xuống đất nghỉ, Sáu ôm ông nội, ông nội đưa cho Sáu hai chục đồng tiền kên.
Sau ngày giải phóng năm 1975, bấy giờ Sáu đã mười một tuổi thì mẹ nuôi mới nói về lai lịch của em, mẹ lục trong rương lấy đưa cái giấy của ông nội cho em xem. Nội dung đơn giản: “Tôi là Huỳnh Quang Đó, người xã Thăng Phước, cho bà Lý Thị Có cháu nội của tôi tên là Huỳnh Sáu. Tôi viết giấy này để bà Lý Thị Có yên tâm nuôi cháu của tôi như con của bà, không ai có quyền can thiệp”. Từ cái giấy của ông nội, em biết quê quán Thăng Phước huyện Thăng Bình. Em xin mẹ nuôi cho về quê tìm người thân thì mẹ nuôi nói người thân của em người hy sinh, người chết, còn ai đâu mà về tìm. Một hôm, nghe người ta nói số bà con ra chợ Việt An nhận gạo cứu đói đó là dân trong Bình Huề, Phú Toản…, em lần mò hỏi thăm đường thì mẹ nuôi để em về quê. Từ chợ Việt An vào đến Phú Toản hơn 16 cây số. Ngày ấy đường đất còn hục hang, lên đồi, lội suối, cỏ gai, vậy mà em chân đất lội bộ về tìm quê chôn nhau, tìm người thân. Em hỏi thì người trong làng nói với nhau, đúng là cháu ông Đó thì là con của ông Huỳnh Quang Đức và bà Trần Thị Chè. Như vậy, Sáu còn người chú ruột là Huỳnh Quang Minh và hai người cô ruột là Huỳnh Thị Ngộ (bà Ngộ được phong Mẹ Việt Nam Anh hùng) và Huỳnh Thị Sáu. Lúc đầu cô chú chưa tin cha mẹ em còn đứa con trai, cô chú hỏi em còn nhớ gì về cha mẹ, anh em, thì em nhắc tên ông nội, kể chuyện ông nội giữ trâu cho ông Trần Ngụy, thế là cô chú tin. Cô chú, bà con rất mừng, nói rằng, tưởng tiệt nòi, hóa ra, ông Đức, bà Chè còn có người lo thờ tự, cúng giỗ. Một điều may mắn và vui là khi anh Nguyễn Mậu Kha – một bạn tù của anh Mãi – sau ngày hòa bình làm Trưởng phòng Thương binh huyện Quế Sơn tìm gặp em và cho em biết anh đã làm chế độ liệt sĩ cho anh Mãi và giao Bằng liệt sĩ Huỳnh Quang Mãi cho em thờ. Ngày 6 tháng 10 năm 1978, ông Lâm Sơn Ca, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thăng Bình ký Giấy chứng nhận Liệt sĩ và Gia đình Liệt sĩ cho Huỳnh Quang Mãi, nguyên quán xã Thăng Phước, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Bằng Liệt sĩ có quyết định số 559, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký ngày 30 tháng 7 năm 1979, ghi: Huỳnh Quang Mãi tham gia công tác cách mạng tháng 10 năm 1964, là cán bộ giao bưu Huyện ủy Thăng Bình. Hy sinh tại nhà lao Phú Quốc ngày 15 tháng 8 năm 1971.
Em thờ anh Mãi vậy là tốt rồi. Vậy em lấy ngày nào giỗ cho anh Mãi? Theo các anh bạn tù của anh Ba thì anh Ba hy sinh trong đợt đấu tranh quyết liệt diễn ra từ ngày 27 tháng 5 năm 1971. Nhưng cha mẹ, anh chị đều không còn, không ai nhớ chết khi nào, nên em lấy ngày mất của cha làm ngày giỗ chung cho cha, mẹ, anh, chị.
– Làm sao em biết ngày cha chết mà làm giỗ?
– Theo cô, chú và các vị cán bộ cách mạng của xã Thăng Phước thì: Hôm ấy là rằm tháng Mười, mẹ em cúng rằm, mang đồ cúng vào khe cho cha và các đồng chí của cha cùng chống càn trong khe. Mẹ không ngờ bọn thám báo bám theo chân mẹ, phát hiện ra chỗ cha ẩn núp, báo cho lính vào bao vây bắn chết cha, cậu Chát và một số đồng chí của cha. Còn mẹ em? Sau đó thì mẹ em cũng chết. Theo mợ Chát, hôm ấy mẹ em đang nấu cháo bắp cho du kích ăn, mẹ cùng ăn để đi làm chiều thì bị tàu rọ bắn, một du kích bị thương, mẹ bị viên đạn xuyên hông bể bụng nằm quằn quại trước miệng hầm, người dính đầy cháo bắp và máu. Em lấy ngày rằm tháng Mười hàng năm làm giỗ.
Trong thời gian địch xúc dân ở Việt An xã Bình Lâm về thôn Sáu xã Bình Dương lập khu dồn thì Xã trưởng Trần Ngụy, Ấp trưởng Trần Tiến là em ruột của Trần Ngụy, đưa gia đình và tài sản xuống Cẩm Hà, Hội An. Ông Huỳnh Quang Đó cũng phải lùa hai con trâu của Xã trưởng theo xuống Cẩm Hà. Mẹ nuôi bị tù… Từ đó, Sáu biệt tin ông nội. Sau này hỏi thăm, Sáu nghe kể lại, ông nội lùa trâu đi ăn thì vấp mìn, cả con trâu và ông nội đều chết. Mỗi lần nhắc đến cái chết của ông nội làm Sáu khóc và buồn mấy ngày liền. Đã hai lần Sáu xuống nơi từng có khu dồn Cẩm Hà, gần khu vực gạch, gốm Cẩm Hà – nơi ông nội và trâu bị mìn, tìm xác ông nội, nhưng chỉ gặp gạch bể, xương trâu, xương bò, cỏ dại, thép gai và đất đen… Nay thì không còn hy vọng tìm được hài cốt ông nội vì người ta đã và đang biến vùng đất gạch, gốm Cẩm Hà thành khu du lịch – làng nghề truyền thống.
Xuân này, Sáu cho biết hai con trai đã có việc làm. Hai vợ chồng chuyển quán bán cơm bình dân thành quầy bán phụ tùng dân dụng. Sáu nói: tròn năm mươi tuổi, em vừa hoàn chỉnh lý lịch bản thân và gia đình. Phú Toản và Việt An là quê quán thân yêu của em. Hai vợ chồng vừa nâng cấp được ngôi nhà mẹ nuôi để lại, có chỗ thờ trang nghiêm. Thờ cúng cha, thờ hai người mẹ, ba anh chị và ông bà. Mai Thị Nga – vợ Sáu mở mạng chỉ hàng chữ hiện trên màn hình: D3 – H12- M4, giải thích là Dãy 3, Hàng 12, Mộ số 4 – là mộ anh Huỳnh Quang Mãi. Nga nói thật lòng: “Tâm nguyện của hai vợ chồng là dành tiền có dịp ra Phú Quốc nhận diện hình ngôi mộ và thắp cho anh Ba Mãi nén hương thơm”.

H.D.L.

TRANG ĐỜI NGOÀI SƠ YẾU

Nguyễn Thị Hạnh tuổi Tý – 1948. Năm 1965, khi còn là học sinh ở làng Thủy Tú, Hòa Vang thì Hạnh là cơ sở của cách mạng của huyện Hòa Vang. Năm Mậu Thân 1968, Hạnh vừa tròn 20. Tham gia chiến dịch Xuân Mậu Thân thì gặp Năm Dừa đang chỉ huy chống địch phản kích mũi phía tây Đà Nẵng. Trong máu me, xác người, tiếng khóc, Năm Dừa gặp Nguyễn Thị Hạnh trang phục quần xa tanh trắng, áo dài trắng thư sinh trong âm thanh vang vang Tiếng trống Nam Ô, dân Xuân Thiều gọi Tiếng trống Năm Dừa. Năm Dừa cũng tuổi Tý, nhưng là Bính Tý – 1936, hơn Hạnh một con giáp. Hạnh trắng trẻo, tóc thề, trông như cô học trò mười bảy. Nhưng nghe Năm Dừa phát động quần chúng thì chen vào các mẹ, các chị lắng nghe không bỏ sót một câu. Sau đó thì “phục”cái ông dân vùng cát Điện Nam mà làm vang rền làng trên, xã dưới bên bờ con sông Cu Đê dưới chân đèo Hải Vân bằng Tiếng trống Nam Ô. Ngày 04 tháng 3 năm 1970, trên đường đi vào thị trấn Nam Ô thì Hạnh bị bắt. Ngày 16 tháng 3 năm 1970, địch đưa Hạnh từ phòng Nhì – Non Nước đến trại tù binh Non Nước. Sau đó, chúng đẩy Hạnh vô trại giam Phú Tài (Bình Định), rồi nhà tù Cần Thơ. Ngày 15 tháng 02 năm 1973, Hạnh được trao trả cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng tại sân bay Lộc Ninh, rồi về Mặt trận B.3 đóng ở Ngã ba Đông Dương. Hạnh được sớm phục hồi Đảng tịch, được nhận công tác ở Khu đoàn Khu ủy 5. Những ngày ở căn cứ Khu ủy 5, Nguyễn Thị Hạnh gặp lại Năm Dừa. Tháng 9 năm 1974, trong lán trại dưới cây rừng đại ngàn mát rượi của rừng núi Trà My, Hạnh có bầu. Con gái chưa đầy tuổi thì Năm Dừa đưa quân vào giải phóng Đà Nẵng trưa ngày 29 tháng 3 năm 1975.
Sau khi Năm Dừa đi xa, Nguyễn Thị Hạnh sống với các con, các cháu thân yêu; thờ chồng Nguyễn Thành Năm – Năm Dừa – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Dưới đây là một câu chuyện trong cuộc đời của Hạnh và Năm Dừa, tác giả gọi là Trang đời ngoài sơ yếu lý lịch:
Chiều hôm ấy, cơm cạn, tay bồng con Thủy, một tay Hạnh đẩy bếp lửa củi kho soong cá nục, cá tươi rói vừa mua ở chợ An Hải cạnh nhà, chuẩn bị Năm Dừa về thì ăn tối. Vừa bồng con, đang mong, nhìn ra đường thì thấy Năm Dừa đi vào, theo sau là hai đứa nhỏ, một thằng, một con. Thằng tên là Phẩm, Hạnh đã gặp vài lần, bà con bên Năm Dừa, còn đứa con gái lớn ngồng, khoảng mười bảy, mười tám, lần đầu tiên Hạnh thấy, nghĩ bạn của thằng Phẩm hay là con cháu gặp nhau, Năm Dừa đưa về nhà thăm chơi. Lúc bấy giờ Năm Dừa đau dạ dày lại vừa phải cày các con chữ vừa gánh cái Bí thư Chi bộ Đảng lớp học Bổ túc văn hóa cho cán bộ nên hay bị mệt, cho nên mỗi khi rời trường về nhà là lên gác lửng nằm. Dọn cơm lên bàn, Hạnh bồng con gái lên gác lửng hỏi thăm chồng uống thuốc cái dạ dày có bớt đau không, rồi nói có cá nục tươi ngon, bảo chồng xuống ăn cơm. Năm Dừa uể oải bước xuống cầu thang, Hạnh bồng con bước theo sau, chân vừa chạm đất thì hỏi:
– Con nhỏ, là con của ai rứa anh?
– Con anh!
– Anh nói sao? Hạnh tưởng mình nghe không rõ, nhìn Năm Dừa, hỏi.
– Con anh đó!
Nghe Năm Dừa không chút biểu hiện nói đùa, Hạnh bỏ con Thủy vào góc phòng, òa la khóc. Một sự cố gây rùm beng trong khu tập thể trường Bổ túc văn hóa ở quận 3. Hạnh nổi “máu Hoạn Thư” la khóc, con Thủy giãy giụa khóc la trên nền xi măng trong góc nhà. Hạnh đòi đốt nhà, vứt áo quần ra đường, ném sách vở tanh bành làm cho bé Thông khiếp đảm, chạy trốn nhà hàng xóm. Dẹp. Đốt hết! Từ. Hạnh tuôn chạy ra đường liền bị ngăn lại. Năm Dừa báo anh em giữ cổng trước, ngăn cửa sau không cho Hạnh thoát ra đường. Năm Dừa sợ để Hạnh ra đường, nói dại, không biết điều gì sẽ xảy ra… Năm Dừa đụng vô là Hạnh nổi tam bành lên. Mấy bà ở lớp học Bổ túc chạy qua can, mấy bà hàng xóm chạy lại khuyên, vẫn không làm cho Hạnh nguôi cơn động kinh. Năm Dừa từng nghe mấy bà ở tù nói lúc đấu tranh với bọn chủ nhà lao Hạnh từng lồng lên làm cho bọn chỉ điểm, bọn trật tự, chiêu hồi, giám thị nhà tù rất ớn Hạnh, chị em tù từng phục lăn Bé Hạnh nên biết lúc này không thêm dầu vào lửa. Hạnh tức, dầm dề nước mắt nhìn mẹ của Hạnh đang làm thinh trước tình cảnh diễn ra. Hồi Hạnh ưa bác sĩ Quyên mẹ đồng ý liền, nhưng bỗng Hạnh chê anh bác sĩ hơi già, lại nhận lời lấy Năm Dừa cũng không còn trẻ, mẹ không chỉ chiều ý con mà nói nó có phước. Là gia đình có truyền thống cách mạng nên thấy con gái nhận lời anh cán bộ cách mạng có chức, có uy mẹ rất hài lòng. Dù cho bấy giờ có người bắn tin nọ kia về Năm Dừa, Hạnh bỏ ngoài tai.
Vốn là đứa con của một người vợ lẽ, cha bị tụi Pháp bắt đi làm xâu trên núi Bà Nà bị sốt rét chết khi Dừa mới ba tuổi, mẹ lại bị nhà chồng và mẹ lớn đuổi, phải bồng Dừa đi làm thuê, rồi mẹ đi bước nữa, đẩy Dừa vào cuộc sống không cha, xa mẹ nên phải ở nhờ nhà cậu Bờ (Lại). Nhà cậu Bờ quá nghèo, mẹ bị cậu mai mối đi thêm bước nữa, Dừa chỉ còn cách đi ở đợ cho người ta kiếm cơm, hết ở cho nhà bà Lãnh, đến ở cho nhà ông Trầu. Khi lớn ngồng, khôn ra, không chịu đi ở, Dừa đi từ làng này qua làng khác gặp ai cần thuê thì làm, từ đẩy xe bò, gánh phân, chặt cây, đi cày đất ải, rồi về ở nhà người anh – Nguyễn Thanh Ca, một buổi đi làm thuê, một buổi đi học lớp bình dân. Có một trang cuộc đời, Dừa không ghi vào lý lịch, không kể cho ai, vài người thân mới biết chút ít, nhưng cạy răng mấy cha úp úp mở mở vài chuyện ai tin được thì tin. Có một người không ai nhắc đến, luôn sống trong thấp thỏm, lo âu và đau buồn khôn nguôi lại là người biết Năm Dừa từ ngày ấu thơ đó là Sáu Lụa.
Trong những ngày đi ở đợ, Năm Dừa có một thời gian ở giữ trâu cho ông Cửu Bình, gần nhà mẹ Năm Dừa ở làng Phong Hồ – thôn 2 xã Điện Nam, Điện Bàn. Ông Cửu Bình có đến 4 người con gái: Bình, Biều, Lụa, Hàng. Sáu Lụa là người con gái áp út đẹp nhất, nhỏ nhắn, xinh xinh, cùng trang lứa nên Năm Dừa có dịp gần nhau, chơi với nhau, thân nhau. Năm Dừa rất thích và tìm cách làm thân Sáu Lụa ngay từ những ngày vắng nhau là thấy nhớ, nhớ những ngày giữ trâu, nhớ những trưa hè tắm sông Phong Hồ và nhớ những đêm trăng nắm tay nhau đứng thành vòng tròn nhảy nhót, hát hò sinh hoạt thiếu nhi ở cái sân gạch đình làng. Chớm tuổi dậy thì, Sáu Lụa thấy thương và có cảm tình anh chàng giữ trâu chân chất, siêng năng và tốt bụng. Năm 1953, mười ba tuổi, mới học lớp Hai ở thôn Cổ Lưu, Dừa không muốn cày thuê nữa, xin vào du kích xã. Mới được kết nạp vào Đoàn Thanh niên thì đình chiến theo tinh thần Hiệp định Genève, chia Việt Nam thành hai miền Nam – Bắc. Dừa đi cày, đẩy xe bò chủ yếu cho nhà ông Cửu Bình một thời gian thì cán bộ nằm vùng mò về nhà mẹ Nhơn, từ đó Dừa thành cơ sở của Huyện ủy Điện Bàn những ngày “tố cộng”, “diệt cộng” khốc liệt sau năm 1954.
Từ những mùa xuân 1955-1956, ở tuổi mười tám, trông Dừa như chàng trai tuổi mười lăm, nhỏ người, nắng ăn da đen nhánh. Bà con quê Dừa chưa được hưởng một ngày hòa bình sau chín năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ thì bị kẻ thù xé toạc Hiệp định Genève, Dừa không thể đứng nhìn những tên phản bội quê hương hống hách lên mặt, những kẻ phục thù bắt bớ, thủ tiêu và thi hành quốc sách “tố Cộng” tàn khốc hòng tiêu diệt những người cán bộ kháng chiến không nằm trong diện đi tập kết ra miền Bắc, ở lại để đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève. Khi Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đức An về ở trong nhà của hai mẹ con thì Năm Dừa được Nguyễn Đức An tin cậy giao nhiệm vụ nối đường dây. Những ngày cán bộ nằm vùng về làng, mẹ Võ Thị Nhơn nuôi giấu vài cán bộ trong nhà thì Năm Dừa được giao làm liên lạc – tiền thân của giao liên. Khoảng năm 1958, khi Năm Dừa làm Tổ trưởng giao liên cho Huyện ủy Điện Bàn, một hôm gần tết, Năm Dừa ghé về nhà thăm mẹ Nhơn, tranh thủ sang thăm vài nhà hàng xóm rồi tạt vào thăm ông chủ Cửu Bình, nhân dịp thăm mấy chị em, chủ yếu nhìn Sáu Lụa. Thấy mấy chị em Lụa bận rộn lo làm bánh, Năm Dừa đi ra nhà sau thấy rộng một chum cá tràu, cá trê, Năm Dừa bỏ bụng. Chào cả nhà, ra cổng, rồi Năm Dừa đi vòng cái vườn rộng vào ngõ sau bợ con cá tràu to nhất về nhà mẹ, rộng con cá trong ảng nước. Ngày hôm sau, trong lúc mẹ và mấy chị em Lụa tiếc đứt ruột cho rằng đậy không kỹ để con cá tràu thoát ra sổng xuống sông, thì bỗng thấy Năm Dừa lù lù xách cái giỏ bước vô nhà. Năm Dừa thẹn thùng nói bắt được con cá tràu đem qua kỉnh bác Cửu. Cả nhà hết sức cảm động vì món quà của Năm Dừa. Bà Trà – mẹ của Sáu Lụa nói với con, thằng Năm biết ông già bay thích cái bộ lòng cá tràu. Bà Trà thúc mấy cô con gái làm thịt cá tràu nấu cháo cho cha không thì nó sẽ sổng nữa. Mỗi lần mang thư đưa cán bộ về vùng Đông, thế nào Năm Dừa cũng ghé về nhà thăm mẹ, tạt qua thăm Sáu Lụa. Với kẻ thù, Năm Dừa nóng như Trương Phi. Với dân nghèo tốt bụng, Năm Dừa nói chuyện ai cũng thương. Sáu Lụa nói với Năm Dừa, em thương anh nhưng cha, mẹ và bà con ai cũng can. Mỗi lần Sáu Lụa đưa ý kiến gia đình từ chối thì Năm Dừa ứa nước mắt. Quần quần mấy ngày trong xóm Cát, bên bờ tre ven sông, Năm Dừa được cùng Sáu Lụa đi chơi, đưa em Lụa vào bờ tre rậm rịt ven sông hôn mấy lần thì cả hai không cưỡng được sức cám dỗ tột đỉnh của tình yêu. Thế là ông bà Cửu Bình không còn cách nào ngăn cản con gái đang tuổi phổng phao, lớn ngồng. Sau này Năm Dừa mới biết một lần gặp nhau bên bờ tre rồi chia tay ở bến đò Phong Hồ ngay trước mặt nhà ông Cửu Bình không thể nào quên ấy, Sáu Lụa tắt kinh. Không để xấu mặt với dân làng, thương con gái tuổi mười tám đôi mươi, và cũng thông cảm cho hoàn cảnh, cho thời thế, ông Cửu nhận Năm Dừa làm con rể. Sau bảy tháng làm lễ hợp hôn cho hai con, thì ngày 10 tháng 10 năm 1959, cô Nguyễn Thị Lụa sinh cho ông ngoại Cửu Bình một cô cháu gái giống cha về chiều cao và con mắt còn thì giống mẹ về nhan sắc, nhờ vậy cô bé khá xinh, ông ngoại rất cưng, các dì và cậu út cũng mến thương. Đẻ con được hai mươi ngày thì Năm Dừa chia tay vợ. Hôm đầy tháng, Sáu Lụa nói với cha đặt tên cho con là Thông, ông ngoại Cửu Bình cười hiền khô, đồng tình với tên Sáu Lụa đặt cho cháu gái. Ông Cửu Bình hỏi con gái vì sao đặt tên cho cháu là Thông? Dạ, khi có mang anh Năm nói đẻ trai hay gái cũng đặt tên cho con là Thông. Ý anh, cây thông vững vàng chịu đựng được nắng mưa. Ông ngoại cười, nói, không thông làm răng cha đồng ý với mẹ con, gả con cho thằng Dừa giữ trâu, đi cày. Sáu Lụa nói với cha: “Ảnh đâu còn giữ trâu, ảnh là du kích mà cha!”. Ông Cửu Bình nắm tay con gái: “Từ nay cẩn thận nghe con”.
Thời đạn bom, gian khổ, thiếu đói trên núi rừng, nhớ con gái, Năm Dừa suy nghĩ, lẽ nào cái tên ám ảnh cả cuộc đời? Liệu con ta có đủ cứng cáp, chịu đựng phong ba bão táp như cây thông. Có lúc nào con gái đứng giữa trời, gào to lên: Cha ơi! Cho con gặp cha! Con gái mẹ Lụa như đóa hồng xinh xinh, càng lớn càng đẹp. Thông là niềm vui cho ông ngoại, bà ngoại, là nỗi lo, nỗi nhớ của mẹ Lụa. Thời ở giữa bốn bề Quốc gia có rể là một Cộng sản nằm vùng thì ngày ngồi không yên, đêm không ngủ được, lúc nào cũng thắc thỏm, sợ, lo, nếu không bị giết cũng bị tù rục xương. Từ ngày con gái có chồng là một Cộng sản nằm vùng, gia đình ông Cửu Bình tự hào là gia đình cách mạng, rồi cũng như bao gia đình cơ sở cách mạng ở đất này, họ rơi vào bi kịch của chiến tranh. Dân tình khốn đốn vì Luật 10/59 của Ngô Đình Diệm – Luật có quyền chặt đầu Cộng sản, chặt đầu bất cứ ai tiếp tay với Cộng sản. Phạm Đức Diêm, Chủ tịch Hội đồng hương chính, sau là Đại diện xã Điện Nam và Phạm Hàng công an xã thừa biết mối quan hệ của gia đình ông Cửu Bình với Năm Dừa, không chỉ hăm dọa mà cho bắt cả gia đình ông Cửu Bình nhốt vào nhà giam, đánh đập, bắt Sáu Lụa tối phải đi ngủ tập trung tại cơ quan Hội đồng. Phạm Hòa, cũng là người anh em trong họ với Phạm Đức Diêm ra tay can thiệp giúp đỡ gia đình ông Cửu Bình và nhân cơ hội ép Sáu Lụa lấy ông ta thì…thoát cái tội “phản bội quốc gia” do Hội đồng gán cho. Sáu Lụa cắn răng chịu tiếng thị phi, nhắm mắt cho Xã trưởng Phạm Hòa nằm lên bụng ngõ hầu mua đường vắng và cứu cha thoát ra khỏi nhà giam và sự hăm he, đe dọa của những tên đục nước béo cò trong mâm Hội đồng xã Điện Nam. Viên Xã trưởng thực hiện được một chương trong học thuyết “Nhân vị” của Ngô Đình Diệm: “Nằm được lên bụng của vợ Cộng sản, tức là thắng Cộng sản”. Trong thời gian thực thi học thuyết của Tổng thống Diệm, Xã trưởng Phạm Đức Diêm bị Đội công tác về giải phóng vùng Đông Điện Bàn tiêu diệt, còn Phạm Hòa thay nhiệm vụ của Phạm Đức Diêm, không dám lên mặt như người tiền nhiệm song bám riết Sáu Lụa kiếm được cái thằng.
Từ năm 1959, khốc liệt và đen tối, Năm Dừa không tài nào gặp Sáu Lụa và con gái. Khi có chủ trương mở ra, Năm Dừa quyết định rời núi, đột nhập về vùng Đông, mục tiêu đầu tiên và tốt nhất có thể đột nhập là nhà ông Cửu Bình. Năm Dừa đóng vai một nông dân, vai gánh một gánh keo, xế chiều thì vượt qua quốc lộ 1, băng đồng đến bờ sông Phong Hồ thì chạng vạng. Vứt gánh lá keo bên bờ ruộng, vào bụi cây ngồi chờ đêm đen ập xuống khắp ruộng đồng thì Năm Dừa lội qua sông Phong Hồ vào đứng sau hè nhà ông Cửu Bình. Chờ đến lúc cơm nước xong, thấy vắng bóng người qua lại, Năm Dừa sè sẹ bước vào nhà bếp. Người đầu tiên chộ mặt Năm Dừa là Sáu Lụa. Sáu Lụa mừng, xấu hổ, mặt đỏ bừng, cả thân người đang run cầm cập thì mẹ bước lại, ông Cửu từ nhà trên bước xuống. Họ đưa Năm Dừa vào trong buồng chào hỏi sơ qua vì ai cũng run, một lúc thì cả nhà để cho hai vợ chồng tâm sự. Năm Dừa khuyên Sáu Lụa gửi con gái cho ông bà ngoại theo anh lên chiến khu thì Sáu Lụa òa khóc, cầm bàn tay Năm Dừa đặt lên bụng mình: “Anh tha lỗi cho em. Em có với người ta bốn tháng rồi. Anh kiếm người khác hơn em làm vợ…”. Câu chuyện dường như không có hồi kết cho đến ba giờ sáng hôm ấy thì hai người bịn rịn chia tay. Sau lụt năm Thìn – 1964, sợ quân Giải phóng về “trừng trị”, Phạm Hòa Xã trưởng ban ngày thấp thoáng cho có mặt ở địa phương, tối trốn lên thị trấn Vĩnh Điện, có hôm ra ở nhờ nhà bà con ngoài Đà Nẵng, nhân cơ hội này ông Cửu Bình và con trai út vào Sài Gòn, rồi Sáu Lụa bí mật ôm con lên đường cái đón xe hàng vào Sài Gòn, kiếm việc làm nuôi con: Con gái là con của Năm Dừa – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con trai là con của một xã trưởng tiếp tay cho bọn bình định, phượng hoàng – lớp tay sai được Mỹ đào tạo bài bản, có nợ máu với nhân dân!
Nghĩ đến tương lai con gái, Năm Dừa muốn đưa chuyện đời riêng tư ra ánh sáng. Không ít lần Năm Dừa muốn thổ lộ với Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh. Chắc chắn ông không giận, có khi còn hiến kế cho Năm Dừa nhẹ bớt tội không báo cáo. Năm Dừa ngại, do dự, sợ làm bận lòng ông già – người thủ trưởng Năm Dừa xem như người cha đầy kính trọng. Nhiều hôm uống ngà say, Năm Dừa muốn nói toạc với vợ. Rồi do dự vì không biết điều gì sẽ xảy ra khi bà ấy lên cơn. Chừ mặt mũi mô nói đã có vợ, có con với người ta. Hình ảnh con gái chỉ biết tên, chưa biết mặt luôn thôi thúc, ám ảnh Năm Dừa. Lẽ nào để cho con gái không có cha, lẽ nào con gái lớn lên không hỏi mẹ: Cha con là ai? Và lẽ nào, hòa bình rồi, mẹ nó không dám tìm cha cho con. Năm Dừa trằn trọc giấu cái hoa hồng đầy gai trong nỗi nhớ, cho đến một ngày con gái lặn lội từ Sài Gòn ra Đà Nẵng tìm gặp cha. Một chuyến đi hy vọng, nếu cha xác nhận là con gái thì Thông không chỉ có cha là cán bộ cách mạng, mà đàng hoàng nộp đơn vào trường đại học, thỏa mãn ước mơ. Hai nữa, sẽ góp phần làm sáng rõ mối tình đầu vô cùng trong sáng song đầy đớn đau buồn khổ của mẹ, góp phần xoa dịu bớt nỗi lòng không biết nói cùng ai của mẹ. Sáng hôm ấy, khi người con của anh trai từ Phong Hồ, Điện Nam ra Đà Nẵng tìm gặp, thậm thụt báo cho Năm Dừa cái tin: con gái về tìm chú. Năm Dừa nôn nao, vội vội, vàng vàng sắp xếp công viêc đến bốn giờ chiều thì đánh xe Vespa về Phong Hồ. Con gái có chút ngờ ngợ về một người đàn ông lạ hoắc so với hình dáng mẹ kể. Năm Dừa, vừa dựng chiếc Vespa bên bờ tre cạnh bến đò Phong Hồ liền bước đến ôm chầm con gái. Họ có một buổi chiều bên nhau như trong mơ. Lúc ôm con gái vào lòng, ngay bên bụi tre, bên bến đò Phong Hồ, thì hình ảnh Sáu Lụa trẻ trung, thơ ngây, mấy mươi năm trước tưởng chừng như đã chìm lấp trong bao lớp bụi thời gian và hận thù, bỗng hiện ra làm Năm Dừa xúc động. Trong nghẹn ngào, Năm Dừa hỏi: “Mẹ khỏe không con?” Năm Dừa nghe như tiếng con gái khóc: “Mẹ nhớ ba lắm! Nhắc đến ba là mẹ khóc. Làm sao chừ ba!”. Nhìn con gái, Năm Dừa buột miệng nói: “Chừ con đi với ba”. “Đi đâu ba?”. “Ra Đà Nẵng gặp mợ”. “Con muốn đi mà sợ mợ quá”. Năm Dừa muốn nói với con: “Thì ba cũng sợ. Nhưng, trước sau gì cũng phải nói. Đời người chỉ có một lần chết. Sợ một lần lẽ nào cứ để sợ cả đời. Nói rõ ra để mà sống, mà hòa hợp”.
Buổi chiều hôm ấy, cái gai quý như vàng giấu kín lâu nay lòi ra, chích Năm Dừa tóe máu – những giọt máu tươi – ngọt – đắng làm Năm Dừa vừa đau nhói vừa nhẹ cả người. Một buổi chiều buồn, mâm cơm cá lạnh ngắt trên bàn không ai đụng đến. Chỉ đến khi nhận lời cầu khẩn của Năm Dừa, người mẹ kính yêu của Hạnh đến bên giường vuốt mái tóc ướt đẫm nước mắt rối bời của con gái, nói cho con gái nghe những lời dịu êm có lý, có tình: “Hắn mê con mà hắn nói đã có đời vợ thì làm răng lấy được con!”. Hạnh nằm im, thút thít, không phải vì giận Năm Dừa mà thương mẹ quá. Sau khi nuốt cạn những lời thân tình từ đáy lòng của mẹ, Hạnh ngồi dậy. Năm Dừa liền bước gần lại thì Hạnh đưa tay ra: “Chuyện của anh để đó, không nói ở đây. Chừ kêu con Thông vào cho tôi gặp”. Mấy bà bạn học bổ túc với Năm Dừa nghĩ trong đầu không biết bà này giở trò chi đây, vẫn chạy sang mấy nhà hàng xóm tìm dẫn bé Thông về trình diện. Thấy bé Thông thậm thụt đi vào, Hạnh chỉ cái ghế bên cái giường mẹ Hạnh và Hạnh đang ngồi, nói: “Con ngồi xuống đó”. Thông khép nép ngồi xuống cái ghế gỗ cũ mềm. Năm Dừa đứng tựa vào đầu giường, mặt đầy lo lắng, không tài nào hình dung điều gì mụ vợ sắp gây ra. Hạnh nắm tay Thông từ tốn: “Trước hết, mợ xin lỗi con. Khi nghe ba con nói con là con của ổng thì mợ như bị sét đánh mang tai. Mợ giận quá, mợ khóc, mợ chửi. Chừ, mợ xin lỗi con. Con không có tội tình chi. Bây giờ, cần giấy tờ gì, cần xác nhận gì thì biểu ba con làm rồi gửi vào cho mẹ bổ sung vào hồ sơ kịp xin vào đại học. Xong giấy tờ, con ở đó chơi với em Thủy, hồi mô muốn về Sài Gòn thì tùy con”.
Thông đứng dậy, nước mắt ròng ròng xuống hai gò má non tơ, cúi xuống ôm hai đầu gối của mợ Hạnh vừa nói lời cám ơn mợ vừa khóc nức nở. Một lúc sau Thông ngước mặt lên, thưa: “Con về đây xin gặp cha con một lần rồi con đi”. Thông nói chưa hết câu lại òa khóc, làm bà ngoại cũng khóc, Hạnh khóc theo và Năm Dừa ứa nước mắt.

H.D.L

 

NGUYỄN THỊ HẠNH

Nguyễn Thị Hạnh là cháu nội của thầy Bảy, một thầy thuốc Bắc khá nổi tiếng ở làng Thủy Tú – Nam Ô, trên bờ sông Cu Đê, quê ngoại là họ Hồ ở Hòa Liên, thuộc gia đình phú nông, sống bằng ruộng hương hỏa trên cánh đồng Nại. Tuy gia đình thuộc thành phần một thời bị quy chụp “tứ phú địa hào”, nhưng giặc Pháp đến thì cha chú của Hạnh đều tham gia kháng chiến. Từ năm 1948, cha của Hạnh làm Chủ tịch xã Hòa Vân (bao gồm các xã Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Khánh). Nguyễn Thị Hạnh tuổi Tý – 1948, một năm sau, 1949, cha Hạnh qua đời, bỏ lại ba chị em Hạnh cho người mẹ trẻ. Là con út nên mẹ gọi Hạnh là Bé. Năm 1965, khi còn là học sinh ở làng Thủy Tú, Hòa Vang thì Hạnh là cơ sở của cách mạng của huyện Hòa Vang.
Một hôm, Hạnh về Nam Yên xã Hòa Bắc ở lại chơi với chị Hai thì gặp địch đi càn. Chị Hai Trợ là chị đầu lấy chồng ở Nam Yên. Lính đi càn bắt Hạnh bỏ lên xe chở về đồn Lệ Mỹ. Chị Hai thấy em gái bị lính bắt liền bưng cái bội đựng năm con gà chạy theo xe. Thế là xe đưa luôn hai chị em về đồn. Xe vừa dừng trước cổng đồn, chị Hai xách cái bội gà nhảy xuống xe, chạy đến gặp chỉ huy trung đội nghĩa quân vốn quen chị. Chị Hai nói, nhà mẹ chị em tôi ở Thủy Tú, em tôi mới lên thăm tôi thì gặp hành quân. Giấy tờ em tôi để ở nhà mẹ, mong các anh thông cảm cho em tôi về. Viên trung đội trưởng nghĩa quân cười nói, tưởng giao liên cho Việt cộng lên vùng tranh chấp, thì ra là em gái của chị Hai. Viên trung đội trưởng nói vậy, nở nụ cười tình, chị Hai đưa cái bội gà cho viên trung đội trưởng, nói: Mấy con gà tôi nuôi trong vườn, vừa bắt khi hôm định sáng đi chợ, nhân dịp tôi xin tạ ơn trung đội trưởng để biết hương vị gà quê.
Từ khi địch thúc ép dân Thủy Tú xuống cồn Dâu – một cồn đất bồi nổi lên giữa dòng sông Cu Đê thì cán bộ của Hòa Vang lúc bấy giờ là Huỳnh Nhiệt, Nguyễn Hồ bảo Hạnh và Trần Thị May là cháu gọi Hạnh bằng dì chuyển vào Nam Ô. Lần vận động bầu cử tổng thống với ứng cử viên độc diễn Nguyễn Văn Thiệu, Hạnh và May nhận nhiệm vụ gây tiếng nổ phá cuộc bầu cử. Phân công nhau: May từ cầu Bà Tân đến cầu Nam Ô, Hạnh từ chợ Nam Ô đến bến xe lam (nay gần Ủy ban phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu). Khi diễn ra cuộc bầu cử thì hai địa điểm trên đều có tiếng lựu đạn nổ làm cho địch báo động, người ta tuôn chạy làm náo loạn cả Nam Ô. Địch nói với nhau chuyện này là do người ở tại chỗ thực hiện. Bấy giờ Hạnh đang ở tại nhà mợ Trích, là đối tượng chỉ điểm chú ý. Nửa đêm tên Bình, đại điện và tên Chí – cảnh sát cùng một toán nghĩa quân ập vào nhà mợ Trích bắt Hạnh. Hôm ấy có mẹ của Hạnh vừa từ Đà Nẵng về thăm Hạnh, thăm dì. Hạnh nói lên ở nhà dì học may, học xong thì xuống Đà Nẵng ở với mẹ. Chúng tin lời trình bày của hai mẹ con nên giam hai mẹ con Hạnh ba ngày thì thả.
Năm Mậu Thân 1968, Hạnh vừa tròn 20. Tham gia chiến dịch Xuân Mậu Thân, lực lượng quần chúng Khu 1 Hòa Vang ầm ầm kéo đến thị trấn Nam Ô, trong không khí bừng bừng thì bị quân Mỹ chặn lại, quân Sài Gòn xông ra, nhiều loạt súng nổ vào đoàn biểu tình, hàng trăm người ngã xuống… Năm Dừa chỉ huy mũi phía tây Đà Nẵng, lần đầu tiên thấy dao động vì lạnh lưng, có cây K59 lận trong bụng mà không thể nổ súng, phải lẩn vào đám người, bặm môi nhìn cảnh máu me và xác bà con ngổn ngang… Trong máu me, xác người, tiếng khóc, Năm Dừa gặp Nguyễn Thị Hạnh trang phục quần xa tanh trắng, áo dài trắng thư sinh trong âm thanh vang vang “Tiếng trống Nam Ô”, dân Xuân Thiều gọi “Tiếng trống Năm Dừa”. Hạnh bận bộ đồ xa tanh trắng trông như một nữ sinh – Hạnh cố ý đóng vai nữ sinh, không chỉ làm cho mình trẻ hơn, đẹp hơn, mà có quyền đi lại hợp pháp như bà con thị trấn Nam Ô. Năm Dừa đi trước, thanh niên xung kích theo sau. Khi Hạnh đang đi đến sau lưng Năm Dừa thì một loạt rốc két nổ ầm xé toác đám đông, hàng chục người ngã xuống, máu tung tóe, máu nhuộm lốm đốm cả cái áo xa tanh trắng của Hạnh. Bụi khói mịt mù, tiếng người kêu la xé lòng.
Năm Dừa cũng tuổi Tý, nhưng là Bính Tý – 1936, hơn Hạnh một con giáp. Hạnh trắng trẻo, tóc thề, trông như cô học trò mười bảy. Nhưng nghe Năm Dừa phát động quần chúng thì chen vào các mẹ, các chị lắng nghe không bỏ sót một câu. Sau đó thì “phục” cái ông dân vùng cát Điện Nam mà làm vang rền làng trên xã dưới bên bờ con sông Cu Đê dưới chân đèo Hải Vân bằng “Tiếng trống Nam Ô”. Đâu chỉ dân vùng cát Điện Bàn – quê nội của Năm Dừa phục, mà dân Xuân Thiều, Nam Ô, Hòa Hiệp… thời đánh Mỹ ai mà không phục, ai mà không biết tiếng Năm Dừa. Khi Năm Dừa phát động xuống đường, trong phần giải đáp thắc mắc có nêu lên tình huống bị địch đàn áp, có thể bị dùi cui, ma trắc, hơi cay. Nhưng, giờ lịch sử đến thì địch nổ súng, không phải hăm dọa mà bắn như điên vào dân thường, vào đội hình, rốc két, đại liên vang lên trong tiếng người la thất thanh, một đội hình chuẩn bị, tập dượt bao nhiêu công sức bị xé banh, tán loạn, mạnh ai nấy chạy để thoát thân. Bốn hướng vào trong khu vực thị trấn Nam Ô đều có các mũi quân dù, thủy quân lục chiến, có cả lính Mỹ, đi ra cánh nào cũng thấy lính Sài Gòn lù lù hiện ra, mặt dữ dằn, súng lăm lăm. Lo nhất là những cán bộ, đảng viên, đóng vai dân thường đi trong đội hình làm nòng cốt. Lẩn trong rừng hỗn loạn người thoát ra khỏi thị trấn Nam Ô, Năm Dừa nghĩ không ra, hiểu không nổi, do đâu mà bốn bề đều thấy quân của Sài Gòn.
Anh Năm Dừa đâu? Người này hỏi, người khác hỏi. Hạnh chạy trong đám đông về được nhà chị Hai Chinh, ở trong nhà người bà con bạn dì rồi, có thể hợp pháp được mà lòng không yên, rất lo không biết Năm Dừa có mệnh hệ gì không. Hạnh nghĩ, tình thế ni ảnh không chết thì cũng rơi vào tay chúng nó. Buổi chiều có vẻ yên dần, mệt quá, Hạnh ăn được lưng chén cơm ở nhà chị Hai Chinh rồi lên giường nằm. Phần lớn chị em trong tổ của Hạnh đi xuống đường người trước, người sau lần lượt về đến nơi. Các tổ khác lần lượt cũng về, mặt mày, áo quần xàu như lá chuối hơ lửa. Nhiều người chết, một số nòng cốt bị bắt, ai cũng lo buồn, nhưng không có Năm Dừa thì như rắn không đầu. Nằm thao thức đến 12 giờ đêm thì bỗng nghe: Năm Dừa đây! Năm Dừa về đến sân thì lên tiếng. Mới nghe tiếng Năm Dừa tưởng mơ. Mọi người thức dậy, vui mừng ứa nước mắt. Từ đó, hình ảnh một anh nông dân có nước da ngăm ngăm, đôi mắt nhỏ, có cái môi hơi trề, nói chung là xấu trai, dần dần làm cho Hạnh bận tâm, cứ mỗi ngày một chút cảm tình lấn dần trong những suy nghĩ về một Năm Dừa nói năng hùng hồn, Năm Dừa truyền đạt nghị quyết trong bốn bề bom đạn mà nghe như thắng lợi đến nơi, một Năm Dừa gan dạ, mưu trí, tả xung hữu đột trong sào huyệt giặc.
Gần bốn năm trôi qua, từ cuối năm 1967 đến đầu năm 1971, trong lúc Hạnh còn băn khoăn chưa dứt khoát nhận lời của Năm Dừa thì, không biết Năm Dừa đi vận động hành lang thế nào mà khi Hạnh – một đảng viên dự bị – xin ý kiến của chi bộ thì trăm phần trăm đồng ý cho Hạnh lấy đồng chí Năm Dừa. Giữa thời kỳ cái sống và cái chết cận kề nhau, lại là đảng viên dự bị, bần nông, phấn đấu 12 tháng, Hạnh thuộc thành phần phải phấn đấu đến 18 tháng, có chuyện chi thì biết bao giờ phấn đấu để có thể đứng vào hàng ngũ của Đảng quang vinh? Con nớ, như con búp bê mà ưng cái ông lớn hơn mấy chục tuổi. Hạnh đi đâu cũng nghe những lời xì xào, có người còn độc mồm nói cái ông Năm Dừa ấy có vợ từ thời còn đi ở đợ giữ trâu cho nhà địa chủ. Thôi, ừ cái cho xong, và cũng để bọn trai trẻ không quấy nữa cho rồi! Từ ấy, Hạnh để ngoài tai những lời người thân can ngăn, kể cả những lời gièm pha của dư luận:
Tổ cha con gái Hòa Liên,
Đứa khôn thì ít, đứa điên thì nhiều!
Vào khoảng tháng 8 năm 1968, sau khi củng cố tổ chức ở quận Nhì một bước, bàn giao nhiệm vụ Bí thư cho Đỗ Hữu Sanh, trước khi chia tay về Quận ủy quận Nhất thay Sáu Hưng, Năm Dừa báo cáo với Đảng ủy Khu 1 Hòa Vang xin cưới Nguyễn Thị Hạnh. Chi bộ Khu 2 Hòa Vang đứng ra tổ chức lễ cưới cho Nguyễn Thị Hạnh và Năm Dừa, có ba cán bộ của Đặc Khu ủy Quảng Đà đang công tác ở cánh Bắc thay mặt Đặc Khu ủy dự, và chuyển bức thư của Hồ Nghinh thay mặt Thường trực Đặc Khu ủy gửi. Cô Hồng y tá người Điện Bàn – đại diện bên gia đình nhà trai; anh Khanh, Chính ủy Khu 2, anh Trà người Túy Loan – đại diện cho Khu ủy Khu 1 chủ trì tuyên bố lễ thành hôn và đọc bức thư của Đặc Khu ủy chúc mừng đôi tân hôn và công nhận hai người nên vợ nên chồng. Cưới nhau hai hôm thì Năm Dừa đi họp Đặc Khu ủy Quảng Đà. Họp xong, Năm Dừa về quận Nhì để chia tay Hạnh. Hạnh nhớ hôm Năm Dừa qua thì gặp trời mưa giông. Năm Dừa đang làm việc với Đỗ Hữu Sanh, xong mang áo mưa qua Ban Dân vận thì mấy chị nói làm món gì đãi Năm Dừa. Chỉ còn bốn gói mì ông Phật mà không có lấy một lon cá hộp. Bấy giờ món liên hoan nổi tiếng nhất là mì ông Phật với nhưn cá hộp. Thế là Sao – cán bộ Văn phòng Dân vận đề xuất và xung phong đi soi ếch núi về nấu cháo. Hì hục đến gần 11 giờ khuya nấu được một nồi cháo ngon lành, chưa kịp bưng lên thì trời tạnh mưa, Năm Dừa đùng đùng bỏ về. Tức mình, Hạnh bưng cái hăng gô cháo ra đổ ở cái gốc cây ngoài đường, vào nằm khóc rúc rích. Năm Dừa dỗ đến gần sáng thì Hạnh mới chịu ngồi dậy rửa mặt cùng ăn sáng và chia tay… cho đến tháng 9 năm 1974!
Khi Lê Thị Tính bị phục kích, hy sinh ở xóm Thổ, xã Hòa Liên, địch lấy được cuốn sổ tay của Lê Thị Tính, trong đó địch chú ý đến tên một người ghi là: Bé – TT. Sau hai ngày Lê Thị Tính hy sinh thì địch đến nhà cô của Hạnh ở Nam Ô, hỏi con Bé đi đâu rồi. Cái tin địch đến nhà cô hỏi con Bé T.T, là Bé Thủy Tú đến tai, tức thì các anh ở Huyện ủy Hòa Vang cho giao liên gặp bảo Hạnh thoát ly ngay. Khoảng tháng 7 năm 1968, bấy giờ Hạnh là cán bộ của Huyện đoàn Khu 1 – Hòa Vang. Hạnh đi cùng cán bộ Huyện đoàn từ Hố Chuối về đến Cồn Dâu thì đã nửa đêm. Sau khi bàn xong công việc thì Hạnh ở lại, các anh chị đi ngay sau, về đến Hố Chuối trời chưa sáng. Sáng hôm sau chú Bảy Cáp gọi Hạnh dậy sớm ăn cơm chống càn. Vừa bưng chén cơm thì địch đổ quân vây Cồn Dâu. Hạnh hợp pháp nên trình bày với thông dịch, may gặp thông dịch tốt nên lính Mỹ thả cô học sinh từ Nam Ô lên thăm bà con.
Vào khoảng tháng 3 năm 1969, lúc này Hạnh đã là Bí thư Đoàn Khu 1 Hòa Vang về Phái Nhì xã Hòa Lạc, tức Hòa Liên ngày nay dự lễ kết nạp đoàn cho mấy thanh niên. Sau khi dự lễ và làm việc với anh chị đoàn cơ sở thì Hạnh và anh Côi là Bí thư Chi bộ Hòa Lạc ở lại nhà chị Bùi Thị Nhị. Không ngờ trong đêm địch đã đưa trực thăng đổ quân lên cánh đồng Quan Nam nên hay tin có địch thì nhiều anh em không thoát ra được Phái Nhì. Thường Hạnh và anh Côi rúc hầm bí mật của chị Bùi Thị Nhị, hôm ấy có thêm một người nên hầm chật và ngột vì vậy Hạnh phải rúc lên ở trên hợp pháp với mợ Sáu. Thấy lính Sài Gòn vô nhà, mợ Sáu nói: “Con cứ ngồi đó. Không sợ chi. Đây là vùng an ninh”. Địch hỏi giấy tờ thì Hạnh lấy giấy căn cước ra. Căn cước Nguyễn Thị Hạnh thường trú tại khu phố Hải Châu. Đây là căn cước giả do Phạm Phú Long – con trai mẹ Nhu làm giống như căn cước thật. Chỉ có điều, thường trú Hải Châu, Đà Nẵng thì lên Hòa Lạc, Hòa Vang làm chi? Trình bày chi địch cũng không chịu, buộc Hạnh “Cứ về cơ quan xã Hòa Lạc rồi tính”. Về cơ quan xã, Hạnh rất lo gặp người quen sẽ biết Hạnh là Bé. Điều lo ấy đã hiện ra, Hạnh thấy nghĩa quân Tân. Tân vốn là du kích làng Nam Yên, không hiểu sao nay lại là nghĩa quân. Tân nhìn Hạnh nhưng làm như không quen biết Hạnh, làm cho Hạnh vừa mừng vừa lo. Đến lúc lính tráng đi ăn trưa, Tân lại gần Hạnh nói nhỏ: “Tôi đã nói với chú Ba Đương là tên chị Bé đã bị lộ khi chị Tính hy sinh, dặn nói chị trốn đi. Sao chị để bị bắt. Chúng sẽ tra hỏi, chị cố chịu đựng”. Hạnh cảm ơn Tân và chuẩn bị nói sao cho có lý để bọn chúng tin. Chiều đó chúng đưa Hạnh đến một cái nhà ở xóm Phường hỏi cung. Hỏi, đánh. Hỏi, đánh, đá, đạp. Khi thả ra chân Hạnh không vững, hai nghĩa quân phải dìu Hạnh ra đường. Không ngờ Tân đứng đón Hạnh ngoài đường. Đưa Hạnh đi một đoạn, Tân dặn: “Về, chị đi luôn đi, mai chúng ráp nữa đó”.
Ngày 04 tháng 3 năm 1970, trên đường đi vào thị trấn Nam Ô thì Hạnh bị bắt. Sau mười ngày tra hỏi, Hạnh chỉ nhận là chị nuôi cho bộ đội. Ngày 16 tháng 3 năm 1970, địch đưa từ phòng Nhì – Non Nước đến trại tù binh Non Nước.
Nhà tù Non Nước có nhà giam tù binh nam và nhà giam tù binh nữ. Có hai khu: Khu A chỉ giam tù binh. Khu B giam tù binh, chiêu hồi tay sai. Chiêu hồi ở trại giam tù binh khác với chiêu hồi ở chiến trường chạy sang địch. Đó là những người tự nguyện hoặc không chịu nổi tra tấn, làm nhục, bị ép ký vào “Đơn xin cải danh thành hồi chánh viên”. Sau khi ký đơn, người ký được cho học thuộc lòng sáu điều tâm niệm và một loạt câu hỏi trắc nghiệm đại ý là thề nguyện trung thành với “chính nghĩa Quốc gia”, không còn niềm tin vào Chủ nghĩa Cộng sản. Khi bị đưa vào khu B, Hạnh không ký giấy chiêu hồi mà đòi đi trại giam Phú Tài ở Quy Nhơn, cùng Hạnh có Lương Thị Nhồng (Sáu Nhồng, Sáu Hường, quê Hội An), Phan Thị Vân và Hứa Thị Nho.
Ngày 14 tháng 4 năm 1970, chiếc máy bay vận tải quân sự C.130 chở 14 tù nhân nữ rời trại giam Non Nước đến trại giam Phú Tài. Trại giam Phú Tài có hai khu là trại 1 và trại 2. Thấy tù binh mới đến, một số tù binh ở trại 2 ra đứng sát hàng rào thép gai vẫy tay gọi với: “Đấu tranh qua trại 2 nhé! Trại 1 chiêu hồi, đừng vô”. Nghe vậy Hạnh ra hiệu cho Nhồng, Vân và Nho ngồi bên nhau bàn vào trại 2. Khi Hạnh đưa ý kiến xin vào trại 2 thì viên sỹ quan phụ trách phòng Điều hành chỉ vào mặt Hạnh, dọa: “Con nhỏ này cầm đầu đấu tranh từ Đà Nẵng vào đây. Được rồi. Chị em cứ vào trại rồi ngày mai sẽ hay”. Trong số 14 chị em đi chuyến bay từ Đà Nẵng vào Quy Nhơn, về sau chỉ còn 4 chị em liên lạc được với nhau.
Khi ở trại Non Nước, Hạnh được bác sĩ Quyết giới thiệu về chị Trần Thị Mai thương binh, khi vào Phú Tài thì tìm cách liên lạc với chị Mai để biết tình hình. Chị Trần Thị Mai cùng 26 chị em rời trại Non Nước vào trại Phú Tài ngày 01 tháng 3 năm 1970. Ở một thời gian thì Hạnh gặp được chị Mai. Hai người đang nói chuyện một lúc thì hai tên trật tự đến chụp đầu tóc Hạnh kéo ra đánh tơi bời rồi cột đầu tóc Hạnh lên đầu giường tầng 2 làm lột miếng da đầu. Hạnh lại liên lạc với Nhồng, Vân và Nho ra phòng giám thị đòi qua trại 2. Đến nơi, chưa nói hết câu, tên trung sĩ Minh là giám thị cầm cây gậy phang lên đầu bốn chị em. Trung sĩ Minh kéo Nhồng, Vân và Nho vào lại trại 1, dẫn Hạnh vào phòng giám thị rồi cầm cây ma trắc đánh xa xả vào người Hạnh, lấy chân giày đạp Hạnh đến xỉu. Đến 2 giờ chiều thấy Hạnh tỉnh dậy, chúng lại bảo Hạnh vào trại 1, Hạnh vẫn không chịu. Thế là trung sĩ Minh và tên Việt kéo xềnh xệch Hạnh đến tống vào chiếc cũi sắt trước sân nắng phòng giám thị. Hạnh bị nhốt bỏ đói trong cũi sắt 5 ngày, sợ Hạnh chết, bốn quân cảnh kéo Hạnh lên băng ca khiêng vào phòng C.4 – trại 1. Phòng C.4 là phòng địch dành để dồn số chị em chống đối nhưng chúng không chịu đưa các chị sang trại 2. Từ đây, bốn chị em Hạnh, Nhồng, Vân, Nho bị chia cắt nhau.
Tháng 6 năm 1971, thì có các đoàn tù từ Đà Nẵng, Biên Hòa và Cần Thơ vào trại Phú Tài. Tù binh tổ chức đấu tranh đòi qua trại 2. Buổi sáng sau khi ra sân điểm danh, tất cả tù nhân ngồi lại đòi thiếu tá Hậu, chỉ huy trưởng trại giam giải quyết yêu sách. Thiếu tá Hậu không giải quyết yêu sách tù nhân kiến nghị mà buộc tất cả phải vào phòng. Mặc cho thiếu tá Hậu kiên nhẫn giải thích, tù nhân kiên quyết vào trại 2. Vẫn ngồi phơi nắng tại sân đến ngày thứ ba, một số chị lên cơn co giật, mặc kệ, lính quân cảnh mang dây thép gai đến khoanh tất cả chị em tham gia đấu tranh vào một góc sân, có tất cả 75 chị em. Chúng gọi xe bồn đến phun nước làm mọi người ướt đẫm, vẫn không xuể, chúng ném lựu đạn cay thì nhiều chị em ngất xỉu, nhiều chị nôn ra máu. Không biết chị nào đã chụp được quả lựu đạn cay ném lại làm chúng tuôn chạy tán loạn. Ngay tối hôm đó, đang trong khí thế đấu tranh hừng hực, các chị xông vào đánh bọn chiêu hồi và trật tự tay sai. Bọn chiêu hồi bị đánh đau kêu cứu thì chúng điều quân đến đàn áp đẫm máu, hàng chục chị tù nhân bị thương nặng phải khiêng ra trạm xá cấp cứu. Ngay đêm đó chúng đưa tất cả 75 chị em tù “cứng đầu” vào trại 4, cách trại 1 chừng cây số. Ở trại 4 là bước thắng lợi làm cho tinh thần chị em được thoải mái, một thời gian thì sức khoẻ chị em dần hồi phục, chị em tổ chức học. Có lớp học tiếng Pháp do chị Sáu Tâm dạy. Chị Tôn Thị An, thường gọi là Tâm, sau khi ra tù trở thành vợ của nhà văn Nguyên Ngọc (Nguyễn Trung Thành).
Tháng 9 năm 1971, tù nhân trại 4 bắt đầu cuộc đấu tranh qua trại 2. Sáng hôm ấy, sau khi điểm danh, chị em vẫn ngồi ngoài sân mặc cho trời mưa to, đưa yêu sách được vào trại 2. Một chị ngồi hàng phía trước đứng lên, chưa kịp nói hết câu yêu sách liền bị tên giám thị cầm cây quất vào mặt. Hạnh liền đứng lên la to: “Đả đảo đàn áp! Đả đảo đàn áp!” Tức thì một quân cảnh đứng phía sau nhào tới nện ma trắc lên đầu Hạnh. Hạnh lấy tay đỡ thì một ngón tay bị gãy. Tức thì chị Nguyễn Thị Lê quê Thăng Bình ngồi cạnh đưa lưng đỡ đòn cho Hạnh thì chị Lê bị một đòn ngang lưng bầm máu. Thấy vậy, Hiền, tức Phan Thị Hiến quê Tam Thanh, Tam Kỳ, hô to: “Đả đảo bọn ác ôn tàn nhẫn”. Bọn trật tự nhào tới đánh Hiền ngã đè lên người chị Nhi. Sau hơn một buổi đấu tranh, nhiều chị bị đánh sưng mắt, bầm lưng vẫn kẻ đứng, người ngồi ngoài trời mưa, trên sân trại nước ngập, gió thổi lạnh tê người. Đến 3 giờ chiều thì lính đến. Viên chỉ huy nói: “Có què chân, gãy tay, tụi bay cũng phải tự đi, tự lết về trại 2”. Thế là chị em người khỏe dìu người đau, có người phải cõng, phải khiêng, sau gần hai giờ đồng hồ thì vào hết trại 2. Trước khi bước vào cổng trại 2, một số chị em còn bị mấy con chiêu hồi, mấy tên trật tự cầm cây đánh hôi trả thù vì bị chị em đánh nhừ đòn.
Vào trại 2, Nguyễn Thị Hạnh sinh hoạt Đảng do Lê Thị Sơn làm Bí thư. Sau thời gian thì Đại hội Chi bộ, bầu chị Trần Thị Lý làm Bí thư, Hạnh được cử làm Phó bí thư Chi bộ và được Đảng ủy phân công làm Phó bí thư Đoàn ủy trại giam Quy Nhơn. Tháng 10 năm 1972, địch chuyển tù nhân từ Quy Nhơn vào Cần Thơ.
Ngày 15 tháng 02 năm 1973, 904 tù nhân trại tù Cần Thơ được trao trả cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng tại sân bay Lộc Ninh. Hạnh được phân công làm Phó bí thư Đoàn ủy đoàn đón tiếp Lộc Ninh do Lê Hồng Khanh làm Bí thư đoàn. Ban tổ chức đón tiếp tù nhân có: Lê Thanh Vân, Lê Thị Sơn… Nhiệm vụ của Ban tổ chức là xác minh lý lịch, ghi tóm tắt thời gian ở tù để về địa phương. Tháng 02 năm 1974, một số tù nhân tập trung lên sông Măng sát biên giới Campuchia rồi về Mặt trận B.3 đóng ở Ngã ba Đông Dương. Từ B.3, sau khi làm bản kiểm điểm, được anh em trong đoàn ở tù về xác nhận, Hạnh được sớm phục hồi Đảng tịch, được nhận công tác ở Khu đoàn Khu ủy 5. Những ngày ở căn cứ Khu ủy 5, Nguyễn Thị Hạnh gặp lại Năm Dừa. Tháng 9 năm 1974, trong lán trại dưới cây rừng đại ngàn mát rượi của rừng núi Trà My, Hạnh cầm tay Năm Dừa đặt lên bụng báo cái tin vui đầy lo lắng, đã có bầu hai tháng. Cẩn thận! Năm Dừa ôm cứng Hạnh thì thào, vậy là chúng ta đã có con! Thật ra, Năm Dừa vừa rất mừng và cũng rất lo, không biết rồi cô ấy sinh đẻ ở đâu giữa rừng sâu nước độc, đạn bom chưa ngưng. Chắc Hạnh phải theo về Quảng Đà. Nhưng mang cái bầu về Quảng Đà cơ quan nào nhận? Đang tính không ra nước thì may quá, gặp Nguyễn Hồng Thắng đang giữ chức Trưởng ban Đấu tranh Chính trị. Nguyễn Hồng Thắng nói về chỗ anh, dù anh Thắng biết rằng Hạnh về cơ quan chỉ có việc ôm cái bụng bầu chờ đẻ. Bấy giờ các cơ quan của Đặc Khu ủy Quảng Đà đóng trong núi Hòn Tàu. Trong núi nhưng xung quanh là đồn, là trận địa pháo. Các trận địa của Mỹ giao lại cho chính quyền ngụy Sài Gòn thực hiện “tràn ngập lãnh thổ” ở Cấm Dơi, Bàn Thùng, Núi Quế, thay nhau, ngày nào cũng cho Hòn Tàu ăn bom, ăn pháo. Hạnh về cơ quan Đấu tranh Chính trị, mỗi lần nghe pháo kích thì phải mang cái bầu chui vô hầm, hết pháo lại rúc ra. Nhiều hôm tức ngực thở không ra hơi, cứ lo cái thai có làm sao không. Những ngày ăn cơm với canh rau tàu bay, rau tầm phục, môn dóc, thêm chút mắm cái kho, rắc chút mì chính ưu tiên cho bà bầu, nuôi cái thai ở Hòn Tàu. Chuyển bụng, anh em cơ quan Đấu tranh Chính trị đưa Nguyễn Thị Hạnh băng rừng lội suối đến Bệnh xá Y.78. Đây là bệnh xá của bộ đội, hầu hết là thương binh. Quá nhiều thương binh, suốt ngày đêm lúc nào cũng nghe tiếng la, tiếng kêu. Nhiều ca mổ không có thuốc gây mê. Các bác sĩ, y tá chong đèn dầu cả đêm mổ, điều trị vết thương vô cùng vất vả. Bệnh xá biết Hạnh là vợ của một ông Thường vụ Đặc khu nên bố trí cho Hạnh nằm ở gian phòng xa khu thương binh, sát bên bờ con suối lớn, ngày đêm nghe suối reo cũng đỡ buồn.
Đang công tác ở Hòa Hải, Hòa Vang, nhận thư hỏa tốc của Đặc Khu ủy về họp, Năm Dừa đi suốt đêm về đến căn cứ của Đặc Khu ủy thì nghe tin Hạnh sinh, Năm Dừa liền tranh thủ đến thăm vợ. Bước vào thấy Hạnh ngồi bên con, Năm Dừa cúi xuống bồng con lên hôn, không hỏi gái hay trai mà đưa tay kéo tấm tã lên nhìn. Con gái! Răng ai cũng con gái hết trơn ri? Hai vợ chồng đặt tên cho con gái là Thủy. Nguyễn Thị Thanh Thủy. Hạnh hỏi sao sinh con trên núi mà đặt tên con là Thủy. Năm Dừa cười, giải thích: “Thủy đây không có nghĩa là Nước, là Biển mà là Thanh Thủy – tên làng quê Cát của Năm Dừa. Khi mô em sinh cái thằng thì đặt tên con là Sơn – vùng núi sỏi Hòa Hiệp, Hòa Liên của em”. Hạnh cười và nghĩ ổng cũng mong có con trai. Năm Dừa ở lại trong bệnh xá với mẹ con của Hạnh được đúng hai ngày thì chia tay. Năm Dừa nói Bí thư Hồ Nghinh và Trần Thận cho cần vụ sang chờ ngoài suối, bảo phải đi ngay, ở nhà mấy ổng đang chờ họp, chuẩn bị đưa các mũi quân tiến vào giải phóng Đà Nẵng. Năm Dừa cúi xuống hôn con gái mà chảy nước mắt. Thấy vậy, Hạnh cũng rơm rớm nhưng không dám giữ tay Năm Dừa đưa quân vào giải phóng Đà Nẵng trưa ngày 29 tháng 3 năm 1975.
Sau khi Năm Dừa đi xa, Nguyễn Thị Hạnh sống với các con, các cháu thân yêu; thờ chồng Nguyễn Thành Năm – Năm Dừa – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

H.D.L.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây