Tết Trung Thu đối với người Việt – Tác giả Phan Thanh Đà Hải

Tết Trung Thu đối với người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà Hải
Phong tục Tết Trung thu

TẾT TRUNG THU ĐỐI VỚI NGƯỜI VIỆT

Tác giả: Phan Thanh Đà Hải

Hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng 8 âm lịch, khi mà vầng trăng tròn nhất trong năm chiếu sáng xuống nhân gian thì ở Việt Nam, cũng như nhiều nước ở Đông, Đông Nam châu Á, người ta đều náo nức tổ chức ngày lễ Tết Trung thu hay lễ hội Trung thu.

Tết Trung thu/ tiết Trung thu là tiết giữa mùa thu. Theo quan niệm cổ học phương Đông, ngày rằm tháng 8 là ngày mặt trời dọi tương đối thẳng vào mặt trăng nên mặt trăng nhận được nhiều ánh sáng hơn cả và trong ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), trăng là thủy, thủy quyết định nghề nông. Vì thế, vào ngày này, người ta có thể quan sát màu sắc của trăng để tiên đoán mùa màng, thời tiết (trăng vàng được mùa tơ tằm; trăng xanh lụt hạn hán, bão lụt, mất mùa; trăng màu da cam nước thịnh trị, thái bình…) nên dân gian có câu: “Muốn ăn lúa tháng 5, thì trông trăng tháng 8” nghĩa là vào ngày rằm tháng 8, người ta có thể vừa trông trăng thưởng nguyệt mà vừa đoán được vận mệnh quốc gia, dự báo thời tiết, mưa nắng, mùa màng và đặc biệt ánh trăng huyền diệu còn gợi nguồn cảm hứng thi ca, biểu hiện mối giao cảm hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Nguồn gốc ngày Tết Trung Thu

Về nguồn gốc Tết Trung Thu, có người dẫn các thư tịch cổ và cho rằng Trung Thu bắt nguồn từ Trung Hoa. Tuy nhiên lại có người cho là từ người Việt cổ, dẫn chứng hình ảnh Trung Thu trên trống đồng Ngọc Lũ.

Ngày Tết Trung Thu ở Việt Nam đã có từ rất lâu đời và theo lịch sử ghi chép lại thì đây là dịp mà vua Lý chọn làm ngày tạ ơn thần Rồng. Bởi lẽ theo quan niệm dân gian thì chính nhờ thần Rồng mà vụ mùa của dân chúng được bội thu, mưa thuận gió hòa, cuộc sống được ấm no và hạnh phúc.

Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê – Trịnh thì Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa mà “Tang thương ngẫu lục” đã miêu tả.

Học giả P.Giran (trong Magiet Religion, Paris, 1912) khi nghiên cứu về nguồn gốc Tết Trung thu đã chỉ ra rằng từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi trọng Mặt Trăng và Mặt Trời như một cặp vợ chồng. Họ quan niệm Mặt Trăng chỉ sum họp với Mặt Trời một lần mỗi tháng (vào cuối tuần trăng). Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang – trở thành trăng non, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới. Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Và ngày Rằm tháng 8, nàng trăng đẹp nhất, lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn Tết mừng trăng. Còn theo sách “Thái Bình hoàn vũ ký” thì: “Người Lạc Việt cứ mùa thu tháng Tám mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau”. Như vậy, mùa thu là mùa của thành hôn.
Việt Nam là một nước nông nghiệp nên nhân lúc tháng 8 gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, là lúc “muôn vật thảnh thơi” (bia chùa Đọi 1121), người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi Tết Trung Thu.

Có ba truyền thuyết chính được người ta biết đến nhiều nhất để nói về Trung thu đó là Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng và Sự tích về chú Cuội của Việt Nam.

H2 min - Tết Trung Thu đối với người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiBức tranh vẽ về tục Tết Trung thu ở Việt Nam

Ý nghĩa Tết Trung Thu

Trải qua hàng ngàn năm, con người luôn cho rằng có mối liên hện giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Cũng từ đó trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên.

Trong ngày vui này, theo phong tục người Việt, tất cả các thành viên trong gia đình đều mong muốn quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên.
Khi đêm xuống, mặt đất ngập tràn ánh trăng vàng, xóm làng cùng nhau tụ họp uống nước chè xanh, ăn bánh Trung thu, ngắm trăng và bày hoa quả, bánh kẹo cho trẻ em vui chơi, rước đèn, múa Lân, múa sư tử, trông trăng, phá cỗ…

Tết Trung thu lúc đầu chỉ dành cho người lớn, nhưng rồi lâu dần, cho đến nay đã trở thành lễ hội cho trẻ em gọi là Tết thiếu nhi, dịp mà người lớn dành sự quan tâm yêu thương cho thế hệ mai sau.

Nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con trai của người sáng lập Tự Lực văn đoàn xưa, sau nhiều năm sống ở nước ngoài, đã mô tả lại cái Tết Trung thu ở Hà Nội với những tình cảm xúc động: “Tết Trung thu năm nay lại rơi đúng vào tối thứ Bảy. Tôi bước xuống từ lầu nhà Thủy Tạ thấy mình rơi vào dòng người tấp nập ngược xuôi xung quanh bờ Hồ. Phố Lê Thái Tổ ôm sát nửa vòng hồ chứa cả một khối lượng không biết cơ man nào xe máy, tưởng như tất cả chiếc xe của thành phố bỗng từ trăm ngả cùng lúc tuôn ra đi “thưởng trăng” nơi hồ Hoàn Kiếm. Trên những chiếc xe máy là cả một đàn thê tử: chồng thì gò lưng lách lạng, vợ ngồi sau ôm cứng bầy con; có xe – ôi chao – kẹp những ba đứa, những đứa trẻ nghếch mặt tay giơ cao chiếc que đèn lồng hay kéo sợi dây căng có buộc chùm bong bong đủ màu.

Đêm này, năm mươi năm trước, đứa bé đó là tôi tay xách đền lồng đi tung tăng trong khu phố cổ, ngụp lặn trong thế giới của đồ chơi tháng Tám những phố Mã Mây, Hàng Bông, Hàng Hòm, Hàng Quạt, Hàng Bồ… Thằng bé đi qua phố Hàng Thiếc ngây người đứng xem những cái tàu thủy bằng thiếc chạy xình xịch trong thau nước, con bướm sắt đẩy đi trên hè kêu leng keng chiếc cánh gập lên hạ xuống, tạt vào Hàng Mã nhìn những con giống bằng bột hình con thạch sùng, con kỳ lân, con phượng… màu sắc lòe loẹt, sặc sỡ. Nó hoa mắt nhìn những cỗ đèn Trung thu đủ màu đủ kiểu ở phố Hàng Gai: đèn xếp, đèn quả trám, đèn con thỏ, đèn kéo quân, đèn ông sao… trong khi đâu đó từ hướng Hàng Trống đưa lại tiếng trống ầm ầm, xùng xoèng múa sư tử”.

H3. Tac gia bai viet min - Tết Trung Thu đối với người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiTác giả bài viết bên khung cảnh tái hiện Tết Trung thu ở phố Hàng Mã năm 2020 (Hà Nội)

Những tục lệ trong ngày Tết Trung Thu

Bày cổ

Mâm cỗ Trung thu thông thường có trọng tâm là con chó được làm bằng tép bưởi, được gắn 2 hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn lợn con béo mũm mĩm, hoặc hình cá chép là những hình phổ biến. Hạt bưởi thường được bóc vỏ và được xiên vào những dây thép, phơi khô từ 2-3 tuần trước khi đến hôm rằm, và đến đêm Trung thu, những sợi dây bằng hạt bưởi được đem ra đốt sáng. Những loại quả, thức ăn đặc trưng của dịp này là chuối và cốm, quả thị, hồng đỏ và hồng ngâm màu xanh, vài quả na dai…và bưởi là thứ quả không thể thiếu được. Đến khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, mọi người sẽ cùng thưởng thức hương vị của Tết Trung thu.

H4. Phá cổ min - Tết Trung Thu đối với người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiMâm cỗ Tết Trung thu

Thi cổ và rước đèn

Theo Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục: “Dân ta thế kỷ 19, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi…”.

Nhiều nơi có những cuộc thi cỗ, thi làm bánh Trung thu. Đây là dịp khuyến khích các bà nội trợ và các cô gái trong việc nữ công.

Lại có treo đèn kết hoa để mâm cỗ thêm màu sắc, bánh mứt nhiều hoa mỹ, cuộc thi do đó thêm tưng bừng.

H5. Long den Trung thu min - Tết Trung Thu đối với người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiTreo đèn lồng ngày Tết Trung thu

Các trẻ em có những cuộc rước đèn và nhiều nơi có mở cuộc thi đèn: đèn làm hình mặt trăng, làm hình các ngôi sao, các loài thú…

Tại một số vùng nông thôn, những nơi mà quan hệ hàng xóm láng giềng vẫn còn được bảo tồn và trân trọng, người ta thường tổ chức cho trẻ em cùng nhau rước đèn đi khắp thôn, xóm, khu phố trong đêm Trung thu. Lễ hội rước đèn có thể được phát động bởi chính quyền địa phương hoặc những nhóm thanh niên trong làng xóm.Họ phân công nhau làm những lồng đèn ông sao thật lớn hoặc những lồng đèn thật đẹp để thi thố với nhau trong lễ rước đèn.

Sau khi chơi cỗ trông trăng, các em cùng nhau phá cỗ vào lúc đã khuya, nghĩa là cùng nhau ăn mâm cỗ này, ngắm trăng, ca múa.

H6. Da dang long den Trung thu min - Tết Trung Thu đối với người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiĐa dạng lồng đèn Trung thu

Hát trống quân

Theo sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, tục hát trống quân có từ đời vua Quang trung Nguyễn Huệ, Nguyên khi ông đem quân ra Bắc, quân sĩ lắm kẻ nhớ nhà. Nguyễn Huệ mới bày ra một cách cho đôi bên giả làm trai gái, hát đối đáp với nhau để cho quân sĩ vui lòng mà đỡ nhớ nhà.Có đánh trống làm nhịp, cho nên gọi là trống quân.

Đánh trống quân, có những chiếc dùi tre nhỏ bằng cỡ chiếc thước kẻ. Dùi đánh vào chiếc dây căng bật ra những tiếng “thình thùng thình” là nhịp cho câu hát:

“Trống quân, trống quýt, trống còi,
Ta chẳng lấy nó, nó đòi lấy ta.
Tình thùng thình
Trống quân anh đánh nhịp ba,
Lúc vào nhịp bảy, lúc ra nhịp mười.
Thình thùng thình”

Hát trống quân đôi bên nam nữ đối đáp với nhau bằng những câu hát vận, nghĩa là hát theo vần, theo ý, hoặc bằng những câu hát đố, nghĩa là hát để đố nhau. Có khi những câu hát đã có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra.

Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm hóc.

H7. Do choi Trung thu danh cho tre em min - Tết Trung Thu đối với người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiĐồ chơi Trung thu dành cho trẻ em

Bánh Trung thu

Bánh nướng

Bánh nướng được làm với lớp vỏ bánh là bột mì và có chút dầu ăn. Đường để trộn vào vỏ bánh thường được nấu với mạch nha để chuyển thành màu hổ phách và để càng lâu càng tốt (thường các nhà làm bánh sau tết trung thu nấu nước đường, cất kỹ để tới tận mùa sau mới dùng). Trước kia tại Vieệt Nam, nhân bánh nướng thường là nhân thập cẩm, có chút lá chanh thái chỉ, thịt mỡ, mứt, hạt dưa, lạp xưởng.

Sau khi nặn bánh, ép khuôn, bánh được cho vào lò nướng.Quy trình nướng chia làm hai giai đoạn trong đó khoảng 2/3 thời gian nướng là giai đoạn đầu tiên.Sau đó bánh được dỡ ra, làm nguội, phết lòng đỏ trứng gà lên rồi cho vào nướng tiếp 1/3 thời gian còn lại.

H8. Bánh Trung thu min - Tết Trung Thu đối với người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiBánh Trung thu

Bánh dẻo

Theo truyền thống bánh dẻo trung thu được làm với vỏ bánh là bột gạo nếp rang xay mịn, nước đường kính trắng đun sôi để nguội (không dùng mạch nha như bánh nướng), nước hoa bưởi. Nhân bánh làm từ các thực phẩm, nguyên liệu đã chín. Bánh được nặn xong ép khuôn và có thể sử dụng ngay không cần cho vào lò nướng.

H9. Mua Lan min - Tết Trung Thu đối với người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiMúa Lân trong ngày Tết Trung thu

Múa Lân Sư Rồng

Lân – Sư – Rồng là ba loại hình thù động vật vừa dữ dằn vừa linh thiêng được phương Đông nhân cách hóa bằng những điệu múa trình diễn rất ngoạn mục không thể thiếu trong Tết Trung thu.

Việc dàn dựng những tiết mục biểu diễn của ba loại múa động vật này rất công phu, bao gồm cả nghệ thuật và võ thuật và người trình diễn phải là những nghệ nhân biết võ thuật.

H10. Mua Rong min - Tết Trung Thu đối với người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiMúa Rồng trong ngày Tết Trung thu

Múa Sư tử và múa Lân gần giống nhau. Múa Lân đầu con Lân mình dài hơn, còn múa Sư tử đầu Sư tử mình gọn hơn. Rồng là loại hình múa riêng biệt, thường quy tụ khá đông người để biểu diễn.

Ngoài đội trống múa Lân Sư Rồng còn có thêm ông Địa, mặc áo phùng phình, mặt tượng Phật Di Lặc luôn có nụ cười toe toét.

PHAN THANH ĐÀ HẢI

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây