Thành phố Hà Nội: Bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Thành phố Hà Nội: Bảo tồn và phát huy giá trị di tích
Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng di tích lịch sử - văn hóa

Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di tích,đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý, phát huy giá trị.

Tiềm năng, thế mạnh

Theo thống kê, toàn Thành phố Hà Nội hiện có 5.922 di tích được kiểm kê; trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp thành phố. Gắn bó chặt chẽ với hệ thống di tích lịch sử là những lễ hội truyền thống với nhiều quy mô, hình thức khác nhau, góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô. Hà Nội cũng có nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và sinh hoạt văn nghệ dân gian, trong đó có những loại hình được vinh danh là di sản văn hóa thế giới, như: Ca trù, xẩm, hát văn…, tạo nên bề dày văn hóa và những lợi thế so sánh cho Hà Nội.

Trong những năm qua, theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố luôn được quan tâm, đầu tư, đạt nhiều kết quả quan trọng. Hà Nội được ghi nhận là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và sưu tầm các di sản văn hóa cũng như công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Các di tích thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quản lý được thực hiện tốt công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị; nhờ đó, trung bình mỗi năm (từ 2015 đến nay), Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám… đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước.

Đặc biệt, Hà Nội đã giải quyết cơ bản hài hòa, hợp lý giữa công tác quy hoạch, quản lý, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế – xã hội trong không gian đô thị với việc áp dụng một số mô hình hiệu quả, tham khảo ý kiến tư vấn của các nhà khoa học, lắng nghe ý kiến dư luận nhiều chiều. Tại các quận, huyện, thị xã, việc phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được quan tâm, chú trọng, qua đó đã triển khai kịp thời và tương đối đồng bộ các biện pháp quản lý di tích tại cơ sở. Các di tích cơ bản đều có ban quản lý. Nhiều quận, huyện chủ động lập và thực hiện tốt kế hoạch đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn cũng như phối hợp mở lớp tập huấn nâng cao công tác quản lý, bảo vệ di tích.

Nha tu Hoa Lo diem di tich lich su hap dan cua Thu do min - Thành phố Hà Nội: Bảo tồn và phát huy giá trị di tíchNhà tù Hỏa Lò – điểm di tích lịch sử hấp dẫn của Thủ đô

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thực trạng công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn Hà Nội còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, không ít các cấp, ngành và người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác quy hoạch, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, di sản văn hóa; về vị trí của mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển… Mặt khác, trước tốc độ đô thị hóa quá nhanh, dân số gia tăng, sự kết nối giữa kiến trúc đô thị và giao thông đô thị chưa đồng bộ cũng tác động tiêu cực đến các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh của Hà Nội. Đồng thời, việc kiểm tra, giám sát hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích ở một số địa phương trên địa bàn thành phố chưa thường xuyên, kịp thời, đã dẫn tới tình trạng vi phạm, xâm hại di tích ở một số nơi chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Khai thác và bảo tồn các giá trị nguyên gốc

Theo các chuyên gia, các di tích lịch sử, di sản văn hóa chính là nguồn tài sản quý giá, cấu thành môi trường sống của con người Thủ đô. Đây cũng chính là tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để Hà Nội phát triển kinh tế – xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa. Vì thế, Hà Nội cần triển khai chi tiết quy hoạch bảo tồn không gian di sản văn hóa; tăng cường đầu tư nguồn vốn và nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn các di tích lịch sử – văn hóa để bảo đảm giữ gìn bản sắc kiến trúc cổ trong quá trình trùng tu, tôn tạo; gắn kết hoạt động bảo tồn di sản văn hóa đô thị với hoạt động du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô…

Ngay tại cuộc họp báo cáo công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn Thành phố Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, do đặc thù kiến trúc, hàm lượng giá trị văn hóa trong mỗi công trình nhiệm vụ tu bổ, tôn tạo di tích đặc biệt đặt ra những yêu cầu về quy trình thực hiện, kiến thức, tay nghề… làm sao triển khai hiệu quả, giữ gìn và phát huy tốt giá trị nguyên gốc. Theo lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ngành văn hóa Thủ đô phải khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, yêu cầu về các giải pháp thực hiện đó là: Xây dựng đề án tổng thể về phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố, làm cơ sở, định hướng cho các địa phương triển khai nhiệm vụ; thành lập Ban Chỉ đạo công tác quản lý tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn Thành phố Hà Nội; hoàn thành công tác kiểm kê và đẩy nhanh số hóa di tích; nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ công tác quản lý di tích tại cơ sở, có chế độ đãi ngộ cho người trông coi di tích, kinh phí bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ trực tiếp tham gia hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích tại cơ sở…

Quảng bá đến với công chúng trong và ngoài nước nhằm phát huy giá trị di tích văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội là một trong các vấn đề cấp thiết của Hà Nội.

Bảo Thoa

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây