Thêm 2 chỉ số quan trọng được công bố, Quảng Ninh trở thành ‘quán quân’ trên cả 4 bảng xếp hạng

Theo các báo cáo vừa được Bộ Nội vụ công bố, Quảng Ninh đứng đầu trong 63 tỉnh, thành phố về kết quả cả 2 chỉ số: Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và Chỉ số cải cách hành chính năm 2022.

Thu truong Bo Noi vu Nguyen Trong Thua bao cao tai phien hop - Thêm 2 chỉ số quan trọng được công bố, Quảng Ninh trở thành 'quán quân' trên cả 4 bảng xếp hạngThứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa báo cáo tại phiên họp – Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Tại phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đươc tổ chức sáng 19/4, Bộ Nội vụ đã công bố kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022).

Trước đó, Quảng Ninh cũng là địa phương đứng đầu về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), vừa được các cơ quan công bố trong tuần trước.

Thay đổi lớn về tiêu chí, phương pháp đánh giá

Năm 2022, Bộ Nội vụ đã phê duyệt Bộ tiêu chí đánh giá PAR mới và thay đồi lớn về nội dung, phương pháp đo lường SIPAS cho phù hợp với thực tiễn và góp phần thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.

Chỉ số CCHC mới được ban hành bao gồm 2 bộ tiêu chí đánh giá cho cấp bộ và cấp tỉnh.

Trong đó, Chỉ số CCHC cấp bộ được sử dụng đánh giá, xếp hạng 17 bộ, cơ quan ngang bộ và 2 cơ quan đặc thù (Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc), bao gồm 7 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí và 97 tiêu chí thành phần. Tổng điểm đánh giá là 100 điểm, trong số đó, có 31,50 điểm là đánh giá thông qua điều tra xã hội học.

Chỉ số CCHC cấp tỉnh được sử dụng đánh giá, xếp hạng 63 UBND tỉnh, thành phố, với 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần. Tổng điểm đánh giá là 100 điểm, trong đó, 32 điểm là đánh giá thông qua điều tra xã hội học.

Các tiêu chí được đánh giá dựa trên phương pháp định lượng kết hợp với định tính, có sự tham gia thẩm định của các cơ quan được Chính phủ giao chủ trì triển khai từng nội dung CCHC.

Để triển khai, đánh giá xác định Chỉ số CCHC năm 2022, Bộ Nội vụ đã tiến hành khảo sát hơn 86.000 phiếu, trong đó, có 36.095 phiếu của người dân; 50.109 phiếu điện tử khảo sát nhóm đối tượng là công chức, lãnh đạo, quản lý các cấp tại bộ, cơ quan, địa phương. Đây là một cuộc điều tra xã hội học có quy mô lớn, có tính toàn diện, đa dạng, đa chiều, tiếp cận đánh giá từ dưới lên trên, đánh giá cả bên trong và bên ngoài cơ quan, tổ chức.

Kết quả Chỉ số CCHC năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ

Kết quả Chỉ số CCHC năm 2022 các bộ, cơ quan ngang bộ có 3 nhóm. Trong đó, chỉ số CCHC trên 90%, bao gồm 2 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp.

Chỉ số CCHC từ trên 80% đến dưới 90%, bao gồm 11 đơn vị, bao gồm: Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công Thương.

Chỉ số CCHC dưới 80% có 4 đơn vị là: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Ngoại giao.

Có 11/17 bộ có Chỉ số CCHC năm 2022 trên mức giá trị trung bình. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số CCHC năm 2022 cao nhất với kết quả là 91,77%, cao hơn 19,12% so với Bộ Ngoại giao, đơn vị có kết quả Chỉ số năm 2022 thấp nhất, với giá trị là 72,65%.

Kết quả Chỉ số CCHC 2022 của các tỉnh, thành phố

Kết quả Chỉ số CCHC 2022 của các tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm. Trong đó, Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, gồm 2 tỉnh, thành phố. Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% – dưới 90%, gồm 56 tỉnh, thành phố. Nhóm C, đạt kết quả Chỉ số từ 70% – dưới 80%, gồm 5 tỉnh, thành phố.

Theo đánh giá, Chỉ số CCHC năm 2022 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 84,79% và là năm thứ 4 liên tiếp đạt giá trị trung bình trên 80%.

Nhìn chung, năm 2022, các địa phương đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo và tổ chức triển khai công tác CCHC một cách toàn diện và hiệu quả; kết quả đánh giá nhiều tiêu chí cho thấy sự chuyển biến rõ nét so với năm 2021, phương pháp chỉ đạo, điều hành CCHC có nhiều sáng tạo, đổi mới tích cực.

Năm 2022 có 34 tỉnh, thành phố đạt Chỉ số CCHC cao hơn giá trị trung bình cả nước; 58 địa phương đạt kết quả trên 80%, trong số đó có 2 địa phương đạt kết quả trên 90%. Ngoài ra, còn có 5 địa phương cho kết quả dưới 80%. Đáng chú ý, trong 5 năm liên tiếp không có địa phương nào đạt Chỉ số CCHC dưới 70%.

Tuy nhiên, qua đánh giá cũng cho thấy giá trị trung bình Chỉ số CCHC năm 2022 thấp hơn 1,58% so với năm 2021. Nguyên nhân chính là do năm 2022 bổ sung một số tiêu chí đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC theo các quy định mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (nhất là các tiêu chí mới đánh giá nội dung xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số); một số nội dung các địa phương đang triển khai, kết quả mới đạt được bước đầu.

Ngoài ra còn một số nguyên nhân chủ quan khác đã được phản ánh vào trong kết quả đánh giá như: Một số địa phương có lãnh đạo quản lý các cấp còn sai phạm trong thực thi công vụ dẫn đến phải xử lý kỷ luật, hình sự; vẫn còn một số cơ quan, đơn vị tại địa phương sai phạm trong thực hiện các quy định về quản lý tài chính – ngân sách; việc số hóa giấy tờ, hồ sơ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở một số nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao.

Theo kết quả đánh giá, Quảng Ninh trở lại vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2022 với kết quả đạt 90,10%; đây là lần thứ 5 Quảng Ninh đạt ngôi vị quán quân bảng xếp hạng Chỉ số CCHC, tương đương với thành phố Đà Nẵng – địa phương từng có 5 năm liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng (từ 2012 – 2016).

Đứng vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2022 là thành phố Hải Phòng với kết quả đạt 90,09%; đây cũng là lần thứ 10 liên tiếp Hải Phòng nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu Chỉ số CCHC.

Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2022 là tỉnh Phú Yên, đạt 75,99%, thấp hơn 5,42% so với kết quả của tỉnh này trong năm 2021 và cũng thấp hơn 3,98% so với đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng của năm 2021. Xét trong chu kỳ 5 năm gần nhất, kết quả Chỉ số CCHC của tỉnh Phú Yên cũng khá khiêm tốn khi luôn nằm trong nhóm 5 địa phương thấp nhất cả nước và cũng có 2 lần đứng cuối bảng xếp hạng.

Ngoài ra, một số địa phương khác cũng có kết quả Chỉ số CCHC năm 2022 khá thấp là Bình Thuận, đạt 79,45%, xếp vị trí thứ 60/63; Bắc Kạn, đạt 79,35%, xếp vị trí thứ 61/63; Cao Bằng, đạt 77,55%, xếp vị trí thứ 62/63.

Xét theo các vùng, khu vực Đồng bằng sông Hồng có năm thứ 3 liên tiếp có giá trị trung bình Chỉ số CCHC cao nhất, với kết quả đạt 86,62%; là khu vực thường xuyên có sự mặt của các địa phương đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC những năm gần đây. Khu vực Tây Nguyên có giá trị trung bình Chỉ số CCHC thấp nhất so với các khu vực còn lại, chỉ đạt 83,51%.

Phân tích các chỉ số thành phần, cho thấy chỉ số thành phần “Cải cách TTHC” tiếp tục đạt giá trị trung bình cao nhất, với kết quả là 93,72%; đây cũng là lĩnh vực được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chỉ đạo triển khai rất quyết liệt trong năm 2022.

Người dân quan tâm nhiều nhất đến chính sách khám, chữa bệnh

Trong khi đó, với chỉ số SIPAS, từ ý kiến phản hồi của 36.095 người dân từ khắp các vùng, miền trong cả nước, Bộ Nội vụ đã tổng hợp, phân tích dữ liệu khảo sát và xây dựng một bộ chỉ số gồm 37 chỉ số phản ánh nhận định, đánh giá của người dân; 45 chỉ số phản ánh mức độ hài lòng của người dân và 10 chỉ số phản ánh nhu cầu, mong đợi của người dân.

Theo đó, người dân quan tâm đến 8 nhóm chính sách ở các mức độ rất khác nhau. Người dân quan tâm nhiều nhất đến chính sách khám, chữa bệnh, với mức độ rất quan tâm là 71,82%, quan tâm một chút là 25,8% và không quan tâm là 2,34%; quan tâm đến chính sách phát triển kinh tế thấp nhất, với mức độ rất quan tâm chỉ là 57,07%, quan tâm một chút là 37,49% và không quan tâm là 5,44%.

Người dân rất sẵn lòng tham gia ý kiến góp ý đối với chính sách. Trong số 36.095 người dân tham gia khảo sát trong cả nước, 40,93% sẵn sàng tham gia ý kiến góp ý chính sách nếu được biết thông tin; 29,62% sẵn sàng tham gia nếu được tạo điều kiện thuận tiện; 24% khẳng định chắc chắn sẽ tham gia vì bản thân họ mong muốn.

Không ít người dân cho rằng vẫn còn tình trạng tiêu cực của công chức trong giải quyết công việc cho người dân, mặc dù với các mức tiêu cực khác nhau. 12,28% người dân được khảo sát cho rằng vẫn có tình trạng một số ít công chức gây phiền hà sách nhiễu và 1,33% cho rằng có tình trạng nhiều công chức gây phiền hà sách nhiễu.

10,05% người dân được khảo sát cho rằng có tình trạng một số người dân phải chi tiền ngoài quy định cho công chức để công việc được giải quyết và 1,77% cho rằng có tình trạng nhiều người dân phải trả tiền này.

Trong 63 tỉnh, thành phố, tỉnh có chỉ số hài lòng của người dân đối với với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất là 87,59% và tỉnh có chỉ số thấp nhất là 72,54%. 5 tỉnh có mức độ hài lòng của người dân cao nhất là Quảng Ninh, Thái Nguyên, Cà Mau, Bình Dương và Thanh Hóa; 5 tỉnh có mức độ hài lòng thấp nhất là Bình Thuận, Cao Bằng, Quảng Nam, Bắc Kạn và Lạng Sơn.

Thông tin đầy đủ về các chỉ số này có tại Báo cáo ban hành kèm theo các Quyết định số 288/QĐ-BNV và 289/QĐ-BNV ngày 14 tháng 4 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và được đăng tải trên website: www.caicachhanhchinh.gov.vn; www.moha.gov.vn./.
Hà Văn

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây