Tiếng vọng từ ” Khúc bi tráng bất tử” – Tác giả: Đại tá, PGS, TS Đỗ Ngọc Thứ

Tiếng vọng từ

Tượng đài Chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu tại Hội An.

“Khúc bi tráng bất tử”(Nhà xuất bản Hội Nhà Văn) là một trường ca viết về người chí sĩ, lãnh tụ Nghĩa hội Cần vương tỉnh Quảng Nam – Nguyễn Duy Hiệu (1847-1887). Tựa đề của trường ca nghe cứ âm vang như tiếng vọng tự ngàn xưa, mang bao điều tâm sự thiêng liêng, gợi mở bao trở trăn sâu thẳm. Ta hãy để lòng mình lắng lại, lặng nghe tiếng vọng từ “Khúc bi tráng bất tử” của nhà thơ Lê Anh Dũng.

***

Trường ca bao gồm chín phần, được sắp xếp theo thứ tự nội dung truyền tải. Mở đầu trường ca, tác giả đã khéo léo cho độc giả được đắm chìm cảm xúc  trong những câu ca dao của người dân xứ Quảng – quê hương Nguyễn Duy Hiệu và cũng là quê hương nhà thơ. Họ hát để ca ngợi một con người mà họ luôn kính trọng, tôn thờ bởi nghĩa khí của đấng minh quân:

Ai về Bằng Võ, gò Đồn

Mà xem Nghĩa Hội ông Hường đánh Tây

Ai lên chín ngả sông Con

Hỏi thăm ông Hường Hiệu có còn hay không?

Là người con của xứ sở dân ca bài chòi, có lẽ, những câu ca dao trên đã vun dưỡng, ấp ủ và trao truyền cho người thầy giáo dạy văn Lê Anh Dũng những rung cảm tinh tế, những trải nghiệm điềm tĩnh, có chiều sâu, giúp anh viết nên những trang thơ thấm đẫm nghĩa tình, mang bóng dáng, hồn vía bao đời của quê hương. Đọc “Khúc bi tráng bất tử”, có cảm tưởng như Lê Anh Dũng không làm thơ mà anh đang thủ thỉ kể cho ta nghe câu chuyện về một con người nghĩa khí ở quê mình:

Cần Vương tụ nghĩa anh hùng

Dân binh manh lệ theo cùng Văn nhân

Khoá sinh, tú tài, cử nhân

Bá hộ, lý, tổng…rần rần chiêu quân.

Phó Hội Hiệu gươm tuốt trần

Dẹp bọn hám lợi nhiễu dân làm càn.

Trước sự xâm lăng của ngoại bang, trước sự đê hèn của quan lại triều đình. Nguyễn Duy Hiệu đã dựng cờ tụ hội nghĩa quân với chủ trương:

Đánh vào mưu ma quan thầy

Đánh vào nhu nhược cả bầy vua, tôi

Đánh cho trung nghĩa lên ngôi

Đánh cho đạo tặc phải lòi mặt ra

Đánh bọn phản nước, hại nhà

Đánh cho rõ mặt chánh, tà phân minh.

Do lòng mến mộ, kính trọng, tôn thờ, Nguyễn Duy Hiệu được ngươi dân dựng tượng ở nhiều nơi, đó là những nơi đã in dấu chân Ông trên chặng đường đấu tranh ái quốc. Chừng ấy thôi cũng đủ cho ta thấy sự ngưỡng mộ, trân trọng và tôn kính. Đấy cũng là bản sắc văn hoá của một dân tộc luôn biết “Uống nước nhớ nguồn”. Để khi hoàn thành, người dân thấy rõ hình hài, khí phách của một đấng minh quân:

Trung quân, ái quốc, thương dân

Dáng Ông lồng lộng phong vân tượng đài

Nghĩa khí cao cả không phai

Chết như về cõi thiên thai cửu trùng.

Dưới ngòi bút của Lê Anh Dũng, người đọc sẽ thấy tấm gương bất tử của Nguyễn Duy Hiệu như một bó đuốc soi đường, như một lời hiệu triệu. Biết bao thế hệ con cháu nơi quê hương nhà chí sĩ đã noi gương Người mà đứng lên đấu tranh, không quản ngại hy sinh, gian khổ, sẵn sàng cống hiến cả cuộc đời mình cho nên độc lập tự do của Tổ quốc. Bởi họ hiểu:

Còn giặc thì nước chưa yên

Thơ thầy thúc dục ba miền đấu tranh

Ngày đi tóc vẫn còn xanh

Ngày về, sông núi Đà thành cờ giăng.

Tấm gương trung nghĩa của Nguyễn Duy Hiệu như ánh nắng ấm áp, chiếu rọi đến muôn đời, hun đúc lên những Mẹ Dũng sỹ Thanh Khê, mẹ Thứ, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý và triệu triệu người con Quảng Nam, để mảnh đất này trở thành quê hương “trung dũng kiên cường”, với 11.658 Mẹ Việt Nam anh hùng; 65.000 liệt sỹ; 13.000 anh hùng LLVT và Anh hùng lao động.

Đọc trường ca “Khúc bi tráng bất tử”  ta sẽ thấy sức sống toả ra từ ký ức hào hùng. Chỉ bằng những ngôn từ mộc mạc, chân tình nhưng nhiều khi đã chạm đến triết lý về đạo đức về văn hoá “uống nước nhớ nguồn”. Điều đó cho thấy, Lê Anh Dũng đã rất thành công với cách tiếp cận, cách thể hiện độc đáo về lịch sử. Thước đo giá trị của “Khúc bi tráng bất tử” chính là sự bình dị về ngôn từ, sự tôn trọng lịch sử và sự chân thành của cảm xúc. Giữa bộn bề, phồn tạp của cuộc sống thường nhật, Lê Anh Dũng vẫn luôn biết giữ trách nhiệm sống, luôn trăn trở, thao thức và hoàn thành bổn phận với quá khứ, với tiền nhân, với quê hương, đất nước. Dưới thể thơ tự do, nhà thơ không cầu kỳ gọt giũa để khoác cho trường ca chiếc áo ngôn từ bóng bẩy. Ở đâu đó, tác giả cũng chưa chắt lọc để tránh sự trùng lặp, bớt đi những “viên sạn nhỏ” trong “bát cơm thơm”. Tuy nhiên anh đã kết hợp hài hoà giữa ký ức và hiện tại, người đọc có thể đắm chìm trong cảm xúc với câu chuyện lịch sử bi hùng được thi vị hoá bằng ngôn ngữ văn học đậm chất trữ tình và bi tráng. Đấy chính là khả năng lao động sáng tạo của một thi sĩ đa cảm và có trách nhiệm như anh. Thiết nghĩ “Khúc bi tráng bất tử” đủ để bao người hiểu hơn, trân trọng hơn giá trị lịch sử dân tộc./.

Đ.N.T

 

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây