Giới thiệu khái quát tỉnh Bắc Kạn

Bắc Kạn

Giới thiệu khái quát tỉnh Bắc Kạn

Vị trí địa lý: Bắc Kạn là tỉnh nội địa, ở vị trí trung tâm các tỉnh thuộc khu Việt Bắc cũ, phía Đông giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Nam giáp tỉnh Thái Nguyên, phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng; thị xã tỉnh lỵ cách Thủ đô Hà Nội 170 km theo đường Quốc lộ 3. Quốc lộ 3 qua tỉnh dài 123,5 km là đường giao thông quan trọng nhất tỉnh để giao lưu kinh tế – xã hội với các tỉnh bạn. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có các tuyến đường: Quốc lộ 279 từ Lạng San – huyện Na Rì, qua huyện Ngân Sơn, huyện Ba Bể, sang tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Hà Giang; Quốc lộ 3B từ Xuất Hoá – thị xã Bắc Kạn, qua Na Rì, sang huyện Tràng Định – tỉnh Lạng Sơn.

Khí hậu:

Với chế độ nhiệt đới gió mùa, một năm ở Bắc Kạn có hai mùa rõ rệt: mùa mưa nóng ẩm từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 70 – 80% lượng mưa cả năm; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm khoảng 20 – 25% tổng lượng mưa trong năm, tháng mưa ít nhất là tháng 12.

Do ảnh hưởng của vị trí địa lý, địa hình, địa mạo nên khí hậu Bắc Kạn có những nét đặc trưng như: nhiệt độ trung bình hàng năm từ 20 – 220C, nhiệt độ thấp tuyệt đối -0,10C ở thị xã Bắc Kạn và -0,60C ở Ba Bể, -20C ở Ngân Sơn, gây băng giá ảnh hưởng lớn đến cây trồng, vật nuôi.

Độ ẩm trung bình trên toàn tỉnh là 84%. Bắc Kạn có lượng mưa thấp so với các tỉnh Đông Bắc do bị che chắn bởi cánh cung Ngân Sơn ở phía Đông Bắc và cánh cung Sông Gâm ở phía Tây Nam.

Đặc điểm địa hình:

Bắc Kạn có địa hình phân dị lớn do điều kiện tự nhiên tạo bởi cánh cung Ngân Sơn – Yên Lạc ở phía Đông Bắc và cánh cung sông Gâm ở phía Tây Nam nên hình thành các vùng khác biệt về khí hậu. Toàn tỉnh có độ cao giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, cao nhất có đỉnh 1.640 m thuộc dãy Nam Khiếu Thượng. Độ cao bình quân toàn tỉnh từ 500 – 600 m, nơi thấp nhất 40 m thuộc khu vực xã Quảng Chu (Chợ Mới). Vùng núi đá vôi lớn của tỉnh ở huyện Ba Bể và huyện Na Rì còn tiềm ẩn nhiều nguồn gen động vật quý hiếm và nhiều hang động để phát triển du lịch. Hệ thống núi phía Đông là phần cuối của cánh cung Ngân Sơn – Yên Lạc, địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt, không có những thung lũng phù sa rộng, phát triển nông nghiệp khó khăn.

Tài nguyên thiên nhiên:

a. Tài nguyên đất

Kết quả điều tra cho thấy Bắc Kạn có những loại đất chính sau: đất feralit màu vàng nhạt trên núi trung bình (FH) chiếm 13,38% diện tích, phân bố trên tất cả các đỉnh núi cao trên 700 m, trên nền đá mắcma axit kết tinh chua, đá trầm tích và biến chất. Tầng đất mỏng, đá nổi nhiều, đất ẩm và có tầng thảm mục khá dày. Đất feralit điển hình vùng đồi núi và núi thấp (Ff – Fk): chiếm 71,62% diện tích, phân bố tập trung ở Ba Bể, bắc Chợ Đồn và Na Rì (Khu vực Kim Hỷ)… Khu vực núi đá vôi thường rất ít đất trong các hang hốc, tầng đất mỏng màu đen, đất rất tốt.

Nói chung, cùng với khí hậu thích hợp cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi, đất đai trong tỉnh còn khá tốt và là cơ sở quan trọng để phát triển nông – lâm nghiệp. Đất nông nghiệp có 30.509 ha, chiếm 6,28% diện tích tự nhiên, đất lâm nghiệp có rừng 301.722 ha, chiếm 62,1% diện tích tự nhiên, nhiều nơi tầng đất dầy, đất đồi núi có lượng mùn cao thuận tiện cho sản xuất lương thực, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và phục hồi rừng.

b. Tài nguyên rừng

Diện tích rừng tự nhiên của Bắc Kạn vào loại lớn nhất trong các tỉnh vùng Đông Bắc (95,3% diện tích). Tài nguyên rừng của tỉnh khá đa dạng, phong phú. Ngoài khả năng cung cấp gỗ, tre, nứa còn nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm, có giá trị và được coi là một trung tâm bảo tồn nguồn gen thực vật của vùng Đông Bắc.

Về động vật, hiện nay tập trung ở khu vực đá Kim Hỷ thuộc huyện Na Rì, Cao Sơn thuộc huyện Bạch Thông, Bản Thi thuộc huyện Chợ Đồn và hồ Ba Bể. Hệ động vật của tỉnh Bắc Kạn có giá trị tự bảo tồn nguồn gen cao với nhiều loại đặc hữu và quý hiếm.

Về thực vật, qua điều tra cho thấy tỉnh Bắc Kạn có 280 loài thực vật, trong đó có 300 loài gỗ, 300 loài cây thuốc, 52 loài đã đưa vào sách đỏ Việt Nam.

Là một tỉnh miền núi, có địa hình chia cắt phức tạp, đất có độ dốc lớn, lại là vùng đầu nguồn của nhiều hệ sông, suối… nên Bắc Kạn có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với các tỉnh trong khu vực. Với sự hình thành nhiều tiểu vùng khí hậu, Bắc Kạn có thế mạnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để sớm hình thành nên các vùng nguyên liệu hàng hoá. Bắc Kạn có lợi thế về phát triển thuỷ lợi và thuỷ điện nhỏ, nhưng có trở ngại lớn là nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt còn rất hạn chế… Cần có kế hoạch cụ thể về xây dựng và bảo vệ rừng đầu nguồn để giảm bớt trở ngại trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh…

c. Tài nguyên khoáng sản

Lãnh thổ Bắc Kạn nằm trong hai kiểu kiến trúc địa chất có chế độ địa động khác nhau và do đó tạo nên bức tranh khoáng sản rất đặc trưng. Ở phía Tây sông Cầu là các thành trầm tích cổ hơn tạo nên một kiến trúc dương rõ nét được gọi là phức nếp lồi Lô Gâm, ở đó tập trung hầu hết các mỏ chì, kẽm. Ở phía Đông sông Cầu là các thành trầm tích trẻ hơn tạo nên kiến trúc âm được gọi là võng nguồn Rift nội lục sông Hiến, ở đó tập trung hầu hết các mỏ vàng. Chì, kẽm và vàng là những loại khoáng sản có tiềm năng nhất của Bắc Kạn.

Vàng là khoáng sản có giá trị kinh tế của tỉnh với hai mỏ vàng gốc Pác Lạng ở Ngân Sơn và Khau Âu ở Chợ Mới. Tuy nhiên, mức độ điều tra khảo sát địa chất còn rất thấp. Muốn đưa các mỏ này vào khai thác công nghiệp thì nhất thiết phải có đầu tư thăm dò xác định trữ lượng tin cậy để tổ chức khai thác. Tỉnh Bắc Kạn cần thiết phải tổ chức liên doanh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm khai thác nguồn tài nguyên có giá trị này.

Tỉnh cũng có các khoáng sản khác như sắt, mănggan, ăngtimon, vật liệu xây dựng và đá quý. Tùy theo nhu cầu thực tế của thị trường mà tỉnh sẽ có những công tác thăm dò và khai thác phù hợp.

Theo kết quả nghiên cứu của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bắc Kạn có cấu tạo địa chất khá phức tạp. Trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu kiểu kiến trúc địa chất. Hệ thống núi thấp và trung bình thuộc cánh cung sông Gâm có các loại đá xâm nhập granít, rhyonít, granít haimica và các loại phiến biến chất, thạch anh quắczít, đá sừng… Cánh cung Ngân Sơn có các loại granít, rhyonít, phiến sét, thạch anh, đá vôi… Khối núi đá vôi Kim Hỷ có tuổi cácbon – pecmi màu xám trắng có cấu tạo kiểu khối, hiểm trở và những biến chất khu vực. Vùng núi thấp phía nam tỉnh là nơi quy tụ nhiều dãy núi cánh cung, nên có nhiều loại đá trầm tích có kết cấu hạt mịn, hạt thô và đá mắcma.

     


     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây