Tình bạn – Tác giả: Lương Hoàng Hạc

Tin Xuân - Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng

Xuân Thiều, chiều xuân ấy.

Mượn được chiếc xe, mừng quá. Mà nó cũng cà rịch cà tang thế này không biết có xong việc sớm không đây. Thôi kệ, không sớm thì ở lại. An tự nói rồi cùng chiếc xe hướng về phía phố Đà Nẵng.

Gần hoàng hôn. Xuân Thiều như chìm trong màn sương xuân mờ mờ ảo ảo. Khói bếp nhà ai lơ lửng. Cánh đồng lúa xanh ngan ngát. Đàn trâu lững thững về thôn. Trước giải phóng, còn có ngôi chùa mái ngói đỏ tươi và tiếng chuông thu không làm dịu lòng người. Khung cảnh chiều xuân ở miền quê yên ả. An vừa đi vừa nghĩ.

Xa xa, sau lưng An là núi. Sáng mùa xuân, dãy núi in đậm một màu tím thẫm, các dãy núi hai bên chụm vào nhau như đàn voi cúi đầu  phủ phục triều cống đấng quân vương. An nghe mấy người già kể lại, hồi xưa vua Gia Long mới lên ngôi hoàng đế muốn chọn nơi núi này làm kinh đô, đến khi hỏi ý kiến lão pháp sư Tàu mới biết hình thái núi non này là huyệt đế vương giả nên mới giữ nguyên kinh đô Phú Xuân.

Dòng sông sâu soi hình bóng núi, tưới cho đôi bờ cây cối xanh tươi. Sông không rộng nhưng sâu nên ra gần biển vẫn trôi lững lờ. Nguồn sông có một loài cá ngon nổi tiếng là cá đối cồi. Cuối dòng sông là một ngôi làng với sự tích vua Lê Thánh Tông dừng quân một đêm, có bài thơ hay vịnh phố Đà Nẵng để rồi sáng mai trẩy quân đuổi giặc Chàm về tận phương nam. Ngôi làng ấy cũng có một sản vật nổi tiếng cả nước: nước mắm Nam Ô. Và cấu tạo địa chất cũng để lại cho đời sau một ghềnh đá tuyệt đẹp, thành điểm đến du lịch hấp dẫn ngày nay.

Quê hương giàu có tươi đẹp vô cùng. Chỉ tiếc một điều, vùng đất ấy còn một cái nổi tiếng nữa: nghĩa địa Xuân Thiều. Qua khỏi đèo Hải Vân hùng vĩ, bước vào vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng là gặp ngay điểm mở đầu với vô vàn mồ mả. Phía sát biển là nghĩa địa Phật Giáo, phía sát ruộng là nghĩa địa chung kéo dài bốn năm cây số, rộng ước chừng cũng vậy. Lớp lớp mả lớn xây dựng khang trang, có chủ hẳn hòi. Cộng với hàng trăm nấm mồ vô chủ. Tất cả điệp điệp mấy lần, chôn trong cát trắng.

Và nghe đâu phía cuối mảnh đất Quảng Nam, về cuối huyện Núi Thành là một làng chài và cư dân ở đó sinh sống bằng nghề chài lưới, suốt đời lênh đênh trên biển, sống buồn theo câu hát “hồn treo cột buồm’’. Quê hương tôi, quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng đẹp giàu sao có hình thái ảm đạm thế! Đường ít xe cộ, An vừa đi vừa nghĩ lan man.

Bỗng An thấy một cậu thanh niên vừa đi vừa chạy.

– Cậu là ai? Sao giờ này còn ở đây?

Một chàng thanh niên rất trẻ trả lời giọng mừng rỡ:

– Em là sinh viên học ở Huế. Chiều nay em xin xe về Đà Nẵng, đến đây người ta cho em xuống bảo đến nhà rồi. Hết xe mà trời lại sắp tối. Gặp chị đây may quá. Chị cho em về bến xe Liên tỉnh với.

Chiếc xe nhỏ chở hai người đi ngang qua nghĩa địa. An vừa lái xe vừa nhớ những chuyện người ta kể về chuyện ma. Chuyện ma thì nhiều vô kể. Ma giả làm cô gái đẹp xin đi quá giang. Lại có chuyện ma sống: cỡ chạng vạng, có người xin đi quá giang, đến nghĩa địa rút dao cướp xe. Gặp người bình tĩnh xuống xe, rút chìa khóa, bỏ lên yên hỏi anh muốn gì, xe đó, giỏi thì lấy đi. Tên cướp tưởng chủ xe có súng, vội bỏ chạy, thế là thoát. Nhưng thường là mất xe. Nghĩ đến đây, An sợ quá, khi nãy hay là mình đừng cho người này quá giang. Tưởng tượng người ngồi sau xe hung dữ lắm, lại có gì cờm cợm như dao kề sau bụng, An vội vàng xuống xe, chắp tay vừa lạy vừa nói:

– Tôi lạy cậu. Cậu muốn thì cậu cứ lấy Xin cậu tha mạng.

– Chị làm gì vậy? Em chỉ xin chị quá giang chứ không có ý gì khác. Đến bến xe, An mời đi ăn mì Quảng. Bảo ăn cho lại hồn, hồi nãy tôi sợ quá. Cậu người nhỏ nhắn dễ coi, thế mà hồi nãy tưởng tượng to lớn hung hãn lắm. Trông cậu cũng là người tốt. Qua nói chuyện, mới rõ cậu ấy tên là Sinh, người Bình Định, ra Huế học Y khoa. Chiều nay, Sinh xin xe từ Huế về Đà Nẵng, định xuống bến xe Liên tỉnh đón xe về Bình Định. Nếu không có chị An cho đi nhờ, chắc không kịp chuyến xe, tối nay không biết ngủ ở đâu.

Một tháng sau, nhân có đám ở Đà Nẵng, cha mẹ cùng với Sinh tìm đến nhà An để cám ơn. Hai nhà thành thân mật từ đó. Hai người thành đôi bạn kết nghĩa kim bằng. Thấm thoát đã hơn ba mươi năm, tình chị em ngày càng thắm thiết mà vẫn giừ gìn được sự trong sáng. Thông thường, giữa hai người khác giới ít khi có tình bạn dài lâu. Lượng đổi thì chất đổi. Nhưng An không đổi.

Mới lớn lên vừa giải phóng, An đã có một mối tình thắm thiết lắm, thề non hẹn biển đã nhiều, chỉ chờ ngày trầu rượu cưới xin. Nhưng anh chàng đã vì chữ hiếu đành phụ An.

Và rồi mối tình thứ hai, với một sinh viên Bách Khoa Đà Nẵng,  hai người nói một cách văn chương như đôi uyên ương liền cánh. Thì đùng một cái, anh lâm trọng bệnh, An khóc như không để nước mắt khóc ai nữa. Nhưng đành phải tử biệt sinh ly. “Đời người con   gái một lần khóc người yêu tan cả cuộc đời”. An có đến hai lần yêu và hai lần được yêu. Hai lần An đều gặp người rất tốt trong tình yêu. Quá đủ. Và thế là An không yêu ai được nữa.

Mối quan hệ của An và Sinh trôi qua tươi thắm và êm đềm lắm. Trong vườn có quả gì, An thường mang xuống cho vợ con Sinh, rủ Sinh đi ăn trưa nói chuyện tâm tình. Mùa hè, gia đình Sinh cùng An  và mấy người bạn của An rủ nhau đi chơi cảnh đẹp trong vùng, rất vui vẻ. Đường Xuân Thiều bây giờ đi thâu đêm rất an toàn. Nghĩa địa đã được di dời lên núi. Hai bên đường nhà cửa thi nhau mọc lên, ban đêm sáng rực. Và cảng nước sâu Kỳ Hà giờ đã thay làng chài ven biển cuối Quảng Nam. Quảng Nam – Đà Nẵng giờ đã tươi đẹp từ đầu đến cuối. Bây giờ Sinh đã là Trưởng khoa một khoa quan trọng của một bệnh viện lớn trong thành phố. Người thân của An bị bệnh, Sinh lo lắng, chăm sóc như người nhà. Mẹ An mất, Sinh và vợ con cư tang đủ năm ngày.

An đã cùng một cô bạn thân vào thăm nhà ba mẹ Sinh. Một ngôi nhà nhỏ mà tuyệt đẹp. Tựa vào núi. Giữa nhà và núi là cánh đồng màu mỡ. Trước nhà là dòng sông trong xanh, thuyền ghe tấp nập. Ông già là thầy thuốc Đông Y. Vẻ người quắc thước. Sinh có một ông anh và hai đứa em cũng theo nghề thuốc. Nhà toàn sách là sách. Trong không khí thân mật giữa bữa cơm gia đình, An chợt hỏi:

– Thưa Bác, tại sao gia đình ta không chọn nghề dạy học mà lại chọn nghề thầy thuốc?

– Cháu đã như người trong nhà, ta cũng không khách sáo. Nghề thầy giáo và nghề thầy thuốc đều cao quý, đều giúp ích cho người, cho đời như Nhưng, trong thực tế, như nhà bác đây, cụ tổ khi còn trẻ mắc bệnh thập tử nhất sinh, nhờ thầy thuốc giỏi cắt mấy thang thuốc cứu mạng. Nên bác chọn nghề thuốc để suốt đời biết ơn. Và các con của bác đều theo nghề cha. Mà đã là thầy thuốc, dù đông y hay tây y, đều phải lấy y đức làm đầu. Bác bắt buộc các con phải thuộc nằm lòng phần đầu bộ “Y tông tâm lĩnh” của y tổ Hải Thượng Lãn Ông.

Nghe đến đây An chợt nhớ câu chuyện vợ Sinh kể. Có rất nhiều bệnh viện tư mời Sinh với mức lương cao hơn nhiều lần so với lương ở bệnh viện công, nhưng Sinh đều từ chối. Sinh tâm sự với vợ: “Nhà ta tuy không giàu nhưng cũng không đến nỗi thiếu thốn. Ở lại Bệnh viện này, với cương vị của anh, anh có thể giúp được nhiều bệnh nhân hơn”.

Cuối bữa ăn hôm đó, uống một ly rượu ngon, sau tiếng khà thoải mái, ông già nói tiếp:

– Bác rất vui vì tình chị em của các con rất tốt đẹp. Bác chợt nhớ đến câu chuyện cổ Việt Nam hay nhất, An là giáo viên, con có biết đó là chuyện gì không. Đó là chuyện Lưu Bình – Dương Lễ. Ngày xưa người ta nêu cao nghĩa kim bằng, hi sinh cho nhau để giữ gìn tình bạn, giữ gìn nghĩa kim Bác muốn các con ngày nay phải gắng sống như thế.

Tôi là bạn thân của hai người, rất ngưỡng mộ tình kim bằng chung thủy, trong sáng của An và Sinh nên viết thành truyện như một bài tụng ca.

L.H.H

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây