Trầm tích ở các đập đe dọa nguồn cung nước

Hàng ngàn con đập trên thế giới đang tích tụ trầm tích nghiêm trọng đến mức chúng có nguy cơ mất ¼ khả năng dự trữ vào năm 2050, đe dọa an ninh nguồn nước, theo nghiên cứu mới công bố ngày 11-1.

Muc nuoc ho Mead giam min - Trầm tích ở các đập đe dọa nguồn cung nướcMực nước hồ Mead giảm đáng kể sau khi xây đập Hoover trên sông Colorado, Mỹ. Ảnh: Reuters

Nhóm nghiên cứu tại Viện Nước, Môi trường và Sức khỏe thuộc Ðại học Liên Hiệp Quốc đã đánh giá gần 50.000 đập lớn ở 150 quốc gia và phát hiện chúng đang mất khoảng 16% khả năng trữ nước. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 26% vào giữa thế kỷ nếu trầm tích tiếp tục lắng đọng với tốc độ như hiện nay. Trầm tích sẽ khiến các con đập và hồ chứa nước mất khoảng 1.650 tỉ mét khối nước, gần bằng lượng nước sử dụng hàng năm của Ấn Ðộ, Trung Quốc, Indonesia, PhápCanada cộng lại. Vấn đề đáng nói ở chỗ những con đập khổng lồ này là nguồn chính cung cấp thủy điện, kiểm soát lũ lụt, thủy lợi và nước uống trên khắp thế giới.

Theo lẽ tự nhiên, trầm tích sẽ theo dòng nước trôi xuống hạ nguồn, nhưng những đập lớn đã cản trở dòng chảy và theo thời gian lượng lớn trầm tích bị giữ lại sẽ làm giảm không gian dành cho nước. Ðiều này đe dọa sự bền vững của nguồn cung nước trong tương lai cũng như đặt ra nhiều rủi ro cho thủy lợi và quá trình phát điện, theo Tiến sĩ Vladimir Smakhtin, đồng tác giả của nghiên cứu. Việc các con đập cản trở dòng trầm tích cũng có thể gây lũ lụt ở các vùng thượng nguồn và làm xói mòn môi trường sống ở hạ lưu.

Tuy nhiên, quá trình lắng đọng trầm tích chỉ là một phần trong vấn đề lớn hơn. Ðó là tới năm 2050, hàng chục ngàn đập lớn sẽ sắp hoặc hết thời hạn sử dụng. Phần lớn trong số 60.000 đập trên thế giới, xây dựng trong giai đoạn 1930-1970, được thiết kế để sử dụng trong 50-100 năm. Sau khi hết hạn sử dụng, đập có nguy cơ vỡ, ảnh hưởng tới hơn phân nửa dân số toàn cầu sống ở hạ lưu.

Ðập lớn và hồ chứa nước là những công trình có chiều cao trên 15m hoặc ít nhất 5m đồng thời có dung tích toàn bộ không dưới 3 triệu mét khối nước. Các dạng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán sẽ gia tăng và điều này không chỉ làm tăng nguy cơ tràn nước hồ chứa mà còn đẩy nhanh quá trình tích tụ trầm tích, ảnh hưởng tới sự an toàn của đập, giảm khả năng trữ nước cũng như sản lượng điện ở các đập thủy điện.

Ðể giải quyết những thách thức về các đập già cỗi và trầm tích lắng đọng, các nhà nghiên cứu đã liệt kê nhiều biện pháp. Trong đó, phương án dẫn dòng trầm tích có thể làm chệch hướng dòng chảy xuống hạ lưu thông qua một kênh riêng lẻ. Một cách khác là loại bỏ đập để tái lập dòng chảy tự nhiên của trầm tích trên sông. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề dự trữ nước thì đặc biệt phức tạp bởi không có giải pháp phù hợp với tất cả.

Ðược biết, hiện nay chỉ có khoảng 50 con đập được xây dựng mỗi năm, giảm mạnh so với 1.000 đập/năm hồi giữa thế kỷ trước.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP)

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây