Từ trong căn cốt – Tác giả: Nguyễn Trường

Từ ấn phẩm Cô gái sông Hồng xuất bản năm 1962 gây được ấn tượng trong bạn đọc, cho đến nay, nhà văn Trình Quang Phú đã xuất bản hơn 40 đầu sách, có nhiều tác phẩm tái bản đến 16 lần.

Trong đó Ký sự xứ người được NXB Thanh Niên xuất bản lần đầu năm 2017; NXB Hội Nhà văn tái bản năm 2023, có thể xem là tác phẩm hay nhất của ông. Liên tiếp ba năm gần đây, năm nào Ký sự xứ người cũng được trao giải thưởng. Năm 2020 giải thưởng sáng tác văn học về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Năm 2021 giải thưởng của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cho bài Thăm Quảng Châu nhớ Bác (Trong Ký sự xứ người); Năm 2022 được trao giải thưởng Văn học Quốc tế sông Mê Kông. Như tựa đề của cuốn sách, đây là cuốn ký sự viết về những chuyến đi ra nước ngoài, vì sao lại cuốn hút người đọc đến như vậy, nhất là khi tác giả đã ở vào lớp người “xưa nay hiếm” mà bút lực vẫn dồi dào, mạch văn vẫn cuồn cuộn như còn trai trẻ?

Ký sự là sở trường của Trình Quang Phú. Ông viết tự nhiên, bay bổng, mà vẫn kỹ càng, sâu sắc. Ta gặp thấp thoáng một Poustovsky khi nhà văn mô tả về cảnh đẹp của Moscow mùa thu vàng với rừng bạch dương thay lá “Những lá vàng rơi lác đác, rải thành thảm vàng trên đường và trên cây, tầng cao, tầng thấp lá vàng nhiều sắc, một bức tranh không gian ba chiều mà chiều đứng thẳng đã nâng và đưa tâm hồn con người bay bổng… Cầm trong tay chiếc lá vàng và nhẹ nhàng đi giữa hai hàng bạch dương, lòng như lạc vào chốn thần tiên” (Tr.248). Hay cảnh đẹp núi Phú Sĩ của xứ sở hoa anh đào, tưởng như trong tranh của Levintan hiển hiện trước mắt người đọc: “Núi Phú Sĩ từ độ cao 2000m trở lên gần như quanh năm tuyết phủ nên không có cây cối, chỉ một màu, thường là màu trắng của tuyết, nhưng khi bình minh hay hoàng hôn mặt trời chiếu rọi thì tuyết sẽ đổi sang màu hồng, màu đỏ… Mùa hè nhìn từ bên kia hồ nước, tuyết trắng như một cái nón khổng lồ nổi bật trên nền thảm xanh thực vật… Đứng trên đỉnh núi Phú Sĩ để ngắm mặt trời lên là cách chọn có một không hai. Nhìn từ nhiều phía Phú Sĩ vẫn một hình dáng uy nghi trinh tiết. Tuyết trắng phủ trên chóp càng làm tăng sự trinh tiết đó…” (Tr.96)

Tác giả Trình Quang Phú có thời làm công tác ngoại giao của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đến năm 1969 là Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, được hòa mình trong không khí hào hùng của thời đại, đi đến đâu cũng được tiếp đón nồng hậu… Sau này lại được đi nhiều, từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc, từ những nước lớn mênh mông như Liên Xô, Trung Quốc, Hoa Kỳ… đến những nước bé tẹo chỉ vài trăm ngàn dân, vài cây số vuông như Công quốc Monaco, Andorra, Lechtenstein… Hiểu cặn kẽ từng đất nước, khám phá những kỳ quan của xứ người, ông đã nhận ra chân lý, phải làm sao cho đất nước ta hôm nay tiến bằng được họ, vượt qua họ. Chính vì vậy mà Trình Quang Phú kỹ tính khi lấy tư liệu, đã đặt bút là hiểu ngọn ngành điều mình viết. Tác giả thăm nhiều nước nhưng không “cưỡi ngựa xem hoa”, đã đến xứ sở nào là đọc, nghe, tìm tòi, chụp ảnh… để khi viết là mô tả thấu đáo, thể hiện rõ đủ các lĩnh vực: Lịch sử, địa lý, văn hóa… của nước đó. Bởi vậy, đọc ký sự của ông rất lý thú, hấp dẫn, vừa thưởng thức những trang văn mượt mà rung động bởi cảnh đẹp, vừa hiểu sâu sắc về xứ sở mình chưa từng đặt chân đến, vừa suy ngẫm về thế thái nhân tình.

Qua văn, hiểu người, tác giả Trình Quang Phú sống từng trải, lại tắm mình trong thời đại hào hùng nhất của dân tộc, bởi thế, ta lý giải được vì sao ông viết nhiều về Bác Hồ, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng… Ông là người yêu chế độ này từ căn cốt, từ tâm hồn mà bừng cháy thành văn.

N.T

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây