Văn hóa dân gian Cơ Tu – Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe – Phần 16

Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 16

Untitled 2 min 2 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 16

PHẦN THỨ TƯ

BIẾN ĐỔI VĂN HÓA CỔ TRUYỀN & NĂNG LỰC THÍCH ỨNG

CHƯƠNG I

BIẾN ĐỔI VĂN HÓA CƠ TU

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe

1. Biến đổi theo quan niệm các học giả trong và ngoài nước  

1.1. Theo từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê – Trung tâm Từ điển học

Khái niệm biến đổi được hiểu:

Theo tổ hợp động từ, là: thay đổi hoặc làm cho thay đổi thành khác trước.
Theo tổ hợp danh từ, là: sự thay đổi, điều thay đổi khác với trước.
Như thế biến đổi văn hóa là một quá trình diễn biến theo thời gian, ở đó hệ thống các giá trị, mục tiêu mà con người lấy đó làm tiêu chuẩn đã dần thay đổi.

1.2. Theo các học giả nước ngoài

Biến đổi văn hóa theo các nhà nhân học, xã hội học cho rằng sự biến đổi luôn có sự tác động cả nội sinh lẫn ngoại sinh, tức là sự tương tác văn hóa lan tỏa từ bên ngoài đến và tự thân các thành tố văn hóa bản địa có sự biến đổi. Các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách thưởng xem xét sự tiếp nhận A = A’ hoặc sự biến đổi văn hóa từ A – B dựa vào dân số, sự vận dụng hay phát minh khoa học công nghệ và sự giao lưu văn hóa tạo nên sự lan tỏa, giao thoa tiếp biến lẫn nhau.

Theo luận điểm này, các học giả phương Tây cho rằng đó là cái phải xảy ra. Điều này dễ nhận ra trong cuộc sống, trong một tập thể cộng đồng người có chung phương thức sinh tồn, tất yếu có chung một nền văn hóa; đồng thời trong cái chung đó có cái riêng, khu biệt của mỗi cộng đồng là điều không tránh khỏi, khu biệt họ với những nền văn hóa khác – cái làm nên sự đa dạng của văn hóa nhân loại. Tác giả Fredrik Barth trong lời giới thiệu về công trình Những ranh giới và sự biến đổi dân tộc đã chỉ ra rằng, đối với các tộc người thiểu số trước sự tác động một cách phổ biến và tất yếu của xã hội đương đại, sự mưu cầu tham gia vào các hệ thống xã hội rộng hơn để duy trì những dạng thức mới các giá trị sẽ xảy ra các tình trạng sau: 1/ Cố gắng vượt qua và được hợp nhất trong xã hội tiền công nghiệp và nhóm văn hóa. 2/ Chấp nhận địa vị thiểu số và có sự điều chỉnh thích hợp, tìm kiếm cách thức làm giảm những tình trạng bất lực thiểu số của họ. 3/ Lựa chọn cách làm nổi bật bản sắc dân tộc và sử dụng chúng để mở ra những địa vị và mô hình mới. (…) đối với tộc người thiểu số trước sự tấn công của xã hội đương đại, tác giả Don Mccaskill đưa ra khái niệm lưỡng văn hóa và cho rằng: “Họ vừa tham gia vào xã hội rộng lớn hơn, trong khi đó vẫn duy trì những khía cạnh quan trọng trong nền văn hóa bản địa của họ.”

Điều này có thể vận vào văn hóa dân gian Cơ Tu ở Quảng Nam, họ vừa tiếp nhận cái mới nhưng đồng thời tiếp tục duy trì văn hóa dân gian bản địa của họ.

Biến đổi văn hóa theo các nhà nhân học và xã hội học cho rằng biến đổi xã hội là hiện tượng khách quan và theo một trình tự với quá trình chuyển đổi từ hình thái này sang hình thái khác. Có thể giao thoa tiếp biến từ A = A’ hoặc biến đổi từ A = B. Theo quy luật khách quan của sự vật và hiện tượng luôn biến đổi không ngừng trong chuyển động tương đối của sự vật và hiện tượng để tồn tại và phát triển. Văn hóa biến đổi trên cơ sở biến đổi xã hội, bởi biến đổi xã hội là hiện tượng phổ biến nhưng sự biến đổi không giống nhau giữa các xã hội. Theo đó, văn hóa có quá trình biến đổi theo phù hợp. Xã hội phải chuyển đổi mới có thể tồn tại được, bởi mọi trật tự xã hội, trong đó có các thành tố văn hóa đều do kinh tế sắp đặt. Trật tự xã hội theo đó ổn định. Những yếu tố tác động đến biến đổi văn hóa, như môi trường, các thành tựu công nghiệp, vấn đề dân số, sự giao lưu giữa các nền văn minh trong thế giới được quan niệm rằng là một thế giới phẳng tác động lẫn nhau, do đó thế giới ngày càng phụ thuộc nhau nhiều hơn. Những chuỗi cung ứng toàn cầu (trong đó có văn hóa) về cơ sở vật chất, các trào lưu,oánhững thành tựu về văn hóa cho sự phát triển, duy trì và ổn định cuộc sống con người, văn hóa theo đó có sự phát triển thể hiện đa diện hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ là kinh tế mà còn cả các lĩnh vực xã hội, văn hóa, tôn giáo, luật pháp, …Những yếu tố phi vật chất tham gia mạnh mẽ vào tiến trình biến đổi xã hội, biến đổi văn hóa, như tư tưởng, vấn đề quản lý xã hội theo hệ tư tưởng nhất định, các định chế cụ thể,… làm cho biến đổi xã hội và các lĩnh vực khác diễn ra phù hợp. Tư tưởng về một kiểu xã hội có thể giữ nguyên trạng thái nó vốn có, nhưng mặt khác có thể kích hoạt cho sự phát triển hình thái từ thấp đến cao. Văn hóa theo đó có sự biến đổi phù hợp với hình thái xã hội, bởi văn hóa luôn phụ thuộc vào các yếu tố chính trị, kinh tế và xã hội.

Trong bối cảnh đương đại ở nước ta hiện nay, tiến hành công nghiệp hóa hiện đại hóa, trên cơ sở đó xây dựng khung lý thuyết làm nền tảng lý luận cho thực hiện xây dựng và phát triển. Điều đó làm thay đổi trong quản lý, về hành chính, về đất đai, về đường lối và chính sách phát triển. Trong tiến trình này, từng khu vực, từng cộng đồng dân cư phải tiến hành biến đổi để thích ứng. Các loại ngành nghề có thể xuất hiện nhiều loại hình nghề mới, nhưng đồng thời cũng mất đi nhiều loại hình nghề không phù hợp với cơ sở thực tiễn đương đại. Trong điều kiện đó, loại hình nghề, việc làm trong các lĩnh vực dịch vụ tăng lên, một số nghề ứng dụng công nghệ hiện đại ngày càng cập nhật, nhưng đồng thời các nghề thủ công trong các làng nghề, phố nghề, … khó trụ vững trong điều kiện hiện nay, theo đó dần biến mất. Có nhiều phương thức cổ truyền thực hiện nghề phù hợp với nền kinh tế nông nghiệp như hình thức chột lỗ bỏ mầm, hay sử dụng một số công cụ lao động đã tỏ ra không phù hợp trong công nghiệp hóa hiện đại hóa cho năng suất không cao đã nhường chỗ cho các các loại công cụ lao động đương đại phát triển thay thế. Nghề nghiệp có yếu tố công nghệ thay cho yếu tố thủ công cổ truyền. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi ngành nghề có hàm lượng công nghệ hiện đại hơn, yếu tố kỹ thuật trong hành nghề được chú trọng đã làm cho đời sống khu vực, các cộng đồng dân cư thay đổi khác trước.

Rõ ràng, trong xây dựng và phát triển đô thị, lối sống thị dân từng bước hình thành trong mỗi người dân do thành tựu của công nghiệp hóa hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới đem lại. Việc tiến hành xây dựng nông thôn mới đã nâng lên một bước tại các vùng nông thôn, bộ mặt nông thôn, miền núi đã khác trước.  Người nông dân các vùng quê Quảng Nam, người Cơ Tu miền núi, khu vực đông Trường Sơn đều có đổi thay quan niệm và lối sống trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa. Vào thời đại công nghiệp 4.0 như hiện nay đã tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa từ thành thị đến nông thôn, đã kéo một lượng lớn thanh niên có tri thức hội nhập vào thành tựu khoa học phục vụ sản xuất. Việc dồn điền đổi thửa cho phù hợp với xây dựng nông thôn mới đã đem lại cách nhìn khác trước trong văn hóa dân gian tại nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Nam khu vực nông ngiệp lúa nước. Trong đó hẳn có cách nhìn tiệm cận của người Cơ Tu miền Tây đất Quảng với biến đổi văn hóa theo hướng thích ứng những biến đổi. Theo đó, văn hóa dân gian xuất phát từ làng xóm với nền kinh tế nông nghiệp đã khác trước. Không gian văn hóa làng, đặc biệt các làng Cơ Tu đã có sự biến đổi, làng không còn khép kín như cách đây năm sáu mươi năm, quan hệ tha nhân trong làng và ngoài làng thoáng hơn, giao lưu kinh tế văn hóa rộng mở hơn, nếp sống có yếu tố đô thị thể hiện rõ dần trong mỗi thành viên của làng. Để giữ gìn đặc trưng văn hóa không để hòa tan trong giao lưu hội nhập, đã kích hoạt các loại hình văn hóa cổ truyền được tái hiện lại. Người Cơ Tu miền Tây Quảng Nam tổ chức khôi phục lại gươl, điêu khắc gỗ, dệt thổ cẩm, đan đát, tri thức về làm nhà, các loại cây cỏ dùng làm dược liệu: sâm ngock linh, tavak, rau dớn, gần đây cây ba kích được nuôi trồng chuyên ngiệp, …[1] ứng xử với môi trường rừng núi ngày càng tốt hơn. Một số tín ngưỡng dân gian trong các lễ hội được phục hồi. Dễ nhìn thấy hơn cả là tập tục trong đời sống hằng ngày có sự đan xen, giao lưu tiếp biến giữa làng và phố, giữa cổ truyền và đương đại, trong đó người Cơ Tu quan tâm thờ tự tổ tiên, ông bà mình khác với trước đây. Nhiều hộ gia đình truy tìm mồ mả ông cha đã “được bỏ quên” từ lâu, nay sửa sang, vun đắp, xây cất và hương khói, giỗ kỵ hằng năm tại gia đình. Đây là hình thức giao thoa tiếp biến tín ngưỡng dân gian miền xuôi – miền ngược.

Tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đang diễn ra mạnh mẽ quá trình đô thị hóa trên cơ sở thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, điều này làm cho các xã thôn vùng ngoại thành chịu sự tác động mạnh mẽ từ sự phát triển của đô thị. Lý thuyết về sự phụ thuộc thường được nhắc tới trong biến đổi xã hội, văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay có tác động mạnh mẽ. Những tác động vô hình như tư tưởng, vấn đề quản lý xã hội cũng tạo ra sự biến đổi văn hóa một khu vực, nó có thể giúp cho xã hội giữ nguyên hiện trạng nhưng đồng thời cũng làm cho có sự biến đổi văn hóa khi mà niềm tin dân gian không còn đóng vai trò là những chuẩn mực như thói quen hằng ngày, luật tục đã không còn xem là chuẩn của xã hội. Một khi xã hội có sự biến đổi thì văn hóa không thể không chuyển đổi hình thức, nội dung khác so với trước.

2. Biến đổi do công nghiệp hóa – hiện đại hóa

Năm 1997, sau chia tách Đà Nẵng ra khỏi Quảng Nam – Đà Nẵng, cư dân đô thị tại Quảng Nam bấy giờ có 188 ngàn người, tỉ lệ đô thị hóa tại Quảng Nam là 13,9%. Đến năm 2017, dân số đô thị trên toàn tỉnh Quảng Nam đã tăng gần gấp đôi, khoảng 358,9 ngàn người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 24,10% (2015). Tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn so với mức bình quân chung toàn quốc (khoảng 33%) và thấp hơn so với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (khoảng 37%); tốc độ đô thị hóa trên toàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 1997 – 2015 là 3,66%, cao hơn với mức bình quân chung toàn quốc (khoảng 3,3%) và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (khoảng 3,1%).

Các trung tâm huyện lỵ Tơ Viêng (Tây Giang), Trung Phước (Nông Sơn) và Tắc Pỏ (Nam Trà My) đã được xây dựng, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại V. [2] Điều đó cho hay rằng công nghiệp hóa hiện đại hóa đã làm biến đổi xã hội, trong đó văn hóa văn nghệ dân gian chịu tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa tại Quảng Nam, miền người Cơ Tu cư trú không ngoại lệ.

Tuy nhiên để phát huy năng lực thích ứng với biến đổi văn hóa khu vực miền Tây Quảng Nam, nơi các tộc người Cơ Tu, Cor, Ve, Giẻ Triêng, … sinh sống, tại đây họ đã thay đổi nhận thức trong cộng đồng, tạo ra khả năng vận dụng tri thức bản địa, phát huy nội lực văn hóa cổ truyền, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống. Nhà xã hội học người Mỹ Robert K. Merton cho rằng”… để xã hội vận hành một cách bình thường thì luôn có các chức năng thay thế nhau. Không nhất thiết mỗi thiết chế chỉ đáp ứng được một nhu cầu xã hội hoặc ngược lại, một chức năng có thể có hai hay nhiều thiết chế và tổ chức xã hội cùng có khả năng thực hiện. [3] Các thành tố văn hóa dân gian cổ sẽ tồn tại nhưng phải chấp nhận những biến đổi. Tại xã Tà Bhing (Nam Giang) khôi phục lại gươl, tổ chức múa tâng tung da dắh nhân những ngày lễ hội, nói – hát lý, khôi phục các loại nhạc cụ, từ cồng chiêng đến các loại nhạc cụ thuộc bộ dây, bộ hơi, bộ gõ. “Với chức năng kép vừa là hoạt động văn hóa dân gian vừa là một sáng tạo của nghệ thuật âm nhạc, nói – hát lý hay các điệu dân ca Cơ Tu sẽ mất đi chức năng sinh hoạt đời thường và còn lại là một tác phẩm âm nhạc dân gian. Các làn điệu dân ca Cơ Tu, hát lý, nói lý sẽ tham gia vào các sinh hoạt âm nhạc đương thời như một bài ca, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân; đồng thời đem lại cho họ những hình ảnh về vẻ đẹp của làng, của nhà, của núi rừng, tình yêu lao động, yêu người. Phổ biến hơn là các làn điệu về tình yêu nam nữ. Những điệu hát dân ca, được các nhạc sỹ chuyên nghiệp cải biên thành những bài nhạc. Đấy là sự biến đổi. Người Cơ Tu đứng trước sự biến đổi, họ đã nhìn thấy cấu trúc – chức năng của các thành tố dân gian đang vận hành theo quy luật biến dịch để biến đổi. Đây là điều cần tồn tại cái cũ nhưng chấp nhận sự biến đổi để phát triển.”[4] Họ đã khôi phục và sáng tạo ra nhiều món ăn truyền thống có nguyên liệu gắn môi trường rừng núi, thu hút sự tìm hiểu văn hóa tộc người của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Theo đó, năng lực thích ứng với biến đổi văn hóa nhưng đồng thời giữ được đặc trưng văn hóa tộc người, không để hòa tan vào văn hóa dân gian người Kinh (Việt), hoặc văn hóa ngoại lai. Làng Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn), huyện Đông Giang), duy trì được các loại hình nghề truyền thống: đan đát, dệt thổ cẩm, các món ăn cổ, lưu giữ được dụng cụ nông nghiệp, đồ dùng gia đình, dụng cụ săn bắt/ bắn, … Tổ chức lễ hội ăn mừng lúa mới, … trên cơ sở thực tiễn dựa vào lợi thế của các loại di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái núi rừng, thu hút nhiều người đến tìm hiểu. Trên cơ sở đó, văn hóa dân gian cổ truyền các tộc người, trong đó tộc người Cơ Tu có cơ hội giữ gìn, phát huy, phát triển trong cộng đồng, hướng đến mục tiêu hòa nhập nhưng không hòa tan văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu.

Tuy nhiên, trong di sản văn hóa dân gian người Cơ Tu có những hoạt động khó có thể biến dịch để dẫn đến biến đổi, hoặc có thể nói rằng các thành tố trong tín ngưỡng dân gian không thể biến đổi để thích ứng với cuộc sống đương đại, mặc dầu cuộc sống đương thời đang tác động mạnh mẽ vào tín ngưỡng dân gian. Những trường hợp phục vụ chức năng tâm linh, lễ hội đâm trâu chắc chắn khó tạo được sự biến đổi trong tâm thức tín ngưỡng của người dân Cơ Tu. Điều mà theo Robert K. Merton gọi là phản chức năng. “Phản chức năng là những hệ quả làm cản trở, thậm chí gây rối loạn, làm giảm khả năng tồn tại thích ứng của cấu trúc. Ngay cả khi các cấu trúc hay thể chế có thể đóng góp cho sự duy trì các bộ phận khác của hệ thống xã hội, chúng cũng có thể gây ra những hệ quả tiêu cực đối với chúng” [5]

Quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa ở Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trong những năm gần đây cho thấy có sự phát triển mạnh mẽ, kinh tế đã làm thay đổi cuộc sống người dân một cách căn bản, đó là tính đặc thù của xã hội công nghiệp. Văn hóa đô thị lan tỏa về vùng nông thôn bằng những chương trình xây dựng nông thôn mới. Thành phố Đà Nẵng thực hiện Chương trình 5 không 3 có, Chương trình thành phố 4 an đã làm thay đổi diện mạo thành phố. Điều đó các thôn Tà Lang, Giàn Bí, và Phú Túc của huyện Hòa Vang không thể không chịu sự lan tỏa của văn hóa đô thị thâm nhập về nông thôn như hiện thấy.

Tiếp cận với biến đổi văn hóa tại các cộng đồng dân cư Cơ Tu các làng miền núi của tỉnh Quảng Nam và huyện Hòa Vang, trong đó dễ nhận ra sự thay đổi khác trước về kinh tế, chính trị, xã hội và về quản lý xã hội. Từ một cộng đồng dân cư lấy làng làm đơn vị quản lý trên cơ sở quy định của luật tục thì nay sự thay đổi về kinh tế và những thay đổi về hành chính, đất đai, các chính sách phát triển xã hội, trên sơ sở luật pháp quy định là tiền đề tác động trực tiếp đến biến đổi văn hóa. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trong những năm qua cho thấy phát triển kinh tế nương rẫy của người Cơ Tu không như trước kia. Ở huyện Hòa Vang đang dần thu hẹp. Việc chọn rẫy không còn theo phương thức du cach du cư như trước theo quan niệm tâm linh. Quy trình trồng cây lúa đã được tính toán trên cơ sở khoa học về cây lúa rẫy, lúa nước, lúa bậc thang vùng cao, theo đó giảm dần quan niệm về vai trò của dàng trong nông nghiệp.

Chăn nuôi phát triển mạnh thay cho săn bắt/ bắn như trước kia là nguồn thu nhập lương thực chính của cộng đồng làng. Chuồng trại quy mô, bò, heo được nuôi trở thành hàng hóa trong nền kinh tế thị trường, làm thay đổi phương thức kinh tế tự cung tự cấp cổ truyền trước đây.

Từ việc khai thác rừng theo tập quán cũ, đã chuyển đổi thành nuôi trồng có quy mô và kế hoạch làm nảy sinh những dịch vụ kèm theo chung quanh việc trồng rừng. Do quá trình đô thị hóa tác động mạnh mẽ, ngành nghề, các dịch vụ phục vụ đời sống người dân ngày càng nhiều hơn, thu hút một bộ phận lao động vào các dịch vụ tại các vùng nông thôn và miền núi. Sự biến đổi đầu tiên làm cho văn hóa có sự khác trước trước hết là sự biến đổi nghề nghiệp, từ đó chính sự chuyển đổi nghề nghiệp tác động mạnh mẽ đến công nghiệp hóa, đô thị hóa, làm cho đời sống xã hội các làng Cơ Tu Quảng Nam và các làng Tà Lang, Giàn Bí, và Phú Túc tại Đà Nẵng có những thay đổi nhanh chóng. 

3. Các lĩnh vực đang biến đổi

3.1. Biến đổi các giá trị văn hóa dân gian

Người Cơ Tu là một trong nhiều tộc người cư trú lâu đời trên đại ngàn Trường Sơn, họ có một nên văn hóa truyền thống với bề dày lịch sử kể đã rất lâu đời. Những truyền thống văn hóa đặc trưng đó đã ăn sâu rất bền vững vào nếp sống tộc người tạo nên đặc trưng riêng của họ.

Tuy thế, trong giai đoạn hiện nay tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng toàn diện, thế nào các giá trị văn hóa đặc trưng đó có sự biến đổi do tác động từ hai phía khách quan và chủ quan đang từng bước diễn ra. Trước kia, lối sống của người Cơ Tu luôn khép tín, ít giao lưu tiếp xúc với bên ngoài do sự mâu thuẫn nhùng nhằng bởi luật tục nợ đầu, tưởng sẽ không bao giờ chấm dứt. Vì thế mỗi làng luôn khép kín không muốn tiếp giao với các làng lân cận. Hơn thế, chông thò được rào chắn, cài đặt quanh làng để chống trả lại các thế lực bên ngoài xâm nhập vào làng. Đồng thời luôn trong quá trình theo dõi lẫn nhau. Đội chiến binh của làng luôn có trách nhiệm bảo vệ làng và người dân của làng. Và vì không giao tiếp bên ngoài làng nên những thành tố văn hóa lặp đi lặp lại và ăn sâu vào tiềm thức từng cá thể trong cộng động một cách bền chặt khó có thể lay chuyển để biến đổi. Bởi tính cộng đồng của họ, một cá nhân không thể tách ra khỏi cộng đồng mà tồn tại được với điều kiện thiên nhiên nhiệt đới và điều kiện sinh tồn khắc nghiệt trong những cánh rừng già. Theo đó, những giá trị văn hóa căn bản tộc người đã chuyển hóa thành luật tục rất bền vững trong cộng đồng để ổn định xã hội cổ truyền. Từ khi có chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mói, đặc biệt những năm 2010 đến năm 2020 đã thúc đẩy mức độ biến đổi kinh tế – văn hóa – xã hội với tốc độ nhanh dần. Các vùng nông thôn miền núi Quảng Nam và các làng Cơ Tu bao quanh ngoại thành Đà Nẵng thường chậm biến đổi, nhưng mục tiêu xây dựng nông thôn mới tác động mạnh mẽ đến toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần người Cơ Tu, theo đó sự biến đổi đã và đang diễn ra ngày càng nhanh.

Xét về cấu trúc – chức năng của văn hóa, xã hội, có thể dễ nhận ra sự biến đổi do tác động của hội nhập ngày càng nhanh và sâu rộng lên tất cả các mặt của đời sống xã hội, trong đó yếu tố chủ quan và khách quan luôn đan xen tác động trong cộng đồng Cơ Tu.

3.2. Biến đổi các giá trị văn hóa làng

+ Biến đổi cơ cấu dân cư

Dễ nhìn thấy là biến đổi kết cấu một ngôi làng, lấy trường hợp cộng đồng Cơ Tu huyện Hòa Vang, từ năm 1971, người Cơ Tu thôn Phú Túc từ huyện Hiên (cũ) chuyển xuống Ngầm Đôi, tại đây họ đã xây dựng lại điểm cư trú lâu dài, trong quá trình tái thiết ngôi làng với mô hình ovale của họ đã bị biến đổi. Biến đổi đã làm vỡ ra không gian làng như vốn có. Tại nơi ở cũ trước 1971, làng có cơ cấu hình thuẫn (ovale) hoặc hình tròn, nhà của các thành viên cửa mở ra hướng về gươl. Đến khu ở mới tại Ngầm Đôi, nhà được bố trí dọc theo hai bên quốc lộ theo cách bố trí nhà mặt phố. Kết cấu ngôi làng truyền thống đã có sự biến đổi. Sau đó họ lại dời về thôn Phú Túc như hiện nay, sinh sống đan xen với người Kinh Hòa Vang, từ đó cơ cấu dân cư có khác. Họ sống đan xen với người Kinh và số nhân khẩu chiếm hơn 2/3 dân số của thôn. Do tại nơi định cư mới, họ không có điều kiện sinh sống tập trung riêng theo làng như trước.[6] Ngôi làng truyền thống của người Cơ Tu tại thôn Phú Túc không còn nữa. Đối với người Cơ Tu tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí, tình hình diễn ra cũng tương tự. Từ khu vực Mũi Trâu huyện Đông Giang, năm 1991, dời xuống vùng đất Tà Lang, Giàn Bí như hiện nay, cư dân sống dọc theo trục lộ, tỉ lệ 80% người Cơ Tu so với 20% người Kinh, cơ cấu làng bản đã thay đổi.

Trong không gian văn hóa thôn đan xen với người Kinh, văn hóa truyền thống Cơ Tu bắt đầu có sự biến dịch từ người người Kinh sang người Cơ Tu và ngược lại. Sự giao thoa tiếp biến văn hóa làng bắt đầu từ đó. Đây là quy luật tự nhiên từ điểm cao sang điểm thấp, từ chỗ nhiều sang chỗ ít, từ số đông sang thiểu số, từ phổ cập đến cá biệt. Văn hóa làng Cơ Tu tại miền tây huyện Hòa Vang đã biến đổi hầu hết các thành tố dân gian của văn hóa làng. Làng của người Cơ Tu là quan trọng, là tổ chức xã hội cao nhất của họ, thế nhưng một khi đã biến đổi thì văn hóa đặc trưng tộc người không còn cơ sở để tồn tại. Trong những thành tố biến đổi có những thành tố mà lẽ ra không để sự biến đổi diễn ra như dệt thổ cẩm, điêu khắc gỗ (tại gươl, tại nhà mồ), nói – hát lý, âm nhạc cồng chiêng, lễ hội mừng lúa mới, tri thức dân gian về rừng, về sản xuất, …

Theo đó, dễ nhận ra sự biến dịch, dẫn đến biến đổi văn hóa dưới tác động lan tỏa văn hóa đô thị của một thành phố lớn như thành phố Đà Nẵng đang trong quá trình hiện đại hóa toàn diện là không thể không xảy ra. Từ đó, người Cơ Tu tại đây đứng trước sự dùng dằng để chọn lựa cho – nhận trong tiến trình phát triển của mình.

Công nghiệp hóa đã làm thay đổi không gian văn hóa làng, từ văn hóa làng bản chuyển sang văn hóa đô thị, quản lý xã hội trên cơ sở luật pháp. Không gian văn hóa làng được mở rộng hơn, do cơ câu dân cư đan xen, giao lưu tiếp biến với các thành tố văn hóa bên ngoài du nhập vào, làm cho có sự lan tỏa đến từng hộ gia đình. Đặc biệt mạng lưới truyền thông đã đưa thành tựu khoa học kỹ thuật đến từng nhà và hơn thế, người dân trong làng có thể nhìn thấy những thành tựu khoa học công nghệ của thế giới đến tận từng người trong mỗi hộ gia đình. Lối sống, cách sinh hoạt văn hóa khu vực đô thị từng bước biến dịch dẫn đến biến đổi văn hóa tại khu vực nông thôn, miền núi. Những thành tố văn hóa cũ một thời có tác dụng trong nội bộ làng, nay đã có sự giải cấu trúc để hình thành hoặc cấu trúc lại các thành tố văn hóa có yếu tố theo phong cách thị dân xuất hiện ngày càng nhiều, làm thay đổi những sinh hoạt văn hóa làng truyền thống. Niền tin tôn giáo đã biến dịch từ đô thị ra vùng nông thôn, miền núi, ngoài niềm tin dân gian truyền thống bản địa Dàng (thần tối cao) – đất (người) – dưới đất trong những năm gần đây có thêm niềm tin vào Phật, Chúa và niềm tin thờ cúng ông bà tại tư gia như người Kinh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Những nếp nghĩ, thói quen chung quanh văn hóa làng được tháo gỡ ra, sắp xếp và cấu trúc lại, bản thân mỗi cá thể trong cộng đồng tự điều chỉnh hành vi văn hóa phù hợp với đời sống mới, tiếp cận với văn hóa đô thị ngày càng nhiều hơn.

3.3. Biến đổi các giá trị văn hóa nhà/ gia đình

Trong những năm gần đây, quá trình hội nhập khu vực và quốc tế cho thấy tác động mạnh mẽ đến sự biến đổi văn hóa. Không chỉ khu vực đô thị mà đã lan tỏa về phía nông thôn, nông nghiệp. Gia đình đang biến đổi theo kiểu gia trưởng truyền thống sang mô hình gia đình có yếu tố dân chủ với các mối quan hệ có phần hiện đại hơn trước đây, khi mà xã hội Cơ Tu khép kín trong mỗi làng (veel). Đây là điều đáng khích lệ theo quy luật phát triển chung của xã hội. Bởi vì lối sống đã biến đổi theo sự phát triển của kinh tế, theo đó thu nhập của các thành viên trong gia đình khác trước. Họ thu nhập cao hơn, nhu cầu hằng ngày được đáp ứng cơ bản, vấn đề mưu sinh của các thành viên trong gia đình có tăng lên, khẳng định được năng lực thích ứng với kinh tế thị trường đang đan xen vơi kinh tế nương rẫy, tự cung tự cấp truyền thống. Cho nên, gia đình đã từng bước tách dần, hình thành kiểu gia đình hạt nhân hai thế hệ.

Văn hóa là hệ thống các giá trị mà con người tác động vào môi trường tự nhiên xã hội tạo ra, đáp ứng nhu cầu cuộc sống con người trên hai mặt vật chất và tinh thần. Theo đó, giá trị văn hóa là yếu tố có vai trò then chốt được tạo ra và lưu giữ trong cộng đồng, do con người nắm giữ các giá trị này trong quá trình phát triển của lịch sử gắn với môi trường sống (tự nhiên – xã hội) nhất định.  Trong giá trị văn hóa then chốt đó, luôn ẩn chứa đặc trưng văn hóa, do đó thông qua các giá trị văn hóa góp phần điều chỉnh chuẩn mực xã hội ngày một tốt hơn theo hướng ích chân thiện mỹ.

Những năm gần đây, sự tác động mạnh mẽ của toàn cầu hóa đã làm biến đổi giá trị gia đình, các thành viên phát triển theo hướng thoát ra bối cảnh ràng buộc của gia đình gia trưởng, họ tự lập phát triển kinh tế văn hóa theo hướng phát triển cá nhân, tăng thu nhập phục vụ nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Thực tế đời sống người Cơ Tu tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trong những năm gần đây cho thấy đã có sự phát triển rõ rệt. Thu nhập của họ ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. [7]

Kết quả hội nhập, khu vực và quốc tế trên cơ sở phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới đã thúc đẩy các phương tiện, như nhà ở, học hành, vui chơi, giải trí, … trong đó việc ăn, mặc, ở, đi lại, học hành. Trong những năm từ 2016 đến 2018, con em Cơ Tu xã Hòa Bắc có 20 em học Đại học, Cao đẳng, Trung cấp. Năm nay (2018), ở thôn Giàn Bí có một em đỗ vào trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Bởi nhận thức của người Cơ Tu không như trước kia, do có sự quan tâm của chính quyền, kết hợp cùng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội trong điều kiện xây dựng nông thôn mới để phát triển, phụ huynh muốn con cháu mình biết chữ, có bằng cấp xứng đáng để làm việc và cống hiến. Theo đó từng bước lực lượng này tham gia vào quá trình biến dịch dẫn đến biến đổi văn hóa dân gian Cơ Tu, không chỉ tại Đà Nẵng mà tại Quảng Nam cũng vậy. Như thế, trong điều kiện cuộc sống đương đại trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước đã tác động nhiều mặt vào cuộc sống người dân, điều đó cho hay rằng đã có bước phát triển nhanh chóng với nhiều thay đổi trong tư duy phát triển vùng người Cơ Tu sinh sống.

Trên địa bàn Hòa Phú và Hòa Bắc hiện nay có 354 hộ (trong đó thôn Hòa Phú có 157 hộ), qua các đợt điền dã, chúng tôi không tìm thấy một ngôi nhà sàn nào của người Cơ Tu tại đây. Hầu hết nhà ở của người Cơ Tu ba thôn: Tà Lang, Giàn Bí, Phú Túc của huyện Hòa Vang xây cất theo kiểu nhà người Kinh. Nhà cấp bốn chiếm đa số trong số 354 hộ gia đình. Trong số đó có một số nhà tầng, mái đúc vĩnh cửu. Tường xây bằng gạch nung hoặc gạch, xi măng, nền lót gạch hoa, gạch men hoặc gạch đất nung. Mái nhà lợp ngói hoặc lợp tôn. Trong nhà phương thức trang trí, bày biện giống như nhà của người Kinh (thảng, có gia đình bày biện, trang trí rất hiện đại). Gian giữa thờ ông bà, tổ tiên. Nhà ngang dùng để sinh hoạt ngủ nghỉ. Nhà bếp thường là một cái chái hiên dùng để đặt bếp nấu nướng và nơi đan đát. Những nhà đun nấu bằng củi thì có bếp đặt dưới đất như thời cha ông họ. Những nhà dùng bếp gas thiết kế căn bếp theo đúng kỹ thuật của bếp gas hiện đại. Trước đây, khi người Cơ Tu ở nhà sàn thì gia súc thường nuôi ở phía dưới sàn và không có chuồng trại cho gia súc gia cầm. Hiện nay, ở Hòa Phú và Hòa Bắc còn ít hộ chăn nuôi gia súc tại gia đình mà thường thả rông trong rừng. Tại đây, đã bắt đầu hình thành những trại nuôi gia súc lớn.[8] Sự biến đổi đó làm cho đời sống người Cơ Tu tại các thôn trên phát triển phù hợp với quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay. Sự phát triển với lối sống văn hóa đương đại, phù hợp với sự phát triển của cơ sở hạ tầng là điều tất yếu theo quy luật phát triển nâng cao đời sống người dân.

Cơ cấu dân cư có sự biến đổi do sống cộng cư đan xen giữa người Kinh (Việt) và người Cơ Tu. Trường hợp cộng đồng Cơ Tu tại thôn Phú Túc xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Hoặc có thể tìm thấy sự biến đổi cơ cấu dân cư tại các thị trấn như thị trấn P’rao, Thạnh Mỹ, … của tỉnh Quảng Nam người Cơ Tu và người Kinh sinh sống đan xen nhau trên địa bàn cư trú. Điều này dẫn đến việc giao thoa tiếp biến dân gian của nhau là không thể tránh khỏi. Mặt khác thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên tất cả các mặt đời sống, người dân đã làm dịch chuyển thành tựu khoa học công nghệ, đời sống đô thị đan xen nhau trong cùng đơn vị cư trú. Vấn đề xây dựng nông thôn mới với hội nhập khu vực và quốc tế đã làm cho văn hóa có sự lan tỏa rộng đến các thôn làng, cho dù sinh sống miền rừng núi hay đồng bằng ven biển, thì mạng lưới thông tin truyền thông, television, intertnet, … điện thoại di động thông minh đã đưa thành tựu khoa học kỹ thuật và lối sống thị dân đến tận các thôn làng/ bản của người dân miền núi. Theo đó, hình thành nơi cộng đồng dân cư nhất là lớp trẻ, chịu sự tác động mạnh mẽ các trào lưu phát triển là không thể không xảy ra với một gia tốc nhanh nhạy. Đời sống văn hóa từ đó có sự thích ứng với các thành tố văn hóa mới, (có thể có ngoại lai: ẩm thực, y phục, phong cách, các phương tiện, …) trên cơ sở hoạt động kinh tế có sự tương thích với cơ sở thực tiễn. Cá nhân từng người trong cộng đồng, trong hoạt động kinh tế có thu nhập ngày càng tăng lên, tích lũy được vốn liếng, đời sống do đó có phần được nâng cao cả về chất và lượng. Khi lượng đổi, dẫn đến chất đổi, những thành tố văn hóa dân gian cổ truyền thường bị đẩy lùi lại phía sau, nhường chỗ cho các thành tố mới cấu trúc ngay trong cuộc sống đương đại và phát huy chức năng trong đời sồng cộng đồng. Tuy nhiên sự thích ứng với những biến đổi dựa trên cơ sở thực tiễn cái cũ bền vững còn tồn tại trong đời sống người Cơ Tu, đấy là tri thức dân gian (tri thức bản địa), bởi tri thức này gắn với đời sống thường ngày của cá thể với cộng đồng làng được hình thành từ lâu đời. Sự tồn tại của người Cơ Tu dựa trên tri thức dân gian để phù hợp với điều kiện thực tiễn của vùng cư trú, trong đó những tri thức về thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, về rừng núi là rất quan trọng để tồn tại và phát triển. Do đó, mặc dầu có biến dịch dẫn đến biến đổi văn hóa nói chung và văn hóa dân gian nói riêng của tộc người Cơ Tu, nhưng vẫn dựa trên cơ sở tri thức bản địa được giữ gìn, vận dụng hàng thế kỷ để củng cố, tồn tại. Do vậy mà, người Cơ Tu tuy có sự giao thoa tiếp biến với văn hóa văn minh thời toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, nhưng vẫn thích ứng được môi trường văn hóa mới và giữ gìn được văn hóa dân gian truyền thống của họ.

Những năm gần đây, người Cơ Tu đã có ý thức giữ gìn, phát huy và phát triển nguồn văn hóa dân gian phong phú của họ, vẫn tiếp tục phát huy trong cuộc sống hằng ngày. Những liên hoan văn hóa truyền thống được mở ra, tạo ý thức cộng đồng giữ gìn và bảo vệ các thành tố văn hóa dân gian tích cực hơn. Trong đó, hầu hết các sinh hoạt văn hóa gắn với đời sống người dân được bảo lưu, giữ gìn và phát triển. Có thể thấy như nghề dệt thổ cẩm, nghề nấu rượu cần, ba kích, tavak, … điêu khắc gỗ, thiết kế gươl, đến các loại lễ hội lớn, nhỏ được duy trì và thực hiện. Những câu chuyện cổ dân gian về tộc người được lưu giữ, kể cho con cháu nghe những lúc nông nhàn, đồng thời một số người dân quan tâm sưu tầm, ghi chép, bảo lưu giá trị tri thức trong các câu chuyển cổ về hình thành vũ trụ, sự tồn tại của con người trong các hoàn cảnh nghiệt ngã. Những nghệ nhân dân gian chú ý lưu giữ, sử dụng các làn điệu dân ca được giữ gìn nguyên thể, hoặc có cải biên thành những bài ca mang đậm chất Cơ Tu được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng các làng Cơ Tu.

3.4. Biến đổi về kinh tế/ phương thức sản xuất

Trước kia và ngay cả ngày nay, vùng sâu, vùng xa nơi tộc người Cơ Tu sinh sống, sản xuất nông nghiệp của họ vẫn theo truyền thống của người Cơ Tu là sản xuất lúa gạo theo loại hình nương rẫy. Chủ yếu của loại hình phát triển kinh tế này là trỉa/ gieo lúa rẫy.  Và cùng với lúa rẫy là các loại hoa màu khác bổ trợ, gồm các loại khoai, sắn, bắp.

Công việc sản xuất bắt đầu bằng việc dùng lễ phẩm ra rừng tìm đất. Để có miếng rẫy có đủ điều kiện sản xuất lúa bắp, người Cơ Tu phải tiến hành chọn xin rẫy. Việc này thùy thuộc vào sự đồng thuận – sự cho phép –  của dàng. Người Cơ Tu gửi đức tin vào đấng thần linh, niềm tin được gửi gắm vào đất rẫy, với ước vọng, đảm bảo miếng rẫy khai phá phải tơi xốp, tốt để cây lúa phát triển cho năng suất cao, nhưng đồng thời đảm bảo được sự ưng thuận (cho phép) của thần núi, thần rừng – mẹ/ nàng Rừng) mới được khai phá thành rẫy, tức là phải tuân theo phong tục tập quán của làng. Thời trước, chọn rẫy thường dựa vào giấc mơ, nếu sau khi chọn đất, tối hôm đó nằm mơ thấy điều tốt, vậy là thần đã ưng thuận. Nếu giấc mơ xấu phải đi tìm nơi khác.

Giấc mơ là sự xung đột trong nhận thức giữa cái cần và cái bị khướt từ có thể. Trong đó, già làng thông báo với hệ thống dàng và chờ trong khoảng thời gian sau một hoặc hai đêm, đây được xem là khoảng lặng cần thiết để phản xạ có điều kiện xảy ra và tác động ngược lại. Trong khoảng thời gian đó tất cả những dữ liệu (lễ vật, lời khấn, điều tâm nguyện) đều mang tính nhất thời, bởi có thể lặp lại trên miếng rẫy khác ngay sau đó. Thời gian này cũng được cho là thời gian sinh học để chủ làng và các thành viên trong làng chờ đợi. Để tìm sự giải mã trong giấc mơ, chủ làng quan tâm đến tính nhiều mặt biểu hiện của các hiện tượng sau thời gian trình lễ đến dàng, nói cách khác là tính biểu đạt đa chiều trong một giấc mơ. Trong giấc mơ xảy ra cho chủ làng thường đặt chủ làng hoặc chủ nhà vào trong bối cảnh tập hợp nhiều dữ liệu cùng lúc để giải cấu trúc, phán đoán cái có thể được và cái không thể xảy ra được. Trong trường hợp như thế, hình ảnh giấc mơ được tái hiện như là hình ảnh hiện thực cuộc sống của làng. Đây là cách tái hiện như hiện thực.

Tiếp nhận giấc mơ, chủ làng/chủ nhà tìm cách giải mã giấc mơ với dân làng, với người nhà. Đây là quá trình chủ làng/chủ nhà trần thuật lại giấc mơ mà mình có được. Từ các hình ảnh trong giấc mơ, chủ làng diễn giải biểu đạt thành ngôn ngữ hướng thành viên trong cộng đồng/tộc họ về cái mình bắt gặp. Quá trình giao tiếp, trao truyền hình ảnh giấc mơ được diễn ngôn trong phạm vị cho phép. Và từ đó chuyển giấc mơ ra ngôn ngữ giao tiếp dàng – người – đất rẫy, cần thiết phải giải mã đâu là thành tố dàng cho phép và đâu là điều mà dàng bảo rằng nên tránh. Và vì tất cả các dữ liệu có trong giấc mơ mang tính đa nghĩa – nghĩa là có thể lý giải hầu hết các hiện tượng xảy ra trong cuộc sống thường ngày qua một giấc mơ nên giấc mơ mang tính nguyên hợp, chứa đựng bao điều hên xui, may rủi đến với cộng đồng làng hoặc trong một tộc họ và nhỏ hơn nữa cho mỗi gia đình. Trong bài viết: Chiêm bao – cửa sổ ký hiệu học, IU. M. Lotman nói rằng chiêm bao “đó hoàn toàn là ngôn ngữ dành cho một người. Đây là nguyên nhân khiến cho việc giao tiếp bằng ngôn ngữ này trở nên khó khăn vô hạn: có thể nói, kể lại giấc mơ cũng khó giống như dùng lời nói để kể lại một tác phẩm âm nhạc. Đặc điểm không thể kể lại của chiêm bao khiến cho mọi sự ghi nhớ hóa thành một biến thể chỉ phản ánh gần đúng bản chất của nó… Bởi vậy, chiêm bao có vô số giới hạn vây bọc, những giới hạn này biến nó thành phương tiện lưu giữ tri thức cực kỳ mong manh và đa trị. Nhưng chính những “khuyết tật” này lại cho phép gán thêm cho chiêm bao một chức năng văn hóa đặc biệt và cực kỳ quan trọng: trở thành nguồn dự trữ cái bất định ký hiệu, thành không gian cần tiếp tục lấp đầy nghĩa. Điều này làm cho chiêm bao có khả năng dung nạp nhiều cách giải thích khác nhau, cả cách giải thích thần bí, lẫn giải thích thẩm mỹ”.

Đến đây, nguồn thông tin tiềm ẩn chứa đựng trong giấc mơ được giải cấu trúc để thực hiện hoặc không thể thực hiện điều cầu xin đến với dàng. Và điều chúng ta lấy làm lạ tại sao một khả năng nghi lễ thần bí đặt trong mối quan hệ nhiều hoài nghi nhưng lại thể hiện quyền uy quyết định tối thượng của dàng để làm giảm nỗi sợ hãi và bằng lòng chịu ơn, giảm bớt nỗi lo từ lực lượng siêu nhiên bí hiểm. Mặc dầu chiêm bao chỉ xảy ra cho một người, đó là vị chủ làng hay chủ nhà hoàn toàn mang tính cá nhân, mà người khác không thể biết được. Tuy nhiên về quan hệ cộng đồng được thiết lập xưa nay, người Cơ Tu vẫn tin rằng người đại diện cho họ có thể thay mặt họ giao tiếp và nêu lên những cầu xin của họ lên dàng và được dàng đồng thuận cho phép. Và thế là các thành viên bắt đầu phát rừng dọn rẫy chuẩn bị cho một vụ mùa, hay lập nên một ngôi làng mới.

Người Cơ Tu viện dẫn dàng Trời – dàng Đất – dàng Dưới đất ra để quyết định cho công việc thường ngày, nhất là vào thời điểm quan trọng: mừng lúa mới, mừng gươl mới, lễ cúng dàng rừng, …thần linh đều cho ra quyết định, đây là hình thức phổ biến trong tín ngưỡng dân gian đa thần khu vực Đông Nam Á.

Thời nay, do tác động của nền kinh tế đang phát triển, phương thức sản xuất có thay đổi, sự chuyển đổi ngành nghề của người Cơ Tu ngày càng nhiều hơn. Việc cầu khấn đến hệ thống dàng, căn cứ vào chiêm bao đôi khi gắn liền với với những nghi thức của vị chủ lễ (thầy cúng) đồng thời với sự chọn lựa phù hợp với sự phát triển chung của cộng đồng trong quá trình xây dựng nông thôn mới đang từng bước có sự biến đổi. Đất đai không nhiều và cũng không rộng để có thể đi từng miếng rẫy chọn lựa như trước, mà họ trong sản xuất nông – lâm đã có sự quy hoạch cụ thể, theo đó việc viện đến giấc mơ được dàng báo mộng, rõ ràng đã giảm thiểu đáng kể trong cách tiếp cận bối cảnh xã hội đương thời là điều đang từng bước xảy ra.

Áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất ngày càng nhiều hơn, nghề nấu rượu cần Cơ Tu tại thôn Phú Túc cho thấy sự chuyển đổi từ thủ công truyền thống sang vận dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động. Rượu cần là cách gọi của người Kinh đối với loại rượu đặc sản được một số dân tộc thiểu số Việt Nam và đồng bào Cơ Tu ở huyện Hòa Vang thành phố Đà Nẵng sản xuất. Rượu cần là thứ đồ uống quý thường chỉ dùng trong các dịp lễ tế thần linh, những ngày hội làng và dành đãi khách. Nghề nấu rượu cần có ở nhiều nơi các vùng miền từ Lâm đồng – Đà Lạt, các tỉnh vùng cao nguyên Tây Nguyên, Nam/Bắc Trà My (Quảng Nam), Nam/Tây Giang (Tây – Nam Đà Nẵng), Hòa Bắc, Hòa Nhơn, các vùng cao miền Bắc Việt Nam. Nhưng khi dừng chân tại thôn Phú Túc (Lỗ Đông xứ) xã Hòa Nhơn, tại cơ sở sản xuất, gặp ông Lê Văn Nghĩa, người Cơ Tu, chủ cơ sở sản xuất rượu cần Phú Túc hướng dẫn cụ thể việc cải tiến sản xuất phục vụ kinh tế, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng loại rượu này trong đông đảo người dân.

Nhiều người Cơ Tu trở thành công chức, công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, tham gia vào các loại hình dịch vụ, … góp phần đưa sản phẩm thành hàng hóa giao lưu trên thị trường, nâng cao đời sống hằng ngày. Từ đó văn hóa mỗi cá thể có sự điều chỉnh thích hợp để phù hợp với môi trường sản xuất, phù hợp với sự phát triển kinh tế trong mỗi hộ gia đình. 

3.5. Biến đổi phong tục tập quán

Phong tục, tập quán của một tộc người diễn ra trong cuộc sống có nhiều. Ở đây trình bày biến đổi trong việc cưới để thấy trong hầu hết các tập tục dưới tác động của toàn cầu hóa, hội nhập khu vực và quốc tế đã tác động đến việc làm biến đổi các thành tố dân gian trong tập tục, lễ hội.

Trước kia, trong lễ tục cưới của người Cơ Tu bắt đầu từ tiền hôn nhân, đây là giai đoạn tìm hiểu nhau, người Cơ Tu gọi giai đoạn đi sim. Đi sim là tìm đến với người bạn khác giới để hiểu về người bạn trong nhiều vấn đề trên cả tình bạn là cần thiết để hiểu biết về tính nết, tâm tình, … trước khi tiến đến giai đoạn ngủ zơng/duông của tiền hôn nhân. Tìm hiểu nhau có thể đến nơi nào đó trong rừng, tại rẫy, tại con suối, hay trong những ngày ăn mừng lúa mới để thố lộ ý định, hay thể hiện tình yêu khác giới. Cũng có thể như người Kinh Hòa Vang do cha mẹ, bạn bè, người thân giới thiệu để tìm hiểu, … Sau đó nếu đôi trai gái đồng ý sẽ tiến tới thăm nhà, lễ hỏi, lễ cưới. Sau lễ cưới có lễ pa zum (ăn chung [9]). Đây là lễ ghi dấu sự hòa hợp giữa hai linh hồn và thể xác. Từ sau lễ pa zum họ có cuộc sống trọn đời với nhau.

Ví dụ một đoạn hát đi sim:

‘‘À… ơi…
A… chi…ì… ơi, … A… chi … ì… ời…

Người con trai muốn tỏ tình với người con gái, muốn hẹn hò trên nương trên rẫy, người con trai khen người con gái đẹp, đôi mắt em dễ thương đôi chưn em trắng nõn, anh muốn làm người tình của em có được hay không. Nếu đồng ý thì chúng ta cùng nhau lên nương rẫy và hẹn hò…’’

Nhìn chung qua điền dã, chúng tôi được các thanh niên nam nữ Cơ Tu tại Hòa Vang cho rằng: một lễ cưới của người Cơ Tu kéo dài thời gian và tốn kém đôi khi trên mức thực tế của một gia đình. Trong khi đó, nhìn chung, người Cơ Tu còn khó khăn, bởi thông qua nhiều công đoạn, nhiều cuộc chiêu đãi từ người thân của tứ thân phụ mẫu đến bạn bè xa gần và người làng thì quả là một gánh nặng. Gia đình nghèo khó, cưới vợ cho con là hết sức khó khăn, đôi khi phải nợ nần.

Ngày nay, trong bối cảnh nông thôn mới, cuộc sống mới được quan tâm xây dựng tại vùng nông thôn, miền núi và sự tác động của đô thị hóa, của truyền thông đại chúng, của internet, … đã có sự dịch chuyển sang hình thức tổ chức hôn nhân mới nói riêng và những sinh hoạt khác trong xã hội nói chung theo hướng tiết kiệm, vừa đủ. Theo đó, hôn nhân ngày nay của người Cơ Tu huyện Hòa Vang được tổ chức theo hình thức mới, có lúc các nhà nghiên cứu cho rằng đã “kinh hóa” trong việc cưới. Thông qua điền dã, quan sát, tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy việc cưới người Cơ Tu Hòa Vang đã biến đổi căn bản. Một số hộ vừa tiến hành việc cưới như người Kinh, nhưng đồng thời vẫn duy trì các thành tố cổ truyền như tổ chức nói – hát lý để hai bên thông hiểu nhau hơn, chúc cho đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc trọn đời. Nhưng cũng có nhiều cặp đôi tổ chức việc cưới của mình theo cách của người Kinh.

1 min 8 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 16

Lễ cưới thời nay
Đoàn rước dâu đi từ nhà trai sang nhà gái
(Ảnh: VVH tại thôn Giàn Bí)

2 min 1 1 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 16

Lễ tạ ơn đấng sinh thành
Cô dâu Đậu Thị Bích Sửu cùng Chú rể mời trầu hai mẹ
(Ảnh: Võ Văn Hòe tại thôn Phú Túc)

3.6. Biến đổi do lan tỏa văn hóa

Từ năm 1997, tỉnh Quảng Nam từng bước tiến hành đô thị hóa, xây dựng các khu đô thị có bản sắc, gắn với môi trường tự nhiên – văn hóa, đặc biệt đô thị hóa khu vực miền núi có người Cơ Tu sinh sống, như Thạnh Mỹ, khu cửa khẩu Nam Giang, trung tâm đô thị huyện Tây Giang, thị trấn Prao huyện Đông Giang, thị trấn Khâm Đức,… khu bến Hiên, Bến Giằng,… Đồng thời phát huy tri thức bản địa gắn với văn hóa dân gian còn phổ biến tích cực trong cộng đồng dân cư với các thành tố văn hóa mới do xây dựng nông thôn mới đem lại. Tỉnh “Quảng Nam phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 20 đô thị. Năm 2030 sẽ là 28 đô thị, trong đó có 8 đô thị hình thành mới, gồm: Chà Vàl Nam Giang), Sông Vàng (Đông Giang), A Xan (Tây Giang), Kiểm Lâm, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Bình Minh (Thăng Bình), Vĩnh Phước, Lâm Tây (Đại Lộc), Phước Hiệp (Phước Sơn).[10] Quá trình đô thị đã tác động rất lớn đến loại bỏ và hình thành các thành tố văn hóa hóa dân gian người Cơ Tu. Có thành tố còn giữ lại và tái cấu trúc phù hợp với cuộc sống đương đại. Phát huy năng lực thích ứng trong quá trình đô thị hóa, người Cơ Tu Quảng Nam giữ gìn văn hóa dân gian vật chất và phi vật chất đa dạng, giàu bản sắc của mình trên rừng núi đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ. Để giữ gìn, phát huy phát triển thể hiện rõ tại các huyện miền núi, các chủ làng,[11] trưởng các tộc họ và hội đồng già làng có vai trò quan trọng trong thích ứng thành tố mới nhưng đồng thời bảo lưu được những yếu tố dân gian cổ truyền để có thể phát huy cùng thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang từng bước được thiết lập. Sau thời gian dài gươl người Cơ Tu ít được quan tâm, từ khi có Nghị quyết Trung ương V, khóa 8 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đến nay nhiều nhà gươl trên địa bàn Quảng Nam được khôi phục, phục dựng, tạo điều kiện cho các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt văn hóa văn nghệ người Cơ Tu tiếp tục duy trì và phát triển. Nhạc cụ và các làn điệu âm nhạc dân gian được khôi phục, bảo tồn. Nghệ thuật điêu khắc trên gỗ được thực hiện và tạo ra nhiều tác phẩm điêu khắc có giá trị biểu đạt quan niệm văn hóa dưới góc nhìn thẩm mỹ dân gian người Cơ Tu. Một số điệu hát, nói – hát lý được thể hiện trong những lần sinh hoạt cộng đồng, các lễ hội hằng năm. Mặc dầu đô thị hóa có xu hướng khai thác thế mạnh của các yếu tố văn hóa đương đại, đan xen văn hóa ngoại lai về y phục, lối sống, phong cách ứng xử tha nhân, … nhưng với năng lực tiếp cận từ truyền thống đến biến đổi, họ thích ứng với khả năng tác động mạnh mẽ của văn hóa đương đại trong quá trình đô thị hóa. Họ vẫn giữ được văn hóa dân gian truyền thống với nếp gươl cổ kính, với ngôi nhà sàn phù hợp với môi trường sinh trưởng, với tư duy có được từ tri thức dân gian (tri thức bản địa) để hội nhập và vươn lên trong xu thế phát triển vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ văn minh.

Đến huyện Tây Giang, gặp các nghệ nhân truyền dạy cho đội thiếu niên bài cồng chiêng, các em thiếu niên nam, nữ tập điệu múa tân tung da dắh. Theo nghệ nhân A Lăng Sơn, ông cho rằng: “Chủ trương của Nhà nước, của tỉnh, huyện là cần phải gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu, trong tình hình hiện nay đã có sự phai nhạt dần bản sắc văn hóa Cơ Tu. Vì thế, chúng tôi tập trung những thành viên có năng khiếu và đam mê điệu múa, đánh cồng chiêng để truyền lại cho họ, kể cả các em thiếu niên, chúng tôi đều khuyến khích tham gia. Trao truyền cho các em là cách tiếp tục giữ gìn một phần nào đó đặc trưng văn hóa dân gian Cơ Tu. Chúng tôi phát huy bằng cách truyền dạy cho thế hệ trẻ điệu múa nghi lễ, đánh cồng chiêng và các loại nhạc cụ khác là một trong những cách góp phần giữ gìn, bảo vệ bản sắc dân tộc Cơ Tu”.

Từ khi thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, là thành phố loại I của khu vực miền Trung, quá trình đô thị hóa tăng nhanh dẫn đến việc quản lý xã hội phải phù hợp với cơ sở hạ tầng đang phát triển, văn hóa theo đó có sự điều chỉnh thích ứng với một đô thị lớn. Người Cơ Tu Hòa Vang thời nay không còn khép kín, khu biệt trong ngôi làng của mình với những ngày hội truyền thống cùng với những người làng, mà họ đã giao lưu, tiếp xúc với người Kinh, và đôi khi cả với người nước ngoài (đến tham quan du lịch). Ngôn ngữ sử dụng thường ngày là tiếng Việt toàn dân, đan xen tiếng Cơ Tu trong sinh hoạt gia đình. Thảng, đến một số làng (Ví dụ làng Bh’hôồng, xã Sông Kôn, thuộc huyện Đông Giang), gặp nhiều trẻ em học sinh cấp 2, cấp 3, hoặc tại làng Phú Túc (xã Hòa Phú), Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) sử dụng thêm tiếng Anh đàm thoại trong lúc tụ tập chơi đùa và giao lưu với khách nước ngoài. Các thành tố văn hóa được du nhập vào làng nay đã không còn khép kín như xưa. Sự lan tỏa do sức hấp dẫn của các loại hình lễ hội ở miền xuôi, lối sống và phong cách thị dân của đô thị có tác động mạnh mẽ đến lối sống người Cơ Tu tại đây. Các loại hình giải trí đa dạng, phong phú đan xen giữa làng và phố thị, sự tiếp xúc, giao lưu từ đó diễn ra ngày càng nhanh chóng một cách rõ rệt giữa làng và phố, giữa cổ truyền và đương đại. Nếu như 1975 về trước, đặc trưng văn hóa người Cơ Tu chưa có sự biến dịch, thì đấy là điều dễ nhận ra. Tuy nhiên, khi những đặc trưng riêng được nhìn nhận, đánh giá là bị hòa tan, đã biến dịch, chúng ta có khuynh hướng xem xét những đặc trưng/ bản sắc này một cách mới, trong không gian mới. Đấy là không gian của sự giao lưu, tiếp biến văn hóa bên ngoài vào. Đô thị hóa cung cấp bối cảnh như thế vì gia tăng thêm vào nguồn lực văn hóa có sẵn từ xưa của người Cơ Tu. Và hẳn, người Cơ Tu Quảng Nam, hay tại Thừa Thiên – Huế cũng đặt vào trong bối cảnh này.

Tại các thôn Phú Túc (xã Hòa Phú), thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), trong những năm gần đây lễ hội đâm trâu không được tổ chức thường xuyên như trước, (1971 về trước, từ khi người Cơ Tu huyện Hiên (cũ) di cư xuống định cư tại Ngầm Đôi và từ 1991, người Cơ Tu tại Mũi Trâu di cư xuống Tà Lang, Giàn Bí) do đó, trong năm họ không có điều kiện cơ sở vật chất thể hiện tín ngưỡng dân gian cúng dàng. Đây là sự vỡ ra của tập tục, lễ hội cũ để hình thành tái cấu trúc các thành tố dân gian mới, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng dân gian của họ đối với hệ thống dàng mà xưa kia tổ tiên họ hằng năm đều có tế lễ cúng dàng. “Những mẫu hình của việc di dân và định cư được thiết lập trong quá trình xây dựng và phát triển nông thôn mới, kết hợp với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của toàn cầu hóa, đặc biệt các loại phương tiện liên lạc điện tử được cập nhật hằng tháng, hằng ngày, cho phép việc các nền văn hóa ngày càng được đặt cạnh nhau, gặp gỡ và pha trộn.”[12] Từ đó sự lan tỏa văn hóa như trong y phục, lối sống, cách ứng xử tha nhân,… hay lệ “cúng tất niên” xóm trong tín ngưỡng dân gian của người Kinh Hòa Vang biến dịch sang tín ngưỡng người Cơ Tu tại các địa phương này. Từ đó họ như người Kinh (cư trú đan xen) tổ chức cúng tất niên vào dịp cuối năm âm lịch. (Cúng xóm theo hình thức này nếu không chọn cố định một ngày nào đó trong năm, thì hằng năm đến dịp cuối năm xóm cử người đi tìm thầy lý dịch xem ngày kiết, hung để tiến hành cổ bàn cúng tất niên). Như thế đặc trưng văn hóa bản địa của người Cơ Tu dần hướng nội, lặn vào bên trong, nhường sinh hoạt văn hóa thường ngày như một biểu hiện biến dịch văn hóa liên địa phương hướng ngoại. Theo đó văn hóa với tri thức bản địa Cơ Tu hình thành từ lâu trong lịch sử phát triển của họ đã dần lùi về phía sau, trong khi những nền văn hóa liên địa phương đa dạng tiến lên hàng đầu. Ngay từ sau năm 1975, sự dịch chuyển những đặc trưng văn hóa Cơ Tu đã có sự di chuyển đáng kể hướng ngoại theo văn hóa dân gian người Kinh. Có thể nhìn thấy trong hầu hết sinh hoạt thường ngày, từ ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, vui chơi giải trí và các sinh hoạt khác gắn với mỗi người đều có sự thay đổi căn bản. Như thế là sự biến đổi, dịch chuyển từ A – A, A – A’, hoặc từ A = B như trong một số phong tục, tập quán gắn với vòng đời người.

Người ta thực hiện lễ cúng xóm dao động từ sau 15 tháng Chạp âm lịch dài đến trước 23 tháng Chạp âm lịch [13] hằng năm tại nhà, tại gươl. Trước đó, những người lớn tuổi sẽ đi quyên tiền và tiền này không là sự bắt buộc phải đóng mà là tự nguyện. (Trước kia, người Cơ Tu chưa sử dụng tiền nên chợ búa chưa có để mua sản phẩm, để có các lễ phẩm dâng cúng dàng do sự tự nguyện dâng sản phẩm cúng lên từ các gia đình thành viên trong làng). Nay, người ta dùng số tiền tự nguyện đó cho việc mua sắm lễ gồm gà và heo, hoặc trâu. Trước hết, tại sân gươl người ta sẽ đặt một mâm cúng, lễ là con gà để cầu xin thần linh cho hôm nay dân làng tổ chức lễ cúng cuối năm. Sau khi được thần linh chứng giám thì họ bắt đầu làm heo. Lễ cúng với heo bắt đầu gần trưa với ba bàn tròn đặt cạnh nhau. Điều thú vị ở đây là việc cúng bái sẽ do hai người Cơ Tu và một người Kinh cùng nhau thực hiện những nghi thức lễ của người Kinh. Người chánh bái sẽ là người Cơ Tu. Tất cả họ đều mặc áo dài và sử dụng trống, chiêng của người Kinh. Khi chúng tôi nói chuyện với già làng, ông kể cho chúng tôi về các động tác trong việc cúng bái, ví dụ đến lúc luân phiên chỗ đứng của nhau, ông cho rằng việc đổi chỗ đó đã làm cho vị thế của ba ông bình đẳng nhau. Các vị trí thể hiện sự đẳng lập. Tức là không có sự phân biệt giữa chánh bái với tả ban hay hữu ban hoặc có thể già làng không biết được vị trí cúng bái của người Kinh thể hiện điều gì khi có sự phân chia tả, hữu  phân hiến.[14]

Bàn cúng gồm ba mâm tròn gộp chung lại với nhau. Có một bàn toàn đồ ngọt như khoai, sắn, mía họ cho là để cúng cô hồn, âm hồn. Còn mâm mặn thì cúng thần linh cầu mong được một năm no ấm tốt đẹp đến với dân làng.

Đây là một nghi lễ của người Kinh ở các vùng Trung bộ vào mỗi dịp cuối năm cũ hoặc đầu năm mới. Các xóm dịp này sẽ tổ chức tất niên nhằm quy tụ toàn bộ người dân lại tổng kết một năm cũ và chào đón một năm mới ấm no hạnh phúc với mọi nhà. Khi chung sống với người Cơ Tu dù có sự chênh lệch về dân cư (khoảng 80% là người Cơ Tu và 20% là người Kinh) nhưng sự biến dịch văn hóa thấy rõ nét rằng người Cơ Tu thực hiện theo cách người Kinh (như người Cơ Tu tại Hòa Vang chẳng hạn).

Vấn đề bảo tồn: lịch sử tộc người Cơ Tu ở Hòa Vang có nhiều biến động, họ là một nhóm người Cơ Tu ở huyện Đông Giang và Tây Giang thuộc tỉnh Quảng Nam di chuyển đến vùng núi Hòa Vang để lập làng cư trú và sinh sống (nhưng cuộc sống của người Cơ Tu cũng như các tộc người khác lúc này là du canh du cư, đất canh tác không thuận lợi, lại chuyển đi chỗ khác. Đến giai đoạn chiến tranh, bộ phận người Cơ Tu này lại di chuyển ngược lên vùng Hiên cũ của Quảng Nam. Sau năm 1975 khi chiến tranh qua đi và có sự khuyến khích của chính quyền địa phương, nhóm người này đã chuyển về lại hai vùng Hòa Bắc (cụ thể là Tà Lang – Giàn Bí) và Hòa Phú (thôn Phú Túc). Riêng thôn Tà Lang trước đây định cư vùng núi rừng hẻo lánh, năm 1994 đã xảy ra dịch bệnh lớn làm chết nhiều người, dân làng cho rằng vùng đất này rất dữ, dù được chủ làng cúng xin dàng/ thần linh. Các biểu trưng văn hóa trong lễ xin được giải cấu trúc như giải giấc mơ, hay sự ngẩu nhiên của cây đót, con cuốn chiếu, …cho biết dàng không cho sinh sống tại vùng đất này, kéo theo nhiều người chết, đói kém, dịch bệnh (tức là Dàng Pol – dàng Trời – trưng triệu rồi). Một lần nữa làng phải dời đi. Cùng lúc đó, chính quyền huyện Hòa Vang vận động và hỗ trợ lập nên khu vực Tà Lang Mới, đưa dân làng về sinh sống ổn định đến nay. Có thể thấy được dân số tộc người ít cùng với việc phân bố rời rạc và phải di chuyển liên tục, lúc tìm chỗ cư trú làm ăn, lúc chạy chiến tranh rồi dịch bệnh, …đã có nhiều biến động. Năm 1996 tách Đà Nẵng ra khỏi Quảng Nam và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm cả huyện Hòa Vang và quần đảo Hoàng Sa. Từ đây tốc độ đô thị hóa của huyện Hòa Vang phát triển nhanh chóng, kéo theo sự tiếp biến với người Kinh trên mọi phương diện đời sống hằng ngày. Mặc dù ở các vùng này chênh lệch số lượng người Kinh và người Cơ Tu cách biệt khá lớn (khoảng hơn 80% là người Cơ Tu và chưa đến 20% là người Kinh), nhưng mức độ ảnh hưởng/ tác động của người Kinh lên người Cơ Tu rất rõ nét, dễ nhận ra. Dường như họ sử dụng toàn bộ những thói quen của người Kinh cho cuộc sống hằng ngày của mình từ trang phục, ẩm thực cho đến tín ngưỡng, văn hóa, … Đây là một quá trình vay mượn và có thể nhìn thấy do sự tác động mạnh mẽ từ đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới thiết lập nên. Họ xao lãng sự quan tâm đến giữ gìn bản sắc văn hóa. Nếu như tìm về những giá trị cũ thì có lẽ nó đã ở cách đây mấy chục năm và trong thâm tâm của họ cho rằng đó là những giá trị cũ càng của một thời lạc hậu !

Khi đưa ra ý kiến rằng có nên tổ chức khôi phục lễ đâm trâu nữa hay không, có nhiều quan điểm khác nhau giữa các thế hệ. Vấn đề này, trong lần điền dã về Tà Lang, Giàn Bí, trao đổi với một thanh niên (chừng 35 tuổi), bỏ qua khía cạnh lễ hội hiện nay đang dùng dằng trong thực hiện hoặc thực hiện không như xưa kia, họ nghĩ rằng “không muốn tổ chức một lễ hội mà nghi thức quá rườm rà, tốn kém và mang lại rủi ro, nguy hiểm (trong lễ đâm trâu). Anh cho rằng: “Lúc thực hiện nghi lễ đâm trâu vào năm gần đây có cái giáo đâm trâu do con trâu rất hung dữ đã hất vung ngọn giáo rơi trúng vào một người gần đó, khiến người này bị thương”. Anh luận rằng: “Việc đâm trâu tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến tình huống nguy hiểm bất ngờ, không dự đoán được”. [15]

Ngược lại, những người trung niên thì cho rằng “Nghi lễ đâm trâu là một sự sống động, tưng bừng, thì việc những rủi ro có thể xảy ra trong lúc đưa những mũi lao vào thân trâu là điều xảy ra nhiều tình huống không lường trước và còn vì tình cảm của con người với trâu như thể hiện trong những bài hát khóc trâu. Với bản năng sinh tồn, con trâu vùng vẫy tìm lấy sự sống, tỏ ra giận dữ với cộng đồng dân làng trong lễ hội là điều có thể !” Người ta bỏ qua những vấn đề đó để khẳng định sự thiêng liêng với thần linh, niềm kính trọng của con người với dàng,… Theo đó, các vị cao tuổi luận rằng: “Tổ chức một lễ hội với trâu gỗ không khác nào là sự dối lừa thần linh, với dàng và nếu thế, con người Cơ Tu trong làng sẽ bị dàng trừng phạt.”[16] Quan niệm xã hội không phải là cứ không bất biến và có thể thay đổi theo năm tháng, tuy nhiên liệu rằng những người trẻ tuổi lúc này nói là không nên thực hiện nghi lễ này nữa thì khi đến lúc họ trở thành người cao tuổi như những người lớn tuổi bây giờ thì liệu họ có muốn duy trì nghi lễ này nữa hay không? Thật ra, không phải lúc nào họ thích hoặc có mong muốn thì sẽ được chấp thuận, tuy nhiên ít nhất bản thân cộng động phải thể hiện rõ quan điểm như thế nào với khách thể bên ngoài làng để có sự nhìn nhận theo hướng phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Thời nguyên thủy có bộ tộc hiến tế bằng người sống cho thần linh, cho hà bá, … đã tồn tại lâu dài trong lịch sử phát triển một số tộc người. Tuy nhiên sự phát triển tộc người về sau, đã nhìn nhận sự hiến tế bằng người sống không còn phù hợp. Tư duy phát triển thêm một bước quan trọng, họ nhìn nhận lại những lễ tục chung quanh trong điều kiện tự nhiên (có thể núi rừng, sông biển, khe suối, ao hồ, …) và họ đã nắm được phần nào đó quy luật tự nhiên từ sấm sét, mưa lũ, hạn hán, bệnh tật,… dần đưa họ tiệm cận đến việc phòng tránh những hiện tượng hung dữ từ tự nhiên, hiểu về các điều kiện tự nhiên, môi trường sống chung quanh; đồng thời nhìn nhận, đánh giá lại lực lượng siêu nhiên bao gồm các vị thần thánh, chừng đó họ thấy có sự không phù hợp với thực tiễn của lễ tục hiến tế người sống/ hoặc chết dâng lên thần linh. Từ đó, họ tìm đến vật hiến tế khác ngoài con người được thay thế bằng con vật bốn chân (trâu, dê, heo, … hay con gà chẳng hạn) cùng với hoa, quả. Những thay đổi đó gián tiếp đấu tranh phản bác lại những hủ tục từ xưa tổ tiên họ đã sử dụng tế dàng. Điều này có thể tìm thấy trong chuyện kể dân gian Cơ Tu, xuất hiện những xung đột thể hiện từ rất lâu trong lịch sử phát triển tộc người. Một số truyện cổ phản ảnh sự xung đột, sự đối lập này giữa hai thời kỳ lịch sử hoặc giữa hai lối sống gắn với sự phát triển tộc người. Chuyện Bà Riêu kể rằng: “Ngày xưa có một đoàn người Cơ Tu ở vùng núi A Sao, A Lưới (miền núi Thừa Thiên Huế) kéo một đoàn người vào đánh với người Cơ Tu ở Tà Lang. Xung đột diễn ra liên miên vì người Cơ Tu xưa quan niệm rằng có giết được người phe kia tế dàng thì mới làm ăn được. Hai bên đều tổn thất nặng nhưng không bên nào chịu nhường bên nào. Già làng Tà Lang cũng không xử được. Một hôm, có một bà già trong làng tên là Bà Riêu đã đứng ra phân xử và mọi người đều nghe theo. Bà phân xử rằng: dân làng Tà Lang, Giàn Bí chịu trâu; dân làng A Sao, A Lưới chịu gà, cá, rượu… tổ chức hòa giải, cắt máu ăn thề, từ nay dân hai vùng không còn đánh chém nhau nữa.

Về sau, có một người Cơ Tu ở A Sao, A Lưới bị bắt, rồi ở lại sống tại Tà Lang hát rằng:

Đô tiết Tà Lang
Đây đất Tà Lang
Đô blang Tơ nưng
Đây hồ Tơ Nưng
Ku cheech bơ rang
Chết bờ chết bụi
không biết đường mô mà về. [17]

Trong giai đoạn công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay, vấn đề bảo tồn, duy trì và phát triển những di sản văn hóa cổ truyền tộc người Cơ Tu và không chỉ Cơ Tu mà còn các tộc người Cor, Ve, Xơ Đăng,… tại Quảng Nam trở nên khó khăn khi phải đặt vấn đề giữ gìn di sản truyền thống. Bởi mọi lựa chọn đều có sự can thiệp của biến đổi văn hóa do công nghiệp hóa hiện đại hóa và quá trình hội nhập quốc tế điều chỉnh. Quảng Nam, Đà Nẵng đều có thế mạnh về du lịch. Quảng Nam có hai trung tâm di sản văn hóa thế giới: Hội An, Mỹ Sơn đã thu hút một lượng khách trong và ngoài nước tham quan hằng năm. Những năm gần đây, du lịch sinh thái tại các làng người Cơ Tu được mở ra (như làng Bhờ Hôồng, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, Tà Lang, Giàn Bí xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang,…v.v…).  Năm 2018, thành phố Đà Nẵng vận động người tại chỗ thành lập khu du lịch sinh thái tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, bước đầu thu hút khách đến tìm hiểu văn hóa, lối sống người Cơ Tu tại đây là thế nào !. Nhưng hiện tại, ba cộng đồng Cơ Tu tại Hòa Vang đang trên đà biến đổi các thành tố dân gian. Những di sản văn hóa truyền thống đang biến đổi nhanh chóng theo lối sống người Kinh (Việt) Hòa Vang và sự lan tỏa văn hóa đô thị Đà Nẵng đã làm cho văn hóa dân gian cổ truyền tại các cộng đồng này mất dần đặc trưng riêng có. Ngôi làng không còn là ngôi làng như trước 1975, ngôi nhà cũng thế. Còn đâu ngôi nhà sàn với kiến trúc phù hợp môi trường, cảnh quan thiên nhiên vùng rừng núi Hòa Bắc nữa. Nay thì không tìm thấy ngôi nhà sàn tre, gỗ, mây, song, lợp lá cọ, lá đùng đình,… như cách đây 50 năm. Đấy là sự biến đổi. Nhưng nếu cứ dùng dằng trong xây dựng và phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người Cơ Tu tại các cộng đồng này rồi sẽ ra sao khi thế giới đang đứng trước sự giao lưu hội nhập toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Biến đổi, chuyển động từ cái cũ sang cái mới, hay đấu tranh để loại bỏ cái không phù hợp với cuộc sống là quy luật khách quan, thường xuyên tác động vào sự vật và hiện tượng. Theo đó, để làm được việc quảng bá hình ảnh văn hóa tộc người Cơ Tu miền Tây Quảng Nam cần thiết giữ gìn những đặc trưng riêng có theo thời gian đã ổn định trong cộng đổng và đã trở thành truyền thống thì cần quan tâm giữ gìn và phát triển, sáng tạo phù hợp với điều kiện sinh tồn miền rừng núi.

Biến đổi văn hóa từ cổ truyền đến đương đại là quy luật phổ quát, nhưng để làm hấp dẫn các loại hình du lịch tại các thôn/ làng tộc người Cơ Tu, Cor, Ve, Xơ Đăng,…, các nhà quản lý văn hóa đang đẩy mạnh phát triển vùng núi là nơi cộng đồng các tộc người sinh sống, kết hợp du lịch sinh thái (hoạt động dã ngoại, đốt lửa trại, leo núi, thăm thú các khu rừng nguyên sinh,…; đồng thời tìm hiểu văn hóa dân gian bản địa tại đây, kết hợp với khám phá những giá trị tri thức bản địa của các tộc người là những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn, cuốn hút du khách đến tham quan. Nhưng sự vênh nhau diễn ra, rằng các giá trị cũ của tộc người đang từng bước, có nơi đang biến đổi nhanh chóng theo hướng đô thị hóa, cơ sở vật chất ngày càng được thay thế những thành tố hiện đại làm mất đi đặc trưng truyền thống, thì việc tìm kiếm giá trị cũ một thời rất khó khăn cho du khách. Điều này chắc chắn phải phục hồi lại các giá trị cũ còn phát huy vai trò chức năng của nó trong cuộc mưu sinh của người Cơ Tu, như là nấu rượu cần, các món ẩm thực, lễ hội, hát – nói lý, nhảy múa, nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian, kiến trúc nhà mồ, thiết kế gươl, âm nhạc dân gian,…dệt vải và nhuộm màu lấy từ tự nhiên theo phương thức cách may trên 50 năm các tộc người đã thực hiện; trong đó tộc người Cơ Tu nổi bật với những đường nét, màu sắc hoa văn trên những tấm dồ, tấm tút,…nhằm thu hút du khách, họ chắc chắn đưa ra những nhận định, đánh giá và so sánh giữa các vùng văn hóa trong và ngoài nước, đặc biệt hướng tới những đối tượng thích phiêu lưu, mạo hiểm. Có thể tìm hiểu và hội nhập loại hình này tại khu du lịch cộng đồng Bhờ Hôồng thuộc xã Sông Kôn, huyện Đông Giang. Văn hóa truyền thống của người Cơ Tu vẫn còn được lưu giữ rất nhiều kể cả đan đát hay hát – nói lý, … đến vui chơi, ẩm thực, …. Ngoài ra, nơi đây cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ, thăm quan sinh thái là yếu tố hấp dẫn du khách đến với miền rừng núi tây bắc Quảng Nam.

Tuy thế, vào thời kỳ đầu của quá trình, du khách nhìn ngắm ra sự thu hút do các thành tố văn hóa dân gian còn tồn tại, khách trong và ngoài nước đến thăm quan đông và thường xuyên, nhưng về sau đã thưa dần. Có thể có nhiều lý do, song vấn đề then chốt tại Bhờ Hôồng, hay tại Tà Lang, Giàn Bí, có thể tìm thấy và nhận ra những đặc trưng riêng có trong văn hóa tộc người dần biến đổi theo hướng giao thoa, tiếp biến và hội nhập với văn hóa đô thị ngày càng thế chỗ cho văn hóa cổ truyền và tri thức địa phương/ bản địa.

3.7. Biến đổi do các phương tiện truyền thông

Ngày nay, người Cơ Tu miền Tây tỉnh Quảng Nam và cộng đồng cư trú tại ba thôn thuộc xã Hòa Bắc và Hòa Phú huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đang tiếp cận với các loại hình thông tin đa dạng và nhanh nhạy đến từng hộ gia đình. Hệ thống thông tin đa dạng này tiếp cận đến mỗi cá nhân thông qua hệ thống đài, báo, trong đó hệ thống truyền hình, radio, điện thoại thông minh có vai trò quan trọng đưa thông tin phong phú, hấp dẫn, tác dụng nhanh chóng mang lại nhiều lợi ích bằng trực quan hình ảnh. Điện thoại di động thông minh như hiện nay,… trong công nghệ 4.0[18] đã kéo thế giới lại gần và lan tỏa trong các làng người Cơ Tu miền Tây đất Quảng. Không chỉ có thế, sự giao lưu, tiếp biến trên phạm vi toàn thế giới đang từng bước diễn ra ngày càng nhanh chóng và tác dụng.

Các phương tiện thông tin đa dạng cũng đã góp phần làm biến đổi sâu sắc văn hóa các thôn/ làng Cơ Tu của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.

3.8. Biến đổi do tâm lý / định kiến / tự  nguyện tham gia biến đổi

Xã hội truyền thống Cơ Tu chú trọng đến cộng đồng, cộng đồng quyết định cá nhân. Với quan hệ làng khép kín trong phạm vi cụ thể nên mối giao lưu quan hệ diễn ra dẫn đến tính cục bộ, tính bình quân, dễ dẫn đến tự thỏa mãn nhu cầu cần thiết cho mỗi đơn vị làng cũng như cho mỗi người. Họ không phấn đấu vươn lên trên mức thực tế để phát triển thêm nữa.

Người Cơ Tu có tính cộng đồng cao, hoạt động xã hội cổ truyền điều chỉnh mọi hành vi của cá nhân trong cộng đồng. Những ràng buộc được quy định bằng luật tục dẫn đến tâm lý vừa đủ, thực dụng, không cầu dư, chỉ cầu đủ. Tính cộng đồng dẫn đến tâm lý thiếu, đói không lo.

Nhưng do tác động của văn hóa đô thị lan tỏa, kết quả của quá trình xây dựng nông thôn mới tạo điều kiện cho người Cơ Tu thâm nhập sâu hơn vào các hoạt động văn hóa xã hội. Họ muốn vươn lên, thoát ra khỏi không gian khép kín của ngôi làng truyền thống mà trong năm chỉ gặp những lễ hội và phong tục tập quán luôn ràng buộc, níu kéo sự vươn lên của cá thể trong cộng đồng, dẫn đến tâm lý biến dịch các thành tố văn hóa đô thị sang văn hóa cổ truyền của họ. Nhiều thành tố văn hóa đô thị đã thế chỗ cho văn hóa cổ truyền, ảnh hưởng đến đời sống cá nhân mỗi người, trong đó có những thành tố trong làm nhà, sinh đẻ, cưới hỏi, tang ma, … lao động sản xuất, có tác động mạnh mẽ đến đời sống mỗi người.

Sự phát triển xã hội từ thấp lên cao luôn là quy luật hằng thường của sự vận động, theo đó, trong điều kiện kinh tế phát triển, tạo động lực cho sự phát triển văn hóa, trong đó văn hóa dân gian tộc người không loại trừ. Những thành tố lạc hậu dần được người dân loại ra khỏi bảng giá trị. Bắt đầu từ đòi nợ đầu, đến chôn trẻ sơ sinh theo mẹ (chẳng may sau sinh vài ngày mẹ mất), đến tục lệ cà răng, căng tai, đến vấn đề chọn đất làm rẫy, đến quan niệm ma dữ, ma hiền, … nay đã dần thay đổi. Việc cưới, việc tang, lễ hội cũng dần gạn lọc, giữ lại các thành tố tích cực mà loại dần các thành tố mang yếu tố tiêu cực, không phù hợp với cuộc sống đương đại đang từng bước được đẩy lùi. Năm 2018 có 190 làng Cơ Tu không tổ chức đâm trâu ngay tại sân gươl mà vẫn giữ được tính thiêng của lễ hội ăn mừng lúa mới, vẫn giữ được truyền thống tộc người [19]. Tục dời làng khi trong làng có người chết xấu, hoặc bệnh tật, đói kém đã không còn thực hiện như trước kia. Người Cơ Tu đã nhận ra những yếu tố không phù hợp trong tục lệ làm kìm hãm cuộc sống thường ngày, do đó, họ bỏ dần tục cũ.

Biến đổi trong một số lĩnh vực

  1. Nhân tố biến đổi
Cổ truyền Đương đại
– Những chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới tác động

 

 

– Tập tục không phù hợp loại bỏ ra khỏi bảng giá trị văn hóa

– Sự lan truyền, hay cho – nhận từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác (A = B)

– Hội nhập sâu rộng làm thay đổi bộ mặt văn hóa làng truyền thống (cổ truyền)

– Làng mở ra tiếp nhận các thành tố văn hóa mới thông thoáng hơn

 

– Khoa học kỹ thuật phát triển, công nghiệp 4.0 tác động nhanh chóng làm thay đổi nhu cầu xã hội

– Nhịp độ sống ngày càng được đẩy nhanh hơn

– Năng lực con người gia tăng theo thói quen công nghiệp

 

– Bỏ tục cũ không tác dụng

 

 

– Tư tưởng, sự quản lý xã hội làm biến đổi văn hóa theo hướng phù hợp thực tiễn, hoặc bảo lưu, giữ gìn các yếu tố văn hóa cổ truyền còn phát huy chức năng phù hợp cuộc sống đương đại

 

  1. Văn hóa
Cổ truyền Đương đại
– Theo mùa lễ hội

 

 

 

– Mang tính tập thể

– Phạm vi làng, sân gươl

 

– Phương tiện: nhảy múa, một số trò chơi dân gian, dụng cụ tự chế, thủ công thô sơ.

– Nhu cầu giải trí ít đặt ra, tùy thuộc mùa vụ lúa rẫy và săn bắn

– Qua các phương tiện to broadcast, television, radio, internet, … không theo mùa vụ

 

– Phạm vi rộng (không gian) bất cứ đâu

– Các loại trò chơi gam oline hiện đại, điện thoại thông minh, máy vi tính

– Nhu cầu giải trí đa dạng và thường xuyên, không theo vụ mùa

 

  1. Trong hôn nhân, gia đình
Cổ truyền Đương đại
– Đi sim

– Ngủ duông

– Hỏi

– Cưới

– Đãi đằng nhiều lượt, tốn kém, nợ nần

– Tìm hiểu

 

– Hỏi

– Cưới

– Đãi đằng theo hướng tiết kiệm, gọn nhẹ, vừa đủ, tránh nợ nần

 

  1. Ứng xử trong gia đình
Cổ truyền Đương đại
– Cá nhân thể hiện tính dân chủ nhiều hơn

– Biến đổi lối sống theo hướng đương đại, dân chủ, cỡi mở hơn

– Không tự quyết định nhiều công việc thuộc cá nhân

– Lệ thuộc cha mẹ có chừng mức.

– Tính khép nép với người lớn phai nhạt dần

 

– Tự quyết định việc hôn nhân, gia đình

 

– Lao động, thu nhập tự quyết định

 

  1. Ứng xử cộng đồng
Cổ truyền Đương đại
– Mang tính cộng đồng làng, tính khép kín cao

 

 

– Cá nhân gắn với làng

 

– Sinh hoạt tập thể, do cộng đồng chi phối

– Có tính cá nhân nhiều hơn, thực dụng trong sinh hoạt, việc chi tiêu hằng ngày tự lo liệu

– Xuất hiện chủ nghĩa cá nhân

– Một số quan hệ có tính độc lập

 

  1. Ứng xử việc tang
Cổ truyền Đương đại
– Nhiều hủ tục – Xóa bỏ dần hủ tục, hưởng ứng Chỉ thị 27 về việc cưới, việc tang, lễ hội

– Theo xu hướng như miền xuôi

 

  1. Chuẩn mực xã hội
Cổ truyền Đương đại
– Do luật tục điều chỉnh

– Phong tục tập quán ràng buộc

 

 

– Lối sống phù hợp cộng đồng làng

– Làm ăn sinh sống dựa vào làng, vì cộng đồng

– Do luật pháp điều chỉnh

– Biến đổi theo xu hướng thực hiện lối sống văn hóa do xây dựng nông thôn mới đem lại

– Theo quy ước của tổ chức đoàn thể, xã hội

– Kinh tế mang yếu tố cá nhân, hội nhập vào thị trường lao động rộng lớn

– Việc ai nấy lo, ít quan tâm đến cộng đồng

– Gần với lối sống thị dân, đô thị, giao tiếp nói năng lưu loát hơn

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe


[1] Ông Bh’riu Pố ở thôn A Rớh, xã Lăng, huyện Tây Giang có trồng trên diện tích lớn loại cây ba kích làm rượu.

[2] Nguồn: Sở Xây dựng Quảng Nam, ngày 1/10/2017, tại Hội thảo Khoa học, chủ đề “Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị Quảng Nam trong quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế”, tổ chức tại khách sạn Mường Thanh, tỉnh Quảng Nam.

[3] Nhóm: Nguyễn Thị Bích Liên, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Thị Đông, Tiểu luận: Thuyết cấu trúc – chức năng của Robert K. Merton. (Robert K. Merton (1910-2003), người Do Thái di cư sang Hoa Kỳ, sống tại Philadelphia. Lấy bằng cử nhân tại Đại học Tổng hợp Temple, Tiến sỹ tại trường Đại học Tổng hợp Harvard. Từ năm 1941 đến nghỉ hưu, Merton giảng dạy và nghiên cứu tại trường Đại học Tổng hợp Columbia. Một thời gian dài, Merton được xem người đứng đầu trường phái cấu trúc – chức năng trong xã hội Mỹ. Lý thuyết nổi tiếng là Lý thuyết về sự lệch chuẩn. Tác phẩm nổi tiếng: “Social Theory anh Social Structure” (1968) (Lý thuyết xã hội và cấu trúc xã hội). Là nhà xã hội học đầu tiên được Nhà nước Mỹ tặng Huân chương Quốc gia về xã hội học.).

[4] Xem: GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh (2014), Giới thiệu một số phương pháp trong nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam. Hà Nội.

[5] Nhóm: Nguyễn Thị Bích Liên, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Thị Đông, Tiểu luận: Thuyết cấu trúc – chức năng của Robert K. Merton, tlđd.

[6] Thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang hiện có 157 hộ, trong đó 2/3 là người Cơ tu.

[7] Chị Trương Thị Kim Oanh, Tổ trưởng Tổ Phụ nữ số 1 thôn Phú Túc cho hay: “Bây giờ đến Phú Túc ngạc nhiên quá phải không? Chừ một nửa số hộ trong thôn đã có tủ lạnh rồi anh. Miền núi nóng bức, có tủ lạnh, hè đi làm về uống miếng nước cũng mát. Thực phẩm mua về để cả tuần không lo hư”. Cuộc sống và cách sống của bà con Cơ tu ở Phú Túc đã khác xưa nhiều lắm. “Nhân viên y tế thôn tuyên truyền, mở lớp hướng dẫn phụ nữ tổ chức bữa ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ em. Trước đây, khi đường sá từ Phú Túc xuống Trạm Y tế xã chỉ hơn 3km nhưng rất khó đi, bà con trong thôn lại chưa có nhiều xe máy như chừ, mỗi khi trái gió trở trời đau ốm là lên rừng bứt lá về chữa. Nay thì bệnh nặng hay nhẹ chi cũng ngồi lên xe, chạy cái vù là tới trạm y tế… Gần nhà chị Oanh có vợ chồng chị Nguyễn Thị Hiền còn giữ mấy phương thuốc dân gian dân tộc mình do gia đình truyền lại. Điều rất quý là con cái chị Hiền đều chăm học, trong đó người con đầu đang học đại học. Vợ chồng chị Mạc Thị Kiều có đến 2 con vào đại học, một đang học ở Huế, một đang học ở Đà Nẵng. (Văn Thành Lê, báo Đà Nẵng oline, 18.10.2018).

[8] Như trại nuôi heo ở Hòa Phú của anh Lê Văn Hoàng (40 tuổi).

[9] Có cuộc hôn nhân sau một hai năm mới tiến đến lễ pa zum, bởi trước đó thanh niên nam nữ cưới nhau (phần nhiều kèm theo lời hứa của cha mẹ hai bên gia đình) nhưng do tuổi tác chưa thật sự trưởng thành để có thể sống chung như một cặp vợ chồng thực thụ. Theo đó họ phải chờ đến 16 – 17 tuổi là lúc bắt đầu sống vợ chồng. Để tiến hành việc chuyển đổi quan trọng này, họ dùng lễ phẩm cúng kính thần linh trước khi pa zum. Thế nên cũng gọi lễ cưới lần hai. Từ sau lễ pa zum, đôi vợ chồng bắt đầu quy trình pa zum. Tất cả mọi hoạt động liên quan đều là chung: làm chung, ngủ chung, ăn chung, …

[10] Nguồn: Công Tú, Quảng Nam onile, 10/4/2016, 06:06.

[11] Huyện Tây Giang có 72 chủ/ già làng.

[12] Chris Barker (2011), Nghiên cứu văn hóa, lý thuyết và thực hành, người dịch ThS. Đặng Tuyết Anh, NXB VHTT. Hà Nội.

[13] Theo quan niệm dân gian người Kinh Hòa Vang, ngày 23 tháng Chạp (12) âm lịch là ngày Ông Táo về Trời. Tại đây Táo quân tâu với Trời về chuyện trần gian, trong đó đặc biệt tâu với Ngọc Hoàng Thượng đế về chuyện trong năm của mỗi hộ gia đình. Theo đó, sau ngày 23 tháng Chạp mỗi nhà không cúng tất niên nữa (thảng, có nhưng ít), do tất cả các vị thần trong Ngũ tự đều về Trời cả rồi, không có thần để chứng nhận lễ cúng. Thêm, ngày 23 tháng Chạp, buổi sáng dựng nêu (dựng nêu từ 23 tháng Chạp đến mồng 7 tháng Giêng hạ nêu), nhân thời gian các thần đi vắng ma, quỷ có thể vào nhà quấy phá, nên dựng nêu ngăn ma quỷ, và vẽ hình cây cung quanh gốc cây nêu, quay mũi ra phía ngõ để ỉm trừ ma quỷ. Do đó, không cúng tất niên sau 23 tháng Chạp.

[14] Tư liệu điền dã tại thôn Tà Lang, Giàn Bí, Phú Túc, huyện Hòa Vang, 5/2018, Bà Hoàng Hà Giang cung cấp.

[15] Tư liệu điền dã tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí, xã Hòa Bắc tháng 5/2018. Bà Hoàng Hà Giang cung cấp.

[16] Tư liệu điền dã tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí, xã Hòa Bắc tháng 5/2018. Bà Hoàng Hà Giang cung cấp.

[17] Chú tham khảo: Nhiều tộc người trên thế giới có tục tế người sống dâng thần linh, như người Jivaro, sống phía đông sườn núi Andes; người Celt ở Ireland; thổ dân Đài Loan; chiến binh nhà Tần (thời Xuân Thu (770-476) BC và thời Chiến Quốc (475-221) BC; người Naga (đông bắc Ấn Độ và tây bắc Myanmar); người Montenegrins ở Châu Âu; bộ tộc Wa (ở cao nguyên phía đông Myanmar); người Scythia là người du mục Á-Âu gốc Iran di cư từ Trung Á về phía Nam nước Nga và Ukraine, ngày nay gọi là Crimea); bộ tộc Sumba sinh sống ở một hòn đảo rất nhỏ ở Sumba, Indonesia; bộ tộc Maori, những người định cư ở Polynesia này được gọi với tên khác là Maori. “Người Aztec ở Trung Mỹ, miền Trung Mexico, … tin rằng chỉ có dùng con người làm vật hiến tế mới làm các vị thần nguôi giận và hoãn lại ngày tận thế; vị thần chủ chốt của họ mỗi ngày ăn tim người. Văn hóa của họ đặc sắc quy mô hiến tế người, tục lệ này bắt nguồn từ tục trích máu cho thần linh của người Olmec…  Người Aztec thờ cúng Huitzilopochtli (con chim ruồi ở bên trái), vị thần chiến tranh, hơn là thờ Quetzalcoatl (rắn lông chim), Thần Nông nghiệp và Nghệ thuật. Trước đó, Huitzilopochtli chỉ là một thần nhỏ trong hàng trăm vị thần được thờ phụng. Nhưng người Aztec, có thể cả người Toltec trước đó, đã suy tôn vị thần này thành Thần Mặt trời và họ tin rằng họ là những người được thần lựa chọn, … Chiến tranh hằng năm (với các bộ tộc khác) bắt đầu diễn ra sau khi thu hoạch xong. Người ta gây chiến để chiếm đoạt thêm lương thực làm cống vật và lấy máu, tim người dâng lên Thần Mặt trời. Lễ tế thần bằng người diễn ra vào lúc Mặt trời mọc hoặc Mặt trời lặn. Các thầy tế vẽ lên người nạn nhân các vạch đỏ và trắng, tô đỏ miệng, vẽ những vòng tròn đen quanh miệng rồi dán đồ trắng lên đầu của họ. Các thầy tế dắt các nạn nhân lên các bậc thang của kim tự tháp, dằn ngửa họ ra phiến đá lễ, giữ lấy tứ chi trong khi một thầy tế mở phanh ngực nạn nhân bằng những nhát dao (làm bằng đá chalcedony hay đá vỏ chai). Sau đó ông ta thọc tay vào trong lồng ngực lôi ra quả tim vẫn còn đang đập, giơ lên cao và quẳng vào một cái bát đặc biệt. Các thầy tế đẩy cái xác cho lăn xuống những bậc thang, có thể xuống chỗ những người đợi sẵn bên dưới để mang xác về nhà”. … Người Aztec tin rằng các chiến binh hy sinh trong chiến trận và phụ nữ chết trong khi sinh là những người có cuộc sống huy hoàng nhất ở kiếp sau. Người ta tin rằng những chiến binh tử trận sẽ thực hiện hành trình cùng Mặt trời trong vòng bốn năm, rồi trở lại Trái đất trong lốt loài chim ruồi. Phụ nữ chết trong khi sinh sau khi đi cùng Mặt trời trong bốn năm sẽ trở lại Trái đất như các nữ thần. (Cynthia stokes Brown (2007), Big history: from the Big Bang to the present: Đại sử từ vụ nổ lớn đến hiện tại, người dịch Phan Triều Anh (2009). NXB Trẻ. TP. HCM). Xem thêm: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/-ron-nguoi-truoc-nhung-bo-toc-san-dau-nguoi-dàng-so-nhat-tren-the-gioi/20181015104010456

[18] Cách mạng công nghiệp 0.0: phát minh ra lửa, từ vượn trở thành người; cách mạng công nghiệp 1.0 (1787): phát minh động cơ hơi nước, động cơ đốt trong; cách mạng công nghiệp 2.0 (1870): phát minh ra điện, động cơ điện, dây chuyền sản xuất hàng loạt; cách mạng công nghiệp 3.0 (1970): phát minh ra điện tử, bán dẫn, internet, máy tính và tự động hóa. Năm 2011, nổi lên industrie 4.0 (cách mạng công nghiệp 4.0 – công nghiệp lần thứ 4, tại Hội chợ Hannover, đến năm 2013 thuật ngữ industrie 4.0 được đề cập trong báo cáo của chính phủ Đức), là sự ra đời của nhiều công nghệ mới, kết hợp các kiến thức trong lĩnh vực: vật lý, kỹ thuật số, sinh học, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, nền kinh tế, các ngành kinh tế và ngành công nghiệp. Đang nổi lên những đột phá công nghệ trong các lĩnh vực như: trí tuệ nhân tạo, robotinternet vạn vật IoT, công nghệ sinh học, xe tự lái, công nghệ in 3D, và công nghệ nano. Trong đó, những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung nghiên cứu để tạo ra những đột phá trong nông nghiệp, thuỷ sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng hoá tái tạo, hoá học và vật liệu. (Chúng ta đang là giai đoạn công nghiệp này).

[19] Trích một ít máu mơi mũi trâu tế dàng, như thế vẫn đủ lễ dâng cúng thần linh.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây