Triền sông thơ ấu – Nhà văn Nguyễn Kim Huy – Kỳ 3

Triền sông thơ ấu - Nhà văn Nguyễn Kim Huy - Kỳ 3 - Tác Giả - Tác Phẩm

nkh min - Triền sông thơ ấu - Nhà văn Nguyễn Kim Huy - Kỳ 3

Nhà văn Nguyễn Kim Huy

trang trên sông thơ ấu Nguyễn Kim Huy - Triền sông thơ ấu - Nhà văn Nguyễn Kim Huy - Kỳ 3

TRIỀN SÔNG THƠ ẤU – KỲ 3

Nhà văn Nguyễn Kim Huy

CÓC XANH KIÊU HÃNH VÀ 12 HÒN CUỘI ĐỎ – 12 HÒN CUỘI TRẮNG

Dù ra đời chưa được bao lâu, Cóc Xanh ta vẫn kiêu hãnh ra mặt. Thứ nhất, màu da chú không mốc xịt như lũ cóc ranh cùng lứa đâu nhé. Da chú màu xanh, thế mới lạ, và cũng vì thế mà chú đặt tên cho mình là Cóc Xanh. Cái tên đặc biệt đó được thừa nhận ngay, rõ chú đã ăn đứt cái lũ cóc xám tầm thường kia. Thứ hai chú có một sức khỏe vô địch. Lũ oắt kia, mỗi đứa cố lắm một bước nhảy chỉ được một gang tay – là người ta còn châm chước đấy, chứ thực ra chưa đến một gang đâu, còn thiếu một xíu nữa. Chú ấy à, chú nhảy một bước những hai gang, không, còn hơn nữa, hai gang rưỡi. Là nói lúc chú nhảy chơi chơi thôi, chú đã ra sức thì dứt khoát bước nhảy của chú phải là ba gang. Lại thêm một điều ăn đứt bọn cóc ranh kia.

Nhưng còn điều này nữa mới ghê gớm…

Một hôm tình cờ đang nghênh ngang dạo chơi gần bờ giếng, trông thấy Cóc Oắt – ranh này có tên như thế vì chú bé nhất bọn – đang ngồi chầu hẫu thin thít giữa một túm cỏ, Cóc Xanh lên tiếng oai vệ hỏi:

– Oắt, mày làm gì ở đây thế hả?

Oắt giật mình quay lại đã há miệng toan trả lời, nhưng thình lình chú đổi ý lao đến đớp một miếng “tách” vào ngọn cỏ trước mặt, nuốt ực, chóp chép miệng, đoạn trả lời :

– Anh thấy đấy, em đang rình lũ mối. Trời, chúng béo lắm cơ, thật ngon lành làm sao.

Cóc Xanh có vẻ ngạc nhiên lắm:

– Mày nói gì? Mày… mày nuốt chửng mấy con mối tanh òm ấy à? Khiếp!

Cóc Oắt trợn mắt:

– Sao lại tanh? Chúng thơm phưng phức ấy anh ạ, ngon lắm cơ…

Chưa dứt lời, chú lại bỏ câu nói, lao tới đớp đánh “tách” lần nữa vào ngọn cỏ, nghểnh cổ nuốt ực và lại chóp chép miệng. Nhìn thấy thế, Cóc Xanh chậm rãi lắc đầu hai lần, ra ý chê bai và ghê tởm một cách thâm thúy.

Không để ý điều đó, Cóc Oắt lại hỏi, sau khi nuốt xong con mối béo tròn:

– Anh chê lũ mối béo mẩy này à? Thế… anh ăn gì để sống mà có vẻ khỏe ghê vậy?

Cóc Xanh làm ra vẻ đang bận suy nghĩ điều gì không nghe thấy câu hỏi của Oắt.

Càng tò mò, Oắt nhảy một bước – chỉ có một gang tay thôi, nhưng chú đã lại làm thêm ngay một bước nhảy nữa, thế là được ở sát bên Cóc Xanh. Chú nghểnh đầu, cố sức hét thật to:

– Anh không nghe thấy em hỏi à? Anh vẫn thường xơi gì vậy, anh Cóc Xanh?

Lần này thì Cóc Xanh trả lời, giọng nghiêm trang:

– Mày xem đây.

Cóc Xanh dớn dáo đảo mắt nhìn quanh. Bỗng chú làm một bước nhảy oai vệ về phía trái. Cóc Oắt giật mình, nhưng chú đã vội nhảy theo Cóc Xanh ngay – tất nhiên là hai cú. Chưa kịp định thần, Oắt đã nghe Cóc Xanh quát một giọng rất đanh:

– Này nhé!

Chú vươn cổ, tợp ngay một cái vào hòn cuội xinh xinh bé bé nằm trước mặt. Oắt hoảng hốt định ngăn lại thì Cóc Xanh đã tợp thêm một cái, rồi một cái nữa… Oắt tái xanh mặt, cuống cuồng vừa chạy vừa hét toáng lên:

– Chúng mày ơi! Anh Cóc Xanh nuốt vào bụng tất tật mấy hòn cuội rồi! Ghê quá chúng mày ơi!

Cả lũ Cóc đổ ra, xúm lại nghe Cóc Oắt kể chuyện. Oắt vẫn còn xám xanh mày mặt, chú vừa run vừa hổn hển kể.

Đó là biệt tài đáng gờm nhất của Cóc Xanh. Cũng từ đó, chú đâm ra nổi tiếng khắp vùng, và lại càng có vẻ kiêu hãnh tợn. Lúc nào mắt chú cũng gườm gườm, đầu chú cũng nghênh nghênh, dáng đi điệu đứng lại càng ngông. Lũ cóc con đều sợ và kính phục Cóc Xanh ra mặt, không đứa nào dám mon men lại gần chú. Mà  sá gì cái lũ cóc con xám xịt, không biết nuốt cuội kia, đến cụ Cóc Tía – Đạo sĩ lâu nay ẩn dật lánh thân tu luyện ở một cái hóc tối om hun hút, Cóc Xanh cũng chẳng tỏ vẻ nể nang gì. Có lần chú còn dám buông lời xúc phạm đến cụ nữa kia đấy. Chú bảo:

– Cụ Cóc Tía ấy à? Nghe nói cụ có mấy hòn cuội quý lắm, lúc nào ta lên đó nuốt chửng cuội của cụ chơi.

Không ngờ cái câu đùa cợt phạm thượng đến tai cụ Cóc Tía – Đạo sĩ thật. Giữa lúc đang ngồi thiền, thế mà cụ cũng bực mình quá, mở choàng mắt ra quát:

– Nó dám láo thế à ? Dẫn nó đến đây cho ta!

Không rõ phép thuật của cụ huyền bí thế nào mà cụ vừa quát xong, đã thấy Cóc Xanh xuất hiện ngay trước mặt, y như vừa bị tóm cổ đến vậy. Chú ngơ ngơ ngác ngác đảo mắt nhìn quanh, chợt ngẩng lên trông thấy Cóc Tía – Đạo sĩ, chú tái xám cả mặt.

Cụ Cóc Tía nghiêm giọng hỏi:

– Nghe nói mày định đến đây nuốt mấy viên cuội của ta phải không?

Cóc Xanh sợ quá, toan chối, thì cụ lại bảo:

– Ta biết cả rồi, đừng chối. Đây, cho mày, nuốt đi.

Cụ vứt ra trước mắt Cóc Xanh 24 hòn cuội tất cả, 12 hòn cuội đỏ, 12 hòn cuội trắng. Những viên cuội lấp lánh trông thật đẹp mắt.

Cóc Xanh lúc này đã xanh tái cả người dù chú vốn đã xanh. Chú chần chừ, lúc thì nhìn những hòn cuội, lúc lại ngước nhìn cụ đạo sĩ. Cụ giục:

– Nuốt đi!

Cực chẳng đã, Cóc Xanh phải thè lưỡi đớp lấy một viên cuội, ngập ngừng nuốt. Viên thứ nhất, viên thứ hai rồi viên thứ ba… Nuốt xong 12 viêng cuội trắng, chú đã hoa cả mắt, bụng nặng trình trịch cứ chực nôn ra. Nhưng ngước lên, bắt gặp ngay cái nhìn nghiêm khắc của cụ đạo sĩ Cóc Tía, chú lại phải cố sức thè lưỡi đớp tiếp những hòn cuội đỏ. Một viên… hai viên… Nuốt tiếp xong 12 viên cuội đỏ, mắt chú nảy đom đóm, lưỡi lè ra.

Mệt quá, Cóc Xanh chúi đầu xuống đất nằm thở thì… Trời ơi! Cái gì trong bụng thế này? Lửa, lửa! Như có ngọn lửa bừng lên từ ruột gan chú, thiêu đốt chú. Nóng, nóng quá. Sức nóng từ trong bụng làm chú bật ngửa ra phía sau. Thì… trời ơi! Lạnh, lạnh một cách khủng khiếp, cái lạnh toát ra cũng từ ruột gan chú. Cái lạnh hất chú chúi đầu xuống, chổng ngược lên, thì ngay lập tức cơn nóng bùng lên… Cứ thế, hễ chú ngước lên thì lại lạnh, chúi xuống thì liền ngay cơn nóng! Mình đầm đìa mồ hôi, chú muốn kêu thét lên, thì ực một cái, chú nôn thốc nôn tháo những hòn cuội ra. 12 hòn đỏ, 12 hòn trắng… Nôn xong, ngọn lửa và cơn lạnh liền biến mất khỏi bụng chú.

Cóc Xanh còn đang thở hổn hển, thì giọng sang sảng của cụ Cóc Tía – Đạo sĩ đã vang lên:

– Cuội của ta, 12 viên đỏ là 12 hòn lửa, 12 viên trắng là 12 cục tuyết. Nhà ngươi đã biết điều rồi chứ? Từ nay phải chừa cái tính tự cao tự đại đi nghe chưa? Thôi, cho ngươi lui.

Cụ dứt lời, Cóc Xanh đã lại thấy mình ngồi bên thành giếng. Người chú vẫn còn toát mồ hôi, chú run lẩy bẩy, tưởng chừng như mình vừa trải qua một cơn mơ khủng khiếp.

Từ đó, lũ cóc con thấy Cóc Xanh không còn cái vẻ kiêu hãnh hợm hĩnh nữa. Chú hiền lành chạy nhảy chơi đùa với chúng. Mỗi khi lũ bạn ép chú trổ tài nuốt cuội, chú lại lắc đầu nguầy nguậy, mặt tái xanh tái xám. Một hôm Cóc Oắt nhìn thấy chú ngồi chồm hỗm bên thành giếng rình đớp ngon lành những con mối béo nung núc.

 

NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ

Giữa trưa đứng bóng hay chiều tối, nắng hay mưa, mùa đông rét cắt ruột hay mùa hè nóng bỏng da, mỗi lúc có việc đi ra đồng tôi đều nhìn thấy bà Hượu đang lúi húi mò mẫm dưới ruộng bắt ốc mò cua hay sục sạo tôm tép. Lúc sẫm tối, cái lưng khòm lại cúi xuống của bà gắn liền với mặt ruộng lúa thành một khối đen lù lù, cứ như một lùm dứa dại đột ngột mọc lên ở giữa ruộng nếu không có tiếng oàm oạp của đôi tay bà luôn lục sục mò vớt dưới bùn.

Bà Hượu sống một mình. Ngày tôi còn nhỏ thì bà đã già lắm rồi. Tôi không hiểu tại làm sao mà ngày xưa, ở quê tôi có nhiều ông già bà lão sống một mình đến vậy. Không thấy có con cháu gì, mỗi xóm mỗi thôn đều có một vài cụ sống cô độc lủi thủi trong các mái tranh hay rơm rạ rộng chừng hai manh chiếu đôi thấp lè tè chỏng chơ mục nát, ẩm ướt và tối om om ngay cả giữa trưa nắng. Trong nhà vừa đủ chỗ để kê một cái chõng tre cũ, thường đặt sát bên chái bếp thò lò ông đầu rau và cái ấm nấu chè xanh ám khói đen thui. Trên mấy thanh củi xù xì dùng làm giàn bếp treo lủng lẳng mấy trái bắp khô queo hay vài gói hạt giống bí bầu. Sát bên chái bếp bao giờ cũng là cái ảng sành sứt miệng luôn để sẵn gáo dừa múc nước có cái cán dài ngoằng vắt ngang miệng ảng bên mấy dây bí dây bầu bò lơ ngơ lên mái rạ. Mỗi khi ông bà cụ nào qua đời, chiếc chõng tre cũng được khiêng ra đốt bên mộ, căn lều tội nghiệp bị bỏ hoang chẳng ai đến ở, không bao lâu cũng sụp đổ rồi biến mất trong đống dây leo dại um tùm ngày một xanh rì dưới lớp bụi thời gian.

Bà Hượu cũng đã qua đời từ lâu.

Bẵng đi bao nhiêu năm tháng, một lần về thăm quê, tôi mon men lội bộ dọc theo những con đường bờ ruộng trơn tuột mà lúc nhỏ tôi vẫn đi học. Bỗng, tôi nhìn thấy một bóng người lom khom dưới ruộng và tiếng nước kêu oàm oạp. Bất giác tôi kêu lên sửng sốt :

– Bà Hượu!

Người ấy đứng thẳng dậy, gỡ nón nhìn lên. Đó là mẹ tôi!

 


Triền sông thơ ấu – Nhà văn Nguyễn Kim Huy – Kỳ 1 

Triền sông thơ ấu – Nhà văn Nguyễn Kim Huy – Kỳ 2

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây