Tác giả Nguyễn Thị Phú

Nhà thơ Nguyễn Thị Phú

NGUYỄN THỊ PHÚ

Họ và tên: Nguyễn Thị Phú
Sinh ngày: 15.7.1959
Nơi sinh: Tư Thuận, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi
Quê quán: Hương Hồ, Hương Trà, Thừa Thiên – Huế
Chỗ ở hiện nay: 04 Phần Lăng 14, quận Thanh Khê, Đà Nẵng.
Nghề nghiệp: Giáo viên.
Từng dạy học tại trường Bình Trung 1 Thăng Bình, Quảng Nam; trường THCS Phan Đình Phùng, THCS Nguyễn Huệ Đà Nẵng; Phó Hiệu trưởng trường Nguyễn Khuyến Đà Nẵng; Phó Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo Hải Châu, Đà Nẵng.

Tác phẩm đã xuất bản:
– Sương khói học trò (Nxb Văn học – 2012)
– Về miền tuổi thơ (Nxb Văn học – 2013)
– Vũ điệu thần tiên (Nxb Văn học – 2015)
– Nhớ một mùa hoa (Nxb Hội Nhà văn – 2017)
Những bài phê bình văn học:
– Bài thơ Hóa vàng của Đinh Nam Khương
– Bài thơ Huế của Vạn Lộc
– Cảm xúc từ “Đôi dòng tưởng niệm các chiến sĩ Gạc – Ma” của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm
– Mái tóc người thương trong thơ Nguyễn Văn Long
– Mở trang thơ Kéo co với mùa xuân của Nguyễn Kim Huy
– Qua chiếc cầu thơ chín chín nhịp (Chín chín nhịp của Vạn Lộc)
– Thơ của Thúy (Đinh Thị Như Thúy)

 

Thơ của Thúy!

Đọc “Như tiếng biển đêm” (Tuyển thơ tác giả nữ Đà Nẵng do Hội Nhà văn Đà Nẵng biên sọan, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2018), là đọc 373 bài thơ của hai mươi nhà thơ nữ, chúng ta sẽ tìm thấy những tâm tư của ai trong cuộc đời này? Ta có nghe lòng mình trăm nghìn cung bậc phập phồng trong tiếng biển đêm? Có và nhiều lắm. Nhưng lúc này đây, xin được nói về thơ của Thúy – Đinh Thị Như Thúy.
Thơ của Thúy sắc mạnh, nồng nàn, ấm lành, chứa chan, thấu tận. Đó là ý nghĩ đầu tiên khi tôi đọc qua mười sáu bài thơ của Thúy trong tập “Như tiếng biển đêm”.
Dường như Thúy phải viết cho cạn những nghĩ suy, cảm xúc đã nồng đượm của mình, nhất là những trăn trở về cuộc sống, về những ước mơ và vươn lên. Những điều ấy, tôi rất thích khi cảm nhận được từ giọng thơ mới mẻ, sáng tạo, đầy cá tính của Thúy. Có những bài, không chỉ là lời tự tình, như cách độc thoại thường thấy trong thơ, mà như thể đang có một nhân vật vô hình, hoặc hữu hình, ngồi đối diện, hoặc ngồi sát bên, lắng nghe Thúy nói.
Và Thúy cứ trải lòng mình về những nghịch lý, mâu thuẫn; những bức xúc về cuộc đời mà giá trị của chân thiện mỹ chưa đủ sức mạnh để đánh thức, để vực dậy, đổi thay :

chiều có giới hạn
thủ đoạn, xảo trá vô hạn
đêm có giới hạn
kiểu cọ, vênh váo vô hạn
biển có giới hạn
nông cạn, dốt nát vô hạn
phi lí mãi đến chẳng còn phi lí nữa
                                                 (Một vị trí buổi chiều)

Nhịp thơ ngắn mà câu thơ giống cấu trúc của văn xuôi theo lối câu phức đẳng lập nên ý thơ được nhấn mạnh và dễ hiểu, dễ cảm. Nhưng rồi ý thơ tự trải dài theo chiều sâu của niềm trăn trở về những sai lầm tự thân mỗi một con người, khi mà:
đã quá lâu rồi
chúng ta không làm sao chạm được chân vào mặt đất
không làm sao thoát được cái cảm giác bị treo lơ lửng trong không trung
không làm sao có nổi nụ cười
không làm sao tránh được ý nghĩ ta chẳng thể mang đến dù bất cứ điều gì cho những người thân quanh ta

(Đã có sai lầm ở đâu đó)
Đâu là những sai lầm? Đinh Thị Như Thúy tự trách:

đã quá lâu rồi
thói bè phái kéo chúng ta đi
lòng ích kỷ kéo chúng ta đi
nỗi ươn hèn khiếp nhược kéo chúng ta đi
(Đã có sai lầm ở đâu đó)

Nhìn thẳng vào hiện thực, đánh giá hiện thực một cách thẳng thắn, mấy câu thơ thể hiện sự rắn rỏi trong tâm hồn nhà thơ nữ ấy dường như đã góp phần đánh thức lương tri con người, gõ cửa những trái tim vốn đã xơ cứng, lạnh lùng.

có thể chân thành hơn chăng
có thể thanh thản hơn chăng
nụ cười của người này có thể thắp sáng
khuôn mặt của người kia chăng
(Có cơn bão không đi vào đất liền)

Không một dấu câu, dấu hỏi, nhưng là những câu hỏi xoáy vào nghĩ suy con người. Rõ ràng nhà thơ vẫn dịu lòng với những ước ao, dù chưa dám, chưa tin. Phải chăng vì có những nỗi mừng vẫn chất chứa đắng cay, mà lắng nghe, ta sẽ nhận ra, như thể:

có cơn bão không đi vào đất liền
mà mưa cứ suốt đêm không dứt
(Có cơn bão không đi vào đất liền)

Thì cứ mưa suốt đêm không dứt, miễn sao cơn bão hãy tan ngoài khơi xa, để đất liền bình yên, để con người bình yên. Nhưng đằng sau câu chữ đó, còn có tiếng thầm thì trách cứ về một sự nhẫn tâm nào đó, của ai đó đối với cuộc đời này…

Nói đến rất nhiều những thói xấu xa có thực, chỉ trích sự thiếu vắng nụ cười, thói ích kỷ, giông gió cuộc đời … Nhưng không phải để lên án. Đây thực sự là vẻ đẹp tiềm ẩn trong thơ của Thúy. Bởi bàng bạc trong thơ Thúy là yêu thương, là cõi lòng ước ao thanh thản, là hướng tâm về chốn yên bình. Ta có thể nhặt ra được những câu thơ rất đẹp, nét đẹp yên bình, trái tim ấm áp. Đó là khi: “Thương làm sao sự yên bình cũ kỹ” (Mơ vườn lạnh); hoặc khi để dành câu thơ đẹp cho một ngày mai:

Nắng đã ấm như ngàn hơi thở
Cây lá trong vườn mềm mại xanh
(Đơn giản chỉ là sự vắng mặt)

hoặc vàng trăng thơ mộng:

chúng ta đi như thể đang trôi
trăng rắc sáng bao la trên những dãy đồi chạy dài bất tận
(Chỉ còn chuyến xe chở hoa về muộn)

hoặc là cảm nhận hạnh phúc:

Có đôi mắt núi nhìn tôi
Có ngọn gió núi thổi qua tôi
Có cánh tay núi ôm choàng tôi
Có đám mây núi êm trôi
(Hoa mồ côi trong núi)

nghe như là sức mạnh, là núi ngàn trong những câu thơ của Thúy, sắc mạnh mà ấm áp lạ kỳ.

Thơ của Thúy còn đẹp ở sự bộc lộ một cách sống, một lựa chọn thông minh giữa tự do và ràng buộc, giữa khép mình và tự thân vươn lên. Từ hình ảnh một con tàu mắc cạn, Thúy nói nhiều đến tự do, ước mơ và sáng tạo. Cái nhìn của nữ sĩ vẫn đầy trân trọng, cảm thông với sự “mắc cạn” của ai đó giữa dòng đời:

Sinh ra là để khát khao
Rạch trên bao la xanh những con đường bạc
Mỗi lần rời bến là một lần sáng tạo
Những lối đi những hải cảng không trùng lắp
Một chân trời khép mở một chân trời
(Với con tàu mắc cạn)

Cho nên “Không một tưởng tượng nào về con tàu sừng sững cô đơn đứng chôn chân trên cát mịn” cùng với “Mơ hồ những dự báo đáng sợ” thì bài thơ vẫn có những câu kết đẹp đến độ người đọc cứ thích ngân nga:

Sinh ra là để mơ
Những giấc mơ sẽ vẫn tiếp tục tràn trề biển khơi và ánh sáng

Nó đẹp giống như những câu thơ mở bài đã trải một chiều dài xa tới xa xăm :

Sinh ra là để đi
Để dịch chuyển tự do
Để đối mặt với bát ngát xa xăm phơi mở những chân trời sóng

Nó đẹp như những bông hoa trẻ trung với sự phô sắc thản nhiên, không đợi chờ, không phụ thuộc, không sợ hãi:
Những hoa ly của ngày 20
Đang hồi hộp rướn căng trong bóng tối
Phô diễn vẻ nồng nàn
Của niềm yêu không gì che giấu nổi
(Mơ vườn lạnh)
Nó đẹp như sự bùng cháy, sự vụt cánh của con chim sâu nhỏ bé trong sự so sánh đầy thú vị để nói về những khao khát vươn lên:
Tại sao đến con chim sâu nhỏ bé kia
Cũng dễ dàng thoát khỏi những buộc ràng
Để vút bay trong ngời ngợi nắng
(Mơ vườn lạnh)
Cái vút cánh của con chim nhỏ cũng trở thành động lực cho con người vượt thoát hay khi kiếm tìm sự mới mẻ, đổi thay. Vì không thể nhắm mắt đợi chờ. Càng không thể thiếu bản lĩnh. Sức mạnh của con người bắt nguồn từ đâu? Sẽ có rất nhiều câu trả lời khác nhau. Nhưng mọi thứ đều rất cần bản lĩnh và bản sắc. Những câu thơ khá lạ về biển là điều nhắc nhở chúng ta chăng?
Không còn lí do gì để náo động
Biển lắng lại
Biển đã ném lên bờ tảo và rong
Và những con cá chết
Và những mảnh ván thuyền
Những mủn nát của ngày biển động
Biển đã luôn nhận lấy và chối từ theo cách riêng
Biển đã luôn tẩy rửa theo cách riêng
Biển lại tinh khôi óng ả
Biển – Những con sóng xô nhẹ
Nhẹ
Tưởng như chưa bao giờ biết vật vã gầm gào
(Từ cửa sổ căn phòng này)
Và trong bao la niềm mơ ước ấy, trong thơ của Thúy, ta vẫn luôn nhìn thấy cái mơ ước rất đời thường mà vô cùng cần thiết của Thúy, của tất cả chúng ta. Đó là sự chia sẻ nỗi niềm và hãy gần gũi, yêu thương:
đừng rời nhau
xin
đừng rời nhau
những ngón tay thiếu vắng những ngón tay
những ngón tay
đau từng mạch máu
(Chỉ còn chuyến xe chở hoa về muộn)
có khi tinh tế đầy mộng mị:
Không dưng tràn ngập mùi khói thuốc
Căn phòng đã có thêm một người
Hiện hữu bằng tin nhắn

Anh uống cà phê trên môi em
(Từ cửa sổ căn phòng này)
vì tình yêu có những diệu kỳ:
đôi khi, bàn tay người này cảm nhận
được nắng ấm, khi người kia đang trong
sóng biển, một ngày hè
(Có cơn bão không đi vào đất liền)
Nhưng không hẳn thế vì vẫn còn nhiều lắm những điều e ấp giấu, phải thêm rất nhiều trang thơ nữa Thúy mới gọi tên. Tôi nghĩ thế, khi Thúy viết “Đã luôn mơ một hình ảnh khác về thế giới này”:
Anh sẽ không thể biết
Nỗi đắm say duy nhất của em
Tài sản duy nhất của em
Ngọn đèn không tắt
Tiếng chuông ngân không dứt
Của em
Thơ của Thúy có sức lôi cuốn mạnh mẽ có lẽ vì tình thơ lai láng chảy trong những cấu trúc mới lạ, lại pha chút âm hưởng của gió ngàn, dáng núi, sóng biển mênh mang… Nên dẫu câu thơ buồn – vui đều thẩm thấu vào lòng ta bằng hương vị cuộc đời. Thơ của Thúy không chỉ như là tiếng biển đêm.

 

Mùa Xuân – Ai may áo mới?

Sinh thời, ba tôi làm nghề may. Mẹ tôi bảo rằng ông quyết tâm học nghề may vì ông yêu cái đẹp và thích làm đẹp cho cuộc đời. Thế là, một mình mẹ tôi phải tất bật với quầy tạp hóa. Một mình nên vất vả, nhưng thấy ba hạnh phúc với nghề may, mẹ tôi cũng vui lây. Còn anh em chúng tôi thường có quần áo đẹp, nhất là mỗi khi Tết đến Xuân về.

Và có một chiếc áo Tết, dù đã mấy chục năm rồi, tôi vẫn không thể nào quên. Chiếc áo Tết năm tôi chuẩn bị tròn mười tuổi.

*

Chiều Ba Mươi Tết…

Khi ba tôi vừa cắt xong miếng vải hoa, hứa hẹn một chiếc áo đầm xinh đẹp dành cho tôi, có cả chiếc nơ xinh với bộ nút thời trang mới nhất mà chú Thân của tôi gửi từ Huế vào, thì con Nguyên xuất hiện. Tay nó cầm hai tấm vải. Nó đến nhờ ba tôi may bộ đồ mới ăn Tết. Con nhỏ này lạ thiệt! Từ Hai Mươi tháng Chạp, ba tôi đã kết thúc chuyện nhận hàng rồi, vậy mà bây giờ nó còn mang vải đến đây!

Ba tôi nhỏ nhẹ hỏi:

– Sao bây giờ con mới tới may? Làm sao chú may cho kịp đây?

Con Nguyên mím môi, nước mắt chực trào ra, nó lí nhí:

– Bây giờ, mẹ con mới mua được vải…

Tưởng sẽ từ chối, không ngờ, ba tôi thản nhiên đón nhận hai tấm vải, hỏi nó thích may kiểu gì, rồi đo kích cỡ, rồi ghi chép các con số một cách cẩn thận, rồi hẹn nó tối đến lấy áo quần. Rồi khi con Nguyên vừa chạy đi với miệng cười tươi tắn, chắc nó sung sướng lắm, thì lập tức ba tôi cuốn bộ đầm của tôi lại, để gọn gàng sang một bên. Ông nói: “Thôi, để ba may đồ Tết cho con Nguyên chớ tội.”. Và lập tức, ông trải tấm vải của con Nguyên lên bàn, đặt cây thước sừng vào, đo, đo, điểm dấu, vạch những đường phấn xanh, đỏ. Thế, nghĩa là ba lo may quần áo Tết cho con Nguyên? Còn tôi thì sao? Người tôi run lên, hai bờ môi khẻ giật giật, miệng không nói nên lời, hai con mắt gần như “đứng tròng” trên đường kéo cắt vải của ba.  Chiều Ba Mươi rồi, vậy mà ba lại may quần áo cho con Nguyên. Còn tôi thì sao? Nghe lòng mình nghèn nghẹn, nước mắt bất chợt tuôn trào, tôi bỏ chạy ra sau hè. Tức tưởi và một bể giận dữ! Tôi dậm chân xuống sàn nhà thình thịch. Vẫn không ai nhìn thấy tôi. Cảm giác bị bỏ rơi, tôi chạy ù ra giậu mồng tơi sau vườn, ra với nơi buồn vui tạm trú của tôi. Tôi ngồi lặng yên, tưởng tượng ra đủ điều u ám dù khu vườn bé nhỏ như xôn xao, giậu mồng tơi xanh ngập sắc xuân với những chùm trái xanh và trái chín màu tím thẩm, mấy chậu hoa thược dược hồng cũng rực rỡ hơn ngày hôm qua… Buồn và hờn giận, tôi úp mặt xuống hai đầu gối chụm lại, lim dim buồn.

Có tiếng bước chân đến rất gần, và ngồi xuống, và hơi thở nhẹ nhàng với cánh tay ôm thoảng mùi thơm của mẹ đặt lên vai. Mẹ vẫn như thế mỗi khi tôi buồn hay có điều gì giận dỗi. Và mẹ sẽ dỗ dành. Và tôi sẽ im lặng với sự thỏa mãn, theo mẹ vào nhà tắm rửa, ăn cơm. Nhưng hôm nay thì khác. Biết mẹ đã ở bên mình, tôi òa lên nức nở như thể khóc cho trút hết giận hờn. Tôi trách ba, tôi bảo ba không thương tôi bằng con Nguyên, ba không công bằng với tôi. Tôi vừa khóc vừa kể lể nào là anh chị và em gái tôi đều đã có đồ Tết, nào là tôi đã “vắt óc” ra để vẽ nên kiểu áo đẹp cho ba may, nào là ba đã hứa nội trong ngày Ba Mươi Tết sẽ may xong áo cho tôi… “Nhưng, ba đã “hứa suông”!”. Hình như đôi bàn tay mẹ run lên khi nghe tôi buột miệng nói thế. Và không ngờ, mẹ bật dậy, bước đi, không nói một câu gì. Tôi thảng thốt, thoáng nghe trong lòng một nỗi lo sợ. Mẹ giận tôi rồi! Mỗi khi giận, mẹ thường im lặng như thế. Tôi tự trách mình đã hỗn hào. Nhưng rồi cơn tức về chuyện chiếc áo Tết thầm nói với tôi rằng “Đúng là ba đã thất hứa. Vậy mà mẹ còn bênh ba, mẹ về phe với ba.”. Tủi thân, nước mắt lại tuôn trào… Tôi nghĩ đến ngày Tết mà không có áo Tết, lại là một chiếc áo đầm xinh đẹp mà tôi đã nhìn thấy nó trong tưởng tượng của mình. Tôi cố nghĩ đến những điều tốt đẹp, nghĩ đến những điều kỳ diệu, nhưng chờ mãi vẫn không có ông Bụt hay cô Tiên nào ngang qua. Cây cối trong khu vườn bé nhỏ vẫn hồn nhiên đong đưa trong nắng nhạt, và những sợi khói mỏng từ bếp lửa nồi bánh tét đã vướng vít nhiều hơn trên những ngọn cây cao. Đã chiều thật rồi! Sắp hết ngày Ba Mươi rồi! Sao tôi vẫn ngồi đây? Sao tôi không ra chụm củi cho nồi bánh tét? Mọi năm tôi vẫn làm vậy mà! Ừ, đúng là như thế. Nhưng, hôm nay, tôi buồn. Tôi buồn… Toàn thân tôi như mềm đi, như một chiếc lá héo đang rủ xuống. Chẳng có ai thương tôi!…

– Bé ơi, sao em ngồi đây khóc một mình vậy?

Tôi ngước mắt nhìn lên cái giọng nói dịu dàng. Một chị gái … Tím! Tím đậm nhạt khác nhau, nhưng đều là màu tím. Đôi mắt tím biếc, sâu thẳm, dịu dàng nhìn tôi trìu mến và đôi môi tím hoa cà mỉm một nụ cười tím thắm làm xao động cõi lòng tôi. Tôi hỏi một câu tưởng chừng bâng quơ:

– Sao chị tím thế?

Chị cúi xuống, mái tóc tím màu hoàng hôn nghiêng theo, xỏa dài theo tà áo tím hoa sim điểm những giọt tím hồng sen nhấp nháy. Và chị nhẹ nhàng cầm lấy bàn tay tôi, âu yếm. Đôi bàn tay chị tím muốt, mềm mại như dòng nước suối, để chảy vào lòng tôi những ấm áp yêu thương. Tôi nép vào sắc tím, mơ hồ thấy mình hóa thành màu tím. Tôi và chị tung mình lên mây cao. Hai chị em lướt đi trên những tầng mây điệp trùng ảo diệu: tím phớt trắng, tím pha vàng, tím bâng khuâng lá mạ, tím hoen vàng nghệ, tím sẫm nụ tầm xuân …  Nghe mỏi chân, hai chị em dừng lại, ngồi trên phiến mây màu tím hoa mua tươi thắm, ngắm bóng chiều rơi những sợi nắng tím ươm vàng. Bất chợt lòng tôi tím tái nỗi buồn, không phải buồn vì ba chưa may cho tôi chiếc áo Tết, mà buồn vì tôi đã lỡ lời nói xấu về ba. “Lỡ tay còn gượng, lỡ miệng biết làm sao?” – tôi từng nghe các bà nói thế, giờ áp dụng vào tôi, hình như là… đúng rồi! Chị gái Tím như thấu hiểu nỗi niềm, chị khuyên tôi hãy xin lỗi ba mẹ. Chị chắc chắn ba có suy nghĩ kỹ càng rồi mới quyết định nhận may đồ Tết cho con Nguyên. Chị bảo tôi “Em đừng im lặng và khóc như thế với những dỗi hờn; hãy mở lòng ra và hãy trò chuyện với ba. Rồi em sẽ hiểu…”. Nhịp tim tôi loạn xạ với ngổn ngang ý nghĩ và nỗi lòng tím tái…

Có ai đó đang nắm chặt bàn tay tôi. Tôi khẻ mở mắt: Bàn tay trắng muốt với ngón tay dài thon nhỏ, trên cổ tay có chiếc vòng cẩm thạch màu tim tím xinh xinh. Bàn tay của chị Ba! Một phút ngỡ ngàng. Tôi chợt tỉnh. Thì ra tôi vừa tím ngát theo giấc mơ màu tím diệu kỳ bên giậu mồng tơi đang đong đưa những chùm trái bé nhỏ, có trái xanh non và có những trái đã tím bâng khuâng…

Chị Ba dắt tôi đi tìm mẹ. Mẹ sẵn lòng tha lỗi cho tôi. Rồi mẹ kể rằng gia đình con Nguyên rất nghèo. Mẹ nó trước đây từng là nữ quân y trong kháng chiến chống Mỹ. Rủi ro, bà bị heo rừng húc ngả. Bị thương tật nặng nên bà phải giải ngũ, về quê sống với gia đình. Sau đó, bà lấy chồng và theo chồng đến đây sinh sống. Sức khỏe bà không được tốt nên mọi thứ chủ yếu dựa vào sức lao động của chồng. Khoảng năm 1978 chồng bà xin đi làm công trên thuyền đánh cá. Mấy năm đầu, ông kiếm được khá nhiều tiền nên cuộc sống gia đình có phần sung túc, đủ đầy. Nhưng rồi, một cơn bão biển dữ dội đã cuốn trôi mất vài con thuyền, đội cứu hộ quần thảo suốt đêm trên biển khơi đã đành bất lực, không cứu nổi. Chồng bà cùng một số ngư dân đã mất tích cùng với con thuyền không may mắn. Thế là, nồi xôi hằng ngày không kham nổi mọi chi tiêu – cả việc lo cho cha mẹ chồng và người mẹ đẻ của bà ở chốn quê nhà, mẹ con bà khó khăn từ đó.

Thì ra là thế! Mẹ ơi, con đã hiểu.

Tôi tự nhủ – dù có chút “cố gắng” để tự an ủi mình rằng: nếu ba không kịp may chiếc áo đầm mới, thì tôi vẫn còn hai bộ đồ đẹp khác để mặc Tết. Chẳng qua vì tôi thích có bộ đồ “mới keng” vào sáng Mồng Một mà thôi. Và điều đó đã làm cho lòng tôi phần nào bình an trở lại.

Mẹ bảo mấy anh em tôi thay nhau đun củi cho nồi bánh tét để mẹ và chị Ba lo nấu bữa cơm tối và rô-ti thịt heo, thịt gà để dành ăn tết, vì những ngày này ngoài chợ không có người mua bán. Chúng tôi vừa đun củi vừa tính chuyện vui chơi trong mấy ngày mồng Hai, mồng Ba, mồng Bốn tết. Còn mồng Một thì khỏi tính, suốt ngày phải theo ba mẹ đi chúc Tết ông bà, cô dì chú bác. Mấy cây củi trong bếp lò đã đượm lửa, hừng hực nóng, thỉnh thoảng xịt ra làn khói trắng cay nồng. Tính ra, phải đến hơn mười một giờ khuya nay mới có thể vớt bánh. Mẹ bảo nấu kỹ như vậy bánh mới thơm ngon, dẻo mịn được đến rằm. Nhưng tôi lại thích bánh mau “lại nếp” để có nhiều cơ hội ăn bánh tét chiên.

Trong miên man câu chuyện, tôi vẫn chú ý xem tiếng đạp máy may đã dừng chưa (đồng nghĩa là ba đã may đồ cho con Nguyên xong chưa)? Cái tiếng “xành xạch – xành xạch” vẫn cứ thong thả như mọi ngày. Nhưng đường may hình như dài hơn, hình như ba đang nhanh tay ghép nối các mẩu vải lại để có những đường may nối tiếp, nối tiếp… Hằng ngày, sau khi học thuộc bài, tôi vẫn thường ngồi xem ba may quần áo. Và tôi biết đường may sẽ có nhịp ngắn, tiếng may nhỏ lại, khi ba ráp những đường tay, đường cổ hay đường viền; đường may sẽ có nhịp dài và âm thanh to hơn, đều hơn, khi nó chạy dài theo đường thân áo, theo đường ống quần; đường may cũng sẽ có nhịp nghỉ, nhịp lặp với tiếng may cụt cỡn, lơ lơ, khi ba chần lại mũi chỉ cuối đường may. Thỉnh thoảng, khi dừng đạp máy để cắt chỉ, tách rời các phần vải đã may, ba nhìn tôi mỉm cười hoặc hỏi một câu hoặc nhắc nhở một điều gì. Cũng có lúc, tôi tranh thủ thể hiện ý tưởng của mình về một mẫu áo vừa mới nghĩ ra khiến ba phải dừng may vài phút để “hiểu” cho được ý tưởng trẻ con của tôi, rồi gật đầu khen một câu hay lắc đầu bảo là “chưa được” cho tôi yên tâm “rút lui” đi chỗ khác để ba tập trung vào công việc.

Chị Ba đã dọn cơm tối. Mọi người đã ngồi vào bàn ăn. Tô canh đã không còn bốc khói. Nhưng ba vẫn chưa dừng tiếng may. Tôi lắng lòng nghe cái âm thanh quen thuộc: “xành xạch – xành xạch…”. Tiếng may vẫn thong thả với những nhịp ngắn, nhịp chần kết thúc đường may, nhưng rồi lại có rất nhiều những nhịp lăn, nhịp dài, nhịp rướn, rướn theo đường vải, nối tiếp những đường may. Hình như là ba đang cố gắng chạy đua với ngày giáp Tết! Câu chuyện mẹ kể và hình ảnh “Chị gái Tím” chợt hiện ra với lời khuyên “hãy mở lòng ra và hãy trò chuyện với ba” khiến tôi băn khoăn day dứt. Rồi như có gì thôi thúc, tôi bật dậy chạy ào vào căn phòng may của ba. Đôi bàn chân ba vẫn nhịp nhàng trên bàn đạp với những đường may mịn màng. Ly trà chanh của mẹ pha cho ba vẫn còn nguyên trên bàn. Tôi cảm thấy xấu hổ vì đã nghĩ xấu về ba, mặc dù mẹ đã rộng lòng tha thứ và an ủi rằng “ba không biết con đã nói gì đâu.”. Khẽ khàng, tôi đến bên bàn bưng ly nước trà chanh tiến về phía ba. Đây là lần đầu tiên bưng nước cho ba uống mà lòng tôi ngổn ngang nhiều cảm xúc và tâm trạng như vậy. Tôi vừa ngại ngần, xấu hổ; vừa hối hận, lo lắng; lại vừa thương yêu… Ba mỉm cười rất hiền. Ba uống cạn ly trà chanh, mỉm cười với tôi bằng giọng dỗ dành:

– Con ngoan lắm. May xong bộ đồ cho con Nguyên, ba sẽ may thật đẹp chiếc áo cho con.

Tôi nghe nghèn nghẹn, mà thực tình là rất nhẹ lòng. Dẫu sao, tôi vẫn mong chờ chiếc áo mới.

Tôi lí nhí mời ba ra ăn cơm tối. Ba bảo không thấy đói.

Khuya, ba cũng không vớt bánh tét với mẹ con tôi như mọi năm.

Tiếng máy may cứ “xành xạch – xành xạch” theo từng cung đoạn đường may. Và tôi ngủ quên trong nỗi đợi chờ…

*

Hình như, sáng nay, ông mặt trời dậy sớm hơn thường ngày. Tôi bừng tỉnh. Nắng đã tràn qua khe cửa hẹp, một màu sáng diệu kỳ tươi mới, và có âm thanh gì đó lao xao, rộn ràng hơn trong ngôi nhà nhỏ của gia đình tôi. À, thì ra hôm nay là Mồng Một Tết! Thời khắc giao mùa đã đi qua, mọi người trong nhà đang chuẩn bị đón một ngày mới, một năm mới. Tôi bật tung cửa sổ. Ồ, chiếc áo mới! Chiếc áo mới  nằm bên cạnh đầu giường tôi! Chắc là ba may xong lúc trời khuya lắm? Tôi cầm chiếc áo còn thơm mùi vải mới săm se, ướm thử. Nó vừa vặn làm sao! Cái nơ càng trở nên xinh xắn khi đính lên chiếc áo đầm xinh đẹp ngỡ ngàng. Tôi thầm cảm ơn ba và cũng tự trách mình. Cái nghề của ba cũng thật cao quí, đâu chỉ là cái nghề mưu sinh cho gia đình mà còn làm đẹp cho đời, gửi gắm bao yêu thương cho đời…

Nghe tiếng bé Nguyên réo ngoài cổng, tôi bừng tỉnh. Nhìn ra ngõ, một cô bé xúng xính trong tà áo mới với nụ cười tươi rói, như một thiên thần bé con, tôi gần như không nhận ra đó là con Nguyên! Tôi chỉ kịp ới một tiếng, rồi nhanh chóng thay chiếc đầm mới – ước mơ của tôi, chạy vội ra đầu ngõ. Nắng hồng đã ngập tràn khắp lối, rộn ràng đón xuân sang, lòng tôi cũng dâng tràn một niềm vui khôn tả …

Nguyễn Thị Phú

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây