Văn hóa dân gian Cơ Tu – Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe – Phần 2

Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 2

Untitled 2 min 2 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 2

 

CHƯƠNG II

TỘC NGƯỜI CƠ TU

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe

1. Về tộc người Cơ Tu

Người Cơ Tu, có tên gọi khác là Ca Tu, Gao, Hạ, Phương, Ca-tang. Theo già làng Bh’riu Pố (thôn A Rớh, xã Lăng), Ca tang không phải là tên gọi khác của người Cơ Tu[1]. Họ sinh sống dọc theo Trường Sơn, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me. Chưa tìm thấy tài liệu khoa học nói về sự hình thành tộc người Cơ Tu từ đâu. Theo góc nhìn dân gian người Cơ Tu kể lại có tính suy nguyên về nguồn gốc tộc người, song như thế vẫn chưa giải thích được sự xuất hiện người Cơ Tu vào giai đoạn nào của lịch sử tộc người. Chuyện Mơ rơ nghi đạc (Đại hồng thủy), huyền tích suy nguyên giải thích về sự xuất hiện của người Cơ Tu nhưng cúng chưa rõ ràng và thỏa đáng:

“Sau một cơn đại hồng thủy (mơ rơ nghi đạc), khắp nơi ngập tràn nước, cây cối ngập úng và chết. Nhưng may thay vẫn còn sống sót một cô gái đang bám víu trong một lều tạm trên đỉnh núi cao nơi cây bưởi của cha mẹ cô trồng. Trong một hang đá bên kia núi có một con chó đực và bếp lửa hồng còn đó.

“Sau mưới hai ngày đêm mưa to, nước ngập tràn cả vùng, cô gái tuy sống sót nhưng rất hoảng sợ cứ nghĩ rồi trước sau mình cũng theo tổ tiên. Cô buồn đến nẫu ruột, nhìn quanh vùng chỉ nước với nước, cô đơn, tĩnh lặng một mình giữa biển nước xanh mênh mông hun hút đến rợn người.

‘Sang ngày thứ mười ba[2], mưa bắt đầu tạnh, trời hửng nắng, cô gái nhìn xa xa, không ngờ có một con chó bơi về phía mình. Người và vật trở nên thân thiết. Con chó liếm chân, tay cô gái. Cô gái cũng vuốt ve chó, mừng mừng tủi tủi một cách thân mật như đã từng quen biết từ lâu.

Con chó ngửi ngửi như tìm kiếm, rồi vẫy đuôi như chào cô. Nó chạy xuống nước, bơi về lại hang đá nó trú ngụ. Về đến hang, chân quơ quơ đống than, mũi hít hít đám tro và phát hiện ra trong đoạn cây khô vẫn còn lửa hồng, con chó ngoặm khúc củi bơi về nơi cô gái. Cô gái thấy vậy mừng đến chảy nước mắt và lấy than lửa kia nâng niu chụm thành ngọn lửa đỏ rực, để dùng qua thời gian ngặt nghèo.”[3]

Chuyện được tiếp tục tại thôn A Rớh, xã Lăng, do Bh’riu Pố kể: “Thời gian mơ rơ nghi đạc xảy ra, chồng cô gái đang lên nương chưa kịp chạy về cùng vợ đề họ đưa nhau lên đỉnh núi cao. Nhưng ở đó, núi cao cũng sẽ dễ bị chết vì nước. Thế nhưng, trên đỉnh núi có cây bưởi (pih mơ rơ nghi) và con chó đực cưu mang nên hai vợ chồng thoát chết và khi trời yên gió lặng, hai người lại lần về quê nhà. Họ sinh được một người con trai.

Để đáp đền công lao cưu mang của chó, cô gái quyết định đặt họ cho con mình là họ Zơ râm (họ chó). Theo ngày tháng, con bà cũng lớn dần lên. Cô gái còn trẻ, nếu cứ ở vậy cuộc sống cũng đơn chiếc, thấy cũng buồn. Và cô nghĩ, chắc đâu đó vẫn còn có nam, nữ nào đấy sống sótếau cơn rơ mơ nghi đạc để con mình lấy làm vợ, mình lấy làm chồng.

Buổi sáng một ngày nọ, người mẹ gọi con đến và nói với con về ý định đó của mình và bảo con hãy đi về phía mặt trời mọc, gặp người con gái nào hãy xin được lấy làm vợ. Còn mẹ đi về phía mặt trời lặn, gặp người đàn ông nào xin được lấy làm chồng. Đi hoài, đi mãi, một thời gian, cuối cùng người mẹ gặp được một người đàn ông và cô đã lấy người đó làm chồng. Người con đi về phía mặt trời mọc, anh chàng cũng gặp được một cô gái và xin được lấy làm vợ (người con gái đó chính là mẹ của người con trai và người con trai đó chính là con của người mẹ, vì do đổi thay nhiều theo thời gian nên hai mẹ con không thể nhận ra nhau được nữa). Từ đó, họ sinh ra con cháu ngày một nhiều, được người “bố” cưu mang (chó), ngáp dạy bảo cách làm nhà cửa, khai nương, phát rẫy, săn bắt cá, chim, thú trên rừng,… Địa bàn cư trú cũng ngày một rộng thêm ra, xa dần. Theo đó, tên họ của họ cũng ngày một nhiều lên.”[4]

Tại thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyền tích được kể tiếp: Sau khi người con trai đã lớn, một hôm người mẹ bảo con mang cơm vào rừng cho cha. Khi người con trở về, mẹ hỏi: Đã đưa cơm cho cha chưa? Người con trả lời mẹ: Không thấy cha đâu cả, chỉ thấy một con chó, đập chết rồi. Người mẹ hoảng hốt. Sau một thời gian, người con trai trưởng thành, người mẹ nghĩ rằng không thể tiếp tục sống trong tình trạng này được nữa, người mẹ bèn gùi cho con một gùi gạo, bảo con hãy đi vòng quanh qua núi, gặp người nào thì hãy lấy người đó làm vợ.

Người con đi một thời gian vòng quanh qua núi nhưng không gặp ai cả.”

Và người Cơ Tu từ đâu đến sinh cơ lập nghiệp tại vùng đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ của miền tây đất Quảng. Đến nay chưa có lời giải đáp.

Theo cách nhìn dân gian, về hiện tượng di cư, chuyển địa bàn sinh sống từ miền ngoài vào miền trong, truyền thuyết về quá trình tộc người Cơ Tu tụ cư tại miền núi cao Trường Sơn Đông, được dân gian Cơ Tu kể rằng: “Cách đây sáu trăm năm về trước, vào khoảng cuối hè, đầu thu trên quê hương người Cơ Tu xưa xuất hiện hàng bầy ong khoái (ghi’dớ), khắp nơi ong đều làm tổ, trong vườn, trong nhà, đâu đâu đều có tổ ong. Ong thấy người xúm nhau đuổi đốt, tạo thành “đại dịch ong”. Người lấy lửa hun đốt tổ ong, đốt tổ này, bầy tổ khác đến. Vì thế con người chịu thua và đêm chạy, ngày núp, người chết đói, người chết đau dọc đường; chạy hướng nam dọc theo dãy núi Trường Sơn có đoạn qua đất Lào, rồi lại về đất Việt, cứ thế đi mãi theo đường biên giới ngày nay. Đến vùng Ki’uông, Bhi’lụ (thuộc khu Tà’vàng, Kă’lừm ngày nay) thì dừng chân làm ăn sinh sống. Nhưng đất đai vùng này khô cằn, không thể ở lâu dài được nên người khỏe tiếp tục đi, người ốm yếu ở lại. Và đến Khu Bảy (thuộc huyện Tây Giang ngày nay) thì bắt đầu ổn định, lập nghiệp. Và vùng đất này trước đó vẫn có người bản địa thưa thớt sinh sống. Ban đầu họ ở chung với người từ phương Bắc vào, nhưng những người khách do lâu ngày trên đường đi đã từng đói khát, họ ăn đủ loại rau xanh để tồn tại, nhiều hơn cả là rau dớn. Khi người “khách” đến hái rau Ađhắt (gần giống rau má) nấu ăn thì có mùi vị hơi đăng đắng, mùi hắc khó chịu. Người bản địa sợ, nghĩ là thuốc độc nên né tránh những người khách và đi tạt vào phía tây nam (vùng Đh’riu, Đắc Chưng – Lào). Từ đó những người khách lại thành chủ vùng đất rộng lớn này.

“Về sau con cái đông đúc, trên nguồn ngày thêm chật chội, săn bắt, hái lượn ngày một khan hiếm. Với bản năng sinh tồn và quy luật tự nhiên bao giờ trên cao cũng phải về dưới thấp, cho nên theo dòng suối, họ về xuôi, gặp đâu thuận lợi thì ở, cứ thế và cứ thế xuôi về hai phía bên Lào và bên Việt. Bên Lào thì theo dòng Sê Kông về xuôi, bên Việt thì theo dòng Thu Bồn, A Vương, …xuôi xuống gần đến đồng bằng ven biển Nam Ô, Đồng Xanh – Đồng Nghệ (Đà Nẵng) thì gặp người Việt, rồi cư trú ổn định như ngày nay.”

Một số truyện cổ thường gặp kể về sự ra đời các cơ bhuh/ tô gộ của họ.

Người Cơ Tu về tổ chức xã hội mang tính cộng đồng khép kín trong mỗi làng, theo đó tính tự quản cộng đồng rất cao. Chủ làng là người đại diện cho tất cả các thành viên trong cộng đồng làng.

Các nhà dân tộc học chưa xác định tộc người Cơ Tu tại miền Trung Việt Nam đã định cư trước, rồi sống đan xen với tộc người Chăm từ đồng bằng dạt lên hay người Cơ Tu là tộc người bản địa tại đây. Người ta tìm thấy dạng chữ cổ (sankrits (?)) được khắc trên phiến đá tại thôn A Chia, xã Lăng, huyện Tây Giang. Họ là ọ làHọtộc người thuộc nhóm Cơ Tuic thuộc ngữ hệ Môn-Khơ-Me sinh sống tại đây từ lâu đời, [5] có mặt tại vùng rừng núi non Trường Sơn này được cho là cư dân bản địa tại đây.

1 9 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 2

   Chữ cổ trên vách đá thôn A Chia, xã Lăng (A. Bh’riu Liếc)

Người Cơ Tu tại tỉnh Quảng Nam cư trú tại các huyện Nam Giang, Tây Giang và Đông Giang và một số tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí (thuộc xã Hòa Bắc), thôn Phú Túc (thuộc xã Hòa Phú), huyện Hòa Vang. Người Cơ Tu tại Hòa Vang nguyên họ tách ra từ huyện Đông Giang xuống cư trú tại vùng thấp như hiện nay. Theo đó, người Cơ Tu tại Quảng Nam chủ yếu cư trú tại các huyện miền núi phía tây của tỉnh.

Người Cơ Tu Quảng Nam cư trú trải đều trên ba vùng địa hình:

Cơ Tu vùng cao gọi là Cơ Tu Đriu. Họ sinh sống tại các xã La Êê, La Dêê, Zuôih, xã Chà Vafl của huyện Nam Giang và các xã A Xan, Ch’ơm, Tr’hy, xã Lăng, A Nông, A Tiêng của huyện Tây Giang.
– Cơ Tu vùng trung gọi là Cơ Tu Nal.[6] Họ sinh sống tại các xã Tà Bhing (huyện Nam Giang), xã Dàng (huyện Tây Giang), Mà Cooih, Kà Dăng (huyện Đông Giang), xã A Vương, Bha’lê (huyện Tây Giang).
– Cơ Tu vùng thấp gọi là Cơ Tu Phương/Ếp. Họ sinh sống tại các xã Thị trấn Thạnh Mỹ, xã Cà Dy (huyện Nam Giang), A Rooi, Tà Lu, jơ Ngây, Za Hung, thị trấn P’rao, xã Sông Kôn, xã Tư, xã Ba (huyện Đông Giang).

Như thế, người Cơ Tu cư trú tại miền Trung Việt Nam là đại diện cho các tộc người thiểu số sinh tụ lâu đời tại đây. Họ còn bảo lưu đậm nét những dấu ấn văn hóa nguyên thủy; họ vốn là chủ nhân lâu đời của vùng núi rừng rộng lớn trải dài từ thượng nguồn xuống tận đồng bằng duyên hải. [7]

Theo cách giải nghĩa của người Cơ Tu, Tu   có nghĩa là ngọn. Cơ Tu là đầu ngọn nước, tức họ cư trú tại vùng núi cao.[8] Tiếng Cơ Tu được cho là nhóm Mon-khmer, ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic) ở Việt Nam. Mặc dầu trong ngôn ngữ của họ, phương ngôn, thổ ngữ có chỗ khác nhau giữa Cơ Tu vùng Đriu và Cơ Tu vùng Phương, nhưng người Cơ Tu thống nhất về ngôn ngữ và văn hóa – xã hội. Người Cơ Tu sinh sống ở Việt Nam, Lào Đông bắc Thái Lan được các nhà ngôn ngữ chia thành hai nhóm: Cơ Tu đông và Cơ Tu tây. Ở Việt Nam thuộc nhóm Cơ Tu Đông. Nhóm Đông gồm các tộc người: Cơ Tu, Pakô, (tại huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên – Huế và huyện Hương Hóa tỉnh Quảng Trị), người Tà Ôi (tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế và tại nước Lào), người Nghẹ (ở tỉnh Khăm Muộn, nước Lào, Ir (ở tỉnh Saravan, nước Lào) [9]

Hồi cố của những người già trong làng mà chúng tôi được nghe qua các đợt điền dã tại địa phương cho biết rằng người Cơ Tu ở thôn Tà Lang, thôn Giàn Bí hiện nay, trước họ sinh sống vùng cao khu vực đèo Mũi Trâu [10] giáp với xã Tư, huyện Đông Giang. Hai thôn Tà Lang và Giàn Bí thuộc xã Hòa Bắc hiện nay (xã 5 cũ – tức xã Hòa Nam trước kia thuộc huyện Hòa Vang). Qua các thời kỳ, họ sinh sống tại vùng núi Mũi Trâu (gần đèo Mũi Trâu) thuộc xã Hòa Nam, huyện Hòa Vang. Họ định cư sâu trong rừng, nơi lưng chừng núi hoặc trên đỉnh núi, việc đi lại rất cách trở bởi đồi dốc dựng, đường đi trắc trở, xa khe suối. Đến năm 1991[11], huyện Hòa Vang vận động họ dần xuống vùng thấp, thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội và hộ gia đình. Từ đó người Cơ Tu xuống định cư tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí. Còn người Cơ Tu tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú (hiện nay), trước họ sinh sống tại xã Sông Kôn, huyện Hiên (cũ) nay là huyện Đông Giang. Năm 1971, để thuận lợi cho chủ trường kháng chiến, chính quyền vận động họ xuống sinh sống tại Ngầm Đôi. Tại đây, đến mùa mưa lũ, nước tràn khe suối, gây khó khăn cho định cư phát triển, họ lại được vận động di dời xuống một khúc đường, sống đan xen với người Kinh cũng thuộc thôn Phú Túc như hiện nay.

2. Dân số Cơ Tu [12]

STT    HUYỆN SỐ HỘ    SỐ KHẨU  CHÚ
1 Phước Sơn 19 57
2 Đông Giang 5.368 20.740
3 Tây Giang 4.572 18.779
4 Nam Trà My 0 3
5 Bắc Trà My 0 0
6 Nam Giang 3.862 14.384
7 Đại Lộc 55 202
8 Hiệp Đức 4 17
9 Tiên Phước 1 4
10 Tp Tam Kỳ 6 11
13.887 54.197
11 Tp Đà Nẵng      354   1.600 [13]

Tính đến ngày 01/4/2019, dân số tỉnh Quảng Nam là 1.495.812 người, mật độ 149 người / Mật độ dân cư các huyện miền núi phía tây thưa thớt, các huyện Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang mật độ trung bình là dưới 30 người/. Theo cuộc tổng điều tra dân số ngày 01/4/2019, tỉnh Quảng Nam có 37 tộc người cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trong đó đông nhất là người Kinh (91,1%), người Cơ Tu (3,2%), người Xơ Đăng (2,7%) và người Giẻ Triêng (1,3%). 29 tộc người còn lại chiếm 0,9% dân số toàn tỉnh. Tại Đà Nẵng người Cơ Tu sinh sống tại các thôn Phú Túc (xã Hòa Phú), thôn Tà Lang, thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc) đều thuộc huyện Hòa Vang có 1.600 người.

Từ những năm đầu của thế kỷ XXI, người Cơ Tu tại tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng theo đà phát triển chung của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong xây dựng kinh tế văn hóa xã hội có có sự chuyển biến tích cực trong phát triển. Người Cơ Tu nói chung tiếp cận những thành tự do công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong xây dựng nông thôn mới đem lại, họ từng bước tiếp thu tri thức khoa học công nghệ, lối sống theo kiểu thị dân, và đồng thời ứng dụng tri thức dân gian thời đại công nghệ 4.0 vào quy trình sản xuất, phát triển kinh tế văn hóa, xã hội đã có sự biến đổi nhanh chóng. Chức năng của các tập tục trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi tiếp tục được củng cố phát triển và sáng tạo, trong đó có sự đan xen của sự vỡ ra các thành tố cũ tạo nên giải cấu trúc để cấu tạo lại các thành tố mới trong tập tục gắn với đời người là không tránh khỏi. Trong những năm gần đây, họ đã vận dụng những thành tố đã có sự biến đổi phù hợp cuộc sống đương đại do đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới vào sản xuất, làm biến dịch, có chỗ đã biến đổi diện mạo đời sống văn hóa tộc người tại vùng trung du và miền núi một cách nhanh chóng và mạnh mẽ là điều đang từng bước trở thành hiện thực.

Riêng cộng đồng Cơ Tu ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng hiện nay có khoảng 1.600 người, trong đó xã Hòa Bắc có khoảng 1.000 người, sống tại ba thôn Phú Túc (Hòa Phú), Tà Lang, Giàn Bí (Hòa Bắc). Theo địa vực cư trú, người Cơ Tu huyện Hòa Vang xếp vào Cơ Tu phương/ếp. Tại đây, họ đã có quá trình giao lưu tiếp biến với văn hóa người Kinh từ lâu. Ở Phú Túc sống đan xen với người Kinh từ năm 1971, còn với hai thôn Tà Lang, Giàn Bí xã Hòa Bắc cũng đã tiếp xúc, giao lưu nhiều mặt với người Kinh từ năm 1991. Cấu trúc làng tại các địa phương này không còn giữ được mô hình truyền thống hình thuẫn hay hình ovale hay hình tròn như nơi họ sinh sống trước kia. Theo đó, văn hóa làng đã vỡ ra và cấu trúc lại như hiện nay là quy luật khách quan của giao thoa tiếp biến. Khu vực sinh sống của người Cơ Tu xã Hòa Bắc nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa và vườn Quốc gia Bạch Mã; vùng người Cơ Tu ở xã Hòa Phú sinh sống nằm về phía nam của ngọn Bà Nà. Nơi đây là những dải đất hẹp ven các con suối được hình thành từ những dãy núi có độ cao từ 200m đến 1.500m so với mực nước biển. Nơi họ sinh sống có nhiều thác ghềnh đẹp kỳ ảo, với những cánh rừng nguyên sinh đa dạng, giàu tài nguyên thiên nhiên.[14]

Xã Hòa Phú chia thành hai vùng: 1/ Vùng đồng bằng: có diện tích chiếm 5,3% diện tích toàn xã, hầu hết là đất trồng cây hằng năm và những cánh đồng lúa nhỏ hẹp nằm chen kẽ giữa các đồi núi thấp, độ cao trung bình so với mực nước biển là 10 -20m. 2/ Vùng núi cao: diện tích 77,2% tổng diện tích đất tự nhiên toàn xã, nơi đây tập trung nhiều rừng tự nhiên và rừng đầu nguồn có ý nghĩa lớn lao trong việc bảo vệ vùng hạ lưu và môi trường sinh thái xã Hòa Phú.

Xã Hòa Bắc, nơi con sông Cu Đê hình thành và chảy ngang qua từ các nhánh sông Nam và sông Bắc hợp lưu tại ngã ba sông (cầu Sụp – Vũng Bọt – đầu nguồn sông Cu Đê), bắt nguồn từ dãy Trường Sơn. Chính hai nhánh sông này là hai chi lưu hợp thành sông Cu Đê tại Vũng Bọt, ranh giới giữa thôn Tà Lang và Giàn Bí xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Từ đây, sông Cu Đê hình thành chảy theo hướng tây – đông, qua phần tây bắc huyện Hòa Vang (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) và một phần qua hai phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc phía tây bắc quận Liên Chiểu, đổ ra cửa Cu Đê, ra biển. Sông dài từ Cầu Sụp – Vũng Bọt – ra cửa sông Cu Đê là 38 km, trong đó có 30 km chảy trên địa bàn quận Liên Chiểu.

2 10 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 2

 Vũng Bọt, nơi sông Nam, sông Bắc, sông Cu Đê gặp nhau (Ảnh: VVH)

Sông Cu Đê là con sông phía tây bắc thành phố Đà Nẵng, cùng với sông Cẩm Lệ chảy phía đông nam cắt thành phố thành ba phần không bằng nhau. Dòng sông này góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội phía tây bắc huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu. Trong đó xã Hòa Bắc chịu ảnh hưởng nhiều hơn của con sông này.

Do thuận lợi trong phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội mà người Cơ Tu trước ở vùng cao vào dọc theo huyện Đông Giang xuống định cư tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí của xã Hòa Bắc, từ đó làm cho vùng tây bắc huyện Hòa Vang được khai phá và phát triển như hiện nay.

3. Vũ trụ quan của người Cơ Tu

Trong cuộc sống của người Cơ Tu, họ dựa vào rừng núi, đây là môi trường gắn liền với tư duy phát triển, theo đó hình thành nơi người Cơ Tu cái nhìn về thế giới tự nhiên, con người và các lực lượng siêu nhiên khác một cách gần gũi và có mối quan hệ dựa trên tín ngưỡng dân gian mang màu sắc tâm linh đậm đặc. Người Cơ Tu huyện Hòa Vang có quan niệm tương đồng với người Cơ Tu các huyện Nam Giang, Tây Giang và Đông Giang của tỉnh Quảng Nam. Bởi trước kia họ cũng từ vùng trung và vùng thấp sinh sống đan xen với người Kinh Hòa Vang. Mặc dầu định canh định cư ở vùng nào, quan niệm về vũ trụ  của người Cơ Tu vẫn theo hệ thống: Trời (Vị thần thống lĩnh bầu trời, cũng đồng nhất với Trời) – Đất (Người) – Dưới đất (Cõi âm) và dù thế nào họ vẫn mang khát vọng gửi đến các đấng siêu nhiên – các dàng – và lực lượng tổ tiên ông bà hoặc cả hồn ma giúp cho Người có cuộc sống yên bình, no đủ, không ốm đau bệnh tật, mùa rẫy nào cũng được mùa, đời sống của họ, gia đình họ và cộng đồng luôn phát triển bền vững trên cõi đời. Thế nên, những biểu tượng thể hiện vũ trụ quan thường xuất hiện nhiều hơn cả là được trang trí, kẽ vẽ ở gươl bằng nghệ thuật tạo hình khéo léo được gởi gắm vào các bức tượng bằng gỗ như biểu tượng mặt trời, cây nêu, con gà trống, đầu trâu, … Trên hai đầu nóc gươl họ luôn tuân thủ trang trí đối xứng bằng những ta’cooi (trang trí nóc). Thường gặp trang trí bằng đôi chim tr’iing với hai con rồng, hoặc hai chim tr’iing, hai sừng trâu, đầu trâu và hình người mà một trụ gỗ như là biểu tượng kết nối, giao tiếp giữa Người – Thần – Đất nhô cao lên trời. Mô hình tạo cho đầu nóc có hình trang trí như chiếc thuyền (nhìn từ phía gươl). Hoặc trang trí trên hai bên đầu nóc nhà là hình tượng con gà trống. Ta cũng gặp motif trang trí bằng cây rau dớn nhô lên khỏi mặt đất, bởi đó là biểu tượng tượng trưng cho sự sinh sôi, vươn lên trong môi trường khắc nghiệt của rừng nhiệt đới.

Biểu tượng trang trí thể hiện vũ trụ quan con người luôn muốn được giao lưu, thông đạt nguyện vọng với lực lượng siêu nhiên, với dàng, đồng thời tiếp nhận ý muốn của dàng, không chỉ ở gươl mà nhà của mỗi gia đình cũng được trang trí như thế nhưng hình dáng nhỏ hơn tại gươl. Đây được xác định là không gian thiêng, không gian luôn ẩn hiện các vị thần, cả vị thần tối cao thần Trời – luôn có mặt bất cứ đâu và vào bất cứ thời điểm nào cả ngày lẫn đêm. Quan niệm Trời – Đất – Dưới đất. Hệ thống thế giới quan người Cơ Tu tách thành ba hệ ngữ nghĩa. Trời được cho là nơi diễn ra cái vĩnh hằng, nơi tạo ra ánh sáng soi xuống trần gian (tức soi xuống Đất), tỏa một nguồn năng lương cần thiết cho sự sinh sôi phát triển. Ở đó có sự sống, có những phúc lộc mà dàng đang nắm giữ và có quyền năng ban phát cho Đất (tại đây con người trần gian hưởng nhờ lộc cả). Thế nên, Trời được xem là vị thần tối cao trong quan niệm của họ. Nhiều tộc người trên thế giới quan niệm Trời: là một biểu tượng gần như phổ quát, qua đó con người thể hiện niềm tin và một sinh linh thần thánh ở trên cao, người sáng tạo ra vũ trụ và bảo đảm cho sự phì nhiêu của Đất (bằng những cơn mưa đổ xuống). Những sinh linh như thế có tài tiên tri và trí anh minh vô biên; những luật lệ đạo đức và nhiều khi cả những nghi lễ của bộ tộc là do họ đặt ra trong thời gian ngắn ngủi khi mà họ xuống cõi trần; họ giám sát việc chấp hành những luật lệ ấy và kẻ nào vi phạm sẽ bị sét đánh chết.[15] Hễ đêm xuống là một phần ánh sáng của Trời tồn tại phía bên kia và ngược lại. Đó là sự đối lập. Như thế, thế giới quan của người Cơ Tu coi dàng là bất biến và tồn tại cả ngày và đêm. Dàng có thể hóa thân thành nhiều vị thần khác nhau trong đó thường kể đến là thần ma lai hay thần partar. Trong không gian đó luôn gắn chặt sinh mệnh của mỗi người trong cộng đồng, tức gắn chặt với Đất.

Đất đối lập với Trời một cách tương đối, nếu như Trời luôn phả nguồn năng lượng xuống cho đất sinh sôi nảy nở. Con người từ đó sinh ra. Vì đất được ví như người mẹ: mẹ Việt Nam. Hay còn được hiểu như đàn bà, là phụ nữ, nên đất có tính nữ, chịu đựng, dẻo dai và bền bỉ, chịu sự chi phối của Trời. Người Việt thường ví đất như người mẹ: Đất Mẹ. Sinh ra từ Đất Mẹ và đến khi chết lại trở về với Đất Mẹ. Như thế đất mẹ luôn là sự sinh sôi, nảy nở và phát triển. Đất luôn có một sức sản sinh dai dẳng và tuyệt diệu. Nơi đất có thể ươm mầm sống cho nhiều loài cây cỏ núi rừng và cũng từ đất là sự tái sinh sau một chu kỳ phát triển. Theo đó, người Cơ Tu quan niệm Trời – Đất – Dưới đất. Bởi vì suy cho cùng trong văn hóa Việt, biểu tượng đất, “đây là loại tín ngưỡng nhằm giải quyết và thiết lập quan hệ của con người với các vật thể thiên nhiên và hiện tượng thiên nhiên. Ở Việt Nam, tín ngưỡng này có biểu hiện rất đa dạng…Tín ngưỡng đối với Đất, nơi con người và mọi vật sinh thành và trở về khi chết. Đất và Mẹ, nữ tính.”[16] Như thế, người Cơ Tu với vũ trụ quan của mình cũng cho rằng đất sinh ra muôn loài và rồi đến lượt đất lại nhận sự trở về của muôn loài. Đất mang tính nữ, thế nên, ta có thể thấy trong lễ khai mở một vụ mùa, người đàn bà cao tuổi Cơ Tu được ưu tiên gieo hạt lúa đầu tiên xuống đất rẫy của làng, rồi sau đó, cả làng bắt đầu cho một chu kỳ mới.

Người Cơ Tu tôn vinh các vị thần thông qua nghi lễ thường thấy, đó là lễ đâm trâu hằng năm mà cột lễ là biểu tượng tượng trưng cho sự kết nối giữa Người và Trời và Đất. Cho nên nắng mưa là do có thần Trời và các dàng ban ơn xuống cho con người. Từ đó có hằng bao nhiêu may mắn, thuận lợi được các thần ban phát cho con người mặt đất, cả khắt nghiệt con người phải nhận lấy. Bởi biểu tượng phức hợp của trật tự thiêng liêng và vĩnh hằng của vũ trụ, biểu lộ qua tính tuần hoàn, vận động có quy luật của các thiên thể, nhưng đồng thời khó tìm thấy như được che giấu làm cho con người gợi tưởng về trật tự siêu đẳng vô hình mênh mông của thế giới vật thể, được quan niệm là thế giới của thánh thần và thế giới nội tại của con người. Và do đó, người Cơ Tu coi Trời là uy lực tối cao. Đó là dàng – thần Trời.

Thế còn Dưới Đất là bước chuyển tiếp, ở đó thể hiện cái chốc lát, cái không mãi mãi vĩnh hằng mà thường là ngắn ngủi (như một đời người) và rất dễ bị hũy diệt để trở nên rã mục dưới Trời và Đất. Quan niệm này đặt con người vào chỗ tin vào cái không thực thường bị bóng tối bao vây, dẫn đến cõi chết và nhấn chìm con người hiện thực dễ sa vào tội lỗi. Cho nên ta thường thấy trong lễ tế người Cơ Tu luôn đa tạ thần dàng để mong tìm kiếm sự bình an, tránh đi tội lỗi trong cuộc sống trần gian luôn là một thế giới dường như nhân ảnh, không phải thực. Còn Dưới Đất là cõi âm đầy tội lỗi và ma xấu ám ảnh luôn là nơi đáng sợ và nên xa lánh. Trên cây cột lễ x’nur người Cơ Tu chia thành ba phần, cả ba phần đều có mâu thuẩn nhau giữa cái vĩnh hằng, nơi ánh sáng và điều chốc lát, nơi u tối mê muội với cõi chết, tức gần với tầng Dưới Đất. Dưới Đất là sự trái ngược lại tất cả, là thế giới của âm phủ, của sự hũy diệt mục nát. Ngữ nghĩa thế giới quan người Cơ Tu được hiểu toát ra từ quan niệm thế giới ba tầng của họ, đó là đời sống trần gian này giống như cõi chết chóc, đối lập với đời sống vĩnh hằng của Trời là nơi phát ra ánh sáng, tin tưởng nhấn chìm những gì là Dưới Đất trở nên dễ bị mục rã dưới Trời. Vì thế người Cơ Tu dựng nêu và dâng lễ cúng dàng Trời, xin vị thần tối cao Dàng Trời hãy cho có được sự no đủ, bình yên và hạnh phúc, không bệnh tật, chết chóc. Như thế, chung lại vũ trụ quan người Cơ Tu coi trần gian chính là vực sâu so với thiên đường, âm phủ là vực sâu so với trần gian. Bởi chung quanh họ có quá nhiều lực lượng siêu nhiên, cả ma quỷ xấu đang làm cho cuộc sống vốn khắt nghiệt trên vùng núi non hiểm trở lại không được an lòng.

Điều đó cho hay rằng vũ trụ quan của người Cơ Tu là hệ thống các dàng/thần từ Trời – Đất – Dưới Đất, theo đó hệ thống dàng (tín ngưỡng đa thần) đã hình thành nên nhân sinh quan của người Cơ Tu thể hiện trong cuộc sống luôn vì cộng đồng, nương tựa vào cộng đồng, cộng đồng quyết định mọi hoạt động của các thành viên trong làng.Và mỗi thành viên đều phải kính trọng các dàng, bởi các dàng là đấng tối cao, phán quyết mọi chuyện trần gian.[17] Trong cuộc sống, họ luôn muốn tìm đến sự ấm no, hạnh phúc và vì cộng đồng, bởi tầng trên – tầng mặt đất – tầng dưới đất đều có dàng che đỡ và quán xuyến. Đó là tín ngưỡng vật linh, tin rằng mọi vật đều có linh hồn.

Và vì đấng tối cao là Trời nên trong một lễ lớn, người Cơ Tu luôn kính vọng, tôn sùng, đồng thời có sự khiếp sợ các lực lượng siêu nhiên từ cây cao bóng cả đến hòn đá trong rừng, suối nước, dòng sông, cây cỏ, …nên họ luôn có nghi thức dâng lễ vật lên dàng thiêng để tạ ơn sự che chở, giúp họ có được cuộc sống yên lành cùng với cộng đồng cơbhuh/ tô bhub và làng. Và theo họ, không có lễ phẩm nào cao hơn, hay bằng “máu”. Chính đó, xưa kia hằng năm vào những tháng 1 – 3 hay 7 – 9 nhất định trong năm, người Cơ Tu luôn tạo ra nạn “nợ đầu” kéo dài tưởng không thể nào chấm dứt!

Quan niệm và giải thích sự ra đời, hình thành nên vũ trụ, tộc người Cơ Tu từ rất lâu trong lịch sử phát triển của mình đã tìm cách lý giải vũ trụ trên cơ sở niềm tin vạn vật hữu linh. Nhiều dân tộc trên thế giới thông qua những câu chuyện cổ kể lại sự ra đời của vũ trụ, đồng thời giải thích sự ra đời đó bằng biểu tượng tượng trưng thông qua hệ thống huyền thoại. Những nghi vấn ban đầu về vũ trụ đặt các tộc người vào vòng xoáy của tư duy tìm lời giải đáp. Sông núi có từ đâu? Trời đất có từ đâu? Và con người cũng được bắt đầu từ đâu? Người Cơ Tu có từ đâu? Họ còn lưu giữ và sử dụng những câu truyện truyền đời về hình thành vũ trụ, đó là những câu chuyện kể về sự sáng tạo ra thế giới muôn loài mà trong đó chứa đựng nhiều biểu tượng. Nó mang tính đa nghĩa và khái quát cao. Biết rằng mỗi tôn giáo đều có thuyết và huyền thoại của tôn giáo đó để giải thích về nguồn gốc vũ trụ hay là sự khởi nguyên của thế giới này. Một số chuyện cổ của người Cơ Tu về nguồn gốc vũ trụ bắt đầu không phải từ hư vô mà từ cái có thể nhưng trong trạng thái hỗn mang (như một số truyện kể về sự ra đời cơbhuh hay tô bhub của họ) mà trong đó nước, đất, bóng tối có trước mọi sự vĩnh hằng. Đó là những nghi vấn phát sinh trật tự và ánh sáng cần được nhận biết.

Chuyện suy nguyên vũ trụ là những hiện tượng nhật thực, nguyệt thực, sự xuất hiện của bảy sắc cầu vồng mang ý nghĩa thế nào trong hình thành vũ trụ. Sự xuất hiện câu chuyện của lửa cũng được người Cơ Tu lưu giữ để có thể nhìn vào đó, ta cảm nhận được sự suy nguyên của ngọn lửa với việc khai phóng con người. Và đấy không ngoài quan niệm chung của khu vực Đông Nam Á rằng vạn vật hữu linh. Huyền thoại Cơ Tu kể rằng từ thuở mông muội của loài người, người Cơ Tu sống trong hoang dã, lấy hang động tự nhiên làm nơi trú ngụ. Bấy giờ cuộc sống tối tăm, ăn tươi, uống sống, con người lượm hái để tồn tại. Vào một ngày, ông tổ tộc người thấy đời sống của người tối tăm mông muội, bèn lấy hai hòn đá đánh vào nhau xẹt ra tia sáng, ông gọi đó là nguồn gốc của lửa. Rồi bảo mọi người lấy đá đánh xẹt ra lửa để dùng. Người Cơ Tu làm theo, dùng cỏ khô, lá mục nhóm lên thành ngọn lửa. Từ đó, người Cơ Tu biết đánh đá lấy lửa và dùng được lửa, biết nướng thịt rừng mà ăn, thay cho ăn sống. Họ chấm dứt thời kỳ mông muội ăn lông ở lỗ. [18]

Vũ trụ ban đầu trong trạng thái hỗn mang, con người sống trong tăm tối tại các hang động, ăn tươi, uống sống. Ông tổ là người Cơ Tu được tộc người tôn xưng là vị dàng/thần cứu độ. Thần là lực lượng siêu nhiên do tộc người Cơ Tu tưởng tượng ra, và hành chức như mọi hoạt động của con người trần tục. Nơi thần tập trung nhiều biểu tượng mang tính nguyên hợp, chưa chia cắt nên yếu tố suy nguyên con người đều tập trung vào hình tượng thần linh bảo hộ và khai sáng. Nhờ hai viên đá thần mách bảo mà người Cơ Tu có được lửa. Vai trò của các vị thần thời thế giới hỗn mang ghi dấu ấn vào đời sống tộc người. Từ đó, người Cơ Tu biết sử dụng lửa vào việc nướng chín thịt rừng, các loại thức ăn. Sau khi có được ngọn lửa sưởi ấm, nướng chín thịt để ăn, người Cơ Tu tách mình ra khỏi thời kỳ hỗn mang mông muội, bước sang thời kỳ mới trong sự phát triển của mình.

Hiện thực có thể tri giác được là những câu chuyện suy nguyên vũ trụ, cái chúng ta có thể tri giác được về sự hình thành vũ trụ và quan niệm của người Cơ Tu về nó. Đó là sự sáng tạo ra sông núi, trời mây chứ không phải bản thân của sự sáng tạo. Diễn trình tồn tại của những truyện huyền thoại thu lượm được tại các làng Cơ Tu tại các huyện Nam Giang, Tây Giang và Đông Giang cho biết rằng, huyền thoại giải thích sự có mặt của những ngọn núi, dòng sông, khe suối, nước, lửa là thế nào!

Huyền thoại Cơ Tu kể rằng: “Ngày xưa, vùng núi Giàn Bí là một vùng đất hoang sơ huyền bí, một hôm có vị thần đã đào đất đắp núi, những đường đào của thần về sau tạo nên hai con sông, người Cơ Tu ở đó đặt tên là sông Nam và sông Bắc. Sông Bắc có địa thế bằng phẳng hơn nên công việc đào sông được nhanh, nhưng không may có nhiều người chết. Còn sông Nam do một vị thần khác rất giỏi tiếp quản, tuy làm chậm hơn vì địa thế ghềnh đá hiểm trở, nhưng vị thần này rất cẩn thận nên ít người chết. Sau khi đào sông, đắp núi xong, có ông Cung là anh, ông Quét là em đến cai quản vùng đất này, ra tay trị được thú dữ và xây dựng nên làng.”[19]

Vũng Bọt trong một bản truyện, kể rằng: “Hằng năm, vào mùa mưa lũ, nơi gặp gỡ giữa hai con nước sông Nam và sông Bắc đã tạo nên một vùng nước xoáy, trắng xóa rất cao, chiếm lĩnh cả một vũng sông lớn, tạo nên một vùng rộng, nước xoáy hung dữ tạo nên những bọt nước ầm ào trước khi đổ vào sông Cu Đê.” Từ đó, người Cơ Tu ở đây định danh vũng nước là Vũng Bọt.

Điều này nhận ra rằng, mọi thuyết về nguồn gốc vũ trụ bao gồm sự cống hiến và hy sinh: thần sẽ đem lại vật chất cho con người, tham gia vào hoạt động khởi nguyên để biến đổi nó thành vũ trụ ban đầu. Những huyền thoại về nguồn gốc phát sinh vũ trụ luôn gắn với các thần và về các cuộc chiến đấu của các thần, hay giữa những người khổng lồ mà trong đó có thể hình dung không thiếu những cuộc thư hùng mới giành được thắng lợi để dựng nên từng dãy núi, từng con sông và từng khe suối, nước non cuốn trôi đi những trở lực, để con người tồn tại vĩnh hằng ở đó [20] mới có được.

Huyền tích có tính suy nguyên tìm thấy tại địa bàn Tà Lang, Giàn Bí của huyện Hòa Vang cho biết vũ trụ hình thành thế nào từ mớ vật chất hỗn mang chưa thiết lập trật tự ban đầu. Đó là giải thích vũ trụ và các hiện tượng tự nhiên mà vai trò của các dàng/thần mang tính quyết định trên cơ sở phá hũy cái cũ, đổi thay để có cái mới. Điều này vận vào cuộc sống đương đại việc biến dịch dẫn đến biến đổi các thành tố văn hóa truyền thống, người Cơ Tu miền tây đất Quảng nằm trong tư duy hệ thống này. Đó cũng là bình diện khác của huyền tích về nguồn gốc vũ trụ là quy luật phổ biến hy sinh làm tái sinh, phá hũy làm sáng tạo là hai mặt đối lập của sự vật. Chúng ta ngày nay hình dung ra một quá khứ xa xăm cùng quá trình đấu tranh chuyển đổi đầy gian khổ của những vị dàng/thần được Cơ Tu ngưỡng vọng để chế ngự cái hỗn mang chưa thiết lập nên trật tự. Trước những hỗn mang, hoang sơ, huyền bí, họ không thể tránh khỏi sự khiếp sợ có khi kinh dị, không rõ ràng những huyền tích về vũ trụ ấy, từ khiếp sợ đến làm chủ núi rừng là một quá trình chuyển đổi năng lượng, biểu trưng cho năng lực khai sinh vũ trụ trong nhận thức của người Cơ Tu miền tây đất Quảng.

3 11 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 2

Chim tr’iing, rồng (Ảnh: St)      

4 6 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 2

Gà trống (khắc gỗ, Ảnh: VVH)

5 7 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 2

Cây rau dớn (Ảnh: St)      

6 6 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 2
Gà trống trên nóc gươl (Ảnh: VVH )

                         7 4 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 2

Đôi chim tr’iing, gà trống, đầu và sừng trâu (Ảnh: St)    

8 2 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 2               

Gà trống, chim tr’iing, người, người, múa da dắ (Ảnh: St)

 

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe 


 [1]

[2] Kinh nghiệm của người Cơ Tu kể rằng: khi nào mưa to, gió lớn chỉ kéo dài 12 ngày đêm là hết.

[3] Xem: Bh’riu Liếc (2018), P’rá Cơ Tu, NXB Hội Nhà Văn.

[4] Nay người Cơ Tu có 29 họ.

[5] Thuộc nhóm Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều.

[6] Tuy nhiên, một số nơi ở huyện Đông Giang không có khái niệm chia thành vùng trung (Cơ Tu Nal). Theo một số người có tuổi tại Đông Giang, họ không rõ vùng Cơ Tu Nal là thế nào.

[7] Theo ông Hồ Công – nguyên là Chủ tịch huyện Hiên (cũ) trùng với ý kiến già làng Bùi Văn Cầm (86 tuổi) tại thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, người Cơ Tu Hòa Phú, Hòa Bắc cũng như người Cơ Tu các xã vùng thấp của huyện Hiên như xã Ba, xã Tư đều có cùng gốc gác. Các già làng truyền lại tổ tiên của họ trước đây ở khu vực Nam Ô – Liên Chiểu, tp. Đà Nẵng do chiến tranh, họ chạy lên các khu rừng ở Quảng Nam để sinh sống. Điều này chứng tỏ tổ tiên người Cơ Tu vùng thấp ngày xa xưa đã sống ở khu vực Đà Nẵng bây giờ. Dẫn theo tài liệu của Viện Nghiên cứu Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng: “Biến đổi văn hóa tộc người trong bối cảnh phát triển đô thị ở Đà Nẵng – qua nghiên cứu cộng đồng người Cơ Tu ở thành phố Đà Nẵng”. Xét mặt ngôn ngữ Cơ Tu còn sót lại tại khu vực duyên hải, như bù-đài-xà-lẹt, người Việt đọc chệch từ tiếng tà lẹt = cái gùi, tiếng Cơ Tu là dụng cụ đựng đồ, rất thông dụng. Cũng từ này tại vùng duyên hải thường dùng lá chuối bẹ kẹp lại thành bù đài gọi là bù-đài-xà-lẹt dùng bỏ phẩm vật cúng đất (tá thổ-thuê đất), gồm cái trứng, ít xôi, cái bánh ít, con cua đem treo nơi bụi lùm ngoài ngõ để dàng hiến các ma, mọi ngoài đường. Hoặc tại làng Đông Phước thuộc phường Hòa Phát có xứ đất Cây Trao, xét về mặt ngữ nguyên người Cơ Tu đọc là P’rao: cây chò chỉ (to), người Việt Đà Nẵng đọc Trao. Có thể xưa kia người Cơ Tu sinh sống vùng duyên hải đến núi cao nhưng do sức ép của người Kinh đến đây định cư nên người Cơ Tu dần lên núi cao sinh sống. Có tài liệu cho rằng, thời thuộc Pháp, nhà nghiên cứu nước ngoài L. Schrock đến Việt Nam tìm hiểu về tộc người Cơ Tu, ông cho rằng trước kia người Cơ Tu sinh sống vùng duyên hải nhưng vì người Kinh đến định cư, người Cơ Tu di chuyển dần lên vùng núi cao.

[8] Dãy Ngock Linh được cho là dãy núi cao và hùng vỹ nhất miền Trung Việt Nam.

[9] Nhóm Cơ Tu Tây gồm ngôn ngữ Bru Vân Kiều (ở tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và nước Lào), người Sộ (ở nước Lào), Kuif (ở nước Lào, vùng đông bắc Thái Lan và nước Cambodia). (Xem: Bh’riu Liếc (2018), P’rá Cơ Tu, NXB Hội Nhà Văn.

[10] Ông Trần Văn Thời (người Cơ Tu) thôn Tà Lang kể rằng: cách đây gần ba mươi năm, bà con sinh sống phía tây đèo Mũi Trâu, ở trên đó rẫy nhiều, chọn lựa đất canh tác không khó, lúa gạo cùng với bắp, sắn ăn cũng đủ. Cuộc sống bình thường, đến năm 1991, có dịch sốt rét, người chết nhiều, nghe tin đã thấy sợ. Từ đó chính quyền về vận động bà con di dời đến nơi ở mới thuận lợi hơn, cho con em đi học, cho chữa bệnh được kịp thời chớ ở xa xôi thế này không có lợi, phát triển cũng không được. Dân nghe có lý, từ đó già làng cùng dân nghe theo, giở nhà xuống định cư tại thôn Tà Lang, Giàn Bí như bây giờ. Đến đây (Tà Lang) thuận lợi giao thông, học hành cho con em, chữa bịnh có trạm y tế, nhưng khó là đất rẫy không rộng, không dễ chọn như hồi ở Mũi Trâu do đất, rừng đã váo khuôn khổ do Nhà nước quản lý nên nương rẫy sản xuất khó khăn, làm nương rẫy thu hoạch không nhiều nên túng thiếu, phải cần trợ cấp làm nhà, lương thực, … (Tư liệu điền dã ngày 16/5/2019) tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang).

[11] Sau một cơn dịch làm 23 người chết (cho là chết xấu).

[12] Nguồn: Ban Dân tộc Miền núi tỉnh Quảng Nam, 2019.

[13] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C6%B0%E1%BB%9Di_C%C6A1_Tu

[14] Xã Hòa Bắc là xã miền núi huyện Hòa Vang, thành lập năm 1981, trên cơ sở vùng đất xã Hòa Liên (cũ), diện tích tự nhiên 33.846 ha. Xã cách trung tâm huyện 24 km, cách trung tâm tp. Đà Nẵng 20 km. Phía đông giáp phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu; phía tây giáp huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam; phía nam giáp xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang; phía bắc giáp thị trấn Khe Tre, Nam Đông, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Có 252 hộ Cơ Tu sinh sống. Xã Hòa Phú thành lập ngày 15/3/1986, cách trung tâm tp. Đà Nẵng 27 km. Phía đông giáp xã Hòa Phong; phía tây giáp xã Ba huyện Đông Giang; phía nam giáp xã Hòa Khương; phía bắc giáp xã Hòa Ninh. Diện tích tự nhiên 9.005 ha. Có 102 hộ người Cơ Tu sinh sống.

[15] Jean Chavalier & Alain Gheebrant (1992). Dictionnaire des symboles. Édition revue et augmentée. Robert Laffont, Paris.

[16] Xem : GS. TSKH. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam (2019), Những biểu hiện tín ngưỡng trong văn hóa dân gian, in trong Tài liệu tập huấn của Hội VNDG Việt Nam tại thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.

[17] Người Cơ Tu tin rằng dưới mặt đất ngổn ngang này là một thế giới khác – một thế giới có người sinh sống. Đó là người Đhơ đêl sinh sống. Họ ăn uống bằng cách hít ngửi, họ không biết đến việc đại tiện, tiểu tiện và do đó rất sợ mùi phân. Phải chăng đó là hình ảnh còn lại về lớp cư dân cổ xưa thuộc loại hình nhân chủng Nêgrô Ôxtralôit vốn ở đây từ trước mà tổ tiên người Cơ Tu từng tiếp xúc. (TS. Lưu Hùng (2006), Góp phần tìm hiểu văn hóa Cơ Tu, NXB. KHXH). Điều này làm liên tưởng đến tín ngưỡng dân gian người Kinh Hòa Vang, họ cũng tin rằng có một thế giới ở cõi âm (ông, bà, cha, mẹ…) đang tồn tại đâu đó và luôn giúp đỡ con cháu sống an vui, hạnh phúc ở cõi trần gian. Thế nên trong mỗi lần giỗ chạp, họ tin rằng lực lượng ở cõi âm đó chỉ hưởng hơi các lễ phẩm mà họ dâng cúng lên ông bà cha mẹ họ. Cả các thần linh được thờ cúng tại đình làng, họ cũng tin như thế.

[18] Ông Bùi Văn Cầm, 86 tuổi già làng thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang kể tại nhà riêng của ông. Võ Văn Hòe ghi, 5/2018.

[19] Truyện : Sự tích sông Nam, sông Bắc (Bà Đinh Thị Hựu sưu tầm tại thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, tháng 5/2019 cung cấp.

[20] Xem: Huyền tích về Nguồn gốc người Cơ Tu, Bh’riu Liếc (2019) trong P’Rá Cơ Tu, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây