Văn học dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên: Chờ đợi những tác giả trẻ

Văn học dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên: Chờ đợi những tác giả trẻ

‘Ngoại trừ những tác phẩm viết về kháng chiến cách mạng, còn hiện nay, khu vực Tây Nguyên đã có những tác phẩm đồ sộ chưa? Câu trả lời là chưa!’, nhà văn Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam, đã chia sẻ như vậy trong cuộc tọa đàm về văn học DTTS được tổ chức mới đây tại Gia Lai.

Mỏng cả lượng và chất

Theo nhà văn Cao Duy Sơn, hiện nay, khu vực Tây Nguyên đã đổi mới và phát triển, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, cần có những tác phẩm phản ánh được hơi thở cuộc sống đương đại. Thế nhưng, các tác phẩm xuất bản từ trước đến nay vẫn chưa thật sự chất lượng, cuốn hút về cách thể hiện và ý tưởng, nội dung cũng thiếu đi chất thời đại. “Những tác phẩm mang đậm màu sắc Tây Nguyên thì chỉ có những người sống ở vùng đất này, người hiểu và có tình cảm về Tây Nguyên mới viết được thôi”, nhà văn Cao Duy Sơn nói.

Còn theo NSƯT Phạm Ngọc Hân, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Kon Tum, dù hội viên chuyên ngành văn học chiếm hơn 1/3 trong số hơn 140 hội viên của Hội VHNT Kon Tum, nhưng hội viên người DTTS lại quá ít. “Nhìn vào lực lượng tác giả văn học DTTS có thể dễ dàng nhận thấy thành phần dân tộc còn thiếu hụt. Không chỉ tác giả trẻ mà cả các lứa tuổi khác cũng rất ít. Ở Kon Tum, hiện có 43 dân tộc anh em cùng sinh sống nhưng số tác giả là người DTTS chỉ đếm trên đầu ngón tay”, ông Phạm Ngọc Hân cho biết.

Ngay như tỉnh Gia Lai, địa phương có lực lượng viết trẻ hùng hậu nhất ở khu vực Tây Nguyên, với khoảng 20 tác giả, trong đó có những cái tên đang tham gia sôi nổi vào đời sống văn học cả nước như Ngô Thanh Vân, Lê Vi Thủy, Lê Thị Kim Sơn, Đào An Duyên, Tạ Ngọc Điệp, Lữ Hồng… Có điều, hầu hết các tác giả đều là người Kinh. Và việc khai thác đề tài DTTS không phải là điều dễ dàng. Nhà văn Lê Vi Thủy thừa nhận: “Không riêng gì bản thân tôi, các tác giả trẻ của Gia Lai cũng chưa có tác phẩm nào đi sâu vào các mảng đề tài DTTS. Đây là một điều đáng tiếc”. Theo Lê Vi Thủy, để có một tác phẩm viết về DTTS địa phương, người viết cần tìm hiểu về tập quán sinh sống, hiểu sâu về văn hóa, tinh thần, con người của nơi đây. Đây là điều không phải ngày một ngày hai làm được mà đòi hỏi có quá trình học hỏi, kinh nghiệm sống cũng như tích lũy đủ trải nghiệm… mới có thể viết được.

“Tác giả trẻ tham gia sáng tạo văn học đã hiếm, tác giả trẻ DTTS lại càng hiếm. Phát hiện tác giả trẻ đã khó, duy trì và phát triển còn khó hơn, đấy là chưa nói đến sự thành công trong sáng tạo VHNT bao giờ cũng khắt khe. Theo tôi, các tác giả văn học trẻ DTTS rất cần được quan tâm bồi dưỡng, trân trọng, rất cần tâm huyết, trách nhiệm thực sự của những người trong cuộc”, NSƯT Phạm Ngọc Hân, Phó Chủ tịch Hội VHNT Đăk Lăk, chia sẻ.
Cần quan tâm lâu dài

Trong bức tranh chung của văn học DTTS khu vực Tây Nguyên, điểm sáng dường như thuộc về Kon Tum khi địa phương này đang có lực lượng các cây bút DTTS “nhỉnh” hơn, với những cái tên như H’Siêu Bya, H’Xíu H Mok, H’Phi La Niê, H’Lê Na… Tuy nhiên, theo nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk, đa phần tác giả là nữ, và họ chưa thật sự tạo được dấu ấn trên văn đàn, cần nhiều thời gian hơn nữa để khẳng định mình.

Nhìn nhận thực tế thiếu và yếu của văn học DTTS Tây Nguyên hiện nay, nhưng theo nhà văn Niê Thanh Mai, điều quan trọng không kém là tìm cách thức, giải pháp cho vấn đề này dường như chưa được cụ thể hóa bằng hoạt động, chương trình cụ thể. “Làm thế nào để tìm kiếm, bồi dưỡng những bạn trẻ nhất là các bạn trẻ DTTS có khả năng sáng tác thêm nhiều hứng thú để gắn bó với văn chương hay hỗ trợ, đồng hành với họ trên chặng đường gập ghềnh và khó khăn này thì vẫn đang là câu hỏi mà thôi!”, nhà văn Niê Thanh Mai bày tỏ.

Cũng theo nhà văn Niê Thanh Mai, tiếp nối thế hệ tiền bối của Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk, trong nhiều năm qua, hội rất chăm chút tìm kiếm và bồi dưỡng cho lực lượng trẻ. Chị cho biết: “Ngay lúc này, tôi và những người làm công tác quản lý về văn hóa, VHNT trên địa bàn Đắk Lắk, bằng nhiều cách thức khác nhau đã và đang chú trọng vào việc bồi dưỡng, tìm kiếm những nhân tố trẻ, có khả năng, nhiệt huyết”.

Đồng quan điểm, nhà văn Cao Duy Sơn cho rằng, các ngành nghề khác có thể đào tạo được hàng loạt nhưng với văn chương, may mắn trong khoảng 10-15 năm, có khi 20-30 năm, thậm chí hàng thế kỷ sau mới xuất hiện một vài người. “Đây là công việc không thể ăn xổi, mà đòi hỏi có tính lâu dài, phải quan tâm, nuôi dưỡng, đào tạo liên tiếp và lâu dài. Có những người 30-40 tuổi, thậm chí 50 tuổi mới bất chợt bùng nổ trên văn đàn. Chúng ta phải nuôi dưỡng họ bằng cách mở ra những lớp tập huấn, các buổi gặp gỡ trao đổi, những cuộc tọa đàm, thảo luận hàng năm”.

HỒ SƠN

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây