Đọc cuốn tiểu thuyết khá dài này, đến lúc sắp kết thúc, người đọc như biết ra một điều qua cái chuyện ở chương 40. Tác giả kể như một tâm sự: “Đúng cái năm mà Nils Holgersson cùng đi với đàn ngỗng trời thì có một người không lúc nào là không nghĩ đến một cuốn sách muốn viết về nước Thụy Điển, một cuốn sách tập đọc cho trẻ em các trường. Người ấy đã nghĩ từ lễ Giáng sinh cho đến mùa thu năm sau, nhưng mà chưa viết được một dòng, và cuối cùng chán quá, đến nỗi tự nhủ rằng: “Không thể nào viết nổi đâu…”

Để tìm cảm hứng, bà về thăm quê cũ đã bỏ đi, nhà xưa đã bán mất ngoài hai chục năm rồi. Đến nơi, giữa một đêm trăng đẹp, bỗng nghe những tiếng kêu cứu trong vườn, chạy lại thì trông thấy một cảnh quái lạ: một con người bé tí, chẳng “cao hơn bàn tay” là mấy, đang chống lại một con cú. Được cứu thoát, con người bé tí nói:

– Cháu biết bà tưởng cháu là gia thần, nhưng cháu là người cũng như bà vậy, có điều là cháu bị biến thành gia thần.

– Thật là việc quái dị nhất xưa nay, ta chưa từng nghe thấy! Cậu có muốn kể lại cho ta biết việc đã xảy ra cho cậu như thế nào được không?

Chú bé kể rằng mình là Nils Holgersson, vì nghịch ác mà bị một tumtê – người Thụy Điển gọi như vậy những vị thần sống trong các gia đình của họ – báo thù làm cho bé lại bằng tầm vóc của các gia thần. Gặp lúc đàn ngỗng trời hồi cư bay qua, con ngỗng đực nhà mình muốn bay theo, Nils cố giữ lại thì bị nó tha bổng đi luôn theo đàn ngỗng trời, và nhân thế đã được bay từ nam lên bắc Thụy Điển, rồi trở về.

Chú càng kể, người nghe càng kinh ngạc, càng thán phục và càng thích thú. Nghe xong, bà ta tự nhủ: “Duyên may quả thật lạ lùng, dun dủi cho mình gặp được một kẻ đã chu du suốt đất nước Thụy Điển trên lưng một con ngỗng! Mình chỉ cần viết lại chuyện cậu ta là thành cuốn sách đã làm mình lo nghĩ đến thế”.”

Sự thật là năm 1906, có một cuộc thi làm cho cả nước Thụy Điển say mê: chính quyền mi các nhà văn, nhà thơ lớn nhất của đất nước viết sách tập đọc cho các trường tiểu học. Xuất thân là cô giáo, duyên nợ còn nặng với sự nghiệp giáo dục, Selma Lagerlöf dự thi và được giải nhất về truyện với cuốn Nils Holgerssons underbara resa genom Sverige (Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils, ấn bản năm 2011, NXB Trẻ, sách thuộc tủ sách Cánh Cửa Mở Rộng do nhà toán học Ngô Bảo Châu, nhà văn Phan Việt tuyển chọn và giới thiệu). Năm ấy cuộc đời sáng tác, sự nghiệp văn chương của Selma Lagerlöf đã rất nổi tiếng trên thế giới rồi.

1. Một cuộc đời sáng tác độc đáo, những vinh dự hiếm có đối với một nữ văn hào

Chuyện kể lại trong chương 40 của sách này diễn ra ở “Cái trại nhỏ” và cái trại được tả tỉ mỉ đến từng chi tiết, với giọng văn rất mực trữ tình, vì đó chính là cái trại của gia đình Lagerlöf, nơi chôn nhau cắt rốn của Selma, trại Mårbacka ở tỉnh Värmland, cái tỉnh “để cho sóng nước hồ Venern tắm chân mình… mặc cái áo khoác rừng cây viền cúc dải xanh lam những nước với đồi”[1] có cảnh thiên nhiên rất tiêu biểu cho đất nước Thụy Điển. “Bên trái, tim nó đập trong các hầm mỏ và các cánh đồng đầy quặng, và ở phía bắc đầu nó đầy những bí ẩn của rừng đại ngàn”1; với mỏ sắt và rừng cây, Värmland cũng điển hình về mặt nguồn lợi và đời sống của nước Thụy Điển. Ở đó Selma Ottiliana Lovisa Lagerlöf ra đời ngày 20 tháng 10 năm 1858.

Lên ba tuổi, cô bé Selma bị liệt cả hai chân, và suốt sáu năm không cử động được, sau này chữa khỏi thì đi có hơi cà nhắc. Ở cái tuổi hiếu động mà phải nằm một chỗ, cô bé chỉ còn một cách là rút vào thế giới mộng ảo của những truyện cổ, tối tối được nghe kể bên ánh lửa gia đình. Và nhân vật của các truyện ấy là những người bạn đầu tiên của cô bé bị liệt, và sau này nữ văn hào Lagerlöf vẫn xem là những “bạn cố tri thân yêu, thời xưa… đã đem đến cho kẻ sống dốt nát và cô độc những hình ản đầu tiên của một cuộc đời phiêu lưu”1.

Cảnh sống cô độc làm cho cô bé trở nên kín đáo và nhạy cảm. Về cuối đời, trong một truyện tự thuật, Selma Lagerlöf kể lại là năm lên mười, bố ốm nặng, anh và chị đều cầu Chúa cho bố khỏi; Selma thì không làm thế, sợ người ta cười, nhưng lại tâm niệm sẽ đọc trọn bộ Kinh Thánh không bỏ sót một chữ, để Chúa thấu rõ lòng thành, giúp cho bố tai qua nạn khỏi. Và một thời gian dài, trong gia đình không ai hiểu cái nguyên nhân huyền bí nào đã thu hút cô bé vào bộ sách đồ sộ mà chắc chắn là cô không hiểu chút nào cả.

Nhưng khi mà cô bé quen sống trong mộng ảo ấy lớn lên thì các thế giới quen thuộc, thân yêu của cô đang bước vào thời tan rã. Trong nửa sau của thế kỉ 19, Thụy Điển chuyển nhanh từ kinh tế nông nghiệp sang cách mạng công nghiệp. Quý tộc địa chủ và chủ nhân của những sản nghiệp nông nghiệp và thủ công tổ chức theo kiểu gia trưởng, đua nhau phá sản. Cả tỉnh Värmland lâm vào cảnh khó khăn, cái trại Mårbacka không nuôi nổi gia đình Lagerlöf; năm 1885 bố mất, chị của Selma liền đem bán cho người khác.

Trước đó Selma đã phải lo tự thân lập thân. Thi vào trường Cao học Sư phạm ở Stockholm, khi tốt nghiệp đã gần ba mươi tuổi, Selma được bổ đi dạy tại một trường trung học ở Landskrona, một cảng nhỏ trên bờ biển phía nam. Những năm còn là sinh viên, Selma đã được chứng kiến những cuộc tranh luận ráo riết và chính mình cũng tham gia tích cc những cuộc tranh luận ráo riết của thời mình: về giải phóng phụ nữ, về chống nạn nghiện rượu, về chủ nghĩa xã hội, về bảo vệ hòa bình. Những năm cuối thế kỉ, các cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng; sản phẩm công nghiệp không tìm được thị trường tiêu thụ, nạn thất nghiệp buộc một phần lớn thanh niên nông thôn phải di cư sang châu Mĩ. Không sống tách rời những cuộc đấu tranh xã hội, cũng muốn góp tiếng nói vào những tiếng xôn xao của thời mình, cô giáo cầm bút viết văn khi đã ngoài ba mươi tuổi.

Và ngày lễ Giáng sinh năm 1891, nhân dân Thụy Điển được đọc một cuốn truyện li kì, phong phú, rực rỡ, duyên dáng, quyến rũ vô cùng, kể lại đời sống lạ lùng, gần như điên dại, tựa hồ ma quái, ở một xã nọ trong tỉnh Värmland vào những năm 20 của thế kỉ 19, do những trò đùa nghịch của một nhóm người gọi là “hiệp sĩ” bày ra. Họ là những quân nhân giải ngũ, những triết gia, thi nhân, nghệ sĩ, nhà phát minh, “toàn những hảo hán, gan góc mà tiếng tăm còn lâu mới phai mờ ở đất Värmland… những sĩ quan chân trắng làm nên, những nhà quý tộc sa sút, những tay phiêu lưu mạo hiểm và những giang hồ kiêu hãnh” và một mục sư trẻ tuổi phá giới là Gösta Berlings mà tài ba bằng tất cả các hiệp sĩ kia cộng lại; họ được một người đàn bà giàu có và oai quyền, hào hiệp đón về ở gia trạch của mình làm thực khách. Đời sống của các hiệp sĩ chỉ là “cuộc vui suốt tháng” do Gösta Berlings dẫn đầu, mà nhân dân tỉnh Värmland truyền tụng gần như sự tích hoang đường; nhưng Selma Lagerlöf kể lại không phải để lưu truyền truyện cổ, mà qua những “hiệp sĩ” để phê phán những văn nhân, nghệ sĩ hão huyền không biết quan tâm đến đời sống nhân dân; cuối truyện các tai họa xảy đến đã làm cho kẻ siêu nhân lãng mạn Gösta Berlings tỉnh ngộ, quyết tâm lấy “cảnh thanh bần và lao lực” làm phương thuốc chữa bệnh ngông cuồng của mình.

Với tập Truyện cổ Gösta Berlings (Gösta Berlings saga) đầu tay, Selma Lagerlöf còn đề cập bao vấn đề thuộc nhiều mặt khác nhau trong đời sống: tôn giáo, tín ngưỡng, hôn nhân, gia đình, lao động, sản xuất, quan hệ xã hội; nên cuốn tiểu thuyết mang danh là truyện cổ đó phong phú nội dung hiện thực, đậm đà màu sắc trữ tình; năm 1890 đã được giải nhất trong một cuộc thi tiểu thuyết, rồi năm sau xuất bản thành sách, liền đặt tác giả của nó lên hàng những nhà văn lỗi lạc của các dân tộc Bắc Âu.

Tình cảm chi phối toàn bộ là tình thương yêu “những người giản dị, chất phác”, những truyện tiếp theo cũng chan chứa tình cảm ấy, nhất là tập Những dây ràng buộc vô hình (Osynliga länkar) ra đời năm 1894. Đã tìm ra đường đi, năm sau Selma Lagerlöf thôi dạy học, chuyên hẳn nghề văn và trong mấy năm còn lại của thế kỉ 19, viết liền mấy cuốn: Những phép màu của Phán Cơ đốc (Antikrists mirakler), Những tòa gia trạch cổ (En herrgårdssägen), Những vương hậu ở Kungahallê (Drottningar i Kungahälla), Chiếc vòng của người đánh cá.

Thế kỉ 20 bắt đầu, Selma Lagerlöf đã cho ra đời bộ tiểu thuyết lớn Jerusalem(1901-1902) gồm hai tập Jerusalemở Dalarne và Jerusalemở Đất Thánh, dựa vào một việc thật: một người thủy thủ như được linh ứng đi truyền Kinh Phúc Âm, tập hợp một nghìn năm trăm người đưa sang lập một cộng đồng theo Phúc Âm ở châu Mĩ. Nhân vật của bộ Jerusalemlà những nông dân một xã ở tỉnh Dalarne, thật thà, chất phác, trung thành với những phong tục cổ truyền của ông bà, bỗng được một người di cư từ bên Mĩ về giảng truyền Phúc Âm làm cho xao xuyến tâm hồn, nhổ khỏi quê cha đất tổ; nhưng đáng lẽ đi sang Mĩ thì Selma Lagerlöf lại cho họ đi đến Đất Thánh Jerusalemvà lập ở đấy một xã hội công bằng “một cộng đồng thực sự là Jerusalemtừ trên trời hạ xuống”, mọi người sống hòa thuận, thương yêu nhau, chung nhau của cải, nuôi dạy trẻ nghèo, chữa bệnh người ốm, không xây nhà thờ mà thuyết giáo ngay giữa quảng trường vì tự cho là những người duy nhất giữ được đạo Cơ Đốc chân chính. Viết về nông dân có lẽ không nhiều cuốn tiểu thuyết đã tả được nông dân với bút pháp hiện thực và tấm lòng thông cảm như bộ Jerusalemnày.

Truyện cổ Gösta Berlings tiêu biểu cho phong cách viết truyện của Selma Lagerlöf, cuốn truyện nổi tiếng thì nhiều người muốn biết là tác giả đã viết như thế nào: vào năm 1902, nhà văn kể lại bước đường sáng tác của mình trong cuốn Một truyện cổ về một truyện cổ (En saga om en saga och andra sagor); rồi phong cách quen thuộc đó trong năm 1904 viết thêm hai cuốn Những đồng tiền bạc của ông Arnê (Herr Arnes penningar) và Truyện Chúa Cơ Đốc (Kristuslegender). Hai năm sau, nhân cuộc thi viết sách tập đọc cho các trường mà Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils ra đời; và chẳng bao lâu tiếng tăm của “cuốn sách tập đọc” đó đã lan khắp thế giới, đến nỗi làm cho tác giả phải phật lòng, bởi vì cuốn sách viết ra cho trẻ con ấy lại có thể làm cho thiên hạ tạm quên bao cuốn đã viết ra cho người lớn. Sự thật, trên thế giới này hễ nói đến Selma Lagerlöf, dù không hề nghiên cứu các nền văn học Bắc Âu, ai cũng không khỏi nhớ đến Truyện cổ Gösta Berlings và Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils vì chỉ hai tác phẩm đó cũng đủ làm cho một sự nghiệp văn chương trở nên bất tử rồi.

Cũng cái năm mà Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils ra đời, trường đại học Uppsala, lớn nhất Thụy Điển, phong tác giả học hàm Tiến sĩ danh dự; và hai năm sau, trước dư luận trong nước cũng như ngoài nước đồng thanh đề cử, và mặc dù có ý “hồi tị” nhiều năm rồi không muốn bầu người nước mình, Viện Hàn lâm Vương quốc Thụy Điển cũng phải thể theo dân ý trao tặng Selma Lagerlöf giải Nobel Văn học năm 1909, trong niềm hân hoan của tất cả mọi người, vì đó là nhà văn Thụy Điển đầu tiên, lại là nữ văn hào đầu tiên trên thế giới được giải thưởng ấy; và từ khi có giải thưởng ấy đến nay, tám mươi bảy năm qua, mới chỉ có sáu nữ văn hào, thi hào được vinh dự ấy thôi.

Một nhân vật của bộ Jerusalem là Ingmar vì “cửa nhà sa sút”, phải đi học để làm thầy giáo, nhưng trong một trận cuồng phong tưởng như nghe “tất cả tổ tiên dòng họ Ingmarson đe dọa và nguyền rủa vì đã nghĩ đến việc làm một nghề khác nghề nông, và làm lụng với cái gì khác rừng núi và đất đai”[2] thế là Ingmar đã trở về với đất đai và tổ tiên. Selma Lagerlöf đã đi làm cô giáo tám năm và đã nổi tiếng trên văn đàn, nhưng cũng chẳng khác gì anh nông dân Ingmar tỉnh Dalarne, lúc nào cũng ao ước trở lại với đất đai, và giải Nobel đã giúp Selma thực hiện điều mong mỏi thiết tha của đời mình: chuộc lại trại Mårbacka, sản nghiệp cũ của gia đình. Và thật chẳng ai ngờ, nhà nữ văn hào đã ngoài năm mươi tuổi và đã xa ấp trại hơn một phần tư thế kỉ, lại là một nhà nông học rất thành thạo, am hiểu việc sản xuất, và điều khiển việc làm ăn rất mẫu mực. Bò sữa nuôi ở Mårbacka được giải nhiều lần ở các cuộc thi gia súc; bột hương mạch sấy, “bột hương mạch rây Mårbacka” nổi tiếng khắp nước Thụy Điển.

“Việc nhà đã tạm thong dong”, Selma Lagerlöf có thể yên tâm hoàn thành sự nghiệp văn học với nhiều tác phẩm trong thời tráng niên và lão thành. Năm 1911 ra đời cuốn tiểu thuyết tâm tình Ngôi nhà của Liliêcrôna (Liljecronas hem) và năm sau đến lượt một tác phẩm lạ lùng Chiếc xe của Thần Chết (Körkarlen) cũng nhân một truyện cổ mà dựng thành một cuốn tiểu thuyết về ý nghĩa của cuộc đời và cái chết. Tiếp theo là cuốn Hoàng đế Bồ Đào Nha; và năm 1914 ấy Viện Hàn lâm Vương quốc Thụy Điển bầu Selma Lagerlöf làm nữ viện sĩ đầu tiên; rồi đến cuốn truyện đậm đà khí vị thần thoại Bắc Âu hơn cả là Thế giới các yêu lùn (Troll och Människor – 1915).

Tuy say sưa với các yêu lùn, quỷ núi, trong Đại chiến Thế giới thứ nhất, dù đất nước mình ở ngoài vòng lửa đạn, Selma Lagerlöf vẫn không quên góp tiếng nói của mình vào những vấn đề nóng bỏng của thời đại; và thế là chiến tranh chưa dứt, năm 1918 đã ra đời cuốn tiểu thuyết Người đi đày, một bản cáo trạng hùng hồn lên án chiến tranh phi nghĩa, viết với một tấm lòng thiết tha vô hạn.

Ngoài sáu mươi tuổi, Selma Lagerlöf bắt tay viết bộ tự truyện kể lại đời mình, nhan đề có ý nghĩa là Mårbacka (1922) sau bổ sung thêm hai cuốn Hồi kí của tôi (Ett barns memoarer: Mårbacka, 1930) và Nhật kí (Dagbok för Selma Ottilia Lovisa Lagerlöf, 1932). Tác phẩm lớn trong tuổi già của Selma Lagerlöf là tiểu thuyết bộ ba Sarlôttê Lơvensơn (Charlotte Löwensköld, 1925-1929) qua những thăng trầm của một gia đình, tác giả minh họa một chủ đề nhân đạo: lòng thương yêu của con người có thể thắng mọi nỗi bất hạnh trong đời.

Những tác phẩm cuối cùng của Selma Lagerlöf là Anna Xverd (Anna Svärd, 1928), Mùa thu (1933) và Truyện lễ Giáng sinh (Julberättelser, 1938). Rồi giữa lúc Đại chiến thế giới thứ hai lan lên Bắc Âu thì Selma Lagerlöf qua đời, ngày 16 tháng ba 1940, thọ tám mươi hai tuổi. Nghe tin, toàn dân Thụy Điển xúc động, quên hẳn chiến cục đang diễn ra dữ dội trên đất Na Uy bên cạnh. Chiếc tàu thủy chạy trên biển Aland mang tên Gösta Berling kéo còi báo tang; các tàu khác trên suốt mặt biển Baltic kéo theo; toàn thể nhân dân và triều đình Thụy Điển để tang, vì “hơn cả công chúa, hơn cả vương hậu, đó là Selma Lagerlöf”[3].

Sinh thời nữ văn hào đã được đồng bào mình rất mực mến yêu: trường hợp tên một nhân vật tiểu thuyết mà được đem đặt cho một tàu biển lớn như chiếc Gösta Berling thật là hãn hữu, có lẽ là độc nhất. Mà thế giới cũng hâm mộ không kém: các tác phẩm của Selma Lagerlöf đã được dịch ra hơn năm mươi thứ tiếng. Nghệ thuật có tính quần chúng rộng rãi nhất của thế kỉ là điện ảnh, cũng đã đưa Gösta Berlings, Nils Holgersson, Charlotte Löwensköld và Chiếc xe của Thần Chết lên màn bạc; phim sau này với nhan đề Chiếc xe ma đã thành tác phẩm kinh điển của nghệ thuật thứ bảy. Và năm 1958, nữ văn hào tiêu biểu của đất nước Thụy Điển đã được Hội đồng Hòa bình Thế giới kỉ niệm một trăm năm ngày sinh, và năm 1990 sắp đến chắc lại kỉ niệm năm mươi năm ngày mất.

2. Một sự nghiệp văn chương sâu sắc, ý thức trách nhiệm xã hội, đậm đà – lòng nhân hậu, từ ái

Bước vào nghề viết văn, Selma Lagerlöf viết một truyện cổ, bắt đầu đêm Giáng sinh năm trước và kết thúc đêm Giáng sinh năm sau, mà tác giả gọi là một saga – Gösta Berlings saga. Nửa thế kỉ sau, tám mươi tuổi, kết thúc sự nghiệp của mình, nữ văn hào lại viết một cuốn Truyện lễ Giáng sinh. Gần hết các tác phẩm của Selma Lagerlöf, trong suốt cả cuộc đời viết văn, đều viết theo thể saga, kể cả các cuốn đậm tính hiện thực nhất.

Trước thế kỉ 12, ở các nước Bắc Âu, thịnh hành những truyện kể gọi là saga mà những tác giả vô danh soạn bằng văn xuôi và những người được gọi là Xcanđ chuyên kể lại ở các cung đình hay thành lâu của các lãnh chúa. Saga đã là những áng văn nghệ thuật khá tinh vi, nhưng vẫn rất gần văn học dân gian và được nhân dân ưa thích vì thuật lại kì công, vĩ nghiệp của các anh hùng; ca tụng những truyền thống dũng cảm, hi sinh, tự cường, nhân ái của các dân tộc Bắc Âu.

Diễn văn long trọng Selma Lagerlöf đọc trong lễ nhận giải thưởng Nobel, cũng là một saga li kì và hết sức bất ngờ. Văn hào kể lại là mình đã lên trời, tìm gặp linh hồn người cha quá cố, “làm bộ lo lắng vô cùng, xin cha một lời khuyên phải lẽ, vì đang mắc nợ người ta không biết bao nhiêu mà kể”. Và nợ những ai, Selma nói rõ: nợ cha mẹ, bà con, xóm làng, nợ các hiệp sĩ giang hồ trong các truyện cổ, nợ yêu lùn, quỷ núi của đất nước Thụy Điển. Thật vậy, từ tấm bé, khi đôi chân còn bị liệt, tâm hồn Selma đã được dưỡng dục bằng những truyện kể của cha về sự tích các hiệp sĩ, “những truyện hoang đường mà những bà già tóc bạc kể cho đám trẻ con ngồi trong buồng trên những ghế thấp nghe; những truyện mà người ở và tá điền kể cho nhau nghe trong khi hơi bốc lên từ áo quần thấm nước và với những con dao có vỏ đựng bằng da họ phết bơ lên bánh mì mềm; những cuộc phiêu lưu ngày xưa mà chủ ông đã già, ngồi ghế xích đu, kể lại trước làn khói của những cốc nước nóng pha rượu với chanh”[4].

Trong số những người mình mắc nợ, Selma Lagerlöf còn kể đến “những tác giả vĩ đại Na UyNga”, nhất là H. Ibsen. Nhưng trong việc hình thành phong cách độc đáo của Selma Lagerlöf thì giáo dục của gia đình và truyền thống của quê hương, của tỉnh Värmland mà “cứ bước chân ra các bao lơn là các truyện cổ bay phấp phới khắp chung quanh như những con ong mùa hạ”[5], đã đóng vai trò quyết định hơn những nhà văn hiện thực chủ nghĩa tiền bối mà Selma hằng kính phục.

Giáo dục gia đình và truyền thống quê hương làm cho Selma Lagerlöf như nhớ tiếc đời sống gia trưởng của nông thôn Thụy Điển, ngậm ngùi cho số phận suy tàn không cơ vãn hồi của xã hội nông dân gia trưởng ấy trước sức tấn công không thương xót của chủ nghĩa tư bản, nhưng vẫn lạc quan mong chờ một ngày mai lí tưởng sẽ đến, như trong các truyện dân gian. Tuy vậy, những vấn đề mà Selma Lagerlöf đề cập đến trong các tác phẩm của mình cũng chỉ là những vấn đề của xã hội trước mắt, như bất kì tác phẩm hiện thực chủ nghĩa nào cùng thời. Có điều là Selma Lagerlöf không đi thẳng vào hiện thực, mà mượn những biểu tượng từ những thế giới hư huyền hay xa xưa, để phản ánh hiện thực; và có lẽ không có nhà văn nào đã tìm ra những biểu tượng có sức hấp dẫn lòng người đến thế. Nhưng qua các biểu tượng, không ai là không nhận thấy “nội dung các tác phẩm của bà luôn luôn thấm nhuần sâu sắc ý thức trách nhiệm xã hội”[6].

Selma Lagerlöf quan niệm rằng nghệ thuật phải góp phần xây dựng cho con người “một cuộc đời chính trực”. Gösta Berling và các hiệp sĩ đã bị tác giả lên án như hạng văn nhân, nghệ sĩ tự xem mình là con cưng của xã hội, không cần lo cái lo của nhân dân, mà xem xã hội là một hí trường để mình đóng những vai trò xuất chúng.

Đối với hiện thực xã hội, Selma Lagerlöf am hiểu sâu sắc, vì suốt đời sống gần nhân dân và quần chúng đọc sách của mình. Trong số những người mà mình “mắc nợ”, Selma còn kể đến những nông dân trên đất nước Thụy Điển, những người đã kéo nhau di cư ra nước ngoài, tất cả những ai đã làm cho ngôn ngữ của dân tộc phong phú, và cả “những bạn đọc”, người lớn và trẻ em nữa, vẫn nguệch ngoạc biên cho mình những lá thư cám ơn về cái truyện – chú Nils.

Vì lòng yêu thương và cảm thông với những con người như thế mà Selma Lagerlöf đã xây dựng được trong các tác phẩm của mình biết bao con người bình thường mà rất quyến luyến với người đọc; và quý hơn nữa là những cảnh đời ngụ ý tốt đẹp, và cả những ý nghĩ thực sự tốt đẹp nữa, chẳng hạn: “tôi nghĩ là không có gì đẹp hơn được thấy những người xả thân để sống một cuộc đời chính trực”.

Vì một cuộc đời như thế, Selma Lagerlöf không ngần ngại đấu tranh: đấu tranh cho đời sống của “những người hèn mọn”, cho hạnh phúc của phụ nữ, cho tiến bộ của xã hội, cho cái tốt thắng cái xấu trong quan hệ giữa người với người; đấu tranh trong các tác phẩm của mình đã đành, còn đấu tranh trong hoạt động thực tế nữa. Selma Lagerlöf tích cực bảo vệ những nhà trí thức bị đàn áp vì tư tưởng, vì chính kiến: hăng hái lao vào các cuộc chiến đấu, ra những bản tuyên ngôn, mở những cuộc quyên tiền ủng hộ các chiến sĩ đấu tranh cho tự do; vì Selma Lagerlöf vẫn cho rằng: tự do tư tưởng và tự do ngôn luận phải là những điều cần thiết bảo đảm cho phẩm giá của con người.

Để bảo đảm đời sống của loài người, Selma Lagerlöf nghĩ là còn phải đấu tranh cho hòa bình nữa. Thuở mới bắt đầu cuộc đời viết văn, năm 1894, trong tập Những dây ràng buộc vô hình, Selma Lagerlöf đã dựng nên chuyện Nàng quận chúa hòa bình mà hôn nhân đã chấm dứt can qua bao nhiêu năm giữa hai nước láng giềng Na Uy và Thụy Điển.

Hai mươi bốn năm sau, Selma Lagerlöf lại lần nữa cầm bút chống chiến tranh phi nghĩa. Sau cuộc sát sinh khổng lồ là Đại chiến Thế giới thứ nhất thì những tác phẩm lên án chiến tranh ra đời nhiều; nhưng ngay trong lúc chiến sự còn diễn ra thì Selma Lagerlöf đã cho xuất bản cuốn Người đi đày. Cùng với cuốn Lửa của Henri Barbusse, Người đi đày đã mở đầu cho loại tiểu thuyết phản đối chiến tranh. Và lần đầu tiên nữ văn hào bỏ phong cách quen thuộc những từ ba mươi năm của mình, không tìm đề tài trong truyện cổ dân gian, trong lịch sử lâu đời hay ở đất nước xa lạ, mà lấy ngay trong một sự kiện trước mắt, một trận thủy chiến lớn xảy ra ở Bắc Hải năm 1916; và xác những thủy thủ Anh và Đức tấp vào bờ nhiều không đếm xuể. Selma Lagerlöf sử dụng ngòi bút hiện thực chủ nghĩa viết lên bản cáo trạng chiến tranh phi nghĩa, và lòng bất bình của tác giả bùng lên trong nhiều trang sách. Con người vốn cung kính đối với nấm mồ và nghĩa trang, trân trọng đối với thế giới những kẻ đã khuất ấy rất phẫn nộ trước những việc xảy ra trong thế giới những người đang sống. “Đã từ lâu, tôi hiểu rằng độc ác đối với những người sống còn nhục nhã hơn xúc phạm đối với một người chết”.

Selma Lagerlöf có lẽ là một người đàn bà rất hiếm, nhất là đối với một văn hào, mà suốt cả cuộc đời rất dài, không hề biết đến tình yêu. Nhưng người phụ nữ độc thân, không có tình sử đó, lại rất đỗi cảm thông với chị em bạn gái đau khổ trong tình yêu, hôn nhân và gia đình. Đa số nhân vật nữ của Selma đều là người xuất sắc, mà có người nào thực sự có chút hạnh phúc đâu; không khổ vì gia đình ép uổng thì khổ vì lòng người đổi trắng thay đen, hoặc chồng con hư hỏng.

Selma Lagerlöf lại còn mang một tình thương yêu chan chứa đối với mọi người. Tình cảm chỉ đạo bao nhiêu tác phẩm của Selma là lòng nhân hậu, từ ái, xót thương, nhất là đối với “những người hèn mọn”, “những người bình dị, chất phác”; và tất cả những người như thế trên đất Thụy Điển và khắp nơi, mà mến yêu Selma thì cũng là chính vì tấm lòng ấy của nữ văn hào. Người đọc sách của Selma lại còn bị chinh phục nữa vì nghệ thuật kể chuyện của tác giả, nhẹ nhàng, thân mật, dí dỏm với cái duyên kín đáo, với những lời giản dị nhưng thấm thía, đi thẳng vào lòng người mà cơ hồ không cần đến chút trang sức nào của thuật viết văn.

Về cái tâm và cái tài của Selma Lagerlöf, có thể nói rất công bằng như Marc Soriano rằng: “Lòng nhân hậu và biết xót thương của bà cho phép bà tiên cảm một thế giới công bằng hơn và giữ vẹn lòng tin của con người. Trong chừng mực nào đó người ta lại còn có thể khẳng định rằng bà chuẩn bị cho tương lai ấy, vì bên ngoài những ý kiến còn mơ hồ của bà, bà biết nghệ thuật nói thẳng với lòng người. Về bà, người ta có thể nói cái điều mà Frederick đã nói về Andersen: “Lòng từ ái của con người cũng là một nhân tố làm tiêu tan những gì xấu xa và lạc hậu”[7].

3. Bài thơ dài về thiên nhiên có một không hai

Ở các trường có một môn học mà học sinh thường không thích mấy, nhất là ở Việt Nam, đó là môn địa lí. Dự cuộc thi viết sách tập đọc cho trường tiểu học, Selma Lagerlöf đã chọn môn đó và đã viết cho bạn đọc trẻ thơ một cuốn địa lí nước Thụy Điển bằng cách dẫn họ đi với Nils từ quê của chú, nơi mũi đất tận cùng về phía nam Thụy Điển, đến quê của đàn ngỗng trời mà chú đi theo, ở tận cùng biên giới phía bắc, qua suốt đất nước đó. Đi lên bắc thì qua các tỉnh đồng bằng, duyên hải và hải đảo bên phía đông; trở xuống phía nam thì qua các tỉnh núi đồi, cao nguyên băng tích trên phía tây, qua hết hai mươi lăm tỉnh của đất nước Thụy Điển.

Nhưng mà một cuốn “sách tập đọc địa lí” viết cho trẻ em Thụy Điển làm sao mà lại thành ra một áng văn chương lưu truyền sâu rộng, lâu dài trên khắp thế giới được?

Nhiệm vụ của môn địa lí trước hết là đem cho người ta hình ảnh chân thực của thiên nhiên. Ở Thụy Điển, đất đai trồng trọt đến nay[8] cũng chỉ là một phần mười diện tích lãnh thổ; nhưng nơi nào là đồng bằng thì từ trên cánh ngỗng trông xuống thấy bao nhiêu màu sắc khác nhau; những ô màu lá mạ là những đồng lúa mạch gieo từ thu trước còn xanh dưới tuyết phủ, những ô vàng nhạt pha xám là chân rạ lúa mì mùa hạ đã gặt hết, những ô nâu tuyền là những đồng trước đây trồng cỏ chẻ ba, những ô đen là ruộng củ cải đường đã đào hết hay những đám đất bỏ hóa, làm cho đồng bằng dưới mắt người bay cao khác nào “tấm vải kẻ ô sặc sỡ”. Ngày Selma Lagerlöf viết sách này chưa có máy bay; ngày nay phương tiện giao thông đó đã thông dụng, người đọc lại càng phục cái tài tưởng tượng của tác giả.

Đất nước Thụy Điển là một khối đá hoa cương vào hạng cổ nhất, xuất hiện từ những thời đầu tiên của lịch sử địa cầu và đã bị xói mòn hàng trăm triệu năm, rồi sau cùng bị băng phủ lên dày hàng nghìn mét trong hàng chục vạn năm, bào mòn dữ dội nữa nên phần lớn hiện nay là những cao nguyên đá hoa cương, những bờ biển khúc khuỷu mang đầy dấu vết xâm thực của băng; chín vạn sáu nghìn cái hồ chiếm chín phần trăm diện tích toàn quốc, gần bảy nghìn rưỡi kilômét bờ biển chi chít những đầm phá và mười lăm vạn hòn đảo nhỏ.

Tất cả đất nước Thụy Điển với núi, đồi, cao nguyên, sông, hồ, thác nước, đầm phá, bờ biển, quần đảo, với rừng cây nội cỏ, muôn vật và làng mạc, thành thị như đều sống dậy, biểu hiện hết tâm hồn dưới ngòi bút của Selma: “Khắp nơi những ngọn núi xinh đẹp, những thung lũng dịu dàng và những dòng sông uốn lượn, chảy đến tận hồ lớn Vettern, mà băng đã tan và đang lóng lánh ánh dương quang, tưởng chừng không phải chứa nước mà chứa đầy ánh sáng thanh thiên”.

Nils ra đi ngày 20 tháng ba, trở về ngày 8 tháng mười một, mà trải qua đủ các mùa trong năm: những cơn mưa xuân đầu mùa, “mưa ra bánh mì, bánh ngọt”, những cơn bão bất thần kéo đến, những mặt hồ đang tan băng, những cánh rừng vào xuân bắt đầu xanh tốt, những ngày mùa hạ dài thẳng hai mươi bốn giờ, những đêm thu chó sói đuổi theo khách đường trường, những tháng mười ở miền bắc đã chịu cái giá rét địa cực.

Thiên nhiên sinh động lên là nhờ động vật, Selma Lagerlöf vẽ bức tranh của giới động vật, đã tả hình dáng, động tác, tập quán của các loài, chính xác, cụ thể khác nào nhà thiên nhiên học vĩ đại của dân tộc mình Carl Linnaeus, lại thêm cách nhìn thơ mộng, duyên dáng và nhận xét tế nhị, dí dỏm của nhà nghệ sĩ thiên tài nữa. Sáng ra, mặt trời vừa mọc, đánh thức dậy tất cả cư dân trong rừng từ cầm đến thú; sói, gõ kiến, sẻ đá, mai hoa. Xuân về, chim chóc khắp nơi kéo nhau đến hội họp, mang theo nỗi khát khao vô biên: chim bay đến như mưa, từ mưa chim sẻ đến mưa quạ. Chim đi tránh rét, tiết xuân ấm áp thì trở về, đội ngũ chỉnh tề, xôn xao cả bầu trời; gặp sương mù bị lạc hướng, gặp bão bị tan đàn. Các bãi chim tập hợp hàng trăm loài trên cạn, dưới nước. Thiên nga bơi lội duyên dáng như nhà quý tộc rong chơi, sếu thì vút đi như một nghệ sĩ tuyệt vời giữa không gian, đại bàng thì ung dung, khoan thai làm chúa tể bầu trời. Khoảng không của “cuộc phiêu lưu kỳ diệu” như chẳng lúc nào vắng tiếng, vỗ cánh, gọi đàn. Dưới đất thì nào là con cáo ranh ma, con cầy mình dài thô lỗ; trong rừng xanh con nai xứ lạnh là chủ nhân, chốn núi thẳm thì con gấu lông xồm là ẩn sĩ.

Thụy Điển vốn là dân tộc say khoa học nhất thế giới thì cô giáo Selma đã đem vẻ huyền diệu của thơ mộng, làm sinh động, tươi đẹp các kiến thức khoa học khô khan, cho các bạn đọc trẻ tuổi của mình.

Các yếu tố thiên nhiên dưới ngòi bút của Selma Lagerlöf không khác gì những vật có tri giác. Cái phá Mälar lụt mà “nước lên rất chậm như thể miễn cưỡng, buồn phiền vì gây thiệt hại cho các bờ phá xinh đẹp”. Biển với đất gặp nhau, tạo ra các kiểu bờ biển khác nhau, và quan hệ giữa biển với đất cũng chẳng khác gì giữa những con người. “Biển là một kẻ hay lẻn vào chỗ không phải của mình, mà chỉ có đồi và núi mới có thể chống lại nổi, còn đất thấp thì đều đã mất biến dưới làn nước cả”. Nhưng lại có chỗ “mà đất và biển gặp nhau một cách dịu dàng và yên tĩnh, phô ra với nhau những đức tính tốt đẹp nhất của mình”.

Việc phân bố thực vật theo khí hậu vốn chẳng có chút gì là thi vị thì Selma Lagerlöf lại cụ thể hóa ra bằng một giấc mơ rất nên thơ: Nils được con đại bàng quắp từ miền Nam lên miền Bắc Thụy Điển, bay trên không mà ngủ thiếp đi và mơ là đang đi theo mặt trời lên chiến đấu với đại vương băng tuyết, cùng đi với nhiều loài cây cỏ và động vật. Ra đi từ miền Nam khí hậu ôn hòa, có gần đủ loài vật, cây cỏ: các thứ lúa mạch, đậu, táo, phúc bồn, dâu rừng, mua xanh, cúc vàng, bạch đầu ông, cỏ chẻ ba, cỏ tương tư, sồi, dẻ, bồ đề cành lá xào xạc, đắc chí vô cùng. Nhưng rồi thấy tụt mất nào là tiểu mạch, dâu rừng, sồi, dẻ, nào là con mang, chim đa đa; hỏi ra mới biết là đều đã dừng lại vì không chịu được khí hậu bắt đầu lạnh của miền Trung Thụy Điển. Rồi lại thấy biến mất kiều mạch, lõa mạch, đại mạch, đậu Hòa Lan, lê, táo, phúc bồn tử cùng với những người Thụy Điển, những con bò và cả con nai xứ lạnh nữa, vì đã đến miền Bắc rét mướt rồi. Nhưng có những bạn mới đến bổ sung vào hàng ngũ đã thưa thớt; những bụi miên liễu, những cây tùng, cây bách, con cáo xanh, con cú trắng, con gà tuyết, và người Lapps với đàn hươu phương Bắc; thì ra đây đã là quê hương của họ, có khí hậu địa cực, và lên xa nữa thì chỉ mênh mông giang sơn của tuyết băng vĩnh viễn.

Một hôm Nils gặp hai chú bé học trò ngồi khóc giữa đường, một bà lão đi qua hỏi ra mới biết là hai chú không thuộc bài và về nhà sợ bố mẹ giận. Cái bài rất khó thuộc ấy là địa lí tỉnh quê hương của họ. Bà lão bảo hai chú: “học trong sách không phải dễ đâu”, thế rồi bà lão kể cho hai chú nghe một truyện như là thần thoại, về việc tạo lập ra tỉnh Uppland của họ; bà nói đó là “những điều mà mẹ bà đã dạy cho bà về tỉnh này. Bà không được đi học và bà không bao giờ thành người thông thái, nhưng bà nhớ mãi mãi những điều mà mẹ bà đã cho bà biết”. Bà lão dạy địa lí cho trẻ em giỏi hơn sách của nhà trường ấy chẳng phải là Selma sao? Và từ tám mươi năm nay, ba thế hệ rồi, có cậu bé cô bé Thụy Điển nào mà không biết các tỉnh của họ, vừa trong thực tại vừa trong mộng tưởng, vừa cụ thể lại vừa nên thơ, nhờ các truyện mà cô giáo Selma kia đã kể về các tỉnh ấy trong “Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils”?

Bài địa lí ở nhà trường thường dạy theo phương pháp gọi là liệt kê, kể hết sông kia, núi nọ, nào thành phố, nào cảnh vật… bắt học sinh chỉ đơn thuần vận dụng có trí nhớ. Giới thiệu tỉnh Östergötland, Selma để cho nông dân đến hỏi một phu nhân biết nhìn suốt qua thời gian, số phận mai sau của các thánh địa, tu viện, lâu đài, dinh thự, kênh đào, suối khoáng, lò cao, xưởng đúc, nhà máy dệt, đập thủy điện… của tỉnh mình và được nghe những lời tiên tri về các sự vật đó. Tả tỉnh Sörmland, Selma để cho Nils nằm mơ thấy mình bị lạc vào một “khu vườn xinh đẹp” và được hồn ma của một lãnh chúa tỉnh ấy ngày xưa đưa đi chiêm ngưỡng núi, rừng, sông, hồ, xưởng máy, nhà thờ, lâu đài, cung điện. Các bài liệt kê khô khan đã thành ra những truyện thần thoại lí thú tuyệt vời như vậy. Các truyện kể lại, có cái là cổ tích, truyền thuyết, nhưng phần lớn là do Selma hư cấu ra, và hư cấu trên cơ sở khoa học, kết hợp những kiến thức cụ thể, vững vàng với những mơ tưởng kỳ diệu, khác với truyền thuyết dân gian thường là nặng tính hoang đường và còn nhiều mê tín. Thổi sáo dụ chuột là việc thường thấy trong truyện cổ, nhưng mà cuộc chiến đấu giữa chuột đen với chuột xám sống ở cống rãnh là một giai đoạn có thật trong lịch sử các loài chuột ở châu Âu; chuột đen từ châu Á lan sang trong thế kỉ XIII, thời các tàu Thập tự quân viễn chinh trở về, rồi đến thế kỉ XVII thì bị chuột cống cũng theo tàu biển phiêu dạt đến, đánh bại dần dần để chiếm đất.

Đảo Öland là một khối đá vôi dài trông như thân hình một con bướm cụt cánh, và Nils đã được nghe một người dân đảo kể truyện rằng ngày xưa đó là một con bướm to lớn, nhưng đôi cánh mong manh đã bị cuồng phong, bão tố đánh tan, khiến thân bướm rơi xuống biển rồi hóa thành đá. “Nếu xác bướm mà nằm trên đất liền thì đã nhanh chóng thối rữa và tan thành bụi rồi. Nhưng vì nó rơi xuống biển, ở đó nó được chất vôi thấm vào và đã cứng lại như đá”. Đá vôi hình thành ở dưới nước biển và thường mang những xác hóa đá của các sinh vật, những hiện tượng ấy là đối tượng của địa chất học, một thứ khoa học khô khan thường bị gọi là “khoa học về sỏi”, ai ngờ lại được Selma dùng làm chất liệu để dựng nên một huyền thoại cảm động như thế.

Đảo Öland khô cằn chỉ có những cối xay gió và những đàn cừu thả rông như thú hoang, thế mà ông lão chăn cừu kể lại sự tích của đảo, cứ thiết tha ao ước có ai đem “cho các cối xay kia những chiếc cánh to… đủ sức nhấc bổng cả hòn đảo lên khỏi mặt biển và làm cho nó bay như một con bướm giữa các con bướm”.

Người chăn cừu trẻ tuổi cũng “thấy đúng là hòn đảo đang muốn cất mình khỏi mặt biển và bay lên”. Và ông già lại tin rằng quê hương dù là bần bạc, “tình quê hương ấy vẫn len vào lồng ngực của tất cả những ai sống ở đây… vì chưng toàn thể hòn đảo này là một con bướm đang khát khao có được đôi cánh”.

Lòng yêu quê hương đã được Selma Lagerlöf thi vị hóa đến như vậy. Năm 1907, người ta mong chờ một cuốn sách tập đọc địa lí cho trẻ em Thụy Điển thì văn học thế giới lại được cả một thiên trường ca về thiên nhiên, đậm đà chất thơ và tha thiết tình yêu như thế.

4. Thiên trường ca về con người và lao động

Thiên nhiên có thể giàu, có thể đẹp, nhưng phải qua bàn tay sửa sang, tô điểm của con người. Bay trên tỉnh Östergötland, Nils sực nhớ một truyện cổ trong sách lịch sử của mình: truyện chiếc váy nhung dệt chỉ vàng mà một miếng lại vá vải len thô, nhưng ai đó đã đem phủ lên bao nhiêu là ngọc trai, ngọc thạch, làm cho rực rỡ, mĩ lệ hơn cả tấm nhung dệt chỉ vàng. Đối với Nils, bay trên cao thì thành phố, ấp trại, nhà máy, nhà thờ, lâu đài, nhà ga khác nào những “viên kim cương khảm vào giữa những hạt ngọc trai” trên tấm vải len thô nọ.

Tỉnh Sörmland được tả như “khu vườn xinh đẹp” trong giấc mơ của Nils vì ở đấy vị lãnh chúa chết đã bao đời, tôn ông Karl, đêm đêm vẫn hiện hồn về cầm chiếc mai vun xới đất đai. Tỉnh Uppland xưa vốn là nghèo nhất và nhỏ nhất trong các tỉnh, đã phải đi ăn xin những tỉnh giàu có hơn và thu về được “một bộ sưu tập khủng khiếp những của vứt đi”. Nhưng với những thứ ấy, người ở Uppland cần cù xây dựng ra ấp trại, thành phố, bến tàu, làm cho tỉnh mình đẹp nhất, và được nhà vua đến đóng kinh đô. Lao động của dân Uppland “đã làm nên những việc lớn với những phương tiện nhỏ”, Selma Lagerlöf lại nói là họ “làm ra những ông hoàng từ những kẻ ăn mày”. Cô giáo này muốn cho trẻ em đừng chỉ ca tụng suông thiên nhiên ưu đãi ta cái này, cái nọ mà phải học khai thác thiên nhiên thông minh và cần mẫn, may ra mới có đất nước giàu đẹp.

Thiên nhiên là môi trường sinh hoạt của con người, và đời sống các dân tộc từ xưa đã được tổ chức thế nào cho thích hợp hơn cả với môi trường thiên nhiên của mình. Tự tả mình về thăm quê nhà, Selma vui thích nhớ lại tất cả những gì mà người dân tỉnh Värmland vẫn làm quanh năm theo thời vụ: dỡ khoai, cắt bắp cải, nhặt hoa hublông, hái táo, tước sợi lanh, ngâm rồi đập, cán, cắt lông cừu, ngả bò lợn làm nhồi, làm xúc xích, may vá, đóng giày dép cho cả nhà, rồi cất bia, làm bánh ăn mừng lễ Giáng sinh, và tối tối quây quần với nhau học tập, đọc sách, đánh đàn.

Người Thụy Điển sống dưới đồng bằng và thun lũng, “ngày tháng và công việc”[9] của họ là như vậy, nhưng trên miền Bắc và núi cao rét mướt thì người Lapps quanh năm phải đổi chỗ ở, lên cao xuống thấp theo nhịp sống của thiên nhiên. Selma Lagerlöf có để cho một chú bé người Lapps, tộc Same, kể lại một truyện cảm động. Thời dịch hạch hoành hành gọi là “cái chết đen”, người Thụy Điển ở dưới đồng bằng chết hết, chỉ còn một cô gái mười lăm tuổi; người Same ở trên núi cũng chết hết, chỉ còn một anh con trai mười lăm tuổi. Lang thang đi tìm có đồng bào sống sót nào chăng, họ gặp nhau, và anh con trai đưa cô con gái lên quê hương mình; mùa hè họ đưa đàn hươu phương Bắc lên núi cao tìm các đồng cỏ, họ ăn thịt hươu sấy khô, phó mát làm bằng sữa hươu cất giấu từ năm trước, uống sữa hươu, bẫy chim, câu cá, hái dâu vàng ở các bãi lầy. Mùa thu họ bắt đầu xuống các vùng rừng tùng bách; mùa đông xuống thung lũng trong đêm dài hàng tháng, họ bện gân hươu làm dây, thuộc da hươu may quần áo, đóng giày dép. Trời ấm lên, anh con trai đưa bạn xuống đồng bằng, nhưng người con gái không muốn về quê cũ nữa vì đã quen lối sống tự do, phóng khoáng của người Same rồi. Kể câu chuyện, Selma muốn nói với các bạn đọc trẻ tuổi phải tôn trọng cách sống, lề lối làm ăn, phong tục tập quán của các dân tộc khác mình, đứng cứ vội cho là lạc hậu.

Một hôm Nils được nghe một người thợ mỏ già kể chuyện Chia gia tài. Một bà lão khổng lồ, trước khi chết, đã chia gia tài của mình là tỉnh Västmanland làm ba phần cho ba con trai; hai phần màu mỡ, xanh tươi, quang đãng, đem đến cho người ta hạnh phúc đầy đủ, làm cho người ta “hoàn toàn mãn nguyện”; còn một phần thì hoang vu, cằn cỗi, chỉ toàn sườn núi đá dốc đứng, con người phải luôn luôn chống lại gấu và chó sói, chia cho ai thì “chỉ có thể làm cho người ta bất mãn”. Và bà đã dành cái phần thứ ba ấy cho người con út, được bà thương yêu nhất; người ấy vui vẻ nhận phần mình, ít lâu sau mới biết đó là miền đất giàu có nhất tỉnh, vì lòng nó chứa đầy những mỏ sắt, mỏ bạc, mỏ đồng.

Nước Thụy Điển nổi tiếng về sắt thép từ năm thế kỉ nay. Nils được đàn ngỗng đưa đi qua khu mỏ, nỗi ngạc nhiên của chú không tài nào tả xiết. Rồi con gấu bắt được chú, đưa chú đi đốt cái nhà máy thép, chú lại được dịp nhìn thấy cảnh hùng vĩ của lao động luyện thép.

Thụy Điển còn có một nguồn lợi rất lớn nữa: rừng phủ kín hơn một nửa diện tích cả nước. Con đại bàng cõng Nils trên lưng, đưa chú đi xem miền rừng mênh mông, theo các dòng sông chuyển những bè gỗ dài vô tận đến các nhà máy cưa, máy xẻ tập trung thành những đô thị công nghiệp rộng lớn, xuất khẩu gỗ qua những hải cảng sầm uất. Là một chú bé nông thôn chỉ biết có lao động và thu hoạch nông nghiệp, trông thấy bất cứ cái gì trong công nghiệp rừng, chú cũng lấy làm lạ, và mỗi lần là con đại bàng cho đến con chim hoa mai, con chim chìa vôi, con gà trống đều phải giảng giải cho chú, như từng bước trình bày cho chú một bài học về lâm nghiệp, bằng cách so sánh lí thú với hoạt động nông nghiệp mà chú đã biết. Và nghe nói đến cái gì Nils cũng không khỏi lấy làm lạ, nỗi ngạc nhiên cứ dồn dập như một điệp khúc mỗi lúc một tăng, rốt cục làm chú phải thốt lên kính phục: “Mình chưa hề trông thấy ở đâu có đời sống như thế này, và cảnh nhộn nhịp như thế này!… Tuyệt diệu thay đất nước của mình. Ở bất kỳ đâu mình cũng thấy có những cách nuôi sống được con người”.

Một hôm Nils đang ở trong rừng thì xảy ra vụ cháy rừng thật dữ dội, nhưng may không lan ra cả miền, vì có những người chữa cháy rất tận tâm và khôn khéo. Cái tai nạn thường xảy ra ấy được Selma Lagerlöf dành cho khá nhiều bút mực, vì quan hệ giữa người với thiên nhiên không phải chỉ là lãng mạn, chỉ có những ân huệ ban phát cho con người, mà còn phải hiện thực, con người phải đề phòng tai họa do thiên nhiên đưa đến, và có cách chống lại tai họa. Con đại bàng cũng chỉ cho Nils xem những nơi đã có cháy rừng mười năm rồi mà núi đồi vẫn còn “trọc lốc và hoang vu khủng khiếp”. Và tác giả giải thích rất đúng tại sao rừng không mọc lại được: “Chính cái lớp đất không được dày phủ trên mặt đá núi đã khô lại và tơi ra như tro. Hơi có tí gió là đã bốc lên thành lốc; và quả núi bị tất cả mọi thứ gió quét đến, chẳng mấy chốc mà lộ cả bộ xương bằng đá ra. Nước của các cơn mưa lại càng góp phần cuốn trôi đất nữa… gió với nước đã chung sức nhau để quét hết, nên quả núi đã thành trần trụi và trọc lốc, đến mức người ta có thể tin rằng nó sẽ cứ như vậy cho đến lúc tận thế”.

Nhưng rồi một hôm Nils được chứng kiến cảnh học sinh trong xã được tổ chức đi trồng lại rừng. Đám trẻ vừa làm vừa trò chuyện với nhau, vẻ trịnh trọng và thành thạo, rằng các cây thông con chúng trồng xuống sẽ làm chút mùn còn sót dính kết lại và ngăn không cho gió thổi bay đi nữa. Rồi sẽ sinh ra lớp mùn khác ở dưới các gốc cây; rồi các hạt cây sẽ rơi xuống đây và “vài năm sau, người ta sẽ hái quả phúc bồn và quả việt quất ở nơi mà ngày nay chỉ có đá trần trụi”.

Để dạy cho trẻ em một bài học về bảo vệ thiên nhiên, cô giáo Selma đã viết một đoạn văn rất trữ tình ca tụng việc trồng rừng, kết thúc rằng việc này là “một đài kỉ niệm dựng lên cho những thế hệ mai sau… cháu chắt sẽ hiểu rằng tổ tiên họ đã là những người hiền minh và nhân hậu và sẽ nhớ đến tổ tiên với lòng tôn kính và biết ơn”.

Bảo vệ thiên nhiên là phải bảo vệ cả động vật nữa. Kẻ thù của động vật trong thiên nhiên là các loài động vật khác; con cáo Smirre đuổi theo đàn ngỗng trời hàng tháng qua suốt bao nhiêu tỉnh; ba con cáo tinh quái đã ăn thịt phần lớn cừu nuôi ở đảo Karl nhỏ. Nhưng cũng có những nơi vì diệt hết cáo mà chuột đồng lan ra phá hoại hoa màu còn tai hại hơn, người ta phải gây lại cáo để trị bớt chuột, khác nào một cái vòng luẩn quẩn. Nhưng nghĩ cho cùng thì các loài động vật chẳng có kẻ thù nào tệ hại hơn là con người.

Lần đầu tiên đàn ngỗng trời cùng với bao đàn chim khác bay trên mặt biển thì bị nhiều chiếc tàu chạy thành hàng dài chở đầy người đi săn, cứ bắn loạn xạ. Mỗi con chim trúng đạn rơi nhào xuống biển là đàn chim kêu lên những tiếng đau đớn. Ngồi trên lưng ngỗng, có thể làm mồi cho đạn, Nils không thể hiểu sao lại có những con người đi bắn giết những kẻ chẳng làm gì họ như vậy? Ra họ chẳng hiểu gì việc họ làm cả!

Cách săn bắn còn hèn hơn nữa là bắt một con chim để làm mồi nhử các con khác đến mà hạ thủ. Con vịt trời non Jarro bị dùng trong cái “mưu mẹo quỷ quyệt” ấy, đã “tưởng là phải chết đi vì xấu hổ”. Nó vẫn có thói quen chờ đợi ở loài người những sự tốt lành, ngờ đâu phải xót xa vì bị loài người bắt làm “cái dịch vụ đáng buồn ấy”.

Tàn nhẫn vô cùng là cách mà bọn thợ săn giết con nai xứ lạnh Lông Xám ngay giữa mùa cấm săn, bằng cách đi ván trượt băng đuổi theo, làm cho chân nó lún xuống băng cứng mà bị thương, rồi xuỵt chó vây lại giết bằng dao găm và gậy bịt sắt nhọn. Biết loài người là kẻ thù chính của các loài vật, nên khi thấy vắng con ngỗng đực Mårten, Nils lo lắng, vội hỏi là trong vùng có cáo, có chim ưng và có người không? Đang đêm cùng Mårten vào trú nhờ cái trại vắng, chú hỏi ngay con bò cái chỗ nấp, để tránh con cáo và con người.

Selma Lagerlöf cũng không tán thành việc nuôi nhốt các loài vật để làm cảnh; nhốt con sóc cái mới đẻ mấy ngày ở cái trại nọ, nhốt ba con đại bàng ở công viên Skansen làm cho chúng “đau khổ mà mòn mỏi dần… một nỗi tê liệt trầm trọng làm chúng thiếp đi”, cảnh giam cầm chim muông thật chẳng chút nhân đạo nào. Nghe tin đại bàng Gorgo bị giam, Akka nói: “Dù người ta nói gì về bọn đại bàng đi nữa, chúng vẫn là những con chim tự hào và yêu tự do hơn tất cả các loài khác, và người ta không nên giam cầm chúng nó và Akka gọi công viên Skansen, niềm tự hào của thủ đô Thụy Điển là “cái nhà tù to lớn nhốt các loài chim”.

Chim muông cũng phải có nơi ăn chốn ở, dù vì lợi ích của mình, con người cũng không nên chiếm đoạt hết giang sơn của chim muông. Một người đàn bà dự định lấp cái hồ Tåkern để tăng đất trồng trọt của mình lên gấp đôi, thì đứa con trai nhỏ lạc đi đâu mất. Tìm con dọc bờ hồ suốt ngày, nhất là về chiều chim bay về tổ nào thiên nga, nào vịt trời, nào dẽ gà, tiếng kêu nghe tuyệt vọng, thảm thiết như lo cho ngày mai hồ lấp rồi không còn tổ ấm, còn nguồn thức ăn để nuôi nấng và dạy dỗ con cái nữa. Người mẹ thấy nỗi lòng đàn chim mất tổ cũng khắc khoải chẳng khác gì lòng mình mất con, nên quyết tâm bỏ cái dự định lấp hồ để cho chim còn có chỗ dung thân.

Cùng đi với đàn ngỗng lên miền Bắc hoang vu, Nils càng thấy Akka, ngỗng đầu đàn là “có lí vô cùng khi nói rằng những người đi lập ấp nên để đất này lại cho gấu, cho chó sói, cho hươu phương Bắc, cho cú trắng, cho chuột núi xứ lạnh và cho người Lapps”.

Trước khi từ biệt nhau, mẹ Akka còn nói với Nils, đứa con nuôi thân yêu, lời cuối cùng rằng, “Chắc cậu không cho loài người phải được ở một mình trên trái đất này phải không? Nghĩ xem, các người có một đất nước rộng lớn như thế nào. Sao mà các người không có thể để lại vài hòn núi đá trơ trụi bên bờ biển, vài cái hồ không dùng vào việc đi lại được, vài đầm lầy, vài cao nguyên băng tích và vài khu rừng hẻo lánh cho bọn chúng ta, để những loài vật tội nghiệp có thể sống yên thân được? Suốt cả đời ta lúc nào cũng bị săn bắn, bị rượt đuổi. Tốt quá đi nếu biết là ở nơi nào đó có một chốn trú thân cho một sinh linh như ta!”

Nguyện vọng cảm động của một ngỗng già ngoài trăm tuổi, nhưng đó chính là lời kêu gọi của Selma Lagerlöf với đồng bào mình về một vấn đề rất khoa học mà đồng thời cũng rất nhân đạo: bảo vệ các loài vật. Và ngày nay trên đất nước của Selma, ở vùng cực bắc tỉnh Lappland, đã có cái vườn quốc gia Padjelanta làm khu bảo tàng thực vật và động vật thiên nhiên rộng lớn nhất toàn thể châu Âu.

Selma Lagerlof voi Cuoc Phieu Luu Ky Dieu Cua Nils min - Selma Lagerlof với "Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Diệu Của Nils" - Tác giả: Hoàng Thiếu Sơn

5. Những truyện đời xưa, những việc ngày nay

Mỗi đất nước, mỗi dân tộc đều có những di sản của quá khứ truyền lại cho hiện tại và tương lai, mà người dân phải biết quý trọng để nhớ đến công ơn của ông cha. Một đêm nọ, Nils bị pho tượng đồng của vua Karl XI, chết đã ngoài hai thế kỉ, đuổi theo bắt, phải trốn vào quân cảng Karlskrona mà sinh thời nhà vua đã lập ra. Vì thế mà chú được thăm nào lò luyện sắt, nào xưởng chế máy, nào xưởng công binh, nào xưởng chữa pháo, được xem tất cả các loại tàu biển còn lưu lại hình mẫu trong viện bảo tàng, từ mấy trăm năm. Nils hết sức ngạc nhiên và khâm phục vì “người ta đã đóng những tàu to đến thế, đẹp đến thế trên đất nước này!”. Nghe nói chuyện về các tàu chiến, tàu trận ấy “chú biết là người ta đã chẳng quản xương máu và tính mạng, là người ta đã hi sinh đến đồng tiền cuối cùng… là những người tài giỏi đã đem hết cố gắng ra để cải tiến và hoàn thiện các chiếc tàu đã bảo vệ tổ quốc này. Nghe nói đến tất cả những điều đó, chú bé rơm rớm nước mắt”. Rồi không sợ vua bắt nữa, Nils vẫy mũ hôto: Hua-ra, hua-ra con người có môi dày” để biết ơn nhà vua đã xây dựng ra nền hùng cường của nước mình trên mặt biển Baltic này.

Lại một đêm, Nils đến trú nhờ một cái trại hoang phế, được nghe con bò cái già kể chuyện là ấp ấy trước kia phát đạt lắm, khi ông chủ chết thì bà chủ đảm đang gánh vác tất cả mọi việc làm ăn, nuôi con; chỉ mong con khôn lớn thì mình sẽ được thảnh thơi. Nhưng cứ lớn lên là các con bà đều đi ra nước ngoài cả, để đám cháu lại cho bà nuôi; rồi lớn lên bọn này cũng đi theo bố mẹ chúng ở đất khách quê người, chẳng một ai ở lại, chẳng một ai trở lại quê hương; mà bà cũng chẳng yêu cầu một ai ở lại, bà bảo con bò cái rằng ở lại đất này họ chỉ có thể hi vọng được cảnh nghèo khổ mà thôi. Khi đứa cháu cuối cùng ra đi rồi là bà quị xuống, không kham nổi nữa, bán dần hết dinh cơ vì không chịu nổi cái cảnh phải thuê người lạ đến làm thay cho con cháu. Ở nước ngoài, chúng cũng thư từ mời bà sang với chúng, nhưng bà không chịu nhìn thấy cái đất nước đã cướp hết con cháu của mình. Bà chỉ oán trách cái đầm lầy đã lan ra không cho con cháu bà đủ đất làm ăn để có thể ở lại với bà. Và thế là đêm đó bà chết một mình, không kịp lên giường, đổ ngay xuống sàn nhà; may mà có Nils xót thương bà cô quạnh, vuốt mắt cho và túc trực suốt đêm cạnh thi hài bà. Nhà bà cũng chẳng nghèo, lại có bao thứ hàng gửi từ nước ngoài về, trên tường treo đầy ảnh con cháu chụp từ nước ngoài. Nhưng nhìn những chân dung ấy, Nils nghĩ rằng họ có mắt mà như mù, không muốn thấy cái gì phải làm. “Khốn khổ họ không thể nào chuộc được cái tội đã bỏ mẹ mà đi xa”.

Đây không phải là một truyện hư cấu, mà là tấn bi kịch phổ biến của nông thôn Thụy Điển và của nhiều nước nữa ở châu Âu, cuối thế kỉ trước đầu thế kỉ này. Chế độ tư bản chủ nghĩa mới phát triển, đã đẩy nhiều nông dân vào cảnh phá sản, khiến họ phải di cư sang Mĩ; nhưng cũng không ít người đã háo hức đi sang đấy mong dễ kiếm việc làm ăn hơn. Ngày nay các nước Bắc Âu có đời sống cao nhất thế giới chẳng ai bỏ nước ra đi, nhưng vào đầu thế kỉ này di cư là một vấn đề xã hội nghiêm trọng. Selma Lagerlöf dựng ra truyện Bà lão nông dân chẳng phải là đã muốn nói với đám người sắp lớn lên rằng ở chốn quê hương phải xem tấc đất là tấc vàng, chớ để hoang phế rồi phải ra đi, bỏ mẹ bỏ cha, xót xa, thương tâm như vậy.

Dân là gốc của đất nước, thì trong truyện Lời tiên đoán, người nông dân già bướng bỉnh đã chẳng buộc bà phu nhân giỏi đoán số phải đi với mình đến cái kết luận rằng: “Tất cả những gì mà các quốc vương, và các tu sĩ, và các lãnh chúa, và các thị dân có thể sáng lập và xây dựng, rồi cũng sẽ chỉ được vài năm… Vì chỉ những kẻ cúi xuống làm cái lao động vĩnh viễn gian khổ trên đất đai là sẽ có thể giữ được từ thế kỉ này sang thế kỉ khác nền thịnh vượng và niềm vinh quang của tỉnh nhà”. Trong quan niệm xã hội của mình, Selma Lagerlöf vẫn tin tưởng ở chế độ nông dân gia trưởng như vậy.

Selma Lagerlöf đã chống tích cực và có hiệu quả cái nạn nghiện rượu ở nước mình, thì trong Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils, Selma lại dành nhiều bút mực để nói đến cái bệnh xã hội tai hại nhất thời ấy là lao phổi.

Một gia đình hai vợ chồng, sáu con đang sống yên vui thì có người đàn bà ốm đến xin ở nhờ, rồi chết ngay trong nhà. Ít lâu sau thì gia đình ấy như trải qua những cơn ác mộng liên tiếp, một chuỗi đám tang liền liền, bốn đứa con theo nhau chết cùng một cái bệnh như người đàn bà nọ, đến nỗi người cha mất trí, bỏ ra đi mất tích; rồi người mẹ cũng chết, để lại hai chị em; Åsa mười một tuổi và bé Mats chín tuổi, và đôi trẻ mồ côi phải làm lụng để nuôi nhau.

Thuở ấy người ta tin rằng một bà lão digan đã chài cho người đàn bà nọ chết, lại trù cho những ai cứu giúp người nọ cũng phải chết theo vì cái bệnh hiểm nghèo ấy. Nhưng một hôm đi dự một buổi diễn thuyết bình dân, Åsa và Mats được biết thế nào là bệnh lao và cách đề phòng bệnh lao. Hai chị em cặn kẽ hỏi lại diễn giả và được biết chắc rằng không phải bà lão digan kia đã chài cho nhà mình mắc bệnh. Thế là hai chị em liền quyết tâm đi tìm bố, mong làm cho bố khỏi loạn óc và trở lại với gia đình.

Åsa và Mats đi bộ suốt mấy nghìn kilômét, qua suốt nước Thụy Điển từ nam lên bắc, như Nils bay lên trời theo cánh chim vậy. Đến xã nào cũng thấy có người mắc bệnh lao, hai chị em đều bày cho họ cách phòng bệnh đừng để lây sang người khác, và vô tình đã thành ra hai người đi truyền bá vệ sinh phòng chống bệnh lao vậy.

Đầu thế kỉ này y học mới biết thế nào là bệnh lao và tai hại của bệnh ấy về mặt xã hội. Chắc chắn là rất nhiều người Thụy Điển và người nước ngoài nữa thời ấy đã được gột rửa những dị đoan, mê tín về bệnh ấy và biết cách phòng bệnh nhờ đọc truyện Åsa cô bé chăn ngỗng và bé Mats, vì thật không ngờ rằng nội dung của một bài vệ sinh thường thức lại đến với người ta rất sinh động và thấm thía qua một câu chuyện thiết thực mà thương tâm đến thế.

Nước Thụy Điển ngày nay có tổ chức y tế tốt, tuổi thọ con người vào hàng cao nhất thế giới, không phải là không có công lao của những nhà văn nặng ý thức trách nhiệm xã hội như Selma Lagerlöf.

6. Thế giới loài vật và xã hội loài người

Trong văn học thế giới có lẽ trừ cuốn Thơ ngụ ngôn của La Fontaine ra, không có cuốn nào tập hợp được nhiều loài vật để đưa vào truyện làm nhân vật bằng Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils. Khi tả động vật như một thành phần của thiên nhiên thì Selma Lagerlöf tả như một nhà động vật học viết một cuốn sách sinh vật học, cụ thể và chính xác; nhưng khi đem các loài vật tham gia vào các diễn biến của cuốn truyện như những nhân vật thực sự, thì Selma không chút ngần ngại để chúng suy nghĩ, nói năng, hành động, cảm xúc chẳng khác gì những con người.

Xây dựng tính cách nhân vật cầm thú mà không gượng ép, lại còn sinh động, là vì Selma Lagerlöf dựa vào ngoại hình, cách sống, tập quán của các loài vật, làm cho các thứ đó hài hòa với nhau, không chỉ chấm phá đôi nét như nhà thơ Pháp La Fontaine, không tiểu thuyết hóa cho li kì như nhà văn Anh R. Kipling.

Con sếu của Selma Lagerlöf “đã mượn thân hình, cái cổ và cái đầu của một con ngỗng trắng nhỏ. Nhưng thêm vào, nó lại còn kiếm được đôi cánh to màu đen và đôi chân cao màu đỏ và một chiếc mỏ dài, dày, quá to so với cái đầu nhỏ của nó; cái mỏ rất nặng này làm cho đầu nó gục về phía trước, đem đến cho nó cái vẻ tư lự và u sầu… Hình như người ta không nói dối khi xác định rằng một con sếu không thể há mỏ mà không kêu rên được… Nó than vãn đủ điều…”. Con sếu mà Selma Lagerlöf gọi bằng cái tên người – Ông Ermenrich – là hiện thân của những người ở đời lúc nào cũng kêu ca, biết lên án cái xấu nhưng chẳng làm gì chống cái xấu.

Con quạ Bataki, “thân hình dáng dấp như một con quạ khoang, nhưng bộ lông đen tuyền bóng lên như ánh kim… bước những bước dài… rồi dừng lại suy nghĩ thâm trầm, vừa nghĩ vừa đưa chân lên gãi vào gáy… cứ đi đi lại lại và nói năng một mình, long trọng một cách lố bịch quá chừng”. Nói chuyện với Nils, nó “trịnh trọng tựa hồ đọc những châm ngôn” vì nó là một thứ triết gia “hiểu đời một cách thâm thúy, và đã khéo gợi cho Nils suy nghĩ về việc đời”.

Con cú là một vật hung gở, ở Thụy Điển cũng vậy, cái đêm mà bà lão nông dân chết, tám con đậu một hàng trên nóc nhà, “cú dòm nhà bệnh”. Cái đêm mà Nils vào trại Mårbacka thì trông thấy một vật gì “giống như một gốc cây bạch dương nhỏ. Gốc cây quằn quại, và ở trên chóp có hai điểm sáng, ánh rực lên như hai cục than hồng… Gốc cây lại có một cái mỏ khoằm và đôi mắt đỏ rực viền những vòng lông vũ chung quanh”. Chân dung con cú như vậy, thảo nào nó chẳng đa nghi, cứ khăng khăng là Nils cũng đi săn chuột đồng để ăn hết của nó, nên xông vào tấn công ngay.

Thiên nga là loài chim đẹp. Bơi lội, chúng “xù lông lên, giương cao cánh làm buồm và vươn dài cổ ra”. Nó bị cắn đau phải kêu lên một tiếng rồi cũng “dừng bơi, lấy lại cái vẻ đường bệ như cũ”. Bay lên thì “đập cánh ầm ầm, lao lên trước trông như chạy trên mặt nước, rồi có đủ không khí dưới cánh liền vút lên”. Tự phụ vì sắc đẹp, chúng sinh ra hợm mình, không chịu để cho một loài chim nào có bộ lông trắng như chúng. Đàn ngỗng trời đến thăm, thấy có con ngỗng đực Mårten lông trắng và cả đàn thiên nga, kể cả chim vua, chim hậu, lao vào vặt lông của nó cho trụi hết.

Lắm khi hình dáng và dung mạo trái ngược với tính tình. Con cầy xứ lạnh “với cái mình thon dài và mềm dẻo, cái đầu thanh thanh, bộ lông mịn màng, ngực màu nâu tươi, trông quả là một kì công nho nhỏ về sắc đẹp, nhưng là một thú rừng man dã… có tấm lòng độc ác nhất rừng rú”.

Con gấu thân hình xấu xí, dáng điệu thô kệch, nhưng rất tự phụ. Mùa rét đến, ngỗng trời di cư về miền nam, thấy loài vật nào cũng chào tạm biệt. Đàn hươu phương bắc chúc lên đường may mắn và trở về may mắn. Đám gấu thì bảo bọn gấu con rằng ngỗng là “những đồ nhát như cáy, một chút lạnh cũng sợ không dám ở lại xứ sở trong mùa đông”, thế là bị ngỗng trả miếng ngay, bảo gấu là “những kẻ lười chảy thây, muốn ngủ ỳ nửa năm hơn là cất công di cư”. Đám gà rừng non nớt, rét cóng, thấy người ta đi về nam mà thèm, mới hỏi bao giờ mình được đi, thì mẹ liền bảo, “Các con ở lại cạnh mẹ, cạnh cha; ở lại quê mẹ, quê cha”. Câu chuyện của loài vật nói với nhau nhiều khi dí dỏm như vậy, lắm khi lại thật thương tâm, như con bò cái già cứ thong thả, từ từ kể cho Nils nghe việc gia đình bà lão nông dân có đàn con cháu di cư hết sang bên Mĩ, khiến chú bé xúc động vô cùng.

Đàn ngỗng trời tung cánh trên không, nhìn thấy các gia súc dưới đất cũng hay trêu đùa một tí; trêu con chó gác cái trang ấp, làm nó sủa mãi, sủa hoài để khoe cái giàu có của chủ mà không thấy thẹn vì cảnh tôi đòi của bản thân, “chó cậy nhà, gà cậy chuồng”. Trêu con cừu đực non tự phụ, tự đắc như chính mình là ông chủ nhà, làm cho nó tức lồng lên nhưng không biết đánh ai, cứ húc mãi đầu vào không khí. Nhưng gặp đàn lợn con, người ta đưa đi bán, cứ than thân phải lìa mẹ, lìa cha quá sớm, thì ngỗng “chẳng còn bụng dạ nào mà nhạo báng”, liền gửi lời an ủi đám trẻ đáng thương.

Các loài vật không phải loài nào cũng tốt. Đàn ngỗng trời bay lần đầu trên mặt biển, lại gặp phải sương mù, thế mà có những con chim chơi ác, cố đánh lạc đường, rồi còn vờ thương hại; ra chim chóc cũng có “những giống khốn nạn” như vậy.

Dưới đất, các loài chuột còn tệ hơn. Trong lịch sử loài ấy có hai tộc đoàn chiến đấu với nhau hàng thế kỉ, tranh nhau quyền bá chủ đất Thụy Điển. Xưa kia chuột đen thống trị khắp nơi, nhưng rồi vài con chuột xám nghèo khổ, đói khát, từ một chiếc tàu thủy bò lên cảng Malmö. Chúng chỉ dám sống lay lắt như những kẻ khốn cùng không ai để ý, nhưng rồi sinh sôi nảy nở mà đông đúc lên, chúng như tằm ăn lá dâu, chiếm dần cả đất nước, dồn hết chuột đen sống sót vào một tòa lâu đài cổ cuối cùng. Chuột đen mà sa sút đến thế vì đã “tin chắc ở nền thống trị của chúng đến nỗi không nghĩ được là có thể bị tước hết quyền lực”.

“Phải nói thật là trong thời hùng cường của chúng, bọn chuột đen cũng đã bị tất cả các sinh linh khác thù ghét chẳng kém gì lũ chuột xám ngày nay, và có lí do… chúng đã phạm muôn nghìn tội ác. Nhưng từ khi chúng sa vào cảnh bất hạnh, mọi việc như đã được quên đi”, rồi người ta đâm ra thương hại chúng, nhất là cái đêm mà tất cả mọi vật đều đi dự hội hòa bình, đình chỉ mọi việc thù ghét, tranh giành, chuột xám liền tập hợp nhau lại, không đi hội mà kéo đến đánh lén tòa lâu đài của chuột đen bỏ trống không ai canh phòng. Ra loài chuột cũng biết “mưu mô thâm độc” khác gì loài người.

Trong “cuộc phiêu lưu kỳ diệu”, Nils chẳng có kẻ thù nào nguy hiểm và ngoan cố như con cáo Smirre. Nó đuổi theo đàn ngỗng qua mấy tỉnh liền, dai vô cùng, không chịu bỏ cuộc. Thủ đoạn của nó thì gian manh, giảo quyệt quá sức; muốn bắt Nils nó thông đồng với bọn quạ, chẳng do dự giết ngay con quạ che chở cho Nils; nó không ngần ngại đi điều đình cả với ngỗng đầu đàn đã mang ơn Nils cứu thoát khỏi đôi hàm răng của nó, muốn trả thù đàn ngỗng, nó mượn tay con cầy, con rái cá, biết làm cho chúng nó tin, biết kích động chúng nó, và việc không thành thì quay ngoắt trở mặt tức thì, không thèm nghe chúng phân trần lấy một lời. Đến hội múa chim hạc để cùng các loài vật sống hòa bình một ngày với nhau, nó thừa cơ cắn cổ một con ngỗng tha đi, đến nỗi các loài khác phải tuyên án đày nó biệt xứ, và đám cáo con phải đuổi theo cắn sứt tai nó đi.

Trong truyện dân gian của dân tộc nào, thời đại nào, con cáo cũng là biểu tượng của sự gian ác, nhưng mà chẳng nơi nào nó đã được tả giống với những người gian ác như trong Cuộc phiêu lưu kì diệu này.

Bọn quạ khoang cũng vậy, chúng “độc ác, tham tàn khinh bạc và liều lĩnh như những tên côn đồ hay quân du đãng”. Chúng khoái chí kể cho nhau nghe những tội ác của chúng, con này tự hào là đã thực hiện được một vụ đểu cáng, khủng khiếp hơn con kia. Và đối với chúng thì “chẳng có cái gì thích bằng tiền”. Chúng đánh nhau để cướp tiền và “được một đồng là liền vội vàng bay đi giấu của”. Thấy chúng như vậy, Nils phải kêu lên: “Thủ lĩnh của chúng bay phải là đồ xấu xa, mới để cho chúng bay giết chóc và cướp bóc như thế”. Quả thật như thế. Trước kia cả đàn sống lương thiện, khi dòng họ Lông Trắng lâu đời, cha truyền con nối làm thủ lĩnh. Nhưng cảnh nghèo khổ trầm trọng làm chúng nổi loạn, lật đổ dòng Lông Trắng, trao quyền cho vợ chồng con Cuồng Phong độc ác và dã man; thế là dưới triều đại của hai vợ chồng ấy, đàn quạ tha hồ trộm cướp, giết chóc. Con cháu còn sót lại của họ Lông Trắng là Fumle-Drumle thì vợ chồng Cuồng Phong ban ngày có vẻ thân thiện, nhưng đêm đến là tìm cách đánh chết.

Fumle-Drumle che chở Nils, cõng Nils đi trốn, vừa được đàn quạ khoang bầu làm thủ lĩnh thay Cuồng Phong, thì bị con cáo Smirre vồ chết ngay. Thế giới loài vật mà cũng có bên Thiện, bên Ác, có âm mưu, có đảo chính; rõ ràng là Selma Lagerlöf chỉ mượn các quần thể động vật để tả cái xã hội loài người, như mọi truyện ngụ ngôn.

Cũng có khi tác giả tả hẳn những con người, tất nhiên là không quên có kẻ tốt, người xấu; và không những chỉ xấu với loài vật mà xấu cả với loài người nữa. Một hôm quốc vương Thụy Điển kể cho một người trông coi công viên Skansen nghe sự tích bờ phá Mälar ở kinh đô Stockholm. Ngày xưa những nữ thần ônđin thường đêm đêm từ biển đội lốt những con hải cẩu, lên các đảo múa hát vui chơi. Một anh dân chài đem giấu một bộ da hải cẩu đi, rồi vờ ngủ say. Gần sáng, một nàng ônđin không có bộ da để trở về biển, anh dân chài còn vờ vĩnh ngỡ nàng đắm tàu, rồi ăn nói dịu dàng rủ nàng về ở nhà mình; ít lâu sau thì gạ được nàng lấy mình. Hôm làm lễ cưới, chắc mẩm làm chủ được nàng rồi, anh ta đưa ra khỏe bộ da hải cẩu. Nàng liền khoác vào mình và lao xuống biển, trở về chốn thủy cung với chị em, thì anh dân chài phóng theo cái gậy bịt sắt nhọn. Nàng chết, máu hòa vào nước làm cho phong cảnh bờ phá Mälar rực ánh hồng như cái vỏ ngọc trai. Ôi! Lại một truyện Mỵ Châu! Ra con người ta có thể điêu, rồi ác với người đẹp đến như vậy.

Cũng trong một chương sách ấy, Selma Lagerlöf thuật lại việc Nils bị bán cho công viên Skansen. Một anh dân chài bắn đàn ngỗng, làm cho Nils lộn nhào xuống biển, anh ta trói tay chân chú lại, lấy giẻ nhét vào mồm rồi đem đi bán. Gặp ông Klement anh ta trâng tráo hỏi là mình có thể đòi ông giám đốc trả giá bao nhiêu. Ông Klement bảo anh ta rằng đó là một linh vật siêu phàm, anh ta cứ “trơ trơ đáp lại: – tôi chẳng cần biết nó là cái gì cả. Những người khác cứ việc mà quyết định nó là cái gì đi, còn tôi thì sẽ rất hài lòng nếu người ta mua đi cho tôi, thế là đủ”.

Anh dân chài bắn rụng Nils, rồi đem đi bán trâng tráo như vậy, nhưng nhạc công Klement Larsson, “người nông dân đáng thương tỉnh Hälsingland” thì vừa trông thấy Nils là “cảm thấy trong lòng đau khổ quá chừng… một nỗi khắc khoải thực sự làm nghẹt tim ông. Hình như mẹ già của ông đang đứng bên cạnh, cầu khẩn ông nên nhân hậu”. Ông ta nghèo khổ lắm, sắp sửa vào viện tế bần, thế mà bỏ ngay ra hai chục đồng tiền vàng mua lấy Nils, để trả lại tự do cho chú. Việc làm của ông ta đêm đêm còn được những cô gái chăn bò kể lại cho nhau nghe như truyện cổ dân gian, trên các sườn núi và cao nguyên tỉnh Hälsingland.

Trong dân gian, giữa những người lao động, kẻ thiện người ác phân biệt rõ ràng. Selma Lagerlöf đều tả rành mạch, “có đâu thiên vị người nào”.

7. Mượn loài vật để dạy loài người

Trong lời đề tặng bộ Thơ ngụ ngôn của mình, La Fontaine viết:

Tôi làm thơ về các Nhân vật,
Đào kép do Esop sinh ra,
Mà Sự tích dù còn bịa đặt
Vẫn chứa đầy bao nhiêu sự thật
Có thể làm bài học cho đời,
Trong Sách tôi tất cả đều nói,
Kể cả Cá. Điều chúng nói ra
Là nói với tất cả chúng ta
Mượn Loài Vật tôi dạy Người vậy.

Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils cũng là một cuốn ngụ ngôn dài “có thể làm bài học” như thế, chủ yếu là cho trẻ em; và đứa trẻ đã được dạy dỗ ở đây để làm gương cho tất cả bạn trẻ của tác giả là Nils Holgersson.

Ở nhà, Nils chỉ làm phiền lòng bố mẹ vì “lười quá sức, ỳ quá sức, chẳng muốn học hành gì, chỉ có thể đi chăn ngỗng được mà thôi… nhưng mẹ buồn nhất là thấy chú độc ác quá, nhẫn tâm quá, tàn bạo với súc vật, xấu bụng với mọi người. Trong nhà, từ gà, ngỗng cho đến mèo, bò đều ghét chú, vì đều là nạn nhân của những trò nghịch ác của chú”.

Thế mà vì ác mà bị biến thành Tí Hon, rồi tình cờ được đi theo ngỗng trời và phải trải qua đủ mọi thứ nguy hiểm, gian truân, ở vào những tình thế thật bất ngờ, lắm cảnh ngộ thật éo le; ngủ đêm trên mặt hồ đóng băng, ăn cá sống, cỏ dại, bị bão và sương mù đưa đi lạc hướng, bị gió thổi bay xuống đất, bị người bắn rơi xuống biển, bị cáo đuổi đánh, bị quạ bắt tha đi nộp cho cáo, bị gấu mẹ bắt làm đồ chơi cho gấu con, bị gấu bố bắt đi đốt nhà máy, bị người ta bắt bán cho công viên để nhốt trong chuồng thú cho khách đến xem như thể thú vật. Thật là một cuộc phiêu lưu phi thường, diễn ra trên trời dưới biển, trong rừng, ngoài nội và “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, Nils đã mắt thấy bao nhiêu việc, tai nghe bao nhiêu chuyện, đầu óc nhận được bao nhiêu bài học, tấm lòng trải qua bao nhiêu tình cảm. Đối với Nils, hoàn cảnh là trường học sinh động; còn giáo đạo là những kẻ mà Nils đã gặp, cùng sống trong cuộc lữ hành nghìn dặm, vì Selma Lagerlöf cũng đã “mượn loài Vật để dạy loài Người” vậy.

Đầu tiên khai tâm cho Nils là ngỗng cái già Akka và bài học vỡ lòng cần thiết nhất trong cuộc đời gian khổ là bài học cương nghị. Trong buổi bay đầu tiên, ngỗng nhà Mårten cõng Nils, chưa quen bay xa, cứ tụ lại, Akka không chờ mà bảo “bay nhanh dễ hơn bay chậm”; Mårten cứ sa dần xuống, Akka không hạ xuống theo, mà bảo “bay cao dễ hơn bay thấp”; thế rồi cố gắng, Mårten cũng theo kịp được đàn. Các ngỗng con di cư lần đầu trong đời, khổ sở vì tốc độ của đàn, kêu mỏi cánh, thì Akka bảo: “bay tiếp sẽ đỡ mỏi”; kêu đó, Akka lại bảo: “ngỗng trời phải biết uống gió và ăn không khí”, thế rồi mọi việc đâu vào đấy cả. Sau này con đại bàng Gorgo bị nhốt ở công viên đành chờ cái chết, cứ lịm dần đi, Nils động viên nó chớ ngã lòng, “mình sẽ giải phóng cậu trước khi cậu hoàn toàn là kẻ bị bỏ đi”, rõ ràng là nhắc lại cho nó bài học cương nghị vậy.

Những bài học quan trọng nhất của Akka là dạy cho người ta sống lương thiện; Gorgo là con đại bàng non mồ côi cả bố lẫn mẹ, Akka vất vả hết sức mới nuôi nó sống được, và dù nó thuộc loài ăn thịt, là giống côn đồ giữa các loài chim, vẫn cố dạy cho nó thành “một con chim lương thiện”, và nói đi nói lại mãi điều đó như một điệp khúc. “Akka tự cho rằng nuôi dạy một con đại bàng thành một con chim hiền lành và vô hại là một điểm danh dự”, nhưng bản tính giống loài của nó thì làm sao mà thay đổi đi được, tuy vậy suốt đời nó không bao giờ đánh một con ngỗng và “trong thế gian nó chỉ sợ có một kẻ: Akka, mẹ nuôi của nó”. Đối với Nils thì Gorgo trung hậu, biết đền ơn trả nghĩa khiến Nils phải nói: “Mình thấy ngay là cậu đã có một bà mẹ nuôi hiền đức; mẹ Akka núi Kebnekaise”.

Mới biết Nils có mấy hôm, Akka đã khuyên chú hãy “ăn ở tử tế với những con vật nhỏ trong rừng, ngoài nội”. Với con cáo Smirre, Akka nói: “một đứa có nào răng nào vuốt như mày lại đuổi theo những kẻ không có gì để tự vệ thì có hay gì?”, Smirre gạ Akka nộp Nils cho nó rồi nó sẽ thôi săn đuổi đàn ngỗng thì Akka kêu lên: “Nộp cho mày à! Mày nói dễ nghe nhỉ! Từ con non nhất đến con già nhất trong đàn chúng ta đều vui lòng hi sinh tính mạng vì nó”.

Trước đó, Nils “chưa bao giờ thương yêu ai cả; chú chưa bao giờ yêu bố chú, cả mẹ chú, cả thầy giáo, cả các bạn học”. Nhưng đêm ấy, câu trả lời của Akka cho con cáo, làm chú thao thức mãi. “Không bao giờ chú có thể ngờ là sẽ được nghe một điều như thế, nghe một ai tuyên bố là sẵn sàng liều chết vì chú. Kể từ lúc đó, người ta không thể nói được về Nils rằng chú không thương yêu một ai cả”.

Akka không chỉ dạy điều hay mà còn làm việc phải, quyết tâm giúp chuột đen chống lại âm mưu thâm độc của chuột xám, mặc kệ sếu già bi quan cứ bàn ra; Akka báo cho con nai Lông Xám vị trí của kẻ thù là bọn người và chó đi săn, để nai đề phòng và đối phó.

Những loài vật và Nils tiếp xúc hay nghe nói, cũng đều để lại cho chú nhiều điều suy nghĩ, nhiều mối cảm xúc, nhiều niềm kính phục; con ngỗng đực Mårten hết lòng che chở Nils, và đỡ đần ngỗng non Lông Tơ Mịn bị lạc đàn; con vịt trời non Jarro không chịu đem thân làm con mồi giết hại đồng loại; con chó Karr trót làm việc không hay, “hối hận như là người vậy”; con gấu định ăn thịt Nils nhưng được Nils cứu thoát, không quên quay lại đền ơn; con cừu đực già đưa Nils đi xem đống xương của đàn cừu bị ba con cáo tàn sát để kích động lòng yêu chính nghĩa của Nils, mong Nils “ra tay tế độ”; con sếu già ân hận vì đã coi thường Nils, đích thân cõng Nils bay đi họp hội múa chim hạc, đêm Phục sinh lại cõng Nils đi cứu thành phố Vineta bị chìm xuống đáy biển đã một trăm năm rồi.

Nhưng cảm động nhất là cuộc đời và cái chết của đôi bạn: con chó già và con nai Lông Xám. Con nai từ nhỏ “đã sống trong cảnh giam cầm”, không biết tự do là gì, an phận để người ta bán cho vườn bách thú nước ngoài, để lại tiếp tục sống cuộc đời an nhàn vô tích sự. Con chó già nói kích nó, đưa nó đi xem rừng, nhắc lại dòng họ của nó, quê hương của nó, đem nó đi tiếp xúc với đồng loại của nó sống phóng khoáng trong thiên nhiên, làm thấm vào lòng nó cái ý thức “nai xứ lạnh với rừng hoang chỉ là một”. Thế là nai hiểu, trở về với rừng. Một hôm, đàn nai bị thợ săn lùng giết, Lông Xám hút phường săn đuổi theo mình để đánh lạc hướng, cho đàn của mình thoát hiểm. Đến bước đường cùng, nai quay lại xông vào bọn chó và thợ săn, kêu lên bảo đàn ngỗng trời đã giúp nó chiến đấu với kẻ thù kia: “Này, chờ xem cảnh kết thúc. Sau này đi qua rừng hãy tìm chó Karr nói lại rằng bạn già Lông Xám của Karr đã chết một cái chết đẹp”.

Nghe tin bạn xả thân cứu đàn, chó già tự hào: “Lông Xám đã sống một cuộc đời lương thiện. Nó biết rằng ta là một con chó trung thực, và ta vui sướng được biết là nó đã chết một cái chết đẹp… Giờ thì ta đã được biết tất cả những gì ta cần biết để mãn nguyện đi đến cái chết!”

Những “bài học” như thế thì còn cần gì những lời bình luận dông dài nữa. Được dạy dỗ qua những thực tế như vậy thì Nils có hư mấy đi nữa, cũng phải thành ra một con người trung hậu, chính trực. Và Nils đã được như thế thật.

8. Chuyến đi nên người

Lagerlöf viết truyện ngụ ngôn mà xây dựng nhân vật có diễn biến tâm lí phức tạp chẳng khác gì trong tiểu thuyết xã hội. Bị biến thành Tí Hon, Nils thấy khủng khiếp vì mất cái thân phận con người; rồi đi với đàn ngỗng phải ăn cái quả dại, con cá sống đầu tiên, thấy khổ tâm, không biết là mẹ mình sẽ nghĩ thế nào, nói thế nào về mình. Gặp lại bạn là Åsa mà Mats thấy chúng không giấu nổi vẻ kinh hoàng thì “nỗi xấu hổ và đau đớn vì không được là một con người nữa làm cho lòng chú khắc khoải. Chú chạy trốn mà không biết mình sẽ đi đâu”.

Đau xót vì không còn là người, nhưng đến với loài vật thì chính những con ngỗng đã cho mình nhập đàn, khi biết mình là người đều tức giận, vì “không chịu được cái giống người… đã hiểu được là phải ghê sợ tất cả những gì thuộc về loài người”. Người vốn là kẻ thù của tất cả các loài vật hoang dã trong thiên nhiên, vì vẫn đuổi bắt, bắn giết tất cả các loài. Về với người không được, ở với vật không xong, đó là cái cảnh ngộ éo le, cái thế lưỡng đao, cái tình trạng tiến thoái lưỡng nan, mở đầu cuộc phiêu lưu ngàn dặm của Nils Holgersson.

Nhưng hôm sau thấy Akka bị con cáo bắt, ý thức con người nổi dậy, Nils không kịp nghĩ rằng mình chỉ bé bằng có gang tay, liền xông vào túm lấy cáo, cứu ngỗng. Akka xin được gia thần cho Nils trở lại làm người, nhưng Nils khóc không chịu về nhà, quyết theo đàn ngỗng đi mãi lên quê hương của đàn.

Con sóc Sirle kể lại là năm ngoái Nils phá các tổ chim én, đập nát trứng chim sẻ đá, bắt quạ con ném xuống ao, đánh bẫy chim sáo, bắt sóc nhốt lồng. Nhưng nay thấy vợ Sirle vừa đẻ đã bị người ta bắt mất, Nils “liều mình vào giữa loài người”, cứu đàn sóc con khỏi chết đói, khiến người ta xấu hổ, phải thả sóc mẹ về rừng. Nhập đàn với ngỗng, Nils sợ những người bạn mới ấy biết những trò nghịch ác cũ của mình mà đuổi mình đi, chú đã biết ghét những cái xấu của mình, và quyết tâm chỉ làm việc tốt. Thế là Nils bắt đầu cứu giúp những ai gặp hoạn nạn, trước tiên là thổi sáo dụ chuột xám đi xa, cứu nguy cho chuột đen.

Nhưng một đêm mưa xuân, lang thang trong phố vắng, trông thấy con người đầu tiên từ khi ra đi với ngỗng, Nils suýt khóc, rồi nhớ tiếc bao thứ tốt đẹp của loài người mà mình đã phải bỏ đi. Càng nghĩ càng thấy yêu mến con người, và càng sợ rồi không thể nào trở lại thành người được nữa.

Ban đêm, Nils canh gác, đánh ngã lăn con cầy xứ lạnh, đánh lộn nhào con rái cá, để cho đàn ngỗng ngủ yên; đánh tan ba con cáo lẻn vào giết những con cừu trong hang, lừa cho ba con cáo sa xuống lỗ Địa ngục để cứu cả đàn cừu ở trên đảo; vuốt mắt cho bà lão nông dân chết một mình; cứu Jarro thoát khỏi cái kiếp làm con chim mồi nhử đồng loại vào chỗ chết, cứu chú bé Per Ola sắp đắm thuyền, cứu Åsa và Mats thoát chết vì băng tan trên hồ; giữa lưới thép cho đại bàng Gorgo thoát cũi xổ lồng.

Bao nhiêu việc khó khăn mà Nils đều làm thành công là vì chú mưu trí, và gặp tình huống bất ngờ thì lại biết cách đối phó nhanh chóng. Hoàn cảnh càng khó khăn, tình huống càng rắc rối thì trí thông minh càng được kích thích mạnh, và Nils càng cao mưu càng nhanh trí. Đánh với một con cáo thì Nils túm lấy đuôi nó mà bắt nó quay quanh tít mù; đánh với ba con cáo thì Nils cưỡi cừu và điều khiển cừu húc cho chúng ngã ngửa, rồi cưỡi ngỗng đi lững thững khích bác, chế giễu chúng, buộc chúng đuổi theo mình để đưa chúng sa xuống hố. Bị quạ bắt tha đi, chú đùa nghịch với các loài chim gặp dọc đường, chim sáo, chim gáy, sẻ đá, vịt trời, mượn lời chúng báo cho đàn ngỗng biết mình bị đem đi đâu, để lần theo vết mà tìm, khác nào Tí Hon trong truyện của Perô rắc cuội đánh dấu đường đi vậy. Bị cả đàn quạ xông đến đánh, Nils nhảy vào cái hũ rồi vốc tiền trong hũ ném ra, làm quạ vốn tham tiền tranh nhau, đánh nhau loạn xạ, quên mất Nils. Bị con cáo đuổi sát, Nils tháo xích cho con chó xông ra vồ lấy cáo, rồi xích luôn cổ cáo vào ổ chó.

Vì thông minh, mưu trí, Nils đã chinh phục được thiện cảm của biết bao bạn đọc trẻ tuổi trên thế giới. Nhưng hình tượng Nils Holgersson còn được yêu quý hơn nữa là vì Selma Lagerlöf đã cho nó một tấm lòng với những đức tính thực sự tốt đẹp. Trước tiên là đức chính trực. Bị bao vây giữa cả đàn quạ, Nils không chút sợ hãi, lớn tiếng mắng chúng sống như lũ côn đồ, và vạch mặt thủ lĩnh của chúng là quân bạo chúa.

Nils đã phải chạm trán với nhiều kẻ thù trong nhiều vụ “đụng độ” ác liệt, nhưng chẳng bao giờ vì lòng thích phiêu lưu, mạo hiểm, hay để tỏ ra anh hùng hảo hán cả. Mà lần nào cũng chỉ vì “thấy người hoạn nạn thì thương” dù có nguy hiểm cho mình cũng không đang tâm bỏ mặc họ được. Đang đêm tối, ba con cáo len lén đến gần, “thấy là mình phải đương đầu với một nguy cơ thực sự.. chú tự nhủ là nếu đánh thức đàn ngỗng dậy và bỏ chạy lấy thân, phó mặc đàn cừu cho số phận của chúng thì tai hại quá chừng”. Thế là Nils chuẩn bị ngay cuộc chiến đấu. Hôm sau đi thăm đống xương thịt của cừu đã bị bọn cáo tàn sát, “lòng chút thít lại… chú thành thật xót thương đàn cừu và rất muốn giúp chúng”, thế là lập tức bàn với Akka và Mårten cái mưu cao đẩy ba con cáo xuống sâu dưới lòng đất.

Một mình trong ngôi nhà vắng, trước cái xác chết của bà lão nông dân, Nils vuốt mắt cho bà, gập hai tay bà lại trước ngực, rẽ tóc cho bà, làm mọi bổn phận cuối cùng như đối với một người thân yêu vừa chết, “không hề nghĩ cả đến sợ nữa. Nghĩ đến việc bà đã sống tuổi già cô quạnh và buồn bã, lòng chú xót xa sâu sắc. Ít ra là chú cũng sẽ túc trực đêm nay bên cạnh thi hài bà”.

Cũng có lần Nils muốn cứu người mà không cứu được. Đó là cái đêm mà sếu già Ermenrich đưa Nils đến bờ biển, chờ thành phố Vineta bị vùi dưới đáy biển hiện lên trên mặt đất, để Nils làm cho thành phố sống lại và ở mãi trên dương thế. Chỉ cần một đồng tiền kẽm mua hàng của thành phố ma kia, là họ sẽ được tái sinh, thế mà Nils cũng không thể có được. “Nils xúc động và cảnh sầu khổ và vẻ mặt khắc khoải của họ quá sức… chú bé không cầm được nước mắt… chú lấy hai tay che mặt lại và bật lên khóc nức nở. Người ta không thể nói là ai sầu khổ hơn ai, chú bé hay là ông Ermenrich”. Sau đấy, Nils không nói một lời nào vui cứ “khăng khăng giữ lấy nỗi buồn” suốt hai ngày liền.

Hình tượng Nils, Selma Lagerlöf đã cố xây dựng cho toàn vẹn về mặt nội tâm. Là một đứa trẻ không tốt mà bắt đầu tốt, thấy những cái xấu của chính mình, Nils biết khiêm tốn. Túc trực cạnh thi hài bà lão nông dân chết vì thương nhớ con cháu, Nils nghĩ là bố mẹ mình cũng thương nhớ mình như thế thì sung sướng quá, “nhưng mà chú không dám nghĩ thế lâu. Chú đã ăn ở phải chăng được chút nào đâu để cho bất kì ai cũng có thể tiếc thương chú!”.

Trên bước đường phiêu lưu, được ai giúp đỡ, dù chỉ một chút, Nils cũng xúc động và nhớ ơn. Thấy người đàn bà cho con đại bàng chiếc bánh bơ mà mình sẽ được hưởng, “chú bé ứa nước mắt, không khóc vì mừng là khỏi phải nhịn đói nhiều ngày nữa, mà bởi vì bà chủ trại đã nhịn cái bánh để dành cho con chim hoang dã”, và Nils nguyện rằng “được trở lại làm người, sẽ đi tìm người đàn bà đẹp đó để cảm ơn bà ta đã có lòng tốt với mình”.

Bị giam, Nils đã hứa với ông Klement là chỉ bỏ trốn khi nào ông báo tin cho; ông được về quê và nhờ người báo tin cho Nils trốn đi, nhưng tin không đến nơi, còn Nils thì giũa được lưới thép, giải phóng cho đại bàng Gorgo bay đi và đành “nhìn theo mà buồn man mác, những mong có ai đến trả tự do cho cả mình nữa”, vì chú vẫn giữ lời hứa, chờ tin ông Klement. Đại bàng cứ tha bừa chú đi, chú vùng chạy trở lại: đại bàng phải viện cớ là nhờ chú đi nói hộ với Akka tha lỗi cho mình, còn mình thì mang chú đi tìm ông Klement để hỏi lại; bấy giờ chú mới chịu đi. Gặp những cảnh ngộ éo le, Selma Lagerlöf vẫn muốn Nils phải cố giữ cho được chữ tín.

Trong đời Nils và đàn ngỗng, không có kẻ thù nào độc ác bằng con cáo Smirre, thế mà gặp nó bị nhốt ở công viên với mình, Nils đã mách cho nó cách trở lại tự do; hỏi Akka thì ngỗng già trả lời là mình cũng muốn làm như vậy.

Gorgo là kẻ đã bị Akka từ bỏ, không cho gặp mặt, nhưng nghe nó đang bị bắt giam. Akka định đem ngay Nils đi tìm cách giải phóng cho nó. Đối với kẻ có lỗi như Gorgo, mà cả đối với kẻ thù địch như Smirre nữa, Akka và Nils đều có lượng khoan dung, sẵn sàng cứu giúp, hết sức nhân đạo.

Cứu giúp kẻ khác không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhiều khi không tránh khỏi hi sinh. Nils cứu con thiên nga khỏi bị cáo vồ, liền bị cáo xông lại đuổi bắt. Bị con gấu kẹp giữa hai chân và bóp, có thể nát nhừ ra, Nils vẫn cương quyết không chịu đốt nhà máy thép. Con gấu nói: “đã thế thì mày đừng mong ta để cho mày sống”, Nils khẳng khái đáp lại: “Không, ta không mong”. Tuy vậy, gấu bị một người đi săn rình bắn, Nils liền hô lên cho nó chạy thoát, dù nó đút luôn Nils vào mồm, “nửa thân hình chú lủng lẳng ở mồm gấu… nhưng mà chú đã quen giúp các loài vật đến nỗi không cần suy nghĩ gì cả”.

Cuộc lữ hành của Nils bắt đầu bằng một cái thế tiến thoái lưỡng nan, cũng lại kết thúc bằng một thế lưỡng đao thật là bi kịch.

Điều kiện của ông gia thần để Nils trở lại làm người là phải đem ngỗng đực Mårten về đến nhà để mẹ chú làm thịt. Akka đã tự mình đến, lại phái cả Gorgo đến gặp gia thần, xin thần tha cho Mårten, nhưng vô ích: thần lại còn nhắn Nils là phải về ngay vì gia đình sa sút, bố mẹ khốn cùng quá đỗi.

Thương cha nhớ mẹ, Nils chỉ mong được về nhà; mới thấy lại quê hương là mắt Nils đã rưng rưng lệ, nhưng mà về với gia đình, ở lại với quê hương, ấy là đưa ngỗng đực đến chỗ phải chết. Cái thế lưỡng đao ghê gớm quá. Nhưng mà Nils đã quyết định và nói với Bataki: “Cái ông gia thần ấy đặt ra một điều kiện đến nỗi làm cho tôi không sao mà có thể trở về giúp đỡ bố mẹ tôi được. Nhưng ông ta không làm cho tôi thành tên phản bội, đánh lừa bạn mình được. Bố và mẹ tôi là những người lương thiện, và tôi biết là sẽ muốn tôi đừng về giúp đỡ, còn hơn là thấy tôi trở về với cái lương tâm xấu xa”.

Bài toán cuối cùng gia thần đặt ra cho Nils thật là hiểm ác; và dù đau xót hết sức, Nils vẫn giải quyết không phải ân hận với lương tâm. Truyện ngụ ngôn nặng tính dân gian, thường kết cấu đơn giản, dễ mấy ai trong văn học thế giới mà có thể thắt một câu chuyện ngụ ngôn lại thành một cái nút khó gỡ đến như thế này; các bi kịch nổi tiếng như bi kịch cổ điển Pháp thế kỉ XVII cũng đâu có tình huống bi đát đến thế. Kịch Lơ Xit chỉ là xung đột giữa tình yêu với danh dự; cái kết thúc Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils là xung đột giữa hiếu với nghĩa, đều là những bổn phận lớn của con người, và Nils đã sống có nghĩa, có nhân; việc làm của Nils thật là nghĩa khí.

Không muốn để cho Mårten phải hi sinh cho mình, Nils giấu bạn cái quyết định của gia thần, nhưng cố khuyên Mårten đừng nghĩ đến việc về nhà, và gạ nó tiếp tục chu du ra nước ngoài cùng với ngỗng trời. Tuy không hiểu ý tốt của Nils, ngỗng đực vẫn khẳng khái: “cậu nhất quyết đi tiếp, tôi chẳng bỏ cậu đâu”. Ngỗng đực cũng có nghĩa không khác gì Nils.

Trước khi ra đi lại, và có thể là đi suốt đời không bao giờ trở về quê nhà, để cho Mårten khỏi bị giết, Nils cũng lén về thăm nhà một lát, mong có giúp cho bố mẹ được chút gì chăng, nhưng không dám ra mắt bố mẹ, sợ bố mẹ vì thấy hình hài bé nhỏ của mình mà buồn. “Chú nghĩ bố mẹ đã chẳng có gì sung sướng rồi, mình có nên thêm cho bố mẹ nỗi buồn phiền này nữa không”.

Nhưng khi thấy ngỗng đực Mårten chẳng hay biết gì cả, cứ dẫn vợ và sáu con, “bầu đoàn thê tử” về thăm nhà cũ, và liền bị mẹ mình tóm gọn đem giết, thì Nils quên hết mọi đều lo ngại, xông lên xin mẹ tha cho bạn; nhưng vừa bước chân vào nhà là liền được gia thần cho trở lại thành người. Truyện ngụ ngôn là phải kết thúc bằng “đại đoàn viên”; còn ngỗng đực và vợ con thì trong niềm vui lớn của gia đình, lại là bạn đường trung thành của Nils thì tất nhiên là phải được yêu quý lắm, chẳng cần “hạ hồi phân giải” cho thêm dài dòng như trong các truyện dân gian.

Nils vừa về nhà, con bò cái trông thấy liền nghĩ rằng: “cái tên Nils này, ra đi vào mùa xuân, dáng đi nặng nề lê lết, đôi mắt cứ như đang ngủ; nhưng cái kẻ trở về đầy nhanh nhẹn, dẻo dai, nói năng hoạt bát, đôi mắt long lanh, rực rỡ, tư thế thật đoan trang và quả quyết, và dù bé nhỏ như vậy vẫn làm cho người ta phải nể vì”.

Cuộc lữ hành đã biến đổi Nils như vậy; về đến đích Nils được trở lại làm người và đã nên người. Thật là cuộc đi nên người. Và cuộc lữ hành ấy, Selma Lagerlöf gọi là “kỳ diệu” nhưng chắc trong thâm tâm của tác giả thì kỳ diệu không phải là nhiều bước phiêu lưu, lắm việc lạ lùng, bao phen hồi hộp… mà kỳ diệu là ở việc thay đổi trí tuệ và lương tâm của Nils. Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils không phải chỉ là một cuốn sách địa lí và sinh vật học, mà trong ý của tác giả trước hết phải là một cuốn sách luân lí.

Than thở với Akka, nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ được trở lại làm người nữa, Nils vẫn không thấy tiếc rẻ gì, chú nói: “Tôi muốn mẹ biết rằng tôi không tiếc là đã đi theo đàn mùa xuân vừa qua. Đối với tôi chẳng thà không trở lại làm người còn hơn là không được đi cái chuyến vừa rồi’.

Nils muốn nói là đi để học làm người cho ra người, việc đó quan trọng hơn là cứ làm người mà không ra cái con người gì cả. Bài học kể ra cũng thật là nghiêm khắc.

Đọc cuốn truyện này viết trên đất Thụy Điển, trong băng giá Bắc Âu, người ta không thể không liên tưởng đến một cuốn truyện khác cũng viết cho trẻ em trên đất Italia dưới mặt trời Địa Trung Hải: cuốn những cuộc phiêu lưu của Pinochio. Collodi cho con rối bằng gỗ ấy biến thành người vì nó thiết tha muốn được làm người, và đã phải cố gắng làm việc tốt để xứng đáng là người. Selma Lagerlöf thì nghiệt hơn nhiều: Nils Holgersson là người hẳn hoi, thế mà chỉ vì một vụ nghịch ác đã bị biến thành gia thần, rồi phải đi, phải sống mãi với loài vật, và chỉ khi đã làm được thật nhiều việc tốt, bấy giờ mới được trở lại làm người. Ra cái danh hiệu con người là quý thế đấy. Vả cả hai nhà văn Collodi cũng như Lagerlöf, đều muốn đem cho trẻ em lòng tự hào được làm người cùng với cái ý thức phải ăn ở thế nào cho xứng đáng là con người.

9. Cuốn sách đạo lí cho cả người lớn và trẻ em

Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils không phải chỉ toàn là ngụ ngôn, cổ tích, truyền thuyết riêng cho trẻ em, mà có xen vào nhiều truyện rất hiện thực và thường là rất cảm động, như truyện Bà lão nông dân và nhất là Åsa, cô bé chăn ngỗng, và bé Mats.

Kể truyện bà lão nông dân chết không có con cháu vuốt mắt, tác giả đã cho thấy là “bố mẹ có thể nhớ thương con cháu đến thế, cuộc đời đối với họ hình như đã hết khi con cháu bỏ họ ra đi”.

Gia đình Åsa nghe đồn là một bà lão digan sẽ chài cho họ chết hết, nếu họ để người đàn bà ho lao vào ở nhà họ; lời đồn đó tác động vào tâm trí họ rất mạnh, nhưng họ không đuổi người ốm đi, và người ấy chết luôn trong nhà họ, lây bệnh lao cho gia đình họ chết mất năm người, và làm cho ông bố như mất trí, bỏ đi biệt tích. Nhưng bà mẹ trước khi chết còn “nhắc lại các con phải nhớ là mẹ không bao giờ tiếc đã đón người đàn bà bệnh hoạn tội nghiệp kia vào nhà. Bà nói là chết chẳng có gì khó cả, khi đã làm xong bổn phận mình, mọi người ai cũng phải chết, sớm hay muộn, chẳng ai thoát được. Muốn ra đi lương tâm thanh thản hay lương tâm nặng chề chề thì mỗi người được tùy mình chọn lấy”.

Bài học thương người, nhân đạo chủ nghĩa là để dạy cho trẻ em, nhưng quan niệm về cái chết khắc kỉ chủ nghĩa đến như thế thì chẳng phải là để cho những người ở cái tuổi đã phải nghĩ đến cái chết là gì. Nói cho đúng thì trong những bài học đạo đức cho trẻ em của Lagerlöf, có không ít chân lí để cho người lớn, người già cũng phải suy nghĩ.

Åsa và Mats, hai chị em mồ côi phải làm lụng nuôi nhau, và đi bộ suốt cả đất nước mênh mông để tìm bố, nhưng một hôm ở một khu mỏ “mìn nổ ầm ầm, công nhân không bao giờ dám chắc là không bị đá lạc đập phải hay núi đổ đè lên”, bé Mats mới mười hai tuổi đã phải chết vì mìn, Åsa mới mười bốn tuổi quyết định làm đám tang cho em như một người lớn vậy, không ngại tốn kém; ông giám đốc khu mỏ không muốn cho Åsa phí tiền của vô ích, công nhân và vợ con họ đều tán thành vì ông ta là người oai quyền nhất cả vùng ấy. Åsa liền tự mình đến gặp ông giám đốc, nói cho ông ta rõ lí do của việc mình định làm, mà như đọc bài điếu văn, đơn sơ nhưng rất tự hào, cho em mình vậy “Từ khi lên chín, bé Mats đã không còn cả cha lẫn mẹ, và đã bắt buộc phải kiếm ăn để nuôi thân như một người lớn. Không bao giờ bé muốn ăn xin ai, dù chỉ là một bữa. Bé lúc nào cũng nói rằng xin người bố thí cho là không xứng đáng làm người… như vậy người ta không có quyền nói rằng bé Mats chỉ là một đứa trẻ con, và người lớn cũng không phải nhiều người đã…” và tác giả viết thêm: “Åsa, cô bé chăn ngỗng ngừng lại, cho rằng chẳng cần nói tiếp nữa”.

Truyện thật cảm động, cả gia đình Åsa chết gần hết mà “cô bé đã mất cả cha mẹ, anh em, chị em, vẫn không gãy gục”. Truyện như thế đâu phải chỉ viết cho trẻ em. Selma Lagerlöf đã “mượn loài vật” để dạy trẻ em, thì cũng có lúc mượn trẻ em để dạy người lớn nữa. Và chính nhiều truyện rất hay trong Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils, những truyện thâm thúy buộc người đọc phải suy nghĩ, là cốt để nói với người lớn nhiều hơn là với trẻ em. Chẳng hạn truyện Khu vườn xinh đẹp.

Ngày xưa, tôn ông Karl, lãnh chúa cả xứ Sörmland, vừa du lịch trở về, sau bữa ăn ngon đứng ngắm vườn tược, vui sướng nghĩ rằng chẳng nơi nào trên thế gian có thể đẹp bằng vườn nhà mình được, thì bỗng nghe tiếng người lão bộc thở dài vì phải làm lụng hết ngày này sang ngày khác. Tôn ông thường không muốn nghe tôi tớ than phiền, liền quát to: “Ta quả quyết với lão rằng ta sẽ rất thích thú nếu được đào xới đất đai xứ này suốt cả đời ta”. Đúng là cầu được, ước thấy, tôn ông Karl đã ở dưới mồ rồi mà nào có được an giấc ngàn thu, cứ đêm đêm lại phải trở về “khu vườn xinh đẹp” của mình, cầm cái mai xới đất. Vì thế mà thấy ai chết, ông ta cũng than thân tủi phận là mình không biết bao giờ mới được yên nghỉ, và cái chiếc mai kia chẳng thể nào trao lại cho ai được cả.

Tôn ông Karl chẳng có gì khác thường, chẳng qua cũng chỉ nói những lời như số đông các ông chủ, bà chủ ăn không ngồi rồi, nhưng mở mồm ra là mắng tôi tớ lười biếng, và tự đem mình ra làm gương mẫu; chỉ có điều là Selma Lagerlöf đã bắt tôn ông Karl trả nợ đời thay cho tất cả các ông chủ, bà chủ khác mà thôi.

Trước khi trở lại quê nhà, Nils đã được con quạ già Bataki kể cho nghe một truyện khiến Nils phải suy nghĩ mãi. Một người đánh xe chở thùng gỗ đi đường bị chó sói đuổi, bỗng thấy một bà lão ăn xin già nua, khốn khổ, gù và thọt đi ngược lại phía mình, vì không hay biết gì cả. Cứ mặc cho bà ta đi để gặp đàn sói và làm mồi cho chúng là anh ta chắc chắn thoát được. Nhưng từ trước đến lúc ấy, anh ta chưa hề làm gì xấu cả, bây giờ mà làm thế tức là chấm dứt tất cả cuộc đời lương thiện. Nên anh ta bèn dừng xe, mời bà lão lên với mình, và vì thế mà xe nặng, chạy chậm, bị sói đuổi kịp. Anh ta liền cáu gắt, mắng bà lão và tự giận mình đã ngu dại mời bà lão lên cho nguy đến thân. Bà lão muốn hi sinh thân mình, nhảy xuống cho sói ăn thịt, để anh đánh xe có thể chạy thoát. Không nỡ nhẫn tâm đến thế, anh ta mới nghĩ ra một kế, đẩy xuống đường cái thùng to nhất, rồi tự mình nhảy vào trong thùng, hút đàn sói bâu lại quanh thùng nhưng không tài nào lật đổ được thùng để ăn thịt anh ta, trong khi bà lão đánh xe về làng gọi người đến cứu.

Quạ Bataki muốn nhắc đến cái thế lưỡng đao mà người ta có thể gặp phải trong đời, và khuyên người ta là trong trường hợp tiến thoái lưỡng nan vẫn nên cố tìm lối thoát nào đừng để thiệt cho mình, cũng đừng làm hại cho người. Bài học đạo lí này rõ ràng là cần thiết với người lớn, chứ trẻ em thì mấy khi gặp phải cái thế lưỡng đao như chú Nils ấy.

Nói đến những sách dạy người về đạo lí, không ai là không nghĩ đến Thơ ngụ ngôn của La Fontaine, có thể xem như cuốn sách nổi tiếng nhất xưa nay về loại này. Nhưng bài học luân lí trong ngụ ngôn của La Fontaine phần lớn đều rút ra từ kinh nghiệm ở đời; mà cuộc đời trong các ngụ ngôn thì toàn do bọn cường bạo thống trị bằng vũ lực và bọn gian manh lợi dụng bằng nịnh hót, dối trá, lừa đảo; và trò đời thường là mạnh được yếu thua. Bài học của các ngụ ngôn chỉ là những lời khuyên người ta khôn ngoan, và thường là khôn vặt, để tránh bọn cường bạo và bọn gian manh. J.J. Rousseau trong thế kỉ XVIII đã cảnh tỉnh các nhà giáo dục là qua các ngụ ngôn của La Fontaine, cái xấu, cái ác dễ thấm vào tâm trí trẻ em hơn cái tốt, cái đẹp. Đạo lí mà các ngụ ngôn “dạy” cho người ta chẳng qua chỉ là cái thuật để sống yên thân trong xã hội bất công, cách xử thế như vậy xuất phát từ những lí do vị kỉ, rất xa với đức hi sinh, lòng nghĩa hiệp, việc anh hùng.

Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils trái lại, dạy người ta quý trọng tự do, kính phục lao động, sống chính trực, chống bạo tàn, tôn trọng những kẻ bé nhỏ, cảm thông những nỗi đau khổ, xót thương người bần cùng, giúp đỡ kẻ hoạn nạn; tóm lại là gieo mầm chủ nghĩa nhân đạo vào tâm trí bạn đọc, dù trẻ hay già.

Cuộc lữ hành sắp kết thúc, “trông thấy mặt biển tự do, bát ngát, và mặt trời chiều đỏ thắm… Nils cảm thấy một cảnh thanh bình mênh mông, và một niềm an tâm sâu sắc thấm vào lòng mình. Mặt trời nói với chú rằng: “sống trên đời này vừa cho những người lớn, vừa cho những kẻ nhỏ, thích lắm chứ. Còn được tự do và vô tư lự, và có cả không gian trước mắt mình cũng là một điều tốt đẹp nữa”. Nghĩa là con người ta phải có một cuộc đời đạo đức, nhưng còn có một cuộc đời thơ mộng nữa. Dù là một cuốn sách đạo đức học, Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils còn là một tác phẩm chan chứa chất thơ. Những người chăn cừu ở Öland ước ao hòn đảo nghèo của họ bay bổng lên trời với đôi cánh bướm, đêm lễ nữ thánh Valborg, người ta đốt lên hàng trăm đống lửa để biểu hiện niềm vui của con người cần bay bổng lên trời và “như muốn đánh thức cả mùa xuân dậy”. Tại hội múa chim hạc, “không còn con vật nào nghĩ đến đấu chọi nữa, mà tất cả những vật có cánh và không có cánh đều khát khao bay bổng lên cao hơn những tầng mây… mong vứt bỏ cái thể xác nặng nề đã kéo chúng xuống mặt đất, để bay bổng lên trời cao”.

Ở trên trời, đàn ngỗng bay đến đâu, ở dưới đất cũng có người cất tiếng hỏi bay đi đâu. Với những thợ mỏ làm việc gian khổ, Nils nói: “Đến nơi không có cuốc chim, không có búa tạ”. Với người ốm ở bệnh viện, Nils bảo: “Đến nơi không có đau đớn, không có khổ sở”; và ai ở dưới đất cũng tựa hồ nghe tiếng nói của lòng mong mỏi của mình. Lao động còn vất vả mong được bớt nhọc nhằn, bệnh tật còn hoành hành mong được đỡ đau đớn. Giữa thực tại với tương lai, cũng như giữa mặt đất với tầng mây, còn chỗ cho ước mơ tha thiết, cho mộng tưởng nên thơ.

Nhưng ở đời ước mơ không đạt, mộng tưởng không thành thường để cho người ta không ít đau xót. Đêm lễ phục sinh, Nils thấy thành phố Vineta bị chìm dưới đáy biển, hiện lại trên mặt đất với tất cả vẻ tráng lệ, rực rỡ của nó; cư dân khẩn khoản nhờ giúp cho thành phố sống lại, nhưng Nils không thể nào làm theo ý họ được, và thành phố đành phải chìm lại xuống biển. Vì thế mà chú buồn đến mấy ngày liền. Để cho Nils khuây khỏa, đàn ngỗng đưa chú đến thành phố Visby, còn ở trên mặt đất nhưng mới trông thì thấy điêu tàn, hoang phế, và nhìn kĩ thì Nils nhận ra chính là thành phố mà hai đêm trước chú đã thấy tráng lệ, rực rỡ ở trên bờ biển, bỗng nhiên trở nên hoang tàn. “Nhưng cái mà Nils không thấy ấy là thành phố ngày nay vẫn còn đẹp tuyệt… Đôi mắt chú bị lóa vì vẻ tráng lệ của quá khứ, không thể tìm ra chút gì tốt đẹp trong hiện tại”.

Tuy vậy, “chú sẽ không sầu khổ nữa, bởi vì chú đã trông thấy thành phố này đây. Nếu thành phố kia mà không bị biển vùi lại lần nữa, thì có lẽ cuối cùng nó cũng phải suy tàn đi như thành phố này…. Thà rằng nó cứ ở dưới vực thẳm bí ẩn với tất cả vẻ huy hoàng nguyên vẹn còn hơn”.

Đó là ý nghĩ của đám trẻ tuổi. “Nhưng mà khi người ta về già và đã quen vùi lòng với cảnh đạm bạc thì người ta thích cái thành phố Visby còn tồn tại hơn là một thành phố xinh đẹp Vineta ở dưới đáy biển”. Quan niệm của người ta về quá khứ và hiện tại, về những nỗi thăng trầm của cuộc đời, người trẻ người già mỗi tuổi một khác. Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils là cuốn tiểu thuyết của mọi lứa tuổi, không riêng gì của trẻ em vậy.

10. “Tấn kịch rộng lớn trăm hồi đổi đổi thay thay”

Viết tiểu thuyết, Selma Lagerlöf có phương pháp rất độc đáo: xây dựng một cuốn truyện dài bằng nhiều truyện ngắn ghép lại rất mạch lạc, thành một khối thống nhất toàn vẹn, nhưng mà mỗi truyện ngắn thường cũng tình tiết hoàn chỉnh, có thể tách ra khỏi cuốn sách mà tồn tại độc lập được; và mỗi truyện ngắn là một saga thú vị. Truyện cổ Gösta Berlings cũng như Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils hai cuốn truyện dài nổi tiếng nhất của Lagerlöf, đều viết theo cái kiểu rất tài tình như vậy. Vì Selma Lagerlöf nói với bạn đọc chủ yếu là nói bằng saga.

Để làm nhiệm vụ tập đọc địa lí, có những saga lấy nào là mùa xuân, nước lụt, đồng bằng, hải đảo, vùng mỏ, miền rừng, nào là hội múa chim hạc, nào là lễ thánh Valborg, để tả sinh động và nên thơ.

Nhưng phần lớn các truyện là xây dựng bằng những chất liệu lấy trong thực tế. Cái chết cô quạnh của bà lão nông dân, bệnh truyền nhiễm với gia đình Åsa và bé Mats, lòng nhân hậu và trí thông minh của những người Lapps, tai nạn có thể xảy đến cho người ta khi đi qua mặt hồ mà băng bắt đầu tan, con người đi bắn chim ngoài biển, giết nai trong rừng, bắt loài vật giam cầm hay dùng làm mồi để nhử đồng loại của chúng mà sát hại, chiếm đoạt nơi ăn chốn ở của cá nước, chim trời; những việc trong thiên nhiên và trong xã hội mà mới ngó tưởng như chẳng có gì đáng để viết thành văn chương, thế mà dưới ngòi bút của Lagerlöf đã thành ra những truyện rất cảm động, đậm tinh thần nhân đạo, nặng ý thức trách nhiệm.

Lagerlöf lại hay lấy nhiều truyện cổ dân gian, sự tích các địa phương, truyền thuyết các thời đại, đem viết lại thành những thứ “cố sự tân biên” nhưng để cho hay hơn, nghệ thuật hơn, không có dụng ý gì hiện đại hóa. Nhưng phần nhiều các saga là do chính tác giả hư cấu ra để giải thích các hiện tượng, phân tích các sự kiện, hay thường là chỉ trình bày các hiện tượng, các sự kiện mà ai cũng thấy, cũng biết bằng hình tượng của mộng tưởng, ngôn ngữ của huyền thoại; đảo Öland có hình dài mà hẹp thành ra con bướm bị mất đôi cánh, là một khối đá vôi nên đó là xác bướm rơi xuống biển. Các thành phố có khi bị sóng thần vùi dập, có khi cứ lún dần xuống biển, hoặc phải trải qua lắm phen thăng trầm, để lại những phế tích làm vang bóng của những thời xưa rực rỡ, huy hoàng. Visby ngày nay bị gọi là “thành phố của phế tích và hoa hồng”, nhưng ngày xưa đã được suy tôn là “vương hậu các biển phương Bắc”, cảnh tang thương đó ai ngờ đã được biến thành cái truyện về nỗi lòng của Nils trước quá khứ và hiện tại.

Một địa phương có non xanh nước biếc, được biến thành “khu vườn xinh đẹp” mà hồn ma của tôn ông Karl, đêm đêm về vun xới. Sự tích thành phố Bơi-Trên-Nước làm cho không ai là không ngậm ngùi, xót thương nàng ônđin mà máu oan nghiệt đã hòa vào nước biển. Và việc vào thăm quân cảng Karlskrona cũng chỉ là cái dịp để nhắc đến một ông vua đã có sự nghiệp lớn lao và một thời kì hùng cường trong lịch sử của đất nước.

Lagerlöf có cái tài lạ lùng là chỉ lấy những sự việc rất bình thường mà xây dựng thành những truyện thật thần tiên, mộng ảo. Và những truyện như thế thì trong văn học thế giới có lẽ chỉ H.K.Andersen là đã sáng tác ra được nhiều và hay như Lagerlöf thôi. Và rõ ràng đó là một đặc sắc đáng quý trong văn học của các dân tộc Bắc Âu.

Các truyện của Lagerlöf rất sinh động vì tác giả thường xây dựng như những vở kịch nhỏ, mà các nhân vật đều rất linh hoạt, từ hình thù, diện mạo, cử chỉ cho đến ý nghĩ, tình cảm, lời nói. Mà nhân vật thì đủ hạng người; từ quốc vương đương triều đến người thợ mỏ tự hào về nghề nghiệp vất vả, kẻ chăn nuôi thiết tha với quê hương bần bạc, bà chủ trại trẻ đẹp, phúc hậu cho con đại bàng cái bánh, bà nông dân già suốt đời cặm cụi nuôi hết con đến cháu cho khôn lớn để họ ra đi bỏ đất, bỏ nước, những đứa bé chăn ngỗng cương nghị không thua gì người lớn: Åsa, Mats, người nhạc công nông thôn trung hậu Larsson, người Thụy Điển thất chí Jon Assarsson, người Lapps thông minh Ola Serka.

Hoạt động nhộn nhịp nhất là các nhân vật cầm thú: ngỗng trời Aka đáng kính, ngỗng nhà Mårten tốt bụng, sếu già Ermenrick hiền hậu, quạ già Bataki thâm thúy, quạ khoang Fumle-Drumle chính trực. Cuồng phong và Cơn lốc tàn bạo; đại bàng Gorgo trung thực, đủ các loài chim trong rừng, ngoài nội, bờ biển, bãi lầy, từ cú vọ đa nghi đến thiên nga hợm hĩnh, cáo Smirre gian manh, con cầy hỗn láo, rái cá tham tàn, chó Karr trung hậu, nai Lông Xám anh hùng; chuột đen ngốc nghếch, chuột xám nham hiểm.

Nhưng độc đáo hơn cả là những nhân vật huyền thoại: bà già khổng lồ hết lòng vì các con khi chia gia tài, nàng ôđin chết oan khốc làm người ta thương tâm. Những bóng ma như tôn ông Karl, đám cư dân của thành phố Vinela dưới đáy biển, cũng làm người ta xót xa cho số phận của họ. Lạ lùng nhất là pho tượng đồng của vua Karl XI từ bệ đá bước xuống lùng bắt Nils, làm người ta sợ, nhưng rồi thích, rồi lại phục; và pho tượng gỗ của ông Rosenbom sẵn sàng cứu người, khiến ta mến vì lòng hiền từ, phúc đức, đã đem thân làm cây quyên tiền giúp các gia đình thủy thủ bất hạnh, và vì thế rất được trẻ em yêu quý.

Trong truyện của Selma Lagerlöf, không những tượng đồng, tượng gỗ đi lại, nói năng, suy nghĩ, cảm xúc như người thật, mà cả thiên nhiên cũng được nhân cách hóa theo; các con sông nhỏ mà gặp sông lớn thì “sẽ chui hết xuống đất vì xấu hổ”, mặt trời mùa hạ “chưa hề tỏ ý muốn đi ngủ”, có thể giúp nông dân “làm lụng một ngày được hai mươi bốn giờ”. Các loài cây, loài vật cùng nhau đi lên miền Bắc, nhưng không chịu rét được như nhau, đều trước sau theo nhau dừng lại dọc đường. Mùa đông miền bắc đến, là đại vương rét cóng, con quỷ lùn khoác áo băng tuyến liền đuổi mặt trời về nam, khiến ba con sói thở ra gió rét, khí lạnh và bóng đêm dài hai mươi bốn giờ liền. Có khi lại cả một địa phương, cái tỉnh Uppland nghèo khổ đã bị gậy đi ăn xin khắp các tỉnh như một người hành khất, kiếm mỗi nơi một thứ gì đấy mà họ bỏ đi, đem về xây dựng quê hương mình.

Truyện của Selma Lagerlöf thường đậm đà thi vị dân gian, vì tác giả nhiều khi như không cần vội vàng, cứ nhẩn nha mà kể, tự nhiên, chất phác, với cái duyên khó có ai bắt chước được. Đi qua khu mỏ, Nils thấy cái gì cũng không biết, tác giả cứ để cho chú bé nhà quê ấy tha hồ ngạc nhiên và hiểu sai các sự vật, rồi mỗi lần sai là có kẻ chữa lại cho, vừa bổ ích vừa dí dỏm; và truyện cứ thế kéo dài ra như có chương, có hồi vậy.

Truyện của Selma Lagerlöf lại chan chứa chất thơ, và như thế không phải chỉ nhờ nội dung mộng ảo mà còn do cách kể truyện nữa. Tác giả cứ lặp đi lặp lại một câu hay một lời như điệp khúc trong bài thơ, bài hát. Nils bị quạ tha đi, gặp chim nào cũng trêu cho chúng hỏi, để rồi nhắc lại mãi cái câu: “ta đây, kẻ bị quạ bắt tha đi đây”.

Đàn ngỗng bay qua khu mỏ sắt, nhà máy giấy, nhà máy diêm, bệnh viện, trường học, đến đâu cũng thấy người ra xem và vọng lên trời, nhắc lại điệp khúc: “cho chúng tôi đi với, cho chúng tôi đi với”, nghe như chính tiếng lòng mong mỏi của họ, cứ lặp đi lặp lại vang lên suốt cả ngày dài.

Cái đêm vào khu vườn xinh đẹp, năm lần vào thăm các nơi danh thắng ra, Nils đều phải nghe lời than thở của tôn ông Karl: “Thế là người ta đã được yên nghỉ, còn mình thì không”, cái điệp khúc não lòng của một u hồn bị buộc vào một số kiếp không chút hi vọng giải thoát.

Nhưng lắm khi truyện của Selma Lagerlöf lại rất náo nhiệt, làm cho người đọc hồi hộp vô cùng, nhưng vẫn thấy như thật, vì các sự việc diễn ra dù li kì đến đâu cũng vẫn tự nhiên, vì không nhờ phép màu nào, phép tiên, phép Phật nào, mà chỉ do xung đột giữa tính cách giữa dục vọng, giữa quyền lợi của các nhân vật. Một trong những truyện ở ngay đầu sách cũng cho thấy như vậy; đó là truyện rất nổi tiếng về việc Nils tỉ thí với cáo Smirre trận đầu tiên, và đàn ngỗng trời quần thảo với cáo trận tiếp theo. Nils bé nhỏ như vậy mà đang đêm dám xông ra bắt con cáo to hơn mình nhiều là vì cái ý thức làm người, không chịu để cho một con vật được lộng hành. Nils chống được cáo vì chú dũng cảm lại thông minh; còn cáo thì để xổng mất mồi là vì tự phụ và khinh thường Nils bé nhỏ. Đàn ngỗng bày ra cái trò quần cho cáo nhừ tử, không những để cho nó một bài học mà còn để cứu Nils nữa.

Truyện dân gian thì ở đâu cũng thường là yếu ở chỗ kết thúc, vì yêu cầu phải “có hậu”, phải “đại đoàn viên”; ở phương Đông thì người trung mắc nạn có tiên xuống phò, ở phương Tây thì “thần xuống bằng máy – deus ex machina”[10]. Selma Lagerlöf thì không kết thúc các truyện của mình bằng cái cách dễ dàng đó mà bao giờ cũng cố gắng chấm dứt câu truyện thật bất ngờ, thật đĩnh ngộ, dù chung cục là việc vui hay việc buồn.

Vui thì như truyện đi thăm quân cảng Karlskrona. Nils bị ông vua bằng đồng đen đuổi bắt, nhưng được người thủy thủ bằng gỗ giấu trong cái mũ đội trên đầu, và thế là chú được cùng với họ đi thăm khắp nơi. Đến trước những chiến hạm cổ, nhà vua quên hẳn Nils, bảo người gỗ cất mũ chào các chiếc tàu “đã ra trận vì tổ quốc”. Tượng gỗ cũng cảm xúc quá chừng, cất mũ gỗ ra chào, để trơ chú Nils đứng trên cái sọ trần. Nhưng cũng xúc động, “Nils không sợ nữa. Chú vẫy mũ và hô huara, huara… Người đồng đen lấy gậy đập xuống sàn, nhưng chú bé không bao giờ biết được là ông ta đã định làm gì, vì đúng lúc ấy mặt trời mọc lên; tức khắc người đồng đen và người gỗ đều biến mất, tựa hồ họ đã được làm bằng sương mù”. Kết thúc như thế không phải là cố ý “đại đoàn viên”, mà là lạc quan vì con người và cuộc đời, khác nào chính bản thân Laibnitz, “tất cả đều tốt nhất trong thế giới tốt nhất có thể có”[11].

Truyện tôn ông Karl phải trông nom khu vườn xinh đẹp, không ngớt than thân vì chưa được yên nghỉ, là một tấn bi kịch não lòng. Đưa Nils đi thăm hết vườn, ông trao cho chú cầm hộ cái mai để ông mở cổng vườn đưa chú ra. Lo ngại là làm phiền ông, muốn tránh cho ông khỏi khó nhọc, chú liền chui giữa các gióng sắt mà ra, không ngờ ông lại giận dữ gào thét: “Giá mày cầm lấy cái mai cho ta thì đã đến lượt mày ở lại trông nom vườn này, còn ta thì đã được giải thoát. Giờ thì ta không biết còn phải ở lại chốn này bao nhiêu lâu nữa!”

Nils sửng sốt vì “chú có thiện ý nhất trần đời”, nhưng ngờ đâu sự thể lại như thế, nên không thể không thương hại ông, chú cố gắng an ủi ông: “đừng giận, tôn ông ạ, chẳng một ai trên đời mà có thể trồng trọt khu vườn của ông giỏi bằng ông được”. Kết thúc một tấn bi kịch như thế thật là “có hậu”, nhưng hậu đây không phải đại đoàn viên mà là nhân hậu; đối với một hồn ma Nils cũng biết ăn ở có hậu vậy.

Nhờ được xây dựng với nghệ thuật độc đáo hiếm có như vậy, nhiều truyện trong Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils đã thành những tuyệt tác toàn bích. Truyện con chó già Karr đưa con nai Lông Xám trở về rừng xanh để sống tự do và chết anh dũng, chẳng khác nào một thiên tráng ca. Truyện ngỗng già Akka cứu sống và nuôi cho khôn lớn con đại bàng Gorgo để nó làm “con chim lương thiện” sống với đàn ngỗng, không làm hại ai, việc tuy không thành vì không ai làm trái lại thiên nhiên, thay đổi bản tính của sự vật được, nhưng mà nỗi buồn của Gorgo mỗi khi thấy xuất hiện trên cơ thể và trong tập quán của mình những đặc điểm của tổ tiên, giống nó mỗi khi thấy các loài vật khác gọi mình là “đại bàng”, không công nhận mình thuộc đàn ngỗng hiền lành, nỗi buồn ấy mỗi lần lại được Akka an ủi “chẳng nên buồn phiền, anh sẽ là một con chim lương thiện”. Đến khi mà con đại bàng phải trở lại thiên tính của giống loài, khiến mẹ nuôi phải từ bỏ, nghiêm khắc như một bậc chủ phụ thời xưa, thì tấn kịch đã lên đến cao điểm, như trong các vở bi kịch cổ đại.

Những truyện như thế góp lại với nhau, đã làm cho Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils thành một bộ Ôđuxêta[12] mà nhân vật không phải là thần thánh và anh hùng có sẵn trong thần thoại nào, mà gồm phần lớn những loài vật do chính tác giả vẽ ra và đem đến cho một đời sống thật linh hoạt, khiến người ta không thể không liên tưởng đến bộ Thơ ngụ ngôn của La Fontaine, mà có người cũng xem như là một Ôđuxêta của văn học Pháp. Chính La Fontaine đã tự giới thiệu tác phẩm của mình “tấn kịch rộng lớn trăm hồi đổi đổi thay thay”. Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils cũng thế, đặc sắc nổi bật của nó đã được thiên hạ thán phục hơn cả là nội dung phong phú lạ thường, cứ đổi thay biến hóa không ngừng. Các nhà viết truyện ngụ ngôn, kể cả La Fontaine, phần nhiều đều có kẻ tiền bối làm mẫu mực, biếu cho cả cốt truyện lẫn nhân vật.

Tôi làm thơ về các Nhân vật
Mà Esop là cha sinh ra.

Selma Lagerlöf viết truyện ngụ ngôn mãi vào đầu thế kỉ này, viết cái thể loại văn học mà người viết đã chán không muốn viết, người đọc cũng chán không muốn đọc, thế mà thành công là vì đã vận dụng một trí tưởng tượng sáng tạo phi thường, hiếm có trong lịch sử văn học, tưởng như cầm bút là vẽ ra ngay được nào người, nào vật, nào cây cỏ, núi sông, và tức khắc đưa tất cả lên sân khấu diễn đủ các tấn trò đời, trải đủ các cảnh ngộ, các tình huống. Rồi cứ mỗi lúc hạ màn, kết thúc một hồi là người xem không phải chỉ rút ra được một bài học luân lí thông thường theo kiểu dân gian, hay một lời khuyên khôn ngoan về cách sống ở đời, như con kiến khuyên con ve phải lo xa, con cáo khuyên con quạ đừng nghe kẻ nịnh hót, mà người ta phải suy nghĩ đến những bổn phận cao cả của con người, đến cái triết lí sâu xa của cuộc đời nữa, như Nils sau khi nghe kể về cuộc đời và cái chết của con nai Lông Xám, hay sau khi trông thấy hai thành phố: cái thuộc về quá khứ vì đã chết rồi và cái là của hiện tại vì đang còn đó.

Những bài học trong cuốn truyện này nhiều lắm nhưng không là bài học khô khan vì đạo mạo hay kênh kiệu, mà lồng vào những hình ảnh phong phú, lộng lẫy và man mác chất thơ, thấm nhuần những niềm vui, nỗi buồn, những xúc động sâu sắc, những tình cảm chân thành, những tấm lòng tha thiết, thỉnh thoảng lại điểm một chút vui đùa dí dỏm, nhẹ nhàng của người kể chuyện hóm hỉnh, tế nhị.

Trong cuộc thi viết sách cho trẻ em ở Thụy Điển năm 1906 ấy, người ta chờ một cuốn địa lí, ai ngờ Selma Lagerlöf đã hiến đồng bào mình một áng văn chương tuyệt vời về đất nước, cuộc đời và lòng người, đậm đà tình nhân đạo như thế. Năm sau, Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils xuất bản, đến với mọi cô bé, cậu bé Thụy Điển ở các ấp tại nông thôn, ở khu công nhân của các hầm mỏ, các nhà máy, bến tàu, đem cho họ, có người xem như là một “ân huệ của dân tộc”, mà trẻ em các nước khác nào đã có được.

Tuy vậy, Nils Holgersson đã cùng các bạn mình ở trong truyện, sớm chinh phục được lòng yêu mến của người đọc sách khắp năm châu, chẳng khác gì và chẳng kém gì các nhân vật nổi tiếng của H.C. Andersen vậy, và từ đúng tám mươi năm nay, đã đem đến niềm vui với bao điều suy nghĩ, bao nỗi yêu thương cho không biết bao nhiêu bạn đọc, trẻ em cùng người lớn và cụ già, ở dưới mọi bầu trời, và đã có lần để tác giả phật lòng vì đôi lúc đã khiến “cuốn tập đọc” viết cho trẻ em đó làm thiên hạ tạm quên bao cuốn rất hay đã viết ra cho người lớn.

Tháng sáu 1987

Hoàng Thiếu Sơn


[1] Selma Lagerlöf – Truyện cổ Gösta Berlings, Nhà xuất bản Văn học 1973; chương XVIII – Hoàng Thiếu Sơn dịch và giới thiệu.

[2] Selma Lagerlöf – Jerusalem ở Dalarne. Phần thứ nhất chương V.

[3] Mac Xôrianô – Selma Lagerlöf, người đàn bà nợ nần nhất thế giới – Tạp chí Chân trời, tháng 6-1958, tr.41.

[4] Selma Lagerlöf – Truyện cổ Gösta Berlings, Chương X.

[5] Sách đã dẫn, Chương XXVII.

[6] Iôn Takman – Selma Lagerlöf, một sự nghiệp quý hơn nổi tiếng… được nhân dân yêu thích. Tạp chí Chân trời, tháng sáu, 1958, trang 49.

[7] Marc Soriano – Bài đã dẫn.

[8] Là năm dịch giả viết lời giới thiệu này, năm 1987.

[9] Herodotos, thi hào Hy Lạp trong thế kỉ VIII trước Công nguyên, có viết tập thơ “Ngày tháng và công việc” dạy cách sinh hoạt, trồng trọt, đi biển, tế lễ, hội hè cho người cổ Hy Lạp. Đó là cuốn thơ đầu tiên nổi tiếng về loại này trong lịch sử.

[10] Thành ngữ tiếng La-tinh để chỉ cách giải quyết các tình huống bi kịch bằng kết thúc may mắn, không cần gần sự thật hay hợp lí.

[11] Câu nói tổng kết tất cả chủ nghĩa lạc quan trong sự nghiệp triết học của G.V Laibnitz (1646-1716).

[12] Người Việt Nam thường phiên âm theo tiếng Pháp là Ôđixê, anh hùng ca cổ Hi Lạp.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây