Văn học nghệ thuật & chức năng(Lộ trình khám phá đặc trưng bản chất của văn học nghệ thuật) (Kỳ 2) – Tác giả: Tiến sĩ Lâm Vinh

Văn học nghệ thuật & chức năng(Lộ trình khám phá đặc trưng bản chất của văn học nghệ thuật) (Kỳ 2) - Tác giả: Tiến sĩ Lâm Vinh

Văn học nghệ thuật & chức năng(Lộ trình khám phá đặc trưng bản chất của văn học nghệ thuật) (Kỳ 2) 

Tác giả: Tiến sĩ Lâm Vinh 

 

Tien si Lam Vinh - Văn học nghệ thuật & chức năng(Lộ trình khám phá đặc trưng bản chất của văn học nghệ thuật) (Kỳ 2) - Tác giả: Tiến sĩ Lâm Vinh

Chương 1

NGỌN NGUỒN LỊCH SỬ VÀ LÝ THUYẾT

  1. VỀ VIỆC NGHIÊN CỨU HÌNH THÁI HỌC CỦA VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

Từ mảnh vườn văn học

Không thể không thừa nhận, trong khoa học nghiên cứu nghệ thuật, bao gồm lý luận, lịch sử, phê bình lao động nghệ thuật, lĩnh vực nghiên cứu văn học phát triển hơn cả. Do đó, tác giả công trình này xin phép xuất phát từ văn học và lấy văn học làm cơ sở như là một biện pháp để quy tụ gắn kết với các ngành nghệ thuật khác ngoài văn học, nhằm tiến tới mục tiêu cuối cùng.

Lý luận văn học, với tính cách là một hệ thống lý thuyết trong khoa văn học, luôn tìm cách trả lời những câu hỏi của đời sống văn học.

Sáng tác và tiếp nhận, nghiên cứu và phê bình, giảng dạy và giáo dục, sưu tầm, xuất bản, v.v… đó là những mặt hoạt động của đời sống văn học, luôn luôn sôi động và luôn đòi hỏi ở lý luận. Nhưng đời sống văn học thì phong phú, như “cây đời xanh tươi”, còn lý luận, dù không là “màu xám”, thì cũng chưa bao giờ xanh kịp màu xanh của đời sống văn học. Có những vấn đề được khẳng định về mặt lý luận ở nơi này, lại nảy sinh ra những ngoại lệ, những bổ sung ở nơi khác. Có những vấn đề lý luận đã từng đặt ra rất sớm, nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Loại thể văn học và những ngọn nguồn của sự phân loại văn học là một trong những vấn đề như vậy.

Từ vài nghìn năm trước, trên mảnh đất phát đạt của các loại thơ ca và bi kịch ở cổ Hy Lạp, Platon và Aristotle đã chia văn học thành ba thể tự sự, trữ tình, kịch. Bảng phân loại với ba phạm trù loại thể đó đã đứng vững như một thế chân vạc suốt hai nghìn năm, đến nay vẫn chưa có bảng phân loại nào thay thế được. Có chăng chỉ là sự bổ sung, nhưng không thật cơ bản, không thay đổi được bộ ba chân kiềng của bảng phân loại này.

Tự sự, trữ tình và kịch là ba phương thức của hoạt động sáng tác văn học. Hai loại tự sự và trữ tình thích ứng với hai đặc điểm của tư duy và năng khiếu văn học. Dù ở thời nào, phương Đông hay phương Tây, tên gọi dù khác nhau, nhưng cũng không có hoạt động văn học ở ngoài hai phương thức đó. Lý luận văn học với những lý thuyết về loại thể cũng lấy đó làm gốc.

Tuy nhiên, bảng phân loại văn học không phải đến đó đã xong. Ngôn ngữ, công cụ giao tế xã hội, đồng thời là phương tiện sáng tác văn học, với tính đa năng đa dụng, nó không ngừng đáp ứng những nhu cầu thông tin, giao lưu, những nhu cầu sáng tạo của con người. Sự trao đổi, truyền bá tư tưởng, kinh nghiệm và tri thức đòi hỏi sử dụng ngôn ngữ biểu cảm, đòi hỏi văn bản phải được thẩm mỹ hóa và nghệ thuật hóa. Do đó mới có hiện tượng văn sử bất phân, văn triết bất phân, và xuất hiện xung quanh những thơ, truyện nghệ thuật là các loại tác phẩm nửa văn nửa sử, nửa văn nửa triết.

Vì ai cấm chợ, ngăn sông,
Để cho rứt nẻo quan thông đôi nhà

Câu thơ trên lại thuộc về một cuốn sử (Đại Nam quốc sử diễn ca), “Dù cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa…” Lời văn này lại thuộc về một bản văn chính trị (Hịch tướng sĩ).

Loại “văn sử bất phân” có cả một kho tàng hết sức phong phú, trên thế giới cũng như ở nước ta. Trung Hoa có Sử ký Tư Mã Thiên, Hy Lạp có những tác phẩm của Herodotus. Việt Nam có Thiên Nam ngữ lục, Hoàng Lê nhất thống chí, Đại Nam quốc sử diễn ca. Loại “văn triết bất phân”, không chỉ triết mà tư tưởng nói chung, là những bài trong tứ thư ngũ kinh của Trung Quốc, những bài thơ triết học của Empedocles, những bài đối thoại triết học của Platon và Socrate ở Hy Lạp. Ở nước ta, từ các sách vỡ lòng chữ Nho thời xưa (Nhất thiên tự, Tam thiên tự…) đến những bài chiếu, hịch, cáo… (Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo), chưa nói trong kho tàng văn học dân gian, cũng có đủ các hình thức kết hợp này.

Sự xuất hiện loại văn phẩm nói trên trong thời cổ đại và trung đại là một tất yếu do tình trạng nguyên hợp của các hệ ý thức và sinh hoạt tinh thần thời đó. Nhưng trong các thời đại sau, đến những ngày hôm nay, vẫn còn sản sinh ra nó, lại là một tất yếu khác: do chức năng xã hội của văn bản, đòi hỏi phải có tác động truyền cảm tới người nghe, người đọc, đồng thời có sự tuân thủ một quy luật sáng tạo tất yếu: quy luật của cái đẹp. Trước thực tế đó, trong các công trình văn học sử từ Á sang Âu, các nhà nghiên cứu đã đưa vào không chỉ những thơ truyện nghệ thuật, mà còn những văn phẩm loại đó. Và đến lượt các nhà lý luận văn học, phải thêm vào, bên cạnh bộ ba các loại thơ, truyện, kịch, còn có các thể loại có luận. Việc đó càng góp phần tạo ra những cuộc tranh luận liên miên về học thuật, cho đến tận những ngày hôm nay, xung quanh câu hỏi: “Văn học là gì?”, cũng có nghĩa là “Phạm vi của văn học là ở đâu?”.

Ngay trang đầu cuốn Nghệ thuật thơ ca, một công trình mỹ học và lý luận văn học sớm nhất của loài người, nơi phát biểu luận điểm về ba loại thể văn học nói trên, Aristotle đã nêu ra vấn đề về hai thứ văn học và yêu cầu phân biệt. Ông nói: “Nếu như có người viết một bài nói về y học hoặc vật lý học bằng cách luật, thì theo thói quen, người ta sẽ gọi tác giả là nhà thơ, trong khi đó giữa Homer và Empédocles ngoài cách luật ra thì chẳng ai có cái gì chung cả. Bởi thế, gọi Homer là nhà thơ còn gọi Empédocles là nhà triết học tự nhiên thì đúng hơn (40C). Ngay từ thời văn hóa nguyên hợp đó, Aristotle đã có một quan niệm chặt chẽ và dứt khoát như vậy về ranh giới giữa văn học và phi văn học. Nhưng trên thực tế, điều đó không dễ dàng. Vì đúng như Aristotle đã nói, do thói quen, nơi nào có văn đẹp (văn có vần điệu, có chuyện kể), người ta xem nơi đó là văn chương. Vậy giữa sự phân biệt rạch ròi của nhà lý luận và thói quen, cái nào là đúng?

Công trình này tìm cách trả lời câu hỏi đó, bằng cách vạch một lối đi ở giữa, để hiểu được hai phía: lý luận và đời sống. Chúng tôi khẳng định lại những điều lý luận đã khái quát được, đem đối chiếu với thực tế đời sống văn học, rút ra một số kết luận cần thiết nhằm đóng góp vào những gì mà hoạt động lý luận cũng như thực tiễn còn đang nghi vấn, đang tìm cách khẳng định. Khi phân loại một đối tượng, người ta thường dùng các bộ tiêu chí. Đó là công việc của khoa hình thái học. Đứng trước một đối tượng là những văn bản sử dụng ngôn ngữ văn tự, như cả một khu rừng rậm đầy cỏ cây hoa lá, phải tìm cách phân loại. Một trong những bộ tiêu chí có thể sử dụng đầu tiên, đó là tiêu chí chức năng, nhằm phân biệt mục đích sử dụng của mỗi bài văn: Bài này viết để làm gì, bài kia viết để làm gì, từ đó ta phân biệt được văn khoa học, văn chính trị, văn tôn giáo,… và văn nghệ thuật. Với cái nhìn hình thái học như vậy, Aristotle đã xác định tác phẩm của Empédocles chỉ là văn khoa học, không phải là văn nghệ thuật, mặc dù Empédocles viết bằng những câu văn vần.

Câu chuyện hình thái học với tiêu chí chức năng, được gọi là chức năng luận, sẽ bắt đầu từ đây cho đến cuối cuốn sách.

Nếu căn cứ vào nhu cầu nhiều mặt của đời sống văn học nghệ thuật, nhu cầu hoàn chỉnh hệ thống lý thuyết về hình thái học nghệ thuật, chúng ta cần phải phân tích bổ sung thêm trước tình hình, có thể nói là chưa ổn định, chưa nhất quán và triệt để, chưa hoàn chỉnh, của bộ phận lý thuyết này trong khoa học mỹ học và lý luận văn học.

Có thể xem xét từ ba hiện tượng sau đây:

Chưa thật ổn định và nhất quán trong việc vận dụng tiêu chí chức năng.

Hiện nay, một số công trình lý luận văn học nêu ba loại thể văn học (tự sự, trữ tình, kịch; hoặc thơ, truyện, kịch), một số công trình khác nêu bốn loại vì có thêm , một số nêu năm loại, thêm chính luận. Mặt khác, có tác giả đưa ký vào loại tự sự hay vào loại truyện, có tác giả đưa chính luận vào loại ký. Cũng có trường hợp nêu ba loại thể nhưng thực chất vẫn có bốn loại vì đưa ký vào tự sự hay truyện; hoặc bốn thành năm loại vì đưa chính luận vào ký. Về việc sử dụng các khái niệm, từ ngữ đặt tên cho các loại thể (trữ tình hay là thơ, tự sự hay truyện, tiểu thuyết; ký hay ký văn học hay lịch sử – nghệ thuật, chính luận hay chính luận nghệ thuật, hay luận). Mỗi tên gọi đều có nội hàm khác nhau, không chỉ là hình thức.

Tình trạng chưa ổn định và nhất quán giữa các công trình, các xu hướng nghiên cứu không chỉ trong lý luận văn học, mà đó là tình hình chung, cả trong lý luận mỹ học và nghệ thuật. Sau đây là vài dẫn chứng để đối chiếu:

Trong các tài liệu mỹ học, số lượng các loại hình nghệ thuật, tên gọi các nghệ thuật, xếp đặt cấp loại hay thể cho một nghệ thuật nào đó… nói chung là khác nhau.

–     Hegel, Belinskij (TK XIX) nêu năm loại hình nghệ thuật: kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, thơ. Chernyshevskij nêu bốn loại trên, trừ kiến trúc, vì “không phải là nghệ thuật” (30:105).

(Thời kỳ này chưa có điện ảnh, vô tuyến truyền hình, nhưng đã có múa, sân khấu, nghệ thuật trang trí, xiếc).

–     Nédoneelle (1953) nêu tám loại hình gồm năm loại trên, thêm sân khấu, điện ảnh, thể thao (22b:75).

–     Thomas Manro, nhà mỹ học Mỹ đương đại, nêu 400 loại (kể chung cả thơ, nhạc, giải phẩu, nấu ăn, hớt tóc), không phân biệt loại và thể (7b).

–     Hai cuốn giáo trình mỹ học của Đại học Mạc Tư Khoa (1973 và 1983) nêu 13 loại hình: ngoài năm loại như của Hegel, còn tám loại khác: nghệ thuật trang trí, đồ họa, ảnh, múa, sân khấu, vô tuyến truyền hình, tạp kỹ, xiếc. Trình tự sắp xếp giữa hai lần xuất bản hoàn toàn khác nhau (26 và 27).

–     Borev (1975) nêu 15 loại hình, thêm nghệ thuật thực dụng và nghệ thuật công nghiệp (7b).

–     Vậy so với bảng danh mục nghệ thuật của Hegel, Belinskij, các bảng danh mục của các nhà mỹ học hiện đại đã mở rộng khái niệm nghệ thuật, bao hàm cả những nghệ thuật ứng dụng. Nhưng với một danh mục hẹp, quan niệm hẹp về nghệ thuật như các tác giả trên lại chứng tỏ một sự chặt chẽ, nhất quán cần thiết, còn việc mở rộng bảng danh mục, với một quan niệm rộng chung chung về nghệ thuật nhưng không chia hẳn thành hai hệ thống, lại thể hiện một sự thiếu chặt chẽ về phân loại. Ngay trường hợp, có cuốn sách, trong phần lý thuyết chung đã nhấn mạnh việc chia hai hệ thống là một cách phân chia quan trọng, nhưng khi trình bày cụ thể vẫn không chia hai hệ thống, vẫn kể lần lượt các nghệ thuật như những sách khác (25).

–     Từ chỗ chưa có sự ổn định về lý thuyết, đưa đến một số hoạt động cụ thể về xây dựng chương trình giảng dạy, làm văn tuyển, hợp tuyển cũng diễn ra sự không ổn định.

Có một thời trong các sách dạy văn đã đưa vào nhiều bài văn không phải văn học[1]; thời gian sau điều chỉnh lại, thu hẹp vào chỉ một loại văn, nhưng lại theo quan niệm rất hẹp về tính văn học[2].

Có trường hợp, một bài văn chính luận nào đó hôm nay còn trong chương trình giảng dạy ngày mai đã rút bị ra vì lý do không phải là văn nghệ thuật. Công việc làm chương trình và tu bổ thường xuyên diễn ra cảnh đưa vào đưa ra này do không có một sự nhất quán và ổn định về quan điểm lý luận, trong đó có quan điểm về đặc trưng văn học.

Tóm lại, trong mỹ học và lý luận văn học, vấn đề phân loại văn học nghệ thuật theo tiêu chí chức năng đã thành phổ biến, nhưng trong khi lên bảng danh mục các loại hình loại thể thì có nhiều thể hiện sự thiếu chặt chẽ và nhất quán.

Thực ra, phân loại văn học chỉ là sự thực thi những quan điểm lý luận về đặc trưng văn học. Nói cách khác, quan điểm phân loại là hệ quả, quan điểm về đặc trưng là nguồn gốc, là nguyên nhân. Vì khi bắt tay vào phân loại, người ta phải giải quyết hai quá trình: phân loại bắt đầu từ đâu (vạch ranh giới giữa văn học và phi văn học) và phân loại tiếp theo như thế nào (từ bên trong đường ranh giới, phân chia loại thể như thế nào). Phân biệt văn học và phi văn học chính là một trong những vấn đề cơ bản về lý luận đặc trưng văn học, sau đó là phân biệt đặc tính của các loại văn để thực hiện phân loại từ bên trong đường ranh giới văn học: nếu phân biệt rạch ròi giữa ký và truyện cũng liên quan đến đặc trưng văn học.

Lý thuyết về đặc trưng văn học được các tác giả lý luận văn học trình bày trong các vấn đề phương thức tư duy nghệ thuật, hình tượng và điển hình văn học, v.v… Nhưng phần lớn các tài liệu khi phân tích những yếu tố tạo nên đặc trưng văn học chỉ thích hợp với các thể truyện, thơ, kịch, không thích hợp với tính chất của ký và chính luận, đôi khi còn trái với những tính chất của các loại văn này. Thí dụ: hình tượng là sản phẩm của tưởng tượng và hư cấu, điển hình là hình tượng có chất lượng cao. Những đặc điểm này không thích hợp với thể ký, nếu không mở rộng khái niệm hình tượng và khái niệm hư cấu. Hoặc là, hình tượng là bức tranh của đời sống con người thì không thích hợp với thể chính luận, v.v…

Chưa thật bao quát và hoàn chỉnh ở các bảng danh mục loại thể

Nếu chỉ thiên về bộ khung lý luận Aristotle, lý luận phương Tây, sẽ không phản ánh được đầy đủ những đặc điểm của văn học phương Đông và văn học dân tộc, nhất là ở cấp thứ hai (cấp thể loại).Các công trình nghiên cứu sưu tập, các tác gia văn học sử giới thiệu các tác phẩm chiếu, chế, biểu, kinh nghĩa, văn sách và văn tế, hịch, cáo… những thể văn chưa bao giờ được giới thiệu trong lý luận văn học phần loại thể. Trong nhà trường, môn lý luận văn học chỉ nêu có ba loại thể, năm loại thể, nhưng học sinh lại học cả những bài phú, văn tế, hịch, cáo, học sinh cũng không rõ những bài này xuất thân ở loại thể nào. Các Từ điển văn họcTừ điển thuật ngữ văn học khi giới thiệu mục từ loại thể văn học chỉ nêu ba loại và một số thể hiện đại, trong lúc hàng chục mục từ khác giới thiệu các loại và thể văn cổ, cũng bắt đầu định nghĩa bằng nhóm từ “là một loại thể văn học” (thí dụ: “Bia là một loại thể văn học…”). Vậy là khoảng cách giữa lý luận và đời sống văn học nằm ngay trong một cuốn sách. Mặt khác, phần lớn các bảng phân loại chỉ dựa vào một hệ tiêu chí – tiêu chí thi pháp (tự sự, trữ tình, kịch), chưa thể hiện được hình thức ngôn ngữ (văn vần, văn xuôi), càng chưa thể hiện được chức năng (văn học, phi văn học; văn nghệ thuật, văn ứng dụng). Vì chưa vạch rõ đường ranh giới văn học và phi văn học, đã thực hiện phân loại, do đó sự phân loại (tự sự, trữ tình, kịch) cũng sẽ gặp mâu thuẫn từ bên trong (trữ tình sẽ bao hàm cả thơ trữ tình và thơ tuyên truyền – giáo huấn, gồm cả trữ tình văn xuôi và tùy bút). Có nhà nghiên cứu đã chia thơ Hồ Chủ tịch ra làm hai loại thơ tuyên truyền vận động cách mạng và thơ cảm hứng trữ tình. Vậy loại thứ nhất nên đặt vào thể loại nào trong khung lý luận? Đây lại là hiện tượng rất phổ biến trong nền văn học Việt Nam từ cận đại đến nay và không chỉ riêng đối với thơ Hồ Chủ tịch.

Có vấn đề hình thái học trong quan niệm về sáng tác

Ngoài hoạt động nghiên cứu, lý luận, giảng dạy, sưu tập, xuất bản, đời sống văn học còn diễn ra trong hoạt động thường trực là sáng tác. Có những cuộc tranh luận về sáng tác, nguyên nhân chính trị – xã hội là chủ yếu, nhưng với góc độ của đề tài này, vẫn có thể xem xét một cách thuần túy chuyên môn, về ý nghĩa hình thái học của sáng tác văn nghệ.

Như cuộc tranh luận về vai trò của tạp văn trong lịch sử văn nghệ Trung Quốc vào những năm 30 (thế kỷ XX): Tạp văn là một thể văn ngắn, pha nhiều yếu tố chính luận và bút ký, nhà văn Lỗ Tấn thường sử dụng như một loại vũ khí đấu tranh tư tưởng. Có người bài bác, cho nó không xứng đáng là văn học.

Ở Việt Nam, thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp (1947 – 1948), có cuộc tranh luận về nghệ thuật và tuyên truyền (Tô Ngọc Vân, Đặng Thai Mai,…). Sự bất đồng ý kiến liên quan đến những vấn đề về điều kiện sáng tạo, về giá trị nhất thời hay lâu dài, của hai loại tác phẩm văn nghệ tuyên truyền và văn nghệ không phải để tuyên truyền. Trong tranh luận đã bộc lộ những ý kiến ngộ nhận hoặc cực đoan, và cả những ý kiến hợp lý. Trong khi đó, thực tế sáng tác lại không lệ thuộc vào những cuộc tranh luận đó: nhiều nhà văn và nhạc sĩ, họa sĩ vẫn thể hiện hai loại sáng tác. Hai loại thơ ứng dụng và thơ nghệ thuật đã ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh đó, tiêu biểu như thơ Hồ Chủ tịch.

Những năm 1987– 1988, bước vào thời kỳ đổi mới, có ý kiến của một số nhà văn khi nhìn lại thời kỳ sáng tác đã qua, phê phán hiện tượng “văn chương minh họa”. Đây là một hiện tượng có thực, nằm trong chủ trương lãnh đạo, quản lý văn nghệ mà những năm gần đây phần nào đã được điều chỉnh lại. Tuy nhiên, tính minh họa lại là đặc điểm của một loại tác phẩm văn nghệ nào đấy, xuất hiện từ một nhu cầu vì một chức năng nhất định. Cũng có ý kiến cho đó là “thứ phẩm” của nghệ thuật, nhưng cũng có khi không hẳn vậy. Điều này cũng có thể được xem xét về phương diện hình thái học [3].

Sau khi có những quan sát và nhận xét trên, chúng tôi biên soạn công trình này nhằm giải quyết một số vấn đề, nhằm vào mục đích chung là: Xây dựng bảng phân loại văn học nghệ thuật trên cơ sở những đặc trưng về chức năng của văn học nghệ thuật. Để thực hiện mục tiêu chung đó, chúng tôi lần lượt giải quyết những mục tiêu cụ thể sau:

  1. Xác định vấn đề chức năng Hệ tiêu chí chức năng là tiêu chí đầu tiên và nòng cốt để phân loại văn học nghệ thuật. Hệ tiêu chí chức năng sẽ chia văn học nghệ thuật thành hai hệ thống: nghệ thuật thuần túy nghệ thuật ứng dụng. Về văn học, đó là: văn nghệ thuật (thuần túy) và văn ứng dụng.

Riêng lĩnh vực văn học, nghiên cứu sự ra đời và vai trò vị trí của hệ tiêu chí chức năng (văn ứng dụng/văn nghệ thuật) để kết hợp với hệ tiêu chí ngôn ngữ (văn vần/văn xuôi/văn biền) và hệ tiêu chí thi pháp (tự sự/trữ tình/kịch) để xây dựng bảng phân loại văn học đa chiều.

Hệ tiêu chí chức năng có nhiệm vụ:

–     Vạch đường ranh giới giữa văn học và phi văn học.
–     Vạch đường ranh giới giữa văn ứng dụng và văn nghệ thuật trong từng loại thể tự sự, trữ tình và kịch.
–     Từ đó, vạch ranh giới phân đôi toàn bộ thế giới văn học thành hai hệ thống: hệ thống văn ứng dụng có hai tính năng (lưỡng tính), hệ thống văn nghệ thuật có một tính năng (đơn tính).

Có thể hình dung việc phân loại văn học nghệ thuật cũng tương tự như công việc quy hoạch lãnh thổ, đất đai. Đứng trước tấm bản đồ rộng lớn của những hoạt động ngôn ngữ trong xã hội, phải khoanh vùng đâu là văn học, và đâu là các loại thể của văn học. Nhà quy hoạch phải dựa vào các tham số, các tiêu chí. Nếu lấy tiêu chí ngôn ngữ (văn vần, văn xuôi), tiêu chí phương thức sáng tạo, tạm gọi là tiêu chí thi pháp (tự sự, trữ tình, kịch), chỉ có thể thực hiện sau khi đất của văn học được khoanh vùng xong. Vậy cần phải dùng tiêu chí chức năng, để phân biệt ranh giới giữa văn học và phi văn học, để khoanh vùng cho lãnh thổ văn học, phân biệt văn học với các hoạt động khác: khoa học, tuyên truyền, giáo huấn, tín ngưỡng…

Nhu cầu, chức năng xã hội đòi hỏi những tác phẩm được sáng tạo ở những mức độ thẩm mỹ hóa – nghệ thuật hóa khác nhau từ cực đầu này là văn ứng dụng đến cực đầu kia là văn nghệ thuật. Do đó, cặp tiêu chí văn ứng dụng và văn nghệ thuật có tác dụng phân chia lại toàn bộ thế giới văn học thành hai hệ thống (HT) trong đó các loại tự sự, trữ tình, kịch, văn vần, văn xuôi cũng bị tách đôi để một bộ phận nằm trong hệ thống thứ nhất (HT văn ứng dụng) một bộ phận thuộc hệ thống thứ hai (HT văn nghệ thuật).

  1. Xác định một cơ chế đặc trưng nghệ thuật làm thước đo trình độ nghệ thuật hóa giữa văn ứng dụng và văn nghệ thuật, giữa nghệ thuật ứng dụng và nghệ thuật thuần túy.

Điều quan trọng không phải là làm công việc phân loại, mà trọng tâm của nội dung công trình là phân tích đặc điểm, tính chất khác nhau giữa hai loại nghệ thuật cả trên bình diện sáng tác và văn bản, nhằm góp phần làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn nghiên cứu, giảng dạy văn học nghệ thuật. Văn ứng dụng là một hình thức sáng tạo thẩm mỹ – nghệ thuật, văn nghệ thuật là sáng tạo thuần nghệ thuật. Lấy đặc trưng của nghệ thuật thuần túy làm thước đo để phân biệt.

Điều phân biệt đầu tiên và cơ bản nhất giữa văn học nghệ thuật và các hình thái ý thức khác nhau là từ đặc điểm chủ thể nghệ thuậtchủ thể biểu hiện, chi phối quá trình văn học nghệ thuật, từ hành động sáng tác, đến tác phẩm, đến hành động tiếp nhận.

Một hệ thống quy luật của tâm lý sáng tạo (quy luật chủ thể hóa nghệ thuật, quy luật tình cảm – cảm xúc, quy luật tưởng tượng – hư cấu) với cấu trúc hình tượng và tác phẩm cũng là một quy luật; đó là guồng máy của sáng tạo nghệ thuật. Văn nghệ thuật có hội đủ các quy luật đó. Văn ứng dụng chỉ đạt tới một phần những quy luật đó.

  1. Xây dựng một bảng phân loại tổng hợp đa chiều bao quát được cả hai hệ thống văn học với bốn cấp thể loại:

Tận dụng cả ba hệ tiêu chí: chức năng, ngôn ngữ và thi pháp, lấy hệ tiêu chí chức năng làm nòng cốt.
Cấp loại: Nhóm loại thể: văn ứng dụng – văn nghệ thuật.
Loại thể: tự sự, trữ tình,…
Cấp thể: Nhóm thể loại: tự sự lưỡng tính, đơn tính.
Thể loại: truyện nghệ thuật, truyện minh họa.

  1. Nhân phân tích sự hình thành loại thể, kết hợp lý giải một số quan niệm về sáng tác có liên quan.

Trong khi quan sát hiện tượng các loại văn thuộc hai nhóm văn ứng dụng và văn nghệ thuật và quá trình sáng tạo ra các thể ký sự, bút ký, truyện ký, các thể chính luận, tạp văn…, không thể không thấy sự liên quan đến các hoàn cảnh lịch sử đã sản sinh ra nó. Một số khái niệm dưới hình thức là những phương châm, những khẩu hiệu động viên người cầm bút đã rộ lên trong các thời kỳ lịch sử đó, như “phục vụ kịp thời”, “tay bút tay súng”… Cùng lúc đó, có những công thức nói về cách sáng tạo, do phía quản lý hoặc do nghệ sĩ nêu ra, như “bình cũ rượu mới”, “văn chương minh họa”… Từ góc độ khoa học, góc độ hình thái học, những khái niệm trên có liên quan đến thi pháp sáng tạo của loại văn ứng dụng, cũng nên phân tích để làm sáng tỏ lý do tồn tại của chúng.

Untitled - Văn học nghệ thuật & chức năng(Lộ trình khám phá đặc trưng bản chất của văn học nghệ thuật) (Kỳ 2) - Tác giả: Tiến sĩ Lâm VinhTác giả: Tiến sĩ Lâm Vinh (bìa phải) và Nhà thơ Bùi Xuân Mẫn (Tổng biên tập vansudia.net)

  1. TÌNH HÌNH PHÂN LOẠI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THEO TIÊU CHÍ CHỨC NĂNG VÀ VẤN ĐỀ PHÂN CHIA VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THÀNH HAI HỆ THỐNG

Sau khi giới thiệu về hình thái học nghệ thuật, một bộ môn về phương pháp phân loại nghệ thuật, dưới đây xin lược kể về sự thực hành phân loại văn học nghệ thuật theo tiêu chí chức năng và phân chia thành hai hệ thống trong lịch sử nghiên cứu – lý luận văn học nghệ thuật.

Không phải những nhà lý luận, không phải những bộ óc bác học, mà chính những con người thuở ban đầu của cuộc sống hoang sơ, trong trạng thái hỗn đồng, nguyên hợp của những sinh hoạt vật chất và tinh thần, đã nhận ra sự khác biệt của các hoạt động của con người, của các loại hình thẩm mỹ – nghệ thuật. Đó là mầm mống tư tưởng hình thái học trong tư duy thần thoại, chức năng tạo lập vũ trụ (Nhất ông đếm cát, Nhì ông tát bể, Ba ông kể sao, Bốn ông đào sông, Năm ông trồng cây, Sáu ông xây rú…), sau đó là thần hóa những sáng tạo kiến trúc đầu tiên, những vũ khí đầu tiên (Loa thành, nỏ thần). Người cổ Hy Lạp có cả một gia hệ các nữ thần nghệ thuật (muses) dưới trướng của vị nam thần đẹp nhất, được ngưỡng mộ nhất – thần ánh sáng và nghệ thuật, là Apolon: nữ thần âm nhạc Euterpe, nữ thần sử thi và hùng biện Calliope, nữ thần thơ trữ tình Polymnie, nữ thần bi kịch Melpoméne, nữ thần hài kịch và thơ điền viên Thalie, nữ thần múa Terpsichore…

Thế giới nghệ thuật được hình thành trong thuở ban đầu giữa thực tiễn xã hội còn bán khai, khó có thể hình dung được rõ rệt những loại hình loại thể. Một điệu vũ trước bàn thờ vật tổ, một giọng ca hòa trong tiếng đàn tre, đàn đá trước buổi đi săn, những hình muông thú khắc trên vách hang động…, rồi những lời nói thuận tai, vui miệng như là tục ngữ…, đó là gì, nghệ thuật ư? Có lẽ chưa phải. Chỉ là tín ngưỡng, là cách trí dân gian? Cũng là những hình thức mở đầu của hoạt động nghệ thuật “không tự giác”.

Từ tiền sử chuyển dần sang thời cổ đại, nghệ thuật mới có hình thù rõ nét, và sự phân loại đi đôi với sự phân công lao động.

Sau thời đại thần thoại là bắt đầu xuất hiện những quan điểm hình thái học của những nhà triết học danh tiếng.

Liên quan đến vấn đề chức năng và hệ tiêu chí chức năng, có hai vấn đề cần xem xét về lịch sử hình thái học: một là, quan niệm rộng hay hẹp về phạm vi lãnh thổ của nghệ thuật (qua việc liệt kê ra các loại hình thể, có những hình thức ứng dụng không); hai là có cách xử lý như thế nào với hai loại nghệ thuật ứng dụng và nghệ thuật thuần túy (xem nặng nhẹ, cao thấp, hay san bằng không có phân biệt) và có dùng hệ tiêu chí chức năng để chia nghệ thuật thành hai hệ thống hay không.

Trong nghiên cứu mỹ học và nghệ thuật:

Nhìn chung, về phạm vi của nghệ thuật, đường biên giới lãnh thổ phân biệt nghệ thuật và phi nghệ thuật, văn học và phi văn học, trong công việc sưu tập, biên khảo và cả lý luận đều tương đối có sự thống nhất: một đường biên giới rộng. Nghệ thuật thì bắt đầu từ kiến trúc, thủ công mỹ nghệ cho đến hội họa, âm nhạc, văn học thì từ ký, chính luận cho đến thơ, tiểu thuyết,…

Hầu như tất cả các bộ Bách khoa toàn thư về nghệ thuật tạo hình trên thế giới đều đưa vào toàn bộ nền văn hóa tạo hình của dân tộc và thời đại mà người ta tuyển chọn, từ kiến trúc, thủ công mỹ nghệ đến điêu khắc hội họa. Quan điểm này thể hiện rõ trong hoạt động bảo tàng về mỹ thuật của các nước cũng như Việt Nam.

Sự ra đời của các hình thức văn học nghệ thuật là do nhu cầu của đời sống, của hoạt động thực tiễn, đặc biệt do nhu cầu của đời sống tình cảm. Xã hội càng phát triển, các hình thức, các thể loại càng phong phú. Nhưng không phải ở đâu có văn hóa nghệ thuật phát triển là ở đó có sự phát triển của tư tưởng phân loại. Khoa học phân loại thường ra đời muộn vì phải chờ đợi để thừa hưởng thành tựu của các khoa học khác. Hình thái học của văn học nghệ thuật chỉ có được trong điều kiện chín muồi của những quan niệm về mỹ học và của sự thực hành phân loại qua các hoạt động sưu tầm biên soạn, nghiên cứu, phê bình.

Trong những tài liệu ghi tên các nghệ thuật thời cổ đại và trung đại của Hy Lạp và La Mã người ta thấy có cả ngữ pháp và từ chương học, biện chứng pháp, số học, hình học, thiên văn, bên cạnh âm nhạc và thơ. Và trong những tài liệu đó đã thấy có phân chia hai loại nghệ thuật kỹ thuậtnghệ thuật thẩm mỹ. Bản trường ca của Lukrêxiút bàn về bản chất của sự vật, có phân biệt hai lĩnh vực hoạt động của con người theo đuổi hai mục đích khác nhau: mục đích vụ lợi và mục đích khoái cảm. Loại thứ nhất có việc đóng tàu, làm ruộng, làm võ khí, áo quần,… Loại thứ hai là tất cả những gì đem tới lạc thú, như hội họa, thơ ca, điêu khắc,… Thời trung cổ, hai loại nghệ thuật này cũng được phân biệt với hai tên gọi là nghệ thuật tự do nghệ thuật máy móc.

Khoa hình thái học nghệ thuật phát triển lên đến đỉnh cao có thể nói là vào giữa thế kỷ XVIII. Cùng trong một vài thập niên 40 và 50 của thế kỷ này, đồng thời với sự ra đời cuốn sách Mỹ học đầu tiên khai sinh ngành mỹ học, của Baumgacten, đã có một số công trình về hình thái học nghệ thuật có giá trị, như S. Báttơ (Pháp), M. Menđenxôn, I. Hecđe, V. Krugơ (Đức).

Thành tựu quan trọng nhất của các công trình nghiên cứu giai đoạn này là có cái nhìn toàn cục đối với cả hệ thống nghệ thuật, xác định đặc trưng loại hình và nhóm loại hình, xác lập được bảng phân loại nghệ thuật một cách hoàn chỉnh.

Trong tác phẩm Nghệ thuật được quy về một nguyên lý duy nhất (1746), Báttơ đã đạt tới tất cả các tiêu chí cần thiết để phân loại nghệ thuật, trong đó có hệ tiêu chí chức năng, và theo Kagan: “Lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng mỹ học thế giới đã nêu lên rằng, một mặt nghệ thuật hùng biện, và mặt khác kiến trúc đều thuộc nghệ thuật, nhưng đều tách riêng ra, vì chúng có một bản chất hai mặt vừa ích dụng vừa thẩm mỹ. Chúng có thể được so sánh ở trong hệ thống các nghệ thuật” [17:80]

Người đầu tiên đưa cặp tiêu chí chức năng vào đúng vị trí của nó trong bảng phân loại nghệ thuật là Vinhem Krugơ. Bên cạnh những tiêu chí tâm lý, bản thể, ông đã đặt tên cho cặp tiêu chí chức năng là Nghệ thuật tuyệt đối hay thuần túy và nghệ thuật tương đối hay ứng dụng. Trong cuốn Bách khoa toàn thư có hệ thống về các nghệ thuật (1753) V. Krugơ đã chia nghệ thuật thành hai hệ thống. Lần đầu tiên, cặp tiêu chí chức năng được sử dụng để tách tất cả các loại hình thành thế lưỡng phân với hai tính năng khác nhau. Thí dụ:

Chia văn học thành hai loại: Thơ ca – Hùng biện

– Mỹ thuật:                          Hội họa- Kiến trúc

– Nghệ thuật múa:                Múa – Đấu kiếm

Một nhận định quan trọng của Krugơ là, nghệ thuật tuyệt đối hay thuần túy là một hệ thống khép kín hoàn mỹ, nghệ thuật tương đối hay ứng dụng là một tập hợp vô hạn. Thời của Krugơ chưa có sự phát triển của kỹ thuật nghe nhìn như hiện nay, chưa có nền mỹ thuật công nghiệp lớn mạnh như thế kỷ này, để có thêm vô số những kiểu dạng mỹ thuật phục vụ con người, để thấy rằng khái niệm tập hợp vô hạn ấy là một nhận định, đồng thời là một dự báo chính xác. Mặt khác, từ hàng nghìn năm, trừ điện ảnh là nghệ thuật thứ bảy, hệ thống nghệ thuật tuyệt đối vẫn khép kín như vậy.

Một nhận định khác, cũng rất đáng lưu ý, và cũng mang tính dự báo, là sự phân chia nghệ thuật thẩm mỹ và nghệ thuật ứng dụng tạo ra thế lưỡng phân trong cả hệ thống nghệ thuật, không chỉ xảy ra trong lĩnh vực các nghệ thuật tạo hình mà còn ở trong tất cả các lĩnh vực khác bởi vì “khả năng mỹ học của tinh thần con người tác động ở khắp nơi” [17:82]. Điều dự báo này đã ứng nghiệm vì đến hôm nay, hơn hai trăm năm sau Krúc, người ta bắt đầu đưa khái niệm “tương đối hay ứng dụng” vào lĩnh vực văn học như ông đã làm.

Gọi những thành tựu của khoa hình thái học hồi giữa thế kỷ XVIII này là đỉnh cao, ngoài ý nghĩa mỹ học và nghệ thuật học, còn có ý nghĩa về quan điểm triết học: tinh thần dân chủ trong việc phân chia xếp loại nghệ thuật, gạt bỏ quan điểm tôn ty đẳng cấp trong nghệ thuật.

Các xu hướng nghiên cứu:

Về vai trò của hai loại nghệ thuật lưỡng tính và đơn tính, có ba xu hướng nghiên cứu chủ yếu sau đây:

Phân biệt tôn ty: nghệ thuật cao, nghệ thuật thấp

Xuất phát từ những lập trường khác nhau, hoặc tư tưởng duy tâm, hoặc khuynh hướng lãng mạn, hoặc quan điểm duy văn học, từ khi có sự phân chia các nghệ thuật đến nay, vẫn tồn tại dai dẳng thái độ phân biệt nghệ thuật caonghệ thuật thấp. Mức độ khác nhau, nhưng xu hướng này thể hiện trong mỹ học từ thời đại cho đến những nhà mỹ học lớn Hegel, Belinskij, Chernyshevskij. Quan điểm phổ biến là xếp thang bậc, đặt kiến trúc và các nghệ thuật ứng dụng ở bậc thấp nhất, văn học được đứng ở bậc thang cao nhất. Lý do là, chỉ có văn học mới có khả năng thể hiện cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống tinh thần, một cách đầy đủ nhất. Tuy có những lý do khác nhau, coi tinh thần cao hơn vật chất (mỹ học duy tâm và lãng mạn), coi văn học là cao vì nó trực tiếp tham gia đấu tranh tư tưởng có hiệu quả (mỹ học dân chủ cách mạng), nhưng hiệu quả là tạo ra thứ bậc tôn ty trong các nghệ thuật.

Xóa nhòa ranh giới giữa hai loại nghệ thuật

Một là, đề cao một cách cực đoan những hình thức thẩm mỹ trong đời sống và coi nhẹ những sáng tác nghệ thuật. Trong thế kỷ trước, đã có những nhà mỹ học như L. Lemke với tác phẩm “Mỹ học phổ cập”, V. Tappenpét với tác phẩm “Tôn giáo của cái đẹp”, tuyệt đối hóa “tính trật tự thẩm mỹ” trong đời sống con người, xem nó cần thiết “như bánh mì trong đời sống”. Điều đó cũng có lý, nhưng đến lúc cho rằng “có thể thiếu âm nhạc, hội họa, nhưng không thể thiếu tính trật tự thẩm mỹ”, thì các ông đã rơi vào lập trường cực đoan.

Hai là, như nhà Mỹ học Mỹ đương đại Thomas Manro, ông đã liệt kê hàng trăm loại nghệ thuật, trong đó các nghệ thuật nấu ăn, in ấn, làm nhạc cụ, làm hương liệu… được xếp chung ngang hàng với văn chương, âm nhạc, hội họa.

Ba là, mức độ phổ biến nhất hiện nay, trong mỹ học và lý luận văn học: chỉ trừ một vài tác giả, còn hầu hết những công trình và tài liệu mỹ học và lý luận văn học trong và ngoài nước hiện nay đều xếp hai loại nghệ thuật này cùng chung một danh mục không chia thành hai nhóm, hai hệ thống. Xu hướng này cũng chỉ nêu ra một số loại hình nghệ thuật nhất định như kiến trúc, mỹ nghệ là nghệ thuật lưỡng tính, trong văn học cũng chỉ có ký và luận. Ngay trong lòng các nghệ thuật khác như trong hội họa, âm nhạc, trong các loại tự sự trữ tình của văn học cũng cần phải chia đôi thành hai loại lưỡng tính và đơn tính.

Với các xu hướng trên, trường hợp Chernyshevskij là đặc biệt: xuất phát từ lập trường chống chủ nghĩa duy tâm triết học, ông theo luận điểm “cái đẹp là cuộc sống”, đã xem những yếu tố thẩm mỹ phi nghệ thuật là cao hơn nghệ thuật, mặt khác lại co hẹp nghệ thuật vào phạm vi phi vật chất, tôn vinh nghệ thuật ngôn từ là cao nhất. Ông viết: “Sức mạnh của “trí tưởng tượng sáng tạo” rất là có hạn”. “Chúng ta không thể tưởng tượng ra cái gì đó có cường độ hơn là cái chúng ta đã nhìn và cảm thấy; vẻ đẹp của một pho tượng không thể vượt hơn vẻ đẹp của một con người đang sống, vì rằng ảnh chụp không thể đẹp hơn được người” [30:107]. Chỗ khác, khi đề cập đến kiến trúc, ông nói: “Dù thế nào đi nữa, chúng ta không được phép gọi những sản phẩm của kiến trúc là tác phẩm nghệ thuật – kiến trúc là một trong các ngành hoạt động thực tiễn của con người”. Và ông nói về thi ca – tức văn học: “Về nội dung, thi ca hơn hẳn các nghệ thuật khác, những nghệ thuật khác không có năng lực nói với chúng ta dù là một phần trăm cái mà thi ca nói với chúng ta”. Nhưng với một quan điểm nhất quán “cái đẹp là cuộc sống”, ông cho rằng các nghệ thuật khác với hình thức cảm tính gần với sự sống, sẽ có tác động mạnh mẽ hơn thi ca (như âm nhạc, hội họa).

Tuy có quan niệm “duy văn học” nhưng Chernyshevskij đã chứng tỏ có một quan niệm chặt chẽ về đặc trưng của nghệ thuật, khi ông xem kiến trúc chỉ là một hoạt động thẩm mỹ. (Về kiến trúc, Hegel xem là “tiền nghệ thuật”, Belinskij xem là “bước đầu tiên đi đến nghệ thuật”).

Quan niệm chia nghệ thuật thành hai hệ thống

Quan niệm khá triệt để phải kể ngay từ Aristotle, khi ông cho rằng “Homer là nhà thơ, còn Empédocles là nhà triết học”, mặc dù Empédocles viết triết học bằng văn vần và mọi người có “thói quen” coi ông là nhà thơ. Đó là thời văn triết bất phân, nên “thói quen” đó không phải là không có lý. Cho đến hiện nay, nhiều tài liệu vẫn gọi Empédocles là nhà triết học và nhà thơ. Việc tách thơ trữ tình, tức thơ đơn tính, ra khỏi lĩnh vực thơ nói chung, là một quan điểm hình thái học rất tiên tiến trong bối cảnh nghệ thuật cổ đại.

Đến giữa thế kỷ XVIII, bảng phân loại của Vilhem Krugơ đã chia đôi nghệ thuật thành hai hệ thống:

  • Các nghệ thuật tương đối hay ứng dụng: những nghệ thuật “nhằm mục đích thực tế” như hùng biện, kiến trúc, mỹ thuật chữ viết, đấu kiếm, cưỡi ngựa,…
  • Các nghệ thuật tuyệt đối hay thuần túy: Đó là những nghệ thuật mà ở đấy “sự sáng tạo là tự do và có mục đích thẩm mỹ thuần túy”, như thơ, nhạc, vũ, điêu khắc, hội họa.

Và theo Krugơ hình thức lưỡng phân này không loại trừ một nghệ thuật nào, kể cả văn học. Hiện nay, trong mỹ học và lý luận văn học vẫn chưa có được quan niệm triệt để này như nhà mỹ học Đức thế kỷ XVIII.

Mỹ học Nga hiện đại có M. Kagan đã kế thừa và nâng lên một trình độ thực sự khoa học trong sự phân chia hai hệ thống nghệ thuật, theo Kagan, việc phân chia nghệ thuật thành hai chức năng và một chức năng “phải được xem là một trong những nguyên tắc cơ bản của hình thái học nghệ thuật”. … “Đó là hai phương thức cần thiết của hoạt động sáng tạo nghệ thuật, về nguyên tắc là bình đẳng có giá trị như nhau, và cần thiết như nhau đối với con người. Vì vậy, không thể nào đồng hóa chúng, cũng như không thể nào tách cái này hoàn toàn ra khỏi cái kia.” [17:105]

Ngành mỹ học Liên Xô cũ có nhiều tác phẩm mỹ học đại cương có mục Các loại hình nghệ thuật nhưng rất ít trường hợp giải quyết triệt để vấn đề hai hệ thống nghệ thuật. Ngay cả trong hai cuốn giáo trình – công trình tập thể của đại học Mạc Tư Khoa và cuốn sách Mỹ học nhiều người biết của Borev, vấn đề này cũng không được nhắc nhở tới. Nói chung, ý tưởng về hai tính năng chỉ được phân tích trong từng nghệ thuật riêng lẻ, không phân tích như một nguyên tắc phân loại nghệ thuật như Kagan và như trường hợp sau đây. Đó là cuốn sách Mỹ học Mác – Lênin của hai tác giả IA Lukin và V.C Xcachersicov, đã đề cập đến vấn đề này như sau: “Một cách phân chia rất quan trọng là chia nghệ thuật ra thành các loại hình “ứng dụng”, hay “có công dụng thực tế” và các loại hình “thuần túy”, hoặc đôi khi người ta còn gọi là “nghệ thuật đẹp”. Nguyên tắc phân chia này gắn liền với quan niệm coi nghệ thuật như một hình thức thực tiễn của con người”. Tác giả cũng có nhận định như Krugơ và Kagan: “Sự phân chia nghệ thuật thành hai loại “thuần túy” và “ứng dụng” trong một chừng mực nhất định là có ngay ở bên trong mỗi loại hình nghệ thuật. Ở một số loại hình nghệ thuật vẫn quen được coi là “thuần túy” (thơ ca, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, v.v…) vẫn thường có thể có cả mặt ứng dụng, có ý nghĩa công dụng thực tế”. Sau đó tác giả lấy thí dụ về các hình thức ứng dụng:

Thí dụ: nhạc nhảy, nhạc hành quân, nhạc nghỉ lễ [25:168]

Trong nghiên cứu văn học

Với câu hỏi “Văn học là gì, và phạm vi của văn học là ở đâu?”, xưa nay vẫn thường có hai cách trả lời:

  • Một là, văn học là những văn phẩm có lời văn đẹp.
  • Hai là, văn học là những văn phẩm thuộc các loại thuần túy nghệ thuật như thơ, truyện, kịch.

Đó là lối nói giản lược, theo quan niệm về loại thể, vì trả lời câu hỏi này có biết bao nhiêu cách nói khác nhau.

Hai cách trả lời trên, một quan niệm rộng và một quan niệm hẹp, sẽ thể hiện trong hai khuynh hướng lý luận. Khuynh hướng rộng sẽ cho Empédocles là nhà triết học, đồng thời là nhà thơ, khuynh hướng hẹp sẽ cho Empédocles không phải là nhà thơ, mà chỉ là nhà triết học, như quan niệm của Aristotle. Hai khuynh hướng này đều có lý, vì có chứng minh trên thực tế sáng tác văn học và trong đời sống văn học.

Các công trình nghiên cứu – sưu tập thường đi theo quan niệm rộng về văn học: thu vào đối tượng nghiên cứu, giới thiệu, bình giảng tất cả các loại thể, không chỉ ba loại thơ, truyện, kịch. Về văn học, trong từ ngữ phương Tây từ lâu đã có phân biệt văn thẩm mỹ, văn nghệ thuật[4] với các loại văn khác. Ở phương Đông (Trung Quốc, Việt Nam), các thời đại trước chưa có khái niệm từ ngữ riêng để phân biệt hai loại nghệ thuật, hai loại văn, nhưng những quan niệm về loại và thể với đặc điểm chức năng khác nhau đã có rất sớm.

Quan niệm phân loại văn học nghệ thuật thường thể hiện trong những khảo sát từ nguyên về các từ nghệ thuậtvăn học. Từ ý nghĩa ban đầu đến ý nghĩa hiện đại nhất, các từ ngữ, các khái niệm gọi tên văn họcnghệ thuật trải qua bao lần không ngừng chuyển hóa và bổ sung nội hàm và ngoại diên của nó. Một số công trình văn học sử và lý luận văn học đã mở đầu bằng khảo sát từ văn, văn chương, văn học. Qua việc khảo sát đó, sẽ thấy các thể văn xuất hiện và được định hình như thế nào trong lịch sử. Theo dõi lịch sử ra đời và không ngừng biến hóa của từ văn văn học trong lịch sử Trung Quốc (và phần nào cũng như Việt Nam) sẽ thấy được quan niệm của các thế hệ những nhà văn và học giả đã từng khoanh vùng và phân chia các loại văn như thế nào, đặc biệt là sự quan tâm đến ranh giới của văn nghệ thuật và văn ứng dụng. Thoạt tiên, văn, là những hoa văn trên bộ lông động vật và cảnh vật thiên nhiên, đó là vẻ đẹp của đất trời, vũ trụ. Về sau từ văn dùng để chỉ tất cả những tinh hoa của con người nói chung như dấu hiệu của văn minh, đến vẻ đẹp của văn hóa thể hiện nơi nhân cách của một con người (Khổng Tử khen đời Chu có văn và ông đặt tên cho người học trò giỏi giang biết khiêm nhường là Văn, và vua nhà Chu có vương hiệu là Văn vương). Nhưng ngay từ thời Khổng Tử thì văn đã được sử dụng không chỉ với nghĩa rộng nhất (văn minh, văn hóa), mà còn với nghĩa hẹp dần, là các loại văn bản, và hẹp nhất là văn tự. Trước đời Đường, một số nhà thơ và học giả tìm ra các lập luận về văn, phân loại văn, đề cao văn của học giả, văn cung đình (Vương Sung, TK I), chia văn thành tám thể, đề cao các thể tấu, nghị, thư, luận, minh, lỗi và đặt thi, phú (văn trữ tình) ở bậc thấp nhất (Tào Phi, TK II, III).

Ở phương Đông, trong kho tàng ca dao tục ngữ cổ của Việt Nam cũng như các bộ tứ thư, ngũ kinh của Trung Quốc, có thể tìm thấy mọi tri thức về xã hội, tự nhiên, nghệ thuật văn chương và cả âm nhạc nữa (ca dao và Kinh thi xưa là những bài thơ để hát). Tại Trung Quốc, trước Aristotle khoảng một thế kỷ, Khổng Tử đã nhận xét về nội dung Kinh thi như sau: “Thơ có thể làm cho người ta phấn khởi được ý chí, biết xem xét được việc hay việc dở, biết hòa hợp với mọi người, biết bày tỏ nỗi sầu oán; gần thì biết thờ cha, xa thì biết thờ vua, lại biết được nhiều tên chim muông, cây cỏ” (Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán, nhĩ chi sự phụ, viễn chi sự quân, đa chí ư điểu thú thảo mộc chi danh – Luận ngữ). Nhận xét đó lộ rõ nội dung nguyên hợp, nhiều chức năng của những thơ ca dân gian cổ, và các triết gia cổ đã thừa nhận. Trong công trình lý luận văn học cổ của Trung Quốc là Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp (TK V-VI) gồm 49 thiên, trong đó có 21 thiên phân tích các thể loại văn học cổ Trung Hoa mà phần lớn các thể loại này cũng có trong văn học ở nước ta. Trong 21 thiên, Lưu Hiệp đã để 11 thiên đầu bàn về “văn” (văn nghệ thuật) và 10 thiên bàn về “bút” (văn ứng dụng). Lưu Hiệp đã chia các thể văn (văn nghệ thuật) gồm 11 thể như sau: thơ, nhạc phủ, phú, tụng tán, chúc minh, minh châm, lũy bi, ai điếu, tạp văn, hài ẩn. Và bút (văn ứng dụng) gồm 10 thể như sau: sử truyện, chư tử, luận thuyết, chiêu sách, hịch di, phong thiện, chương biểu, tấu khải, nghị đối, thư ký [64][5].

Có thể xem việc xác định hai loại văn được thể hiện từ cuối thời Nam Bắc triều, trước khi mở ra thời đại văn học đời Đường, với trích lời giới thiệu tập Văn Tuyển nổi tiếng của Tiêu Thống (một học trò của Lưu Hiệp):

“Các sách của Lão, Trang, Quản, Mạnh có mục đích chính là đặt nền móng cho tư tưởng, chứ không phải có hình thức tinh diệu và sự trình bày khéo léo. Vì vậy, tôi không đưa chúng vào “văn tuyển”. Tôi cũng không tuyển các lời phát biểu, lập luận của các nhà hoạt động chính trị khác cũng như của các cố vấn, của các vương hầu, cho dù chúng có những phẩm chất đúng kỳ lạ đến đâu… Cũng như vậy, tôi không chọn gì từ các tập sử ký và sử biên niên vì chúng không đáp ứng nhiệm vụ của tôi do chỗ chúng nhằm bao biếm thị phi, phân biệt dị đồng. Nhưng một số phần của chúng như những bài văn luận hoặc các đoạn ngợi ca được viết ra bằng những câu trau chuốt, và sau nữa là những đoạn trần thuật đặc biệt với một văn phong nghệ thuật thì tôi đều đưa vào “Văn tuyển” như là những bài có nội dung sâu sắc và có dụng tâm trau chuốt ngôn từ” (Tôi nhấn mạnh – LV)” [70:43]

Vậy là khi tuyển chọn, Tiêu Thống đã có ý thức phân rõ loại văn nghệ thuật và văn ứng dụng – nửa nghệ thuật (Những dòng cuối là nói về văn ứng dụng). Tóm tắt tư tưởng phân loại từ đời Đường về trước xung quanh cách hiểu thuật ngữ văn học, sách của I.S Lisêvich viết như sau:

“… Tổng kết tất cả những điều đã nói ở trên dễ dàng thấy rằng trong suốt mười ba thế kỷ từ Khổng Phu Tử cho tới Hàn Dũ đời Đường đã diễn ra sự thu hẹp dần thuật ngữ (văn), từ yếu tố văn minh nói chung, xuyên qua việc chỉ tất cả những gì được viết ra bằng kinh điển, triết học và lịch sử, ngôn từ trau chuốt, văn xuôi có nhịp điệu, và cuối cùng, đi đến chỉ một phong cách văn học nhất định và thể tài nhất định” [70:46]

Đến thời cận hiện đại, tại Trung Quốc vẫn tồn tại hai xu hướng về phạm vi của văn học: xu hướng mở quá rộng, xem tất cả những văn phẩm được ghi bằng văn tự đều là văn học (Tạ Ký Lương, Tăng Nhị, Cố Thực). Tiêu biểu của xu hướng này người ta thường nhắc câu của Chương Bình Lân: “Viết lên tre, lụa thì gọi là văn, bàn đến phép tắc của nó thì gọi là văn học” (Trước ư trúc bạch chi vị văn, luận kỳ pháp thúc vị chi văn học) (93). Xu hướng thứ hai, là thu hẹp vào các thể văn nghệ thuật. Tiêu biểu là Hồ Văn Dực, trong sách Tân trước Trung Quốc văn học sử, cho rằng văn học chỉ gồm thi ca, từ phú, từ khúc, tiểu thuyết, tản văn, tuồng, du ký mà thôi. Các loại văn triết học, kinh học, tản văn của các danh gia đều không phải là văn học. Thời kỳ sau này (những năm 50, thế kỷ XX) các nhà nghiên cứu vẫn giữ quan niệm trên, nhưng có mở rộng đưa các tác phẩm văn ứng dụng có tính nghệ thuật (từ tứ thư ngũ kinh về sau) vào kho tàng văn học. Các sách văn học sử Trung Quốc được soạn tại Việt Nam cũng theo xu hướng này[6] .

Thế kỷ XVIII, hai nhà bác học lớn là Lê Quý Đôn (1726 – 1784) và Phan Huy Chú (1782 – 1840) đã có những công trình sưu tầm biên khảo công phu giới thiệu các quan niệm văn chương và những kho tàng sách vở thư mục của nhiều đời còn để lại, qua đó ta biết được cha ông ta đã sử dụng các hình thức loại thể như thế nào.

Trong Đại Việt thông sử, chương Nghệ văn chí, Lê Quý Đôn giới thiệu 115 bộ sách, trong đó có 67 bộ thơ văn và 19 bộ tryện ký, trong di sản văn học của các thời kỳ từ “đầu Lê (trung hưng) ngược lên triều Lý”.

Trong Vân đài loại ngữ, chương Văn nghệ, Lê Quý Đôn ghi 48 điều suy nghĩ của mình và những điều học được của tiền nhân về văn chương, về nghệ thuật sáng tác. Ông có giới thiệu đặc tính của các thể loại văn cổ của Trung Quốc qua ý kiến của Tào Phi, Lưu Hiệp (Điều 15, 16).

Trong bộ bách khoa Lịch triều hiến chương loại chí, mục Văn tịch chí, Phan Huy Chú dựa trên cơ sở Nghệ văn chí của Lê Quý Đôn, bổ sung soạn lại một thư mục đồ sộ 213 bộ sách các loại. Phan Huy Chú khi viết bài tựa cho tập thơ của Lê Quý Đôn Quế đường thi tập đã có ý kiến phân tích về hai loại tư duy, hai hình thái sáng tạo là “trước thuật” và “ngâm vịnh”, sáng tác hai loại văn khác nhau. Ông cho rằng Lê Quý Đôn là thiên tài hiếm hoi khi vừa là nhà thơ vừa là nhà trước thuật.

Người mở đầu làm Hợp tuyển văn học Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX là một người Pháp, ông Edmond Nordemann, đã sưu tập những áng văn Nôm cổ và các loại văn bản hành chánh (1898)[7] .

Thời kỳ đầu thế kỷ XX, có công trình của nhà giáo người Pháp là G. Cordier, Văn học Việt Nam (1914)[8] . Công trình biên khảo văn học đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ là của Phan Kế Bính, cuốn Việt Hán văn khảo (1915). Đây là một công trình biên soạn dịch thuật có giá trị, thể hiện một quan niệm văn học mẫu mực của một nhà nho, một học giả thuộc thế hệ giao thời. Trong tập sách này, Phan Kế Bính đã tuyển các tác phẩm thuộc nhiều loại và thể khác nhau, thuộc văn học Việt Nam và Trung Hoa: thơ, truyện ký, ký sự, nghị luận, tựa, biểu, chiếu, v.v…

Những năm 20 và 30 của thế kỷ XX, một loại công trình biên soạn, biên khảo ra đời với tên tuổi các nhà Hán học – Tây học: Dương Tự Quán, Lê Thành Ý, Nguyễn Hữu Tiến, Trần Tuấn Khải, Nguyễn Văn Ngọc, Trần Trung Viên… và Bùi Kỷ.

Những năm ba mươi, cuốn Quốc văn cụ thể của Bùi Kỷ, một công trình về lý thuyết thể loại đầu tiên, đồng thời là sách giảng văn, đã giới thiệu các thể thơ văn nghệ thuật theo một quan điểm chặt chẽ về văn chương (1932)[9] .

Những năm bốn mươi có hai tác gia có công trình nghiên cứu biên khảo tiêu biểu là Dương Quảng Hàm và Vũ Ngọc Phan.

Dương Quảng Hàm (1898 – 1946) là học giả, nhà tây học thông hiểu Hán học, có công đầu trong ngành văn học sử giáo khoa ở nước ta và nửa đầu thế kỷ XX). Cách nhìn toàn diện nền văn học dân tộc, kể từ văn học dân gian, văn học chữ Hán, đến các trường phái văn học hiện đại, với các loại thể văn ứng dụng và văn nghệ thuật…, đã trở thành một mô hình cho nhiều công trình văn học sử về sau.

Một bộ gồm hai cuốn, Việt Nam văn học sử yếu và Việt Nam Thi văn hợp tuyển của Dương Quảng Hàm đã mở đầu loại giáo khoa văn học sử nước ta thời hiện đại, được biên soạn một cách khoa học và hoàn chỉnh, trong đó giới thiệu cả chục thế kỷ văn học nước nhà, bao gồm các văn thơ nghệ thuật và cả kinh nghĩa, văn sách, ca dao tục ngữ về phong tục, canh nông, thiên văn, thời tiết… [10]

Sách văn học Việt Nam của những người Pháp biên soạn từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX (E. Nordeman, G. Cordier) và sách của Dương Quảng Hàm tiếp thu phương pháp Tây phương, đã đưa các loại tác phẩm văn vần văn xuôi ứng dụng có tính nghệ thuật vào bên cạnh văn thơ nghệ thuật.

Nhà văn hiện đại là bộ sách bốn tập nghiên cứu và phê bình của Vũ Ngọc Phan. Có thể nói đây là bộ sách đầu tiên nghiên cứu công phu về văn học Việt Nam hiện đại, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt về phương diện hình thái học, ta thấy ở đây một quan niệm rộng rãi nhưng chặt chẽ của tác giả về văn học và về “thế nào là nhà văn”. Nhìn vào mục lục của sách, có thể thấy tác giả là người đầu tiên phân loại các thể văn viết bằng quốc ngữ có tham khảo từ nền văn học phương Tây. Có mặt trong công trình này là hơn 70 nhà văn của 30 năm văn học thời kỳ đầu thế kỷ XX, mỗi nhà văn hoặc mỗi nhóm đã sử dụng một thể loại văn học khác nhau: từ biên khảo, dịch thuật, phê bình, đến các thể ký, truyện, thơ, kịch. Riêng tiểu thuyết, tác giả đã kể ra chín loại – chín thể tài khác nhau.

Cuối những năm 50 thế kỷ XX, tại Pháp, Maurice Durand viết công trình Văn học cổ phương Đông và văn học truyền miệng, phần Văn học Việt Nam, đã tuyển trích văn thơ, tản văn cổ Việt Nam và cả tản văn của người Việt viết bằng tiếng Pháp, như Phạm Văn Kỳ, Nguyễn Tiến Lãng, Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Nhị,…[11].

Sau 1954, tại Hà Nội và Sài Gòn có nhiều công trình sưu tầm biên khảo theo hướng của Dương Quảng Hàm, cũng tập hợp đủ các loại văn cổ kim như vậy. Tại Sài Gòn, có những giáo trình đại học và trung học của Thanh Lãng, Phạm Thế Ngũ, Phạm Văn Diêu, Hà Như Chi, v.v…

Cùng với quan niệm xem phạm vi của văn học bao gồm cả văn thuần túy và các tác phẩm văn ứng dụng, Phạm Văn Diêu viết mục “Nhận định danh từ văn học” trong sách “Văn học Việt Nam” như sau:

“Danh từ văn học trong bộ sách này, sẽ bác bỏ ý kiến cho rằng văn học bao gồm cả học thuật, vì một bài giảng về ngôn ngữ học, về âm nhạc, về toán khoa khúc chiết khô khan, cứng rắn, không thể gọi là văn được; song nó vẫn chấp nhận rằng trang sử học của Claude Bernard, bài triết lý của Descartes, Victor, Henri Bergson, Trang Tử, Vương Thủ Nhân rực rỡ những hình ảnh diễm tuyệt, tân kỳ, cũng vẫn là văn chương vậy. Nó là thi ca, tiểu thuyết kịch đã đành, mà còn bao quát tất cả công trình triết lý, sử ký, khoa học viết có nghệ thuật, có kiến trúc, tổ chức mỹ lệ, gây được hứng thú văn chương tuyệt vời”. [93:34]

Tại Hà Nội, Tổng tập văn học Việt Nam, Văn thơ yêu nước – cách mạng, Văn thơ Xô Viết Nghệ Tĩnh, tuyển các tác phẩm văn thơ nghệ thuật và văn thơ tuyên truyền chính trị, thơ ca quần chúng.

Các tuyển tập và sách biên khảo về tác giả có văn thơ Phan Chu Trinh, văn thơ Phan Bội Châu, thơ Hồ Chí Minh của hai nhà xuất bản Văn hóa và Văn học (Hà Nội) thể hiện cụ thể một quan niệm rộng về văn chương. Tập Thơ Hồ Chí Minh (xuất bản năm 1970) tổng số 84 bài, trong đó có 26 bài “thơ cảm hứng trữ tình”, 58 bài “thơ tuyên truyền”. Một tuyển tập văn Hồ Chủ tịch (sách dùng trong nhà trường, NXB GD, 1971) có 10 bài văn chính luận và ký xuất sắc thường được nhắc đến, còn 36 bài là diễn văn và thư từ trong đó có cả những bài do cơ quan chức năng viết và Hồ Chủ Tịch duyệt lại, và cả các bài nói được ghi lại. (Bức thư cuối cùng gởi ngành Giáo dục là do Phòng Tuyên truyền Bộ Giáo dục viết, Bác Hồ sửa lại).

Vấn đề chia văn học nghệ thuật thành hai hệ thống lưỡng tính và đơn tính trong các công trình nghiên cứu văn học những năm gần đây có những ý kiến đáng lưu ý:

Trong những bài nghiên cứu của Nguyễn Đăng Mạnh và Nguyễn Hoành Khung về thơ văn Hồ Chí Minh, các tác giả đã chia thơ Hồ Chí Minh thành hai loại: thơ cảm hứng trữ tình thơ tuyên truyền. Nguyễn Đăng Mạnh viết: “Ta hiểu vì sao trên nhiều bài phê bình, nghiên cứu thơ Hồ Chủ tịch, vẫn có tình trạng lẫn lộn những đặc trưng về thể loại của hai loại thơ nói trên của Bác, dẫn đến những lời bình giảng, những cách phân tích không phù hợp với nội dung và hình thức thơ” [73:56]

“Tình trạng lẫn lộn” này không chỉ trong phê bình, nghiên cứu, trong tuyển chọn, xuất bản, mà cả trong giảng dạy, giáo dục văn học, gây ngộ nhận về chức năng của văn học và làm suy giảm tác dụng mỹ cảm, đưa đến sự nhàm chán của học sinh đối với bộ môn Văn trong nhà trường.

Trần Đình Sử trong công trình Thi pháp thơ Tố Hữu đã phân tích về sự hình thành kiểu nhà thơ đồng thời cũng là thể loại thơ có liên quan đến phương thức trữ tình thuần túy (thơ trữ tình chính trị, như Tố Hữu) và phương thức phân đôi (hai loại thơ: thơ trữ tình và thơ tuyên truyền, ngay trong một nhà thơ: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Xuân Thủy… [83:32]

“Thơ Tố Hữu hầu như không có (LV nhấn mạnh) sự phân biệt giữa thơ tuyên truyền vận động cách mạng và thơ biểu hiện cảm xúc cá nhân” (Trần Đình Sử) [83:33]). Nhận xét này đã tuyệt đối hóa đặc điểm sáng tác của một nhà thơ; thực ra Tố Hữu, và ngay cả Xuân Diệu, Huy Cận,… cũng không phải không có sự “lưỡng phân” trong tư duy nghệ thuật của mình: vừa làm thơ trữ tình, vừa làm thơ ứng dụng. (Vấn đề này sẽ còn bàn cụ thể hơn trong các chương sau về đặc điểm của từng loại văn).

Trong lý luận văn học và ngữ học

Nếu xem việc đưa số lượng các loại thể vào bảng danh mục phân loại là một cách nhìn, một quan niệm về phạm vi rộng hẹp của văn học, thì việc đưa vào hoặc rút ra các loại ký, chính luận sẽ phản ánh hai loại quan niệm đó trong ngành lý luận văn học[12].

Quan niệm mở rộng các loại thể văn học ra ngoài bộ ba loại thể văn nghệ thuật (tự sự, trữ tình, kịch), thêm vào hai loại ký và luận, đã thể hiện khác nhau trong những tài liệu lý luận văn học. Có tài liệu đưa cả ký và luận, có tài liệu chỉ đưa ký. Có tài liệu đưa ký vào trong loại tự sự, xem như một thể loại của tự sự. Có tài liệu đưa luận vào ký, xem như một thể loại của ký. Nếu là những tài liệu – tác phẩm lý luận thông thường, không phải sách giáo khoa, sự khác nhau về quan niệm như trên là một việc bình thường. Nhưng những tài liệu đang kể hầu hết là giáo trình đại học và trung học, hoặc sách tham khảo như giáo trình, thì sự khác biệt về kiến thức lý thuyết là không bình thường. Tuy nhiên, sự khác nhau như trên không phải là cơ bản, mà sự giống nhau là cơ bản: thừa nhận có một biên giới rộng của văn học, bao gồm cả ký và luận. Những nhận xét trên được rút từ sau khi khảo sát 13 cuốn sách lý luận văn học viết và dịch được xuất bản trong vòng 35 năm qua, do hai nhà xuất bản giáo dục và các trường đại học sư phạm trong nước (xem phụ lục) xuất bản. Một điều cần lưu ý là trong số 13 cuốn sách trên, có hai cuốn chỉ để ba loại thể, không có ký và luận, đó là cuốn sách dịch giáo trình đại học Liên Xô Dẫn luận nghiên cứu văn học, do Pospelov chủ biên (Hà nội, 1985) và Văn học lớp 12, Trần Đình Sử viết (Hà Nội, 1992). Có thể do viết cho học sinh phổ thông, tác giả Trần Đình Sử giản lược kiến thức, nhưng với sách của Pospelov thì lại là trường hợp khác, thể hiện một quan niệm chặt chẽ, vạch một biên giới hẹp cho văn học. Sách Dẫn luận nghiên cứu văn học chỉ xem xét văn học trong phạm vi ba loại thể văn nghệ thuật. Phần lý thuyết chung về loại thể do V.E. Khalize viết, và phần đặc trưng văn học do Pospelov viết, đã phân tích kỹ về tính chất minh họa phi văn học của các thể ký và luận.

Tóm lại, trong ngành lý luận văn học có hai xu hướng: mở rộng và thu hẹp phạm vi lãnh thổ của văn học.

Quan niệm mở rộng không tách ký và luận thành hệ thống riêng, mà vẫn xếp chung trên một bình diện với ba loại đã có. Nghĩa là không dùng tiêu chí chức năng phân chia văn học thành hai hệ thống.

Quan niệm thu hẹp, có tính triệt để hơn, chính đã tạo điều kiện để phân chia văn học thành hai hệ thống.

Nguyễn Phan Cảnh (nhà ngữ học) trong cuốn Ngôn ngữ thơ, Chương 3, với tiêu đề “Văn xuôi trữ tình và thơ ứng dụng” đã chứng minh có một loại thơ ứng dụng. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam một tác giả sử dụng thuật ngữ “ứng dụng” gắn vào loại thể văn học. Nhưng tiếc rằng tác giả không có những sự phân tích đầy đủ về khái niệm thơ ứng dụng, và gần như xem đây là một hình thức sáng tác không đáng quan tâm. [58]

Đến đây cũng cần đặc biệt lưu ý: việc sử dụng thuật ngữ “văn học ứng dụng” lại bắt đầu từ các nhà ngữ học nổi tiếng như R. Giacôpxơn. Trong Ngôn ngữ học và thơ ca, ông viết: “… trong những nền văn hóa vừa biết đến thơ thuần túy lại vừa có cả thơ ứng dụng, loại sau này bao giờ cũng là một hiện tượng thứ yếu, có tính chất phát sinh hiển nhiên”. [62]

  1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.1.  Phương pháp luận và phương pháp hệ (methodologie – methodique)[13]

Tư tưởng phân loại nghệ thuật chỉ có thể trở thành một tư tưởng mang tính khoa học khi nó có phương pháp luận khoa học và nằm trong mối tương quan với tư tưởng phân loại của các ngành, các hình thái sinh hoạt tinh thần khác, đặc biệt là phân loại khoa học.

Những quan điểm lịch sử và biện chứng của khoa hình thái học nghệ thuật thế kỷ XVIII (S. Battơ, I Hecde, V. Krugơ), thế kỷ XIX (Hegel), và quan điểm biện chứng duy vật hiện đại (M. Kagan, G. N. Pôspêlôv, N. Đmitriêva) là tiền đề phương pháp luận của luận văn này. Đồng thời, tư tưởng phân loại khoa học theo quan điểm biện chứng duy vật của viện sĩ Kêdrôv và công trình phân loại khoa học của giáo sư Tạ Quang Bửu là những gợi ý quan trọng[14].

Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi dựa vào các cấp độ phương pháp như sau:

Phép biện chứng duy vật, phản ánh những quy luật chung nhất của sự phát triển, giúp cho việc nhìn nhận thế giới nghệ thuật bao gồm nhiều loại hình loại thể đã được hình thành và phát triển, biến đổi qua quá trình lịch sử. Các loại hình loại thể văn học nghệ thuật ra đời trước hết do những nhu cầu xã hội, với mục đích phục vụ xã hội. Vì vậy, cần xuất phát từ chức năng xã hội để phân loại. Mặt khác, các ngành khoa học và nghệ thuật đều phản ánh những dạng vận động của vật chất, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, do đó các loại tác phẩm văn học nghệ thuật sẽ hình thành từ những kết cấu giản đơn (lời nói thường ngày có âm điệu), đến tương đối phức tạp (văn ứng dụng) và thực sự phức tạp (văn nghệ thuật). Cặp phạm trù biện chứng nội dung – hình thức sẽ được vận dụng triệt để vào việc phân tích kết cấu này. Văn học là một hình thái ý thức, một dạng hoạt động giá trị, nên cần xem xét quan hệ khách thể và chủ thể trong sáng tạo nghệ thuật, trong tương quan so sánh với các hình thái ý thức khác (khoa học, chính trị,…).

Quan hệ biện chứng được xem xét cả hai trục không gian và thời gian về sự ra đời và tồn tại của các loại và các thể văn học. Theo ý nghĩa rộng nhất, ba loại trữ tình, tự sự và kịch là ba phương thức phổ biến của văn học thuộc mọi nền văn hóa của những thời đại khác nhau. Nhưng dưới cấp loại thể, là sự biến đổi theo địa bàn dân tộc và thời kỳ lịch sử. Chính sự biến đổi này lệ thuộc vào nhu cầu của đời sống, chức năng của văn học. Do đó, trong lịch sử văn học Việt Nam đã có những trường ca lịch sử, những khúc ngâm bằng lục bát, song thất lục bát, những cáo, hịch, phú, văn tế… cần được đặt trong bản đồ phân loại. Mặt khác, biện chứng lịch sử còn chứng minh rằng, cũng vì nhu cầu và chức năng xã hội, trong mỗi thời đại hay trong mỗi giai đoạn lịch sử có một loại hình loại thể nào đó chiếm vai trò chủ yếu, do đó có một thời văn học ứng dụng có vai trò nổi bật, nhưng lúc khác nó lại trở thành không quan trọng cũng không phải là điều lạ.

Từ đó càng thấy việc phân loại phải quan tâm nhiều đến tiêu chí chức năng.

Phương pháp hệ thống: Thế giới văn học nghệ thuật được nhìn nhận như một hệ thống với những cấp độ khác nhau cùng chung những đặc tính về chức năng, về hình tượng nghệ thuật. Với quan niệm: “Hình tượng là tế bào của nghệ thuật”, “nghệ thuật là một hệ thống hình tượng” (Garanov)[15] , cần lấy cấu trúc “tế bào” của hình tượng để làm thước đo phân tích các dạng, các trình độ phát triển khác nhau của các loại văn, thể văn về mặt thẩm mỹ và nghệ thuật; đặt văn học trong các hệ thống để xác định tiêu chí phân loại và để tìm đặc trưng so sánh:

Là một hình thái ý thức xã hội (ý thức văn học/ý thức khoa học);
Là một loại hoạt động tinh thần – thực tiễn (văn học/tuyên truyền);
Là một loại hình nghệ thuật (chất liệu ngôn ngữ/chất liệu vật chất);
Là một loại hình hoạt động ngôn ngữ (ngôn ngữ nghệ thuật/ngôn ngữ phi nghệ thuật).

Đặc trưng văn học, các tiêu chí phân loại văn học luôn được xem xét trong các tương quan hệ thống như vậy. Đó là hệ thống hướng ngoại.

Cách nhìn hướng nội cho phép xem xét thế giới văn học là một hệ thống, với những nhóm loại thể (hệ thống nhỏ), những loại và thể… theo từng cấp độ khác nhau, có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Nghiên cứu phân loại văn học phải nằm trong môi trường nghệ thuật, trong nghiên cứu phân loại nghệ thuật, vì văn học là một loại hình nghệ thuật. Vậy đề tài này phải thực hiện liên ngành khoa học: mỹ học – lý luận văn học. Những tiêu chí phân loại theo chức năng chung cho cả văn học và các nghệ thuật.

Với đối tượng là hai loại thể văn học lưỡng tính và đơn tính, phải nghiên cứu cả hai phương diện lịch đại và đồng đại để thấy được quá trình sinh thành và phát triển các hình thức loại và thể khác nhau trong lịch sử, mặt khác thấy được sự sinh sản hàng ngày hàng giờ các loại thể đó từ sự sáng tạo của các nhà văn cùng thế hệ hoặc ngay trong bản thân một nhà văn.

Khi nhìn nhận văn học là một loại hình hoạt động ngôn ngữ không thể không phân tích đặc trưng loại thể của văn ứng dụng và văn thuần túy trên quan điểm ngôn ngữ học (về những đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật so sánh với ngôn ngữ phi nghệ thuật).

3.2. Phương pháp kỹ thuật (méthode)

  • Kết hợp cái nhìn lịch đại và đồng đại, tác giả thường sử dụng mô hình suy luận theo bốn khâu để phân tích đặc điểm của đối tượng: sinh thành (genèse) cấu trúc (structure) chức năng (fonction) vận động (mouvement)[16]. Trong khoa học xã hội, trong các bộ môn lý thuyết, việc sử dụng phương pháp kỹ thuật theo mô hình bốn khâu này là rất quan trọng khi cần tìm hiểu về đặc điểm của một đối tượng nào đó. Trường hợp cần so sánh hai loại tác phẩm văn học lưỡng tính và đơn tính, dùng mô hình bốn khâu này sẽ thấy rõ sự khác biệt như thế nào.
  • Nếu cần đặt trong tương quan với các đối tượng khác thì có phương pháp so sánh. Trong công trình này, phương pháp so sánh được dùng thường xuyên (so sánh nghệ thuật và khoa học, nghệ thuật đơn tính và lưỡng tính, so sánh một loại hình nghệ thuật với một loại thể văn học, một môn khoa học với một loại văn, như nhiếp ảnh và ký, lịch sử và ký, lịch sử và tiểu thuyết,…)
  • Việc sử dụng phương pháp hệ thống thường có yêu cầu hình thức hóa bằng những hình vẽ, do đó trong công trình này chúng tôi cố gắng xây dựng một số sơ đồ để làm rõ những nội dung đã trình bày trong phần lý thuyết.

Trong khoa nghiên cứu nghệ thuật nói chung, trong lý luận văn học nói riêng, vấn đề loại thể là vấn đề ít khi có tranh luận, ít khi có những điểm nóng về lý thuyết cần phải giải quyết. Điều đó khác với những vấn đề như đặc trưng, chức năng, phương pháp sáng tác v.v… Vậy có gì mới về sự nghiên cứu một đề tài loại này? Suy nghĩ của người viết về cái mới như sau: trong ngành lý luận, cái mới như là một phát minh, phát kiến cũng có thể có nhưng không nhiều. Cái mới tương đối dễ thấy hơn khi biết phát hiện lại và gia công lại cái cũ, như các trường hợp sau:

Khẳng định lại một luận điểm cũ trong hoàn cảnh mới.

Trong số các luận điểm đã có sẵn, sắp xếp lại vị trí thứ bậc nhằm nhấn mạnh tính chất quan trọng của luận điểm này so với luận điểm khác.

Phân tích sâu hơn, bổ sung thêm ý mới vào một nội hàm của một khái niệm hay phạm trù sẵn có, đã được thừa nhận từ trước.

Xây dựng lại hệ thống – cấu trúc của một vấn đề, một nội dung lý thuyết còn chưa ổn định.

Với những cái mới rất có mức độ như vậy, công trình này sẽ nhằm đạt tới các mục tiêu sau:

  1. Khẳng định lại sự hiện diện của hệ tiêu chí chức năng bên cạnh các hệ tiêu chí khác trong phân loại văn học nghệ thuật.
  2. Lấy hệ tiêu chí chức năng làm nòng cốt, xác định ranh giới của ba hình thái – ba bậc thang thẩm mỹ hóa: cái đẹp – phi nghệ thuật; cái đẹp – nghệ thuật lưỡng tính; cái đẹp – nghệ thuật đơn tính. Từ đó phân chia nghệ thuật thành hai hệ thống: nghệ thuật lưỡng tính và nghệ thuật đơn tính.
  3. Xây dựng một cơ chế đặc trưng nghệ thuật thuộc nghệ thuật đơn tính làm thước đo để phân biệt nghệ thuật đơn tính và nghệ thuật lưỡng tính. Cơ chế này khẳng định vai trò của chủ thể sáng tạo với tính cách là tài năng nghệ thuật, từ chủ thể tìm những quy luật của tâm lý sáng tạo.
  4. Xây dựng bảng phân loại văn học nghệ thuật tổng hợp – đa chiều.
  5. Góp phần lý giải một số khái niệm được đặt ra trong hoạt động sáng tác có liên quan đến sự ra đời của những thể loại văn học nghệ thuật ứng dụng – lưỡng tính.

Lâm Vinh


[1] Dưới đầu đề “Về một tập Giảng văn”, đăng trên tuần báo Văn nghệ (số 543) nhà thơ Chế Lan Viên đã viết nhận xét khi Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp tái bản tập Giảng văn dùng cho các trường trung học chuyên nghiệp. Nhà văn viết: “Tôi không hiểu vì hay đến thế nào mà bài báo “Thực hiện đúng điều lệ hợp tác xã nông nghiệp – một nhân tố góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước” lại được xem là mẫu mực cho các trường trung học chuyên nghiệp học… Tôi đọc lại lời hướng dẫn ở đầu sách: “Ở mỗi bộ, tổng cục có trường, trong các tập san lý luận của ngành, trên các báo chí hàng ngày của ta đều có đăng những điển hình người tốt việc tốt, những bài xã luận, những bài nói, bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước nói về ngành mình,…. Những tư liệu đó có thể trích giảng được. “Thưa nhóm giáo viên biên soạn sách, tôi không thể đồng ý với quan niệm của các đồng chí, các đồng chí đang làm công việc giảng văn kia mà, mà văn hay đâu có dễ tìm”.

[2] Trong chương trình dạy văn lớp 12 hiện nay, về mặt thơ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh chỉ chọn một bài văn xuôi (Vi hành) và bốn bài thơ trữ tình (trích từ Nhật ký trong tù). Bài văn xuôi nguyên văn tiếng Pháp, bốn bài thơ nguyên văn chữ Hán. Có lẽ tác giả chương trình xem đây là những tác phẩm đặc sắc hơn cả mặc dù biết Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là tác giả có viết nhiều thơ văn tiếng Việt. Nếu lấy tiêu chuẩn văn nghệ thuật để chọn, thì không thể quên đặc trưng ngôn ngữ có tầm quan trọng góp phần quyết định giá trị nghệ thuật. Vì bài văn, nhất là thơ, khi dịch ra học sinh chỉ hiểu ý nghĩa nội dung, phần lời văn là ngôn từ của người dịch không phải của tác giả. Sắc thái tình cảm nằm trong âm điệu câu thơ câu văn, không thể dịch, nên người ta có câu: “dịch là phản”.

[3] Xem chương 5, phần phân tích chức năng của nghệ thuật và tuyên truyền

[4] Tiếng Pháp: Belles lestres; tiếng Nga: Khudôjextơvennaia Litêratura

[5] Lưu Hiệp (465 – 522), với Văn tâm điêu long, được so sánh ngang với Nghệ thuật thơ ca của Aristotle (Lỗ Tấn) “một tác giả không thể có hai trong suốt một nghìn năm” (Li Trang Tư, Lisêvich, 70:134), “là người đầu tiên, nhà lý luận vĩ đại – ở Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu thể tài văn học trong tổng thể các thuộc tính cơ bản của nó và đồng thời cả trong sự phát triển lịch sử của nó” (Lisêvich, 70:208) trong thiên “Tư chi” (chương kết) ở cuối sách, Lưu Hiệp đã nói về nguồn gốc của các thể tài văn chương là ở các kinh: “Núi Thái Sơn mưa khắp, sông Hoàng Hà tưới ngàn năm. Luân, thuyết từ tự thì lấy Kinh dịch làm đầu; chiếu, sách, chương, tấu thì Kinh thư là nguồn; phú, tụng, ca, tán thì Kinh Thi là gốc; minh, lũy, châm, chúc thì Kinh lễ tóm lại tất cả; ký, truyện, minh, hịch, thì Kinh Xuân thu là rễ. Theo đó thì bay cao, đi xa cùng cực. Chính vì thế mà trăm nhà bay nhảy rốt cục đều ở trong vũ trụ”. (64)

[6] Lịch sử văn học Trung Quốc, Sở Nghiên cứu Văn học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc xuất bản (Bản dịch của NXB Văn hóa, Hà Nội), và các sách văn học Trung Quốc của NXB Giáo dục, Hà Nội

[7] Edmond Nordemann: Chrestomatieannamite, Hà Nội, 1898

[8]  G. Cordier: Literature annamite, extraits des poetes et des prosanteurs, Hà Nội, 1914

[9] Từ những năm 20, 30 đầu thế kỷ XX, có những nhà biên soạn văn học sử đã cho ra những công trình như Vận văn bách tuyển (Dương Tự Quán, 195) Việt văn hợp tuyển giảng nghĩa (Lê Thành Ý, 1925) Nam thi hợp tuyển, Tục ngữ phong giao (Nguyễn Văn Ngọc, 1927, 1928), Việt văn dẫn giải ( Trần Tuấn Khải, 1932), Văn đàn bảo giám ( Trần Trung Viên, 1932).

[10] Sách Văn học sử và giảng văn của Dương Quảng Hàm gồm có:

  • Quốc văn trích diễn, Nghiêm Hàm xuất bản, Hà Nội, 1925 (Xb lần 2)
  • Việt văn giáo khoa thư, Nha học chánh, Hà Nội, 1942.
  • Việt Nam văn học sử yếu, Việt Nam thi văn hợp tuyển, Nha học chánh, Hà Nội, 1944.

[11] Maurice Durand: Literature anciennes orientales et orales, phần Literature Vietnamienne, Paris, 1950 – 60, (M. Durand là Hội viên Học viện Đông Phương bác cổ)

[12] Trước 1975, tại miền Nam, những tài liệu lý luận văn học không có phần riêng về loại thể. Cuốn lý luận – lịch sử văn học tiêu biểu như Lược khảo văn học của Nguyễn Văn Trung cũng không có vấn đề lý luận về loại thể.

[13] Thời kỳ 60-70 quen dùng chú thích tiếng Pháp

[14] Viện sĩ Kêdrôv (Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô) với luận văn tiến sĩ “Phân loại các khoa học” là công trình nổi tiếng về lĩnh vực hình thái học. Tham khảo công trình này, năm 1978 giáo sư Tạ Quang Bửu, nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học, đã trình bày Bảng phân loại khoa học nhằm làm cơ sở xây dựng các ngành bậc đại học. Bảng phân loại của giáo sư Tạ Quang Bửu ghi rõ: “Ngoài những nguyên tắc thuộc về phân loại, phương pháp trình bày cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác phân loại khoa học”.

[15] Nhà mỹ học Bungari, xem TL26

[16] “Xác định tính chất đặc thù của một hiện tượng nào đó tức là xem hiện tượng ấy phân biệt với những hiện tượng khác về mặt nội dung, hình thức, chức năng như thế nào, có nghĩa là xem vai trò của hiện tượng ấy đối với cuộc sống xã hội như thế nào” (Timôphôev – 51.31). Có tác giả thêm yếu tố sinh thành. Chúng tôi tiếp thu các tiêu chí trên (cấu trúc nội dung – hình thức, chức năng, sinh thành) và tự thêm vào một tiêu chí thứ tư: sự vận động, để nghiên cứu đối tượng ở cả dạng tĩnh và động.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây