LỊCH SỬ CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC – KỲ 12

Hồng Phước
TRUNG TƯỚNG NGUYỄN THANH TUẤN

HỒNG PHƯỚC, MỘT THỜI KHÔNG QUÊN

Trung tướng NGUYỄN THANH TUẤN

Hôm nay tôi trở lại với Hồng Phước sau khi nhận quyết định nghỉ chờ hưu của cấp trên. Đứng trên mảnh đất mà một thời sống chết gắn bó nay tôi vẫn cảm thấy hình như có một điều gì đó chưa trọn, mình chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Hôm rồi tôi đến Thư viện Quân khu 5 để tìm hiểu về một địa danh, một xóm nhỏ, thôn nhỏ có tên là Hồng Phước (Hường Phước), nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiêu, thành phố Đà Nẵng. Cô thủ thư mang ra cho tôi hơn một chục cuốn sách nói về Đà Nẵng, cả về địa lý, lịch sử, truyền thống… Nhưng tôi chỉ tìm ra được một vài câu nói về Hồng Phước, về cái địa chỉ đỏ mà tôi đã có một thời ăn cơm do dân nấu, ngủ hầm bí mật do dân đào, cùng với con em cơ sở đi đánh cá trên Bàu Tràm, tiếp cơ sở nội thành hoặc đón cơ sở đưa về căn cứ để nắm tình hình, bồi dưỡng chính trị, huấn luyện quân sự, lên phương án và tổ chức đánh địch… Và cho đến cái ngày 29 tháng 3 lịch sử anh em trong đội đặc công biệt động chúng tôi cùng các đơn vị của thành phố, Tinh đội, Quân khu và Bộ về giải phóng Đà Nẵng.

Vừa rồi theo đề nghị của Quận ủy Liên Chiểu tôi có quay trở lại Hồng Phước, nơi đây đang nằm trong vùng quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp của thành phố. Anh Dương Thành Thị, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND quận có nói với tôi rằng quận đang làm tờ trình đề nghị thành phố cho phép quận xây dựng một điểm di tích lưu dấu lại địa chỉ đỏ anh hùng này, nếu không ngày mai đây khi đã hoàn thành việc đô thị hóa thì sẽ chẳng tìm đâu ra dấu vết của một làng nhỏ ven đô một thời là căn cứ lõm của cách mạng. Tôi rất mừng và ủng hộ chủ trương này vì đây là một chủ trương đúng, hợp lòng dân, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn đồng thời cũng là một trong nhiều địa điểm văn hóa giáo dục truyền thống cho các thế hệ người Đà Nẵng hôm nay và mai sau.

Xóm nhỏ Hồng Phước nằm cách trung tâm Đà Nẵng chưa đầy 10 cây số đường chim bay, suốt trong thời kỳ chống Mỹ, địch kèm kẹp, đánh phá, lùng sục để thực hiện mục tiêu “tát nước bắt cá” với nhiều thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt, nguy hiểm để loại lực lượng cách mạng ra khỏi thành phố. Thế nhưng Hồng Phước vẫn kiên trung trụ vững, cả xóm hơn 60 gia đình, hầu như tất cả đều gắn bó với cách mạng, gần 100% đều là gia đình cơ sở của Quận ủy Quận Nhì – Đà Nẵng, của Khu ủy Khu 1 – Hòa Vang, mỗi nhà đều có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ, có gia (tình đã đào 7 căn hầm bí mật. Hình tượng ngọn đèn đứng gác, với tôi, Hồng Phước là một nhân chứng sống, ở đây nhà mẹ Dĩ và một số mẹ khác đã đêm đêm
thắp sáng ngọn đèn để chỉ lối cho chúng tôi về, cứ thấy ánh đèn le lói sáng trong đêm là lòng anh em chúng tôi như ấm lại. Đó là tín hiệu báo chúng tôi lại về cùng Hồng Phước an toàn, để từ đây sẽ có tin từ nội thành ra, gặp cơ sở để nắm tình hình, huấn luyện cấp tốc kỹ thuật, cách đánh cho đội viên biệt động, hướng dẫn những vấn đề cần thiết khác…

Nhớ lại khi ấy là tháng 8 năm 1973 tôi từ trường đặc công Quân khu về lại Quảng Đà công tác với nhiệm vụ nghiên cứu thực tế hoạt động chiến đấu của biệt động thành nhằm có thực tiễn đề xuất công tác huấn luyện biệt động của trường. Về đến nơi tôi được Bộ tư lệnh Mặt trận giao nhiệm vụ về Quận Nhì tham gia huấn luyện, xây dựng lực lượng biệt động của quận, từ đó tôi đã gắn bó với làng quê nhỏ này.

Hồng Phước có lúc người lớn tuổi ở đây còn gọi là Hường Phước, có nghĩa là phước lớn. Không biết Hồng Phước khai thiên, lập địa từ lúc nào? Song khi về đây tôi cảm nhận một điều là người dân ở đây đã đem “phước lớn” về cho cách mạng, đã biến nơi đây thành một căn cứ lõm để lãnh đạo thành phố, quận về đây hoạt động. Từ đây những chủ trương, chính sách của Đảng đã thâm nhập về nội thành, cán bộ của ta cũng từ đây mà đi vào thành phố và cơ sở của ta ngược từ thành phố về đây. Từ đây, bộ đội ta đi điều nghiên[1] các căn cứ Thanh Vinh, Bàu Mạc, tổng hành dinh Sư đoàn 3 ngụy, sân bay Xuân Thiều… để từ đó nhiều trận đánh với hiệu suất cao đã nổ ra làm cho Mỹ, ngụy kinh hoàng khiếp đảm, góp phần cùng quân dân Quảng Đà nói riêng và cả nước nói chung đánh thắng từng chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, buộc địch xuống thang chiến tranh ký kết Hiệp định Paris, Mỹ cút và tất yếu dẫn đến mùa Xuân tổng tiến công và nổi dậy năm 1975 ngụy phải nhào, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc chống hai tên đế quốc to là Pháp và Mỹ cả nước có rất nhiều những căn cứ lõm như Hồng Phước, thậm chí có nơi quy mô và lực lượng lớn hơn nhiều, nhưng Hồng Phước vẫn là nơi mà với tôi đây là một địa chỉ đỏ khó có thể lý giải đầy đủ sức mạnh của lòng dân. Một làng quê nghèo quanh năm chỉ trồng đậu trồng mè, sản xuất rau màu, đốn củi, đốt than để sống đã vượt qua cám dỗ của sự mua chuộc, sự đàn áp dã man, sự kìm kẹp quản lý tưởng chừng không một con muỗi nào có thể chui lọt lại là một vùng đất cách mạng mà ban ngày là địch, ban đêm là ta ngay sát nách thành phố mấy chục năm trường qua mắt cả một hệ thống dày đặc thám báo mật vụ, tình báo gián điệp và hệ thống cảnh sát chính quyền từ liên gia, ấp, xã đến quận, thành phố… Phải chăng lòng yêu nước và niềm tin vào cách mạng, vào những cán bộ, đảng viên, những người luôn đi trước để làng nước theo sau, sẵn sàng hy sinh thân mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước, bằng hành động của mình họ đã lôi cuốn được người dân nơi đây tin tưởng noi theo.

Với vị trí của mình, Hồng Phước đã tạo nên một điểm đứng chân thuận lợi cho các lực lượng cách mạng, trong đó có lực lượng vũ trang. Từ đây các đơn vị của quận, của Mặt trận 4 đã tổ chức các trận đánh vào sâu trong nội thành Đà Nẵng và các đơn vị hậu cần công binh, pháo binh Mỹ, ngụy… Cũng từ nơi đây các chủ trương của ta đã được chuyển vào cơ sở nội thành thông qua hệ thống giao liên hợp pháp và đón cơ sở từ thành phố ra để đưa về căn cứ huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo của quận, của đặc khu nghe quán triệt các nhiệm vụ quan trọng trong từng giai đoạn cách mạng. Cứ thế người dân Hồng Phước đã thầm lặng kiên gan gắn bó cùng cách mạng cho đến ngày Đà Nẵng giải phóng. Nhớ lại những ngày gian khổ ấy dân một lòng theo Đảng, sức mạnh lòng dân đã làm nên chiến thắng. Với tôi, những ngày được sống công tác và chiến đấu trong những năm chống Mỹ, được gắn bó cùng bà con Hồng Phước là một thời tôi mãi không quên.

Chỉ còn mấy tháng nữa là tròn 40 năm ngày giải phóng Đà Nẵng, với tôi có thể khẳng định rằng ngày ấy mãi mãi không bao giờ quên trong ký ức. Thế mà gần 40 năm qua ít có sách báo nào nói về cái địa chỉ này, mặc dù năm 2005, tôi đã gặp các anh lãnh đạo thành phố và nói về vùng đất này, mong quan tâm đến hơn 60 gia đình cơ sở cách mạng của Hồng Phước đang gặp nhiều vấn đề về đời sống, về sự đền ơn, trả nghĩa, về công ăn việc làm với con em của họ… ở một làng quê đã từng là căn cứ lõm của Quận Nhì, của Khu ủy 1 – Hòa Vang trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Với bài viết này tôi mong các cấp Đảng, chính quyền thành phố Đà Nẵng hãy quan tâm nhiều hơn đến các đối tượng chính sách, quan tâm nhiều hơn đến những vùng căn cứ lõm của cách mạng trên địa bàn thành phố như K20, Thanh Khê, Thạc Gián và Hồng Phước. Tôi tin và mong Thành ủy, UBND thành phố sẽ đồng ý để quận Liên Chiểu xây dựng một điểm di tích cách mạng tại làng Hồng Phước để giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau, để mỗi chúng ta khi nhớ về quê hương luôn tự hào Đà Nẵng có nhiều địa chỉ đỏ anh hùng.

                                                                           Đà Nẵng, cuối năm 2014

                                                                                        N.T.T

[1] Điều nghiên là điều tra và nghiên cứu, ví dụ: điều nghiên tổ chức trận đánh, điều nghiên các tình tiết tội phạm…Chú thích của Người biên soạn tập sách.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây