Tác giả Thái Bá Lợi

Thái Bá Lợi

THÁI BÁ LI

Sinh ngày 8/4/1945 tại làng Thơi, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1965 trên các chiến trường đường 9, Lào, Thừa Thiên – Huế, Trung Trung bộ. Quân y sĩ Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Năm 1971: được điều về Ban Văn học, Cục Chính trị Quân khu 5. 1975-1979: Trại sáng tác văn học Quân khu 5. 1979-1983: Học khóa I, Trường Viết văn Nguyễn Du. Từ năm 1983: công tác và sáng tác tại Đà Nẵng. TÁC PHẨM CHÍNH: Vùng chân Hòn Tàu (truyện ngắn), NXB Quân đội Nhân dân, 1978. Thung lũng thử thách (tiểu thuyết), NXB Tác Phẩm Mới, 1978. Họ cùng thời với những ai (tiểu thuyết), NXB Quân đội Nhân dân, 1981. Bán đảo (truyện), NXB Tác Phẩm Mới, 1983. Đội hành quyết (truyện ngắn), NXB Đà Nẵng, 1994. Trùng tu (tiểu thuyết), NXB Quân đội Nhân dân, 2003. Khê ma ma (tiểu thuyết), NXB Hội Nhà văn, 2004. Minh sư (tiểu thuyết), NXB Hội Nhà văn, 2010. Câu chuyện Đà Nẵng (tiểu thuyết), NXB Hội Nhà văn, 2016. GIẢI THƯỞNG CHÍNH: Lòng cha (truyện ngắn): Giải thưởng Tạp chí Văn nghệ Quân đội, 1974. Họ cùng thời với những ai (tiểu thuyết): Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1983. Trùng tu (tiểu thuyết): Giải A, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, 2004. Khê ma ma (tiểu thuyết): Giải B (không có giải A), Giải thưởng Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng (1997-2005). Minh sư (tiểu thuyết): Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2010; Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (S.E.A Write Award), 2013. Họ cùng thời với những ai (tiểu thuyết), Trùng tu (tiểu thuyết): Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, 2012.

 

CÂU CHUYỆN ĐÀ NẴNG
(Trích tiểu thuyết)

1

Hoàng hôn đến với sông Hàn bằng những tia nắng yếu ớt lách qua khe hở giữa hai ngôi nhà ba tầng rồi trải lên mặt sông một màu vàng nhạt dễ chịu. Những ngày cận tết trời trong và có nắng nên đứng ở bờ đông có thể nhìn thấy một vệt xanh phía tây đang mờ dần. Mặt trời sẽ khuất sau vệt xanh này. Nửa thế kỷ trước đó là một địa danh nổi tiếng vì nó là nơi tránh nóng mùa hè nhiệt đới cho năm trăm công chức cai trị người Pháp và vài trăm người Việt Nam có máu mặt. Nhưng từ ngày tiêu thổ kháng chiến cuối những năm 1940, ít có người còn nhắc đến nó nữa. Họa hoằn trong các quán cóc vài người lính giải phóng đã giải ngũ nói về một ngọn núi mà trên đỉnh là quân Mỹ đóng còn lưng chừng núi là những toán trinh sát, những đội đặc công, những người làm công việc hậu cần quân Giải phóng đang chằm chằm nhìn xuống Đà Nẵng với những nhiệm vụ mà họ không được phép lộ ra với ai. Đó là danh sơn Bà Nà mà vài chục năm sau người ta sẽ tôn vinh.
Trần Dạ ngồi cùng các bạn có tên là Ba, Nhì, Lệ làm nghề xay nước đá cho các tàu cá trên bến Phà Đen với chai rượu gạo và hai con khô chìa vôi nướng. Khác với những bạn nhậu bên bờ sông này, họ uống rượu không ồn ào, nói nhỏ nhẹ và thường lặng im nâng chén rượu nhìn nhau. Trần Dạ thích uống với họ vì điều này. Anh tự do ngắm vệt xanh Bà Nà xa mờ kia mà chẳng ai quấy rầy. Bây giờ mặt trời đã khuất hẳn sau núi chỉ để lại một vầng sáng tím nhạt đang lụi dần. Đèn đường bên kia sông đã bật nhưng chỉ ở những đường phố chính. Thành phố đã quen với chuyện hai đỏ một tắt hoặc hai tắt một đỏ đã mấy năm nay nên không còn ai để ý đến chuyện đó nữa. Hai chiếc phà chở khách qua lại sông Hàn đang chìm dần vào màn đêm, nhưng Trần Dạ vẫn nhìn được những con người trên đó. Nhà anh ở bờ tây, trên một hẻm phố cổ gần chợ Hàn, nơi mà câu ca bên tê Hàn phố xá nghênh ngang anh thuộc từ nhỏ mà chẳng thấy có gì nghênh ngang cả. Không phải hàng ngày nhưng dăm ba bữa anh lại lên phà sang đây uống với Ba, Nhì, Lệ. Con phà đối với anh quen thuộc như một phần đời. Thuở nhỏ anh đã từng lên phà không vé, ngồi huýt gió cùng chuyến phà qua về ngày vài ba lần. Khi người lái phà phát hiện la mắng anh nhảy ùm xuống sông bơi vào bờ. Bao nhiêu số phận con người có đến hàng trăm năm qua ghi dấu trên con phà. Những người buôn thúng bán bưng với đủ các thứ hàng hóa: bó hoa, mớ rau Phước Mỹ vài cân cá khô Thọ Quang, những bó củi nhỏ từ núi Sơn Trà xuống. Trong lòng phà có gánh hàng với đủ thứ hàng hóa lặt vặt, bánh tráng, que kem, miếng kẹo, thuốc lá điếu bán cho những người qua sông. Trên phà người và xe chiếm chỗ ngang nhau. Trước kia chỉ có xe đạp, về sau có thêm xe máy. Điều đó nói lên con phà chủ yếu chở người đi làm qua lại hoặc ở bên này hoặc ở bên kia sông. Trần Dạ ấn tượng với những chiều tan ca. Những bà mẹ dắt xe đạp lên phà, phía trước là một đứa con ngồi trên giỏ sắt cột chặt vào xe, phía sau lại một đứa con lớn hơn vài tuổi đang ôm chặt lấy mẹ. Những chị, những mẹ làm nghề bốc vác ở cảng sông Hàn, áo quần còn dính bụi trong giỏ nhựa có cái cà mèn đựng cơm trưa và một bình nước, khuôn mặt ai cũng hốc hác vì nắng gió sau một ngày lao nhọc. Thỉnh thoảng lại có tiếng ngâm thơ át cả tiếng máy tàu của các thi sĩ đã qua vài xị rượu.
Trong buổi chiều cuối năm 1996 này, nhìn hai con phà qua lại sông Hàn, bất chợt Trần Dạ tự hỏi con người ta cứ loay hoay qua về như những chiếc phà kia để làm gì nhỉ?
– Nào, làm thêm một ly yêu đời chứ! Tiếng nói đó cùng với ly rượu đưa lên trước mặt anh lúc trời đã chập choạng tối.
– Thì uống! Trần Dạ đáp lại, anh cụng hết ly.
Một chiếc ghe nhỏ chèo vào chỗ bàn nhậu dã chiến đang vào lúc gần hết rượu. Đó là vợ chồng người ngư phủ nghèo ở trên cái nhà chồ cách vài trăm mét, thường thả lưới trên sông lúc thủy triều lên, rồi thu lưới lúc chập tối. Tiếng đàn ông vang lên khi ghe chưa cặp bờ:
– Ba, Nhì, Lệ đâu? Có con cá hanh đây, lấy nhậu không?
– Tàn cuộc rồi. Anh mang về mai bán mua gạo.
– Chui cha! Buồn ngủ lại chê chiếu manh. Lấy nửa giá thôi.
– Cả giá cũng được nhưng nướng hay hấp?
– Nướng hấp chi cũng được, ai làm đầu bếp?
– Để tui, đã mua sẵn đồ hấp bên chợ Hàn rồi.

Cuộc nhậu sôi nổi nhưng không ồn ào. Màn đêm xuống nhanh không còn nhìn ra hai con phà qua lại nữa, chỉ thấy nó thấp thoáng ở đoạn sông nào mà đèn đường Bạch Đằng chiếu đến được. Trần Dạ vẫn đang bị ám ảnh về cái sự loay hoay của những con phà qua lại đôi bờ. Ba, Nhì, Lệ cùng người ngư phủ biết tính anh nên họ để anh yên, không rót rượu cũng không cụng ly. Họ tôn trọng vì anh là người chừng mực, chơi đàn ghita hay, nói tiếng Anh giỏi và có nhiều học trò. Hơn nữa anh đang là Bí thư Đảng ủy một phường trung tâm Đà Nẵng. Họ càng quí mến anh, dù có làm gì anh vẫn là bạn, trước đây cũng như bây giờ, không phải bằng ly rượu mà trong đời sống thường ngày. Anh vô tư giúp họ những việc anh có thể giúp.
Trần Dạ nhận ra sự loay hoay của những con phà cũng phải đến lúc nghỉ ngơi, bởi tiếng máy phà khi cập bờ bỗng nhiên tắt lụi. Đêm vắng hơn, anh có thể nghe được tiếng lao xao của những người khách cuối cùng bước lên bờ.
Lớn lên bên dòng sông này, nó là một phần của đời anh. Những khúc đường, những ngôi nhà người Pháp xây từ thế kỷ 19 rồi chen vào đó là những ngôi nhà người Việt, người Hoa đã vào ký ức khi anh nhận biết gạch lát vỉa hè con hẻm từ nhà ra bờ sông đếm được 2460 viên. Theo thời gian những viên gạch bể dần, người ta không thay gạch cùng loại, vì cũng khó tìm ra nên lắp vào đó là những mảng hồ, trước đây là vôi cát, sau này là hồ xi măng. Những viên gạch còn trụ lại thì mòn vẹt theo thời gian. Người ở nơi khác đến khó chịu vì vỉa hè trồi sụt, còn Trần Dạ lại thấy nó thân quen, nên khi ông Võ Văn Kiệt cấp tiền cho Đà Nẵng làm lại vỉa hè hồi năm 1980, anh có cảm giác lo lắng. Cũng may tiền chỉ đủ lát gạch mới ở những vỉa hè chưa lát, còn nơi đã lát rồi, dù có loang lổ cũng chưa lát lại, anh mừng như của bị đánh mất mà tìm lại được.
Đoạn vỉa hè nhấp nhô đó là lối để anh từ nhà ra bờ sông mỗi sáng, mỗi trưa, mỗi chiều. Không ngày nào vắng bước chân anh, có ngày cả chục lần. Bờ sông nhiều nơi được kè đá, trên và dưới bến phà qua sông đều có cảng, người ta gọi là cảng sông Hàn có đánh số cầu cảng từ 1 đến 7. Những con tàu ngàn tấn đỗ ngay bờ sông, lấn át cả dãy phố dọc sông nhà chỉ cao hai ba tầng. Ấn tượng nhất với Trần Dạ là đoạn đường sắt chạy dọc sông và cái ga xe lửa có tên là ga Chợ Hàn vì nó ở ngay trước chợ Hàn. Đây là nơi Dạ gửi trọn cả thời thơ ấu của mình. Những năm chiến tranh, đất nước chia cắt, đường sắt phía Nam chỉ chạy được từng đoạn. Đoạn Đà Nẵng – Huế ít khi bị gián đoạn, thường xuyên có tàu chạy cho đến ngày giải phóng. Từ ga Đà Nẵng một nhánh đường chạy đến ga Chợ Hàn, thi thoảng mới có một chuyến tàu đến chở hàng từ các cầu cảng. Trần Dạ nhiều lần nhảy lên những chuyến tàu đó, trốn vào các toa hàng, ngao du từ chợ Hàn, dọc đường Bạch Đằng, lên đường Đống Đa ra ga Đà Nẵng rồi đi bộ về nhà vì lâu lâu mới có một chuyến tàu trở lại. Những chuyến du hành như vậy, anh thường đi một mình, không rủ bạn bè vì sợ bị nhân viên đường sắt xách cổ xuống hoặc lĩnh một cái bạt tai. Anh vui mấy ngày nếu chuyến du hành mạo hiểm như vậy trót lọt.
Cho đến năm 1996 nhà ga vẫn còn, đường sắt vẫn còn nhưng không còn những chuyến tàu. Anh cũng đã thành một người lớn, một Bí thư Đảng ủy phường thì không thể nhảy tàu chui được.
Về khuya, trời trở lạnh. Cái lạnh quá dễ chịu như tô điểm thêm cho cuộc vui bên bờ sông. Người ngư phủ đưa đàn ghita đến trao vào tay Dạ. Anh không có hứng âm nhạc vào lúc này nhưng cũng phải cầm lấy đàn. Cả năm người cùng hát, cuộc nhậu nào cũng chỉ hát hai bài: Còn gì để nhớ thơ của Vũ Hữu Định, một bạn nhậu đã mất và Có phải em mùa thu Hà Nội thơ của Tô Như Châu, một bạn nhậu không có mặt đêm nay, chế ra bài thơ này mà chưa từng ra Hà Nội.
Tan cuộc, người ngư phủ mở dây cột chiếc ghe nhỏ chở Trần Dạ sang bờ tây, lúc này đã quá nửa đêm. Anh đi dọc sông một đoạn rồi rẽ vào con hẻm để về nhà. Gió từ Cửa Hàn thổi vào làm mặt sông gợn sóng. Trần Dạ thấy lòng mình thật trống trải nhưng bình yên, chẳng còn để tâm đến bất cứ điều gì bây giờ. Anh ngạc nhiên với chính mình vì ngày mai anh phải làm một việc trọng đại, một bước ngoặt của cuộc đời: Làm đơn xin cấp trên cho thôi chức Bí thư Đảng ủy phường để về sống cuộc đời thường dân. Anh đang tin rằng nhiều năm sau anh sẽ không phải hối hận với quyết định sáng ngày mai anh sẽ làm.
– Ba nó đi đâu về mà khuya vậy? Tiếng vợ anh khi mở cửa.
– Lai rai với Ba, Nhì, Lệ. Mẹ nó chưa ngủ?
– Khó ngủ lắm. Ba nó có điều gì trăn trở phải không?
– Chẳng có điều gì đâu. Đã mua thuốc cho mẹ chưa?
– Chưa ba nó ạ. Sáng mai sang nhà cậu Bảy vay ít tiền mới có để mua thuốc.

*

Trần Dạ xin nghỉ việc chẳng phải bất mãn với cấp trên hay không vừa lòng với cấp dưới. Anh là một Chủ tịch rồi một Bí thư phường gương mẫu, có uy tín với dân lại được cấp trên tín nhiệm. Tham gia phong trào yêu nước từ khi còn đi học. Đà Nẵng vừa giải phóng, Trần Dạ đã hăng hái tham gia các phong trào của tuổi trẻ để phát triển thành phố. Cha mất sớm nên vừa đi học vừa phải đi làm thêm đỡ đần mẹ nuôi các em. Tốt nghiệp phổ thông hai năm trước ngày giải phóng anh phải tính chuyện trốn lính, rồi từ trốn lính anh tham gia phong trào học sinh sinh viên. Có lẽ đến hết đời anh cũng không thể nào quên được cảnh tượng sáng ngày 29 tháng Ba năm 1975. Dân số Đà Nẵng đột ngột tăng lên ba lần vì người ta từ Huế, Thừa Thiên, Quảng Trị kéo vào, từ Tam Kỳ, Quảng Nam kéo ra. Người già, người trẻ, đàn bà, trẻ em tay xách nách mang nườm nượp đổ về Đà Nẵng. Người ta ngỡ rằng đến đây là tìm được sự bình yên, đâu ngờ nó lại là nơi gần giống với địa ngục. Nhà Trần Dạ cách Cổ Viện Chàm không xa mấy nên anh thấy điều đó rõ ràng hơn khi người dân xông vào nơi cất giữ những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng thế giới. Họ mắc võng từ cổ tượng thần này sang thân tượng thần khác vì dưới nền gạch không còn chỗ để ngả lưng. Khói bếp nghi ngút làm cháy xém những cây đại cổ thụ. Chỉ trong một ngày cả bảo tàng đã ngập rác. Và cũng chỉ cần qua một ngày thôi không gian bảo tàng trùm uế khí. Người ta ỉa đái bất cứ chỗ nào vì vài cái nhà cầu của bảo tàng đã ngập phân. Sau này khi đã vận động nhiều người bất đắc dĩ chiếm lĩnh công trình văn hóa này hồi hương, trên trăm học sinh, sinh viên dọn dẹp cả tuần mà không xong.
Nhưng rùng rợn nhất là những toán lính từ các phòng tuyến bị đánh tan tác ở phía bắc, phía nam đổ về. Các Sư đoàn 1, 3, thủy quân lục chiến của Nguyễn Văn Thiệu cùng với các đơn vị biệt động, địa phương quân các đơn vị trợ chiến, hậu cần của Quân đoàn 1, cùng với xe pháo cồng kềnh dồn về Đà Nẵng. Thành phố thực sự là một trại lính nhưng không còn kỷ luật. Mười vạn lính với vũ khí trong tay không còn hệ thống chỉ huy, không còn phải tuân lệnh ai đã biến phố biển này thành là nơi tự do cướp bóc, tự do bắn giết. Con người hành động gần như vô thức. Cướp phá, hò hét, xả đạn lên trời, đạp lên nhau để vượt qua cái cầu duy nhất bắc qua sông Hàn ra biển mong có tàu Mỹ vào đón. Có người đứng giữa đám đông mà chẳng biết mình phải làm gì, miệng lảm nhảm “chết, chết”. Những loạt đạn pháo 130 ly của quân Giải phóng bắn dọc biển từ Sơn Trà đến Mỹ Khê để chặn cuộc rút lui làm cho cơn hoảng loạn lên đến cùng cực.
Cái thành phố tưởng như sẽ nổ tung ấy dịu lại được nhờ những lá cờ Phật. Lúc đầu cờ Phật chỉ treo ở các chùa, rồi lan dần ra các nhà Phật tử ngoài phố. Lá cờ năm màu đã làm những cuộc cướp phá chững lại. Nhiều người lính thất trận, sinh ra trong các gia đình Phật tử cũng từ vô thức biết mình phải làm gì. Sự hỗn loạn có phần bớt đi. Nhiều người dân rỉ vào tai nhau xe tăng quân Giải phóng đã đến Liên Chiểu, còn ở phía nam, sư đoàn ông Chơn đã vượt sông Thu Bồn.
Buổi sáng Trần Dạ tìm được một cái Honda 67 của ai đó vứt ở cửa trụ sở phường Phước Ninh. Anh đạp ba lần mà xe không nổ. Mở nắp xăng không còn giọt nào. Anh dắt xe về nhà bà dì, tháo xăng từ xe ông dượng rồi phóng lên phía Hòa Cầm. Trên đường lác đác đã có những lá cờ Giải phóng, càng ra ngoại thành càng dày hơn. Trần Dạ tự hỏi tại sao cánh phía nam này cắm cờ chậm vậy, vì anh biết tối qua tại căn nhà bác Khoa, kiệt 6 Hoàng Diệu ngoài việc may lá cờ lớn để cắm lên tòa thị chính Đà Nẵng, các mẹ, các chị đã thức suốt đêm may những lá cờ nhỏ hơn để cắm trên các phố.
Đoạn đường chỉ hơn năm cây số mà Trần Dạ chạy xe mất gần hai giờ mới đến. Đường đông nghịt người. Vài toán lính Sài Gòn đã cởi bỏ áo lính, vứt sang bên đường. Họ vào nhà dân kiếm áo quần dân sự mặc vào, hòa với dòng người tị nạn. Chiếc Honda 67 của anh len giữa đoàn người, phả khói khét lẹt, đến ngã tư Cẩm Lệ thì không thể nào đi được nữa. Anh đành bỏ xe lại ngay trước cổng cảnh sát Hòa Vang.
– Cộng sản đến Thanh Quýt rồi. Có người nói sau lưng anh.
– Cộng sản nào? Một người hỏi.
– Không phải, Giải phóng vào đến Thanh Quýt rồi.
– Tui vừa trong đó ra. Bắn nhau ở Giáp Ba, Giải phóng đang đi trên đường 1, nhiều người chết, em họ tôi là du kích cũng chết.
– Anh phao tin đồn nhảm à? Trần Dạ quay lại.
– Không, thật đó. Bây giờ Giải phóng chắc chắn đã tới Chợ Mới Ba Xã rồi.
Trần Dạ định đi đường cầu Cẩm Lệ nhưng cầu đã sập, quân hướng nam không thể tiến theo đường này. Anh đi thẳng lên phía Hòa Cầm. Buổi sáng ngày 29 tháng Ba trời nắng nhưng có gió nên không đến nỗi oi bức. Cái bức bối là dòng người đang đi lại loạn xạ trên đường. Người đi xuôi, kẻ đi ngược, lính vứt súng lẫn lộn với dân, dân phía bắc đổ vào, phía nam đổ ra chen vai thích cánh xô đẩy nhau, cứ đi lên rồi đi xuống một cách vô định. Họ đã hoàn toàn giao sự sống chết của mình cho thời cuộc.
Đến Hòa Cầm, Trần Dạ nhìn thấy những người lính giải phóng đầu tiên đang tiến vào thành phố. Hình ảnh anh nhận được khác xa với những gì anh hình dung khi được phân công ra đón cánh quân phía nam. Bộ đội không tiến quân rầm rập theo đội hình chính qui, cũng không ngồi trên những chiếc xe tăng T54 mà anh được nghe kể là rất hiện đại. Những người lính từng tốp nhỏ tiến vào sân bay qua cổng Phước Tường. Có những tốp bộ đội ngồi trên xe tải Dog, lại có tốp ngồi trên những chiếc xe lam, quần áo họ lấm lem bụi đường, mặt hốc hác vì nhiều đêm không ngủ. Bất chợt Trần Dạ nghĩ có lẽ đây không phải là những người lính vì nét mặt họ rất hiền lành, khác xa với những gương mặt bặm trợn mà anh vừa mới gặp trên đường ra đây của lính Sài Gòn. Họ bỡ ngỡ trước cảnh nhộn nhịp người xe, đường sá rộng rãi khi tiến vào cửa ngõ thành phố, dù giờ này đang là chiến tranh.
Trước cổng sân bay, một tốp khoảng mười người đang tụm vào xem bản đồ, xung quanh có các anh Giải phóng đeo máy thông tin, có anh cầm AK cảnh giới cách vài chục mét. Trần Dạ nghĩ có lẽ đây là những người chỉ huy. Anh đi lại phía đó. Đồng hồ chỉ mười hai giờ trưa.
Một người tầm thước khoảng trên bốn mươi nói với anh lính đeo máy thông tin:
– Đồng chí cứ truyền lệnh của tôi không cần mật mã. Việc này tôi đã nói tối qua ở Hương An.
– Báo cáo thủ trưởng, thủ trưởng thông tin lệnh không được làm như vậy.
– Tôi nhắc lại, theo lệnh tôi, Chơn chịu.
Trần Dạ thấy mình đang nổi gai ốc. Người anh hùng huyền thoại mà anh từng nghe danh nhiều lần, từ những cơ sở cách mạng trong nội thành và cả từ miệng những sĩ quan, binh lính Sài Gòn đang đứng trước mặt anh. Ông chẳng khác gì những người lính đứng quanh, chỉ khác là lớn tuổi hơn và gương mặt rất cương nghị. Không một chút rụt rè, anh đến chỗ ông đứng.
– Thưa chỉ huy, em là người được anh Năm Dừa phái ra đón Việt Cộng.
– Tôi là Việt Cộng đây. Đường nào vào Sở chỉ huy Quân đoàn 1 của Ngô Quang Trưởng gần nhất?
– Đường Cẩm Lệ dày đặc người và lính không nhanh được. Chỉ có băng qua sân bay là gần nhất.
– Lên xe chỉ đường cho Việt Cộng.
Lúc đó có mấy chiếc xe jeep chiến lợi phẩm chạy đến. Lái xe là những thanh niên mặc thường phục. Trần Dạ biết họ là lính Sài Gòn vừa vứt súng thay quần áo.
– Thưa chỉ huy, mấy người lái xe này là lính ông Thiệu.
– Kệ họ. Anh cứ lên xe dẫn đường cho bộ đội.
Ngồi cùng xe với Trần Dạ có ba anh lính Giải phóng, súng AK trong tay. Người thủ trưởng đeo súng ngắn ngồi ngay ghế đầu. Anh ta ra lệnh với người lái xe.
– Thẳng đường đến Sở chỉ huy Quân đoàn, anh mà vòng vo lạc đường tôi bắn.
Từ cổng Phước Tường đến cổng Liên Trì, Trần Dạ nhìn thấy những chiếc máy bay cuối cùng cất cánh rời Đà Nẵng. Xe du lịch nằm ngổn ngang gần đường băng còn nguyên cả những vali quần áo. Anh lính Giải phóng ngồi sau Trần Dạ lia một loạt AK trên trời khi có một chiếc máy bay vụt qua. Trong sân bay cũng như ngoài phố xe pháo, súng đạn vứt ngổn ngang chỉ khác ở đây lác đác mới thấy bóng người. Lính bảo vệ sân bay nấp sau những ụ đất tránh pháo của máy bay không phải để phòng thủ mà là lẩn trốn. Khi quân Giải phóng xuống xe bao vây, họ nhanh chóng đầu hàng.
Cách xe của Trần Dạ khoảng trăm mét, chiếc xe chở Nguyễn Chơn vẫn bám theo. Anh không phải nói một câu chỉ đường nào, vì người lái xe là lính hậu cần sân bay Đà Nẵng thuộc các đường ngang ngõ dọc ở các căn cứ không quân khổng lồ này hơn anh nhiều.
Ra khỏi cổng Liên Trì, đoàn quân ngồi trên những chiếc xe jeep, xe lam, xe tải và có cả những chiếc xe máy xộc thẳng vào Sở chỉ huy Quân đoàn 1.

*

Trần Dạ đã thảo xong cái đơn từ chức từ hai tháng trước nhưng anh chưa nộp vì còn sửa đi sửa lại hai ba lần. Thực lòng anh không có gì phải hối tiếc nhưng cũng có chút lấn cấn. Đang là một bí thư phường chưa phải nổi bật nhất, nhưng tìm được người như anh không phải dễ lại bỗng dưng xin nghỉ việc. Dư luận người đời sẽ bàn tán và những người không hiểu anh họ sẽ suy ra những cảnh huống không có trong đời thực của anh. Nhưng rồi anh nhanh chóng quên đi ý nghĩ phải chống đối với dư luận khi từ chức. Có chăng một thoáng buồn vẫn lởn vởn trong tâm trí anh. Lòng vẫn bình yên mà sao buồn thế, lời ca thực đúng với tâm trạng anh bây giờ.
Hay là mình để đến ngày 29 tháng Ba hãy nộp đơn, Trần Dạ đã nghĩ như vậy vì mỗi lần ngày giải phóng Đà Nẵng đến đều khơi dậy trong anh bao điều. Có vui, có buồn nhưng thật đáng nhớ. Nhưng nộp đơn vào ngày ấy lại sinh ra nhiều chuyện khác, người ta sẽ cho anh bất mãn với thời thế, mà anh chỉ muốn rút lui một cách êm thấm nhất. Việc riêng của anh coi như đã xong, còn cái thành phố này đang có điều gì đó làm anh không thể dửng dưng.
Cái buổi trưa cùng người anh hùng Nguyễn Chơn vào chiếm Sở chỉ huy Quân đoàn 1 của Ngô Quang Trưởng trong anh như có một tiếng reo: thành phố sẽ đổi khác. Thành phố đã đổi khác thật. Không còn bóng một lính Mỹ nào. Mười năm qua cái thành phố do người Pháp xây dựng cả hơn trăm năm thành một căn cứ quân sự của quân Mỹ. Thành phố phình ra với sân bay lớn, máy bay chiến lược B52 có thể đáp xuống được, với các quân cảng, các kho bãi chứa vũ khí và đồ dùng chiến tranh. Theo đó là những đơn vị lính Mỹ ào vào bãi biển Xuân Thiều năm 1965 rồi sau đó là các đơn vị lớn, trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn quân Mỹ được trang bị tận răng, chưa có một đội quân nào trên thế giới thời điểm ấy được trang bị hiện đại như vậy. Cùng với quân Mỹ là những dịch vụ phục vụ cho nó. Quán bar, tiệm nhảy, nhà chứa… lần lượt mọc lên. Thành phố tất bật phục dịch quân Mỹ và cũng từ đó thu về những đồng đô la có vẻ dễ dàng hơn làm ăn trước kia nhiều. Bộ mặt thành phố thay đổi so với thời người Pháp cai trị. Dân ngụ cư kéo về đông hơn, làm Đà Nẵng giống một trại lính vì mọi hoạt động của nó là phục vụ lính. Trước là lính Mỹ, sau khi “Việt Nam hóa chiến tranh” là lính chế độ Sài Gòn. Ngày giải phóng cái chất trại lính của thành phố phơi bày rõ nhất. Khắp các đường phố, bãi biển tràn ngập vũ khí, đồ dùng chiến tranh, quần áo lính do mười vạn quân thất trận vứt lại.
Những năm đầu mới giải phóng, sau niềm vui đất nước thống nhất, bắc nam sum họp, nhiều gia đình đoàn tụ trong nước mắt. Sau khi đã xài hết những của cải chiến lợi phẩm thu được, Đà Nẵng cũng như các nơi khác lâm vào tình cảnh khó khăn. Sản xuất đình đốn vì nguyên liệu cho các nhà máy cạn dần. Lệnh cấm vận của Mỹ ảnh hưởng trực tiếp nền sản xuất phía nam. Đà Nẵng cũng không thể thoát. Đời sống người dân thấp dần, nhất là những người vốn đã dựa vào chiến tranh và đô la Mỹ hàng chục năm trước. Người ta tìm đường rời bỏ đất nước. Cuộc vượt biển rầm rộ diễn ra ngay trước mắt mọi người. Trần Dạ có thời gian được điều làm công tác chống vượt biên. Anh chứng kiến những bi hài có một không hai. Toàn quân, toàn dân đang quyết liệt chống những người vượt biên phản bội đất nước thì phường đội trưởng những phường ven biển tổ chức vượt biên. Các địa điểm vượt biên thật bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng của các nhà văn thể loại hoang tưởng: ở các doanh trại quân đội giáp với biển hay cầu cảng trước Ủy ban Nhân dân tỉnh. Thời đó buổi sáng nào cũng bắt được người vượt biên và đêm nào cũng có tàu vượt biển. Người vượt biên bị giam giữ mấy ngày rồi thả về, chỉ có người tổ chức vượt biên là bị tù. Cạnh nhà Trần Dạ có một ông tổ chức vượt biên, sau khi ra tù tự nhiên giàu lên. Những người vượt biên trót lọt, khi có công ăn việc làm đã gửi tiền về trả những khoản họ đóng còn thiếu khi vượt biên. Chục năm sau nữa khách đến thăm nhà ông đa phần là Việt kiều yêu nước.
Những năm 1980, có nhiều chuyện thật là hi hữu. Một anh cảnh sát trẻ ở đồn công an đóng dưới chân chiếc cầu duy nhất bắc qua sông Hàn, đang đêm đau bụng, cầu tiêu trong đồn đang sửa nên anh phải qua đường để trút cơn đau. Khi quay về gặp một đoàn xe đang chạy từ cảng Tiên Sa về. Anh ra hiệu để qua đường nhưng đoàn xe lại dừng cả lại. Một người đứng tuổi bước xuống dúi vào tay anh một bọc nhựa: “Đồng chí thông cảm, đồng chí thông cảm”. Anh cầm lấy bọc nhựa bước vào đồn, chưa hiểu chuyện gì. Đoàn xe chạy nhanh qua cầu. Khi mở bọc nhựa ra đó là một cọc tiền, tương đương mấy chục cây vàng. Từ đó anh cảnh sát trẻ ăn chơi xả láng. Chỉ đến khi đơn vị kiểm tra nội vụ, thấy quá nhiều tiền trong hộc giường của anh và anh bị đuổi khỏi ngành.
Những câu chuyện như vậy vài chục năm sau có kể lại, ai cũng thấy lạ, cứ như chuyện người ta bịa ra trong các buổi nhậu lai rai.
Luồng gió đổi mới đến, tất nhiên nó phải quét qua Đà Nẵng. Nhưng từ năm này sang năm khác cái thành phố có đủ mọi điều kiện thuận lợi từ vị trí địa lý, biển cả bao la, núi cao ngay trước cửa với sân bay, bến cảng, đường sắt, đường bộ, lại ở tâm điểm của miền Trung vẫn ì ạch theo các địa phương khác. Nó chẳng có một ngành nghề nào sinh lợi bền vững, cũng chẳng có đột phá nào để làm ngòi nổ đưa kinh tế Đà Nẵng tiến lên. Nó cứ chậm rãi từ tốn nhìn những đợt sóng vỗ bờ ngày biển lặng ở bãi Mỹ Khê. Năm 1996 người ta phát hiện ra toàn bộ ngân sách của Đà Nẵng chỉ bằng ngân sách của Công ty vệ sinh Hải Phòng.
Trần Dạ cũng trăn trở về điều đó nhưng nó không phải lý do để anh xin nghỉ chức vụ Bí thư Đảng ủy phường. Nhiều đêm anh nghĩ có phải mình đã thối chí chăng. Công sức nhiều năm cùng với cuộc cách mạng này chẳng lẽ đổ sông đổ biển cả. Những điều đó cũng có thực, anh cũng hoài niệm, cũng hối tiếc nhưng anh phải quyết đoán công việc của mình ngay ở cái thời điểm nóng bỏng này.
Một bà mẹ già bệnh tật, hai con, mấy đứa em đang tuổi học hành với đồng lương chủ tịch rồi bí thư phường không đủ để đi mừng đám cưới, viếng đám tang mà trong phường chẳng ai muốn ngày vui, ngày buồn lại vắng mặt ông bí thư. Đó là lý do thực anh phải xin nghỉ, nhưng không phải ai cũng thấu hiểu cái lý do đơn giản đó để chia sẻ cùng anh.
Anh cũng không thể nào để lòng mình thờ ơ với cái thành phố nơi anh sinh ra và lớn lên. Anh vẫn theo dõi từng bước đi của nó, hồi hộp lo lắng mừng vui hệt như anh đang giữ trọng trách với nó. Lòng anh mong mỏi có một con người hay nhiều người mới, trẻ tuổi hơn anh, tài ba hơn anh để đưa thành phố này đi lên. Anh hồi hộp chờ một con người như vậy, nhưng đến ngày anh cầm quyết định nghỉ việc, với số tiền trợ cấp một lần chỉ đủ đi mời bạn bè mấy bữa nhậu, con người đó hay những con người đó vẫn chưa xuất hiện.

2

Trần Dạ không ngờ được rằng sự chuyển mình của thành phố cùng với con người sẽ đương đầu với sự chuyển mình đó đã manh nha hai năm trước, không phải ở Đà Nẵng mà ở tận một huyện miền núi Quảng Nam sát biên giới Lào. Vào mùa mưa 1994, một đoàn cán bộ Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng lên công tác tại huyện Hiên do Bí thư tỉnh ủy dẫn đầu. Trong một đêm vắng, ngoài rừng mưa rả rích, bên bếp lửa sau bữa cơm tối mấy cán bộ trẻ cấp giám đốc sở tự nhiên đem chuyện Đà Nẵng ra bàn. Nhiều người tỏ ra bi quan trước thực trạng thành phố đang trì trệ nhiều mặt bây giờ. Những mặt yếu khác được xới tung lên và cuộc đàm đạo về những giải pháp cho thành phố gần như đến chỗ bế tắc.
Ba Danh, Giám đốc Sở Nông nghiệp châm điếu thuốc, thủng thẳng nói:
– Chuyện ấy có gì trầm trọng lắm đâu. Vấn đề là có muốn giải quyết hay không.
Cuộc tranh luận sôi động hẳn lên. Những người đã nằm trong mùng rồi cùng ngồi bật dậy. Họ đưa ra những lý lẽ của riêng mình để chứng minh Đà Nẵng có được vực dậy hay sẽ bị chìm nghỉm hơn nữa. Đêm càng vắng tiếng nói của họ nghe càng lớn.
Bí thư Mai đã treo mùng rồi nhưng ông chưa ngủ. Ông nhẹ nhàng sang phòng của các giám đốc.
– Tôi vào được không?
Cuộc tranh luận khựng lại. Vài người xịch ghế để dành chỗ cho Bí thư.
– Tôi đã nghe đủ câu chuyện của các cậu. Tình hình phức tạp chứ không đơn giản như các cậu nghĩ đâu.
– Thưa anh, chưa ngủ được anh em nói chuyện cho vui thôi.
– Vui là thế nào? Bí thư Mai quay sang Ba Danh, – Tôi hỏi mấy câu này, cậu trả lời được không?
Ba Danh xịch ra mép giường như muốn đến gần với bí thư hơn.
– Dạ, anh cứ hỏi.
Trước thái độ sẵn sàng của Ba Danh, Bí thư Mai nhìn thẳng vào mặt anh, có chần chừ một tí, rồi ông cất lời:
– Tôi hỏi cậu ví như chuyện bí thư rồi chủ tịch thành phố mua nhà công sản trên đường Hoàng Diệu, dân phản ảnh, gây dư luận không hay ở cũng không được, bán cũng không được, cậu giải quyết thế nào?
Ba Danh không một chút chần chừ:
– Chuyện ấy có gì là khó đâu. Trả lại nhà cho nhà nước, hoặc có mua thì định giá sát với thị trường. Việc quan trọng là phải công khai để ai cũng biết thì mọi dư luận sẽ được dẹp êm.
– Cậu nghĩ quá đơn giản. Cán bộ cấp đứng đầu thành phố mà có thể xử lý như vậy được à?
Ba Danh hỏi lại.
– Vậy thì phải xử lý ra sao hả anh?
Bí thư Mai bắt đầu sôi nổi:
– Cậu chất vấn mình hả. Được thôi. Bây giờ mình hỏi câu thứ hai.
Vốn là một cán bộ nhiệt tình nhưng dễ nóng, Bí thư Mai lần lượt đưa ra những câu hỏi với Ba Danh về phương kế để vực dậy Đà Nẵng.
Cuộc tranh luận kéo dài đến nửa đêm. Người hỏi người trả lời vẫn chưa cảm thấy có gì mệt mỏi. Vì thấy đã quá khuya, Chánh văn phòng tỉnh ủy đề nghị mọi người đi ngủ.
Sáng ra trên đường về lại thành phố, Bí thư Mai nói với một nhà báo ngồi cùng xe:
– Cái cậu Ba Danh này là người huyên thuyên, một tấc đến trời.
– Thưa anh, không hẳn như vậy, Ba Danh là một người hành động. Nhà báo đáp lại.
Bí thư Mai trầm ngâm, không nói gì cho đến khi xe qua cổng Văn phòng tỉnh ủy. Không biết trong khoảng thời gian sau đó, Bí thư Mai nghĩ gì, những người trong bộ máy lãnh đạo tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng nghĩ gì, chỉ biết cuối năm 1994 Ba Danh được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng lúc đó còn trực thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, ngang cấp với một huyện.

*

Trong cái đêm có cuộc tranh luận giữa Bí thư Mai và Ba Danh ở núi rừng huyện Hiên thì Trần Dạ chưa có ý định xin thôi chức Bí thư Đảng ủy phường. Đêm ấy anh cũng chỉ ngồi nhâm nhi ly rượu gạo cùng với Ba, Nhì, Lệ rồi kết thúc buổi nhậu bằng hai bài hát Có phải em mùa thu Hà Nội và Còn gì để nhớ. Cuộc sống của Trần Dạ cứ trôi đi cho đến cuối năm 1994, anh được thông báo Ba Danh, từ Giám đốc Sở Nông nghiệp sang làm Chủ tịch thành phố. Cái thông báo đó chưa gây ấn tượng gì mạnh mẽ với anh vì anh chỉ biết con người này qua các chức vụ từ cơ sở: Chủ nhiệm hợp tác xã, giám đốc nông trường, phó chủ tịch huyện, giám đốc sở… một con người lăn lộn với thực tiễn. Trần Dạ chưa tin ngay con người này có thể vực dậy cái thành phố có lịch sử oanh liệt, là nơi quân Pháp, rồi quân Mỹ chọn làm bàn đạp đổ quân để xâm chiếm Việt Nam, là nơi mà chiến công của những anh hùng đã đi vào huyền thoại, nhưng hiện thời thì đang bê bối nhiều chuyện. Anh chỉ biết chờ đợi và hi vọng.
Còn Ba Danh, sau khi nhận chức biết tin Chính phủ có cuộc làm việc với một số tỉnh trong đó có Quảng Nam – Đà Nẵng. Anh gợi ý với lãnh đạo tỉnh.
– Các anh xin cho Đà Nẵng một suất dự họp được không?
– Nhưng đây làm việc cấp tỉnh. Bí thư Mai trả lời.
– Thì anh cứ thử xin để cho anh em một lần biết Chính phủ nó ra làm sao. Cả đời người chưa nhìn thấy Chính phủ bao giờ.
– Cậu nhiêu khê quá.
Những tưởng gợi ý khó được chấp nhận, nhưng gần đến ngày họp, Ba Danh có tên trong đoàn của tỉnh, anh được phân công phát biểu mười lăm phút về tình hình thành phố.
Ra Hà Nội lần này, trong lòng Ba Danh xốn xang với những trăn trở buồn vui. Kỷ niệm những năm học tập trên đất Bắc ập đến với anh, nhưng anh không có thời gian để ra Đông Triều thăm lại ngôi trường cũ thời phổ thông cũng như sang Trâu Quì nơi có Trường Đại học Nông nghiệp mà anh từng học. Anh phải tập trung suy nghĩ để trong mười lăm phút ngắn ngủi phải nói ra được những điều cốt lõi nhất, gây được ấn tượng nhất cho cử tọa. Đây là cuộc họp do đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt chủ trì. Đối với một vị lãnh đạo biết lắng nghe và quyết đoán này, anh không thể bỏ lỡ cơ hội.
Khi được giới thiệu phát biểu, Ba Danh dù đã chuẩn bị kỹ nhưng cũng bị lố thời gian. Khi hết mười lăm phút, cán bộ Văn phòng Chính phủ nắm áo anh giật mấy lần, nhưng anh vẫn cố trình bày cho hết ý kiến sang đến phút thứ mười tám. Đến giờ giải lao Thủ tướng đến chỗ Ba Danh:
– Cậu phát biểu thế đã hết ý chưa?
– Thưa anh, mới nói được mấy ý chính thôi, không đã thèm tí nào. Nếu Thủ tướng cho một ngày thì nói mới đã.
Thủ tướng vỗ nhẹ vào vai Ba Danh:
– Cậu về suy nghĩ thật chín đi. Sẽ có lúc để cậu nói cho đã thèm.
Suốt mấy tháng ròng, Ba Danh ngày đêm suy nghĩ tìm ra những điều cần thiết nhất để trình bày với Thủ tướng. Điều mà anh trăn trở nhất là cái cơ chế nội tại kiềm tỏa không cho thành phố vươn lên. Từ khi thành lập tức là khi nó là nhượng địa của người Pháp bao giờ Đà Nẵng cũng trực thuộc trung ương. Đến thời chế độ Việt Nam Cộng hòa tuy chỉ gọi là thị xã, nó cũng trực thuộc trung ương. Chỉ sau ngày miền Nam giải phóng, nó mới nhập với Quảng Nam thành tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Đà Nẵng phải bỏ cấp quận chỉ còn gần ba mươi phường trực thuộc thành phố. Mà thành phố này vai vế hành chính chỉ là cấp huyện, cái thân thể vốn to cao bị ép vào bộ giáp sắt chật chội, không thể cựa quậy được. Việc đó đã diễn ra cả hai chục năm nay. Nhiều người đã nhìn ra, nhưng trong cơ chế quan liêu không dễ một sớm một chiều có thể giải quyết được.
Ba Danh suy nghĩ hướng đột phá của Đà Nẵng là cái gì. Làm việc gì trước, việc gì sau. Chỉ một việc mở rộng đường Quang Trung mới đụng đến những cây xà cừ, vốn là loại cây không thích hợp trồng trên phố vì rễ nổi, thân to phá vỡ vỉa hè, mùa mưa bão lại dễ đổ vậy mà báo chí đã rầm rầm phản đối “xa rồi, xà cừ ơi” thống thiết như mất đảo xa. Các đoàn thể xã hội, các bậc lão thành đã kiến nghị không được đụng đến hàng cây lâu năm này. Không đụng vào hàng cây xà cừ thì làm sao mở rộng đường? Lại một bài toán không phải dễ giải.
Và còn cả chục, cả trăm bài toán như vậy nữa.
Ba Danh vừa suy nghĩ, tính toán chuẩn bị cho buổi gặp Thủ tướng vừa nóng lòng chờ cuộc điện thoại từ Văn phòng Chính phủ. Mấy tháng trời trôi qua chưa có chuông reo. Một ngày được nói cho đã nhưng đó là ngày nào? Hai phần ba đời người là chờ đợi. Ba Danh cũng không thể nằm ngoài cái hai phần ba ấy.
Rồi cuộc điện thoại từ Văn phòng Chính phủ đến. Ba Danh cùng bốn người đứng đầu các thành phố trực thuộc tỉnh được triệu tập vào thành phố Hồ Chí Minh gặp Thủ tướng.

*

Trước khi lên đường vào Sài Gòn, Ba Danh ghé về quê thăm mẹ. Con đường từ quốc lộ 1 vượt qua đường sắt về làng vẫn gập ghềnh như hàng chục năm trước, chẳng khác gì thời Ba Danh còn học tiểu học. Thành phố Đà Nẵng và huyện Hòa Vang quê anh là hai đơn vị hành chính ngang nhau nên việc Ba Danh làm Chủ tịch Đà Nẵng chưa có gì tác động đến vùng quê nghèo này. Công việc bề bộn, bốn tháng rồi anh mới về quê. Cũng như những lần trước cứ hễ đặt chân lên đất làng là bao ký ức ùa đến, nhiều lúc anh không làm chủ được nó và nước mắt trào ra. Nhìn bề ngoài nhiều người nghĩ anh là người cứng cỏi, mà nó đúng như vậy trong công việc hay trước mọi thử thách, nhưng họ sẽ có suy nghĩ khác khi nhìn thấy anh về làng. Ba Danh theo con đường quen, những bờ ruộng hai bên đường mới phát cỏ, mùi đất mới cày cùng mùi cỏ cháy quyện vào nhau làm nên hương vị miền quê đầu mùa gieo cấy. Hương vị ấy đã thấm vào máu thịt anh, đã theo anh dù lúc đang là học trò ở Đông Triều, ở trường đại học hay những năm tháng bôn ba ở nhiều vị trí công tác khác nhau. Ở đâu khi nghĩ về quê nhà anh đều bắt gặp mùi hương này.
Ba Danh bước vào sân nhà mình. Căn nhà vẫn vậy dù trải qua bao thay đổi thăng trầm. Mẹ anh đã về ở trong căn nhà cũ. Trong nhà im ắng nhưng lòng Ba Danh đang rộn ràng. Chắc mẹ đang đi đâu đó, thăm viếng, tâm sự với ai đó quanh thôn.
Cha thoát ly, rồi tập kết ra Bắc, rồi vào lại chiến trường nhưng ít khi cha con gặp nhau, Ba Danh sống với mẹ suốt cả những năm niên thiếu. Hình ảnh người mẹ luôn ở bên anh dù khi sống bên mẹ hay lúc xa mẹ. Căn nhà đã có sửa sang lại nhưng căn nhà cũ, mái tranh, vách đất với cái chõng tre ba mẹ con ngủ với nhau nhiều năm tháng luôn để lại trong Ba Danh ấn tượng đặc biệt. Năm 1954, cha tập kết ra Bắc, để lại ba mẹ con cùng với căn nhà này. Đó là thời kỳ khó khăn của cách mạng miền Nam sau Hiệp định Genève, nó ứng ngay vào gia đình anh. Đối với mẹ con anh đó là những tháng ngày đen tối. Mấy sào ruộng trên đồng đất khô cằn chẳng thể nào nuôi đủ ba miệng ăn. Bữa sáng không có gì ăn đã đành, bữa trưa, bữa chiều cơm ít sắn nhiều, với những tô canh rau lá hái trong vườn nhà. Đủ gạo ăn đã khá, các món chi dùng khác là phải vay mượn. Nợ nần, đói kém dồn lên đôi vai người mẹ trẻ với hai đứa con thơ dại.
Đã vậy, là diện có chồng tập kết ra Bắc, cứ mươi ngày nửa tháng bà lại bị chính quyền gọi đi học tập một lần cùng thời gian cỡ mươi ngày nửa tháng. Ở những đợt học tập tố Cộng này, cũng như mọi vùng đất khác trên toàn miền Nam, những trò như sám hối ly khai Cộng sản diễn ra. Người thần kinh không vững có thể suy sụp ngay từ những đợt học tập đầu tiên. Ngoài việc khủng bố tinh thần, chính quyền Sài Gòn còn muốn đạt một mục đích khác là đánh vào kinh tế, vì những gia đình phải đi học tập chẳng còn thời gian nào mà lo làm ăn, kiếm sống. Với kiểu bao vây nhiều mặt như vậy, con người ta sẽ dễ dàng suy sụp.
Ba Danh sẽ không bao giờ quên được cái chết của người chị gái. Năm ấy chỉ mười tuổi hơn anh bốn tuổi. Bây giờ nhớ lại Ba Danh biết chị chỉ cảm sốt rồi nặng dần lên vì không thuốc thang. Trong xã có một ông y tá, mẹ đến nhờ nhiều lần nhưng ông ngần ngại. Người mẹ trẻ chỉ còn biết hái lá thuốc trong vườn ngoài đồng sắc cho con uống. Bệnh tình của chị ngày càng nặng, sau bao lần năn nỉ, ông y tá cũng đến. Ông chích cho chị một mũi, nhưng bệnh đã quá nặng, mũi thuốc không cứu được chị anh. Cái chết của người chị làm bà mẹ trẻ suy sụp, bà thương con gái bứt tóc đến nỗi đầu không còn tóc, như một người cạo đầu. Mỗi buổi chiều, lẽo đẽo theo mẹ lên thăm mộ chị, Ba Danh không thể cầm lòng nhìn mẹ lăn lóc khóc thương con. Những hình ảnh ấy in sâu vào tâm trí đứa bé mới sáu tuổi đời là anh, rất khó phai mờ. Sau này đã trưởng thành nhiều đêm anh vẫn mơ thấy cảnh chị gái qua đời quá bi thảm như vậy. Còn mẹ anh nhiều năm sau vẫn tin con gái mình không thể chết dễ dàng như vậy được.
Sau cái chết của chị gái, Ba Danh cũng bị hai trận ốm nặng thập tử nhất sinh, nhưng có lẽ do tố chất mạnh mẽ, anh vượt qua được.

*

Người trong thôn nói với nhau, mẹ anh là người có nhan sắc trong vùng xứng đôi với cha anh cũng là người đẹp trai. Ba Danh biết mẹ anh là người nhanh nhẹn, tháo vát. Bà chỉ biết đọc, biết viết mà làm việc gì cũng gọn gàng. Có ai ngờ được nhan sắc của bà gây nên cuộc chiến khốc liệt để gìn giữ sự trinh tiết, gìn giữ phẩm giá của người phụ nữ, giữ gìn truyền thống của gia đình kéo dài cả chục năm. Không biết cái chủ trương cứ làm cho bất cứ người đàn bà nào có chồng tập kết ra Bắc có bầu là chiến tích của người “quốc gia” do ai phát kiến ra, nghe nói chủ trương này có sự tham gia của Trung tâm điều hành Cục tình báo trung ương Mỹ tận bên kia đại dương, mà dân gian thường gọi nôm na là “Chương trình ghẹo gái của CIA”. Các quan chức chính quyền, nhất là các sĩ quan Sài Gòn trẻ đẹp được khuyến khích xô vào tán tỉnh, lừa lọc, cưỡng ép hoặc dùng bất kỳ kế sách nào để các cô, các chị có chồng theo cách mạng bụng to dần lên, khi những người phụ nữ này đã mang cái bụng bầu rồi nó sẽ làm lung lạc tinh thần của những người chồng ngoài Bắc hay đã nhảy núi. Cái bụng bầu đó làm cho những người phụ nữ vốn là những người đoan chính, kiên trung một lòng hướng về cách mạng không còn gì để nói vì phẩm giá, trinh tiết nữa. Đúng là một kế hoạch thâm độc, có lợi đủ đường cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Nhiều chị em lúc đầu kháng cự quyết liệt nhưng cuối cùng đã thả tay. Cách đánh này của địch gây cho cách mạng những tổn thất sâu sắc.
Bà mẹ của Ba Danh không thể lọt khỏi kế hoạch thâm độc này, mà bà còn là mục tiêu ham muốn của đám sĩ quan trẻ vì bà có nhan sắc. Người già trong thôn dặn dò mẹ anh: “Tụi nó thèm cô như yêu tinh thèm Tam Tạng”. Bài bản để chúng tiếp cận mẹ anh cũng là bài bản chung. Đến nhà làm quen, tán tỉnh, phỉnh phờ, dụ dỗ rồi đe nẹt. Đang đêm gọi cửa thăm nhà. Mà cửa ngõ ở quê có gì là chắc chắn đâu. Đẩy cái phên tre là vào nhà được rồi. Đêm ngủ mẹ con anh phải tỉnh thức, có tiếng động là ngồi dậy thủ thế. Ba Danh nhớ thời ấy dù chỉ mấy tuổi đầu, khi mẹ thức dậy anh cũng cầm một con rựa. Tháng ngày cứ vậy trôi đi, mẹ con anh lúc nào cũng phải dè chừng, cảnh giác mọi phía.
Rồi người ta bày trò đóng quân ngay trong nhà. Đó là những đêm hai mẹ con phải thức trắng. Quân lính dậy đi tiểu mình cũng phải thủ thế, chúng vờ gọi xin nước cũng phải thủ thế. Ba Danh nói với mẹ anh sẵn sàng vung rựa, sẵn sàng la làng để bảo vệ mẹ. Không phải chỉ đóng quân trong nhà anh thường xuyên, nhưng có khi một tháng, có khi hai tháng chúng làm một đợt. Những lần như vậy, ban đêm lo thủ thế, ban ngày mệt mỏi không làm lụng được gì.
Một lần có một viên trung đội trưởng tên là Tánh, không rõ chuẩn úy hay thiếu úy, Tánh có tài văn nghệ, đẹp trai mà ham chơi thể thao, y ở ngay trong nhà Ba Danh, suốt ngày kè kè bà mẹ, đi bước nào y theo bước ấy, bất ngờ chính giữa sân, giữa ban ngày, bà cởi tung áo ngực hét la: “Của tui đây, ông muốn làm gì thì làm”. Viên trung đội trưởng không kịp phản ứng, bỏ ra khỏi sân trước sự chứng kiến của đám đông có cả quân lính và dân trong thôn. Tối đến bà thì thầm với mấy người bạn gái: “Muốn giữ được mình, muốn tồn tại có lúc phải liều, phải hung, mình liều thì nó thụt, không phải nó muốn gì cũng làm được nấy. Phải giữ mình thì giữ được cho nhiều người khác, quan trọng là đừng để cho nó tụt quần mình…”.
Cuộc chiến giữ phẩm tiết của người mẹ thật vất vả, dai dẳng làm hao tổn sức lực của nhiều phụ nữ có chồng theo cách mạng, kéo dài cả chục năm.
Không thể sống mãi với mấy mảnh ruộng cùng cái đói nghèo đeo đẳng, cộng với sự o ép bao vây nhiều mặt của quân thù, người mẹ ấy đã tìm một giải pháp khác. Bà đến nhà ông anh họ, một người làm ăn chỉn chu, lại đang có vốn liếng thuộc loại tư sản hồi đó, đang bí mật đóng góp cho cách mạng để vay tiền. Ông hỏi: “Cô mượn tiền để làm gì?”. Bà trình bày hoàn cảnh của mình rồi vững vàng nói: “Em buôn bán lài xài biết đâu nó trúng, nó đổi đời cho gia đình em anh ơi”. Ông anh không chần chừ cho bà vay tiền. Có chút vốn trong tay, bà tính buôn bán cái gì cũng phải quay vòng vốn nhanh. Mua con heo vùng này sang bán vùng khác. Hai tháng sau đúng hẹn bà mang cả tiền vốn và lời trả ông anh. Ông hỏi nhỏ: “Cô chỉ quen làm nông, buôn bán cách sao mà có tiền trả cho tui đúng hẹn?”. Bà nói: “Thì cũng buôn bán lẹt xẹt vậy thôi”, nhưng giọng thì đầy tự tin. Vốn là người sành sỏi thương trường, ông anh họ biết là đồng vốn của mình đã đến đúng người. “Cô cầm lấy tiếp tục làm ăn, có cần tôi tăng vốn lên không?”. Bà thản nhiên đáp: “Được như vậy thì có chi quí bằng”. Hai ba lần trả tiền đúng hẹn là hai ba lần được tăng vốn. Có lần ông anh tăng lên mười lần khi bà nói chuyện sẽ buôn thuốc lá Cẩm Lệ theo cách buôn tận gốc bán tận ngọn.
Từ đó dần dà gia đình Ba Danh thoát cảnh đói nghèo.

*

Ngày ấy xã Hòa Tiến rộng lớn lắm, nó gồm cả hai xã Hòa Thái và Hòa Lợi. Đây là vùng tranh chấp quyết liệt giữa lực lượng Giải phóng và chính quyền Sài Gòn. Chiến sự xảy ra liên miên làm các trường học lúc đóng lúc mở. Đến tuổi đi học mà Ba Danh chưa biết học ở đâu. Đầu tiên anh học ở Hòa Thái, nhưng chỉ được mấy tháng, súng nổ ngay ở đầu làng, lớp học phải nghỉ. Ba Danh đang nghĩ hay là ở nhà làm nông với mẹ rồi vào du kích. Một bữa mẹ gọi anh lại.
– Mẹ hỏi con thằng có học có sướng hơn thằng ít học không?
Ba Danh chưa kịp trả lời, bà nói tiếp:
– Con có thấy đám lính đánh bạc trong nhà ta không? Chú sĩ quan đánh bạc có lính hầu pha cà phê, tối mắc màn cho nằm, có người xoa bóp đấm lưng vì chú ấy có đi học. Có học mới chỉ huy được…
Vài ngày sau bà thu xếp cho Ba Danh xuống Hòa Châu học tiểu học. Trường đã khai giảng một tháng, thầy hiệu trưởng không đồng ý nhận thêm học trò. Bà mẹ nói gì với ông trong phòng, một chặp lâu ông đồng ý cho nhập trường nhưng phải kiểm tra kiến thức. Ông hiệu trưởng là một người nhân hậu và nguyên tắc. Trong thời buổi đấu tranh sôi động ông không theo bên nào. Lập luận của ông là Cộng sản hay Quốc gia cũng cần có thầy giáo. Ba Danh vào phòng thi.
Trong phòng chỉ có một thầy một trò. Thầy ra đề tên là Toản nhà ở Cẩm Lệ. Thầy ra hai bài toán đố.
Người mẹ không phải thi đứng ngoài mà toát mồ hôi. Bà đang sốt ruột nếu Ba Danh không làm được bài thi lại phải nghỉ học. Anh vừa làm bài vừa nhìn mẹ bồn chồn đứng lên ngồi xuống ngoài hiên mà thương, quyết làm hết bài cho mẹ vui. Thầy Toản chấm điểm ngay khi nộp bài. Anh được điểm 7, thầy hiệu trưởng cho nhập học.
Bà mẹ mừng hết lớn ôm chặt lấy con, dắt con ra quán bún. Ba Danh được mẹ chiêu đãi hai tô bún.
Ba Danh nhớ lần đầu anh được bầu làm đại biểu Quốc hội khi làm Giám đốc Sở Nông nghiệp, khi kiểm phiếu xong anh gặp một ông thư ký trông quen quen. Anh mời tổ bầu cử về nhà làm bữa cơm thân mật.
– Xin lỗi, ngày trước anh có làm giáo viên không? Anh hỏi người thư ký.
– Đời tôi chỉ có làm giáo viên thôi.
– Có khi nào trong cuộc đời làm giáo viên anh làm giám thị một buổi thi mà chỉ có một thí sinh?
Người thư ký nhăn trán suy nghĩ, phải mấy phút sau ông mới nhớ ra:
– Có. Có một lần có một trò vào học trễ một tháng, thầy hiệu trưởng giao cho tôi kiểm tra trò này.
Ba Danh nắm lấy tay thầy.
– Chính em là trò ấy.
Hai thầy trò hàn huyên với nhau cho hết buổi chiều. Ba Danh hiểu ra thầy Toản đã tham gia hoạt động hợp pháp trong những năm làm giáo viên ở Trường Hòa Châu. Ở vùng đất Hòa Vang này, những ai từng tiếp xúc với cách mạng từ thời chín năm, không trước thì sau, không nhiều thì ít cũng tìm cách đóng góp phần của mình cho cách mạng với mong muốn cháy bỏng là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thầy Toản là người như vậy.
Từ ngày về học ở Trường tiểu học Hòa Châu, Ba Danh vẫn tham gia hoạt động phong trào thiếu niên giải phóng như ở trên Hòa Thái. Hoạt động ở đây chỉ là những việc đơn giản như: canh gác cho chú cán bộ họp, rải truyền đơn. Cũng có khi được các anh, các chú phân công đi đặt mìn, đặt lựu đạn ở những nơi người lớn khó tiếp cận. Vài lần được giao việc trà trộn vào đám lính Sài Gòn ăn cắp vũ khí…
Khi quân Mỹ đổ quân vào bãi biển Xuân Thiều, Hòa Vang là chiến trường đánh Mỹ trọng điểm của tỉnh: “Muốn đánh Mỹ xuống Hòa Vang, muốn thênh thang về Đại Lộc”. Ba Danh cũng như bao thiếu niên con em những người tham gia cách mạng không thể đứng ngoài các sự kiện này được.
Rồi anh được cử đi dự đại hội thi đua dũng sĩ thiếu niên tỉnh. Đại hội họp vào ban đêm, các đại biểu chỉ nhìn thấy mặt nhau chứ không biết tên thật. Tên gọi trong giao tiếp chỉ là bí danh. “Cách mạng miền Nam, ai làm nấy biết”. Ngồi nghe báo cáo điển hình không được ghi chép. Người báo cáo cũng chỉ nói mồm, không có văn bản giấy tờ. Đại hội xong các đoàn bí mật ai về địa phương đó. Trên đường về một đại biểu tên là Khá Chuột bị bắt.
Không chịu đựng được tra tấn, Khá Chuột khai được hai tên là Trần Xê và Đa cùng lớp với Ba Danh. Vì không đi học nên Khá Chuột không nhớ được tên người thứ ba, chỉ khai còn một thằng nữa quê trên Hòa Thái.
Khoảng ba giờ chiều, đang giờ lên lớp, ba tên mật vụ đi trên ba chiếc xe máy ập vào bắt Đa và Xê dẫn lên văn phòng. Ba Danh biết hai bạn mình là những thiếu niên gan lì, không dễ gì khai báo, nhưng biết đâu, nếu một trong hai không chịu được đòn.
Ba Danh ngồi trong phòng học tìm kế thoát thân.
Trường tiểu học Hòa Châu cách quốc lộ 1 khoảng hai trăm mét về phía tây. Cổng trường xoay ra đường, hướng đông. Sau lưng trường là một cánh đồng nhỏ rồi tiếp đến là một khu gò mả nơi bãi thả trâu. Một đám trẻ khoảng mười đứa cả trai lẫn gái vừa chăn trâu vừa vui đùa ở đó. Ba Danh nghĩ mình không thể ngồi đây chờ chúng đến bắt mà phải tìm cách nhập vào đám trẻ chăn trâu kia. Anh đưa mắt nhìn cửa sổ. Ở trường này cửa sổ không có song sắt. Anh nghĩ ra ngay lối thoát.
– Thưa thầy em đau bụng xin phép ra ngoài.
Thầy giáo nhìn Ba Danh, không có nghi ngờ gì, gật đầu đồng ý.
Ba Danh nhanh nhẹn đút sách vở vào bàn rồi đi lên phía bục giảng. Anh không đi theo cửa chính mà bất ngờ nhảy qua cửa sổ, trước sự sững sờ của thầy giáo và cả lớp. Anh nhắm mắt chạy qua cánh đồng. Không thấy ai đuổi theo, chỉ vài phút sau anh nhập bọn với đám trẻ chăn trâu. Nhưng anh không dừng lại ở đó, mà chạy thẳng vào làng Phong Lệ, dưới đường xe lửa. Ngồi chờ coi động tĩnh một lúc, anh vượt qua đường sắt về nhà. Trong nhà đã sẵn có hầm bí mật, anh sẽ chui xuống đó nếu bọn chúng về đây truy tìm. Nhưng hết buổi chiều chẳng có chuyện gì xảy ra.
Sau này Ba Danh mới biết bốn mươi phút sau khi tra khảo hai bạn Đa, Xê, bọn mật vụ quay lại lớp. Chúng thấy trên bảng sĩ số lớp học là 54 vắng 1. Chúng đếm học trò trong lớp chỉ có 50, còn hai bạn bị bắt vẫn thiếu 1. Chúng tra khảo thầy giáo còn một trò đi đâu. Thầy là người có thiện cảm với Ba Danh ngay từ hôm nhập học. Thấy trò nhanh nhẹn, tháo vát thầy hỏi: Có thực muốn đi học không? Thưa thầy không muốn học thì xuống đây làm chi, muốn lắm chớ. Vậy có quyết học giỏi không? Đi học mà không học giỏi thì về quê làm ruộng chứ. Ba Danh nghĩ chắc thầy biết mình là con nhà cách mạng. Buổi chiều ấy thầy đã giữ bọn mật vụ lại, trả lời xà quần, kéo dài câu chuyện cốt để Ba Danh có thì giờ đi thật xa.
Buổi tối Ba Danh nói với mẹ.
– Lộ rồi, bây giờ con phải đi hướng nào đây?
– Để tìm người đưa con lên Hòa Khương rồi thì về chỗ ba Tùng. Bà mẹ nói.
– Không được đâu mẹ ơi. Chừ đi hướng nào cũng bị bắt.
– Vậy con tính sao?
– Đi Sài Gòn.
Bà mẹ ngạc nhiên trước ý định của Ba Danh.
– Con còn nhỏ vậy đi nổi không?
– Con đi được, mà mẹ phải mua vé máy bay cho con đi.
Người mẹ suy nghĩ một lúc rồi nhận ra sự quyết đoán của con trai là chính xác. Bà đưa anh xuống Đà Nẵng ở nhà chú Lệ ở kiệt Tiến Thành sau này đã là đường Phan Thanh rồi ra sân bay đi Sài Gòn.
Đến bây giờ Ba Danh cũng còn ngạc nhiên về quyết định táo bạo của mình thời đó. Một đứa bé mười ba tuổi quê mùa dám một mình vào Sài Gòn. Nhưng anh hiểu đó là quyết định một mất một còn, nếu mình chần chừ có khi phải trả giá bằng sinh mạng.
Ba Danh sống ở Sài Gòn hai năm, ở với chú rồi với cậu, học xong đệ Thất anh quay ra quê bắt liên lạc với cha rồi ra Bắc năm Mậu Thân 1968.

3

Bước ra khỏi đất làng, trở xuống Đà Nẵng để vào thành phố Hồ Chí Minh gặp Thủ tướng, hình ảnh người mẹ cứ bám theo Ba Danh. Lần này anh không ở với mẹ được lâu nhưng nhiều điều về người mẹ lại hiện lên rõ ràng trong ký ức anh. Ở đất này người mẹ nào cũng chắt chiu, cũng chịu đựng, cũng phải tháo vát mới tồn tại được qua thử thách, khốc liệt của thời cuộc. Nhưng người mẹ của anh cũng có cái khác ở sự độc đáo của bà. Thời trẻ bà thật duyên dáng không phải qua vóc người dáng đi mà ở cách ăn nói. Bà biết giữ lời nói ôn hòa, khiêm cung khi tiếp xúc với con người, nhưng khi bà vạch áo ngực trước đám lính háo gái thì lúc đầu ai cũng ngạc nhiên, nhưng nghĩ lại nó hợp với tính cách quyết liệt của bà. Hình ảnh ấy xảy ra trước mặt Ba Danh nên anh không thể nào quên được.
Nhớ hồi cha anh vừa từ miền Bắc trở lại chiến trường, bà đã biết chuyện nhưng chẳng hề hé miệng với ai. Vào một buổi chiều bà nói: “Xếp bộ đồ vào túi đi chơi với mẹ”. Đường từ nhà anh lên căn cứ Hòa Khương không xa, nhưng hai mẹ con phải đi mất ba giờ. Người giao liên dẫn đường cứ đi được một đoạn lại nói hai mẹ con dừng lại để anh đi trước thăm dò, gần mười giờ đêm họ mới đến được điểm hẹn.
Sau cả chục năm mới được gặp cha nhưng anh không khóc. Mẹ anh cũng không khóc. Ba con người trân trân mắt nhìn nhau dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu. Không gian im ắng đến rợn người cho đến khi cha anh ôm anh vào lòng: “Con!”. Câu chuyện giữa ba con người sau những năm dài mới gặp nhau gần hết đêm ấy chỉ nói ít nhìn nhiều. Cho đến hai mí mắt díp lại, lăn ra chõng ngủ, Ba Danh mới nghe có tiếng nấc nhẹ của mẹ. Đến lúc này mẹ mới khóc…
Hình ảnh của con người vùng đất quê trong quá khứ đã ghi dấu ấn vào tâm khảm trẻ thơ của anh. Không phải chỉ cha anh, mẹ anh mà những người quanh thôn, quanh xã, những người anh đã gặp trên đường đời làm anh trăn trở, suy nghĩ cắt nghĩa về họ. Họ đã vượt ra ngoài những điều thường tình mà con người phải chịu đựng. Chẳng ai muốn chiến tranh, tranh giành những mục đích khác nhau trên sinh mạng của đồng loại, nhưng chiến tranh vẫn xảy ra trên thế giới này. Cuộc chiến tranh buộc phải tiến hành để giành độc lập rồi giữ độc lập, giải phóng nửa đất nước còn lại để thống nhất đất nước là một cuộc chiến kỳ bí, chưa từng có ở độ ác liệt, oái oăm và éo le cho mỗi người tham gia vào đó. Cuộc chiến dài dằng dặc suốt mấy chục năm khó tưởng tượng con người có thể vượt qua nó. Và cả mấy chục năm sau cắt nghĩa được nó cho chính xác là một công việc thiên nan vạn nạn. Chính cuộc chiến đó đã đẻ ra những con người khác biệt, không chỉ ở phẩm chất anh hùng mà cả ở tính cách, nếp sống, nếp nghĩ của họ. Mà những con người ấy lại đang sống ở mảnh đất mà Ba Danh có trách nhiệm lớn lao phải xây dựng nó.
Ba Danh cũng đang cố cắt nghĩa mảnh đất mà những con người thân yêu của anh đã sống, chiến đấu, tồn tại và bây giờ họ vẫn cùng anh xây dựng nó. Quá khứ của nó quá bi tráng và hào hùng. Các sự kiện lịch sử hình như chọn nơi này để thử thách con người. Các bậc tiền nhân khi mở cõi về phía nam, đứng trên đỉnh Hải Vân đều nhìn về dải đất rộng rãi phía nam này với một tâm trạng đặc biệt. Họ biết đó là vùng đất vừa thiêng liêng vừa gần gũi, đầy bất trắc để thử thách lòng người mà cũng là miền đất hứa cho những khát vọng chinh phục. Những đội quân xâm lược đều chọn nơi đây làm bàn đạp cho tham vọng của họ. Năm 1885 đối với thực dân Pháp, còn đế quốc Mỹ là năm 1965. Những cửa biển Sơn Trà, thành Điện Hải, bãi cát Xuân Thiều đều là những địa danh mà khi nhắc đến con người quê anh có chung nỗi niềm vừa tự hào vừa ấm ức cho đến ngày Đà Nẵng được giải phóng năm 1975.
Ngày ấy Ba Danh đang học tập ngoài Bắc, không tham gia sự kiện lịch sử quê hương giải phóng. Sau này khi nghe kể lại những sự kiện, những con người năm ấy trở nên thân quen với anh. Người anh hùng Nguyễn Chơn, quê ngay dưới làng Phú Lộc có con sông nhỏ đổ ra bãi biển Thanh Bình, có lần nói với anh làm việc gì cũng phải quyết đoán và dám chịu trách nhiệm. Ông kể chiến dịch giải phóng Đà Nẵng ông đã có những quyết định táo bạo, khác với suy nghĩ của nhiều người. Ngày 23 tháng Ba năm 1975 từ một tin kỹ thuật ông biết địch báo lên cấp trên căn cứ Chu Lai hết đạn pháo. Lúc đó Sư đoàn 2 do Nguyễn Chơn chỉ huy đang triển khai kế hoạch phản kích tiêu diệt Sư đoàn 2 Sài Gòn. Biết thời cơ đến vì theo thói quen quân ngụy không có trọng pháo, xe tăng không đánh được, bộ binh triển khai lúng túng. Ông báo cáo Quân khu cho Sư 2 đánh thẳng vào Tam Kỳ, Thăng Bình, Chu Lai. Chưa có điện trả lời, nhưng không thể chần chừ, ông ra lệnh cho 4 trung đoàn áp sát các mục tiêu. Đêm đến vẫn chưa có điện trả lời của Quân khu, nhưng ông biết mình không sai. Mục tiêu của chiến tranh là tiêu diệt địch, giải phóng đất đai, thời cơ đến phải hành động nhanh để tiết kiệm xương máu. Ông điện về Quân khu nhận hết trách nhiệm về mình và ra lệnh nổ súng. 11 giờ ngày 24 tháng Ba, Tam Kỳ giải phóng.
Lại một chuyện nữa, đêm 27 tháng Ba ở ngã ba Hương An, nơi ông vừa nhận lệnh giải phóng Đà Nẵng ở Quân khu đến đây đón Sư đoàn. Theo phương án Trung đoàn 38 tiến quân theo quốc lộ 1 bằng mọi cách nhanh chóng tiếp cận Đà Nẵng, theo sau là Trung đoàn chủ công Ba Gia, làm nhiệm vụ chủ yếu đánh vào sân bay và Sở chỉ huy Quân đoàn 1. Các Trung đoàn 31 và 36 theo trục đường sắt tiến ra thành phố càng nhanh càng tốt. Trung đoàn trưởng 38 Nguyễn Thí chưa nhận thức đúng tình hình khẩn trương, thời gian là lực lượng đã cho đơn vị đánh chiếm Thăng Bình, làm đội hình chậm bốn giờ, Nguyễn Chơn đã ra lệnh, đình chỉ nhiệm vụ trung đoàn trưởng của ông Thí, cử Trung đoàn phó Trần Văn Thủy lên thay. Dù sau này biết Trung đoàn trưởng Thí không nhận được điện bỏ qua Thăng Bình, nhưng ông không thay đổi quyết định. Ông có nói với Nguyễn Thí rằng: Người chỉ huy lúc thời cơ đến phải quyết đoán, phải sáng tạo và dám chịu trách nhiệm. Dù bị đình chỉ chức vụ, ông Thí vẫn luôn đi cạnh trung đoàn trưởng mới làm bất cứ việc gì được phân công để góp phần vào chiến thắng. Sau này khi được giao nhiệm vụ chỉ huy bộ đội giải phóng Trường Sa ông Thí đã xuất sắc hoàn thành. Chiến lợi phẩm từ Trường Sa gửi về cho ông Chơn là một đại úy quân đội Sài Gòn quê Hòa Vang và một rổ trứng chim hải âu.
Cũng ở ngã ba Hương An, ông Chơn còn ra lệnh cho các chiến sĩ thông tin không cần dùng mật mã trên vô tuyến điện. Đài trưởng đi theo ông báo cáo rằng không thể được vì đó là sai phạm lớn nhất của nguyên tắc bảo mật, kỷ luật sẽ rất nặng. Ông Chơn nói đồng chí chấp hành đi, có chuyện gì tôi chịu, thời điểm này quân địch biết rõ quân ta đang tiến đến đây, chúng sẽ tan rã nhanh hơn. Năm giờ sáng ngày 29, sau khi Trung đoàn 38 đánh chiếm Vĩnh Điện, bộ đội ta dùng tất cả các phương tiện có được, xe đạp, xe lam, xe tải ào ạt tiến ra Đà Nẵng. Trước đó, vì vượt sông Thu Bồn ở Cẩm Hà rồi lên Vĩnh Điện nên đồng bào nghĩ là quân ta đi bộ từ biển vào. Khi đến Viêm Tây, Trung đoàn Ba Gia gặp một đội địch chốt chặn xả đại liên vào đội hình. Hơn chục chiến sĩ thương vong. Đó là những người hi sinh trước giờ Đà Nẵng giải phóng. Sau này mới biết vì máy thông tin của đại đội ngụy này hỏng không biết quân ta đang ào ạt tiến quân nên mới kháng cự…
Những câu chuyện như vậy của ông Chơn cũng như nhiều người khác tham gia giải phóng thành phố đã làm Ba Danh trăn trở về thực trạng của Đà Nẵng hôm nay. Có người nói đó là một thành phố đang rách nát, hơi quá nhưng không sai. Mà không phải chỉ Đà Nẵng, các huyện thị khác trong tỉnh cũng trong tình trạng ấy. Một vùng đất thấm đượm tình con người từ ngày hình thành với sự hòa nhập diệu kỳ giữa những người Chăm bản địa với người Việt mở cõi. Một vùng đất khi nhắc người ta liên tưởng đến những chiến công, đến quả cảm, sự vượt qua gian truân khổ ải để đạt mục tiêu mà con người hướng tới. Mảnh đất của những anh hùng đã thành huyền thoại. Không thể để mảnh đất trì trệ như thế này mãi được. Chắc không chỉ có Ba Danh mà nhiều người khác cũng đang trăn trở cùng anh. Cả tháng qua anh đã suy nghĩ về những điều sẽ trình bày với Thủ tướng về mảnh đất này.
Vừa về đến Văn phòng Ủy ban thành phố, Ba Danh đã giở sổ ra, ghi chép những điều thiết yếu nhất, những giải pháp khả thi để trình bày với Thủ tướng, rồi ngủ tại cơ quan để sáng mai ra sân bay sớm vào thành phố Hồ Chí Minh.

*

Cái quyết định từ chức Bí thư Đảng ủy phường của Trần Dạ không làm anh bị phân tâm, bối rối nhưng làm anh có đôi chút băn khoăn. Đó là tình cảm của những người từng cộng sự với anh ở Văn phòng Ủy ban trước kia và Đảng ủy phường bây giờ. Anh chưa hề nói với ai ý định của mình, nhưng anh biết khi điều này được công khai là một bất ngờ với họ với nhiều câu hỏi về động cơ của anh. Và chắc chắn họ sẽ nài nỉ anh đừng làm điều đó, phải vì đồng chí, đồng sự trong cơ quan đã nhiều năm gắn bó với người dân trong phường tin tưởng, tín nhiệm anh trong những nhiệm kỳ qua. Trần Dạ không thể nói dối họ, nhưng anh cũng không thể nói hết sự thật với họ. Điều băn khoăn đó anh chưa biết sẽ chia sẻ với ai. Và không hiểu vì sao chiều nay trong khi đi dạo anh lại đến trước con hẻm trên đường Thái Phiên, nơi ở của một người mà dân Đà Nẵng chẳng ai không biết, người ấy lại là thầy của anh.
Con hẻm rộng ô tô vào được, cuối hẻm là nhà thầy. Căn nhà có từ bao giờ Trần Dạ không biết, nhưng từ khi biết thầy anh đã thấy căn nhà này. Nó không mới mà cũng không cũ. Khung cửa sắt bên ngoài được làm từ thời còn quân Mỹ đóng Đà Nẵng, còn phía trong những bức tường, mái ngói thì lại cho biết căn nhà này được xây từ lâu lắm. Đặc trưng của căn nhà là mùi ẩm mốc vì ít khi được quét dọn, lần nào Trần Dạ đến cũng ngửi được.
Thầy ngồi trên ghế salon gỗ, véc ni đã sờn. Bộ đồ trà trên bàn tuy vẫn đang dùng nhưng các ly cáu bẩn vì nước trà bám lâu ngày không ai cọ rửa. Thầy nói với Trần Dạ.
– Uống trà đi, đậm lạt ra sao tự pha lấy mà uống. Miệng nói nhưng mắt ông không rời cuốn sách.
Căn phòng vừa tiếp khách vừa làm việc của thầy chỉ thấy có sách. Sách ở khắp nơi, trong tủ, trên kệ, trên bàn, trên ghế và cả ở dưới nền nhà. Trần Dạ nghĩ nếu không có sách thì thầy sẽ sống như thế nào? Chả cần hỏi ai anh cũng tự hiểu nếu điều đó xảy ra thì chẳng phải là thầy nữa.
Trần Dạ tự pha trà, rót một ly mời thầy, rót một ly cho mình tự nhâm nhi và ngồi ngắm thầy.
Ông già ngồi trước mặt anh là một con người kì bí, gần tám mươi, cái tuổi nghỉ ngơi của con người, nhưng ông lại khác. Đã lâu không dạy học nữa, nhưng ông vẫn đọc sách và viết sách, viết báo, không phải làm những việc ấy với thú vui của người già mà để mưu sinh. Không ít lần người dân trên phố nhìn thấy ông già, mà gần như cả thành phố gọi bằng thầy này chất lên chiếc xe đạp dàn ngang, cũ kỹ từng chồng sách đến giao cho khách hàng. Không phải là tác phẩm của mình mà ông mang đi bán, mà đó là những chồng sách ông nhận về gia công, đóng xén. Một ông già gần tám mươi lo cơm áo cho cả gia đình. Mà là một gia đình khác biệt, vợ thầy và những người con trai không phải lúc nào cũng bình thường. “Họ là những siêu nhiên”, như thầy có lần nói. Chỉ có người con gái là hoàn toàn tỉnh táo.
Trần Dạ nghĩ không ra một con người như thầy, có tiểu thuyết nổi tiếng khi mới mười bảy tuổi, có những truyện ngắn mẫu mực, có công trình khảo cứu chấn động trong Nam ngoài Bắc, nhiều thế hệ học trò thành đạt, có bạn bè đồng niên, vong niên thân tình lại có cảnh sống như vậy. Nhưng ông thầy không để ý đến điều đó. Thầy coi việc nhận sách vở của khách hàng về đóng xén, vô bìa cùng người con trai út suốt đêm cho kịp giao với việc nhận viết một bài báo nhuận bút gấp nhiều lần người khác, hay đọc tham luận ở một hội nghị khoa học quốc tế được hoan hô, được các phóng viên tranh nhau phỏng vấn là như nhau. Cách thầy nhận sự giúp đỡ của người khác cũng đặc sắc, chân tình và thật thà, giọng nói, ánh mắt của thầy như nhắn nhủ đến người ân nhân của mình rằng ông giúp là quí rồi, nhưng nếu không có gì giúp mà chỉ đến chơi với tôi thôi cũng quí như nhau.
Cả giờ hai thầy trò im lặng bên nhau. Trần Dạ đã châm đến nước thứ ba vào bình trà mà thầy vẫn lặng lẽ đọc sách. Những lúc thế này anh mới nhận ra tại sao con người lại phải bon chen vất vả với đời như vậy. Tại sao họ không sống với chính mình như một giờ anh ngồi bên thầy. Nhưng Trần Dạ biết chỉ cần rời khỏi căn nhà có phần âm u này anh lại trở thành một con người không khác mấy với đồng loại.
– Này ông, thầy cất lời. Tôi vừa được một nhà xuất bản đặt viết cuốn khảo cứu “Quảng Nam từ khi hình thành đến phong trào Tây Sơn”. Đêm Ba mươi tết vừa rồi họ có đến ứng cho một số tiền kha khá, có thể sống được mấy tháng, nhưng đang băn khoăn chưa biết viết thế nào. Nếu viết đúng ý mình không biết họ có dám in không?
Trần Dạ châm trà thêm cho thầy.
– Thầy cứ viết hết ý mình đi, in hay không thì lại tính sau. Con nghĩ viết mà sợ không in được thì viết làm gì cho tốn công.
– Ông nói cũng phải. Tôi đắn đo mãi mà người ta thì chân thành. Ví như tôi viết những chi tiết thế này thì có in được không? Thầy với tay lấy gói thuốc Đà Lạt, châm lửa kéo một hơi dài.
Trần Dạ biết tính thầy nên anh không hỏi, cứ để thầy thong thả hút thuốc. Kéo đến hơi cuối cùng, dụi tàn thuốc vào cái ly bể làm gạt tàn, thầy nói:
– Ví như việc anh em nhà Tây Sơn phá nát làng Tiên Điền của Nguyễn Du thì có lý vì dòng họ này làm quan đầu triều thời Lê – Trịnh, còn việc đi đến đâu cũng phá chùa, như chùa Chúc Thánh, Phước Lâm ở Hội An cũng không thoát thì khó lý giải phải không ông? Trước đây nhiều người nói với tôi nên thông cảm vì đó là thời loạn lạc, nhưng tôi lại nghĩ khác. Nhưng dần dần tôi nhận thức ra và có thông cảm với họ thật. Anh em Tây Sơn chắc chẳng có oán thù gì với Phật, mà cũng chẳng hiểu biết gì về Phật. Chẳng qua vì cái gì mà các chúa Nguyễn, kẻ thù của họ xây nên thì cứ việc phá. Đối với họ chỉ có vậy thôi. Viết những điều thế này vào sách ông coi có in được không? Ông thấy sao?
Trả lời những câu hỏi của thầy không bao giờ đơn giản, nhất là những câu hỏi xuất thần nhưng thực ra nó đã được nghiệm ngẫm qua nhiều năm tháng, Trần Dạ biết điều đó. Thầy quay sang giở sách ra đọc, tưởng như đã quên câu hỏi của mình. Đột nhiên ông hỏi:
– Trả lời đi chứ. Rồi ông xuề xòa – Khỏi cần phải không. Câu hỏi đó cũng là câu trả lời rồi.
Trần Dạ xin phép ra về. Ngồi bên thầy gần cả buổi cộng với vài câu chuyện rời rạc của thầy chẳng dính dáng gì đến việc xin từ chức Bí thư Đảng ủy phường của anh, nhưng anh tin quyết định của mình là đúng.

*

Ba Danh được gặp Thủ tướng ở dinh Độc Lập cũ, giờ được đổi tên là dinh Thống Nhất. Dù là dinh Độc Lập hay dinh Thống Nhất thì nó vẫn là tác phẩm kiến trúc của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã quá nổi tiếng. Ở Đà Nẵng cũng có một tác phẩm của ông đó là Trường Công nhân kỹ thuật Nguyễn Văn Trỗi. Chỉ có khác là người ta đã xây dựng, cơi nới thêm trong không gian hiếm hoi đó, không được bảo vệ nguyên trạng như ở đây.
Cùng với bốn thành phố khác dự họp nhưng chỉ có Đà Nẵng được Thủ tướng cho phép trình bày một ngày. Ba Danh đã cố gắng để trong quỹ thời gian đó nói lên được hết những suy nghĩ của mình. Đà Nẵng trình bày sau cùng. Đến lượt Thủ tướng hỏi anh:
– Bây giờ nói chuyện ngoài lề trước khi vào chuyện chính. “Ông Thị trưởng” hãy nói cho một câu thôi về Đà Nẵng.
Ba Danh trả lời ngay, tuy anh chưa chuẩn bị cho tình huống này.
– Thưa Thủ tướng, nếu một câu tui xin nói từ khi có Đà Nẵng cho đến ngày giải phóng chưa bao giờ đô thị này trực thuộc cấp tỉnh.
Thủ tướng bỏ kính ra, thong thả nói:
– Ông có thể nói thêm vài câu nữa chi tiết hơn.
– Thưa, Đà Nẵng từ ngày là nhượng địa của Pháp, khi Pháp rút đi giao lại cho chính quyền Sài Gòn, lúc nào nó cũng trực thuộc trung ương. Hiện nay ta đặt cho nó mặc cái áo ngang cấp huyện, nó không thể nào phát triển được. Điều này dễ nhận ra, nhưng đã hai mươi năm rồi mà không ai thay đổi được. Việc nó bê trệ, ì ạch như vậy tại sao chẳng có ai coi là lạ cả.
– Ông có thể nói một câu nữa về tình hình kinh tế xã hội Đà Nẵng bây giờ.
Ba Danh có chuẩn bị câu này, nhưng anh chưa nói ngay, xin phép Thủ tướng uống hết ly nước.
– Hải Phòng và Đà Nẵng là hai thành phố cảng, có tiềm năng kinh tế gần như nhau. Nhưng toàn bộ kinh phí của Đà Nẵng chưa bằng kinh phí của Công ty vệ sinh Hải Phòng. Thưa Thủ tướng đó là bức tranh sinh động về thực trạng kinh tế xã hội của Đà Nẵng…
– Đó là một chi tiết có sức sống, sẽ kiểm tra độ chính xác. Bây giờ ông hãy trình bày rõ ràng những điều ông chuẩn bị. Thời gian là một ngày đó nghe. Ông không cần phải đứng như vậy, cứ ngồi xuống cho thoải mái.
Ba Danh biết lúc này mình không nên vội vàng. Anh ngồi lại ngay ngắn rồi theo đề cương đã chuẩn bị mấy tháng nay, thong thả trình bày tất cả những điều về thành phố của anh, những đặc điểm địa lý, lịch sử của nó. Cái nó đã làm được và đặc biệt cái nó chưa làm được cùng với những giải pháp đưa nó tiến lên rõ ràng, cụ thể.
Nhìn thái độ của những người nghe đặc biệt là sự chú ý lắng nghe của Thủ tướng, Ba Danh biết phần trình bày của anh suốt trong một ngày có sức thuyết phục. Ba Danh hiểu rằng được gặp Thủ tướng lần này là một cơ hội hiếm hoi, anh đã cố gắng để đạt những điều không chỉ riêng anh mà cả những người tâm huyết với thành phố. Nhưng đó cũng chỉ là những đề đạt, trình bày còn nó có được lắng nghe và chấp nhận hay không, nó có được biến thành các chủ trương, nghị quyết của lãnh đạo hay không thì còn là câu chuyện khác, phải kiên trì chờ đợi và tiếp tục thuyết phục. Dù sao những điều bức xúc của Đà Nẵng đã đến Chính phủ…
Máy bay hạ cánh, lăn chậm trên đường băng sân bay Đà Nẵng do quân đội Mỹ xây dựng. Là sân bay lớn ở nước ta, máy bay B52 có thể hạ cánh được trong tình trạng khẩn cấp. Hai chục năm qua cảnh trí của nó vẫn vậy, chẳng có thay đổi gì. Ba Danh nhìn thấy những đàn bò gặm cỏ ngay sát hàng rào đường băng và tự đặt câu trả hỏi không biết có lúc nào nó nhảy rào vào đường băng không? Những đàn bò đó góp phần cung cấp thịt cho thành phố, ăn thứ cỏ mà mười năm sau người Mỹ phải bỏ ra hàng chục triệu đôla để khử chất dioxin độc hại trong sân bay. Ba Danh cũng không biết rằng người chăn dắt đàn bò đó là nhà thơ Tô Như Châu, người sáng tác bài thơ Có phải em mùa thu Hà Nội, vốn là nhân viên kỹ thuật của sân bay dưới chế độ cũ, người chưa từng ra Hà Nội. Sau này một nhà thơ có nói cho Ba Danh biết điều đó, khi hỏi thăm thì Tô Như Châu đã mất vì xơ gan mấy năm trước. Cảnh xơ xác của sân bay cũng là một biểu tượng cho sự trì trệ của Đà Nẵng.
Chánh văn phòng Ủy ban ra đón anh, vừa ngồi vào ghế anh ta nói:
– Thưa anh về văn phòng em sẽ báo cáo một việc quan trọng.
– Thì cậu cứ báo ngay đi, cần gì phải về đến văn phòng.
Người Chánh văn phòng báo cáo với Ba Danh việc mở rộng đường Quang Trung, một trong những con đường đẹp của thành phố, có những hàng xà cừ cổ thụ hàng trăm năm. Theo thiết kế phải chặt bỏ những cây xà cừ cổ thụ mới mở rộng được đường. Vừa mới thi công thì dư luận đã nhao nhao phản đối. Báo chí có nhiều bài thương khóc những cây xà cừ nghe rất não lòng. Nhiều người thuộc phái “xà cừ cực đoan” cho việc mở rộng đường Quang Trung là phá mất vẻ cổ kính của thành phố, hạ xà cừ xuống là triệt hạ những ký ức trăm năm. Nhân đây, một báo giật tít lớn: “Xà cừ ơi xà cừ…”. Đã có cả chục kiến nghị của người dân muốn thành phố ngừng thi công mở rộng đường. Theo Chánh văn phòng mấy ngày nay người ta bàn tán về đường Quang Trung như một sự kiện nổi cộm của thành phố.
Từ sân bay về rồi ngồi ở văn phòng thêm một giờ nữa, Ba Danh muốn nghe hết câu chuyện con đường. Khi người Chánh văn phòng dừng lại để xin ý kiến, Ba Danh nói:
– Cậu hỏi xem bên thiết kế giao thông có thể mở rộng thêm mỗi bên hai mét nữa được không?
– Báo cáo anh mới mở từng ấy người ta đã kêu râm trời rồi, mở thêm nữa thì chưa biết còn thế nào nữa.
Ba Danh đang cầm tập hồ sơ đặt xuống bàn:
– Thì trước sau người ta cũng kêu, nhân đây mình làm luôn một lần để sau này khỏi phải mở rộng thêm lần nữa. Cậu sang ngay chỗ thiết kế đi. Sáng mai phải báo cáo để tui biết, không được chậm trễ thêm nữa.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây