5 năm xa Nguyễn Trọng Tạo – Tác giả: Phương Anh

5 năm xa Nguyễn Trọng Tạo - Tác giả: Phương Anh

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (1947-2019). Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Vậy là đã 5 năm ngày nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo chia tay người thân, bạn bè đi vào cõi thiên thu. Nhưng vào những ngày xuân như thế này, người ta vẫn nhắc nhớ tới ông, vẫn đọc thơ ông, hát những ca khúc của ông…

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là người tài hoa. Ông làm thơ, viết văn, viết nhạc và vẽ. Mảng nào ông cũng tạo được những dấu ấn riêng, đủ để bạn bè nhớ tới.

Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947, quê ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông học khóa 1 Trường Viết văn Nguyễn Du. Tính tới cuối đời, ông đã xuất bản hơn 20 đầu sách, gồm tập thơ, trường ca, tập văn xuôi và nhạc.

Sau khi ông qua đời, gia đình, bạn bè yêu quý đã hoàn thành bộ “Tuyển tập Nguyễn Trọng Tạo”, gồm 3 tập dày gần 2.000 trang in dày dặn. Trong đó, tập 1, “Thơ và nhạc” giới thiệu 348 bài thơ, trường ca và 72 bài nhạc; tập 2 “Văn xuôi” với 121 bài gồm 9 truyện ngắn và vừa, 13 tạp văn, 13 bài trả lời phỏng vấn và 86 bài viết về văn chương – cảm – luận, lý luận phê bình, chân dung, tự sự; tập 3 “Nhịp đồng dao – Những bài viết về Nguyễn Trọng Tạo” gồm 48 bài viết của văn nghệ sĩ về chân dung và các sáng tác của ông.

Là người sống quảng giao và dễ gần, Nguyễn Trọng Tạo để lại nhiều kỷ niệm văn nghệ, mà dường như văn giới ai cũng có thể kể lại, kể thêm. Có người được ông biên tập thơ, cầm thơ đi đăng báo. Lại có người được ông làm bìa cho cuốn sách đầu tay. Có người “va” ông trong những sinh hoạt văn nghệ, hay những cuộc rượu của ngày xưa tháng cũ… Riêng tôi, tôi nhớ đến Nguyễn Trọng Tạo với những câu chuyện tâm tình về thơ, về nhạc về đời ông khi hay ngồi với ông dưới gốc cây long não ở sân 51 Trần Hưng Đạo vào những năm 90 của thế kỷ trước…

Nguyễn Trọng Tạo viết bài thơ đầu tiên từ năm 14 tuổi. Trong cuộc đời thi ca, thật may mắn, ông viết được nhiều bài thơ chạm đến nhịp rung của nhiều người, trong đó, có những bài thơ từng gây chấn động văn đàn như: “Đồng dao cho người lớn”, “Tản mạn thời tôi sống”, “Tin thì tin không tin thì thôi”… Năm 2012, ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật với tập thơ “Đồng dao cho người lớn” và Trường ca “Con đường của những vì sao” (Trường ca Đồng Lộc).

Nhưng như đã nói ở trên, Nguyễn Trọng Tạo là người đa tài. Ông đâu chỉ làm thơ, mà còn viết nhạc. Bài hát “Làng quan họ quê tôi” phỏng thơ của thi sĩ Nguyễn Phan Hách là ví dụ. Giờ hai ông đã dắt tay nhau phiêu du nơi cuối trời, nhưng giai điệu “Làng quan họ quê tôi, tháng Giêng mùa hát hội/ Những đêm trăng hát gọi, con sông Cầu làng bao xanh…” vẫn vang lên ở nhiều nơi. Ca khúc này từng được hãng JVC Nhật Bản chọn vào đĩa karaoke 100 bài hát Việt Nam, được Dàn nhạc giao hưởng Leipzig trình tấu trong Tuần Văn hóa Việt Nam tại Đức.

Ngoài ra, nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, còn phải kể tới bài “Khúc hát sông quê” phổ thơ Lê Huy Mậu cũng được nhiều người yêu thích: “Ơi! Con sông quê, con sông quê/ Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ/ Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng…”.

Theo lời nhà thơ Lê Huy Mậu, dù cùng quê Nghệ An nhưng phải tới năm 1985, trong một lần ra Hà Nội, ông mới quen thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Năm 2002, trong một lần Nguyễn Trọng Tạo vào tham dự trại sáng tác ở Vũng Tàu, Lê Huy Mậu đã đưa chùm thơ (trong đó có bài thơ “Khúc hát sông quê”) mới sáng tác nhờ đưa in báo Văn nghệ. Khi ấy Nguyễn Trọng Tạo cầm lấy rồi cả hai rủ nhau đi uống rượu.

“Tôi không nghĩ bài thơ sẽ phổ nhạc. Nên sáng hôm sau, anh Tạo đột ngột gọi tôi ra, tôi cũng không hiểu chuyện gì. Nhưng khi anh Tạo nói đã phổ nhạc bài thơ, tôi hoàn toàn bất ngờ. Tôi hiểu anh Tạo đã cho bài thơ thăng hoa thành một ca khúc hay. Trong bài hát đó có một số đoạn thơ của tôi chứ không phải tất cả phần lời bài hát đều là thơ tôi”, lời kể chân thành của nhà thơ Lê Huy Mậu.

Ngược dòng thời gian, Nguyễn Trọng Tạo bắt đầu sáng tác ca khúc từ năm 1970, với kiến thức học được từ những lớp sáng tác âm nhạc ngắn hạn trong quân đội và quá trình tự học.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông có nhiều tác phẩm được biểu diễn, phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam như: “Đất nước Bác Hồ và cuộc hành quân không nghỉ” (tổ khúc hợp xướng), “Cái dốc nó cao”…

Sau này, cùng với “Làng quan họ quê tôi”, “Khúc hát sông quê”, ông còn có nhiều ca khúc được khán giả mến mộ như “Đôi mắt đò ngang”, “Tình ca bên một dòng sông”, “Non nước Cao Bằng”, “Mẹ tôi”, “Đồng Lộc thông ru”, “Tình ca hạt giống vàng”, “Trống hội cổng làng”, “Con dế buồn”, “Mưa”, “Nghe biển ru đêm”, “Tình ca hoa cúc biển”…

Một con số ước lượng, Nguyễn Trọng Tạo đã sáng tác gần 100 ca khúc. Hầu hết, các tác phẩm âm nhạc của ông giàu chất thơ và mang đậm âm hưởng dân ca. Không chỉ là nhạc sĩ phổ thơ người khác, những thi phẩm của Nguyễn Trọng Tạo cũng được nhiều nhạc sĩ khác phổ nhạc. Có thể kể đến các ca khúc “Một dại khờ một tôi” (nhạc sĩ Phú Quang), “Cỏ và mưa” (nhạc sĩ Giáng Son)…

Sinh thời, nhạc sĩ Phú Quang từng tâm sự rằng, ông được đọc bài thơ “Chia ” của Nguyễn Trọng Tạo một cách vô tình. Khi đọc xong, nhạc sĩ Phú Quang thấy đồng cảm ghê gớm. “Tôi cảm nhận được điều gì thật buồn, thật cay đắng, xót xa trong những câu thơ. Khi tôi đọc cũng là thời điểm phong trào “chân dài yêu đại gia” sôi nổi lắm. Ở đâu cũng thấy nhắc đến chuyện đại gia- chân dài.

Ngẫm về đời nghệ sĩ, lời bộc bạch của thi sĩ, tự dưng lòng mình chùng xuống: “Chia cho em một đời tôi/ một cay đắng/ một niềm vui/ một buồn/ tôi còn cái xác không hồn/ cái chai không rượu tôi còn vỏ chai/ Chia cho em một đời say/ một cây si/ với/ một cây bồ đề/ tôi còn đâu nữa đam mê/ trời chang chang nắng tôi về héo khô/ Chia cho em một đời thơ/ một lênh đênh/ một dại khờ/ một tôi/ chỉ còn cỏ mọc bên trời/ một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm…”

Thế là tôi viết, chừng một tiếng thì xong và đặt tên là “Một dại khờ, một tôi”. Rồi tôi gọi điện hát cho Nguyễn Trọng Tạo nghe. Anh Tạo nghe xong, khen hay”. Những lời chia sẻ của nhạc sĩ Phú Quang cũng trùng với lúc sinh thời, thi sĩ – nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo tâm sự: “Khi Phú Quang sáng tác đã gọi điện thoại cho tôi, một tay ông chơi piano, một tay cầm điện thoại hát từng lời để tôi nghe. Nếu như bài thơ “Chia” của tôi có chút hóm hỉnh thì sáng tác của Phú Quang lại đậm chất trữ tình…”

Với tình bạn thân thiết, sự gắn kết, đồng điệu trong tâm hồn, Phú Quang đã xuất hiện trong chương trình “Khúc hát sông quê” vào tháng 9/2017 của Nguyễn Trọng Tạo. Ông tự đệm piano và hát đầy cảm xúc “Một dại khờ một tôi” tặng người bạn của mình.

Còn với ca khúc “Cỏ và mưa” lại có một câu chuyện thú vị khác. Nguyễn Trọng Tạo viết bài thơ “Cỏ và mưa” vào tháng 5/1991. Đây là bài thơ ngắn:

“Em cỏ khát. Ta mưa rào đầu hạ

Cỏ uống mưa run rẩy

Cỏ đang thì

Mưa rào đến rồi đi

Cỏ xanh niềm ngơ ngác

Ta biệt em

Lớ ngớ chẳng hẹn gì”.

Đến khoảng năm 1999, ca sĩ – nhạc sĩ Giáng Son khi đó là thành viên của nhóm 5 Dòng Kẻ thông qua nhạc sĩ Ngọc Đại đã quen nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Theo lời kể của Giáng Son, cái tên 5 Dòng Kẻ cũng là nhờ thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo nghĩ ra đặt cho nhóm thay cho cái tên Du ca.

“Anh Tạo có tặng tôi một số tập thơ, trong đó có tập “Đồng dao cho người lớn”. Trong đó, có nhiều bài thơ hay nhưng tôi không “nhập cuộc” vào được, sau khi bắt gặp “Cỏ và mưa” nằm phía cuối tập thơ – bài thơ rất ngắn nhưng đọc lên ngay lập tức giai điệu vang lên trong đầu. “Em cỏ khát. Ta mưa rào đầu hạ”, trong ca khúc cùng tên tôi đổi “ta” thành “anh” cho thêm phần gần gũi”.

Tuy nhiên, vẫn theo nữ nhạc sĩ, khi viết nhạc hoàn chỉnh cho ca khúc thì thấy chưa ổn, vì bài thơ… ngắn quá. Giáng Son bèn viết tiếp phần điệp khúc, nhưng chỉ bằng âm nhạc, chứ chưa có lời. Sau đó, chị gọi điện cho nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhờ thi sĩ viết tiếp phần lời còn lại cho ca khúc. Và cuối cùng, phần lời của bài hát “Cỏ và mưa” như sau:

“Em cỏ khát anh mưa rào đầu hạ

Cỏ ướt mưa run rẫy cỏ đang thì

Mưa rào đến rồi đi ngơ ngác em sợ

Em cỏ khát anh mưa rào nơi nào

Ngày nắng cháy em chợt chợt thấy mưa

Em chờ mãi cỏ xanh ngơ ngác ngơ ngác

Hỏi gió gió bay, hỏi lá lá rơi

Hỏi theo làn mây bay bay lửng lơ về phía chân trời vời vợi

Cỏ khát khát tiếng mưa rơi

Người khát khát lẽ sống khát tiếng yêu thôi

Tình yêu tình yêu như cỏ khát như cỏ khát

Cỏ khát mưa…”

Trong một lần trò chuyện, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng chia sẻ: “Bài thơ “Cỏ và mưa” tôi viết gồm 4 câu, những câu thơ gợi cảm được nhạc sĩ Giáng Son viết nhạc. Nhưng cô ấy viết nhạc xong xuôi, phần lời tới câu thơ thứ 3 thì thấy khó, ngỏ ý muốn tôi làm “lời đuổi theo nhạc” cho hoàn thành nốt câu cuối. Nói đúng ra, tôi là người phổ thơ cho nhạc Giáng Son”.

P.A

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây