Cảm nhận và chia sẻ (Đọc LONG LANH MỘT DẢI SỐNG HÀN của TẦN HOÀI DẠ VŨ) – Tác giả: Phùng Trang Nhung

Long lanh một dải sông Hàn là tác phẩm thứ 29 của nhà thơ-nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Việt Nam, nhà văn Tần Hoài Dạ Vũ (Nguyễn Văn Bổn).

Long lanh một dải sông Hàn là cuốn sách gồm 16 ký sự viết về  “Thành phố đáng sống” Đà Nẵng, về xứ Quảng, như một món quà yêu thương và ý nghĩa mà Tần Hoài Dạ Vũ muốn dành tặng cho quê hương, nơi ông sinh ra và lớn lên. Người Pháp từ xa xưa đã từng nói : “Le style, c’est l’homme” (Văn là người). Trong hoàn cảmh này, với Tần Hoài Dạ Vũ thì điều đó quá chính xác, hoàn toàn chính xác. Văn ấy là người, là tâm hồn, là khí chất, là kiến thức, là kinh lịch cuộc đời, là núi sông, là hoa cỏ, là khoảng trời, dòng sông quê của ông. Và theo cảm nhận của riêng tôi, trên hết, đáng nói hơn hết, đó là tình yêu đằm thắm mà vô cùng mãnh liệt, êm dịu mà sôi nổi, dịu dàng mà day dứt, hồn nhiên mà sâu lắng… một tình yêu vô bờ bến của tác giả dành cho quê nhà thân yêu.

Long lanh một dải sông Hàn chính là tình yêu thiêng liêng và sâu sắc, ám ảnh không thôi mà nhà văn Tần Hoài Dạ Vũ, bằng cả trái tim của mình, đã trải lòng cùng thành phố Đà Nẵng xinh đẹp và xứ Quảng yêu thương… Sẽ là một thiếu sót lớn nếu bỏ quên điều này, qua những trang ký sự giàu chất thơ ở đây, chúng ta nhận ra không chỉ một tâm hồn tràn ngập tình yêu quê hương xứ sở, mà chúng ta còn nhận được cả một kho kiến thức về lịch sử và địa danh, địa mạo, nhân tính của vùng đất Quảng ngoan cường mà hết sức dịu dàng sâu sắc, mảnh đất  ..”chưa mưa đà thấm” và con người xứ Quảng bộc trực, thẳng thắn nhưng chân chất nghĩa tình. Tôi nhớ đã từng được đọc bài viết của một người học trò cũ của thầy Nguyễn Văn Bổn, nói về thầy như sau: “Đọc thơ Tần Hoài Dạ Vũ qua bao năm tháng, ta vẫn cảm nhận được như ngày xưa,một dòng thơ ca tụng tình yêu đẹp dịu dàng và ấm nồng, sâu lắng và trữ tình, đôi khi buồn và rất cô đơn, nhưng không bi lụy sầu não mà vẫn nóng bỏng lửa yêu thương; có khi mở ra những khung trời kỷ niệm, vọng âm của dĩ vãng nhiều nhớ nhung; nhiều khi mãnh liệt, đôi lúc âm thầm đau khổ… Qua những bài thơ tình của Tần Hoài Dạ Vũ, ta còn nhận thấy được cả một dòng sống, một lịch sử của tình yêu và của con người, nơi có những biến động và cõi yên bình, những chia ly và đoàn tụ, những nỗi thương đau và sự hàn gắn, những tan vỡ và sự hồi sinh, những đớn đau và hạnh phúc, những nụ cười và nước mắt, những cuộc ra đi và những chuyến trở về, những biến động tinh thần và sự thanh bình tư tưởng, những mất mát và sự phục sinh, những nỗi buồn khôn nguôi và những niềm vui thầm lặng, sự mù quáng và sự sáng suốt, sự dằn vặt và sự giải thoát… Thơ đó là sự mất đi để rồi lại có được niềm tin cuộc sống trong suốt những năm tháng dài của lịch sử – xã hội nhiều biến động, đổi thay, và của chính tâm hồn đa diện, đa chiều và ẩn chứa nhiều bi kịch, nhưng đồng thời cũng rất giản dị, chân chất, cả tin và có thể nói khá là ngây thơ của chính trái tim nhà thơ.” (Michell Võ – Cảm nhận thơ Tần Hoài Dạ Vũ – “Năm tháng gọi ta về”, Tập san Nữ Trung học Thành Nội Huế . Nxb Hội Nhà văn, 2019, trang 146).

Tac gia Phung Trang Nhung - Cảm nhận và chia sẻ (Đọc LONG LANH MỘT DẢI SỐNG HÀN của TẦN HOÀI DẠ VŨ) - Tác giả: Phùng Trang NhungTác giả Phùng Trang Nhung.

Còn với 16 bài ký  của Long lanh một dải sông Hàn này, ngoài những thể hiện tình cảm chân thành và ngôn ngữ nghệ thuật đã được người học trò cũ nhận định qua thơ Tần Hoài Dạ Vũ, ta còn cảm nhận được tình yêu đằm thắm và vô cùng sâu sắc mà nhà văn Tần Hoài Dạ Vũ dành trọn cả trái tim và tình yêu cho thành phố Đà Nẵng quê hương. Và với nhà văn nặng tình, nặng nghĩa Tần Hoài Dạ Vũ thì mỗi cảnh sắc, con người, mỗi tấc đất, dòng sông, mỗi nhịp cầu và mỗi ngày mưa nắng, mỗi độ thay mùa của thành phố Đà Nẵng như đều âm vang những nỗi niềm thao thức, xao xuyến, những tình cảm nồng nàn đáng yêu. Từ thần thoại suy nguyên (Mythologic etiologique) về Ngũ Hành Sơn, cho đến Sơn Trà non xanh biển biếc, từ lễ hội Quan Thế Âm ở núi Non Nước cho đến lễ hội mục đồng ở làng Phong Lệ, từ cái giếng Chăm cho đến đêm lễ hội pháo hoa, từ tính cách “hay cãi” cho đến giọng nói âm vang dõng dạc của người Quảng Nam, đã từng được các vua triều Nguyễn chọn đọc văn tế trên đàn Nam Giao chốn kinh kỳ Phú Xuân vào mỗi dịp rằm tháng Giêng hàng năm, khi vua ngự giá đến đàn Nam Giao làm lễ tế trời, cầu cho quốc thái dân an…Tất cả những điều ấy được làm sống lại, được thể hiện bằng 16 ký sự giàu chất thơ của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tần Hoài Dạ Vũ trong tác phẩm thứ 29 của ông, Long lanh một dải sông Hàn đầy biểu cảm và giá trị này.

Và thật là thiếu sót nếu chúng ta không chiêm ngưỡng và quý trọng tấm lòng thiết tha với nguồn cội và quê hương bản quán này: “Cái tuổi thơ êm đềm cùng với những buổi trưa nồng nàn hương nắng, đầy tiếng ve và tiếng gió xào xạc trong những rặng tre già ấy vẫn luôn luôn là một cội nguồn an ủi, có sức mạnh vô hình xoa dịu tâm hồn tôi, biến tôi thành một con người phức tạp mà chơn chất, một con người luôn muốn quay về trong mỗi bước ra đi, và không ngừng kéo tôi trở lại với sự đôn hậu, bao giờ cũng  giữ gìn cho tôi khỏi những điều gian dối, cũng như đã luôn nhắc nhở tôi để chẳng bao giờ có thể quên lãng cội nguồn”. (Chùa làng trong tâm thức dân gian. Trích từ Long lanh một dải sông Hàn, trang 156).

Không sợ chủ quan, tôi nghĩ, mọi người dân Đà Nẵng đều có thể đọc tác phẩm này để thêm tự hào về thành phố trẻ trung xinh đẹp, giàu sức sống của mình . Và có lẽ, đây sẽ là món quà mà người Đà Nẵng tự hào, hãnh diện, dành tặng cho bạn bè khắp nơi tìm đến với Đà Nẵng, để chiêm ngưỡng, yêu mến và mong quay trở lại nhiều lần. Đọc xong Long lanh một dải sông Hàn, tôi thật sự cảm động, ngưỡng mộ về sự dày công và tình yêu của nhà văn Tần Hoài Dạ Vũ đối với thành phố Đà Nẵng, đối với xứ Quảng thân yêu. Tôi muốn được hân hoan đồng cảm để chia sẻ cảm xúc cùng các bạn đọc, những bạn đọc đang có hạnh phúc được sống tại thành phố Đà Nẵng xinh đẹp, đáng sống và với toàn thể bạn đọc phương xa  đang hướng về Đà Nẵng trong tâm thức yêu thương…

Hà Nội, cuối tiết Lập Thu, 25.8.2023

CỎ MAY – PHÙNG TRANG NHUNG

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây