“Có một cái gì đang mất đi trong chính đời sống chúng ta…”

Chúng ta đang sống trong thời đại của thế giới phẳng. Mọi sự kết nối đều hết sức dễ dàng đến độ không thể tưởng tượng nổi. Thế nhưng, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, con người càng dễ chìm vào thế giới ảo. Bởi mọi vật sinh khởi, tăng trưởng, chuyến hóa rồi tan biến vô thường nên nguy cơ lãng quên và làm mai một nhiều giá trị văn hóa là một trong những mối quan tâm lo lắng của nhiều người. Hành trình tìm lại những gì đã mất hoặc bị rơi vào quên lãng, không chỉ là việc của các nhà khảo cổ học, mà còn là sứ mệnh của các nhà văn. Trong nỗi nhọc nhằn sáng tạo con chữ và khao khát lưu giữ cái Đẹp cho muôn đời sau, nhà văn Tần Hoài Dạ Vũ đã thai nghén nên tập sách với cái tựa rất thơ “Long lanh một dải sông Hàn”.

Tần Hoài Dạ Vũ là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông vẫn say sưa với đam mê và cống hiến hết mình cho nền văn học nước nhà, cho sự nghiệp giáo dục và hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên đất Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, ở những ngôi trường mà ông từng học, từng giảng dạy. Nhiều người biết đến ông với tư cách một nhà thơ từ những năm 60 của thế kỷ trước, trong phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh sinh viên thời chống Mỹ. Từ đó đến nay, ông vẫn miệt mài nghiên cứu, đi và viết. Không ngừng nghỉ.

Tập  ký sự “Long lanh một dải sông Hàn” là đầu sách thứ 29  của Tần Hoài Dạ Vũ, sau rất nhiều tập thơ, tản văn, hồi ký và sách nghiên cứu văn hóa dân gian…rất công phu và giá trị của ông. Cái tứ bật lên ngay trong tôi là cụm từ “quê quán tôi xưa”, với cảm xúc vừa háo hức vừa sâu lắng. Mười sáu bài ký như cuốn phim sinh động về gương mặt Đà Nẵng và cả Quảng Nam  xưa và nay. Đó cũng là tấm gương tâm hồn tác giả soi về quê hương cố quận.

Xứ Quảng nhìn từ quá khứ

Mỗi  ký sự trong tập sách này thường bắt đầu bằng chuyến du hành chữ nghĩa về lịch sử của tên gọi, lai lịch một địa danh, một di chỉ: Đà Nẵng, Sơn Trà, sông Hàn, giếng Chăm hay cả giọng Quảng… Thành phố Đà Nẵng – lịch sử tên gọi, địa bàn và sức trẻ của “thành phố đáng sống”, với sự khảo cứu và lý giải công phu, thuyết phục. Nhà văn đã nêu ra các cứ liệu từ nhiều bài nghiên cứu để người đọc hiểu hơn về những vỉa tầng văn hóa ẩn sau một cái tên, để thêm yêu, thêm tự hào về vùng đất “chưa mưa đà thấm”. Từ thành phố trẻ Đà Nẵng đến bán đảo Sơn Trà, tác giả dẫn dắt độc giả về nơi non xanh biển biếc mơ màng cùng cây cối xanh tươi, nghe xôn xao tiếng vượn hú chim kêu hòa cùng tiếng suối reo và tiếng rì rào của  sóng biển, tạo nên bản hòa âm tuyệt diệu của đất trời”.  Tấm bình phong thiên nhiên xinh đẹp này vẫy gọi chúng ta khám phá, tận hưởng và gìn giữ cho muôn đời sau.

Một tấm lòng sâu nặng với quê hương

Người ta có vô số nơi để đi, nhưng chỉ có một chốn để trở về. Đó là quê hương. Tập bút ký “Long lanh một dải sông Hàn” còn là hành trình ngược tháng năm trở về quê hương bản quán của chính tác giả. Thương món “rượu Hồng Đào” đã thành huyền thoại của xứ Quảng. Dù bao nhiêu nhà nghiên cứu lý giải về loại rượu “chưa nhấm đà say”, món đặc sản này vẫn mãi bí ẩn như tâm hồn vời vợi của con người “ơn trượng nghĩa dày” nơi đây. Thương cái giọng Quảng mộc mạc chân chất qua “Giọng nói quê hương”. Dù có đi đến nơi đâu, nghe cái giọng Quảng là như đã gặp lại quê hương. Thương cái Đình làng, Chùa làng in bóng tuổi thơ, đậm đà sắc màu văn hóa xứ Quảng, cũng là điểm tựa bình yên, trong trẻo nơi tâm thức bao người. Thương hình bóng mẹ già tảo tần lam lũ, ngày ngày tựa cửa ngóng con… Những bút ký trong tập sách này là lời đồng vọng hướng về quê hương, khơi gợi biết bao tâm tình của người dân đất Quảng, đặc biệt là người Đà Nẵng.

Từ cách đặt nhan đề giàu chất thơ đến vốn tri thức phong phú và tấm lòng dạt dào hướng về quê hương xứ sở, tác giả cuốn sách này đem đến cho bạn đọc những thông điệp vô giá. Dù thời gian vẫn chảy trôi từng ngày. Dù “có một cái gì đó đang mất đi trong chính đời sống chúng ta”.

Có người cho rằng: Sức hấp dẫn và thuyết phục của bút ký tùy thuộc vào tài năng, trình độ quan sát, nghiên cứu, khám phá, diễn đạt của tác giả đối với các sự kiện được đề cập đến nhằm khám phá ra những khía cạnh “có vấn đề”, những ý nghĩa mới mẻ, sâu sắc trong va chạm giữa tính cách và hoàn cảnh, cá nhân và môi trường.  Với tập ký  sự “Long lanh một dải sông Hàn”, Tần Hoài Dạ Vũ đã đạt đến độ hấp dẫn và thuyết phục đó.

N.T.D.H

 

Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng và Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng tổ chức buổi giao lưu, giới thiệu sách “Long lanh một dải sông Hàn” của tác giả Tần Hoài Dạ Vũ.
Long lanh mot dai song Han cua tac gia Tan Hoai Da Vu min - Vẻ đẹp và sự hấp dẫn của một dải sông Hàn long lanh - Tác giả: Nguyễn Thị Diệu Hiền

 

                                                      

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây