Đặng Huy Trứ, nhà canh tân hàng đầu thời Nguyễn – Tác giả: Nguyễn Anh Thi

Đặng Huy Trứ, nhà canh tân hàng đầu thời Nguyễn - Tác giả: Nguyễn Anh Thi

Chân dung danh nhân Đặng Huy Trứ.

Đặng Huy Trứ sinh ngày 16/5/1825, nhiều hơn Fukuzawa Youkichi, nhà tư tưởng vĩ đại người Nhật 10 tuổi. Sinh thời, ông là một trong những nhà nho có tư tưởng canh tân rất độc đáo và ít ỏi ở nước ta thời đó.

Đặng Huy Trứ quê ở làng Thanh Lương, nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Cha của ông là Dịch Trai Đặng Văn Trọng (1799-1849) chỉ mở trường dạy học ở quê, vì có 5 lần đi thi nhưng chỉ đậu tú tài, không được bổ làm quan. Khi vừa sinh ra, cha mẹ ông đã gửi ông về nhờ một người dì ruột chăm sóc. Tới 12 tuổi, tức năm 1837, cha mẹ mới đón ông về.

Quan lộ của Đặng Huy Trứ rất gập ghềnh. Năm 18 tuổi, ông thi Hương lần đầu đậu Cử nhân, vào thi Hội thì trượt. Ở nhà vài năm tiếp tục dùi mài kinh sử, trong đó có quá trình học hỏi Tiến sĩ Trương Quốc Dụng khi đó là Thị lang Bộ Hộ và học tại Quốc tử giám Huế, nhưng lại vướng phải án văn tự do phạm húy khi nhắc tới quý hương của vua trong bài thi Hội lần sau vào năm 1847. Thế là ông bị cách hết cả danh hiệu cử nhân trước đó, bị đánh 100 trượng, đuổi về. Mãi 8 năm sau, ông mới thi lại, đậu Tiến sĩ vào năm 1855, được bổ làm quan vào năm 1856, khi đã 31 tuổi.

Khoảng thời gian giữa các kỳ thi cử cho tới khi được bổ làm quan, ông mở trường tư dạy học, khi thì ở Huế, khi thì tại Quảng Nam, kết giao với bè bạn ở Huế, Quảng Nam, Hà Nội và những người Minh Hương ở Hội An.Trong thời gian này ông đã viết 4 cuốn sách là “Sách học vấn tân”, “Vũ kinh”,“Nhị thập tứ hiếu”, “Sĩ nông công thương tứ gia lạc”.

Ông bắt đầu làm quan khi Pháp đang lăm le xâm chiếm nước ta. Quan nhiệm đầu tiên mà Đặng Huy Trứ được nhận là được cử đi kiểm tra tình hình tàu thuyền và binh bị tại Đà Nẵng vào tháng 10/1856, sau 2 tháng kể từ khi chiến thuyền Catinat của Pháp tới tấn công cửa biển Sơn Trà, cướp bóc và bắt giữ một số quan quân. Vua Tự Đức phái ba vị tướng là Trần Hoằng, Đào Trí và Nguyễn Duy đem quân từ Huế vào tăng viện, đánh đuổi tàu Pháp và tăng cường phòng thủ bờ biển Đà Nẵng.

7 năm sau đó, ông lăn lộn quan trường qua nhiều chức vụ tại Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Thanh Hóa và Nam Định. Ông để lại uy tín lớn khi làm Bố chính Quảng Nam, trực tiếp nghĩ kế sách dập tắt nạn đói đang hoành hành ở đây.

Năm 1865, ông được vua Tự Đức giao trọng trách bí mật xuất ngoại lần đầu đi Hương Cảng, Quảng Đông để lo việc mua tàu bè, binh khí và tìm hiểu về tình hình của người Tây phương.

Lúc này, nhà Nguyễn đã ở thế yếu, liên tục phải nhượng bộ quân Pháp. Năm 1862, sau khi thành Gia Định thất thủ, nhà Nguyễn đã phải ký hòa ước Nhâm Tuất cắt 3 tỉnh miền Đông Nam bộ cho Pháp. Nhưng nghĩa sĩ và nhân dân Nam bộ vẫn anh dũng chiến đấu chống Pháp dưới ngọn cờ khởi nghĩa của hàng loạt sĩ phu yêu nước như Nguyễn Trung Trực, Trương Định… Tại Trung Hoa, chiến tranh Nha phiến lần thứ 2 đã kết thúc từ 1860. Triều đình nhà Thanh thua cuộc, cũng đang phải đương đầu trước sự tham lam vô độ của các quốc gia phương Tây, không thể giúp gì cho nhà Nguyễn được.

Trong lần xuất dương đầu tiên này, ông và các đồng sự đã cố gắng tìm mua hàng hóa, vật dụng cho triều đình, đồng thời kiểm tra tình hình đóng tàu hơi nước và tiếp nhận chiếc tàu này sau khi đã đóng xong. Ở Hương Cảng, Đặng Huy Trứ đã tìm hiểu ghi chép tỉ mỉ phương pháp đóng tàu của người phương Tây. Ông cũng có một quyết định rất táo bạo là liên lạc với một kỹ sư người Anh tên là Withseller nhờ tìm mua vũ khí và đóng thêm tàu cho triều đình chống Pháp, nhưng không thành.

Cũng ở Hương Cảng, Đặng Huy Trứ làm quen với nhiều học giả và nghệ sĩ Trung Hoa, tìm hiểu tình hình người phương Tây, đọc và tìm mua các bộ Tân thư (sách của Trung Hoa viết và dịch về những biến chuyển của thế giới phương Tây), dò mối mua vũ khí. Tháng 12/1865, ông lên thuyền trở về nước.

Hai năm sau, từ tháng 6/1867 đến tháng 12/1868, Đặng Huy Trứ lại được triều đình cử đi công vụ bí mật ở Quảng Đông lần thứ hai. Lần này ông bị ốm nặng, phải lưu lại xứ người hơn 1 năm trời. Trong thời gian dưỡng bệnh, ông đã biên soạn một số tác phẩm như:“Đặng Dịch Trai ngôn hành lục”, “Từ thụ yếu quy”, “Tứ giới”, “Tứ thập bát hiếu”,… Sau đó ông tìm mua tân thư và binh thư, máy móc, vũ khí. Lần này ông đã mua được tới 239 khẩu pháo cùng đạn dược gửi về nước. Ông cũng tìm hiểu, học hỏi về kỹ thuật nhiếp ảnh, tìm mua vật dụng nghề nhiếp ảnh.

Từ hai chuyến đi, Đặng Huy Trứ đã thấy rõ: phải canh tân đất nước. Muốn như vậy trước tiên là phải có tài chính vững mạnh, kinh tế phát triển. Trở về, Đặng Huy Trứ đã thuyết phục vua Tự Đức cho bắt tay vào thực hành các dự án cụ thể.

Năm1866, ông đã được triều đình cho thành lập và đứng đầu Ty Bình Chuẩn, một cơ quan kinh tế và thương mại quan trọng tại Hà Nội, có mục tiêu là làm ra tiền bạc để có thể làm cho ngân sách quốc gia mạnh lên, có thêm hiện kim mua sắm vũ khí.

Triều đình cấp chỉ có 50.000 quan tiền, Đặng Huy Trứ đã huy động thêm các nguồn vốn tư nhân để kinh doanh theo phương thức “công tư lưỡng lợi”. Ông cho mở nhiều hiệu buôn ở Hà Nội như Lạc Sinh điếm, Lạc Thanh điếm, Lạc Đức điếm… tổ chức lưu thông hàng hóa giữa các miền trong nước. Dù Ty Bình Chuẩn đặt ở Hà Nội, nhưng hoạt động của nó mở rộng đến các tỉnh Quảng Nam, Vĩnh Long, Gia Định. Ông cũng thúc đẩy việc khai mỏ, cho xuất cảng thiếc, tơ lụa, đường, dầu thảo mộc, quế… sang Hương Cảng. Để phát triển thủ công nghiệp, ông tổ chức các hộ sản xuất riêng lẻ theo ngành nghề, cho các hộ này vay vốn trước để mua nguyên liệu rồi bán hàng lại cho triều đình. Ty vận chuyển chuyên đường thủy là một dự án khác mà ông đệ trình với vua Tự Đức cũng được thành lập để thúc đẩy giao thương.

Trong lần thứ hai qua Quảng Đông vào năm 1867, Đặng Huy Trứ có nhiều thời gian để quan sát, ghi chép, đọc sách, nghiền ngẫm viết. Ông đã viết một bài văn dài nhan đề “Dã Trì chủ nhân chỉ giáo”. “Dã Trì chủ nhân” là một nhân vật hư cấu, một người Trung Hoa am hiểu tình hình Việt Nam, đã đến gặp ông để đàm đạo thế sự và bày cho ông những kế sách tự cường tự trị theo kinh nghiệm của Trung Hoa, Nhật Bản, Cao Ly, Ba Tư… Bài văn này sau đó đã được gửi về nước cho nhiều người cùng đọc. Thông qua nhân vật “Dã Trì chủ nhân”, Đặng Huy Trứ đã đưa ra các chủ trương canh tân cơ bản như lập cục cơ khí, mở xưởng đúc gang thép, đúng súng ống, lập đội chiến thuyền, huấn luyện quân sự cho nghĩa dũng, lập cục dạy nghề, mời người phương Tây sang dạy ngôn ngữ, văn tự, toán pháp, đồ họa, kỹ thuật, cử thanh niên ưu tú ra nước ngoài học tập…

Về nước, nhậm chức Thương biện tỉnh vụ Hà Nội, ông đã cho mở hiệu ảnh Cảm Hiếu đườngtại phố Thanh Hà ở Hà Nội vào năm 1869. Vì vậy mà sau này Đặng Huy Trứ được tôn vinh là ông tổ của nghề nhiếp ảnh Việt Nam. Kế đó, ông cho ra đời nhà in Trí Trung Đường với mục đích phổ cập giáo dục, truyền bá tri thức, nâng cao dân trí.

Đáng tiếc là những dự án canh tân đất nước của ông đều dở dang vì thời cuộc. Nhân dân Nam bộ và cả nước vẫn tiếp tục đánh Pháp, khởi nghĩa xảy ra tại nhiều nơi. Nhưng triều đình Huế thì lại tiếp tục tìm mọi cách để xin hòa với Pháp, cấm các phủ huyện mộ quân và rèn đúc vũ khí. Hai ty Bình chuẩn sứ và Doanh điền sứ, những cơ sở ban đầu của việc phát triển kinh tế ở Việt Nam bị triều đình bãi bỏ.

Cùng năm 1869, Đặng Huy Trứ được chuyển sang Bộ Binh. Ông lần lượt lãnh chức Khâm phái quân vụ Sơn – Hưng- Tuyên, rồi làm Bang biện quân vụ Lạng – Bằng – Ninh – Thái. Ông kề vai sát cánh chống Pháp cùng Tiết chế quân vụ, Phò mã Hoàng Kế Viêm nhiều năm ròng rã. Sau 5 năm, ông lâm bệnh nặng và mất tại Đồn Vàng, Thanh Sơn, Phú Thọ vào ngày 4/8/1874, thọ 49 tuổi.

Ông thực sự là một nhà tư tưởng canh tân đi trước thời đại. Tiếc rằng những gì ông tâm huyết và các dự án rất hữu ích của ông lại không được tiếp nhận và hỗ trợ xứng đáng, điều mà nhà canh tân Fukuzawa Youkichi đã có được từ Minh Trị Thiên Hoàng.

Nhưng tấm lòng son của ông với dân với nước thì còn mãi, như lời ông từng viết : “Đạo làm tôi là biết thì không cái gì là không nói mới chí trung. Một hạt bụi, một giọt nước dù nhỏ trong muôn một cũng có thể góp vào cho núi thêm cao, biển thêm sâu. Cái gì dùng được thì xin dùng”.

N.A.T

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây