Đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế dọc sông Sài Gòn

Đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế dọc sông Sài Gòn

Sông Sài Gòn - đoạn đi qua trung tâm TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: K.V).

Với độ dài 256 km, riêng đoạn chảy qua TP Hồ Chí Minh là khoảng 80 km, sông Sài Gòn thực sự có tiềm năng vô cùng to lớn trong việc phát triển kinh tế- xã hội của một vùng rộng lớn khu vực Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, làm thế nào để không bỏ phí tiềm năng ấy, và làm thế nào để đô thị bên sông Sài Gòn phát triển xứng tầm với tiềm năng và lịch sử của vùng đất Đông Nam Bộ?

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Sở hữu mạng lưới dày đặc đường sông, kênh, rạch phân bố trên toàn địa bàn, trải dài từ đông sang tây, nam đến bắc, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển giao thông thủy, du lịch đường sông và xây dựng hình ảnh đô thị xanh gắn với sông nước. Thế nhưng, thực tế, các địa phương nơi đây không những chưa thể khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào này, mà những bất cập trong quy hoạch đang dần biến những dòng kênh, con sông này trở thành điểm nghẽn để khai thác tiềm năng kinh tế dịch vụ ven sông.

Chỉ tính riêng sông Sài Gòn đã có tổng chiều dài khoảng 256 km khi chảy qua các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. Con sông này đi qua TP Hồ Chí Minh có chiều dài khoảng 80 km, bề rộng từ 225-370 m, độ sâu tối đa khoảng 20 m, diện tích lưu vực hơn 5.000 km². Theo hướng Bắc-Nam, sông Sài Gòn chảy qua địa bàn hai huyện, năm quận và TP Thủ Đức, gồm huyện Củ Chi, Hóc Môn; quận 12, Bình Thạnh, TP Thủ Đức, quận 1, quận 4quận 7.

Trên thực tế, TP Hồ Chí Minh hiện chưa thiết lập được nhiều hệ thống tiện ích và không gian dịch vụ công cộng, không gian cảnh quan dọc bờ sông Sài Gòn nên chưa khai thác được hiệu quả lợi thế về thương mại, dịch vụ, du lịch. Việc triển khai các dự án đầu tư gặp nhiều trở ngại về kinh phí, quy trình, thủ tục và thiếu cơ chế phối hợp giữa khu vực quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội dẫn đến tài nguyên về sông nước vẫn còn chưa được đánh thức.

Được biết, sông Sài Gòn được chia thành hai vùng, gồm: Vùng thượng lưu từ hồ Dầu Tiếng đến cầu Phú Long (quận 12) và vùng trung-hạ lưu từ cầu Phú Long đến ngã ba Mũi Đèn Đỏ (ngã ba sông Sài Gòn-sông Soài Rạp-quận 7). Theo đó, từ nay đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai chương trình hành động cải tạo, chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn-khu vực trung tâm Thành phố gắn với các đề án phát triển kinh tế, dịch vụ; ban hành và triển khai quy chế, quy định, hướng dẫn quản lý phát triển hành lang sông nước. Từ năm 2025 đến năm 2045, triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp hoạt động du lịch và kinh tế, dịch vụ giải trí, hoàn chỉnh pháp lý về quy hoạch dọc sông…

Theo Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, hệ thống sông ngòi, kênh, rạch của Thành phố, đặc biệt là sông Sài Gòn có nhiều tiềm năng khai thác phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Trong khi đó, Thành phố định hướng kinh tế dịch vụ là mũi nhọn tăng trưởng, là ngành đem lại giá trị cộng thêm cho nền kinh tế và bảo tồn hệ sinh thái đô thị.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố mong muốn xây dựng tuyến đường chạy dọc sông Sài Gòn từ khu vực trung tâm đến huyện Củ Chi nhằm khai thác tiềm năng kinh tế và bảo tồn nét đẹp sông Sài Gòn. Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng đã phê duyệt đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2020-2045”. Cụ thể, khu vực bờ Đông từ cầu Sài Gòn đến cầu đảo Kim Cương và bờ Tây từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận sẽ được ưu tiên thực hiện trước.

Do đó, TP Hồ Chí Minh xác định các ngành kinh tế dịch vụ có tiềm năng phát triển ven sông gồm: Giao thông, vận tải đường thủy; du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, làng nghề; du lịch đường thủy; khách sạn, ẩm thực; giải trí, du thuyền, thể thao; các hệ sinh thái dịch vụ, kinh tế sáng tạo…

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng công trình dịch vụ công cộng thí điểm, hạ tầng xanh đa chức năng thí điểm; lập và điều chỉnh quy hoạch các khu vực trọng điểm (tập trung tại khu vực trung tâm Thành phố); hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông tại các khu vực hiện hữu, tiềm năng. Từ năm 2025 đến 2045, Thành phố sẽ triển khai đầu tư xây dựng công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật, đô thị, song song với việc điều chỉnh quy hoạch theo từng giai đoạn phát triển để phù hợp với thực tiễn.

Để đạt được mục tiêu đề ra, TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện ba giải pháp chính, gồm: Giải pháp về nguồn lực, xây dựng cơ chế tài chính, tích hợp các nguyên tắc tài chính, đất đai đặc thù (tạo quỹ đất đấu giá thông qua các dự án cải tạo chỉnh trang đô thị); giải pháp về quản lý thực hiện, khuyến khích và tạo điều kiện hợp tác công-tư, trước mắt ưu tiên đầu tư tại khu vực trung tâm văn hóa lịch sử hiện hữu, đầu tư các công trình hạ tầng hiện có như đường sắt đô thị, cầu qua sông, đường ven sông…; giải pháp kỹ thuật, phân vùng không gian kiến trúc cảnh quan thượng lưu, trung lưu, hạ lưu và nguyên tắc thiết kế không gian mang đặc trưng và hiện trạng mỗi vùng, phát huy tối đa giá trị dòng sông.

Theo quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Bình Dương sẽ trở thành đô thị loại 1, trực thuộc Trung ương; cơ cấu kinh tế sẽ thay đổi lệch dần sang hướng thương mại – dịch vụ. Hiện thương mại – dịch vụ của Bình Dương chiếm trên 45% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và việc phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn đã được lãnh đạo tỉnh này qua các thời kỳ định hướng rõ ràng. Trong tương lai, ven sông Sài Gòn sẽ phát triển mạnh những trung tâm thương mại – dịch vụ, du lịch sinh thái, đô thị sinh thái… mang tầm vóc khu vực.

Sông Sài Gòn đoạn từ Lái Thiêu (TX Thuận An) lên Dầu Tiếng có độ dốc nhỏ nên rất thuận lợi cho giao thông đường thủy. Đặc biệt, dọc theo sông Sài Gòn có nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh như Đền Bến Dược (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), Bến Súc (Dầu Tiếng), Đình thần Bà Lụa (TX Thuận An), lòng hồ Dầu Tiếng; bên cạnh đó, những khu vực gần sông Sài Gòn qua địa bàn tỉnh Bình Dương còn có hàng chục làng nghề truyền thống như gốm sứ, sơn mài, điêu khắc mộc, đan mây tre… cùng vườn trái cây Lái Thiêu nổi tiếng rất thuận lợi để phát triển ngành du lịch. Để khai thác tốt tiềm năng này, tỉnh đã có định hướng phát triển Bình Dương trở thành trung tâm thương mại – dịch vụ ven sông Sài Gòn mang tầm khu vực.

Lãnh đạo Viện Quy hoạch Bình Dương chia sẻ, tỉnh đã nhìn ra được những lợi ích kinh tế to lớn mà sông Sài Gòn đem lại, trong đó ngành dịch vụ logistics sẽ là một trong những nhân tố chủ đạo. Bình Dương đã định hướng, phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn là yếu tố quyết định trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng thương mại – dịch vụ. Một số doanh nghiệp tại Bình Dương đã tỏ ra nhanh nhạy, đón đầu xu thế có các bước đi đầu tiên để đón đầu những lợi ích mà logistics mang lại như các cảng An Sơn, Bà Lụa, Rạch Bắp cùng hệ thống cảng nhỏ xung quanh kênh rạch nối sông Sài Gòn đã được đầu tư, chờ ngày sông Sài Gòn được “khai thông” dòng chảy.

Sông Sài Gòn, cùng với vườn cây ăn trái ở TX Thuận An sẽ là điểm nhấn thu hút khách tham quan, mua sắm. Hiện nay, các tập đoàn, thương hiệu lớn như Lotte Mart, Aeon, Metro, thế giới di động, Nguyễn Kim… đều đã có mặt tại Bình Dương càng cho thấy tiềm năng to lớn cho ngành thương mại – dịch vụ của Bình Dương. Chỉ cần làm tốt giao thông đường thủy, Bình Dương sẽ mở toang cánh cửa, tạo ra cơ hội lớn cho kinh tế phát triển và thay đổi bộ mặt xã hội theo hướng tích cực, bền vững, đề cao việc bảo vệ môi trường.

Hiện TP Hồ Chí Minh đã mở tour du lịch thử nghiệm ven sông Sài Gòn tuyến Thanh Đa – Thủ Thiêm – Lái Thiêu – Thủ Dầu Một – Bến Dược (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh). Đây là thời cơ lớn tạo đà cho du lịch Bình Dương phát triển. Nếu phối hợp tốt với TP Hồ Chí Minh, du lịch sinh thái, du lịch vườn cây ăn trái cùng với hệ thống làng nghề truyền thống ven sông Sài Gòn như làng gốm Lái Thiêu, làng sơn mài Tương Bình Hiệp, làng làm guốc mộc Thủ Dầu Một… sẽ trở thành sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa Bình Dương…

Đánh thức tiềm năng

Can co mot quy hoach bai ban cho hai bo song Sai Gon min - Đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế dọc sông Sài GònCần có một quy hoạch bài bản cho hai bờ sông Sài Gòn. (Ảnh: K.V).

Một minh chứng đúng đắn cho thấy, ngay sau khi Công viên bến Bạch Đằng quận 1, TP Hồ Chí Minh được hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm 2022 đã thu hút nhiều khách du lịch và người dân Thành phố đến tham quan. Đây cũng là bước đi tạo tiền đề cho việc quy hoạch đồng bộ dọc sông Sài Gòn, phát huy hết lợi thế mà con sông mang lại thời gian tới.

“Công viên bến Bạch Đằng được xây dựng hoàn chỉnh đã tô điểm cho bờ sông Sài Gòn khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh trở nên hiện đại, đẹp đẽ hơn. Nơi đây có bến cảng của những chuyến bus sông, những con tàu du lịch, nhà hàng nổi trên sông, thêm vào đó là ánh sáng được thắp rực sáng ban đêm tạo cho bất cứ ai đến đây đều có cảm giác một đô thị trên sông hiện đại”, chị Hoàng Thị Thanh Nga, người dân quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh cho biết.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh, đoạn sông Sài Gòn từ huyện Củ Chi đến quận 7 đi qua các khu vực nông thôn, đô thị, trung tâm văn hóa, lịch sử và các khu công nghiệp, hoạt động kinh tế khu vực dọc bờ sông. Muốn phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù trên, cần hình thành chuỗi đô thị, thương mại, dịch vụ dọc bờ sông phục vụ phát triển kinh tế. Để làm được điều này, cần có chủ trương dứt khoát, chính sách rõ ràng, quyết tâm cao và huy động hiệu quả nguồn lực cả trong và ngoài nhà nước.

Mới đây, các địa phương vùng Đông Nam Bộ đã bàn đến vấn đề làm đường ven sông Sài Gòn nối Đông Nam Bộ. Theo đó, các địa phương bắt tay vào nghiên cứu quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn kết nối đồng bộ, toàn diện hệ thống hạ tầng kỹ thuật với tỉnh Bình Dương và các tỉnh ở thượng nguồn. Cụ thể là đề xuất định hướng quy hoạch ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, bởi các địa phương cho rằng quy hoạch này có ý nghĩa quan trọng, nhằm khai thác tiềm lực về kinh tế ven sông, cảng, du lịch, giao thông thủy, bảo vệ môi trường, sinh thái, an ninh nguồn nước của các địa phương.

Sông Sài Gòn là ranh giới tự nhiên kết nối giao thông thủy TP Hồ Chí Minh với các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ, nhưng đến nay chưa có một con đường chạy dọc bờ sông để kết nối giao thông và những điểm du lịch, văn hóa có bề dày lịch sử lâu đời.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, tuyến đường ven sông đang từng bước được rà soát để điều chỉnh quy hoạch nhằm đưa vào quy định chung của TP Hồ Chí Minh. Đồng thời các tỉnh Đông Nam Bộ như Bình Dương, Tây Ninh cũng đang triển khai song song. Các tỉnh đã thống nhất ý kiến cần có tuyến đường ven sông kết nối liên vùng, đặc biệt là đường ven sông Sài Gòn, dọc đường hai bên sông sẽ có bến thủy (trên bến dưới thuyền).

Kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Quy hoạch chung Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho hay, hiện đang ở bước nghiên cứu để lên phương án bổ sung quy hoạch. Về định hướng xây dựng trục giao thông, phát triển hành lang dọc sông đã có, còn các vấn đề cụ thể như kỹ thuật, phương hướng tuyến, tác động kinh tế – xã hội thì vẫn đang nghiên cứu kỹ.

“Đây không chỉ đơn thuần làm một con đường mà là phát triển hành lang dọc sông theo hướng bền vững. Chúng tôi còn nghiên cứu phương án thực hiện theo hướng bảo vệ những giá trị về văn hóa, lịch sử, tự nhiên của dòng sông”- ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Có thể thấy chủ trương nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy hoạch đường ven sông Sài Gòn đã được lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ đặc biệt quan tâm. Theo Viện Quy hoạch tỉnh Bình Dương, hiện nay giao thông đường thủy tuyến sông Sài Gòn tại tỉnh này chưa phát triển đúng với tiềm năng vốn có của nó. Tỷ lệ lưu thông hàng hóa đường sông mới chỉ đạt 2%. Nếu phát triển giao thông đường thủy đồng bộ với giao thông đường bộ không những đem lại nguồn kinh tế to lớn cho tỉnh mà còn giải quyết được vấn nạn kẹt xe – vấn đề các đô thị lớn rất quan tâm hiện nay. Sông Sài Gòn nếu được khai thông có thể chuyên chở hàng hóa đi khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, mở ra cơ hội giao thương trên đường thủy mà trong tương lai, thành phố Bình Dương sẽ là một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của khu vực phía Nam.

Một số chuyên gia cũng cho rằng: “không những làm tốt giao thông thủy, Bình Dương cũng cần chú ý tôn tạo cảnh quan ven sông Sài Gòn, tạo ra những sản phẩm du lịch mang đậm văn hóa bản địa; nhất là cần gắn kết triệt để với vườn cây ăn trái Lái Thiêu để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, “bắt” sông Sài Gòn phải “sinh sôi” ra nhiều cơ hội làm ăn hơn nữa, mà người thụ hưởng trước hết là người dân sống ven bờ sông Sài Gòn”.

Song Sai Gon doan di qua dia phan tinh Binh Duong min - Đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế dọc sông Sài GònSông Sài Gòn, đoạn đi qua địa phận tỉnh Bình Dương. (Ảnh: K.V).

Theo ông Võ Văn Minh – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, việc hợp tác phát triển đường sông giữa TP Hồ Chí Minh và Bình Dương có ý nghĩa rất lớn để phát triển kinh tế. Ngoài việc phát triển du lịch, tạo cảnh quan hai bên bờ sông thì còn có vai trò rất quan trọng để phát triển công nghiệp.

Được biết, TP Hồ Chí Minh đang rà soát để bổ sung quy hoạch, trên cơ sở đó sẽ xem xét để tổ chức thực hiện theo phân kỳ và triển khai dần. Hiện nay, một số đoạn đã có dự án khu đô thị nhưng chưa liên tục, có một số vị trí sẽ làm dự án giao thông riêng, số còn lại gắn với phát triển đô thị.

Có những khu vực ưu tiên triển khai sớm, như tuyến TP Hồ Chí Minh – Bình Dương; Củ Chi – Tây Ninh cũng có thể triển khai trước một số đoạn nếu có tiềm năng. Sắp tới, TP Hồ Chí Minh sẽ rà soát tổng thể tuyến đường ven sông từ Nhà Bè đến hết sông Sài Gòn. Đặc biệt từ Mũi Đèn Đỏ đến Khánh Hội được đánh giá có tiềm năng rất lớn, và khi dời cảng đi sẽ càng phát triển đường ven sông, cảng du lịch quốc tế, khu đô thị thương mại…

Có thể thấy, việc quy hoạch xây dựng đường giao thông và đô thị dọc ven sông Sài Gòn tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ là cần thiết. Tuy nhiên, các địa phương cần có những bước đi chắc chắn, có cách ứng xử hài hòa giữa đô thị và sông nước. Đô thị cũng mang lại cho dòng sông một diện mạo văn hóa khác biệt, phản ánh bản sắc riêng. Nói cách khác là con người phải có cách ứng xử hài hòa với sông nước, từ đó sẽ phản ánh bản sắc và văn hóa đô thị. Nếu làm tốt điều này thì các đô thị ven sông mới có thể phát triển bền vững và có bản sắc./.

Bảo Châu (t/h)

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây