Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều điểm đổi mới.

Tập trung giải quyết vấn đề đang tồn tại

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc sửa đổi Luật Đất đai, Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, cần nhận thức và xác định rõ về quan điểm sửa đổi Luật cũng như nêu bật được tính chất quan trọng của Luật Đất đai để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đây là đạo luật quan trọng, phức tạp, có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội đối với hoạt động của tất cả các tổ chức kinh tế, từng người dân. Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật cho rằng, nếu nói Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước thì Luật Đất đai chỉ đứng sau vị trí của Hiến pháp và giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi chính sách quy định trong nhiều đạo luật khác.

Đồng thời cần xác định việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai lần này là một sự kiện chính trị pháp lý lớn của đất nước, là một đợt sinh hoạt chính trị để triển khai chủ trương của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII và Nghị quyết 18-NQ/TW, do đó phải bám sát và thể chế hóa đúng đắn, đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối được nêu trong các văn kiện của Đảng. Nếu làm không kỹ, không thận trọng, không được cân nhắc kỹ lưỡng sẽ tác động tiếp đến tất cả những mối quan hệ pháp lý khác. Nếu giải quyết tốt được các vấn đề của Luật Đất đai sẽ có tác động rất tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội và giải quyết được nguyên nhân căn bản dẫn đến những tình trạng phức tạp trong khiếu nại, tố cáo hiện nay. Để làm được điều đó, Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật cho rằng, phải làm thật kỹ, cách đặt vấn đề cần hết sức kỹ lưỡng, thận trọng và đánh giá toàn diện mọi mặt khi xây dựng và ban hành luật. Đồng thời cần tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn tinh thần và đảm bảo tính hợp hiến của các nội dung quy định trong Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cho rằng việc xây dựng dự án Luật cần bảo đảm nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kế thừa các quy định mang tính ổn định của pháp luật đất đai qua các thời kỳ. Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài, tránh hợp thức hóa những vi phạm, các vấn đề phát sinh trong thực tiễn mang tính sự vụ, hiện tượng. Đồng thời cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai với các luật khác có liên quan, nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Kỳ vọng gỡ bỏ nút thắt

Cùng quan tâm đến dự án Luật này, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những Luật được cả người dân và DN mong đợi với kỳ vọng sẽ gỡ bỏ những nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội, tiếp thêm động lực cho thị trường bất động sản.

Đại biểu nhấn mạnh, việc sửa đổi luật phải tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, phát triển cộng đồng DN, để tạo điều kiện cho DN có thể tiếp cận được đất đai với mức giá hợp lý để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, đại biểu nêu rõ, hiện nay vấn đề nguồn vốn đang là điều được cả cộng đồng DN bất động sản đặc biệt quan tâm. Do đó, việc tiếp cận đất đai dễ dàng hơn đồng nghĩa các DN có thể có một loại tài sản thế chấp hữu hiệu trong trường hợp muốn vay vốn từ các tổ chức tín dụng.

Ngược lại, nếu không tiếp cận được tín dụng, thì nhiều DN sẽ mất đi cơ hội phục hồi sau đại dịch hoặc không thể mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, bỏ lỡ cơ hội đầu tư cho tài sản mới.Đại biểu khẳng định, trong mọi trường hợp, việc quyết định giá hay phê duyệt giá thì mục tiêu cao nhất không phải là chúng ta thu được nhiều tiền, không phải là người dân thu được nhiều tiền nhất mà làm sao cho DN có thể tiếp cận được đất đai với mức giá hợp lý để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ.

Nhất trí với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với 9 điểm mới so với Luật Đất đai năm 2013, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) giải quyết được tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai. Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực.

Theo luật sư Nguyên, hiện nay nhiều DN, nhà đầu tư đang phát triển mạnh là do dựa vào nguồn lực đất đai, được hưởng lợi từ các chính sách của Nhà nước, trong khi người dân được hưởng lợi ít, thậm chí không được hưởng lợi, nhất là giá đền bù đất luôn được quy định thấp hơn giá thị trường.

Do đó, việc sửa đổi Luật Đất đai cần ban hành cụ thể cho hoạt động đền bù giải phóng mặt bằng theo hướng đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư với việc xác định người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực, dân bàn, dân tham gia, dân kiểm tra, dân thụ hưởng và “không ai bị bỏ lại phía sau”. Khi đó sẽ giảm được lãng phí, tiêu cực, giảm tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai.

Cũng liên quan đến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), luật sư Đào Hiến Chương, Chủ tịch Hội Luật gia thị xã Sơn Tây (Hội Luật gia TP Hà Nội), đề nghị xem xét, sửa đổi khoản 10 quy định hành vi bị nghiêm cấm “không ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng”. Theo quy định của pháp luật hiện nay thì vi phạm pháp luật về đất đai có thể là vi phạm hành chính, vi phạm hình sự. Hiện nay chỉ mới có pháp luật hình sự có quy định thế nào là hậu quả nghiêm trọng, pháp luật xử lý vi phạm hành chính chưa có quy định xác định mức độ thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng.

Luật sư Chương đề nghị nghiên cứu xem xét sửa đổi nội dung này nhằm đảm bảo phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính, không bỏ lọt vi phạm của người được giao nhiệm vụ ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai; tránh sự hiểu lầm không đáng có đối với cơ quan, người có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai; tạo sự bình đẳng trong xử lý vi phạm giữa người quản lý và người sử dụng đất.

Thái An
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây