Giá trị tích cực trong truyện Nguyễn Nhật Ánh

Giá trị tích cực trong truyện Nguyễn Nhật Ánh - Văn Học - vansudia.net

Giá trị tích cực trong truyện Nguyễn Nhật Ánh

GS Phong Lê 

Đọc Nguyễn Nhật Ánh, ta vẫn có lòng tin. Cái thiện, cái tốt, cái đẹp vẫn có trong cuộc đời và trong quan hệ giữa con người, khơi dậy lòng khao khát sống tử tế, sống vì người khác.

Tuổi thơ hoặc tuổi trẻ – tôi muốn tìm một khái niệm thích hợp với công chúng đọc của văn học thiếu nhi nói chung, Nguyễn Nhật Ánh nói riêng ở thời điểm hôm nay, có khác với nhiều chục năm trước đây. […]

Tôi xin phép dông dài vài câu chuyện chung quanh hoặc ngoài lề, để nói về Nguyễn Nhật Ánh như là một hiện tượng, một sự kiện nổi bật hoặc đột xuất trong đời sống văn học nói chung, văn học thiếu nhi nói riêng hôm nay.

[…]

Trong số 45 tên sách, tôi sẽ chọn một cuốn thuộc truyện loài vật: Tôi là Bêtô, như là sự tiếp nối Dế mèn… của Tô Hoài, và một cuốn mới đây mà tôi ấn tượng: Làm bạn với bầu trời (2019), để kiểm nghiệm và giải thích sự yêu thích của mình.

Tôi là Bêtô – lời tự giới thiệu và cũng là lời tự khẳng định về mình của một chú Cún, xuất hiện ở trang cuối chương cuối truyện, nhưng lại có ý nghĩa dẫn dắt ngay từ đầu cho câu chuyện được kể.

Đó là chuyện Cún với các bạn bè của Cún, như Binô, cả hai cùng sống với cô chủ bé là Ni và ba mẹ của cô, cùng bà cố – ở một nơi khác, nơi Cún có thêm một bạn mới là Laica.

Nhìn, nghĩ và ứng xử theo cách của Cún, ngoài hàng trăm “điều thú vị ở đời”, ta còn nhận ra được sự phân biệt tốt – xấu trong thế giới người, một cảm nhận hồn nhiên, không lý sự và trong tầm nhìn của Bêtô, rồi của cả cặp bạn Bêtô – Binô, được “nhân hoá” ở tuổi vừa là trẻ con, vừa đang chuẩn bị làm người lớn.

Chọn nhân vật chính là một chú Cún – động vật gần gũi, quen thuộc và thông minh nhất của con người, đương nhiên tác giả rất thuộc tính cách, sinh hoạt, và cả… ngôn ngữ của Cún; đồng thời trong vai Cún để nhìn đời, tác giả cũng rất thuộc tâm, sinh lý lứa tuổi trẻ mới lớn, qua đó cho thấy người lớn cần phải ứng xử như thế nào đối với trẻ, trong bước ngoặt từ bé con sang người lớn, cái bước ngoặt quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất, trong đường đời con người.

Viết cho trẻ em, theo tôi, khó nhất là ở lứa tuổi này. Chúng chẳng còn là trẻ con để chỉ nghĩ những điều ngây thơ, ngộ nghĩnh. Nhưng cũng chưa là người lớn để có thể nghe và hiểu được những gì chỉ người lớn mới có thể nghe và chấp nhận.

Thông báo quan trọng nhất qua Tôi là Bêtô, đó là tình bạn, là loại tình cảm đưa con người từ khuôn viên gia đình mà ra xã hội; là cái nhìn rộng ra ngoài gia đình, hoặc nhìn gia đình trong gắn bó với xã hội.

Xem cách Nguyễn Nhật Ánh chọn và mở rộng dần các mối quan hệ và sự ứng xử của Bêtô đối với chung quanh, và chung quanh đối với Bêtô, ta có thể hình dung ra gương mặt con trẻ của chúng ta ở lứa tuổi này, trong cái thế giới chúng ta đang sống hôm nay.

Đó cũng là cơ sở cho ta hiểu một truyện viết cho thiếu nhi đạt được giá trị đích thực của nó cũng sẽ là một tác phẩm hay đối với người lớn.

Tôi là Bêtô được Nguyễn Nhật Ánh kể với ngôn ngữ của nhân vật chính, tức là ngôn ngữ của trẻ. Chứ không phải là ngôn ngữ của một người kể nào đó ở ngôi thứ ba, chắc chắn sẽ làm cho truyện vừa dài ra, vừa khô đi mà không chứa nổi mọi chuyện tươi xanh của cuộc đời.

Nhưng làm sao mà tránh được sự có mặt của Nguyễn Nhật Ánh, người điều hành toàn bộ câu chuyện, người đã qua Bêtô mà kể lại câu chuyện trong một thứ văn phong theo tôi là rất gọn, rất hay; một văn phong chứng tỏ người viết rất thuộc và rất yêu đối tượng khảo sát của mình.

Phải nói đó là loại văn rất thích hợp cho thiếu nhi ở một lứa tuổi đang rất cần rèn giũa cho sự giàu có, tinh tế và ăn ý giữa ý và lời. Và, không chỉ là khảo sát mà còn là sự đúc kết cho con trẻ quen dần với các suy tưởng, kể cả triết lý về cuộc sống, vốn lúc nào cũng hiện hữu quanh chúng như ánh sáng, như khí trời, để cho chúng vừa chóng lớn, lại vừa không mất đi tất cả những gì là quà tặng của tuổi thơ, rồi sẽ cùng chúng đi suốt hành trình của đường đời con người.

Một cách kể tự nhiên về những chuyện của đời thường không tẻ nhạt, có sức chứa những ý tưởng mới mẻ và những triết lý hồn nhiên, nhằm mở rộng sự sống của thế giới trẻ thơ, và gieo trồng những tình cảm đặc trưng cho bước chuyển từ trẻ con sang người lớn, từ gia đình ra xã hội – đó là cái hay, cái hấp dẫn của Tôi là Bêtô. Đã lâu lắm, tôi mới lại được đọc một truyện thú như thế!

Capturetnna min - Giá trị tích cực trong truyện Nguyễn Nhật ÁnhSách Làm bạn với bầu trời. Ảnh: NXB Trẻ.

Làm bạn với bầu trời có 250 trang, với chỉ một nhân vật trung tâm, có tên là Tèo, mới 8 tuổi bị tai nạn nằm một chỗ, chỉ có thể nhìn ngắm bầu trời làm bạn, thế mà lại có sức chứa một dung lượng rộng lớn các mối quan hệ xã hội, gồm từ phố thị đến nhà quê, đi từ gia đình ra xã hội, vừa xưa cũ vừa mới mẻ, làm nên gương mặt cuộc sống hôm nay, vừa trong những bận rộn, lo toan cho sự sinh tồn hàng ngày, vừa trong viễn cảnh những tiếp nối giữa các thế hệ được nương tựa bởi những gì là tốt lành và nhân hậu.

Qua nhân vật Tèo, qua những quan hệ gắn nối gần xa với Tèo, và qua cách ứng xử với Tèo của những người thân thuộc, những đường biên của sự sống dần được mở rộng và cho thấy: Con người có thể vượt qua những bất hạnh để có được những bù đắp bằng chính tình thương và lòng nhân hậu trong cõi đời này.

Một thế giới nhân vật, gồm những ai gần gũi với Tèo, kể từ nhân vật xưng tôi là Lam, cùng đám trẻ Nghị, Hằng, Diệu, Cường… đến những người trong gia đình, gia tộc, gồm từ cô Hạnh, dượng Quế, dì Hảo, chú Vịnh, chú Toàn, bác Đỉnh, cô Đài, chú Quỳ, với các danh xưng khác nhau… không dễ nhận ra rành rõ ngay từ đầu, mà chỉ có thể hé lộ và sáng tỏ về sau, thậm chí đến hết truyện mới thật sự sáng tỏ.

Tèo – chú bé sa vào hoàn cảnh đau khổ mà tuyệt không than vãn, có tài kể chuyện và giỏi toán, có sức kết nối bạn bè cùng lứa, nhận được mọi sự săn sóc từ những cô, dì, cậu, dượng, chú, bác, anh chị… ở cả hai nơi: Nhà quê và phố thị, ngay từ khi bị tai nạn rồi nằm một chỗ lại là một đứa trẻ không cha (bởi chính người mẹ cũng không biết), và mẹ thì bỏ làng đi xa ngay từ khi chú chào đời…

Một đứa trẻ không rõ ai là cha, nhưng có nhiều người nhận làm cha.

Một đứa trẻ mẹ bỏ nhà ra đi, nhưng được nhiều người nhận làm mẹ.

Một đứa trẻ tật nguyền, nhưng lòng trong veo tình yêu thương cuộc sống, lòng ấm áp hồn hậu với mọi người, không chỉ ý chí, khát vọng, biết cách sống vui, sống có ích, đứa trẻ bị tật đó hóa ra lại là chỗ dựa của nhiều người, là trung tâm kết nối, đặc biệt là trung tâm lan tỏa tiếng cười, niềm tin… Cái kết bất ngờ làm sáng tỏ mọi bí ẩn trong thân phận một đứa trẻ, đã làm rung động, và gây thổn thức cho không ít người khi đọc truyện, không riêng thế hệ trẻ.

Giữa cái ác, cái giả đang bủa vây hôm nay, đọc Nguyễn Nhật Ánh, ta vẫn có lòng tin: Cái thiện, cái tốt, cái đẹp vẫn có trong cuộc đời, và trong quan hệ giữa con người, khơi dậy lòng khao khát sống tử tế, sống vì người khác. Đó là giá trị tích cực nơi tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đem lại trước hết cho trẻ em, và không chỉ trẻ em mà còn là những bậc làm ông bà, cha mẹ.

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây