Tác giả Nguyễn Kim Huy

Nguyễn Kim Huy

NGUYN KIM HUY

Sinh ngày 08/12/1962. Quê quán: Tam Mỹ, Núi Thành, Quảng Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004. Từ 1984 đến 1986: Cán bộ giảng dạy Ngôn ngữ học tại khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Từ 1986 đến nay: công tác tại Nhà xuất bản Đà Nẵng. Phó giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản. Thạc sĩ Văn học. Ủy viên BCH, Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Đà Nẵng khóa I (2002-2007). Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhà văn Đà Nẵng khóa II (2007-2012), khóa III (2012-2017). TÁC PHẨM: Tìm ánh sao băng (tiểu thuyết – bút danh Nguyễn Kim Hoàng Như), NXB Đà Nẵng, 1992. Thơ từ yên lặng (thơ), NXB Đà Nẵng, 1995. Nỗi lan tỏa của ngày (thơ), NXB Văn học, 2004. Mắt phố (truyện và tạp văn), NXB Đà Nẵng, 2006. Thu Bồn – Nhà thơ trữ tình đất Quảng (chuyên luận văn học), NXB Đà Nẵng, 2011, tái bản 2016. Kéo co với mùa xuân (thơ), NXB Đà Nẵng, 2016. GIẢI THƯỞNG CHÍNH: Giải thơ Báo Tiền Phong 1992. Giải thơ Tạp chí Đất Quảng 1992. Giải thơ Liên đoàn Lao động và Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam-Đà Nẵng 1992. Thơ từ yên lặng: Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 1985-1995 của UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nỗi lan tỏa của ngày (thơ): Giải A, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Đà Nẵng, 2004. Mắt phố (truyện và tạp văn): Giải B, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Đà Nẵng, 2006. Nỗi lan tỏa của ngày (thơ): Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP. Đà Nẵng lần thứ Nhất (1997-2005). Nỗi lan tỏa của ngày (thơ): Giải B về Thơ, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Đất Quảng lần thứ Nhất (1997-2010). Mắt phố (truyện và tạp văn): Giải C về Văn, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP. Đà Nẵng lần thứ Hai (1997-2010). Thu Bồn – Nhà thơ trữ tình đất Quảng (chuyên luận): Giải A của Hội Nhà văn Đà Nẵng (2011); Giải C Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương (2010-2012); Giải C, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Đất Quảng lần II (2010-2015).

 

NHỮNG CƠN MƯA ĐI QUA

Cơn mưa tuổi thơ mẹ đưa đi học
Mắt lo âu nước cuộn chân cầu
Cần câu cặm cắm con cá nhỏ
Cái lạnh rình quanh bếp lửa hồng

Cơn mưa năm xưa mây mờ non xa
Em đi đến mà không trông thấy
Gió mạnh quá đã bay lời nói
Nón và tơi che kín nụ cười

Những cơn mưa đi qua
Những cơn mưa đi qua
Giờ còn lại nỗi buồn
Nỗi buồn tinh khiết nỗi buồn dịu êm

Ừ thì giữ nỗi buồn như hơi thở
Trong khoảng bình yên lặng sóng tâm hồn
Ừ thì giữ nỗi buồn làm ngọn lửa
Sưởi ấm lòng lúc cơn bão giăng ngang

I997

 

TÂM HỒN ANH HOA DẺ HOA MUA

Thứ lỗi cho anh, chùm hoa phượng đỏ
Nở muộn màng trong sắc trời thu
Anh không phải họa mi. Anh là con tu hú
Kêu bâng quơ làm em thốt giật mình

Anh thường mơ một khoảng trời yên tĩnh
Chỉ lặng yên nếu tiếng gió thì thào
Và có nữa là tiếng lay của lá
Trong chiều buông êm ả cánh đồng quê

Vậy mà ở đây, những buổi đi về
Em, đôi mắt tròn xoe giữa bốn bề phố xá
Đường đầy bụi, những con đường tất tả
Những người quen hóa lạ ở nơi này

Thứ lỗi cho anh, hoa cà hoa cải
Đã đơn sơ lại nở trái mùa
Tâm hồn anh hoa dẻ hoa mua
Cứ ngong ngóng vùng núi non xa lắc

I997

 

MẮT HUẾ

Trưa hôm ấy nắng mênh mang thôn Vĩ
Nắng ngập ngừng chừng nắng mới vừa lên
Thuyền chở trăng còn ở lại bến bên
Lòng thoáng dậy chút hồn thi sĩ

Những thành quách cỗi già bao niên kỷ
Em trẻ trung xinh đẹp đến không ngờ
Những thành quách đắm chìm trong suy nghĩ
Em ngoan hiền trong trẻo tựa vầng trăng

Trưa hôm ấy giờ đã thành xa vắng
Luc chia tay không kịp nói một điều
Trời nhẹ gió và nồng nàn những nắng
Mà mắt ai dai dẳng Huế mờ mưa

Trưa hôm ấy đã là chuyện ngày xưa
Huế trầm mặc và em thành kỷ niệm

Hương giang neo nhung nhớ dập dềnh xô
Đen láy bờ mi em có biết chi mô!

1997

 

MƯỜI SÁU TUỔI

Mười sáu tuổi cánh cửa đời đã mở. Những trách hờn giận dỗi đã thành duyên. Sách và vở và tâm hồn trong trắng. Em tung tăng mang cả đến trường.

Mười sáu tuổi những đỏ xanh vàng tím. Mỗi sắc màu đều rạng rỡ lung linh. Em ngước mắt nhìn bầu trời lộng gió. Đỏ vàng xanh em lén thả lên rồi.

Những ngọn đèn trong trái tim nhấp nháy. Gai hoa hồng xen lẫn nụ đầu tiên. Em thao thức bởi những điều chưa rõ. Và ngủ ngon khi giấc mộng bắt đầu.

Trong cơn mơ có một ngàn tia nắng. Em hé cười thành một triệu đóa thơm. Hơi thở nhẹ đã tan vào trời đất. Nên ban mai muôn thuở cứ ngọt lành.

Mười sáu tuổi. Năm em mười sáu tuổi…
1998

 

ĐỢI TẾT

(Thơ cho các con Hoàng Như – Huy Văn)

Tuổi thơ ba lầm lũi sắn khoai
Nên cứ nôn nao đợi lúc đất quê vàng hoa cải
Cánh đồng làng mạ non đã cấy
Bên hàng rào bao nhiêu loài hoa dại
Nở tưng bừng khoe sắc dưới trời mây

Ấy là lúc tết cận kề rồi đây
Cơn gió đông vẻ sắt siu đã đổi
Người lớn bần thần trăm điều bối rối
Lũ trẻ con hớn hở nhảy lò cò
Mơ giờ rước ông bà có cơm trắng, áo hoa

Đêm giao thừa bên bếp lửa, cả nhà
Ngồi quây quần hít căng mùi hành mỡ
Nồi bánh tét còn đang nấu dở
Tỏa mùi thơm phưng phức nối hai năm
Lũ trẻ con díp mắt chẳng đi nằm
Trông trời sáng mau mau đi đạp đất

Tuổi thơ con giờ cơm áo đủ đầy
Nào biết được nỗi nôn nao đợi tết
Rồi ngẩn ngơ ba ngày vui đã hết
Lại bắt đầu bấm đốt tính: Giêng, hai…

1999

 

MÙA XUÂN

Mùa ứa mật. Nhưng gã ong bò vẽ
Bay vội vàng rối mắt vườn sau
Mùa nồng đượm. Bông hoa dủ dẻ
Thơm ngộp hồn suốt dọc bờ rào

Trời quét nền xanh biếc vì sao
Mặt đất cuộn sương mờ hơi ấm
Chiều xuống nhẹ như rơi rất chậm
Mỗi ngày dường luyến tiếc lùi xa

Mùa dao cau. Mắt ai liếc qua
Bờ vai uốn đường cong bối rối

Trong im lặng có lời tự dối
Rằng mùa xuân gió bấc không còn

2000

 

ĐÊM HÀN GIANG

Anh và em với sông Hàn
Cuối đông gió trở nước tràn bờ lên
Nỗi niềm chưa gọi được tên
Những ngọn đèn đỏ lênh đênh tỏ, mờ
Hơi thở em như trong mơ
Tuổi hai mươi đã phía mờ mịt xa
Ngây thơ lỗi nhịp đôi ta
Thêm dòng sông với phong ba lỗi mùa
Lạnh em không, gió cứ lùa
Chừng như mưa gió a dua trêu người
Gió mưa làm rối đất trời
Nụ hôn làm rối cả người đang yêu
Đêm mơ nối khúc diễm kiều
Nên ai mới dám đem liều lòng ai
Bàn tay đan nỗi quắt quay
Bờ vai tóc thả trả ngày tóc xanh
Hàn giang đêm, em và anh
Hai bờ ngoảnh mặt cho mình lứa đôi

Rồi biệt ly lại nối lời
Để Hàn giang buốt một trời sông khuya…

2001

 

PHÍA NÀO CŨNG GIÓ

Thảng thốt nhìn dấu ấn tuổi già
Trên khuôn mặt mẹ
Con bàng hoàng nhận ra phía nào cũng gió
Thổi vào đời mẹ bảy mươi năm qua

Gió thiếu nữ một thời mơ mộng
Đẩy mẹ đi về phía quê chồng
Chưa hết bài con sáo qua sông
Đã bắt nhịp năm canh chầy thức đủ
Bảy đứa con
Mẹ không ngủ bảy phần đời
Giữa buổi hãi hùng đạn nổ bom rơi
Manh chiếu tã xoay bên nào cũng ướt

Gió bóng xế mây mù sa ngược
U u đỉnh đồi
Ngày cha khuất núi
Ai quét sạch lá rừng?
Khoai sắn rưng rưng
Thắt lòng hợp tác
Ngày công tám lạng
Cái đói chia đều một cõi giang sơn
Mẹ góa con côi
Mặt quay về phía nào cũng gió

Gió xót như chạm cây tầm ma
Gió bỏng thịt da như đốt
Gió ngột như vừa rời ra từ phía mặt trời
Thổi vào cõi thế
Gió quẩn quanh như chiếc cối xay tre
Mấy đời nhà ta kẽo kẹt
Thân mẹ là hạt lúa
Đã qua xay lại còn giã mấy lần
Chúng con lớn lên từ hạt gạo trắng ngần
Vắt qua kiệt cùng đời mẹ

Thì mẹ ơi, có trách chi lòng con trẻ
Đủ lông rồi là chắp cánh bay luôn
Vẫn nhắc suông câu như nước trong nguồn
Mà để lại mẹ một thân già thui thủi
Nơi căn nhà xưa
Bốn bề gió lộng

Buổi sáng, con mở cửa lớn
Ngọn gió đông lồng vào

Buổi chiều, con mở cửa sổ
Ngọn gió tây ùa vào

Mẹ ơi, phía nào cũng gió…

2002

 

GỬI CHỊ

Em làm thơ đủ mọi điều
Chị đang vào tuổi xế chiều chẳng hay
Quê nhà mưa đổ bóng mây
Theo chồng xa xứ một ngày xa xưa
Mặn nồng cay đắng đều chưa
Mà nay tóc chị lưa thưa sắc trời
Lòng bàn tay nổi núi đồi
Với bao nương rẫy một đời chị qua
Duyên đầu đứt gánh lệ sa
Đi thêm bước nữa nhạt nhòa cố hương
Xa con là nỗi đoạn trường
Biệt mẹ lại nỗi ngàn thương chín chiều
Nắng hoi bờ cát bóng xiêu
Mưa dầm mé biển chắc nhiều khúc nôi
Ngõ sau hết đứng lại ngồi
Mẹ còn quê cũ, chị nơi quê chồng
Nhớ thương em viết mấy dòng
Mong ngày nào hết long đong, chị cười!

2003

 

KHÁT

Nỗi nhớ cuống cuồng chạy vòng quanh chiếc bẫy vừa sập
Em ném nỗi khát đớn đau vào hồ lô ngôn ngữ rối tinh

Ảo ảnh náo động sa mạc cằn trơ sâu hun hút miền trắng
Em cắn ngón tay run vành môi khô câm lặng
Không thể nào cất lên tiếng gọi
Vừng ơi
Chiếc chìa khóa duy nhất đánh rơi từ ngón tay
xanh xao thiếu nữ
Vệt sao băng chói lói nền trời
Ở phía mười tám ngàn lần bàn tay với
Mười tám ngàn lần thảng thốt tuổi hai mươi

Không có điệu hành khúc nào viết ra cho
nhịp chân bước ngược
Em neo người vào phập phồng hơi thở
Lui dần lui dần vào cõi ký ức lãng quên
Những ngọn nến đã tắt trong căn phòng chan hòa ánh điện
Đêm lạnh như chưa từng lạnh bao giờ

Những mảnh mai bó buộc bàn tay gầy rạn vỡ
Em làm sao có thể dập tắt cơn khát
Nếu không Anh
Phía chân trời nhu nhược một vì sao khắc khoải
Không biết vừa mọc lên hay đang lịm tắt lúc này
Chứng nhân đơn độc
Giây phút em tan ra trong cơn khát giày vò

2003

 

MÁI RẠ MỤC NÁT ẨM ƯỚT

Nhiều khi niềm vui cạn kiệt
Anh ngồi lại cảm thấy mình trơ trọi
Tâm hồn xơ xác như mái rạ mục nát ẩm ướt
Buổi chiều đông lạnh cóng gió lùa

Không thể nói điều gì hơn với cơn mưa
Nỗi ám ảnh dai dẳng và kiên nhẫn
Mỗi ngày mỗi ngày quật vào mái rạ
Không băn khoăn dằn vặt xót xa

Không thể nói điều gì hơn với ngọn gió
Bằng sức mạnh lốc xoáy huyền bí
Mỗi ngày mỗi ngày cứa vào mái rạ
Những nhát dao vô cảm lạnh lùng

Có phải em đi về phía nắng
Tìm ngọn đồi hoang trồng lên vạt cỏ tranh?

2004

 

CÓ THỂ, MÙA XUÂN…

Mùa xuân lại nồng nàn xuất hiện
Không băn khoăn e ngại chẳng dỗi hờn
Vòm lá nõn lung linh trong mắt biếc
Trong tiếng cười thánh thót thủy tinh

Và cơn mơ nối lại tuổi tròn trăng
Mùa nối lại những chân trời bí ẩn
Ngày khép lại những tủi phiền buồn giận
Những mơ hồ hư ảo rối đời nhau

Mùa xuân lại ngỡ ngàng đáp hẹn
Bao nhiêu là tha thiết đến cùng nhau
Em duyên dáng trẻ trung đằm thắm
Tình yêu đầu tìm mãi biết về đâu?

Hãy tha thứ nếu mùa xuân có lỗi
Nắng tỏa ra trong muôn nỗi ngập ngừng
Trong im lặng giữa một ngàn ý tưởng
Có một niềm thương nhớ bỗng rưng rưng…

2010

 

THỜI GIAN VÀ NHỮNG BÔNG HOA…

có thể lắm mỗi mùa xuân đều gieo niềm hy vọng
trước nắng em đi những bước chân kiêu hãnh nhẹ nhàng
bao dự định cứ cồn cào như sóng
nhưng sâu, thật sâu trong đáy mắt kia là một nỗi chờ mong

những bông hoa em trồng lặng lẽ nở từng bông
vòm non xanh cũng mướt lên từng ngọn cỏ
nhưng em ạ, mỗi mùa xuân là một hòn núi nhỏ
cứ sừng sững hiện lên ngăn cách những đời người

có khi nào sắc hoa kia gợi lên trong em phút nhói lòng
làm em khóc cho một điều không rõ lắm
những hình ảnh nhạt nhòa đâu từ thời thiếu nữ
bỗng hiện về quay quắt giữa hôm nay?

khuất sau những bông hoa là gương mặt em
khuất sau gương mặt em một khoảng trời rạn vỡ
sau khoảng trời rạn vỡ một mạch ngầm thương nhớ
xuyên suốt trong lòng những ngọn núi thời gian!

2011

 

ĐÊM VIÊN CHĂN NHỚ ĐIỆU VŨ CHÀM

(Gửi Chế)

Ký ức khắc khoải điệu vũ Chàm đắm say cuồng nhiệt
Tung vào hết cho nhau những khát vọng ứa ra
trong từng nét thịt da
Uốn cong lên những đường tuyệt mỹ
Nụ cười mênh mang mấy thế kỷ đợi chờ hư ảo khói sương

Vòng tay em ôm tròn vo vũ trụ
Những nhịp chân đi thẳng đến thiên đường
Hơi thở tuột sâu tắt nghẹn miền hoang dã
Ánh mắt chớp lóe sáng trắng những khát vọng huyền bí

Đêm Viên Chăn anh nhớ điệu vũ Chàm
Chiều đã rớt con sông Mê đã khuất
Sao bỗng cồn cào những lớp sóng dội từng cơn?
Dội như thể từ nợ duyên tiền kiếp
Em quay tơ anh đọc sách luân hồi
Và ngọn gió từ hồng hoang thổi lại
Tĩnh mịch đêm. Đêm thấm đẫm hơi Lào

Sâu thẳm đêm. Đêm cuống quít năm nào
Môi mắt ngời lên một sắc Chăm pa
Vũ nữ khóc khi vừa xong điệu múa
Khi giữa trời rơi ngàn giọt sao sa…

Đêm Viên Chăn anh nhớ điệu vũ Chàm
Có phải từ ngàn dặm xa mới nhận ra bản ngã
Có phải là tìm ra là đánh mất
Là mất là tìm rối ruột rối lòng nhau?

2011

 

CHIỀU MUỘN

(Nhớ Tế Hanh)

Buổi chiều muộn và đời người đã xế
Ông ngồi đây lặng lẽ với dòng sông
Gió xao xác những vòm cây ngả bóng
Và sông Hàn vẫn nhịp sóng bình yên

Đôi mắt mờ người thi sĩ nhìn gì
Trong đáy mắt mùa thu xưa thấp thoáng
Nụ cười đến trên môi người rất chậm
Khi bờ sông vọng lại tiếng trẻ thơ

Đời đẹp quá giăng tơ lòng thi sĩ
Nước trôi xuôi liệu có lúc về nguồn
Con tàu chở kiếp người đang cập bến
Thoảng dòng sông rền rĩ những hồi còi

Giờ Ông đã về bên con sông biếc
Hay đang còn thờ thẫn với Hàng Châu
Mỗi chiều muộn qua bờ sông tôi thấy
Ông như còn ngồi đó. Vẫn trầm tư…

2012

 

KÉO CO VỚI MÙA XUÂN

Anh không hiểu mình mắc nợ gì mùa xuân
Mà cứ nôn nao chờ đợi

Mà cứ đột nhiên trong những cơn mơ
Khi mùa xuân thấp thoáng
Là gương mặt em lại hiện về
Tinh khiết rỡ ràng như lần đầu xuất hiện
Như chưa bao giờ lầm lỗi trong đời
Như từ hôm ấy
Mình nắm tay nhau đi đến tận hôm nay
Như không có cuộc chia tay chỉ một lần là mãi mãi
Mãi mãi không bao giờ gặp lại
Chỉ còn gương mặt em trong những cơn mơ mùa xuân
Trong cơn mơ anh lại kéo co với mùa xuân
Gồng hết nửa đời người trong trận đấu kiệt sức
Và cảm thấy mình thêm một lần bất lực
Khi phía đầu dây kia em hiện lên từ ký ức
Mím môi ghì mùa xuân về phía mình

Không lẽ suốt cuộc đời
Anh và em và mùa xuân vẫn giằng co
trong những giấc mơ
– Có khi nào một ngày tình cờ em đọc được bài thơ
Và một sớm mai mang đến cho anh mùa xuân trọn vẹn?

2013

 

BÀI THƠ NHỎ TÔI DÂNG LÊN TỔ QUỐC

Ai có hiểu những dây bầu dây bí
Nối ruột liền Tổ quốc bốn ngàn năm
Tổ quốc trong tôi bắt đầu từ manh chiếu bên ướt mẹ nằm
Bên ráo con ngủ
Miếng cơm nhai đầu đời mẹ mớm cho con
Tổ quốc lớn dần khi tôi biết đi biết chạy lon ton
Trên cánh đồng thơm mùi sữa non đòng đòng mùa lúa trổ
Tổ quốc reo vui khi tuổi học trò chúng tôi chung tay vỗ
Hát những bài ca ca ngợi đất nước mình
Rồi hát vang những bài về cây trúc xinh
Tang tình trúc mọc
Con cò bay từ cửa phủ
Bay qua cánh đồng
Những ảnh hình Tổ quốc hiện dần lên

Lớn lên rồi tôi biết Đất Nước mình dài rộng mông mênh
Từ cuộc chia tay đầu tiên mẹ dẫn con lên nguồn
cha đưa con xuống biển
Hình Đất Nước ôm một dải lụa mềm xao xuyến
Sao cứ phải thường xuyên giương lên những mũi tên
Trước vó ngựa ngông nghênh bạo tàn phương Bắc
Một dân tộc muốn cầm cày mà tay gươm luôn phải chắc
Mới giữ được quê hương những ngày tháng yên lành
Dòng sông ngọn núi trên đất nước tôi nơi nào
cũng trong xanh
Sao cứ phải bầm lên máu đỏ những Bạch Đằng Chi Lăng
Đống Đa Như Nguyệt
Mỗi đầu làng mỗi góc phố người dân đất nước tôi
cầu mong thanh bình tha thiết
Sao cứ phải lao mình vào những cuộc chiến tranh?

Khát vọng bình yên đất nước mình sao quá mong manh
Bão vừa tan trên đất liền ngoài khơi xa
đã hình thành sóng dữ
Những con tàu mang cờ năm sao như một bầy thú dữ
Ngang ngược hung hăng nòng pháo vòi rồng
Miệng ra rả muôn ngàn điều dối trá
Gã khổng lồ đưa lưỡi bò tham lam muốn
liếm trọn biển Đông
Tổ quốc lại một lần như con tàu trong bão tố dập dềnh
Những mũi tên đồng lần nữa phải giương lên
Sẵn sàng cho Tổ quốc!
Thánh Gióng còn ngồi yên giữa chín nong cơm
mười nong cà
Những ngư dân kiểm ngư cảnh sát biển đã
đường đường xung trận
Chín mươi triệu dân nén lòng căm giận
Ngọn lửa dành cho Tổ quốc đang chờ
hiệu lệnh bừng lên
Dẫu lòng mỗi người dân đều mong muốn hòa bình
Cũng không thể chấp nhận thứ hòa bình viển vông giả dối
Khi quân thù đã ra mặt xâm lăng
Lòng yêu nước nhân dân tôi sẽ đẩy con tàu Tổ quốc
lướt sóng băng băng
Vượt qua muôn ngàn bão dữ
Nhấn chìm mọi tham vọng cuồng điên của kẻ bạo tàn!

Tôi một lòng tin như mọi lần rồi bão dữ sẽ tan
Tổ quốc tôi lại mênh mang màu xanh từ đất liền
ra biển đảo
Bầu trời Tổ quốc lại êm đềm rạng rỡ những vì sao
Các con tôi lại nối nhau đọc cho nhau nghe những
bài ca dao về giàn bầu dây bí
Kể cho nhau nghe chuyện truyền kỳ thế kỷ
Rằng năm ấy ngày kia Đất Nước mình
chiến thắng quân thù giữ trọn biển quê hương
Thêm một lần Tổ quốc tỏa hương!
Và cháu con như cha ông lại một dạ trăm mến ngàn thương
Luôn sẵn sàng viết tiếp bài thơ ngợi ca Đất Nước mình
tươi xanh bằng máu đỏ
Như hôm nay tôi gởi trái tim mình vào bài thơ nhỏ
Thành kính dâng lên Tổ quốc mình lúc thử thách nguy nan!

25/5/2014

 

NGHE MÉP VƯỜN NHÀ MÌNH
NƯỚC LŨ ĐANG LÊN

Cái dòng xoáy thời gian cứ cuốn tung đi mọi thứ
Nhiều khi anh ngỡ ngàng nhận ra con đường mình
đang dấn bước
Mọi điều lạ lẫm.
Cảnh vật khác. Con người khác.
Mọi thứ dường như đều khác.
Cả con người mình giờ cũng đâu còn giống ngày xưa.

Nghĩa là những dấu yêu ngày cũ đã qua rồi
Dấu yêu mới lại chông chênh quá đỗi
Trước niềm vui không còn bối rối
Trước mọi nỗi buồn cũng không thấy tắt lịm hồn đi.
Cứ thong dong như chẳng vấn vương gì
Cứ nghiễm nhiên như mọi điều rồi sẽ đến

Nên nhiều khi thờ thẫn trước hoàng hôn
Khi ráng chiều buông một màu đỏ sẫm
Anh chợt nhớ bồi hồi thằng bé năm xưa, thằng bé
Mình trần quần đùi đằm mình trong nước lũ
Lội ngược dòng khi con nước nguồn tuôn
Ánh mắt trong veo không một giọt buồn
Háo hức ngắm mép vườn nhà mình nước lũ đang lên…

Gương mặt thằng bé bừng lên niềm vui mông mênh
Khi bất ngờ phát hiện ra từng đàn rô đàn diếc
Đang cuống cuồng lao mình theo con nước
Ngơ ngác trườn theo ngọn cỏ đến tận mé hiên nhà
Niềm vui trẻ con trong giây phút vỡ òa ra
Khi thằng bé cúi người là có thể sờ vào đầu
những con cá nhỏ
Mải vô tư tung tăng chưa từng biết nỗi hãi người

Vẫn biết cuộc đời có bao giờ cạn kiệt niềm vui
Nhưng không hiểu sao nhiều khi, anh
Giữa bao nhiêu ồn ã dòng đời
Đêm đêm vẫn nằm nghe mép vườn nước lũ đang lên
Rưng rưng trong lòng cái niềm vui thuần khiết
ngây thơ mà trọn vẹn
Đất trời ngày thơ ấu ban cho
Khi thằng bé ấy là anh say mê ngắm đàn cá quẫy
Trong mép vườn nhà mình mùa nước lũ đang lên…

2014

 

GIÓ BÀ NÀ

Những ngọn gió màu xanh trong veo
Thổi vu vơ trên đỉnh Bà Nà
Mang tiếng vọng nguyên sinh của những ngàn năm trước
Chạm vào hồn du khách sáng nay

Núi non điệp trùng núi non trầm mặc
Từng ý nghĩ cũng nghiêm trang khi ở đỉnh Bà Nà
Phóng tầm mắt là chạm vào biển lớn
Lòng dồi lên những con sóng đại dương

Xưa cha rìu rựa từ quê bắt xe đò đi làm Bà Nà
Nay con ngồi cáp treo lồng kính nghe
gió Bà Nà vu vơ thổi
Một câu hỏi chợt làm bối rối
– Những ngọn gió ngày xưa có xanh biếc một màu?

Hay gió Bà Nà xưa kia mang sắc nâu
Màu phá đá mở đường màu chặt cây hạ trại
Hay sắc bầm màu da người tím tái
Hay đỏ tươi những máu, mồ hôi?

Nhưng gió Bà Nà vẫn điềm nhiên thổi
Phút bối rối bỗng nhẹ lòng khi tôi chạm vào
những cơn gió màu xanh…

2015

 

TRẦN TÌNH VỚI MÙA XUÂN

dọc bờ rào sũng nước suốt mùa đông
bỗng nở bừng một chùm hoa dại

chùm hoa lóe lên màu đỏ thắm thăm dò
ngọn gió đi qua hững hờ
ngọn gió đi luôn không dừng lại
chùm hoa bối rối khẽ lay
giấu đi làn hương e ngại

anh không trách gì mùa xuân quá đỗi ồn ào
đến với cơ man nào là màu sắc
nào là vẻ rạng ngời trên từng khuôn mặt
nào là những ánh mắt thiết tha

nhưng lòng anh sao vẫn cứ nhớ về một chùm hoa
một chùm hoa dại nở dọc bờ rào
ngóng trông tia nắng
tia nắng ban mai
tia nắng ngày xuân đang trở lại
tia nắng hững hờ tia nắng thờ ơ

sao lòng anh cứ rưng rưng một chùm hoa xưa cũ
khi nắng mùa xuân thì mỗi ngày mỗi mới mỗi phù hoa?

2015

 

CÓ THỂ NÀO TỪ BIỆT VỚI CƠN MƠ

1.
Giấc mơ này nối vào giấc mơ kia nối cả vào sự thật(*)
Câu thơ đã từng ám ảnh bạn
Bỗng rưng rưng trong tôi bây giờ

2.
Có thể nào nói lời từ biệt với cơn mơ?
Nghĩa là từ biệt những nỗi niềm, những băn khoăn trăn trở
Và từ biệt luôn bao nhiêu nỗi nhớ
Lẩn thẩn lôi hồn cõi mộng mị cồn cào
Giữa giấc ngủ cứ tưởng mình đang thức
Thức dậy rồi tưởng vẫn chiêm bao!

3.
Có thể nào từ biệt với em tôi
Tuổi xanh tóc em chưa dài tà áo
Nhịp đi chân sáo
Mắt nhìn như sao
Miệng cười nhoẻn phượng
Xa tôi em ngồi viết những lá thư chín nhớ mười thương
Mái đầu nghiêng nét chữ cũng nghiêng theo thương nhớ

4.
Có thể nào hờ hững với tiếng chuông
Tháp nhà thờ bỏ hoang ngày em đi học
Tôi chỉ nói vài câu mà em tôi khóc
Nước mắt cay còn xót đến bây giờ
Chúa nhân từ hiển linh bảo bọc
Sao nén lòng làm cuộc bơ vơ?

5.
Tôi biết tự mình không thể nói lời từ biệt với cơn mơ
Trong những cơn mơ em nhoẻn cười, em không khóc
Thơ tôi viết có bao giờ em đọc
Những vần thơ réo gọi dịu dàng thôi…

2016

(*) Thơ Nguyễn Minh Hùng.

 

ÁNH TRĂNG RỌI QUA CHÙM TẦM GỞI

1.
Ám ảnh bởi cây tầm gởi
Treo thân sum suê lên cành mít sau hè
Những con kiến vàng ngo ngoe chạy tới chạy lui
Không hiểu nổi tại sao một thân cây có hai màu lá
Lăng xăng kháo chuyện cùng nhau

2.
Lơ lửng giữa lưng chừng trời thì luôn chông chênh trong gió
Rợp một màu xanh nhưng mấy phần xanh vay mượn của người

3.
Ai ngang qua cũng phải ngước nhìn
Nhưng không ai ngợi khen, không ai trầm trồ
Thà là thấp như cỏ may, xấu hổ
Mà thân hình bén rễ với đất đai

4.
Ngông nghênh đâm rễ đâm chồi tua tủa quanh năm
cứ tưởng mình bền chắc
Cành mít gãy ngang số phận sẽ về đâu?
Thà khiêm nhường như gốc ổi, sầu đâu
Bị đốn ngã cũng có thể gom nên đám củi thổi bùng ngọn lửa

5.
Nhưng mơ hồ mông mênh một đêm trăng sáng ngày xưa
Gã trai nhà quê trao nụ hôn đầu đời cho cô gái nhà quê
Dưới bóng cây tầm gởi vụng về

2016

 

THÔI EM HÃY…

Thôi em hãy nép mình vào vòng tay anh đi
Hãy thổn thức với bao điều cay đắng
Môi em thơm, nước mắt em thì mặn
Anh ghé hôn những giọt tràn mi

Nào có thể nói với em điều gì
Đây hơi thở ấm nồng đứt quãng
Em đừng trách mây mùa thu lãng đãng
Gió mùa thu sao lạnh tứ bề

Mình chỉ có nhau mấy buổi đi, về
Sao mắt em đã căng tràn thương nhớ
Sao hồn anh đã vô vàn bỡ ngỡ
Tưởng thuở ban đầu dìu nhau vào yêu?

Em gởi cho anh những vần thơ liêu xiêu
Cơn bão nhỏ đổ xuống vườn trinh nữ
Anh gởi cho em bao nhiêu lời trách cứ
Cho những lỗi lầm em chưa có bao giờ

Anh biết mình là lưỡi dao cố chấp
Cứa vào lòng em thêm những vết đau
Đã yêu, yêu đến tận cùng sâu
Sao không nghĩ em chỉ là ngấn nắng?

Nên hãy nép vào lòng anh thêm chút nữa
Mai xa rồi còn mấy thuở gần nhau
Hãy nép vào anh và quên hết buồn đau
Cho nụ cười em trong vòng tay anh rạng rỡ!

2016

 

LỜI XIN LỖI BAN MAI

Thứ lỗi nhé, ban mai tinh khiết
Anh cứ bắt em ôm giữ sương đêm
Để nắng sớm làm nên lóng lánh
Cho bình minh muôn thuở ngọt lành

Có biết đâu em vừa trải qua
Đêm, bóng tối và vì sao cô lẻ
Lòng còn đang buốt lạnh gió khuya
Mơ chưa dứt truân chuyên dâu bể

Thứ lỗi nhé, ban mai trinh nguyên
Lời đã cất vết thương xát muối
Anh nào biết có ban mai hờn tủi
Có ban mai giông bão tái tê?

Anh nào biết cơn đau chưa dứt
Em mệt vùi bữa tối chưa qua
Trước ngày mới chưa nguôi phiền muộn
Trông cho trời hừng sáng dịu buồn đau?

Hãy thứ lỗi, ban mai ơi, có thể
Khi nắng lên hoa lại nở bình yên
Và có thể luôn nồng nàn say đắm
Lời chia ly không thốt nữa bao giờ!

2016

 

NGÀY CHO EM NGẤN NẮNG

Ngày đẹp trời anh mang cho em ngấn nắng
Gởi vào đôi mắt trong veo
Không gợn chút muộn phiền
Mắt em và ngấn nắng ban mai
Cùng tỏa sáng sự dịu dàng tinh khiết
Nét đẹp cỏ non
Anh làm sao phân biệt được?

Ngấn nắng lung linh trong mắt em
Niềm vui rộn ràng cùng tiếng cười thơ trẻ
Khuôn mặt xinh vô vàn của em bừng sáng
Tiếng nói em như những bông hoa từ đôi môi thắm bay ra
Trong một lúc em dịu dàng khép mắt
Gọi thầm tên nhau run rẩy quắt quay
Là khoảnh khắc trái tim anh bùng cháy
Nổ tung quanh anh những trái quả say đắm ngọt lành
Tưởng đã ngủ vùi sau bao ngày tháng lặng lẽ nguôi quên

Ngày cho em ngấn nắng
Mây trên đầu lãng đãng
Gió qua vườn se lạnh
Trời đang chuyển mùa báo hiệu cơn giông
Bão đã chớm trong một ngày tĩnh lặng

Anh làm sao quên phút giây em từ biệt
Ngấn nắng chưa kịp rời
Nước mắt đã ngập ngừng bờ mi?

Em đi mang theo ngấn nắng
Lòng anh bắt đầu cơn mưa
Dẫu vẫn biết mình có quyền thương nhớ
Những phút giây mùa đẹp đến nao lòng…

2016

 

THU BỒN VÀ CƠN KHÁT TÌNH YÊU
UỐNG CẠN MẶT TRỜI
(Tiểu luận văn học)

Thu Bồn (tên khai sinh Hà Đức Trọng, 1935-2003) nhà thơ Đất Quảng, Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu 1965, Giải thưởng Văn học Bông Sen Hội Nhà văn Á Phi 1973, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nhà nước 2001, được biết đến với những vần thơ và trường ca hào sảng, vạm vỡ, tài hoa trong chiến tranh chống Mỹ. Nhưng, ngay trong những vần thơ cuộn xiết, réo gọi đầy tinh thần đại chúng và thời đại theo cơn lốc chiến tranh đó, ta cũng đã tìm thấy một tâm hồn thi sĩ thoáng nét thầm lặng, nao nao của sự cô đơn riêng mình, ẩn chứa một tâm trạng và sắc thái rất khác lạ, sâu lắng và nhức buốt. Nói như P. Shelley, những tình cảm ấy là “cơn gió bất chợt không định hướng làm bùng dậy thứ ánh sáng trong khoảnh khắc”. Chính đấy là thứ ánh sáng bùng lên tự tâm hồn với tất cả bồn chồn, yêu thương, khao khát đã làm lóe lên những câu thơ ứa mật trong sắc trời xanh tháng Bảy khi nhà thơ đang ở xa Tổ quốc trên một đất nước bạn đang hòa bình, trong một thời gian tạm nguôi quên bom đạn để có thể có lúc được nhìn thấu ruột gan mình, viết những câu thơ tuyệt hay tự ruột gan mình:
Đêm tháng Bảy trời xanh như mật đắng
Một sắc trời trong gan ruột của tôi

Đêm tháng Bảy trời xanh như mật vỡ
Một sắc trời như gan ruột của tôi
(Ra-dơ-lip)
Thứ ánh sáng đắm say yêu thương từ gan ruột được bày tỏ chỉ trong khoảnh khắc ngưng nghỉ của chiến tranh ấy, đã trở thành một ngọn lửa rừng rực say đắm, ngọn lửa dữ dội phủ chụp bao trùm lên mọi cảm hứng chủ đạo trong thơ Thu Bồn sau chiến tranh: ngọn lửa khát vọng bi tráng về tình yêu và nỗi cô đơn xuyên suốt quặn thắt hồn người. Trong những nhà thơ Việt Nam hiện đại, có lẽ Thu Bồn là một nhà thơ viết nhiều và có nhiều bài thơ về tình yêu say đắm và nỗi cô đơn mênh mang nhất. Và có lẽ cũng chỉ duy nhất ông là người đã xuất bản riêng một tập thơ với tên gọi hoàn toàn dành cho tình yêu, dành cho người mình yêu: Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên (NXB Văn nghệ TP. HCM,1992). Và, ở một trăm bài (hơn) ấy, mọi giấc mơ phóng khoáng, tự do và say đắm nhất của tình yêu, mọi sắc thái cuồng nhiệt, hoang dã và bạo liệt tột cùng của tình yêu, mọi cung bậc vui buồn thương nhớ khổ đau và hạnh phúc nhất trong tình yêu, sự chung thủy tột cùng và thay đổi cũng tột cùng, sự hàn gắn nối kết vững bền và cũng mong manh hư ảo đến cực điểm của tình yêu đã được Thu Bồn tuôn trào bày tỏ như một dòng thác ào ạt, cuồng nhiệt, nồng nàn.
Nổi lên ở Thu Bồn là một thái độ biết ơn và tôn thờ tình yêu. Ông quan niệm tình yêu là “bát nước quá đầy” được nhận từ tay em giữa trưa nắng khát khi người lính trở về từ một cuộc chiến tranh dài, và biết ơn, trân trọng tình yêu đến “run rẩy”, nâng niu từng giọt nước trong lành của tình yêu: Tôi già hơn em một cuộc chiến tranh/ trong buổi trưa nắng khát này/ tôi nhận từ tay em bát nước quá đầy/ bàn tay tôi run rẩy/ làm sao khỏi sánh ra ngoài những giọt nước trong (bài 1). Tình yêu làm cho con người trở nên cao cả, tốt đẹp, thăng hoa tâm hồn: khi yêu anh em nói lời họa mi/ tâm hồn anh bỗng hóa cánh rừng/ khi yêu anh em nói lời các vì sao/ anh bỗng hóa bầu trời… (bài 51); ngọn lửa tình yêu thắp lên trí tưởng tượng, ngọn gió tình yêu tràn đầy sức nâng đỡ cho một thân xác mệt mỏi và nụ cười tình yêu có khả năng bẻ gãy những số phận đắng cay của những đời người: Ngọn lửa của em thắp lên trí tưởng tượng của anh để nhìn nhận bộ mặt cuộc đời, khi tình yêu chìm trong thể xác mệt mỏi, bỗng có ngọn gió tràn đầy sức lực nâng đỡ anh lên khỏi mặt đất đầy gai – nụ cười em bẻ gãy từng mũi tên số phận đương tua tủa bắn vào anh (bài 54). Tình yêu có sự hậu thuẫn bao la của cả trời xanh nên không bao giờ lẻ loi đơn độc: đừng sợ – tình yêu không đơn độc/ có trời xanh làm hậu thuẫn ngày mai (bài 65) và có sức trường tồn vĩnh cửu đến triệu năm sau: triệu năm sau trái đất vẫn tròn/ những gã si tình nắm tay nhau giáp một vòng luân vũ (bài 70).
Suốt cuộc đời mình, Thu Bồn đã làm một cuộc đuổi bắt kiếm tìm vô tận đến tuyệt vọng đối với tình yêu. Để rốt cuộc, nhà thơ nhận lấy sự cô đơn mênh mông với tất cả sức ám ảnh giày vò quặn thắt của nó. Thu Bồn tự nhận mình là kẻ cô đơn suốt đời sau những mối tình câm đã vô tình trôi ngang qua đời mình chỉ vì lời yêu chưa bao giờ được nói ra: những gì xưa không nói được bằng lời/ nay gạo đã thành cơm/ tay luống cuống đánh rơi bát đũa/ anh suốt đời là kẻ cô đơn (bài 5). Nhà thơ công nhận cô đơn như một lẽ tất yếu của đời người, một quy luật trời đất đã an bài rành mạch cho muôn loài sau khi đã trải qua muôn vàn trạng thái của nỗi cô đơn, công nhận nó là một định phận của riêng loài người và vì thế, ắt hẳn nó cũng có một ý nghĩa đặc biệt nào đó đối với loài người – Thu Bồn, vì vậy, là nhà thơ đầu tiên đã nêu lên hẳn hòi một “học thuyết” về nỗi cô đơn:
linh hồn của đá là mây
linh hồn của đất là cây xanh rờn
phần con người có cô đơn
phần hoa đẹp có hương thơm không lời
(Linh hồn đá)
Vậy, rốt cuộc cô đơn là gì? Nhà thơ tuyệt nhiên không giải thích. Nhưng ta có thể nhận ra chân dung trọn vẹn của nó khi đọc những câu thơ không cầm nổi nước mắt bởi sự ám ảnh ngộp thở của nỗi bơ vơ, nỗi minh mang, trước tiếng tù và cất lên khắc khoải từ cõi lòng tự gọi mình trong một bài thơ tình đề tặng N. của Thu Bồn – một trong những bài thơ tình sẽ còn ở lại rất lâu trong người đời với giọng điệu rưng rức nghẹn ngào ở mỗi chữ mỗi câu của nó:
… lấy khăn mà gói bơ vơ
tay cầm nước mắt bao giờ sang sông?
gặp minh mang cũng mênh mông
nắng qua bao chuyến mà không nhạt nhòa
lòng anh rúc tiếng tù và
gọi đò mãi… bỗng nhớ ra gọi mình.
(Mong em về trước cơn mưa)
Đam mê đến tận cùng, mà lại cô đơn đến tận cùng, nỗi khao khát luôn giày vò Thu Bồn đến tận cùng như một điều tất yếu trong logic tình yêu của ông. Đấy là một cái khát triền miên từ ngàn đời, cái khát vĩ đại đến mức để thỏa mãn được nó, có thể uống cạn khô tất cả các dòng sông trên thế gian này: con sông đủ rộng dài ra tới biển/ đó là cơn khát nghìn đời ta không uống để nhường sông/ nếu cứ khát mỗi lần là uống/ đến bây giờ mặt đất trắng như không (bài 43); có thể uống cạn mấy rừng mưa: xưa kia tráng sĩ hề da ngựa/ ta nay uống cạn mấy rừng mưa; có thể uống đến cả vầng trăng: con trăng cứ sáng rồi cứ khuyết/ ta uống vầng trăng đến cạp vành (Hành phương Nam)… Nhưng, những dòng sông, những rừng mưa và đến cả vầng trăng hiền lành đẹp đẽ kia đều quá sức dịu dàng đối với cơn khát dữ dội của kẻ si tình, cuối cùng cơn khát vẫn không thể nào dịu đi, chỉ có một thứ lớn lao, dữ dội và vĩ đại tương xứng với nó như… mặt trời mới có thể làm thỏa mãn được trái tim yêu:
đến bây giờ trái tim anh khát
ngàn năm xin uống cạn mặt trời
(bài 30)
Dường như đối với ông, tình yêu bao giờ cũng mong manh, dễ đổ vỡ, hạnh phúc luôn ẩn chứa trong bản thân nó những bi kịch lớn lao chỉ có thể nhận biết mà không thể nào hiểu được, giải thích được. Mỗi niềm vui hiếm hoi bao giờ cũng tiềm tàng rất nhiều nỗi cay đắng trong nó. Ngay khi đang yêu, đang cảm nhận triệu niềm vui của nó, nhà thơ đã nói đến triệu niềm đau hiển hiện ngay bên cạnh triệu niềm vui này, và: anh đem triệu niềm vui làm tiệc đãi bao người hàng xóm/ còn triệu cơn đau…/ anh cô thành cao nhấm nháp một mình (bài 2). Điều kỳ lạ là đi sâu vào những nỗi đau, càng thấm thía với nó, nhà thơ lại khám phá ra vẻ đẹp của nỗi đau! Nhà thơ lấy trái tim đau làm của châu báu dâng lên mẹ: châu báu trọn đời con dâng mẹ/ là trái tim đau lấm bụi đường (Hành phương Nam). Và cũng chính nỗi đau đã sản sinh ra những câu thơ cho nhân loại: ngàn câu thơ cứ thế trào tuôn/ đau đớn lắm thơ vọt lên từ đất (Xăm-lịa), nhà thơ chấp nhận sấm sét cuộc đời để thơ như núi lửa trào tuôn: cả một thời tuổi trẻ kéo nhau đi/ sấm sét ở lại tìm thi sĩ/ miền đất hứa đau buồn chung thủy/ thơ tuôn trào và núi lửa đang phun (bài 82). Trong sự tuyệt vọng của một tâm trạng cô đơn, nhà thơ đã viết lên những câu thơ tình say đắm nhất – những câu thơ mang bao nhiêu dự cảm đau đớn:
…đêm trộn lẫn anh vào cùng tóc rối
thịt da em là máu với tâm hồn

chưa nói hết tiếng yêu đà vĩnh biệt
thiên hà ơi ta chán lắm những phù hoa
hương huyền hoặc có lần ta ngây ngất
để rồi đi như đứa bé không già

để rồi đi như một kẻ không nhà
lấy hiu quạnh che lên làm mái lán
lấy lòng tin nhen lửa pha trà
lấy kiên nhẫn làm bữa ăn thầm lặng…
(Vĩnh biệt thiên hà)
Viết về tình yêu, Thu Bồn thường đề cập đến những hình ảnh kỳ vĩ, dữ dội, lớn lao như ngọn lửa, đỉnh núi, dòng sông, mặt trời, thiên hà… Tưởng như chỉ có tầm vóc của những hình ảnh kỳ vĩ, phóng khoáng, tự do như vậy mới đủ sức và xứng đáng để ông bày tỏ tình yêu cuồng nhiệt, hoang dã, say đắm luôn thiêu đốt lòng mình. Trong những giây phút tĩnh lặng hiếm hoi, những khoảnh khắc của suy ngẫm và chiêm nghiệm lại lòng mình, đời mình, Thu Bồn lại tự nhận mình là một ngọn gió: em đừng trách anh là ngọn gió/ của trăm miền giờ vẫn thổi xa xăm (Qua quê mẹ), với tình yêu thì đành chấp nhận luôn để vuột khỏi bàn tay, bởi anh như cơn gió làm sao bắt (Hành phương Nam). Nhưng khi lao vào những mối tình, nhà thơ quên hết để trở thành cơn lốc, trở thành bão táp, dữ dội cháy bỏng như lửa:
môi ta chạm môi em – hai cơn lốc
lưỡi ta đầy cay đắng của thế gian
anh sẽ giật em ra khỏi vòng tay bão táp
vùi anh vào đời em như vùi lửa chẳng tàn
(Vĩnh biệt thiên hà)
Rồi khi thảng thốt nhìn lại mình sau những cơn vật lộn ngụp lặn với những ngọn sóng dữ dằn của biển tình, ông lại đau đớn nhận ra mình chỉ là kẻ mù lòa, tên kị mã vết thương đầy người: như kẻ mù lòa tôi đưa tay tìm phương hướng về em (bài 32); em – con ngựa chứng không cương/ anh – tên kị mã vết thương đầy người (bài 27). Và là kẻ ngu si trong một cái vòng lẩn quẩn không lối thoát:
bao khát vọng đưa tay quờ quạng
tôi là kẻ ngu si
sửa soạn trở về lại hóa ra đi
(Bài thơ giã biệt)
Và thấm thía cho niềm đau buồn không phải chỉ ở đời này, mà là niềm đau buồn từ kiếp trước truyền lại, dư âm của nó còn cay đắng đến cả muôn kiếp về sau; niềm đau buồn to lớn bao nhiêu kiếp người, đời người dồn lại:
cái gì se se trong gió
như nỗi buồn của ta từ cõi trước gửi về
cái gì cay cay trong mắt
như niềm riêng ta gửi đến mai sau…
(Nói gì với mùa thu)
Nhà thơ Ngô Thế Oanh nhận định rằng cuộc đời Thu Bồn “là một cuộc đời có thể nói thật đẹp, thật đáng mơ ước, cho dù đã chịu không ít những bất hạnh, những bi kịch”. Và chính Thu Bồn cũng thường viết về những bất hạnh, những đổ vỡ, tan nát trong tình yêu của ông, và cả những hoài nghi, trách móc, giận dỗi người mình yêu nữa. Nhưng tuyệt nhiên ta không tìm thấy ở ông sự căm ghét oán hờn trong tình yêu. Khi yêu, ông run rẩy: bàn tay tôi run rẩy/ làm sao khỏi sánh ra ngoài những giọt nước trong (bài 1); ông luống cuống: tay luống cuống đánh rơi bát đũa/ anh suốt đời là kẻ cô đơn (bài 5); ông lo sợ: tia chớp trong mắt em sáng lóe/ làm sao anh giữ được cơn giông (bài 23); ông hoài nghi: hạnh phúc tôi luôn cầm đằng lưỡi/ em nắm đằng chuôi/ làm sao tôi giữ được/ con dao sắc tình yêu? (bài 13); ông trách móc: em trao anh chìa khóa/ mở bao điều thầm kín tình yêu/ anh có biết đâu/ trong tay em còn một chùm chìa khóa khác (bài 3); ông hờn ghen: áp môi em để tìm ngọn lửa/ anh cứ tưởng em đi ngoài gió lạnh tê/ giờ anh hiểu/ diêm sinh em gửi ông hàng xóm (bài 69); ông tủi phận: gẫy bao nhiêu nhịp ván cầu/ con thuyền mỏng mảnh sông sâu sóng ngầm/ trải qua bao trận mưa dầm/ đời còn chút nắng người cầm đi luôn (bài 21), ông ao ước: … có ngọn lửa em nhen/ soi vào góc tăm tối nhất của anh/ để tìm một cây kim/ khâu lại tất cả mảnh thời gian đã rách (bài 78); ông thách thức: đỉnh núi và mặt trời phía trước/ em có đủ sức bay lên hay gục xuống trước chính mình? (bài 80)… Nghĩa là, ở ông có đủ mọi cung bậc, sắc thái tình cảm, mọi trạng huống tâm lý vẫn thường bắt gặp ở một kẻ si tình, nhưng trước sau ông vẫn là kẻ chung tình, một lòng trân trọng người tình, không hề tìm thấy ở ông bất cứ một lời lẽ nào khinh miệt, xúc phạm đến người tình, dù ông có bóng gió xa xôi đến sự bạc bẽo, sự thay lòng nào đó của người yêu! Bóng gió xa xôi để rồi lại cầu xin được tha thứ trong niềm xa xót: hãy tha thứ cho anh nếu có gì không phải/ bởi lời anh đã nói yêu em/ gió đã thổi dễ gì yên ngọn lửa/ ngọn lửa tin yêu chỉ tắt có một lần (bài 56), để rồi cam chịu và chấp nhận thực tại phũ phàng dẫu lòng đau đớn: thế là hết cánh buồm mỏng mảnh/ trận bão tàn còn lại chỉ mình anh/ em về muộn nhớ ghé bờ nhân thế/ mang theo dùm ngọn lửa gửi tàn canh (bài 81) và cầu nguyện cho sự bình yên của trái tim trụi trần: xin giông bão đừng vào đây nữa/ và gió mưa thôi hãy ở ngoài sân/ vì trái tim đã trụi trần như thân xác/ người ơi người xin hãy nhẹ bàn chân/ cho mặt đất bình yên cây cỏ/ một đời xanh như thể chẳng vì ai (bài 28)!
Dẫu ngọn lửa tình xoay đảo, thiêu đốt nhà thơ cho đến khi cạn kiệt sức lực, cạn kiệt nguồn yêu thì, khi phục sinh hồn nhà thơ vẫn cất lên những tiếng kêu khao khát: anh đã tiêu hết nguồn dự trữ của tình yêu/ anh còn lại chiếc bình cạn nước/ trời sao thắp ngàn tia nến phục sinh/ hồn anh hóa cánh đồng đầy tiếng kêu ếch nhái (bài 41). Có một lần nhà thơ mong muốn sự hồi sinh để lại sống cho tình yêu, một tình yêu thiết thực, cụ thể mà cảm động:
có khi làm chú sao băng
trốn về trái đất ăn năn một lần
rồi xin ở lại cõi trần
làm thơ nhóm bếp đỡ đần cho em
(Ngôi sao lạc loài)
Và có một lần, khi vĩnh biệt em, nhà thơ…hóa đá. Lần đầu tiên trong lịch sử tình yêu nước Việt, có một người đàn ông đã hóa đá, biến thành hòn vọng thê như một lần xin lỗi, một lần đền bù, một lần bày tỏ sự đồng cảm cho bao người thiếu phụ như nàng Tô Thị ngày xưa hóa đá chờ chồng; những bi kịch tình yêu cổ điển đã làm một cuộc đổi ngôi trong thời hiện đại một cách tự nguyện:
tạm biệt Huế với em là vĩnh biệt
Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya
tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng
anh trở về hóa đá phía bên kia
(Tạm biệt Huế)
Tình yêu trong Thu Bồn rộng lớn, mênh mông, rất thành thực nhưng cũng đầy bí ẩn. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ hay nói đến thiên hà, vũ trụ và bị ám ảnh bởi cái hư ảo, sự hư vô của cuộc đời: xin chào Huế một lần anh đến/ để ngàn lần anh nhớ hư vô (Tạm biệt Huế); anh trôi nổi giữa ngực em vô vọng/ mạng ván rã rời buồm trắng hư vô (Vĩnh biệt thiên hà); tôi tìm em trong hư ảo tôi tìm/… sau màn nhung kia là khoảng dịu mềm/ da thịt của hư vô/ bao khát vọng đưa tay quờ quạng (Bài thơ giã biệt).
Dẫu có là hư vô, hư ảo, thì tình yêu như cơn khát muốn uống cạn mặt trời của Thu Bồn vẫn sẽ còn ở lại với người đời khi trên thế gian này còn những trái tim yêu.

 


Trích từ Thu Bồn – nhà thơ trữ tình đất Quảng – NXB Đà Nẵng, 2011.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây