Giới thiệu khái quát huyện Cô Tô
1- Vị trí địa lý:
Cô Tô là một huyện đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh: bao gồm những hòn đảo chơi vơi ngoài tuyến khơi xa bờ nhất, huyện trẻ nhất (mới thành lập), diện tích nhỏ nhất, dân số ít nhất, nhưng lại giữ vị trí tiền đồn hết sức quan trọng trước vùng biển đông bắc của Tổ quốc, có tiềm năng kinh tế đa dạng, từng chịu những biến động quyết liệt nơi đầu sóng ngọn gió và hiện đang phát triển nhanh về kinh tế, xã hội.
Cô Tô ở toạ độ từ 20o10’đến 21o15’ vĩ độ bắc và từ 107o35’ đến 108o20’ kinh độ đông cách đất liền 60 hải lý. Toàn huỵên gồm 30 hòn đảo lớn nhỏ. Trong đó 29 hòn đảo quây quần thành quần đảo Cô Tô mà trung tâm là đảo Cô Tô Lớn và đảo Thanh Lân. Hòn đảo lớn còn lại là đảo Chằn (còn gọi là đảo Trần hoặc Chàng Tây) đứng riêng về phía đông bắc.
Cô Tô giáp vùng biển Vĩnh Thực, TP Móng Cái và vùng biển Cái Chiên, huỵên Quảng Hà; phía tây giáp vùng biển Vân Hải (Minh Châu – Quan Lạn) huyện Vân Đồn; phía nam giáp vùng biển Bạch Long Vĩ thuộc thành phố Hải Phòng; phía đông giáp hải phận quốc tế và xa hơn là vùng biển đảo Hải Nam, Trung Quốc.
2- Diện tích, địa hình:
Năm 2017: Diện tích đất tự nhiên của Cô Tô là 5.005ha. Bao gồm: Đất sản xuất nông nghiệp (352ha, chiếm 7%), đất lâm nghiệp 2.414ha, chiếm 48,2%), đất chuyen dùng (1.100ha chiếm 22%), đất ở (50ha, chiếm 1%). (Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh năm 2017)
Cô Tô có diện tích đất tự nhiên là 4.179ha, vùng biển cũng là vùng ngư trường thuộc huyện rộng trên 300km2.
Cô Tô có địa hình đồi núi. Đỉnh Cáp Cháu trên đảo Thanh Lân cao 210m, đỉnh Đài khí tượng trên đảo Cô Tô Lớn cao 160m. Phần giữa các đảo đều cao, vây quanh là những đồi núi thấp và những cánh đồng hẹp, ven đảo có những bãi cát, bãi đá và vịnh nhỏ. Đất đai chủ yếu là đất phelarit trên sa thạch. Đất rừng rộng 2.200ha .Đất có khả năng nông nghiệp (771ha) chiếm 20% diện tích đất tự nhiên, trong đó một nửa có khả năng cấy lúa, trồng màu, già nửa có khả năng chăn thả đại gia súc và trồng cây ăn quả.
3- Các đơn vị hành chính:
– Bao gồm thị trấn Cô Tô và 2 xã Thanh Lân, Đồng Tiến.
4- Dân số:
Năm 2017: Cô Tô có 6.200 dân, mật độ trung bình là 124,9 người/km2 (Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh năm 2017).
Huyện đảo Cô Tô hiện có 1.500 hộ dân, với gần 6.000 nhân khẩu.
5- Khí hậu:
Cô Tô có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ không khí bình quân 22,5oC (cao nhất 36,2oC vào tháng 6- năm 1976, thấp nhất 4,4oC vào tháng 1-1972) Độ ẩm bình quân 83,6%, lượng mưa bình quân 1664mm/năm, lượng bốc hơi 30,7mm/tháng, tổng số giờ nắng trong năm là 18.306h, số ngày có sương mù bình quân 34 ngày/năm. Gió đông bắc thịnh hành từ tháng 9 đến tháng tư năm sau. Gió đông thịnh hành từ tháng 5 đến tháng 8. Gió nam chiếm ưu thế vào tháng 7. Từ tháng 7 đến tháng 9 thường có 2-3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, tốc độ gió lớn nhất đến 144km/h. Nước biển có nhiệt độ bình quân 27o, thấp nhất là 23o và có độ mặn cao (3,8%).
6- Điểm du lịch và đặc sản của huyện:
– Ấn tượng đầu tiên trong chuyến du lịch đến Cô Tô là ngọn hải đăng được xây dựng cuối thế kỷ XIX, hiện đang hoạt động bằng pin năng lượng mặt trời. Cô Tô sở hữu hàng loạt bãi biển đẹp như bãi Tàu Đắm, Hồng Vàn, Vàn Chải, Bắc Vàn, Vòm Si, Vụng Ông Viên và bãi nằm giữa đảo Cô Tô lớn và đảo Cô Tô con. Trong khi bãi Bắc Vàn có nhiều sao biển thì bãi Cầu Mỵ lại là nơi ngắm sóng và những vách đá kỳ thú. Tuy nhiên, đẹp nhất phải kể đến bãi Hồng Vàn với cát biển trắng mịn trải dài cả cây số, biển sạch và phẳng lì, mặt nước hầu như không có sóng và trong như một tấm gương khổng lồ. Con đường Tình yêu dẫn lối từ trung tâm huyện ra bãi Tàu Đắm. Vị trí đẹp nhất để chiêm ngưỡng hoàng hôn biển là đài ngắm sóng. Đường mòn dẫn lên đài toàn hoa mua và hoa sim tím ngắt. Ngoài ra, bạn có thể thuê thuyền khám phá đảo Cô Tô con và đảo Thanh Lân, chiêm ngưỡng rừng nguyên sinh, bãi biển tuyệt đẹp hoặc tham quan xưởng sứa, câu cá cùng ngư dân…
– Cô Tô không chỉ nổi tiếng bởi cảnh sắc nguyên sơ hữu tình mà còn hấp dẫn du khách bởi nhiều đặc sản quý hiếm. Một trong số đó phải kể đến món bào ngư – ốc cửu khổng xứ đảo. Bào ngư thuộc loại hải sản quý, là một trong tám món ăn tuyệt phẩm gọi là “bát trân” thường xuất hiện trong các bữa ăn vương giả. Bào ngư thường được chế biến thành nhiều món như: nấu soup, hầm, xào, nấu cháo hoặc kết hợp với các nguyên liệu khác như: bào ngư hầm nấm đông cô, bào ngư bông cải sốt dầu hào, bào ngư hầm nấm và thịt nạc heo, bào ngư hầm cháo bồ câu…
– Đảo Cô Tô có nhiều loại thủy hải sản có giá trị kinh tế cao như: cầu gai, cá hồng, cá song, cá mú, cá chim, ghẹ, tu hài, bề bề, tôm nõn, cá thu một nắng, cá ruội… đặc biệt mực một nắng Cô Tô. Ngoài ra phải kể đến món ốc móng tay xào rau răm, sốt me, xào rau muống; nộm sứa…
7- Thành tưu kinh tế- xã hội nổi bật.
+ Năm 2017: Các chỉ tiêu kinh tế đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó, một số chỉ tiêu đạt khá như: Thủy sản đạt 101,3% kế hoạch; tổng thu ngân sách đạt 118,28% kế hoạch; tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 19,3%; khách du lịch tăng trên 20.000 lượt so với năm 2016. Các quy hoạch chiến lược được cơ bản hoàn thành an ninh- quốc phòng được giữ vững. (Theo: Quảng Ninh toàn cảnh 2017).
+ Năm 2018: Kinh tế ổn định và phát triển với tốc độ ổn định đạt 15,8% so với cùng kỳ. Nông lâm, thủy sản chiếm 25,2%, công nghiệp và xây dựng chiếm 15,3%; thương mại và dịch vụ chiếm 59,5%. Thu nhập bình quân đầu người khoản 3.350 DSSD/người/năm. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các hoạt động thương mại, dịch vụ đạt khá. Công tác giải phóng mặt bằng, triển khai thi công các dự án, công trình trọng điểm được đẩy nhanh, cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiến độ của các dự án. Văn hóa- xã hội được quan tâm và đạt nhiều kết quả tốt đẹp; an sinh xã hội được đảm bảo. Chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tốt, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,5%. Các quy hoạch chiến lược cơ bản được hoàn thành, an ninh, quốc phòng giữ vừng.(Theo Quảng Ninh toàn cảnh năm 2018).
Lịch sử phát triển huyện Cô Tô
Cô Tô có tên cổ là Chàng Sơn (Núi Chàng), từ lâu đời đã là nơi cư trú ngụ của thuyền bè ngư dân Vùng Đông Bắc, song chưa thành nơi định cư vì luôn bị những toán cướp biển Trung Quốc quấy phá. Đầu thời Nguyễn, một số dân cư Trung Quốc đánh bắt được những toán cướp biển và xin được nhập cư sinh sống.
Năm 1832, Nguyễn Công Trứ với cương vị Tổng Đốc Hải An (Hải Dương – An Quảng) đã xin triều đình cho thành lập làng xã, cắt cử người cai quản. Làng đầu tiên ở đây được Nguyễn Công Trứ đặt là làng Hướng Hoá. Ít lâu sau, nhà Nguyễn cho thu thuế và lập đồn Hướng Hoá canh phòng giặc biển. Dân cư đông dần, tất cả đều là người gốc nhiều dân tộc thiểu số ở vùng ven biển Quảng Đông, Phúc Kiến và đảo Hải Nam phiêu bạt đến.
Thời Pháp thuộc, Cô Tô là một tổng có năm xã (Đông giáp, Nam giáp, Tây giáp, Bắc giáp, Trung giáp) thuộc châu Hà Cối phủ Hải Đông tỉnh Hải Ninh. Năm 1945, ta chưa kịp lập chính quyền cách mạng thì quân Pháp đã quay lại chiếm đóng Cô Tô. Từ Cô Tô và cảng Vạn Hoa trên đảo Cái Bầu, tàu chiến Pháp vào quấy rối vùng biển Hòn Gai và Hải Phòng. Tháng 11-1946 Đại đội Ký Con giải phóng quân từ Hòn Gai dùng tàu chiến Le Creysac mới chiếm được của hải quân Pháp tiến ra giải phóng Cô Tô nhưng không thành công. Cho đến cuối năm 1955, thực hiện hiệp định Genève, quân Pháp mới rút, Cô Tô được giải phóng. Đầu năm 1954 ta thành lập chính quyền hai xã Thanh Lân, Cô Tô thuộc huyện Móng Cái – Sau đó là hai xã đặc biệt trực thuộc tỉnh, từ 16-7-1964 , hai xã được sáp nhập vào huyện Cẩm Phả.
Ngày 9-5-1961 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Cô Tô, sau đó đây là nơi đầu tiên được dựng tượng toàn thân Hồ Chủ tịch khi Người còn sống. Nay bức tượng Hồ Chủ Tịch cao trên 5m được tôn tạo và giữ gìn đã trở thành một di tích lịch sử – văn hoá được liệt hạng.
Ngày 23-3 -1994, Chính phủ ra Nghị định 28 -CP đổi tên huyện Cẩm Phả thành huyện Vân Đồn đồng thời tách quần đảo Cô Tô gồm hai xã Thanh Lân, Cô Tô thành lập huyện Cô Tô. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 24-12-1994 trên đảo Cô Tô Lớn, lễ đón nhận Nghị định được cử hành trọng thể và huyện đảo Cô Tô chính thức ra đời.