Giới thiệu khái quát huyện Kiên Hải

Giới thiệu khái quát huyện Kiên Hải

Giới thiệu khái quát huyện Kiên Hải

Huyện Kiên Hải là một huyện đảo thuộc tỉnh Kiên Giang, có 23 hòn đảo lớn nhỏ nằm trong khu vực biển Tây Nam. Đơn vị hành chính gồm có 04 xã, diện tích tự nhiên 27,85 km2, dân số 20.550 người. Trung tâm hành chính huyện đặt trên địa bàn xã Hòn Tre cách trung tâm thành phố Rạch Giá về hướng Tây khoảng 30 km đường biển, đảo xa nhất cách trung tâm thành phố Rạch Giá là 90 km (Quần đảo Nam Du), giao thông chính là đường thủy, dân cư sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp và dịch vụ du lịch.

Cuối năm 1982, trước yêu cầu an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế biển đảo, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang nhận thấy vùng biển Kiên Giang rất rộng lớn, nhiều đảo cách đất liền rất xa, có đảo hơn 100 km, rất khó cho công tác quản lý, cũng như chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh trên vùng biển đảo, nên Tỉnh quyết định đề nghị Chỉnh phủ cho thành lập huyện mới, lấy tên là huyện Kiên Hải (Kiên là chữ đầu Kiên Giang, Hải là biển).

Ngày 29 tháng 3 năm 1983, Chỉnh phủ quyết định thành lập huyện Kiên Hải trên cơ sở lấy toàn bộ xã đảo Lại Sơn (gồm cả quần đảo Nam Du và Hòn Tre) của huyện An Biên; quần đảo Hải Tặc, Bà Lụa và Hòn Nghệ thuộc huyện Hà Tiên, huyện có 06 xã gồm: Xã Hòn Tre (trung tâm hành chính huyện), xã An Sơn (quần đảo Nam Du), xã Lại Sơn (hòn Sơn Rái), xã Hòn Nghệ, xã Sơn Hải (quần đảo Bà Lụa) và xã Tiên Hải (Quần đảo Hải Tặc).

Đến năm 1987, điều chỉnh địa giới hành chính lần thứ nhất, Kiên Hải còn 05 xã, xã Tiên Hải được giao về thị xã Hà Tiên.
Đến năm 2000, điều chỉnh địa giới hành chính lần thứ hai, xã Hòn Nghệ và xã Sơn Hải giao về cho huyện Kiên Lương. Kiên Hải còn lại 3 xã là Hòn Tre, Lại Sơn và An Sơn, diện tích tự nhiên là 27,85 km2, gồm 23 đảo, trong đó xã An Sơn gồm 21 đảo.

Năm 2005, xã Nam Du được thành lập, trên cơ sở tách ra từ xã đảo An Sơn huyện Kiên Hải gồm có 10 hòn đảo, với 03 ấp: An Bình, An Phú và Hòn Mấu.

Hiện nay, huyện Kiên Hải có 04 xã, 13 ấp với 23 hòn đảo:

Xã Hòn Tre (hay còn gọi là Hòn Rùa) là xã đảo gần đất liền nhất, từ thành phố Rạch Giá đến Hòn Tre chỉ có 28km về hướng Tây, diện tích 04 km2. Xã có 03 ấp: ấp I, ấp II, ấp III. Dân số trên 4.000 dân. Là trung tâm hành chính của huyện Kiên Hải.

Xã Lại Sơn (còn gọi là Hòn Sơn hay Hòn Sơn Rái) là xã lớn nhất, diện tích 11,7 km2, cách Hòn Tre khoảng 30 km về phía Tây, cách thành phố Rạch Giá khoảng 60 km. Xã có 04 ấp: Bãi Nhà A, Bãi Nhà B, Thiên Tuế, Bãi Bấc. Dân số khoảng 8.000 dân. Xã được Tỉnh công nhận là khu du lịch địa phương và đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2018.

Xã An Sơn cách Rạch Giá 90 km, cách xã Lại Sơn 30 km về phía Tây Nam. Xã có 03 ấp: Ấp Củ Tron, An Cư và Bãi Ngự, có tổng cộng 11 đảo lớn nhỏ. Trung tâm hành chính đặt tại hòn Củ Tron. Diện tích 6,75 km2. Dân số trên 4.000 dân.

Xã Nam Du cách xã An Sơn khoảng 07 km. Có 03 ấp: Ấp An Bình, An Phú và Hòn Mấu, có tổng cộng 10 đảo lớn nhỏ. Trung tâm hành chính đặt tại đảo Hòn Ngang. Diện tích 4,4 km2. Dân số có trên 4.000 dân.

Giao thông của huyện chủ yếu là đường biển nối huyện đảo với đất liền và các xã trong huyện. Có tuyến đường biển chính với tổng chiều dài khoảng 90 km, từ Rạch Giá đi Hòn Tre dài 28km, Rạch Giá đi Lại Sơn 60 km và đi An Sơn, Nam Du là 90km. Hiện nay, trên các tuyến từ Rạch Giá đi Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn đã có nhiều tàu cao tốc hoạt động nên việc đi lại giữa các đảo rất nhanh chóng và thuận lợi.

Hiện nay, các xã Hòn Tre, Hòn Sơn, An Sơn và Nam Du đã được Nhà nước đầu tư làm đường bê tông quanh đảo, ngang đảo, lộ giao thông nông thôn rất thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân trên đảo.

Điện lưới quốc gia đã được Nhà nước đầu tư kéo từ đất liền ra xã đảo Hòn Tre và xã đảo Lại Sơn, riêng 02 xã An Sơn và Nam Du sử dụng điện bằng máy phát 24/24giờ, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân.

Tiềm năng kinh tế của huyện: Huyện Kiên Hải có hải phận rộng lớn, rất thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển, nhất là khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản…Kiên Hải có nhiều đảo với nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ, cát trắng, nước trong xanh như: Bãi Bàng, Bãi Bấc, Bãi Thiên Tuế, Bãi Giếng của xã Lại Sơn; Bãi Cây Mến, Bãi Đất Đỏ, Bãi Ngự của xã An Sơn; Bãi Hòn Mấu, Hòn Dầu của xã Nam Du, cùng với nhiều loài hải sản phong phú, môi trường trong lành và con người thân thiện…là tiềm năng lớn để phát triển du lịch biển theo hướng du lịch sinh thái. Những năm gần đây du khách đến tham quan du lịch Kiên Hải, nhất là xã Lại Sơn và Quần đảo Nam Du ngày càng tăng cao (năm 2014 có 19.600 lượt khách đến năm 2018 có 271.433 lượt khách, tăng 39,71% so với năm 2017). Lại Sơn và Quần đảo Nam Du cũng được tỉnh công nhận là khu du lịch địa phương là tiền đề để du lịch Kiên Hải ngày càng phát triển tương xứng với tiềm năng lợi thế của huyện./.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây