Giới thiệu khái quát huyện An Biên

Giới thiệu khái quát huyện An Biên

Giới thiệu khái quát huyện An Biên

An Biên là huyện vùng sâu của tỉnh Kiên Giang; Tây và Bắc giáp vịnh Thái Lan; Nam giáp huyện An Minh và huyện U Minh Thượng; Đông giáp sông Cái Lớn, ngăn cách với các huyện Châu Thành và huyện Gò Quao. Về hành chính, huyện bao gồm thị trấn Thứ Ba và 8 xã là: Tây Yên, Tây Yên A, Nam Yên, Nam Thái, Nam Thái A, Hưng Yên, Đông Yên, Đông Thái.

Huyện có di tích Bia Chiến thắng Bàu Môn ở xã Hưng Yên, được xây dựng nhằm ghi dấu chiến công của Tiểu đoàn 307. Thế nhưng thời gian gần đây, do thiếu quan tâm chăm sóc nên khu di tích này chìm trong cỏ dại, trở thành nơi phơi củi và quần áo của những người dân xung quanh.

Huyện nằm ở cửa ngõ đi vào vùng bán đảo Cà Mau, trải dài trên trục quốc lộ 63, có đường hành lang ven biển Tây đi qua, sông Cái Lớn chảy dọc phía Đông là tuyến đường thủy chiến lược trong vùng bán đảo Cà Mau, Tây sông Hậu (nối với các tỉnh bạn như: Hậu Giang, Bạc Liêu) trong trục kết nối giao thông đường thủy phía Nam từ thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Đồng thời An Biên còn giáp với biển Tây về phía Tây Bắc, rất thuận lợi cho nuôi trồng và khai thác thế mạnh nghề nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản.

Nông – Ngư nghiệp
An Biên rất thuận lợi cho phát triển vùng trồng lúa chất lượng cao, trồng các loại hoa màu để phục vụ cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Kết thúc năm lương thực 2008, huyện An Biên có diện tích thu hoạch lúa cả 3 vụ (mùa, đông xuân và hè thu) gần 44.945 ha, năng suất bình quân đạt 4,71 tấn/ha, sản lượng đạt 211.873 tấn, vượt 7,74% kế hoạch năm, tăng 23.209 tấn so với năm 2007 (tăng 12,30%). An Biên có bờ biển dài 21 km, cộng với 10.000 ha mặt nước bãi bồi ven biển, rất thuận lợi cho nghề nuôi trồng thủy, hải sản, đặc biệt nơi đây đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt đề án với tổng vốn đầu tư 60 tỷ đồng để nuôi tôm công nghiệp và nuôi tôm quảng canh khép kín. Hiện đã có một số nhà đầu tư đến khai thác nuôi trồng thủy, hải sản có giá trị cao, địa phương còn hỗ trợ nhà đầu tư qua việc nâng cấp cơ sở hạ tầng: thủy lợi, giao thông, điện 3 pha đến tận vùng nuôi tôm… đi liền với nghề nuôi trồng, nơi đây có thể xây dựng thêm các nhà máy chế biến sơ chế thủy sản tại chỗ (thay vì phải vận chuyển về trung tâm để chế biến tốn kém thời gian và chi phí), đồng thời qua đó kích thích các dịch vụ thương mại sẽ phát triển theo: xăng dầu, nhà máy nước đá, mua bán trao đổi hàng hóa, nguồn lao động được giải quyết tại địa phương…

Mô hình sản xuất 1 vụ tôm 1 vụ lúa ở An Biên đang phát huy và đem lại hiệu quả khá tốt nên một số bà con nông dân đã chuyển một phần diện tích chuyên nuôi tôm và chuyên canh 2 vụ lúa sang nuôi tôm và trồng lúa, do vậy diện tích lúa mùa năm 2009 ở An Biên gieo cấy đạt trên 8.846 ha, tăng 18,11% so với vụ mùa năm trước. Sản xuất lúa mùa năm nay không được thuận lợi, một mặt do nông dân gieo cấy sớm không tuân thủ lịch thời vụ, lượng mưa chưa đủ để rửa mặn đã xuống giống, mặt khác do một phần diện tích trên nền đất nuôi tôm nhiễm mặn nặng đã làm thiệt hại trên 38 ha ở xã Nam Thái A. Đến nay các địa phương trong huyện đã thu hoạch dứt điểm diện tích lúa mùa, năng suất ước tính đạt 3,2 tấn/ha, thấp hơn vụ mùa năm ngoái.

Năm 2008, tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản Ô 1 (Thứ Ba – Chống Mỹ – Xẻo Quao – Đê Biển, huyện An Biên) và Ô 2 (Xẻo Quao – Chống Mỹ – Xẻo Nhàu – Đê Biển, huyện An Minh), với tổng kinh phí đầu tư trên 150 ty đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2008 – 2010. Khi hoàn thành công trình sẽ giúp kinh tế trong vùng dự án phát triển ổn định, khai thác bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ hệ sinh thái môi trường, phát triển các loại hình sản xuất đa cây, đa con; phát triển cơ sở hạ tầng tạo địa bàn bố trí dân cư. Đối với phát triển hệ thống giao thông chiến lược sông Cái Lớn: vừa khai thác thế mạnh vận chuyển trong vùng, vừa có thể nuôi các loại cá nước lợ giá trị cao trong lồng bè trên sông kết hợp phát triển du thuyền, du lịch sinh thái trên sông. Trên trục sông Xẻo Rô có thể xây dựng các nhà máy chế biến nông sản các loại, chế biến gạo phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Ngoài ra có thể xây dựng khu thương mại cung cấp hàng hoá phục vụ cho du lịch sinh thái, du lịch về nguồn và các loại hình dịch vụ khác đi kèm.

Công nghiệp
An Biên đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang phê duyệt khu công nghiệp 60 ha nằm trên Quốc lộ 63, thuận lợi giao thông thủy bộ, có thể thu hút nhà đầu tư đến xây dựng các nhà máy chế biến thủy hải sản, nông sản xuất khẩu, bên cạnh có nguồn nguyên liệu dồi dào, nguồn nhân lực sẵn có tại địa phương.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây