Giới thiệu khái quát huyện Mù Cang Chải
Huyện Mù Cang Chải là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái và cách trung tâm tỉnh 185km, cách thủ đô Hà Nội là 365km.
Huyện có tổng diện tích tự nhiên là 119.773,36ha hầu hết là khu vực núi cao bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn, bao gồm nhiều dãy núi liên tiếp nhau chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, giữa các dãy núi là các khe suối thuộc lưu vực Sông Hồng và Sông Đà, độ cao tuyệt đối thấp nhất là cánh đồng Cao Phạ 650 m, cao nhất là đỉnh Lùng Cúng thuộc xã Nậm Có 2.963 m so với mặt nước biển. Địa hình bị chia cắt mạnh, tạo nên các sườn núi trải dài, mái dốc, có độ dốc trung bình 300m, tuy nhiên có nơi có độ lên tới trên 450m.
Phía Bắc giáp huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai; Phía Nam giáp huyện Mường La, tỉnh Sơn La; Phía Đông giáp huyện Văn Chấn; Phía Tây giáp huyện Than Uyên, Tỉnh Lai Châu.
Nhiệt độ: Mù Cang Chải có khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia thành 2 mùa, mùa khô hanh và mùa mưa, nhiệt độ bình quân trong năm là 18,5oC.
Tính đến cuối năm 2015 dân số toàn huyện trên 56.000 người, bao gồm dân tộc Mông, Kinh, Thái và một số dân tộc khác (khoảng 12 dân tộc cùng chung sống) trong đó chủ yếu là người Mông chiếm gần 91% sống rải chủ yếu ở 116 thôn, bản của các xã và 10 tổ dân phố của thị trấn Mù Cang Chải.
LỊCH SỬ VĂN HÓA
Mù Cang Chải là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái có bề dày lịch sử về truyền thống văn hóa lâu đời. Nằm ở vị trí quan trọng về chiến lược không chỉ ở tỉnh mà còn ở cả vùng Tây Bắc của Tổ quốc, vì vậy từ xưa kẻ thù luôn nhòm ngó. Khi thực dân Pháp xâm lược Yên Bái, chúng thường xuyên tổ chức nhiều đợt tấn công lên miền đất này nhưng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của nhân dân các dân tộc dưới sự chỉ huy của các thủ lĩnh người Mông là Giàng Nủ Giao, Thào Chín Lừ, thủ lĩnh người Dao là Đặng Phúc Thành làm cho chúng không vào được mảnh đất Mù Cang Chải.
Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược mảnh đất này lần thứ hai, với truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm, dưới sự lãnh đạo của Đảng những người con quê hương Mù Cang Chải lại anh dũng đứng lên chống Pháp. Tên tuổi các đội du kích gắn liền với các cuộc kháng chiến thần thánh của cả dân tộc góp phần giải phóng quê hương khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp.
Hòa bình lập lại trên miền Bắc, Đảng bộ nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải đã làm tốt phong trào vận động hình thành Khu tự trị, cải cách dân chủ kết hợp xây dựng hợp tác xã, thiết lập quan hệ sản xuất mới. Cùng với quân dân cả nước đảng bộ Mù Cang Chải đã thường xuyên phát động các phong trào chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện cho tiền tuyến lớn, góp phần cùng cả nước đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong giai đoạn thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ Mù Cang Chải đã có những bước trưởng thành vượt bậc từ cuộc sống tăm tối, mù chữ, đói nghèo, phiêu bạt từ cánh rừng này sang cánh rừng khác. Ngày nay, con em người dân nơi đây đã được học chữ, nhiều người trở thành kỹ sư, bác sỹ, thầy giáo giỏi, nhiều người đang giữ các cương vị chủ chốt của tỉnh, của huyện. Ghi nhận những thành quả đạt được vượt bậc và những cống hiến lớn lao, năm 2000, Đảng và Nhà nước đã phong tặng cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải danh hiệu cao quý “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”.
Về văn hóa, huyện Mù Cang Chải có tổng số dân là 48.656 người, trong đó 90% là dân tộc Mông còn lại là dân tộc Thái, Kinh và các dân tộc khác. Sự đa dạng về dân tộc tạo nên cho Mù Cang Chải có một nền văn hóa phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc, đó là sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong toàn huyện.
Về văn hóa của người Mông có những nét rất đặc sắc như nhà ở của người Mông nền đất. Cột và khung nhà bằng gỗ, tường lịa ván mái lợp gỗ pơmu chẻ mỏng. Khi các gia đình người Mông dựng nhà đều làm lễ “ Dựng thần cửa” với ý nghĩa bảo vệ con người và tài sản gia đình.
Tín ngưỡng truyền thống của người Mông là thờ đa thần. Họ thờ cúng tổ tiên là ông bà, cha mẹ…Thờ cúng tổ tiên được coi là nghi lễ tín ngưỡng có tính cộng đồng mạnh mẽ, có tác dụng bảo tồn và gìn giữ cội nguồn văn hóa truyền thống.
Người Mông ăn tết vào đầu tháng 12 âm lịch (trước tết Nguyên đán cổ truyền 1 tháng). Hàng năm vào ngày 30 tết, họ đóng 1 tập giấy bản vào vách, khi mổ gà cúng, lấy lông gà chấm vào tiết dính lên trên tập giấy đó. Người Mông quan niệm thần nhà là biểu tượng cho sự đầy đủ, giàu sang. Ngày tất niên, họ trang trọng làm lễ cúng thần nhà, để tỏ rõ sự biết ơn và cầu xin thần nhà phù hộ cho một năm mới tốt đẹp.
Trong những ngày tết, cộng đồng người Mông thường tổ chức đua ngựa, đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ, hội Gầu tào, ném pao…Thanh niên nam nữ ăn mặc đẹp, rủ nhau đi chơi, thổi kèn lá, kèn môi, ném pao, hát đúm. Ngày tết còn có ý nghĩa là ngày hội giao duyên của các đôi trai gái.
Người Thái ở nhà sàn, trong đó Thái đen nhà chỉ có một cầu thang, hai đầu hồi nhà có hai khau cút, họ thích mặc vải nhuộm chàm, vải đen, vải láng. Nhà sàn người Thái trắng mái hình chữ nhật với những lan can chạy trước nhà, nơi thờ cúng thường được đặt ở góc nhà, trang phục của người phụ nữ Thái thường mặc áo sửa cỏm, nẹp áo cài hai hàng khuy bạc hình bướm, ve sầu, nhện gọi là mắc pém rất đẹp, khoảng giữa cạp váy và gấu áo được cuốn thắt lưng vải màu, đeo xà tích từ 4 đến 8 tua. Kho tàng văn hóa dân gian của người Thái khá phong phú. Dân ca được thể hiện bằng các làn điệukhắp, then, khắp chiêu, khắp páo xao. Trong các dịp hội xuân, hát gọi người yêu, hát đám cưới…khắpxên cốn tai trong đám ma….nhạc cụ sử dụng gồm các loại như pí piềng, pí tam láy, pí một lao. Múa xòe được truyền thụ qua nhiều thế hệ thường được tổ chức trong các ngày lễ hội. Các trò chơi như ném còn, đánh yến cùng các làn điệu hát giao duyên, hát đồng dao, được bảo tồn và phát huy.
Hội chợ tình dân tộc Mông
Chợ tình ở vùng cao Tây Bắc Việt Nam là phiên chợ có truyền thống từ hàng trăm năm nay, được tổ chức cho các nam thanh nữ tú thuộc dân Mông, tới gặp nhau để kết bạn, giao lưu và tìm ý trung nhân.
Các thanh niên nam nữ theo phong tục khi đến tuổi yêu đương sẽ tìm tới đây, mượn tiếng khèn, tiếng sáo réo rắt để thổ lộ tình cảm chứa chan, cũng như mong tìm cơ hội để dốc bầu tâm sự và trút đi những nguồn năng lượng tuổi trẻ dồi dào của mình. Tuy nhiên chợ tình ở Mù Cang Chải nay không còn những nét chân chất của người thiểu số xa xưa nữa, do bị anh hưởng bởi thương mại hóa khá nhiều.
Tục cưới xin của dân tộc Thái
Cũng như các tộc người khác, người Thái coi việc lấy vợ gả chồng là việc quan trọng nhất của cả đời người. Cưới xin chỉ được tổ chức vào từ tháng 10 âm lịch đến tháng 2 năm năm sau. Nghĩa là cuối mùa thu sang mùa xuân; ít ai cưới hỏi vào những tháng oi bức, nóng nực. khi con gái đến tổ tuổi trưởng thành( từ 16 tuổi trở lên) là phải tập dệt vải, khâu va. Thêu thùa để rự mình dệt lấy chăn màn, đệm, gối, chuẩn bị đi nhà chồng. Trước khi đi nhà chồng chuẩn bị được càng nhiều chăn đệm càng tốt, vì khi đã lấy chồng là phải sinh con đẻ cái, bận bịu, không có thời gian để sắm sửa, khâu vá được nữa. Và khi đi nhà chồng (hôm cưới) là phải có quà biếu bố mẹ, ông bà, chú bác nhà chộng mỗi người một bộ chăn đệm , ít nhất là một chiếc gối. Đồng thời cũng là thước đo người con gái đó chăm chỉ hay biếng nhác. để đi đến lễ cưới chính thức phải qua mấy giai đoạn:
Dạm lời: Dạm lời rất đơn giản, gặp bất kể chỗ nào, ở đâu đều hỏi được miễn là nơi vắng người: “Ông (bà) ơi! Nghe đồn nhà Ông (bà) có con khướu hót hay lắm… nhà nấy, nhà nọ muốn muốn xin ông (bà) con khướu về để nó hót cho vui cửa, vui nhà” hay “nhà ông (bà) có bông hoa vừa đẹp lại vừa thơm, nhà bên ấy muốn xin về trồng cho sáng cửa thơm nhà được chăng”.
Dạm tiền: Trước đây người mai mối phải sang nhà gái đặt (gửi) hai đồng bạc trắng. Hẹn nếu 10 ngày nhà gái không trả lại và nhắn ông (bà) mai mối sang để bàn bạc thì coi như nhà gái đã nhất trí. Hai đồng bạc trắng đố thực chất là vật làm tin.
Lễ trầu cau: Sau khi dạm đặt tiền mà nhà gái nhận và nhắn ông (bà) mối sang bàn bạc, chọn ngày lành để làm lễ trầu cau. Ông (bà) về báo lại cho nhà trai phải chuẩn bị bao nhiêu trầu, bao nhiêu quả cau, bao nhiêu bánh thuốc lào, hẹn ngày,giờ thì đưa lễ sang nhà gái. Sang nhà gái hôm đó chỉ có chú rể tuong lai và ông (bà) mối, chàng rể phải mang một đôi gà (một trống, một mái), đôi chai rượu, 4 bát gạo nếp, túi trầu cau, thuốc lào.
Khi đến nhà gái thì người mẹ chào trước và đón lấy túi trầu cau đem vào bày lên mâm đồng; mời chú bác ngồi lại bên mâm trầu cau để nghe ông (bà) mối trình bày. “Đến với ông (bà), chú bác phương ngoại thấy lắm cửa nhiều nhà, là nơi đậu, trốn náu cho con cháu về sau. Nay xin bày xin tỏ, nhờ lộc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, chú bác đã sinh dưỡng được con cái đẹp như bông như hoa. Chúng đã lớn nhờ rau nhiều giỏ, nhờ cỏ nhiều vườn, biết rằng con cái ta đã lớn nhưng chưa có khôn, chưa tròn như nong, như nia con trai đã biết cần tiêu đi chơi khuống, vác khèn đi chơi sàn nơi gái trai hội tụ, mắt liếc mắt phải lòng, mắt nhìn mắt đẹp dạ, nói với nhau những lời hay, bày với nhau những câu lành. Chúng khấp khởi về mách với chú, chúng vui mừng về thưa với cha mẹ. Cha mẹ ,chú bác mới mời mai đưa qua đến trao, nhờ mối đem quá gửi tới nơi bác bá, cha mẹ nhà ngoại đẻ cháu ta thành đôi như đôi đũa, có đôi có lứa đẻ đẹp lòng cha mẹ, chú bác muôn nhà. Phương nội chúng tôi xin có chút quà, chỉ có vài ngọn rau với dăm chén rượu nhạt gọi là, để tỏ chút lòng thành và mong cho chú bác, cha mẹ bên ngoại chung lòng che chở, vun đắp cho mối tình con cháu ta bền chặt, không lạt, không phai”.
Sau đó bố hoặc chú, bác của cô gái đáp từ và xin nhận quà của nhà trai sang gửi. làm thủ tục nhận quà xong thì người nhà gái ưng cả mâm đó lên bàn thờ tổ tiên. Lúc này ông (bà) mới ngồi uống nước, hút thuốc lào , trò chuyện với cha mẹ, chú bác nhà gái. Chàng rể mới thì đun nước mổ gà, cô gai (cô dâu) thì ngâm gạo nếp thổi xôi. Khi thịt gà và xôi chín thì sắp vào mâm rồi gọi ông chú hay bác cô gái đến bưng mâm đặt lên bàn thờ tổ tiên, khấn báo với tổ tiên con cháu trong nhà sắp đi lấy chồng và phục hộ cho đôi trẻ mãi hạnh phúc bên nhau. Và cũng từ giờ phút này, đôi trẻ được gọi bố mẹ hai bên là bố mẹ và được phép qua lại với nhau. Sau lễ này, nhà gái láy trầu cau ra gói, mỗi gói 4 lá trầu, 2 miếng cau, 2 mồi thuốc lào và 2 quyệt vôi (gói bằng lá chuối tươi, gói nhỏ bằng chiếc lá tràu to). Gói xong, nhà gái đưa đi phân pháp cho xóm giềng, họ hành gần xa của nhà gái. Gói trầu là “bức thông điệp” báo tin vui rằng con gái nhà này sắp đi lấy chồng…
Lễ hẹn: Gần giống như lễ trầu nhưng to hơn, bở là lễ đưa chàng rể đi ở rể nhà bố mẹ vợ. Và sau lế này vợ chồng được phép chung chăn chung gối với nhau. Lễ vật phải là con lợn chừng 20 đến 30 kg, gạo nếp từ 10 kg, rượu 10 lít, 2 con gà trống thiến, 1 đôi trống mái, 20 quả cau, 100 lá tràu. Người đưa lễ chỉ có ông (bà) mối với bà cô hay dì ruột của chàng trai; em ruột (hay em họ) của chàng rể mang lễ vật theo ông (bà) mối, chàng rể đến nhà gái.
Sáng sớm, nhà gái đã chuẩn bị sẵn sàng để đón, khi đám rước đến, người chú cô ruột thay mặt họ đón nhận lễ. nhận đủ rồi, chú ruột cô dâu lấy mâm đồng (nhôm) ra sắp trầu cau, thuốc lào, vài đồng bạc trắng rồi phủ vải (hay lụa) đỏ lên và đặt phía dướ bàn thờ tổ tiên. Các bạn gái của cô dâu lấy gạo nếp ra ngâm, chàng rể ngả và các em theo đưa lễ ngả lợn ra làm thịt sau khi cúng báo tổ tiên xong rồi bày mâm cỗ mời cha mẹ, chú bác, họ hàng nhà cô dâu cùng ngồi ăn uống. Trong lúc ăn uống họ cùng nhau bàn, thống nhất thời gian ở rể, định ngày cưới, lễ vật rước rể, đón dâu là bao nhiêu thống nhất với nhà gái rồi ông (bà) mối sẽ về báo với cha mẹ nhà trai để chuận bị.
Rước rể – tiễn rể: Sau khi làm lễ hẹn, thống nhất ngày, gờ, lẽ vật rước rể, cưới rồi thì tiến hành làm lễ rước rể đi ở rể (sống khượi). lễ rước rể không cần linh đình nhưng cũng phải đủ các thủ tục nhà gái yêu cầu. Bởi lễ này đưa chàng rể đi ở rể nhà bố mẹ vợ. Sau lễ 3 ngày hai vợ chồng trẻ phải đưa nhau về thăm bố mẹ chồng. Đến thăm nhà chồng đầu tiên con dâu phải có quà cho bố mẹ: bố chồng một bộ quần áo tự dệt nhuộn chàm đen, mẹ chồng một bộ vái áo, 2 sải vải khuýt (thổ cẩm) đều do tay cô dâu tự dệt. Ngày hôm đó nhà chồng cũng làm cơm mời cô dì, chú bác, anh em họ hàng gần đến ăn cơm mừng cô dâu đến thăm. Bố mẹ chồng cũng tặng quà cô dâu đôi vòng tay, một chiếc vòng cổ bằng bạc.
Đưa dâu – đón dâu: Các bước trong việc lấy vợ, gả chồng, đón dâu là lễ to và quan trọng nhất. Lễ này mới là lễ chính thức nên được gọi là lễ cưới. Lễ này được mời rộng rãi, tất cả con cháu, già trẻ, lớn bé họ hàng và cả bản, bạn bè gần xa đến dự. Lễ cưới của người thái thường tổ chức tại hai nhà trai và nhà gái. Nhà gái vào buổi trưa, nhà trai vào buổi chiều tối.
Chọn được ngày lành, giờ tốt, sáng sớm nhà trai đưa lễ vật sang nhà gái làm mâm cỗ xin dâu. Đi theo đám đón dâu phải có cô hay bà dì của chú rể thay mặt nhà trai để nhận dâu. Sau khi ông mối và nhà gái làm thủ tục với nhau và ăn cơm xong thì đám trai gái đón dâu gói gém đồ đặc của cô dâu thành từng cặp khiêng một, đúng giờ đã định tất cả cùng dậy chào ca mẹ, chú bác, anh em, họ hàng nhà cô dâu rồi đưa đồ đặc ra khỏi nhà, nhà cô dâu cũng cử ông cậu hay bà cô, bà dì thay mặt họ hàng tiễn con cháu đi nhà chồng. Người cô gái đi nhà chồng phải có đủ chăn, màn, gối, đệm nằm, và cha mẹ chia cho nồi niêu, bát đĩa, một con lợn nái, một đôi gà trống mái, một ít thóc, ngô, hạt bông, hạt chàm giống.
Ngày hôm sau, còn có bữa cơm trưa mời ông bà, chú bác nội ngoại của chú rể. Thực chất đây là bữa tổng kết lễ cưới. Trông bữa này cô con dâu mới đưa quà tặng ông bà, chú bác, cô dì nội ngoại và ông bà, cha mẹ, chú bác chồng cũng có quà tặng lại cô dâu. Sau 3 ngày cưới, chú rể đưa vợ lại mặt nhà ngoài và phải ngủ lại một đêm.
Thắng cảnh du lịch
Mù Cang Chải có ruộng bậc thang được xếp hạng di tích Quốc gia thuộc các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, và khu bảo tồn loài, sinh vật cảnh thuộc xã Chế Tạo.
Đến Yên Bái lên huyện vùng cao Mù Cang Chải du khách sẽ ngỡ ngàng trước cảnh núi non hùng vỹ trên dãy Hoàng Liên với những bản làng thanh bình dưới thung lũng xanh hay trên đèo Khau Phạ, bên những ruộng bậc thang nổi tiếng Tây Bắc. Văn hoá canh tác ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc Mông ở La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Zế Xu Phình đã biến tên Mù Cang Chải (tức làng cây khô) thành đồi ruộng mùa màng tươi xanh sức sống cứ từng bậc, từng bậc vươn cao lên trời. Dưới bàn tay con người trải qua hàng chục năm những thửa ruộng bậc thang không chỉ phản ánh một phương thức canh tác độc đáo của tộc người mà còn ẩn chứa nhiều thông số về giá trị lịch sử, văn hoá.
Càng lên cao du khách càng thấy thú vị bởi cảnh quan kỳ vĩ, sự hoành tráng của núi rừng và cũng bởi sự trong lành của khí hậu. Vào mùa xuân, đây đó những cây đào rừng trổ hoa, làm ánh lên sắc hồng tự nhiên xen giữa là màu xanh bạt ngàn của núi rừng Mù Căng Chải. Không chỉ có cái đẹp trong màu hồng của hoa, màu xanh của núi rừng, màu vàng của lúa mà trên mảnh đất này ta còn thấy cái đẹp trong tâm hồn người Mông, trong sự mến khách của đồng bào. Tới đây, dù vào những ngày giá lạnh đến mấy thì cái nồng ấm của tình người cũng xua đi được cái lạnh giá đặc trưng của miền sơn cước.
Khoảng 500 năm trước người Mông di cư từ Trung Quốc về Mù Cang Chải sinh sống,khi đến Mù Cang Chải, đất đai còn màu mỡ nên người Mông chủ yếu du canh, du cư, nhưng sau một thời gian canh tác, đất đai bạc màu dần và người Mông bắt đầu định canh định cư trên những mảnh nương rẫy của mình. Trong quán trình nương, rẫy người dân thấy tại cùng một mảnh nương nơi nào gần nước hơn thì lúa tốt và năng suất cao hơn, qua năm này đến năm khác nơi lúa có nước vẫn tốt hơn và đát ít bị bạc màu hơn. Do vậy, người dân đã nghĩ ra cách trồng lúa trong những đầm lầy venh thung lũng ban đầu họ đáp thành những ô nhỏ sau đo mở rông dần, đáp bờ to và kéo dài hơn. Dân số ngày càng tăng nhu cầu về lương thực ngày càng lớn diện tích trồng lúa trong các đầm lầy ngày càng khan hiếm, nên họ đã nghĩ ra cách đào mương dẫn nước về những nơi không có nước mà địa hình tương đối bằng phẳng, sau đó họ đắp bờ ngăn nước và hình thành nên những thửa ruộng thô sơ đầu tiên, sau một thời gian phát triển họ mở sang những nơi có địa hình dốc hơn ở các sườn đồi, núi, trong khoảng 300 năm hình thành và phát triển người dân tộc Mông đã tạo nên những đồi, núi ruộng bậc thang kỳ vĩ như ngay nay. Lịch sử hình thành ruộng bậc thang gắn liền với lịch sử cư trú của tộc người Mông Mù Cang Chải.
Quy trình làm ruộng bậc thang: Xưa kia, người Mông chọn những mảnh đất tốt dưới chân đồi, hai bên sườn đồi hoặc trên sườn núi đất không dốc quá 50º; và điểm đặc biệt là phải có nguồn nước tự nhiên là nằm cạnh các con suối hay có mạch nước đùn lên. Họ chặt ngọn một số cây gỗ lớn trên mảnh đất đó làm dấu hiệu xác lập quyền khai khẩn. Khi điều kiện thời tiết thuận lợi hoặc đã huy động đủ nhân lực, việc khai khẩn được tiến hành, thường vào mùa xuân (khoảng tháng 1, 2, 3) để có thể tháo nước vào sử dụng ngay trong tháng 4, 5 cho kịp thời vụ. Để tạo ra được thửa ruộng bà con người Mông phải phát cỏ và các loại cây nhỏ, dọn sạch mặt đất, sau đó dùng cuốc đánh các gốc to rồi tiến hành đào và san. Khó khăn nhất là tạo mặt bằng cho ruộng. Mặt bằng ruộng có liên quan đến việc giữ nước và chia đều nước cho toàn ruộng.
Việc đào và san ruộng là khâu kỹ thuật đòi hỏi các kỹ năng trong việc khai khẩn ruộng bậc thang. Ruộng đạt tiêu chuẩn phải đủ 2 tiêu chí cơ bản là mặt bằng ruộng và nguồn nước ngâm chân cho lúa. Người Mông nơi đây đã làm được điều này trong điều kiện hết sức khó khăn để đảm bảo cho việc canh tác lúa nước trên sườn đồi và chân các quả đồi. Việc tiếp theo là làm bờ ruộng. Trong hệ thống ruộng bậc thang, bờ ruộng là yếu tố quan trọng đóng vai trò là “bức tường” giữ nước. Người ta thường dùng cuốc bướm cào đất thành bờ, dùng chân dẫm và gáy cuốc đập mạnh vào để nén chặt bờ ruộng. Độ chênh lệch giữa thửa ruộng trên và thửa dưới thường là 1 – 1,5m. Khi có nước tháo vào ruộng, bờ sẽ cứng lại.
Công việc khai khẩn được nối tiếp từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên các triền ruộng tựa như những bức tranh nghệ thuật hoành tráng treo trên các sườn đồi. Đây là nét độc đáo của loại hình canh tác mang đậm sắc thái của cư dân vùng cao huyện Mù Cang Chải. Vào mùa Hạ, đó là những bức thảm mơn mởn màu xanh lúa non và đến mùa Thu lại trở thành những làn sóng lúa chín vàng rực rỡ. Những sóng lúa vàng trải dài dưới thung lũng, xếp tầng lớp men theo sườn đồi, đỉnh nối đỉnh. Sắc vàng của những cánh đồng chín xen lẫn sắc xanh của những cánh đồng nối vụ tạo thành dải lụa mềm mại, trong nắng mùa thu miền rẻo cao.
Du khách sẽ được tận mắt trông thấy ruộng bâc thang Mù Cang Chải là những cánh đồng ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp nối tiếp nhau, ngút ngàn đến tận trời xanh. Ruộng bậc thang nghiêng mình, uốn lượn qua những quả đồi mộc mạc mà giản đơn. Ruộng bậc thang nơi đây đẹp nhất vào lúc bình minh sáng và buổi chiều lúc hoàng hôn. Với vẻ đẹp vốn có, ruộng bậc thang không chỉ là niềm tự hào của người dân mà còn làm say lòng biết bao con người đã từng đặt chân tới vùng đất này. Theo từng mùa thì ruộng bậc thang Mù Cang Chải lại có một vẻ đẹp riêng. Đầu xuân, những thửa ruộng bậc thang được chăm chút bao đời của người Mông đã bắt đầu mướt xanh trên các cánh đồng. Mùa gặt ở Mù Cang Chải thường rơi vào giữa tháng năm và tháng mười dương lịch, mênh mông màu vàng sóng lúa, màu vàng của đất đỏ, hương vị của rừng núi hòa với không khí trong lành của vùng cao.
Càng lên cao Mù Cang Chải lại càng thú vị không chỉ đẹp trong màu xanh của núi rừng, màu vàng của những cánh đồng lúa bạt ngàn, màu vàng của đất đỏ, mà tại đây ta còn thấy cái đẹp trong tâm hồn người Mông, trong sự mến khách của đồng bào. Tới đây, dù vào những ngày giá lạnh thì sự nồng ấm của tình người cũng xua đi được cái lạnh giá đặc trưng của miền núi
Mù Cang Chải ngày càng trở nên gần gũi hơn không chỉ đối với các du khách địa phương, mà còn cả với các du khách nước ngoài. Đến thăm nơi đây, du khách có thể thả tâm hồn mình vào với núi rừng, hít thở không khí trong lành với khí hậu mát mẻ, rất tốt để có thể thư giãn vào những kỳ nghỉ dài. Hơn thế nữa, du khách còn có thể tận mắt chứng kiến những cánh đồng ruộng bậc thang ngút ngàn, đẹp nên thơ và ghi lại chân thực được hình ảnh của nơi đây, được chìm đắm trong sự nồng ấm, hiếu khách của những người dân bản địa hiền hậu. Từ những bàn tay lao động cần cù, ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã trở thành kỳ quan, là danh thắng quốc gia cần được bảo tồn và phát triển. Nét văn hóa đặc sắc vùng cao và vẻ đẹp tuyệt vời của ruộng bậc thang đã tạo nên một Mù Cang Chải đẹp và hấp dẫn trong lòng du khách mỗi khi đến nơi đây, trong câu hát và trong những vần thơ. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được biết đến là kỳ quan nhân văn của vùng Tây Bắc, một bức tranh hùng vĩ hoành tráng và cũng là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của đồng bào Mông. Tất cả đã tạo nên một vẻ đẹp thân thiện và hữu tình hấp dẫn du khách, tạo ra một không gian văn hóa, du lịch sôi động và đa sắc màu.
Mùa xuân đến với Mù Cang Chải, du khách sẽ được đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên của những rừng thông cao vút bạt ngàn, của sắc hồng hoa đào rừng, của sắc trắng hoa ban, hoa mận, được ngắm mây bay rập rờn trên đỉnh núi hay dưới thung lũng. Bên cạnh đó, hương rừng, trái rừng và những làn gió mát rượi của vùng đất này cũng khiến cho tâm hồn khách tham quan trở nên thư thái.
Bên cạnh hình ảnh của núi rừng Mù Cang Chải, du khách còn được chứng kiến cuộc sống của những con người nơi đây, nét cần cù, chịu khó, với các phong tục tập quán mang đậm bản sắc vùng cao. Đến đây còn được tham dự các trò chơi như ném pao, đánh đu của các cô gái, chàng trai người Mông và tham dự những lễ hội văn hoá khác.
Do vị thế của mình nên ở đây vẫn còn lưu giữ được những vùng rừng đa dạng sinh học như rừng nguyên sinh Chế Tạo nằm ở phía Nam dãy Hoàng Liên Sơn với nhiều loại động thực vật quý hiếm ở Việt Nam và trên thế giới như quần thể vượn đen tuyền
Ngoài việc thưởng ngoạn những cảnh đẹp du khách đến đây còn được đi dã ngoại, đi leo núi, cắm trại, tắm ở suối nước nóng và thưởng thức những món ăn ngon với nhiều hương vị độc đáo, hấp dẫn một cảm giác dễ chịu mà ít nơi nào có được.
Sự hấp dẫn của Mù Cang Chải, đặc biệt đối với những nhà nhiếp ảnh, nhà thơ khiến cho nơi đây dù có heo hút xa xôi cách trở thế nào cũng phải đến cho kỳ được chính là những thửa ruộng bậc thang ôm viền trên những triền núi – một kỳ quan một kiệt tác nghệ thuật do bao thế hệ của người Mông khai phá được .
Toàn huyện Mù Cang Chải có diện tích: 119.773,36 ha, trong đó diện tích ruộng bậc thang có trên 5.000 ha, phân bố ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, gần 500 ha trong số đó đã được Bộ Văn hóa -Thể thao – Du lịch công nhận danh lam, thắng cảnh cấp quốc gia, tập trung chủ yến tại các xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha. Diện tích tuy nhỏ nhưng là những kỳ tích hàng trăm năm khai phá của đồng bào. Đến với Mù Cang Chải dù chỉ một lần du khách cũng cảm nhận được sự giàu có của thiên nhiên, đặc biệt du khách sẽ được ngắm những “mâm xôi xanh, mâm xôi vàng” của ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Núi tiếp núi, đồi tiếp đồi, ruộng lúa ở thung lũng, ruộng leo lên đồi, ruộng lồi trên non, đó là ấn tượng ban đầu khi du khách được đặt chân đến vùng đất vùng cao Mù Cang Chải.
Mù Cang Chải những nơi chưa khám phá
Hang động Pú Cang nằm trên địa phận bản Pú Cang xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải. Gần hang động còn có thác nước Pàng Zàng với độ cao trên 200m. Trong hang có nhiều cột nhũ đá được kiến tạo qua rất nhiều năm lấp lánh đan xen như một mê cung trong truyện cổ tích.
Hang động nằm trên một ngọn núi cạnh xã Ngọc Chiến của tỉnh Sơn La. Muốn đi vào đây phải đi qua bản Pú Cang, xã Nậm Khắt và đi tiếp gần 1 km nữa là đến hang động. Ngay khi đến cửa, du khách sẽ cảm thấy một làn gió mát khoan khoái, dễ chịu. Bên trong có nhiều nhũ đá nối liền sàn và trần hang với nhiều hình thù kỳ lạ. Đó là kết quả của quá trình nhỏ giọt của nước mang theo cặn đá vôi. Theo các nhà nghiên cứu, mỗi năm, trụ đá chỉ có thể dài thêm 1 mm. Bởi vậy, để có những cột đá cao hàng chục mét, thiên nhiên đã phải tốn đến hàng nghìn năm. Càng vào sâu bên trong lớp nhũ đá lại hiện lên càng nhiều với những hình dáng khác nhau. Có rất nhiều măng đá, nhũ đá nhiều màu sắc đã tạo nên nhưng nét riêng biệt để du khách thỏa trí tưởng tượng. Có hàng nhũ đá nối dài như áng mây bay, có nhũ đá hình giọt nước nhỏ xuống như bầu sữa mẹ, nhưng có nhũ lại gióng như hình cô gái với đầy nét duyên thầm, càng ngắm nhìn càng yêu hơn, càng khám phá lại càng say đắm lòng người.
Hang động Háng La thuộc bản Pú Cang xã Nậm Khắt cách trung tâm thị trấn khoảng 45km. Cái tên “Háng La” được bắt nguồn theo tiếng của người Mông có nghĩa là “hang khỉ”. Hang động Háng La như tập trung một quần thể kiến trúc cổ xưa với vẻ đẹp hoang sơ và tĩnh mịch với nhiều cột đá, trụ đá, măng đá nhỏ nhắn, cao vút như muốn vươn tận trời xanh. Sâu bên trong hang còn có một bộ bàn ghế bằng đá mà những người già trong bản Pú Cang xã Nậm Khắt kể lại nơi đây từng là điểm trú ẩn và họp bàn của cán bộ kháng chiến thời chống Pháp.
Để hang động này được tôn tạo và thu hút khách du lịch, năm 2017, Công ty Cổ phần Thịnh Đạt đã nhận để tu sửa và vun đắp, nhất là nạo vét bùn, kéo điện vào trong hang và tạo đường đi sao cho thuận lợi. Đến nay, bên trong hang đã cơ bản sửa xong với những dòng điện thắp sáng lung linh càng tô thêm vẻ đẹp của hang, đặc biệt là các nhũ đá đang treo lơ lửng giọt nước, như bầu sữa mẹ.
Ngay cạnh hang động Pú Cang là dòng suối Háng La với những chiếc cầu gỗ do người dân tự làm bắc qua suối để đi đến những thác nước chảy cao hàng trăm mét. Nhưng đẹp nhất vẫn là thác Pàng Zàng. Đây là thác 3 tầng cao hơn 200 mét. Từ đường đi vào thác Pàng Zàng phải mất khoảng 20 phút đi bộ và dọc theo hai bên bờ suối. Suối Háng La có nghĩa là suối “hang khỉ” bắt nguồn từ trên cao xuống với nước trong xanh và người dân tại đây cho biết suối này có rất nhiều cá.
Hiện xã Nậm Khắt là một trong những xã có tuyến đường giao thông rất thuận lợi cho việc đi lại và khám phá trải nghiệm bởi tuyến đường liên tỉnh của huyện Mù Cang Chải đi vào huyện Mường La, tỉnh Sơn La và xã Nậm Khắt có nhiều phong cảnh hữu tình rất đẹp, nhất là hang động, rừng nguyên sinh và khí hậu trong lành hòa quyện trong núi rừng và tắm suối nước nóng. Ngay tại xã Nậm Khắt còn có nhà nghỉ du lịch cộng đồng phục vụ du khách nếu có nhu cầu nghỉ ngơi và sinh hoạt.
Du khách đến trải nghiệm tại xã Nậm Khắt không những được đắm mình trong phong cảnh núi rừng tự nhiên, hang động, tắm suối nước nóng mà còn được thưởng thức những món đặc sản của đồng bào Mông với hương vị của núi rừng Tây Bắc./.
Tiềm năng thế mạnh huyện Mù Cang Chải
Toàn huyện nằm trên vùng cao thuộc sườn phía Tây dãy núi Hoàng Liên Sơn. Độ cao trung bình là 900m, độ dốc trung bình toàn huyện là trên 400, có nơi dốc đến 700.
Diện tích đất tự nhiên có độ cao trên 1.000 m chiếm 84% tổng diện tích tự nhiên, địa hình bị cắt xẻ dữ dội nên công tác khai thác lãnh thổ, phát triển cơ sở hạ tầng gặp rất nhiều khó khăn.
Trên địa bàn huyện không có sông lớn mà chỉ có hàng chục khe suối với tổng chiều dài khoảng 360km, đều bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn, tạo nên mạng khe suối dày đặc với mật độ 0,3 khe/km2. Trong số đó có suối Nậm Kim chảy xuyên suốt chiều dài huyện với tổng chiều dài trên địa phận huyện Mù Cang Chải là 75km theo hướng Đông Nam – Tây Bắc đổ xuống sông Đà. Suối Nang Khú (xã Chế Tạo) dài 35km, suối Ta Sa (xã Nậm Có) dài 28km, suối Tư Sang (xã Nậm Có) dài 25km, suối Lao Chải dài 27km, suối Nậm Khắt dài 20km, suối Đình Hồ dài 12km…
– Chợ, phố xá
Toàn huyện hiện có 02 chợ bán kiên cố là chợ Trung Tâm và chợ Ngã Ba Kim (Púng Luông), 01 chợ tạm là chợ Khau Mang. Chợ Trung Tâm và chợ Ngã Ba Kim có diện tích là 300m2, đây là trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp của các cụm xã xung quanh.
Tại trung tâm huyện lỵ có một bưu cục II và tại khu vực Ngã Ba Kim (Púng Luông) có một bưu cục III hoạt động đầy đủ các nghiệp vụ cơ bản.
Hiện nay huyện có hai trạm thuỷ điện nhỏ là Nậm Mơ ở xã Hồ Dề công suất xây dựng 20KW, công suất thực phát là 12KW và thuỷ điện Nậm Kim (xã Kim Nọi) công suất xây dựng 140KW.
– Sản vật (lâm, thổ sản, khoáng sản…)