Giới thiệu khái quát huyện Phụng hiệp

Giới thiệu khái quát huyện Phụng hiệp

Giới thiệu khái quát huyện Phụng hiệp

   Trước ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, Phụng Hiệp là một huyện của tỉnh Phong Dinh; Sau ngày giải phóng 30/04/1975 đến năm 1992, huyện Phụng Hiệp thuộc tỉnh Hậu Giang; Từ năm 1992 đến năm 2003, huyện Phụng Hiệp thuộc tỉnh Cần Thơ; Từ năm 2004 đến nay, huyện Phụng Hiệp thuộc tỉnh Hậu Giang (ngày 26/11/2003, Quốc hội có Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh trong đó có việc chia tỉnh Cần Thơ thành 2 đơn vị hành chính là thành phố Cần Thơ  trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang).

   Ngày 26 tháng 07 năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2005/NĐ-CP, về việc thành lập thị xã Tân Hiệp, tỉnh Hậu Giang; thành lập phường, xã thuộc thị xã Tân Hiệp (nay đổi tên thành thị xã Ngã Bảy).

  Thực hiện Nghị định này, huyện Phụng Hiệp tách ra thành 2 đơn vị hành chính mới là thị xã Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp.

  Huyện Phụng Hiệp tiến hành xây dựng trụ sở tạm tại thị trấn Cây Dương và di dời về trụ sở mới vào cuối năm 2010.

II – ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN:

 Phụng hiệp là một huyện vùng nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang, trung tâm huyện Phụng Hiệp nằm trên tỉnh lộ 927 cách trung tâm tỉnh Hậu Giang 37 Km có diện tích 483,66 Km2­­­, dân số 193.704 người.

1. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:

   Huyện Phụng Hiệp nằm ở phía Đông của tỉnh Hậu Giang, địa hình chạy theo sông, kênh, rạch và các đường Quốc lộ chính như; đường tỉnh 927,đường 928, Quốc lộ 61 tiếp giáp với các huyện, tỉnh khác như sau: Phía Bắc giáp huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang;  Phía Đông giáp huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang; Phía Nam giáp huyện Châu Thành và huyện Mỹ Tú tỉnh Sóc Trăng; Phía Tây giáp huyện Vị Thủy và huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Huyện chia thành 15 đơn vị hành chính gồm 03 thị trấn: Cây Dương, Kinh Cùng, Búng Tàu và 12 xã: Phụng Hiệp, Long Thạnh, Thạnh Hòa, Tân Bình, Hòa An, Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng, Hòa Mỹ, Phương Bình, Phương Phú, Tân Long và Bình Thành.

Có vị thế nằm gần với sông Hậu và nhiều kênh trục chạy qua, đồng thời quy mô đất đai và dân số của huyện lớn là tiềm năng và lợi thế cho phát triển kinh tế – xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

 2. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA HÌNH:

   Địa hình của huyện nhìn chung khá bằng phẳng, cao độ có xu thế thấp dần theo hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây thấp dần vào giữa huyện, đã tạo thành các khu vực có địa hình cao thấp khác nhau.

3. KHÍ HẬU:

   Huyện Phụng Hiệp nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo với những đặc trưng sau:

   Nhiệt độ cao đều trong năm (trung bình 26,8­­­oC), tháng 4 nóng nhất (nhiệt độ trung bình 28,3oC) và tháng giêng thấp nhất (nhiệt độ trung bình 25,5oC). Nắng nhiều (trung bình 2.445 giời/năm, 6,7 giời/ngày), điều kiện khí hậu khá thuận lợi để cây trồng sinh trưởng – phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao.

   Lượng mưa bình quân năm đạt 1.635 mm và phân hóa sâu sắc theo mùa. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11 với lượng mưa chiếm 90% tổng lượng mưa trong năm. Mùa khô bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 3 với lượng mưa chỉ chiếm 10% tổng lượng mưa trong năm.

4. SÔNG NGÒI:

   Phụng Hiệp có hệ thống sông ngòi chằng chịt với nhiều con sông lớn nhỏ. Sông Hậu là nguồn cung cấp nước chủ yếu trên địa bàn huyện với nguồn nước dồi dào quanh năm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế -xã hội của huyện đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.

II. KINH TẾ – XÃ HỘI

1. VỀ NÔNG NGHIỆP:

   Nông nghiệp vẫn là thế mạnh của huyện, những năm qua, ngành nông nghiệp huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trên cơ sở quy hoạch phát triển sản xuất hợp lý, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và sinh thái của từng vùng. Năm 2012 toàn huyện gieo trồng được 52.035 ha lúa (3 vụ), sản lượng 295.543 tấn. Nhiều vùng chuyên canh lúa, mía, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao mức sống người dân, xóa hộ đói, giảm hộ nghèo.

   Ngoài lúa và cây ăn trái, huyện Phụng Hiệp còn chú trọng phát triển cây mía, là vùng nguyên liệu mía của tỉnh Hậu Giang. Niên vụ mía năm 2012, huyện Phụng Hiệp trồng được 9.705 ha, sản lượng 823.836 tấn, giá bán từ 780 – 960 đ/kg; gần trung tâm huyện Phụng Hiệp là Công ty Mía đường – cồn Long Mỹ Phát và nhà máy đường Phụng Hiệp đó là điều kiện thuận lợi để tiêu thụ mía trên địa bàn huyện. Bên cạnh thế mạnh cây lúa và cây mía truyền thống, huyện Phụng Hiệp còn tận dụng lợi thế tự nhiên để đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản. Phong trào chăn nuôi thủy sản ở huyện Phụng Hiệp nở rộ trong vài năm gần đây. Bước đầu chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp, chủ yếu trong ao, vèo, lồng… ven các tuyến kênh, rạch. Mỗi khi mùa nước về, thay vì sản xuất lúa vụ 3 kém hiệu quả, người dân chuyển sang nuôi cá dưới ruộng.                

   Tuy nhiên, do quy mô các mô hình sản xuất nhỏ, chỉ góp phần cải thiện cuộc sống cho nhiều hộ dân nông thôn, chứ chưa thể khai thác hết tiềm năng, thế mạnh nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Về thủy sản năm 2012 toàn huyện thả nuôi 3.999,05 ha cá các loại với sản lượng 30.694,5 tấn. Dựa vào lợi thế tự nhiên của 2 xã Hiệp Hưng và Tân Phước Hưng có các tuyến kênh lớn như: kênh Quản lộ Phụng Hiệp, Lái Hiếu, Cây Dương…, huyện Phụng Hiệp đã quy hoạch thành công vùng nuôi thủy sản có giá trị thương phẩm của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và phục vụ cho xuất khẩu.

2. CÔNG NGHIỆP:

   Nằm trên địa bàn huyện là các Công ty: Công ty cổ phần Việt Long VDCO sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản, Công ty TNHH hải sản Việt Hải và một số Hợp tác xã làm ăn có hiệu quả. Nhằm phục vụ cho nhu cầu nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện cũng như các huyện khác trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp: toàn huyện có 765 cơ sở CN-TTCN với trên 3.529 lao động. Về hoạt động sản xuất tổng sản lượng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt 1.182 tỷ đồng. Về thương mại, dịch vụ: tổng giá trị đạt 3.172 tỷ đồng.

3. GIAO THÔNG:

   Trong những năm gần đây, huyện Phụng Hiệp đã và đang tập trung đầu tư phát triển mạng lưới giao thông bộ đặt biệt là giao thông nông thôn.

   Hệ thống giao thông nông thôn đường bộ, về cơ bản, đã hoàn chỉnh. Trước đây, phương tiện giao thông nông thôn chủ yếu là ghe, tàu, thì đến nay xe 2 bánh dễ dàng đi lại trong cả hai mùa mưa nắng, trên tất cả các tuyến đường nông thôn; xe ôtô con từ trung tâm huyện đến được tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn.

4. DÂN CƯ:

   Dân số trung bình của huyện: 193.704 người, dân cư phân bố không đều, tập trung nhiều ở nông thôn (170.496 người), ở thành thị (23.208 người).

5. GIÁO DỤC:

   Hiện nay, huyện Phụng Hiệp hiện hơn 1.440 Giáo viên từ bậc tiểu học đến phổ thông trung học và số phòng học là 751 với 27.373 học sinh các cấp. Toàn huyện có 55 điểm Trường  trong đó: có 39 Trường Tiểu học, 12 Trường trung học cơ sở và 4 Trường phổ thông trung học.

6. Y TẾ:

   Do kinh tế phát triển nên huyện đã có điều kiện tập trung vốn đầu tư cho trường học, trạm y tế, giao thông, điện, nước sạch, vệ sinh môi trường… làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.

   Trên địa bàn huyện có 01 Bệnh viện đa khoa, 14 trạm y tế xã thị trấn. Công tác Y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được thực hiện khá tốt, thường xuyên tổ chức khám bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Công tác dân số, gia đình và trẻ em được các ngành, các cấp quan tâm phối hợp thực hiện. Các chỉ tiêu về KHHGĐ hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch.

7. VĂN HÓA THÔNG TIN:

   Phụng Hiệp có 01 Trung tâm văn hóa, 11 nhà văn hóa với 12 thư viện, phòng đọc sách và 112 nhà thông tin, đáp ứng nhu cầu về văn hóa thông tin cho nhân dân trên địa bàn huyện. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được phát động rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân và được duy trì thường xuyên. Hệ thống truyền thanh được bố trí đều khắp, 15 xã, thị trấn được phủ sóng phát thanh, chất lượng tin bài và thời lượng phát sóng được nâng lên, phát huy tốt vai trò cơ bản là cầu nối gắn liền giữa Đảng với dân, giữa dân với Đảng.

8. CHÍNH SÁCH XÃ HỘI:

   Huyện luôn chú trọng đến công tác thương binh xã hội, xây dựng quỹ “đền ơn đáp nghĩa”, giải quyết chính sách đối với các gia đình có công với cách mạng như chi trả và trợ cấp, lương cho các đối tượng chính sách kịp thời, xây dựng nhà tình nghĩa, lập sổ vàng tiết kiệm…

III – DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA:

    Các di tích lịch sử văn hóa trong huyện không nhiều, song đều mang đậm dấu ấn lịch sử, truyền thống cách mạng và văn hóa của dân tộc Việt Nam như Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Cần thơ, tượng đài Tây đô :

1. KHU DI TÍCH CĂN CỨ TỈNH ỦY

   Vị trí: Khu căn cứ Tỉnh ủy còn gọi là căn cứ Bà Bái, nằm ở địa phận ấp Phương Quới, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

   Đặc điểm: Toàn bộ khu di tích được xây dựng trên khoảng đất vườn rộng 6ha, được bao bọc bởi bốn chiến hào: kênh Xáng, Lái Hiếu (phía đông nam), kênh Cả Cường (phía Đông bắc), kênh cũ (phía Tây bắc) và kênh Bà Bái (phía Tây nam).

cn%20c%20tnh%20y - Giới thiệu khái quát huyện Phụng hiệp

Cổng vào Khu căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ

    Trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của toàn miền Nam, các đồng chí trong Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ cũng từ đây đi theo các mũi tiến công về Cần Thơ, Vị Thanh và các trọng điểm khác của “Vùng IV chiến thuật”, đánh chiếm sân bay Trà Nóc, dinh tỉnh trưởng Cần Thơ. Vào hồi 11h30 ngày 30/4/1975, tiếng nói đầu tiên của UBND cách mạng được phát lên sóng của đài phát thanh Cần Thơ.

    Khu di tích bao gồm: Hội trường, nơi diễn ra các cuộc Hội nghị quan trọng của Tỉnh ủy Cần Thơ, rộng 151m2, được làm từ các vật liệu chính là: tràm, đước, sắn và mù u…

    Bên trong Hội trường là Văn phòng làm việc của Ban Thường vụ và đồng chí Bí thư. Từ năm 1980, nhà này được sử dụng để trưng bày các hiện vật về di tích. Đó là hình ảnh những buổi lễ kết nghĩa Trung Đoàn U Minh, những hiện vật khác như: pháo lép từ các đồn bót địch bắn vào, những trái Gạt Gài bảo vệ chung quanh căn cứ,… vỏ lãi và máy koler mà trước đây Tỉnh ủy Cần Thơ sử dụng đi chỉ đạo phong trào cách mạng từ năm 1972 – 1975. Ngoài ra, di tích còn trưng bày chân dung Hồ Chủ tịch qua bức tranh sơn dầu của họa sĩ Phong Trần; bốn bộ bàn liền ghế, máy dầu, bốn vạt giường tre của các đồng chí Thường vụ và nhiều ảnh lưu niệm, các loại vũ khí cá nhân và vũ khí do các đồng chí ta tự tạo để bảo vệ căn cứ. Năm 1986, tỉnh Cần Thơ (cũ) đã trùng tu khu di tích. Toàn bộ cột của Hội trường và hai hầm tránh pháo được đúc bằng bê tông cốt sắt, nhưng hình dáng, màu sắc và qui cách giống hệt như xưa.

   Du khách thường đến đây tham quan vào những ngày lễ hay ngày nghỉ cuối tuần, họ vừa tham quan vừa giao lưu với các bạn ở tỉnh khác, đôi khi nơi đây là địa điểm được chọn tổ chức những buổi kết nạp đoàn. Khi du khách đến thăm khu di tích  sẽ có cán bộ thuyết trình, giới thiệu những hiện vật và quá trình hoạt động cách mạng của các cán bộ lãnh đạo cũng như lịch sử hình thành của khu căn cứ này. Khu di tích có diện tích ban đầu là 6 ha, nhưng thời gian tới để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách tham quan, khu di tích sẽ được huy hoạch thêm khoảng 4 ha nữa. Nơi đây sẽ có thêm khu ngủ, nghỉ và khu vui chơi giải trí như: vườn sinh thái, sân bóng,… khi đó du khách có thể đến và ở lại nhiều ngày. 

2. TƯỢNG ĐÀI TÂY ĐÔ

    Tiểu đoàn Tây Đô được thành lập ngày 24/6/1964 tại xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp với lời thề “Ra đi là chiến thắng, đánh là tiêu diệt”. Tiểu đoàn đã lập nên hàng loạt những chiến công làm quân thù khiếp sợ. Những trận Ông Hào – Áng Khám, Tân Hiệp, Cờ Đỏ, Quang Phong… càng khẳng định ý chí quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Tiểu đoàn Tây đô đã vinh dự được Đảng và Nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

    Để tôn vinh những giá trị lịch sử và giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau, năm 1984 UBND tỉnh Cần Thơ đã quyết định xây dựng tượng đài di tích địa điểm thành lập Tiểu đoàn Tây Đô. Qua thời gian 27 năm tượng đài đã xuống cấp. Đến năm 2010 Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu giang thống nhất chủ trương quy hoạch xây dựng mới trên diện tích hơn 10.000m2 với tổng kinh phí đầu tư gần 15 tỉ đồng. Với nhiều hạng mục như tượng đài hai nhân vật cao 4m, bệ tượng cao 1,2m, phù điêu dài 10m, phòng trưng bày với gần 200 bức ảnh thể hiện toàn bộ quá trình chiến đấu, sản xuất của tiểu đoàn qua các thời kì.

hinh%20tay%20do - Giới thiệu khái quát huyện Phụng hiệp

Tượng đài Tây đô

    Ngày 2/2/2012 Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang đã tổ chức lễ khánh thành khu di tích địa điểm thành lập Tiểu đoàn Tây Đô tại xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Tượng đài Tây Đô là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng nói chung, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp nói riêng để ghi nhớ lại quá trình xây dựng và phát triển của tiểu đoàn Tây Đô trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bảo vệ tổ quốc. Khu di tích tượng đài có một ý nghĩa hết sức thiêng liêng, cao cả thể hiện khí phách hào hùng, ngoan cường, trung liệt của tiểu đoàn Tây Đô năm xưa và cũng là niềm tự hào của các thế hệ “ Bộ đội Cụ Hồ” hôm nay.

IV. KHU BẢO TỒN  THIÊN NHIÊN LUNG NGỌC HOÀNG

   Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được thành lập theo Quyết định số 13/2002/QĐ-TTg ngày 14-01-2002 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được thành lập trên cơ sở đất đai của Lâm trường Phương Ninh, phía Bắc giáp xã Phương Bình; phía Nam giáp xã Phương Phú; phía Đông giáp xã Tân Phuớc Hưng (thuộc huyện Phụng Hiệp); phía Tây giáp huyện Long Mỹ. Tổng diện tích khu bảo tồn là: 2. 805, 37 ha, bao gồm: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 976, 28 ha, phân khu phục hồi sinh thái: 963, 45 ha, phân khu hành chính, dịch vụ, du lịch: 404, 61 ha, khu thực nghiệm khoa học: 461, 03 ha. Vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng có diện tích 8.836, 07 ha.

Khu bảo tồn sinh thái quy tụ các loài sinh vật quý hiếm, phong phú, nhiều chủng loại:                        

   Về thực vật, các cánh rừng trong lung hiện nay có đầy đủ hệ thực vật thuộc hệ sinh thái đất ngập nước với những quần thể rất đa dạng. Đó là các loài dây choại mọc dưới gốc hoặc trên thân tràm, lau, sậy, bòng bong… Những loài trên cạn cũng khá nhiều như trâm sắn, ngái lông, mua, gừa…Đến tháng 11-2009, tại lung đang tồn tại trên 330 loài thực vật với 224 chi, 92 họ. Trong số này có 56 loài mới phát hiện. Với số loài thực vật phong phú như vậy, lung Ngọc Hoàng sẽ là nơi nghiên cứu khoa học, bảo vệ các thảm thực vật quý, đồng thời kết hợp phát triển du lịch sinh thái, tái tạo các mảng sinh cảnh trên vùng đất ngập nước hiếm hoi còn sót lại của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

1512 - Giới thiệu khái quát huyện Phụng hiệp

   Về động vật, Lung Ngọc Hoàng hiện quy tụ nhiều loài động vật quý hiếm, trong đó có loài đang nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như rái cá lông mũi, rùa nắp, rắn hổ mang… Tất cả có 206 loài, trong đó có chín loài chim quý hiếm là bạc má, cà cuốc, cò ốc, giang sen, cò lạo xám, ác là… và các loài thú như dơi chó, rái móng, chồn mực, cáo mèo cùng các loài quý hiếm khác như càng đước, cua đinh, rùa vàng, ếch giun, cá còm…

hinh%20lung%20ngoc%20hoang - Giới thiệu khái quát huyện Phụng hiệp

   Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng thật sự là nơi phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ các loài sinh vật bản địa, đặc biệt là các loài động vật quý hiếm, tái tạo các mẫu sinh cảnh cuối cùng còn sót lại của vùng đồng bằng ngập nước Tây Sông Hậu. Cung cấp nguồn giống sinh vật tự nhiên cho các tỉnh phụ cận… Trong tương lai khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng sẽ là nơi nghỉ ngơi, giải trí… cho du khách tham quan trong và ngoài nước. Đến Lung Ngọc Hoàng, du khách có dịp đi xuồng nhỏ giăng câu, thả lưới, đâm cá….Du khách sẽ gặp những cánh đồng hoang vu xa tít tận phía chân trời với những bầy le le, cò trắng chập chờn tung cánh giữa mênh mông hoang dã…

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây