Giới thiệu khái quát huyện Can Lộc

Giới thiệu khái quát huyện Can Lộc - Tỉnh Hà Tĩnh

Can Lộc là vùng đồng bằng nằm ở phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh, cách trung tâm tỉnh lỵ 20 km. Tổng diện tích đất tự nhiên 30.212,66 ha. Tính đến cuối năm 2020 toàn huyện có 37.924 hộ với 130.054 nhân khẩu, trong đó số hộ nghèo chiếm 3,04 %; hộ cận nghèo chiếm 4,34%. Có 18 đơn vị hành chính gồm 02 thị trấn và 16 xã. Có 196 đơn vị cấp thôn, Tổ dân phố (trong đó có 163 thôn và 33 Tổ dân phố). Phía Bắc giáp huyện Nghi XuânThị xã Hồng Lĩnh, phía Tây giáp huyện Đức Thọhuyện Hương Khê, phía Nam giáp huyện Thạch Hà, phía Đông giáp huyện Lộc Hà.

Địa hình huyện Can Lộc chia làm 3 vùng: Vùng núi Trà Sơn, Vùng Đồng bằng, Vùng ven chân núi Hồng Lĩnh.

* Về đất đai: Tổng diện tích đất 30.212,66 ha, gồm:

– Đất nông nghiệp: 21.975,34 ha; trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp: 14.565,75 ha (Đất trồng cây hàng năm: 10.835,84 ha; Đất trồng cây lâu năm: 3.729,91 ha). Đất lâm nghiệp: 6.784,25 ha. Đất mặt nước NTTS: 383,98 ha và Đất nông nghiệp khác: 241,36 ha.

-Đất phi nông nghiệp: 7.258,8 ha.

– Đất chưa sử dụng: 978,52 ha.

* Về lao động:

– Tổng dân số trong độ tuổi lao động toàn huyện tính đến cuối năm 2020: 84.733 người, chiếm 65.54% dân số. Trong đó, lao động tham gia hoạt động kinh tế 70.310 người. Cơ cấu trong các ngành kinh tế như sau: Nông, lâm, ngư nghiệp 26.789 người, chiếm 38,19%; Công nghiệp, xây dựng 18.414 người, chiếm 26,19%; Thương mại, dịch vụ 25.045 người, chiếm 35,62%;

– Tổng số lao động có việc làm qua đào tạo 30.880 người, tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo khu vực nông thôn đạt 53,08%.

* Về di sản văn hóa:

– Tính đến tháng 10/2021, huyện Can Lộc có 89 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó có 1 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 18 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, 70 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

– Can Lộc là cái nôi của Hát Ví Phường Vải Trường Lưu, cội nguồn của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, 2 di sản Mộc bản trường học Phúc Giang và Hoàng hoa sứ trình đồ được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Có di tích danh thắng nổi tiếng Chùa Hương Tích, được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam” …

Trong những năm qua, nhờ phát huy những thành quả đạt được, khắc phục mọi khó khăn nên đã giành được kết quả khá toàn diện. Giá trị sản xuất bình quân hàng năm tăng từ 5 – 9%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 32,5%; Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp – Xây dựng 34%; Thương mại – Dịch vụ – Du lịch 24,4%; Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 39,75 triệu đồng/người/năm (Trong đó khu vực nông thôn đạt 38,44 triệu đồng). Huy động, xã hội hóa tốt các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất ngày càng đồng bộ. Đã cứng hóa, nâng cấp, sửa chữa 589 km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và trên 227 km kênh mương thủy lợi nội đồng, xây dựng 29 trú sở, nhà văn hoá xã; xây mới nâng cấp 182 nhà văn hoá thôn, 92 công trình trường học, 19 trạm y tế 2 tầng và hàng trăm công trình hạ tầng phúc lợi khác. Sản xuất nông nghiệp từng bước theo hướng sản xuất hàng hóa, hữu cơ, sản phẩm cam quả vùng Trà Sơn có chất lượng và giá trị kinh tế cao đã được chứng nhận chỉ dẫn đia lý ngày càng khẳng định được chổ đứng trên thị trường; Hình thành Khu công nghiệp Hạ Vàng và một số cụm TTCN, làng nghề, trong đó một số đã khẳng định chất lượng và thương hiệu sản phẩm như mộc Yên Huy, nề Tân Vịnh,…. tiềm năng, lợi thế về du lịch tiếp tục được khai thác, phát huy, đặc biệt là du lịch văn hóa tâm linh gắn với trải nghệm xây dựng nông thôn mới với nhiều địa điểm tham quan như di tích Ngã Ba Đồng Lộc – Khu dân cư kiểu mẫu Sơn Bình – Khu du lịch sinh thái Cữa Thờ – Trại Tiểu; Chùa Hương Tích, Mộc bản Trường Lưu,… Lượng khách tăng nhanh, mỗi năm đón hơn 50 vạn khách đến tham quan, vãn cảnh; doanh thu từ dịch vụ du lịch tăng cao, tạo đà phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện nhà. Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm, huyện đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư nhà máy xử lý rác của huyện tại thị trấn Nghèn với công suất xử lý giai đoạn 1 đạt 40 tấn/ngày đêm cơ bản đáp ứng việc xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn; Các xã đã hoàn thành quy hoạch, xây dựng và đưa vào sử dụng bãi tập kết rác thải phục vụ trung chuyển rác và xây dựng nhà máy xử lý rác thải đảm bảo xử lý toàn bộ rác thải trên toàn huyện. Phong trào ”Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, chú trọng chất lượng, tính bền vững các danh hiệuChất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được nâng lên, giáo dục mũi nhọn chuyển biến tích cực, số học sinh giỏi các cấp hàng năm đều tăng, là một trong những đơn vị tốp đầu của tỉnh. Công tác y tế, chăm sóc khỏe, dân số – kế hoạch hóa gia đình ngày càng được quan tâm. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và thực hiện chính sách an sinh xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân và đảm bảo an sinh xã hội chuyển biến tích cực; Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được chú trọng, an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Cuối năm 2019 huyện Can Lộc đã hoàn thành 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 05 tiêu chí cấp huyện nông thôn mới và được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới trước kế hoạch 01 năm./.

                                                                                                                                                                                                                                                   BAN BIÊN TẬP

 

CAN LỘC TRONG TIẾN TRÌNH
LỊCH SỬ VIỆT NAM

NHỮNG NGÀY HUYỀN SỬ

Những phát hiện khảo cổ học trong phạm vi huyện Can Lộc của chúng ta, cho đến nay hãy còn rất ít. Các huyện bên cạnh như Nghi Xuân, Thạch Hà, đã tìm được những điểm như Thạch Lạc, bãi Phôi Phối cho đến một nền văn hóa thuộc hậu kỳ thời đại đá mới, cách đây trên năm ngàn năm. Tại Can Lộc chỉ mới được thông báo về di chỉ Rú Nghèn (phát hiện cuối năm 1976). Ở đây đã nhặt được một số rìu đá dáng thô chế tác từ đá trầm tích. Có đồ gồm: phần lớn là mảnh vỡ của đồ đựng và sinh hoạt. Kỹ thuật chế tạo bằng bàn xoay thủ công, hoa văn trang trí đơn giản, phổ biến là văn thừng thô. Di chí Rú Nghèn thuộc loại hình cồn đất ven đồi phân bố vùng ven biển Hà Tĩnh, giống như di chỉ rú (ở Thị xã), cùng tính chất văn hóa với các loại hình cồn cát ven biển như Phôi Phối (Nghi Xuân), Thạch Tiến (Thạch Hà) hoặc loại hình cồn so điệp Thạch Lâm, Thạch Lạc, Thạch Vĩnh (Thạch Hà).

Chúng ta đang phải chờ đợi thêm nhiều cuộc khai quật khác, nhất là ở vùng Hồng Lĩnh để có những thông tin, những ước đoán về thời kỳ tiền sử ở Can Lộc. Do đó chưa có thể có nhiều ý kiến về chặng đường này trên quê hương Can Lộc. Riêng di chỉ Rú Nghèn có cho thấy những đặc điểm chung của các di tích hậu kỳ thời đại đá mới ở Hà Tĩnh.

Chưa có nhiều những cứ liệu khảo cổ học, nhưng ở Can Lộc lại ở nhiều điều mách bảo của huyền sử và dã sử. Và đây lại lá những điều mách bảo đặc biệt. Nhân dân vẫn thường kể chuyện vào những ngày trời tháng bụt nào đấy, trên núi Hồng Lĩnh đã có ông Khổng Lồ (tục gọi là ông Đùng) có nhiều phép lạ mà lại có những cách thức sinh hoạt bình dị như những người dân lao động dưới trần. Ông thường hiện diện khắp nơi, cả ở Can Lộc, Nghi Xuân và ở tận trên Hương Sơn, Hương Khê, ra ngoài Diễn Châu, Quỳnh Lưu nữa. Có câu chuyện Ông cũng làm nghề đi bán cá: Những trái núi như rú Con Mèo, rú Cơm v.v… đều là những sản phẩm bất kỳ do Ông tạo nên. Trên đỉnh rú Hống còn nhiều vật: những viên đá to để làm đe, những hố sâu nghe nói là do Ông Đùng đùn tay móc xuống mấy tầng địa đạo để lấy sắt, ông chính là vị tổ của những người làm nghề thợ rèn ở Can Lộc và Đức Thọ v.v… Chuyện hoang đường nhằm tôn vinh nghề nghiệp hay có chứa một cái lõi thực tế nào mà chúng ta chưa có khả năng giải thích? Nhưng câu chuyện huyền sử thì quả tình phải buộc nhiều nhà nghiên cứu và chúng ta tìm tòi suy nghĩ. Đó là câu chuyện núi Hồng Lĩnh (và địa bàn Can Lộc) chính là cố đô của đất Việt Thường. Không một địa điểm nào trên cõi Việt Nam có một câu chuyện huyền sử tương tự để khẳng định ở đó cũng là kinh đô của Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân. Một đô thành có trước đất Tổ Hùng Vương  ngoài Phú Thọ. Chính từ đây mà Kinh Dương Vương Lộc Tục ra đi để lập kinh đô vũng Nghĩa Lĩnh và để kết hôn với nhiều người đẹp khác ở Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang v.v…. Chuyện có đáng tin hay không, có thể minh chứng bằng những sử liệu chắc chắn hay không thì còn phải chờ thời gian và chờ công phu nghiên cứu. Tất nhiên không được phép để len vào đây đầu óc địa phương chủ nghĩa, hoặc phương pháp giám định sử sai lầm. Nhưng điều đáng chú ý là những thông tin này đã nhắc nhủ ta phải quan tâm đến miền đất Việt Thường (vẫn được nhắc đến khi ta nói về 15 bộ của nước Văn Lang). Tin vào sự hiện diện của Việt Thường, thì cũng có thể nghĩ đến địa bàn Can Lộc, Nghi Xuân ngày nay có liên quan đến một cố đô ở phương Nam nước Việt. Can Lộc chúng ta vẫn có quyền mơ tưởng về một viễn tưởng xa mờ sau màn sương lịch sử, những óng ánh vẻ huy hoàng ấy.

Vả lại, cũng không chỉ có truyền thuyết về một cố đô Việt Thường. Ta cũng được nghe nhắc đến đây là nơi vốn là miền đất quen thuộc của các vua hùng, hay của những nhân vật – có thực hay không có thực của thời đại Hùng Vương. Thơ ca cổ Việt Nam vẫn thường nhắc đến vợ chồng Chử Đồng Tử – Tiên Dung ở núi Quỳnh Viên hay chuyện tiếng đàn của Vua Hùng trên núi Thiên Cầm. Những người viết về các thần thoại, tiên thoại này cố nhiên là có khuynh hướng tâm linh khác với chúng ta ngày nay, nhưng đều là những cây bút có trọng lượng (như trường hợp Lê Thánh Tông) nên ta phải dành một sự trân trọng!” kính nhi viễn chi”. Mà đã như vậy thì cũng không thể dễ dàng bác bỏ. Cuối cùng còn có chuyện nàng công chúa Diệu Thiện và Trang Vương, hay chuyện linh ứng thần kỳ… còn phải thẩm tra, nhưng đều gợi ý về một địa bàn cư trú của người dân Can Lộc về một ngày tháng xa vời thì không thể nào bác bỏ được.

Bên cạnh những gợi ý của huyền sử còn có một số lượng thông tin khác cũng có thể giúp cho ta suy nghĩ về miền đất – Can Lộc vào những ngày đầu công nguyên cho đến năm sáu thế kỷ tiếp theo đó. Nhiều sách vở nói về truyền bá của Phật giáo và Đạo giáo cho thấy những năm tháng ấy ở miền Bắc nước ta để hình thành nên những chùa chiền, có nhiều nhà sư giảng kinh và thu nhận nhiều đồ đệ. Như trường hợp đất Luy Lâu, mà chùa Dâu còn lại đến bây giờ là một trung tâm thịnh đạt. Những sách vở ấy cũng hé cho thấy vùng Ngàn Hống có thể là một trung tâm khác với chùa chiền. Các vị sư Châu Ái, Châu Hoan rất được quần chúng ngưỡng mộ và có nhiều tín hữu, cùng với những sư trưởng, tăng già, số đạo sỹ cũng thường được nhắc đến. Nhân vật Cao Biền rất quen thuộc với các miền địa phương này. Có một thực tế như vậy thì chắc chắn phải có nhiều điểm hội tụ cư dân. Châu Ái, Châu Hoan lúc này không còn là nơi quạnh hiu, thưa thớt. Can Lộc lại nằm trong trung tâm điểm vùng Ngàn Hống, chắc là đã dần dần tự hình thành nên một vùng đất chưa phải là sầm uất đồ hội, nhưng đây đó đã khá tấp nập đông vui.

HÀNG NGÀN NĂM TỪ HÀ HOÀNG ĐẾN THIÊN LỘC

Tất nhiên chưa thể xác định được dứt khoát vào tháng năm nào, miền đất giờ đây được gọi là  là Can Lộc đã thanh một đại bàn ổn định, có thôn xóm cấp xã và có cấp huyện hẳn hoi. Cái tên Hoàn Châu, Nhật Nam đã có từ đời  nhà Đường, và ta còn được biết là vào đời Trinh Quán (627-649) Hoan Châu gồm có 4 huyện: Cửu Đức, Việt Thương, Phố Dương, Hoài Hoan. Nhưng chính thức đất Can Lộc thuộc huyện nào thì chưa kê cứu được chính xác. Nhân dân ở đây đã bắt đầu hội thụ và dần dần đã có ý thức về một quốc gia, nay ít nhất cũng đã thấy cần có quyền tự trị hay tự chủ. Hai bà Trưng nổi lên đánh Tô Định, bà Triệu nổi lên đánh nhà Ngô, Lý Bôn thành lập nước Vạn Xuân v.v…. là những chứng cứ hùng hồn. Lúc đó nhân dân Can Lộc đã góp phần vào những cuộc đấu tranh này chưa? Chắc chắn là có, vì chỉ vài trăm năm sau 722, đã có Mai Thúc Loan dựng nổi cơ đồ, xây thành Vạn An, chống lại bọn xâm lược. Ở Can Lộc còn lưu thành câu ca dao:

Từ cơn Vạng đến Bằng Vai

Cụp cờ còn đó, nhớ ai cắm cờ.

Ai Cắm cờ đây là chỉ con trai Mai Hắc Đế. Ranh giới các huyện lúc này chưa biết đã thật rõ ràng chưa. Song chắc đã có sự giao lưu giữa các vùng này là Nghi Xuân. Can Lộc, Thạch Hà đến Nam Đàn bên kia sông Lam. Dù không có văn bản chính xác, song nói rằng ta đã hình thành lên một miền quê để làm phên dậu cho Tổ quốc ở phương nam trong đó có địa bàn Can Lộc là điều không phải nghi ngờ gì nữa. Và cũng khá chắc chắn rằng từ thời Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn v.v… chính quyền trung ương đã vươn tay tới đây. Các làng xã nông thôn tự củng cố lấy địa bàn và thực lực của mình. Nhà nước thì phải lo khai phá, kiến thiết để có điều kiện liên lạc giao thông mà quy về một mối. Ta đã biết là vào đời Tiền Lê việc giao thông được coi trọng. Ngô Tử An vào mở đường bộ, Hồ Thủ Ích đào sông Châu Giáp khơi đến cửa Nam Giới là những bằng chứng. Thời gian nay cũng là lúc ở nơi này, nơi khác thường nổi lên những cuộc bạo động; rồi cách Can Lộc không xa, các nước Chiêm Thành, Chân Lạp luôn luôn gây hấn với nước Nam. Nhà Lý phải cho Ký Phật Mã nhiều lần vào đánh  Hoan Châu chính là vì thế.

Nhưng dần dần chính quyền Trung ương đã tiến cử được những người đắc lực, xây dựng các vùng biên cương trở nên an lạc thịnh vượng. Có công với nhân dân Nghệ An (lúc này Hoan Châu đã được đổi thành Nghệ An Châu (1036) là Lý Nhật Quang người em của Lý Thái Tông. Ông vào đây từ 1041, đã giúp cho miền đất này – từ Nam Đàn vào đến Kỳ Anh trở nên một vùng hòa bình trù phú. Nhân dân ở đây nhất là Nghi Xuân, Can Lộc, Nam Đàn đều thờ Lý Nhật Quang, công nhận ông là vị Thành hoàng của làng mình. Có Lý Nhật Quang ổn định được châu quận, Nhà Lý thường tiến hành những chiến dịch vượt biên giới đánh sang phía bên kia. Năm 1044 vua Lý đánh vua Chiêm Thành là Sạ Đẩu, bắt nàng Mỵ Ê. Năm 1069 Lý Thánh Tông lại đánh chiếm, thu đất Bố Chánh v.v… tại các chiến dịch ấy, quân và dân đất Hà Hoàng (có Can Lộc ở trong) đã phục vụ một cách đắc lực.

Tiếp theo Lý Nhật Quang, Tô Hiến Thành dưới thời Lý Anh Tông là người có công với châu quận Nghệ An. Từ Thanh Hóa vào Hà Tĩnh. Sau này Tô Hiến Thành được nhiều nơi thờ làm Thành Hoàng. Chắc chắn là cả hai ông đã biết võ yên dân chúng, ổn định chính quyền cai trị, làm cho các làng mạc có tổ chức phân minh. Có thể dự đoán rằng những hương, những lý, những thôn đã được sắp đặt tương đối có quy củ vào lúc này. Can Lộc lúc bấy giờ được ở trong cái thế ổn định chung ấy.

Còn phải lưu ý thêm một điều rằng, lúc này Phật giáo bước vào thời kỳ toàn thịnh: Dưới triều Lý rồi triều Trần tiếp đó. Nhiều tài liệu cho biết chùa chiền được thành lập nhiều; chùa Uyên Trừng ở Nghi Xuân. Chùa  Hương ở Can Lộc được biết đến là dựng vào đời Lý. Các công trình kiến trúc phật giáo cũng không hiếm. chứng tỏ dân chúng đã đạt đến một trình độ văn minh nhất định. Xung quang các chùa chiền, các công trình kiến trúc như vậy nhất định là có đông đảo cư dân. Can Lộc cũng như nhiều địa phương ở châu Nghệ An đã trở thành những điểm nông thôn trù phú.

Cuộc sống cứ tuần tự tiến lên, Can Lộc cùng với châu Nghệ An đã trở thành vững chắc của đất nước ta. Sang đời Trần nhiều vị quan danh tiếng có chiến tích được nhân dân ca ngời. Đó là: Trường hợp của các vị Nghệ An kinh lược sử như Phí Mãnh. Đỗ Thiên Hứ, Đoàn Nhữ Hài. Nhưng không rõ các vị này có dịp nào đi kinh lý đến Can Lộc hay không, sử sách không chép được. Nhưng ta biết là mấy phần đất phía trong được mang tên Hà Hoa (trong có Can Lộc) vẫn được nhà cầm quyền quan tâm chú ý. Nhân tài địa phương đã thấy xuất hiện. Một người con của Can Lộc đã được giữ trọng trách tại chốn biên thùy, đó là Đặng Tất, được nhà Hồ cử phụ trách đất Hóa Châu. Ông là một trong những người Can Lộc đầu tiên trở thành nhân vật lịch sử lỗi lạc của Việt Nam thế kỷ XIV. Ông bị vua Trần là Giản Định đế đối xử một cách bất công. Nhưng con trai của ông là Đặng Dung vẫn không phản bội nhà Trần mà dốc lòng phò tá Trần Quý Khoáng, và đã hy sinh vì đất nước trong trận đánh toan bắt sống tướng nhà Minh là Trương Phụ. Cả nước lúa bấy giờ chiêm ngưỡng tấm gương của nghĩa sĩ. Can Lộc, được phát biểu thấm thía và xúc động trong bài thơ thuật hoài:

Quốc thù vị báo đầu tiên bạch

Kỷ độ long toàn đái nguyệt ma

(Thù nước chưa xong đầu đã bạc

Mài gươm mấy độ bóng trăn cao).

(Nguyễn Hiệt Chi dịch)

Như vậy, vào cuối thế kỷ XIV sang đầu thế kỷ XV, người Can Lộc không những đã viết thêm trang oai hùng cho lịch sử chính trị, mà còn tô đẹp thêm cho lịch sử văn học Việt Nam nữa.

Nhà Trần, nhà Hồ thất bại, giặc Minh xâm chiếm nước ta. Huyện Hà Hoàng phải đổi tên là huyện Phi Lộc cùng với đất Nha Nghi (rất rộng, bao gồm cả một số huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Nghi Lộc bây giờ). Phi Lộc phải chứng kiến những nỗi niềm đau xót của đất nước. Cha con Hồ Quý Ly bị bắt ở cửa biển Kỳ La, Hoàng Hối Khanh tự tử ở Cửa Hội. Địch có những thủ đoạn đàn áp khủng bố và bóc lột khốc liệt. Dân chúng Can Lộc hồi đó rên xiết dưới gông cùm của giặc.

Nhưng không phải dân ta cam chịu cuộc sống đọa đày, chưa đủ sức lật đổ kẻ thù, ta phải cố gắng dưỡng uy súc nhuệ. Ta vẫn cố mở mang cơ nghiệp, xây dựng xóm làng từ đầu đời nhà Hồ. Một số tôn thất họ Trần đã tìm về những nơi hẻo lánh, thiết lập trang trại chăm lo sản xuất để tích lũy sức người, sức của, lặng lẽ phát huy thành quả ấy. Một bà Hoàng Hậu đời Trần đã tìm về Can Lộc lánh nạn cùng với thủ hạ, họ hàng và dân bản địa lập ra làng mạc ở vùng đất Thường Nga bây giờ. Hai cha con một nhà khoa bảng đã không chịu làm quan với bọn quan lại nhà Minh, đưa nhau về khai phá ruộng đảm bảo cuộc sống tự túc và hướng dẫn cho dân chúng chăm lo sản xuất. Đây là trường hợp Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy. Sau này Sử Hy Nhan còn là một nhà văn, một sử gia có công trình xuất sắc đóng góp cho văn học nước nhà.

Nhưng tinh thần quật khởi vốn là truyền thống của dân tộc ta mà địa phương Can Lộc cũng như nhiều nơi không bao giờ chịu ngừng tiếp nối. Một số người con của Can Lộc đã cố gắng vươn lên dựng cờ chiến đấu chống chọi với giặc Minh. Đáng kể ở Can Lộc là trường hợp của nhiều nhân vật xuất thân ở các tầng lớp khác nhau: có lớp là dòng dõi quan lại như Phan Liêu – Người này vốn là con của viên quan đã đầu hàng làm tay chân cho địch tên là Phan Quý Hựu. Chứng kiến cảnh nhục nhã của kiếp tôi đòi, con trai của Phan Quý Hựu là Phan Liêu đã quay ngọn giáo chống lại quân Minh để khỏi đắc tội với Tổ quốc; có lớp là nghĩa sĩ nổi lên trong đám quần chúng bình dân, đã tự chiêu mộ thủ hạ ngang nhiên phất cờ nghĩa như trường hợp Nguyễn Biên; có người thuộc vào các giới thương nhân, thủ công cố gắng mở rộng quan hệ giao lưu tiến đến khởi nghĩa Lam Sơn (Thanh Hóa), để được đứng dưới lá cờ Phục Quốc của Lê Lợi. Trường hợp Nguyễn Xí có thể là một ví dụ điển hình. Quê Nguyễn Xí ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) hay Nghi Lộc (Nghệ An) nhưng ông vẫn có thể được xem là người Can Lộc. Một tổ của ông được biết có ở Kỳ Trúc, nhân dân vẫn thường gọi là mộ Đức Thánh, và rất nhiều làng xã ở Can Lộc đã thờ Nguyễn Xí làm Thành Hoàng. Có thể Bùi Cẩm Hổ cũng đã có bước đi ban đầu thế nào đó nên sau này ông mới trở thành vị quan có trọng trách dưới triều Lê Thái Tông. Và đi theo Nguyễn Xí, còn có bao nhiêu người nữa mà sử sách không ghi chép được.

Khi đất nước mới giành được độc lập đã có cuộc sống thanh bình, nhân dân các châu huyện, trấn thành đem nhau xây dựng và học tập, có lẽ lúc này mới là lúc ổn định được những trang, xá, kẻ, phường mới đến các thôn ấp, làng xã. Triều đình nhà Lê cho những vị quan văn võ toàn tài có uy tín cao như trường  hợp Lê Khôi vào phụ trách vùng đất Nghệ. Lê Khôi cũng rất được nhân dân trong vùng mến mộ. Ngôi đền Chiêu Trưng thờ ông là ngôi đền lớn nhất (trong bốn ngôi đền danh tiếng) ở vùng này, rất được nhân dân Can Lộc hưởng ứng, sùng bái. Về mặt học tập nhiều nhà khoa bảng đất Can Lộc đã xuất hiện mà người mở đầu là Tiến sĩ Phan Viên ở Bàn Thạch (1442). Tiếp đó là những Hà Công Trình, Hoàng Hiền… đều là những người lỗi lạc. Có lẽ phải có một nhận định gì đặc biệt đối với quê hương này, nên vua Lê Thánh Tông mới đặt lại tên cho huyện, huyện được gọi chính thức là Thiên Lộc (1469).

Từ thế kỷ XVI trở đi nước ta có nhiều biến cố lịch sử. Có dự phân tranh Lê – Mạc, rồi đến giai đoạn nhà Mạc mất nhường chỗ cho Nhà Lê trung hưng. Những người Can Lộc tham gia chính trường ở giai đoạn này cũng để lại một vài tên tuổi. Trường hợp phải nhắc đến để đảm bảo sự công bằng là trường hợp Phan Đình Tá, vì ông đã ủng hộ nhà Mạc. Quan niệm hẹp hòi ngày xưa cho rằng Phan Đình Tá đã phản Lê, họ cho ông là viên Thượng thư “mại quốc”. Nhưng xét theo quan điểm lịch sử cụ thể, nhà Mạc có lý do cần thiết để cứu vãn đất nước bị suy đồi từ những đời Uy Mục, Tương Dực trở đi. Và khi lật đổ được nhà Lê, những ông vua Mạc buổi đầu quả tình đã có công lao nhất định, nên mới có những danh nhân như Trạng Trình, Giáp Hải làm cho rạng rỡ nước nhà. Vậy ủng hộ nhà Mạc không phải là trái lẽ, phải bình tĩnh nhận ra thực tế này để dành cho các nhân vật của lịch sử của thời cuộc phần trân trọng xứng đáng. Và sự thực thì Phan Đình Tá cũng là người có công xây dựng quê hương Can Lộc chí ít là ở làng Phù Lưu.

Tiếp sau đó những người con của Can Lộc nối nhau xuất hiện để giúp đỡ triều đình, nhiều người đã để lại tên tuổi cùng những giai thoại ý vị. Giữa thế kỷ 16 là những Hoàng giáp Mai Đức Bá, cuối thế kỷ 16 sang đầu thế kỷ 17 là những Nguyễn Văn Giai, Đặng Đôn Phục… đều là những người mà lịch sử không sao quên được.

Nửa thế kỷ, đất Thiên Lộc thành bãi chiến trường

Đó là vào những năm 20 của thế kỷ thứ 17 dưới triều vua Lê Thánh Tông. Lúc này ở Đàng Trong họ Nguyễn xây dựng được cơ đồ đã lộ rõ ý muốn đối đầu với họ Trịnh ngoài Bắc: Nhiều lần không nộp cống, không vâng theo lệnh của triều đình Lê – Trịnh. Một vài sứ giả được cử đi thuyết phục nhưng phải về không như trường hợp Lê Đại Dụng. Trịnh Tráng quyết định phải đem quân vào chinh phạt. Muốn cho có danh nghĩa khuếch trương thanh thế, chúa Trịnh phò cả Lê Thần Tông vào tận sông Nhật Lệ. Các tướng là Nguyễn Khải, Nguyễn Danh Thế đem 5.000 quân đi tiên phong. Cả vùng Nghệ An náo động, đất Can Lộc bắt đầu bị sử dụng làm địa điểm tụ quân và xuất quân từ năm 1627. Phía bên Nguyễn; Nguyễn Phúc Nguyên sai Nguyễn Hữu Dật đem quân ra chống cự. Một mặt họ tung tin là ở Thăng Long bọn Trịnh Gia, Trịnh Nhạc đang sửa soạn đảo chính để giành quyền. Trịnh Tráng thấy chỉ mới có vài trận đầu đã có chiều bất lợi, lại lo về tình hình nổi loạn ngoài Bắc nên đành tính kế rút quân về. Chiến tranh đợt đầu nổ ra chưa kịch liệt lắm nhưng cũng đã huy động nhiều sức lực dân chúng ở hai bờ Nam – Bắc. Cùng với các huyện (nay có tên là Thạch Hà, Kỳ Anh), Can Lộc đã phải chịu trách nhiệm phục vụ chiến tranh. Quân Trịnh rút về được ít lâu thì ngay vào đầu năm sau (1628) Tể tướng Lại bộ thượng thư Nguyễn Văn Giai (người Phù Lưu) mất. Triều đình và địa phương Can Lộc làm lễ tang trọng thể.

Mấy năm sau đó (năm Quý Dậu 1633) được liên lạc với người trong Nam, và chắc rằng sẽ có lợi thế, Trịnh Tráng lại đem đại binh mã vào vùng sông Gianh, vẫn lấy các huyện phía nam Hà Tĩnh làm điểm tập kết, hy vọng vào người con thứ ba của chúa Nguyễn và Nguyễn Phúc Anh đang muốn phản lại Nguyễn Phúc Nguyên, hứa sẽ làm nội ứng. Nhưng bên Nguyễn đã sớm phát hiện được sự phản bội nên Trịnh Tráng kéo quân vào, chờ đến 10 ngày mà không có tin tức gì. Nguyễn Hữu Dật lại tung quân ra đánh làm cho bên Trịnh có nhiều thiệt hại. Trịnh Tráng lại phải rút quân về.

Sang đến năm 1643 (10 năm sau, tức là năm Quý Mùi) triều đình Lê Trịnh lại sai Trịnh Tạc và Trịnh Lệ tiến quân vào nam, lần này vào đóng ở xã An Bài (nay thuộc huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình). Trận đấu có thu được vài thắng lợi, giết được viên trấn thủ của họ Nguyễn là Bùi Công Thắng. Trịnh Tránh lại lần nữa phò vua Lê tiến quân vào, sai Trịnh Đảo đánh ở Trung Hòa (nay là xã Mỹ Hòa huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) nhưng thất bại, gặp lúc tiết trời rất nóng bức quân lính không chịu được khí hậu, Trịnh Tráng lại ra lệnh rút về để đến cuối năm Lê Văn Hiểu vào đánh Quảng Bình (1643) và không thu được kết quả gì.

Những đợt trên đây đều do bên Trịnh mở màn công kích, suốt từ năm 1627-1648 thời gian dài trên 20 năm. Đến năm 1655 lại là bên Nguyễn gây chiến trước, kéo dài 3 năm trời. Huyện Can Lộc trực tiếp là địa bàn cho cuộc giao tranh. Đầu tiên Nguyễn Phúc Tần cho Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật ra đánh Bắc Bố Chính. Quân Trịnh thua to, tướng Trịnh là Phạm Tất Toàn về hàng họ Nguyễn, tướng Lê Văn Hiểu bị thương ở chân rồi chết. Họ Trịnh cho Trịnh Trượng vào cứu nguy, đóng quân ở Lạc Xuyên (nay thuộc Cẩm Xuyên) nhưng bị thua to phải rút về Bân Xá (Can Lộc). Quân Nguyễn chiếm được cả 7 huyện phía nam sông Lam là Kỳ Hoa, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn, Hương Sơn và Thanh Chương. Vì mấy trận thua này (gọi chung là trận lạc xuyên) các tướng Trịnh đều bị kết tội, triều đình nhà Lê cho Trịnh Tạc vào làm thống lĩnh, cử những viên tướng kiệt hiệt như Đào Quang Nhiêu vào giữ Nghệ An, giao cho một tướng quê ở Can Lộc là Phan Hưng Tạo làm Đốc thị để điều hành chiến dịch. Tướng Vũ Văn Thiêm đóng quân ở xã Đan Nhai (nay là xã Hội Thống, huyện Nghi Xuân) lại phân công Mẫn Văn  Liên đóng quân ở Tiếp Võ, Lăng quận công Lại Thế Khanh đóng đồn ở Minh Lương (đều thuộc ở huyện Can Lộc). Nhưng quân Trịnh vẫn cứ núng thế. Năm 1655 Chúa Trịnh phải cử Trịnh Toàn vào thống lĩnh mới chuyển bại thành thắng, đặc biệt lập chiến công to ở Đại Nài (Thạch Hà).

Sang năm sau (1657) phí bên Trịnh, Trịnh Toàn bị nghi ngờ là có lòng phản nghịch, phải rời bỏ chức tước, trở về Thăng Long đợi tội. Trịnh Căn được cử làm thống lĩnh, toàn quyền chỉ đạo ở Nghệ An. Trịnh Căn có tài điều binh giành được nhiều thắng lợi, thắng trận ở Nam Hoa (Thanh Chương) và chiếm lại 7 huyện ở phía Nam. Những trận đánh vào năm 1660 này rất ác liệt. Cả 2 huyện Nghi Xuân và Can Lộc thành bãi chiến trường. Tại Nghi Xuân từ làng Hội Thống lên đến làng Tả Ao, Cương Gián là do Lê Thì Hiến, Lê Sỹ Triệt đóng quân, Trần Công Bách thì giữ rú Lần (xã An Lạc). Ở Can Lộc các tướng Hoàng Nghĩa Giao, Nguyễn Thiện giữ vững ở Lũng Trâu, Mạn Trường, Yên Điềm và Phù Lưu Thượng. Tuy quân Trịnh có vài thiệt hại Mẫn Văn Liên, Trần Công bách đều tử trận, nhưng vẫn thắng to. Bên Nguyễn, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật đều phải rút quân về Nhật Lệ (Quảng Bình). Trịnh cho khen thưởng lớn và để Đào Quang Nhiêu làm trấn thủ Nghệ An. Toan phát huy lợi này, Trịnh Tạc đưa vua Lê vào Bố Chính (1662) để lấy danh nghĩa mà đẩy mạnh chiến tranh, nhưng quân Trịnh chỉ ở được một tháng vì bị thiếu thôn lương thực. Dân chúng Can Lộc, Nghi Xuân, Thạch Hà, Kỳ Anh đã phải huy động người và của quá nhiều không thể cung ứng được nữa mà nguồn tiếp tế từ Thăng Long vào lại càng hạn chế. Do đó Trịnh lại phải rút quân về.

Mười năm sau. Trịnh Tạc lại tiến hành một chiến dịch mới. Trước đó vào năm 1670 đã phái sứ giả là Lê Đắc Toàn vào thương thuyết nhưng bên Nguyễn không nghe, không cho sứ giả vào cửa ải. Bên Trịnh kiên quyết tiến công. Trịnh Căn lại được giao đem các tướng Lê Thì Hiến, Lương Đăng Quang, Vũ Tuấn Tài vào đánh Nguyễn (1672). Bước đầu cũng thu được vài thắng lợi nhưng không có kết quả bao nhiêu. Lại gặp lúc trời đông tháng giá (tháng 12 âm lịch) Trịnh Căn thấy việc quân không lợi bèn cho rút về, để Lê Thì Hiến ở lại giữ Nghệ An kiêm trấn châu Bố Chính. Từ năm này trở đi hai bên không còn gây chuyện đánh nhau nữa. Nhân dân các huyện ở Hà Tĩnh: Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Kỳ Anh mới thoát được những cảnh tàn phá và nhũng nhiễu, trở lại cuộc sống thanh bình.

Những đóng góp của người Can Lộc vào lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVII về sau.

Thế kỷ XVII là thế kỷ tranh chấp xung đột giữa họ Trịnh và họ Nguyễn, nhân dân Can Lộc đã cùng với đồng bào Nghệ An bị xô đẩy vào thảm cảnh chiến tranh. Nhưng cũng trong thế kỷ này ở Đàng Ngoài triều đình Lê Trịnh vẫn cố gắng giữ vững nền trị an, dẹp các cuộc nổi loạn và cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Nhân tài miền Bắc, miền Trung đã ủng hộ nhà Lê cùng xây dựng sự nghiệp của một quốc gia. Và những người con của quê hương Can Lộc đã không vắng mặt. Đông đảo nông dân chăm lo sản xuất cày bừa, giữ gìn làng mạc, cố gắng dựng lên những cơ sở nông thôn có thuần phong mỹ tục. Người được giữ các trách nhiệm (hồi đó gọi là được bổ làm quan) rất nhiều, liên tục có nhiều tên tuổi được nhân dân và sử sách ghi nhớ. Ở Can Lộc nổi bật lên một dòng thế tướng, truyền suốt mấy thế hệ đến gần 300 năm, đó là dòng họ Ngô. Sách Lịch triều hiến chương đã phải ca ngợi dòng họ này cùng với dòng họ Võ ở Thạch Hà (cũng liên quan đến địa phận với Thiên Lộc trong thời gian ấy). Nói “Thạch Hà tướng phiệt” là nói cả hai dòng võ tướng họ Ngô và họ Võ.

Đó là các võ tướng. Các văn thần ở Can Lộc thời kỳ này lại có nhiều hơn. Trước hết phải nhắc đến tể tướng Nguyễn Văn Giai mất năm 1628 là một vị trọng thần coi sóc đến 6 bộ trong triều đình. Nối theo Nguyễn Văn Giai, Can Lộc lại có Dương Trí Trạch cũng là một vị quan có tài năng đặc biệt. Ông đã đi sứ Trung Quốc và giữ chức bồi tụng (tương đương với Phó thủ tướng ngày nay), khi về hưu được tước Thái bảo. Ông nội ông là Dương Trí Dụng cũng có uy tín lớn lao từng nhận nhiều trọng trách. Tiếp đó là Hà Tông Mục mà thành tích kinh lý đất Tuyên Quang rất được vua Lê ghi nhớ công lao. Sang thế kỷ XVIII hai anh em Lê Sỹ Triêm làm đốc thị ở Nghệ An và Lê Sỹ Bàng giữ chức Thiêm sai giúp nhà chúa coi sóc các việc kiện tụng. Đồng thời các ông Lê Thế Tuấn, Lưu thế Thụy cũng đã không thẹn với tiếng tăm là người Can Lộc.

Phải nhận rằng thế kỷ XVIII, là thế kỷ mà người Can Lộc đã có phần đóng góp tích cực nhất cho văn hóa nước nhà. Vào nửa đầu thế kỷ không rõ lớp sĩ tử ở Can Lộc đã học hành ra sao, có ý chí như thế nào mà tên tuổi của họ đã thành niềm tự hào cho huyện nhà và cả niềm tự hào của đất nước. Trước là danh tiếng Can Lộc tứ hổ không kém gì Trường An tứ hổ, gồm 4 ông Sỹ Bồi, Sỹ Bạt (là cháu nội của Nguyễn Văn Giai) và Tất Đạt, Quang Hiển đều ở vùng Bạt Trạc, Phù Lưu. Tiếp đó ở kinh thành Thăng Long lưu truyền câu phương ngôn: “Bút Cấm Chí, sĩ Thiên Lộc” để ca ngợi người học trò Can Lộc. Câu phương ngôn có mục đích thông tin rằng muốn mua được cái bút tốt nhất thì phải ra ngõ Cấm Chỉ mà tìm, chỉ ở đó mới có loại bút cao cấp. Còn muốn gặp học trò giỏi thì phải đi tìm những cậu nho quê ở huyện Can Lộc. Các cậu nho này có một người tiêu biểu nhất, đó là chàng thư sinh Vũ Diễm (còn có tên là Vũ Toại, Vũ Viêm). Ông đỗ Hoàng Giáp, làm quan có cầm quân dẹp phỉ, có làm Đốc đồng Kinh bắc, rồi đến Đông các đại học sĩ. Bà vợ ông là con gái Hồ Sỹ Dương, cũng nổi tiếng là một phụ nữ trinh thục.

Đồng thời với Vũ Diệm, Can Lộc còn có Phan Kính đỗ đến Đình nguyên thám hoa (1743) và cũng có tài kiêm văn võ. Ông cũng từng đi dẹp giặc, đi sứ Thanh, gây được uy tín với nước ngoài.

Có một hiện tượng khá đặc biệt ở giai đoạn này chỉ thấy xuất hiện ở Can Lộc mà không thấy điều tương tự như vậy ở bất kỳ đâu trên đất nước ta. Đó là không rõ vì đâu trên xứ sở quê hương này lại ra đời hàng loạt những nhà cao sỹ rất quan tâm đến đời thường nhưng lại chuyên sống cảnh thanh nhàn ẩn dật. Họ không chịu làm quan, không bon chen với cuộc đời mà một mực giữ chí hướng thanh cao sống đạm bạc, không địa vị nhưng lại được quần chúng nhất mực suy tôn. Họ không phải kẻ tu hành để thành cao tăng thượng sĩ, không nhằm theo đạo giáo để trở thành chân nhân, mà hoàn toàn là nhân ẩn sĩ. Kể cả những nhà nho theo kiểu sống này thì có nhiều nhưng là ẩn sĩ thì chỉ thấy ở Can Lộc 3 người. Trần Uông, Hoàng Dật và Nguyễn Thiếp. Hai người trước sống cuộc đời như thế, còn Nguyễn Thiếp thì sau sẽ là La Sơn phu tử có ra giúp vua Quang Trung nhưng vẫn giữ đạo hạnh thanh cao. Tại sao hiện tượng này chỉ thấy ở Can Lộc.

Nhưng phần đóng góp quan trọng nhất của Can Lộc đối với văn hóa nước nhà cuối thế kỷ XVII này là Can Lộc đã cùng với Nghi Xuân tạo ra một điểm văn hóa – (cũng có thể xem là một trung tâm) có ảnh hưởng lớn trong văn học. Can Lộc có làng Trường Lưu quê hương của hát phường vải nổi tiếng. Các danh sĩ đất Trường Lưu đã có quan hệ thân tình – (cả văn chương và cả dòng họ) với đất Tiên Điền ở Nghi Xuân và đã có nhiều đóng góp với văn chương bình dân, văn chương bác học ở Việt Nam. Nguyễn Du (ở Tiên Điền) đã cùng với Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Phó (ở Trường Lưu) đi hát phường vải trao đổi với nhau những tác phẩm dân ca được sống mãi trong văn học dân gian. Đến lượt Nguyễn Huy Tự (Trường Lưu) soạn cuốn Hoa tiên để tạo điều kiện mở đầu cho người chú vợ là Nguyễn Du (Tiên Điền) sáng tác nên tác phẩm vĩ đại Truyện Kiều. Tiếp đó lại có Nguyễn Thiện (Tiên Điền) học tập Truyện Kiều để nhuận sắc Hoa tiên. Rồi cuối cùng đến lượt Nguyễn Huy Hổ (Trường Lưu) lại tiếp nhận ảnh hưởng Hoa tiên-Kiều, để làm nên Mai đình mộng ký. Có nhà nghiên cứu sau này – vào thế kỷ XX – đã phải công nhận là có một Hồng Sơn văn phái trong nền văn học Việt Nam hồi cuối thế kỷ XVIII. Ý kiến đó được chấp nhận, và quê hương Hồng Sơn văn phải là ở Trường Lưu – Tiên Điền. Hồng Sơn văn phải là một vinh dự văn hóa của Can Lộc – Nghi Xuân.

Song còn có một hiện tượng văn hóa quan trọng nữa ở quê hương Can Lộc này mà văn hóa Việt Nam chưa đặt vấn đề nghiên cứu một cách đúng mức lắm. Đó là hiện tượng Nguyễn Huy Oánh ở Trường Lưu – ông cũng đỗ Thám hao, đã làm quan đến Công bộ thượng thư, đi sứ Trung Quốc, là một khuôn mặt chính trị văn hóa sắc sảo vào cuối thế kỷ XVIII. Ông sớm xin cáo quan về dạy học, viết sách có nhiều tác phẩm giá trị và nhiều học trò thành đạt. Nhưng điều đặc biệt ở Nguyễn Huy Oánh mà lâu nay chưa được nhấn mạnh là ông đã tiêu biểu cho một khuynh hướng xây dựng nền văn hóa làng ở Việt Nam. Văn hóa làng là một nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam trước đây. “Làng” ở phương Đông cũng như phương Tây, đặc biệt ở Đông Nam Á, là một sự kiện tồn tại, nơi này hay nơi khác có tương đồng và dị biệt. Nhưng văn hóa làng lại là riêng của Việt Nam. Nguyễn Huy Oánh là người có ý thức về vấn đề này, mặc dù ông chưa biết đến, chưa dùng đến thuật ngữ ấy. Về nghỉ dạy học và viết sách ở làng quê, ông rất có ý thức chăm chút về cái làng Trường Lưu của ông và cố tạo ra cho được một làng Trường Lưu Văn hóa. Ông vừa có sáng kiến phát huy, vừa trực tiếp xây dựng những công trình xây dựng văn hóa cho làng. Ông dụng ý tạo cho đất Trường Lưu có tám cảnh đẹp (tám hiện tượng văn hóa) bao gồm:

Quan thị triêu hà (Ráng mai trên trên chợ Quan)

Phượng sơn tịch chiếu (Nắng chiều rú Phượng)

Liên trì nguyệt sắc (Trăng dọi ao sen)

Cổ miếu dung âm (Bóng đa miếu cổ)

Thạc tính hương tuyền (Nước thơm giếng Thạc)

Nguyễn trang hoa mỹ (Hoa đẹp vườn học Nguyễn)

Hân thiên tự chung (Tiếng chuông chùa Hân)

Nghĩa thương mộc đạc (Tiếng mõ nghĩa thương).

Cùng với những cảnh sắc do thiên nhiên tạo dựng nhưng chủ yếu là do con người bồi đắp, nâng cao ấy, Nguyễn Huy Oánh còn tạo thêm một số công trình văn hóa mà đặc sắc nhất có lẽ là Phúc Giang thư viện của ông. Thư viện tư mà có tầm cỡ quốc gia, được triều đình công nhận và cấp bằng tôn vinh hẳn hoi.

Rõ ràng là Nguyễn Huy Oánh không nói ra được bằng lý luận nhưng ông đã tỏ ra có ý thức về một văn hóa làng. Nếu người trí thức Việt Nam nào –xưa và nay mà có ý thức như ông thì đất nước Việt Nam ta đã có không biết bao nhiêu là làng văn hóa. Cả cho đến bây giờ những cán bộ hưu trí cao cấp và trung cấp có ai noi được gương ông. Cùng với hát phường vải với những tác phẩm văn học tầm cỡ, làng Trường Lưu xứng đáng là một sự kiện văn hóa trong lịch sử nước nhà hồi cuối thế kỷ XVIII.

Từ ngày chính thức trở thành huyện Can Lộc

Từ triều nhà Trần trở về trước huyện nay mang tên là Hà Hoàng. Thời thuộc Minh thì gọi là huyện Phi Lộc. Vua Lê Thánh Tông chính thức đổi tên là huyện Thiên Lộc thuộc phủ Đức Quang. Đến đời Nguyễn thì chính thức mang tên là Can Lộc.

Ở chặng đường mới này Can Lộc vẫn tiếp tục phát huy truyền thống ngàn năm trước đây của quê hương đất nước. Nhân dân các xã vẫn cố gắng khắc phục thiên nhiên, nỗ lực lao động để đảm bảo nền kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp. Những cuộc biến đồng thời Tây Sơn, việc dẹp loạn của triều trình nhà Nguyễn trên địa bàn cả nước dần dần lắng đi. Các huyện bạn trọng toàn vùng Nghệ Tĩnh có sức phát huy những thế mạnh của mình: Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Nam Đàn, Nghi Xuân, Đức Thọ v.v.. Can Lộc vẫn lặng lẽ, nhịp nhàng theo đòi cũng toàn tỉnh, và vẫn có những tên tuổi quen thuộc nổi lên trong phong trào chung. Những nhà khoa giáp như Trần Nguyên Hy, Mai Thế Quý, Ngô Đức Bình… đều là những ông nghè có danh tiếng. Đặc biệt nổi lên một số người chỉ đỗ hương khoa mà có nhiều tác phẩm nghiên cứu giới thiệu quê hương. Như trường hợp Lưu Công Đạo lần đầu tiên trong giới sử học nước nhà đã soạn cuốn “Thiên Lộc phong thổ chí” có giá trị nhất định. Lưu Công Đạo là người xã Ích Hậu, đỗ cử nhân đời Gia Long (1813). Tiếp theo ông, những Nguyễn Huy Giáp (Lai Thạch), Ngô Phùng (Trảo Nha)… cũng được nhiều người nhắc đến. Có một trường hợp rất đáng biểu dương để minh chứng tinh thần chiến đấu của truyền thống Can Lộc. Từ xưa, dân xứ Nghệ vẫn nổi tiếng về đức độ, về sự công minh chính trực. Đa số các vị quan Ngự sử trong các triều đại là người Nghệ Tĩnh, mà người mở đầu là Bùi Cầm Hổ (thế kỷ XV), Nguyễn Văn Giai (thế kỷ XVII) đều là người Can Lộc. Đến thế kỷ XIX Can Lộc có Phan Huân (người Phù Lưu, đỗ cử nhân 1843). Giữa lúc nước ta đang bị bọn thực dân Pháp gây hấn, vua Tự Đức nhu nhược không dám quyết đoán, các quan cao cấp trong triều thì nặng tư tưởng đầu hàng, đã để mất các tỉnh miền đông, miền tây Nam Bộ. Chính lúc ấy thì Phan Huân đang là Giám sát ngự sử đạo Tả kỳ (vùng từ Bình Định đến Bình Thuận) đã dâng sớ hặc tội vua Tự Đức, đòi chém mấy ông quan đầu triều. Triều đình không dám bắt tội ông, nhưng đã cách chức. Ông bỏ quan về, kết giao với các sĩ phu để lo việc kháng Pháp, nhưng rồi bị bệnh mất. Nhưng nhân dân đã ca ngợi ông, lưu truyền câu thành ngữ “Gan như gan quan Ngự”. (Sau này thời kỳ Xô-viết Nghệ Tĩnh lại có thêm một người gan góc dẻo dai khác, và cũng có câu “Gan như gan Bá Trì” được lưu truyền). Cái tinh thần cương trực này của Can Lộc, bốn chục năm sau nữa lại được thấy ở Đức Thọ (La Sơn, bên cạnh Can Lộc). Không ai quên được sự gan góc của Ngự sử Phan Đình Phùng dám phản đối Tôn Thất Thuyết khi viên Phụ chánh này làm việc phế lập. Tinh thần xứ Nghệ mãi sáng ngời qua tâm hồn, phong cách của Can Lộc là như thế.

Những năm đầu cùa thế kỷ XX là những năm sôi nổi, mãnh liệt nhất của quê hương Can Lộc để lại dấu ấn không phải mờ trong lịch sử Việt Nam. Phong trào cần vương bị đàn áp, nhưng ảnh hưởng của nó vẫn còn sâu sắc cả vùng Nghệ Tĩnh, mà Can Lộc vẫn là địa bàn luôn sôi động. Nhân dân luôn trầm trồ về những thành tựu của nhiều chí sĩ cần vương của thời kỳ Can Thứ, Lễ thứ, Nghi thứ… mấy năm trước đây. Vụ chống thuế ở Trung Kỳ mà một loạt các nhà khoa bảng toàn quốc bị khủng bố, bị cầm tù: “Xâu một xâu ngô đạo thấy mà thương” (lời Trần Cao Vân). Can Lộc cũng góp phần vào một tên tuổi xuất sắc; Nguyễn Hàng Chi cùng với Trịnh Khắc Lập đã hy sinh vì đất nước.

Cùng với phong trào chống thuế này là hoạt động của Hội Duy tân và phong trào Đông du cũng như một số huyện khác ở Nghệ Tĩnh, những người theo phong trào Duy tân chia ra làm hai phái: Ám xã và Minh xã. Phái Ám xã hoạt động vũ trang bí mật, tiêu biểu là hai ông Nguyễn Trang, Nguyễn Hét ở Gia Hanh, các ông là con của các thủ lĩnh Phan Đình Phùng. Nối chí cha, ông Hét, ông Trang đã tiếp tục con đường bạo động, nhằm trừ gian diệt ác và mong dựng lại ngọn cờ khởi nghĩa chống xâm lăng.

Phái Minh xã đấu tranh công khai, đòi giảm sưu miễn thuế như trường  hợp Nguyễn Hàng Chi vừa kể trên. Việc cự sưu bị đàn áp thì quần chúng dùng các hình thức ôn hòa nhằm nâng cao dũng khí, mở mang dân trí, chấn hưng sự nghiệp. Cả một phong trào rầm rộ, bỏ các hủ tục mê tín dị đoạn, dùng hội nội hóa, lập hiệu buôn, truyền bá tân thu, và vận động Đông du theo ngọn cờ Phan Bội Châu. Nhà chí sĩ tiêu biểu nhất là cụ Nghè Ngô Đức Kế ở Trảo Nha. Xúc tiến việc duy tân, cụ đã bị địch đày đi Côn Đảo, khi trở về ra Hà Nội làm báo Hữu Thanh.

Phong trào Đông Du cũng tìm được một thanh niên đại biểu cho tinh thần Can Lộc đó là Nguyễn Quỳnh Lâm ở Nguyệt Ao, đã theo Phan Bội Châu sang Nhật, sau trở thành một chiến sĩ trong quân đội Tôn Văn, ông đã hy sinh ở Nam Kinh. Tiếp đó là những thanh niên tìm đường sang Thái Lan học tập và chiến đấu dưới sự chỉ đạo của cụ Đặng Thúc Hứa. Người thường được nhớ đến nhiều là ông thầy thuốc Đặng Văn Cáp, sau này làm việc ở Họi Đông y Việt Nam.

Từ những năm 1925 trở đi, lịch sử Việt Nam bước sang một thời đị mới. Ở Can Lộc cũng xuất hiện những tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng cộng sản, tiến tới giai đoạn nhân dân chiến đấu dưới lá cờ Đảng, giành độc lập tự do cho dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chúng ta đã có những bộ sách về lịch sử Đảng bộ Can Lộc, ghi chép công phu và phong phú thời kỳ này, ở đây không cần nhắc lại. Nhưng điều đáng nhấn mạnh là trong thế kỷ XX ấy, thế kỷ XX của dân tộc Việt Nam, của Đảng cộng sản Việt Nam, điều ý vị là Can Lộc đã luôn có những sự kiện tiêu biểu cho tinh thần ý chí, sức mạnh của Đảng và của dân tộc, mà đó là những sự kiện xứng đáng được ghi vào lịch sử nước nhà có ý nghĩa là những cái mốc của thời đại.

Với phong trào Xô-viết mà đỉnh cảo là ở Đỉnh Lự, cùng với việc giành chính quyền sớm hơn 3 ngày so với các địa phương trong toàn quốc (ở Can Lộc giành chính quyền vào ngày 16-8-1945); rồi sau này, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Can Lộc lại có ngã ba Đồng Lộc; nhân dân Can Lộc rất có thể tự hào với những tên tuổi và năm tháng đó. Và, có lẽ cũng chưa hẳn đã có nhiều địa phương như vậy trong cả Việt Nam ta.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây