Giới thiệu khái quát huyện Sông Hinh

huyện Sông Hinh - Tỉnh Phú Yên

Giới thiệu khái quát huyện Sông Hinh

Sông hinh là là một huyện miền núi nằm phía Tây nam tỉnh Phú yên, tọa độ địa lý từ 12045′ đến 13006′ độ vĩ Bắc và 108040′ đến 1090 07′ độ kinh Đông:

– Phía Đông giáp huyện Tây Hòa.   

– Phia Tây giáp huyện Krông Pa tỉnh Gia Lai.

– Phía Nam giáp huyện M’ Đrắc tỉnh Đắk Lắk.

– Phia Bắc giáp huyện Sơn Hòa.

Diện tích tự nhiên 886 km2,  dân số trung bình năm 2011: 45.860 người. Trong đó: Nam 23.213 người; Nữ: 22.647 người; phân bố khu vực Thành thị:   10.639 người, Nông thôn: 35.221 người; Mật độ dân số 52 người/ Km2 . Bao gồm 11 xã, thị trấn: Thị trấn Hai Riêng , xã Sơn Giang, xã Đức Bình Đông, Xã Đức Bình Tây, Xã Ea Bia, Xã Ea Bá, xã Ea Bar, xã Ea Trol, xã Sông Hinh, xã Ea Lâm, xã Ea Ly với nhiều thành phần dân tộc sinh sống: Kinh, Ea Đê, Ba Na, Tày, Nùng, Dao, Mường, Chăm …

Tổng diện tích đất:  88.664 ha phân theo các loại đất:

– Đất sản xuất nông nghiệp: 28.026 ha.

– Đất lâm nghiệp: 40.109 ha

– Đất phi nông nghiệp: 14.531ha.

– Đất chưa sử dụng: 5.920 ha.

Quỹ đất sản xuất nông nghiệp lớn, đa dạng, thích hợp với nhiều loại vật nuôi, cây trồng, nhất là cây công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc; Khí hậu trong lành, nhiều thắng cảnh đẹp hoang sơ, chưa bị tác động mạnh của quá trình công nghiệp hóa. Là quê hương của nhiều dân tộc cùng chung sống đã tạo nên sự đa dạng về phong tục, truyền thống văn hóa lễ hội với những sắc thái văn hóa riêng: như: dệt thổ cẩm, lễ hội đâm Trâu, lễ hội Cồng chiêng … Đây là điều kiện để phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hóa.

Trên địa bàn huyện có các tuyến giao thông quan trọng nối với các khu vực trong và ngoài tỉnh, là cầu nối các tỉnh duyên hải Nam trung bộ với các tỉnh Tây nguyên, tạo điều kiện thuận lợi trong trao đổi hàng hóa và liên kết hợp tác phát triển kinh tế – xã hội thông qua quốc lộ 29, ĐT 649. Trong tương lai khi tuyến đường Đông Trường Sơn đi qua huyện hoàn thành thì khả năng trao đổi hàng hóa càng thuận lợi hơn.

Sông Hinh là huyện có vị trí quan trọng về quốc phòng, vừa là hậu cứ, vừa là hậu phương, khu vực phòng thủ cữa ngõ phía tây vững chắc, vừa là cầu giao lưu văn hóa giữa các tỉnh duyên hải miền Trung với địa bàn chiến lược Tây nguyên. Tiếp giáp với  hai vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng là huyện Tây hòa, vùng trồng Lúa lớn nhất tỉnh và vùng trồng cây công nghiệp phát triển của 2 tỉnh Gia Lai và Đắk  Lắk. Là nơi tiếp giáp giữa khu vực đồng bằng và miền núi cao nguyên, thượng và trung lưu của hệ thống các sông, suối lớn chảy qua phía nam tỉnh, có ý nghĩa quan trọng về phòng hộ, dữ trử nguồn nước, giảm tác động thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái. Là vùng đất có lịch sử phát triển lâu đời, giàu truyển thống hòa hùng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc.

KINH TẾ VÀ TIỀM NĂNG KINH TẾ HUYỆN SÔNG HINH

Cơ cấu sử dụng đất trên địa bàn huyện: Đất nông nghiệp: 28.026 ha; đất lâm nghiệp: 40.109 ha; đất phi nông nghiệp: 14.531 ha; đất chưa sử dụng: 5.920 ha. Sản xuất nông nghiệp đang trên đà phát triển theo hướng công nghiệp hoá nông nghiệp, hiện đại hoá nông thôn. Diện tích gieo trồng hàng năm đạt 20.020 ha, cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ. Từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung cây công nghiệp dài ngày như: cà phê 1.700 ha, cao su 2.766 ha; cây công nghiệp ngắn này như sắn 7.820 ha, mía 5.014 ha, cung cấp ổn định vùng nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động, hầu hết các loại cây trồng đều được thay thế giống mới có năng suất, chất lượng ngày càng cao.

Chăn nuôi bò hàng hóa trong những năm qua huyện đã đề ra nhiều giải pháp ưu tiên để đầu tư phát triển đàn bò, khuyến khích các mô hình chăn nuôi vừa và nhỏ… tổng đàn bò hiện nay là 19.659  con, tỷ lệ bò lai 23,13% .

          Nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú, tiềm ẩn với trữ lượng khá lớn: như Sắt, đá Mácma, đá dăm, đá Granittoit, đá Saphia, vàng sa khoáng … Diện tích rừng rộng 32.712,2 ha, độ che phủ đạt 42,07%, có nhiều loại gỗ quý giá trị kinh tế cao.

Ngoài ra, còn có tài nguyên nước; với Hồ thủy điện Sông Hinh, thủy điện Sông Ba Hạ, Hồ thủy điện Krông H’Năng và nhiều công trình thủy lợi rất thuận lợi cho phát triển Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân được chú trọng,đến nay 100% thôn buôn có điện; Hệ thống đường giao thông từ huyện đến các xã, thôn, buôn, khu phố được nâng cấp và kiên cố hóa đảm bảo giao thông thông suốt; có đường Quốc lộ 29 và đường Tỉnh lộ ĐT649 là những con đường huyết mạch của huyện nối với vùng kinh tế Tây Nguyên và trong năm 2010 nhà nước đang đầu tư tuyến đường Đông Trường Sơn đi ngang quan địa bàn huyện tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông thương với các tỉnh Tây nguyên.

          Hoạt động thương mại- dịch vụ tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Vận tải phát triển khá mạnh đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân; hệ thống vận tải công cộng bằng xe buýt phát triển nhanh đã nối liền thành phố Tuy Hòa với các xã Sơn Giang, Đức Bình Đông, thị trấn Hai Riêng, EaBar và xã Ealy của huyện Sông Hinh.

VĂN HÓA VÀ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH HUYỆN SÔNG HINH

Huyện Sông Hinh được thành lập từ ngày 25/02/1985 trên cơ sở chia tách từ huyện Tây Sơn thành hai huyện Sơn Hòa và Sông Hinh; là một huyện nằm ở phía Tây tỉnh Phú Yên, với diện tích tự nhiên hơn 88.664 ha; gồm 10 xã và 01 thị trấn, với 82 thôn, buôn, khu phố.

Huyện Sông Hinh có 19 dân tộc sinh sống, với tổng dân số hơn 45.654 người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 45,5% dân số toàn huyện phần lớn là dân tộc Kinh, Êđê, Bana, Tày…

Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên đời sống văn hóa hết sức phong phú, độc đáo, đặc biệt là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Về di sản văn hóa vật thể hiện huyện Sông Hinh còn gần 600 bộ cồng chiêng các loại, 11 bộ aráp, đàn Tính của người Tày, đàn Đinh Klút của người ÊĐê, Tù và của người Dao… Di sản văn hóa phi vật thể, Sông Hinh còn gần 100 sử thi, nhiều nhất là của người Ê Đê và trên 30 nghệ nhân hát sử thi. Sử thi Sông Hinh không chỉ nhiều về số lượng, phong phú về chủ đề sáng tạo, mà chất lượng nhiều bản sử thi có giá trị về văn hóa, lịch sử, được các nhà khoa học đánh giá cao như Đam San, Xinh Nhã, Khinh Dú, Am H’Wứ…

Đồng thời, Sông Hinh cũng được xem là vùng đất của lễ hội, với nhiều lễ hội phong phú, độc đáo như: Cúng về nhà mới, cúng Giàng (Trời), cúng rẫy, cúng bến nước, cúng lúa về kho, cúng lễ cưới, trì lễ đâm trâu…. Nền văn hoá đa dạng về hình thức và phong phú về thể loại, hiện còn lưu giữ nhiều nét văn hoá độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc như: Hát Khan, Cồng chiêng – A Ráp, Trống Đôi, Kèn Lá, Đàn Goong, Đàn Tính, Hát Then…

Bên cạnh đó trang phục Thổ cẩm của người đồng bào thiểu số cũng là nét đặc trưng được nhiều người yêu thích, bởi nét hoa văn trang trí cầu kỳ và màu sắc tươi đẹp. Đặc biệt với sinh hoạt văn hoá cộng đồng tại các nhà Rông văn hoá ở từng buôn, làng bên ché rượu cần say đắm tình người đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá riêng của từng dân tộc anh em trên địa bàn huyện.

PHÁT TRIỂN DU LỊCH SÔNG HINH

Phát huy lợi thế hiện có về thế mạnh du lịch của huyện là du lịch sinh thái tự nhiên gắn với nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc để phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch. Hiện tại trên địa bàn huyện có trên 10 cơ sở ăn uống đáp ứng khoảng 2000 chổ ngồi, chủ yếu là tại Thị trấn Hai riêng và xã EaLy. Một số món ẩm thực của Sông Hinh được ưa chuộng như: Cá Lăng nấu chua, Bò nấu cay mẵn, Bò nướng ống tre, rượu cần, thịt Bò khô nướng, Heo giống bản địa nấu kiểu truyền thống địa phương… Một số điểm vui chơi, giải trí như khu vực bờ hồ Trung Tâm thị trấn Hai Riêng, Hồ thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ, các thác tự nhiên…Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các mặt hàng lưu niệm được chế tác từ gỗ, nhiều nghệ nhân của Hội Sinh Vật Cảnh huyện đã có những tác phẩm nghệ thuật bằng gỗ lũa, đá cảnh có giá trị đã tham gia các hội chợ triển lãm ở các tỉnh, thành trong cả nước và đạt được nhiều giải thưởng cao.Nhiều nghệ nhân đồng bào dân tộc Êđê; Bana đã giữ gìn được nghề dệt thổ cẩm, các nghề đan lát bằng thủ công rất tinh xảo có tính nghệ thật thuật cao, nghề làm rượu cần truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

  1. Mục tiêu đến năm 2015:

– Từng bước đầu tư để hình thành về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỷ thuật phục vụ du lịch. Tạo được các tuyến, điểm du lịch sinh thái tự nhiên như: Hồ Trung Tâm thị trấn Hai Riêng; Đồi Thông; Thác Draităng xã Eatrol; Thác LzoongLbar, Ebnaobnui xã Eabar; Thác H’ly xã Sông hinh và một số điểm du lịch khác trong huyện.

– Chú trọng từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch, khu vui chơi giải trí và các dịch vụ du lịch tại thị trấn Hai Riêng để đáp ứng phục vụ nhu cầu của khách.

– Xây dựng điểm buôn Lê Diêm trở thành buôn văn hóa du lịch, xây dựng làng nghề truyền thống, phục dựng các lễ hội văn hóa dân gian và đầu tư để xây dựng, tổ chức các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.

  1. Mục tiêu đến năm 2020:

– Tạo được các sản phẩm du lịch độc đáo của Sông Hinh, phấn đấu để du lịch đóng góp một phần vào tỷ trọng phát triển kinh tế chung của huyện nhà.

– Phát triển được các tour du lịch chuyên đề như: Du lịch Văn hóa, Lễ hội, Ẩm thực, Du lịch khám phá, dã ngoại bằng thuyền trên hồ, leo núi, thác…

Du ngoạn Sông Hinh

Sông Hinh là huyện miền núi của tỉnh Phú Yên với lợi thế là đất đai rộng lớn (88.460ha), chiếm gần 30% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh; địa hình bằng phẳng như một thảo nguyên lộng gió, phong cảnh thiên nhiên sông suối, núi non kỳ vĩ.

Đường đi tới Sông Hinh rất thuận lợi. Từ trung tâm thành phố Tuy Hòa theo quốc lộ 1A về hướng Nam, qua cầu Đà Rằng khoảng 1km đến ngã ba Phú Lâm rẽ phải về hướng Tây, đi khoảng 55km trên đường ĐT645 (đường số 5 đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia) là đến thị trấn Hai Riêng (Trung tâm hành chính của huyện Sông Hinh). Hiện tại, trên địa bàn Sông Hinh có gần 20 tộc người sinh sống, trong đó các tộc người thiểu số chiếm gần ½ dân số. Sông Hinh bốn phía đều là núi, đỉnh cao nhất là Chư Ninh (1.035m). Có nhiều cảnh đẹp thơ mộng với con sông lớn nhất là Sông Ba chảy dọc theo ranh giới phía Bắc với huyện Sơn Hòa, có hồ thủy điện và nhiều nhánh sông rẽ, các khe suối chảy ra từ những đỉnh núi cao. Ngoài ra, có hồ Trung tâm ở thị trấn Hai Riêng, Bầu Hà Lầm ở xã Ealâm, hồ Tân Lập, hồ Cảnh Tây, Hồ Eađin ở xã Eabar, thác H’Ly ở buôn Kít… Và đặc biệt là vùng tam giác: Thủy điện Sông Hinh – Thủy điện Sông Ba Hạ – Thủy điện Krông Năng là tâm điểm du lịch sinh thái đa dạng, thu hút khách thập phương. Sông Hinh còn là nơi có nhiều động vật quý hiếm, từ xa xưa đã đi vào ca dao thành ngữ “Cọp núi lá, cá Sông Hinh”…là những điểm nhấn ấn tượng, không phải nơi đâu cũng có, là tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhiều loại hình du lịch.

Với nhiều thành phần tộc người sinh sống, quá trình cận cư và xen cư tạo nên bản sắc văn hóa phong phú, đa sắc, đa hình và độc đáo; trong đó dân tộc Êđê chiếm 1/3 dân số, được mệnh danh là xứ sở của trường ca ở vùng đất miền Tây Phú Yên. Qua khảo sát dân tộc học, tác giả công trình nghiên cứu “Các dân tộc thiểu số Phú Yên” (Nguyễn Quốc Lộc – Vũ Thị Việt) đã từng nhận xét: đáng chú ý là trường ca ở đây còn “nguyên chất” hơn cả. Với một không gian phong phú về bản sắc văn hóa, những màu sắc của từng dân tộc là tài sản chung của các dân tộc anh em. Đó cũng là những sản phẩm du lịch hấp dẫn, mới lạ mà khách du lịch rất thích khám phá và tìm hiểu.

Điều hấp dẫn đối với khách du lịch khi đến với Sông Hinh là đến với đồng bào của từng buôn làng; từ sáng sớm tinh mơ, cho đến đêm khuya thanh vắng du khách có thể nghe đủ mọi thứ âm thanh, âm nhạc như tiếng diều sáo réo rắc lưng trời, tiếng đàn tơ rưng vang vọng từ suối nước, tiếng mõ đuổi chim bằng sức gió từ các chòi rẫy, tiếng véo von của các loại sáo dọc, sáo ngang của những chàng trai dùng để nói lên tiếng lòng mình với các sơn nữ; tiếng đàn tính của dân tộc Tày, đàn Tơ rưng, đàn Klôngpút ngân vang của dân tộc Êđê. Và nhất là du khách được thưởng thức các dòng cồng chiêng Aráp của dân tộc Êđê, trống đôi, cồng ba, chinh năm của dân tộc Bana- chăm Hroi. Đến đây, du khách tha hồ tìm hiểu những tiếng cồng chiêng chứa đựng nhiều màu sắc âm điệu: Chiêng báo tin vui, chiêng của dân làng săn đuổi thú, được mùa; chiêng trong lễ thổi tai mừng trẻ sơ sinh đầy cữ, chiêng trong lễ cầu hôn nhắc nhở đôi trai gái yêu thương bền chặt, tiếng cồng chiêng xua đuổi thú dữ khi phá rẫy nương; cồng chiêng thúc giục trai tráng dân làng xung trận khi có chiến tranh và cổ vũ mọi người chiến đấu quên mình vì sự tồn vong của cộng đồng dân tộc…

Thật vui thú, được tự do, tự khám phá, trải nghiệm những điều mới lạ “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”; được tìm hiểu các lễ hội truyền thống, lối sống, tập quán của từng tộc người; được xem đan gùi, đẽo tượng và nhất trực tiếp xem đồng bào dệt thổ cẩm. Nhiều khách nước ngoài rất mê và trầm trồ thán phục về tài nghệ dệt thổ cẩm của chị em phụ nữ Êđê, Bana, Chăm H’roi ở Sông Hinh. Thật dễ hiểu bởi họ vừa là người thợ dệt, vừa là thợ may và là thợ thêu; họ vừa là thợ thợ thủ công đồng thời cũng là một “nghệ nhân”. Đến với đồng bào các dân tộc Sông Hinh du khách sẽ tìm thấy chất nghệ sỹ độc đáo của dân làng miền sơn cước. Nhìn những tấm khố, chiếc váy bền và đẹp là sản phẩm khéo tay, kiên trì của những người phụ nữ; những chiếc gùi trau chuốt xinh xắn là sản phẩm tỷ mỉ của các cụ già; những sản phẩm kỳ thú vườn tượng nhà mồ, sản phẩm cung ná mà tác giả chỉ là những người dân không qua trường lớp mới cảm nhận hết được sự sáng tạo độc đáo của bản sắc văn hoá tộc người…

Sau một ngày được tiếp xúc với những con người thân thiện, chất phác, cởi mở của người dân địa phương, được hòa mình vào phong cảnh hữu tình của buôn làng. Đêm về được say lòng bên ché rượu cần cùng với những làn điệu hát khan, trường ca, hát then; được thưởng thức tiếng kèn môi, đàn tính và được nắm tay múa xoan với các sơn nữ vui vầy bên ánh lửa trại bập bùng, rộn rã tiếng trống đôi, cồng ba, chiêng năm, chiêng Aráp…Toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số cùng với phong cảnh sông núi trùng điệp của Sông Hinh chắc chắn sẽ làm vừa lòng khách du lịch. Hãy thử một lần đến với Sông Hinh để được trải nghiệm những cảm giác khoái lạ về một vùng đất khúc ruột miền Trung của Tổ quốc.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây