Giới thiệu khái quát huyện Thạch Hà
Huyện Thạch Hà có một đặc điểm nổi bật là danh xưng Thạch Hà xuất hiện rất sớm, hơn nghìn năm nay. Khi là đơn vị châu, khi huyện, khi phủ, diên cách địa – hành chính trải qua nhiều thay đổi. Từ khi vua Lê Thánh Tông định bản đồ cả nước năm 1469, huyện Thạch Hà có ranh giới tự nhiên khá ổn định, gần như được xác định bởi dãy Trà Sơn ở phía tây, dãy Nam Giới và biển ở phía đông, sông Dà – sông Nghèn và sông Hà Hoàng ở phía bắc, sông Rào Cái ở phía nam. Nhưng trên không gian địa lý đó, diên cách hành chính lại có quá nhiều thay đổi, không chỉ trong phạm vi các đơn vị của huyện mà cả với những đơn vị giáp ranh. Năm 1921, Thạch Hà chuyển tổng Đoài cho huyện Can Lộc và nhận 2 tổng Canh Hoạch, Vĩnh Luật của huyện Can Lộc. Năm 1945-1946, Thạch Hà lại chuyển cho Can Lộc 3 thôn của tổng Đông và 3 thôn của tổng Canh Hoạch. Năm 1989 và năm 2004, lại cắt đất 11 xã nhập vào thị xã Hà Tĩnh, nay là thành phố Hà Tĩnh. Năm 2007, Thạch Hà lại cắt 6 xã miền ven biển để cùng 7 xã của huyện Can Lộc lập thành huyện Lộc Hà.
Huyện Thạch Hà là một trong những huyện có nhiều thay đổi nhất về diên cách hành chính và trong xu hướng đó, gần đây lại được tạo nên một vị thế độc đáo: Một huyện mà chia làm hai phần nằm về hai mặt đông và tây của thành phố Hà Tĩnh, gần như vòng đai bảo vệ cho trung tâm chính trị, hành chính của tỉnh Hà Tĩnh.
Thạch Hà là một huyện thuộc loại trung bình về diện tích và dân số. Thiên nhiên rất đẹp và hùng vĩ, có đủ địa hình đa dạng gồm núi đồi, trung du, ven biển, có mỏ sắt Thạch Khê với trữ lượng khá lớn, nhưng thiên nhiên không mấy ưu ái và mặt khắc nghiệt cũng không ít. Một ấn tượng còn in đậm trong ký ức tuổi thơ của tôi là những trận “gió Lào” nóng bỏng vào mùa hè, đốt cháy cả cây cối, kể cả cây chuối vốn hàm chứa rất nhiều nước. Về mặt lịch sử, nơi đây cũng đã trải qua những thử thách ác liệt của vùng biên viễn phía Nam nước Đại Việt, của cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn, của cuộc kháng chiến trường kỳ giành lại độc lập, thống nhất Tổ quốc. Nhưng người dân Thạch Hà đã vượt qua tất cả những khó khăn, thách thức đó không những để bảo tồn và phát triển cuộc sống, mà còn cống hiến cho đất nước nhiều người con ưu tú, lập nhiều công tích trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, để lại nhiều thành tựu trong sáng tạo văn hóa. Ví dặm và ca trù là những sáng tác dân gian từ bé đã hằn sâu trong ký ức tôi qua lời hát của những người thân trong gia đình. Về di sản văn hóa phi vật thể thì Thạch Hà là một cái nôi khá sớm và khá thịnh đạt của hai thể loại dân ca này. Riêng ca trù, có thể khẳng định ra đời sớm nhất trên đất Thạch Hà từ thời Lê Sơ. Dòng họ Phan quê gốc ở Ngọc Điền (thị trấn Thạch Hà) đã nổi tiếng hát ả đào (tức ca trù) thuộc Ty Giáo phường từ thời Lê Sơ (1428-1527) và vào đời Hồng Đức (1460-1497) có người được cử làm phân trưởng trông coi giáo phường của huyện.
Đời sống tuy còn không ít khó khăn nhưng huyện Thạch Hà đã để lại một lịch sử lao động và chiến đấu đáng tự hào, nhiều truyền thống quý trong đó nổi bật lên truyền thống yêu nước, tinh thần dân tộc, truyền thống làm ăn cần cù, hiếu học, trọng nghĩa tình, sống giản dị.
Non sông, đất nước ta, nơi nào cũng đẹp như tranh, và từ hàng nghìn năm nay, “trong các huyện hạt Nghệ-Tĩnh, không có một huyện nào là không có ít nhiều kỷ niệm lịch sử, một bức thành đất đã khởn mẻ, một tòa đền, một ngôi mộ, một tấm bia, dấu vết của những nhân vật hiển hách đời xưa… Người xứ Nghệ tự hào về những di tích, danh thắng, và những nhân vật lẫy lừng của xứ sở…” (Đặng Thai Mai).
Ở Thạch Hà cũng vậy. Một dải Quỳnh Sơn – Nam Giới đứng mé bể Đông với ngọn Long Ngâm, với khe Hau Hau nổi tiếng, với truyền thuyết Chử Đồng Tử tu tiên đắc đạo, với di tích lăng mộ Chiêu Trưng Đại Vương… Một dãy Trà Sơn có ngọn Nhật Lệ sừng sững phía tây với động Hạc, động Chùa, ke Chè, khe Xai… quen thuộc. Một dải Hà Hoàng đôi bờ xóm làng sầm uất… Đến một rú Sò, một rú Nài, một sông Cày… “Sơn bất cao, thủy bất thâm”, nhưng “hữu Tiên tắc danh, hữu long tắc linh”… Không chỉ nghìn năm, từ thời tự chủ, từ ngày có châu, huyện, mà từ thời đá mới hậu kỳ, cách ngày nay 4-5 nghìn năm, người tiền sử cũng để lại đây nhiều dấu vết đậm đặc.
Chồng chất trên vùng đất này là tầng tầng lớp văn hóa vật thể và phi vật thể, mà ngày nay chúng ta chỉ mới biết sơ sơ ở tầng văn hóa trên cùng, đã thấy vô cùng phong phú.
Các địa điểm cụ thể
1, Đền Nen
Thuộc thôn Phúc Tiến, xã Thạch Tiến, Đền Nen thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, là người đức trọng, tài cao, được triều đình tin dùng và nhân dân yêu mến. Đền được xây dựng từ thời nhà Lê với kiến trúc nghệ thuật độc đáo và được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia vào năm 2009 .
Trước đây, lễ hội đền Nen được các vua chúa tổ chức long trọng và trang nghiêm. Ngày nay, lễ hội được duy trì thường xuyên hàng năm vào ngày 6/3 âm lịch, là ngày giỗ của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.
2, Hồ Khe Xai
Công trình thủy lợi Hồ chứa nước Khe Xai thuộc hệ thống thủy lợi Khe Giao, ở xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, được khởi công xây dựng vào tháng 9 năm 2010. Hồ có sức chứa trên 40 triệu m3 nước, tưới cho 980ha đất canh tác của các xã Thạch Xuân, Nam Hương và một số xã khác ở phía Bắc huyện Thạch Hà. Đây không chỉ là một công trình thủy lợi quan trọng mà còn là điểm du lịch sinh thái lý tưởng, hấp dẫn cho du khách.
3, Biển Thạch Hải – Quỳnh Viên
Với bãi biển dài 4km, biển Thạch Hải có bãi cát trắng mịn màng, nước trong xanh, sóng vỗ nhẹ nhàng hòa vào tiếng vi vu của rừng phi lao xanh bạt ngàn. Từ bãi tắm đi ngược về phía bắc là Núi Nam Giới – nơi gắn liền với huyền thoại dân gian Chử Đồng Tử và Tiên Dung… Đến đây, du khách còn có thể tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm nhiều loại hình vui chơi hấp dẫn tại Khu du lịch sinh thái Quỳnh Viên đầy thơ mộng.
4, Khu Tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng
Tọa lạc ngay cạnh sông Cầu Sông, thuộc địa phận thôn Tân Long, xã Việt Xuyên, Khu Tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng là công trình của tuổi trẻ cả nước và nhân dân tỉnh nhà nhằm tri ân sự hy sinh anh dũng của anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng – người đoàn viên TNCS đầu tiên. Khu tưởng niệm là điểm du lịch văn hóa lịch sử tâm linh đồng thời là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng cho tuổi trẻ Việt Nam trong thời đại mới.
5, Đền Truông Bát
Tọa lạc tại thôn 1, xã Ngọc Sơn, đền Truông Bát là nơi thờ Vương nương Thánh Mẫu Đệ nhị thượng ngàn, còn gọi là Lộc Hoa công chúa hay bà Chúa Lộc, đây được coi là ngôi đền khá linh thiêng. Trong đền còn thờ Đệ nhất Thượng thiên (Mẫu Liễu Hạnh), Đệ tam thủy phủ (Mẫu Thoải), vì thế dân gian vẫn thường gọi ngôi đền này là Tam toà Thánh Mẫu. Đền Truông Bát là nơi kết tinh của vẻ đẹp tâm linh với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Hội đền được tổ chức vào ngày mùng 7/4 âm lịch hàng năm.
6, Đền Chiêu trưng Đại Vương Lê Khôi
Nằm ở lưng chừng dãy núi Long Ngâm, đền Chiêu Trưng được coi là một trong bốn đền nổi tiếng linh thiêng nhất xứ Nghệ: “Đền Cờn, đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng”. Đền được dựng năm Đinh Mão, Thái Hòa thứ 5 (1947), thờ Đại vương Lê Khôi. Nơi đây nổi tiếng bởi sự linh thiêng của phát tích, giá trị nghệ thuật của kiến trúc và mê hoặc lòng người bởi một vẻ đẹp hài hòa của núi non, biển trời hùng vĩ, cổ kính. Hội đền được tổ chức vào ngày 02 và 03/5 âm lịch hàng năm.
7, Du lịch trải nghiệm nông thôn mới
Đến với Thạch Hà, du khách sẽ được tham quan loại hình du lịch nông thôn mới tại các nhà văn hóa thôn, khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu với hệ thống hàng rào xanh được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy mô chuẩn Nông thôn mới tại xã Tượng Sơn hay tham quan mô hình trồng rau củ quả trên cát tại xã Thạch Văn. Đây là loại hình du lịch mới sẽ đem lại cho du khách những trải nghiệm đầy thú vị không thể nào quên trong cuộc đời.
8, Ẩm thực
Đến Thạch Hà, ngoài việc tham quan các điểm đến hấp dẫn, du khách còn được thưởng thức nét ẩm thực độc đáo mang đậm hương quê như Bánh đa, bánh đúc Việt Xuyên, Cu đơ Thạch Đài, hải sản biển…
9, Một số lễ hội truyền thống của huyện
Lễ hội Đền Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi, xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà;
Lễ hội Đền Nen, xã Thạch Tiến, Thạch Hà;
Lễ hội Đền Truông Bát xã Ngọc Sơn, Thạch Hà;
Lễ Kỳ phúc lục ngoạt, các xã vùng Biển Ngang Thạch Hà…