Giới thiệu khái quát thành phố Ninh Bình

Giới thiệu khái quát thành phố Ninh Bình

Giới thiệu khái quát thành phố Ninh Bình

Điều kiện tự nhiên

  1. Vị trí và tính chất của thành phố Ninh Bình trong mối quan hệ vùng

            1.1. Vị trí của thành phố Ninh Bình

Thành phố Ninh Bình nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Ninh Bình, có tọa độ địa lý từ 20016’ đến 20040’ vĩ độ Bắc, từ 106014’ đến 106030’ kinh độ Đông;

Thành phố Ninh Bình cách thủ đô Hà Nội 90km theo Quốc lộ 1A về phía Bắc, cách thành phố Nam Định 28km, tỉnh Quảng Ninh 110 km theo Quốc lộ 10 về phía Đông Bắc, cách thành phố Thanh Hóa 50 km về phía Nam;

Thành phố có tổng diện tích đất tự nhiên là 4.671,67ha  (46,72 km2). Có địa giới hành chính:

– Phía Bắc và Tây Bắc giáp xã Ninh Khang, Ninh Mỹ thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình;

– Phía Đông Bắc giáp huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định;

– Phía Đông Nam giáp xã Khánh Phú, Khánh Hòa huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình;

– Phía Tây, Tây Nam và Tây Bắc giáp các xã: Ninh An, Ninh Xuân, Ninh Thắng, Ninh Vân thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

  Thành phố Ninh Bình gồm 14 đơn vị hành chính, bao gồm 11 phường nội thành và 3 xã ngoại thành, trong đó:

+ Khu vực nội thành gồm 11 phường: Vân Giang, Thanh Bình, Phúc Thành, Đông Thành, Tân Thành, Nam Bình, Bích Đào, Nam Thành, Ninh Phong, Ninh Khánh, Ninh Sơn.

+ Khu vực ngoại thành gồm 3 xã: Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phúc.

Thành phố có vị trí thuận lợi trong mối quan hệ, giao lưu với các đô thị trong vùng Đồng bằng sông Hồng; Đặc biệt là thành phố nằm trên trục kinh tế Bắc Nam và trục kinh tế Bắc Trung bộ với vùng Đông Bắc và Tây Bắc giàu tài nguyên; Các điều kiện tự nhiên của thành phố Ninh Bình khá thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội trước mắt cũng như lâu dài.

           1.2. Tính chất của thành phố Ninh Bình

Tính chất của thành phố Ninh Bình đã được xác định:

– Là trung tâm chính trị – hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử du lịch của tỉnh.

– Là trung tâm văn hóa, lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế;

– Là đô thị đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Nam vùng Duyên hải Bắc Bộ;

– Có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng.

           1.3. Thành phố Ninh Bình trong mối quan hệ Vùng

– Thành phố Ninh Bình nằm trong vùng kinh tế Đồng bằng sông Hồng, vùng Duyên hải Bắc Bộ. Thành phố còn được ảnh hưởng từ kinh tế vùng thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế Bắc Trung Bộ trong sự phân công hợp tác cùng phát triển. Thành phố là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Ninh Bình, là một trong những tỉnh phát triển về công nghiệp, thương mại – du lịch.

– Thành phố Ninh Bình có vị trí quan trọng trong vùng Nam đồng bằng Bắc bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, các huyện xung quang thành phố Ninh Bình có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng, hấp dẫn khách du lịch, vì vậy thành phố Ninh Bình có tác dụng hỗ trợ phát triển dịch vụ du lịch cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh xung quanh như Hòa Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, v.v… Thành phố là đầu mối giao thông quan trọng cấp Quốc gia và vùng; Có trục đường chiến lược Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10, sông Đáy với cụm cảng Ninh Phúc, đường sắt Bắc – Nam chạy qua, giao lưu tiếp giáp với các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Với điều kiện thuận lợi về giao thông, nhiều tiềm năng du lịch, lại nằm trong khu vực tăng trưởng trọng điểm bao gồm 9 tỉnh phía Bắc, thành phố Ninh Bình sẽ đáp ứng nhu cầu dịch vụ lễ hội, du lịch tâm linh – văn hóa – sinh thái cho các tỉnh phía Bắc và thủ đô Hà Nội, đồng thời thực hiện được việc trao đổi hàng hóa, công nghệ, sản phẩm làng nghề truyền thống, nông sản với các tỉnh lân cận.

4 3 - Giới thiệu khái quát thành phố Ninh Bình
Bản đồ địa giới hành chính thành phố Ninh Bình

+ Tiềm năng thuận lợi, khó khăn

– Sự hình thành tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh và tuyến Ninh Bình – Pháp Vân (Hà Nội) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố phát triển. Ngoài ra, các tuyến hành lang kinh tế – kỹ thuật – đô thị cấp Quốc gia đi qua Thành phố như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10 và các tuyến vận tải đường thủy trên sông Đáy sẽ mở ra cho Ninh Bình những cơ hội phát triển giao lưu kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hoá xã hội với các trung tâm kinh tế trong vùng Đồng bằng Bắc Bộ, với cả nước và quốc tế.

– Nhu cầu đô thị hóa trong Tỉnh ngày càng tăng cao, dự báo toàn Tỉnh đến 2030 tỷ lệ đô thị hóa đạt 46,8%. Trong đó, Thành phố đang trên đà phát triển và luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Tỉnh và Trung ương từ những chủ trương, chính sách cho đến việc huy động đầu tư, bố trí nguồn lực nhằm đẩy mạnh xây dựng và phát triển thành phố.

–  Sự cạnh tranh mạnh mẽ của các đô thị trong Vùng và tỉnh, các trung tâm đô thị trong Vùng khá phát triển, trong khi Ninh Bình là đô thị mới được nâng cấp lên thành phố (năm 2007), xuất phát điểm kinh tế – xã hội còn thấp so với vùng Bắc Bộ. Đặc biệt, thành phố chịu ảnh hưởng từ sức hút mạnh mẽ của các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, nên sức hút của đô thị sẽ giảm nếu Thành phố không tạo ra được cơ sở hạ tầng và dịch vụ thật sự hấp dẫn và thuận lợi cho các hoạt động đầu tư.

  1. Quy mô đất đai, dân số thành phố Ninh Bình

2.1. Quy mô đất đai:

Tổng diện tích đất tự nhiên của thành phố là: 46,7167 km2, trong đó:

+ Khu vực nội thành có tổng diện tích đất tự nhiên là 27,99 km2, gồm 11 phường: Vân Giang, Thanh Bình, Phúc Thành, Đông Thành, Tân Thành, Nam Bình, Bích Đào, Nam Thành, Ninh Phong, Ninh Khánh, Ninh Sơn.

+ Khu vực ngoại thành có tổng diện tích đất tự nhiên là 18,73 km2, gồm 3 xã: Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phúc.

2.2. Quy mô dân số

– Dân số thường trú trên địa bàn toàn Thành phố là: 160.166 người (bao gồm dân số thường trú là 121.271 người và dân số quy đổi là 38.895 người từ: lực lượng học sinh, sinh viên tại các cơ sở dạy nghề, lượng bệnh nhân từ các vùng lân cận đến khám chữa bệnh, khách tham dự hội nghị hội thảo, lực lượng công an, quân đội, lực lượng lao động tại các khu công nghiệp đóng trên địa bàn), trong đó:

+ Dân số khu vực nội thành (đã bao gồm dân số quy đổi) là: 137.893 người. (Trong đó: Dân số thường trú là: 100.661 người, dân số quy đổi các lực lượng quân đội, khách du lịch, người ngoài thành phố đến khám chữa bệnh, lao động đăng ký tạm trú trên địa bàn khu vực nội thành là: 37.232 người).
         + Dân số khu vực ngoại thành (đã bao gồm dân số quy đổi) là: 22.273 người. (Trong đó: Dân số thường trú là 20.610 người, dân số quy đổi các lực lượng học sinh, sinh viên tại các cơ sở dạy nghề, công an, quân đội, khách du lịch, người ngoài thành phố đến khám chữa bệnh, lao động đăng ký tạm trú là: 1.663 người)

TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI THÀNH PHỐ NINH BÌNH

     1. Thành phố Ninh Bình, Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Ninh Bình. Được thành lập ngày 07/2/2007, diện tích tự nhiên của Thành phố hiện tại là 48,3km2, dân số hơn 13 vạn dân với 14 đơn vị hành chính gồm 11 phường và 3 xã. Thành phố có đường giao thông Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10, cao tốc Hà Nội – Ninh Bình, đường sắt xuyên Việt, sông Vân, sông Đáy chạy qua tạo thành mạng lưới giao thông quan trọng trên tuyến Bắc, Nam.

       Với cảnh đẹp của núi non, sông nước, thành phố Ninh Bình có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá và cách mạng nổi tiếng được nhiều đoàn khách quốc tế và trong nước tới tham quan, tìm hiểu như: Núi Non Nước, Núi Cánh Diều, Núi Kỳ Lân; đồng thời là trung tâm đến các khu du lịch của tỉnh Ninh Bình như Khu du lịch Tràng An, Chùa Bái Đính (Quần thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014), Tam Cốc – Bích Động, Nhà thờ đá Phát Diệm, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu sinh thái Vân Long…Đây thực sự là tiềm năng quan trọng để phát triển toàn diện các mặt kinh tế – xã hội của Thành phố.

       2. Trong những năm qua, thành phố Ninh Bình đã có bước phát triển nhanh và mạnh, diện mạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại. Thành phố đã được Chính phủ công nhận đô thị loại II năm 2014. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá với tốc độ bình quân 12% năm; thu ngân sách tăng cao, năm 2016 đạt 744 tỷ đồng (Trong đó: thu thường xuyên đạt 454 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất đạt 290 tỷ đồng); kết cấu hạ tầng đô thị được tăng cường đầu tư; lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống nhân dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, toàn Thành phố hiện tại chỉ còn 462 hộ nghèo = 1,36% (theo tiêu chí giai đoạn 2016 – 2020); 12/14 xã, phường đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020; 42/42 trường học đạt chuẩn quốc gia (trong đó 19/42 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ II), 91,6% đường giao thông nội thành có điện chiếu sáng công cộng, 99,2% đường giao thông được nhựa hoá và bê tông hoá, 95,8% hộ gia đình được dùng nước máy; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 94%, 14/14 xã, phường và 150/183 thôn, tổ dân phố có nhà văn hoá; có 43 tuyến đường đạt chuẩn văn minh đô thị; Thu nhập bình quân đầu người trên 40 triệu đồng/người/năm. Lĩnh vực cải cách hành chính, kỷ luật kỷ cương hành chính được chú trọng, là một trong những thành phố có dịch vụ hành chính công hiện đại dẫn đầu trong các đô thị phía Bắc; an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

       3. Phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong 5 năm tới được Đại hội Đảng bộ Thành phố Ninh Bình lần thứ XIX xác định là:

       Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững; tập trung cao cho phát triển thương mại, dịch vụ và kinh tế hộ gia đình. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, chỉnh trang đô thị; huy động mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị. Phát triển toàn diện văn hóa – xã hội; xây dựng nếp sống văn minh đô thị và phong cách ứng xử văn hóa của người dân thành phố; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác quốc phòng, nâng cao sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân. Xây dựng và phát triển thành phố Ninh Bình theo tiêu chí đô thị loại I, hướng tới thành phố du lịch văn minh, hiện đại.

Lịch sử hình thành và phát triển thành phố Ninh Bình

Vào thế kỷ X, vùng đất thành phố Ninh Bình được coi là vùng cửa biển (cửa biển Đại Ác ) ngoài ra còn mang tên Phúc Thành hải cảng. Khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 xứ quân, thống nhất giang sơn, lên ngôi hoàng đế, khai sinh ra nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, núi Non Nước trở thành tiền đồn bảo vệ kinh đô Hoa Lư.

          Trải qua các thời kỳ biến động của lịch sử, miền đất thành phố Ninh Bình có nhiều tên gọi khác nhau, thuở xưa là trấn lỵ Vân Sàng của Thanh Hoa ngoại trấn, trung tâm là Đại Đăng. Dưới triều Nguyễn, năm Gia Long thứ 13 ( 1814 ) thành Ninh Bình được xây dựng khá kiên cố : Chu vi 393 trượng, 9 thước; tường thành cao 9 thước; thành có 3 cửa : cửa Trung ở phía Đông; cửa Tả ở phía Tây; cửa Hữu ở phía Bắc. Đến Minh Mạng thứ 12 ( 1831 ) tỉnh lỵ Ninh Bình được thành lập ( còn gọi là thành Ninh Bình ).

          Trải qua các thời kỳ lịch sử quy mô và vị trí thành phố Ninh Bình có nhiều biến động :

          – Trước Cách mạng tháng Tám 1945 thị xã là tỉnh lỵ của tỉnh.

          – Trong khàng chiến chống Pháp, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, nhân dân tự săn bằng nhà cửa, công sở, phá hủy các tuyến đường giao thông (đường bộ, đường sắt) qua thị xã, vào vùng tự do tham gia kháng chiến.

          – Năm 1954, miền Bắc giải phóng, thhị xã được xây dựng lại trên mặt bằng cũ.

          – Khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất ( tháng 8-1964) và lần hứ hai (tháng 4-1972), thị xã đã hai lần bị hủy diệt hoàn toàn.

          – Sau khi cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ kết thúc và miền Nam hoàn toàn được giải phóng, thị xã lại được xây dựng lại.

          – Khi huyện Gia Khánh và thị xã Ninh Bình hợp thành Huyện Hoa Lư (tháng 4-1977), từ chỗ là thủ phủ của tỉnh Ninh Bình, thị xã Ninh Bình trở thành thị trấn trực thuộc huyện Hoa Lư.

          – Đến tháng 4-1981, huyện Hoa Lư chia tách, thị xã Ninh Bình được tái lập trở thành đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Hà Nam Ninh.

          – Khi tỉnh Ninh Bình được tái lập (tháng4-1992), thị xã Ninh Bình lại trở thành lại trở thành thị xã tỉnh lỵ, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh Ninh Bình.

          – Hai thập niên cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, thị xã đã 3 lần được mở rộng:

          + Lần thứ nhất: Sáp nhập xã Ninh Thành, huyện Hoa Lư vào thị xã (tháng 12-1982). Thị xã được tổ chức thành 4 phường và 1 xã (phường Vân Giang, Lương Văn Tụy, Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung và xã Ninh Thành).

          + Lần thứ hai: Sáp nhập 6 xã gồm Ninh Khánh, Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phong, Ninh Sơn, Ninh Phúc, huyện Hoa Lư vào thị xã (tháng 1-2004). Thị xã được tổ chức thành 8 phường và 6 xã như trên.

          Ngày 28-4-2005, thực hiện nghị định số 58/2005/NĐ-CP của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính phường, xã và thành lập phường mới thuộc thị xã Ninh Bình, thị xã đã tiến hành những điều chỉnh sau:

          + Điều chỉnh 4,55ha diện tích tự nhiên và chuyển 1.279 người phường Thanh Bình về cho phường Nam Bình quản lý.

          + Điều chỉnh 26ha diện tích tự nhiên và 1.300 người xã Ninh Sơn về phường Nam Bình quản lý.

          + Điều chỉnh 102,80hs diện tích tự nhiên và 1.197 người xã Ninh Phòn vế cho phường Nam Bình quản lý.

          + Điều chỉnh 3,37ha diện tích tự nhiên và 508 người phường Bích Đào về cho xã Ninh Sơn quản lý.

          + Điều chỉnh 36,36ha diện tích tự nhiên và 1.506 người phường Nam Bình về cho xã Ninh Phong quản lý.

          Sau khi điều chỉnh diện tích tự nhiên và người ở một số phường, xã, thị xã thành lập thêm hai phường mới: Ninh Khành và Ninh Phong.

          Như vậy đến tháng 4-2005, thị xã Ninh Bình có 14 đơn vị hành chính gồm 10 phường và 4 xã.

          Ngày 2-12-2005, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ra Quyết định số 2241/QĐ-BXD công nhận thị xã Ninh Bình là đô thị loại III.

          Ngày 7-2-2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2007/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Ninh Bình trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc thị xã Ninh Binh. Với vị trí là thành phố thuộc tỉnh, là thủ phủ của tỉnh, thành phố Ninh Bình giữ vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, đào tạo, du lịch và thương mại của tỉnh, là trnng tâm du lịch cấp vùng và cấp quốc gia.

          (Nguồn: Địa chí Ninh Bình – Nhà xuất bản chính trị Quốc gia- Hà nội 2010)

          Ngày 20/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 729/QĐ-TTg    công nhận Thành phố Ninh Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây