Giới thiệu khái quát huyện Thoại Sơn

Giới thiệu khái quát huyện Thoại Sơn - Tỉnh An Giang

Giới thiệu khái quát huyện Thoại Sơn

Thoại Sơn có diện tích tự nhiên  46.885,52 ha, trong đó có 41.261,22 ha đất canh tác. Toàn huyện có 42.267 hộ với 180.951 nhân khẩu, được phân bố trên 14 xã, 3 thị trấn.
Huyện Thoại Sơn ngày nay là một trong 11 huyện thị của tỉnh An Giang, nằm về phía đông nam tứ giác Long Xuyên; huyện lỵ đặt tại thị trấn Núi Sập. Phía Bắc giáp huyện Châu Thành, Tây Bắc giáp huyện Tri Tôn, Đông giáp thành phố Long Xuyên, Nam giáp huyện Thốt Nốt (Cần Thơ), Tây và Tây Nam giáp huyện Tân Hiệp và Hòn Đất (Kiên Giang). Thoại Sơn có diện tích tự nhiên là 46.885,52 ha, trong đó có 41.261,22 ha đất canh tác. Toàn huyện có 42.267 hộ với 180.951 nhân khẩu, được phân bố trên 14 xã, 3 thị trấn (Núi Sập, Óc Eo và Phú Hòa) với 76 ấp (số liệu thống kê ngày 31-12-2010).
Ngoài những ngọn núi cuối cùng được thiên nhiên ban tặng ở đồng bằng Tây Nam Bộ thì địa hình còn lại của huyện bằng phẳng, đất thuần nông, chịu ảnh hưởng lũ hàng năm của sông Hậu. Các xã phía Đông và Nam đất phù sa màu mỡ, các xã phía Bắc ruộng đất còn nhiễm phèn, đất triền núi trồng cây ăn trái và hoa màu, diện tích nhỏ. Thoại Sơn có hệ thống kênh rạch chằng chịt, dân cư phân bố theo tuyến sông và kênh, tạo nguồn nhân lực cải tạo đất. Vị trí của huyện nằm ở vĩ độ Bắc từ 10011’ đến 11022’ và kinh độ Đông từ 10506’ đến 105017’; khí hậu nhiệt đới, có gió mùa với hai mùa nắng, mưa rõ rệt; nhiệt độ trung bình hàng năm 28,60C.
Những năm gần đây, với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân đào mới và nạo vét hàng trăm km kênh mương để tháo chua rửa phèn, cùng với việc xây dựng hệ thống đê bao chống lũ đã biến toàn bộ diện tích lúa mùa nổi trước đây thành diện tích đất trồng lúa 2 vụ rồi 3 vụ/năm. Cụm núi Sập và núi Ba Thê cũng được cải tạo thành 2 khu du lịch chủ yếu của Thoại Sơn.

SƠ LƯỢC VỀ VÙNG ĐẤT, CON NGƯỜI THOẠI SƠN

1. Sự hình thành vùng đất Thoại Sơn Thuở xa xưa, Thoại Sơn là vùng đất thuộc vương quốc Phù Nam (từ thế kỷ I đến đầu thế kỷ VII) với nền văn hóa Óc Eo nổi tiếng. Phù Nam từng là một cường quốc thương nghiệp biển trong khu vực. Đầu thế kỷ VII, Phù Nam suy yếu, bị Chân Lạp (vốn là một thuộc quốc của Phù Nam) thôn tính. Tuy nhiên trong suốt mười thế kỷ , vùng đất Thủy Chân Lạp (Nam Bộ) không được khai thác, mở mang và dần dần trở nên hoang hóa. Đến đầu thế kỷ XVII, người Việt ở vùng Thuận – Quảng bắt đầu quá trình di dân khai phá vùng đất Nam Bộ. Cùng với quá trình đó, nhà Nguyễn từng bước lập các thiết chế để quản lý vùng đất này. Cuối thế kỷ XVII những người Việt đầu tiên đã dừng chân ở khu vực Chợ Mới (An Giang) khai phá đất hoang, lập thôn xóm, tiến dần lên biên giới và vượt sông Hậu đến vùng sông Tam Khê, Đông Xuyên cảng đạo, Thụy Hà… để khai hoang, sinh sống. Năm 1757, Nặc Tôn được chúa Nguyễn giúp đỡ trở lại nắm quyền ở Chân Lạp nên hiến đất Tầm Phong Long (An Giang và Đồng Tháp ngày nay). Vùng đất này thuộc quyền quản lý của chúa Nguyễn đã giúp cho người Việt về đây định cư, khai phá ngày càng đông thêm. Sau khi thành lập (1802), triều đình nhà Nguyễn chủ trương đẩy mạnh khai hoang vùng đất phía Nam. Năm 1817, khi làm trấn thủ Vĩnh Thanh, Nguyễn Văn Thoại kiến nghị lên vua Gia Long việc đào kênh Đông Xuyên, nối vàm rạch Đông Xuyên (Long Xuyên ngày nay) với ngọn Giá Khê (Rạch Giá) được triều đình chấp nhận. Mùa xuân năm Mậu Dần (1818), công việc đào kênh được tiến hành. Nguyễn Văn Thoại điều động dân Việt và Khmer khoảng 1.500 người chặt cây cối, nạo vét bùn lầy. Lương thực và thực phẩm của sưu dân trong thời gian đào kênh do Nhà nước đài thọ. Việc đào kênh vô cùng gian nan, vất vả. Nhiều người bỏ mạng vì cọp beo, cá sấu ăn thịt, rắn độc cắn… Tuy nhiên, với sự quyết tâm điều hành của Nguyễn Văn Thoại, công việc tiến hành hơn một tháng là xong. Kênh nối liền Long Xuyên – Rạch Giá (đầu kênh là Ba Bần thuộc xã Vĩnh Trạch ngày nay), chiều dài một vạn hai nghìn bốn trăm mười tầm (hơn 31 km). Kênh Long Xuyên – Rạch Giá là một con kênh đào sớm nhất ở miền Nam, nó có một vị trí rất quan trọng trong việc giao thông vận tải đường sông và phát triển nông nghiệp, tạo điều kiện cho việc hình thành làng xóm và phát triển dân cư, nâng cao đời sống của người dân nơi đây. Để tuyên dương công trạng của Nguyễn Văn Thoại, vua Gia Long cho đổi tên kênh Tam Khê thành kênh Thoại Hà, núi Sập thành Thoại Sơn, cho cất miếu Sơn Thần, dựng văn bia để ghi công Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại). Từ đó, vùng đất Thoại Sơn vinh dự được mang tên một vị danh thần nhà Nguyễn. Với điều kiện khắc nghiệt, từ khi vùng đất Thoại Sơn được định hình, người dân nơi đây đã đổ biết bao mồ hôi và cả xương máu để chinh phục thiên nhiên, khai phá đất đai, cùng với quá trình chống giặc xâm lăng trải qua hơn 200 năm. Vì thế, Nhân dân Thoại Sơn luôn trân trọng và tự hào với những thành quả mà cha ông đã dày công tạo dựng nên.

2. Con người Thoại Sơn
Những người Việt đầu tiên đến vùng đất Thoại Sơn có nhiều nguồn gốc khác nhau: họ là những người nghèo khổ từ đất miền Trung lần bước vào miền Nam kiếm sống; là những người giàu có ở vùng đất Thuận Hóa được chúa Nguyễn chiêu mộ vào khai hoang lập thôn (làng), thuê mướn tá điền; là những người mắc tội lưu đày, bị sung quân, khi mãn hạn ở lại lập gia đình làm ăn; là những người Khmer, người Chăm chạy giặc Xiêm vào sinh sống ở Vĩnh Trạch, chân núi Ba Thê, núi Sập…
Từ triều vua Gia Long (1802 – 1820), vùng đất Thoại Sơn còn đầy tre rừng và rừng tràm bạt ngàn. Bên bờ những con rạch tự nhiên đã có người ở nhưng còn rất thưa thớt. Một số người lập am tu học và bốc thuốc trị bệnh cho dân nghèo. Đến triều Minh Mạng (1820 – 1840) trở đi, các thôn lần lượt được thành lập. Khi dân cư đông đúc, các đình thần cũng được dựng lên để phục vụ cho tín ngưỡng truyền thống của người dân. Đình thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh và những người có công với nước. Một số đình còn thờ các danh nhân, dũng tướng như: đình Thoại Ngọc Hầu thờ người có công khai sinh vùng đất Thoại Sơn, đình Vĩnh Trạch, Vĩnh Phú thờ di ảnh anh hùng Nguyễn Trung Trực, đình Định Mỹ thờ linh vị Trương Công Định… Vào dịp lễ Kỳ yên (cầu an) hàng năm, đình là nơi cho Nhân dân trong vùng tụ họp về vui chơi giải trí, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Hầu hết các đình thần, cơ sở thờ tự trên địa bàn huyện đều là nơi có hoạt động của cán bộ cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Người dân Thoại Sơn thường tự hào với ngôi đình thần Thoại Ngọc Hầu, vì đình thờ một danh tướng lẫy lừng công trạng.
Thời chống Pháp, một số sĩ phu yêu nước sau thất bại của các cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực, Trần Văn Thành (Quản Cơ Thành)… đã về ẩn cư trên núi như ông Bảy Lượng có môn đồ khắp lục tỉnh về đây vừa sản xuất vừa rèn luyện võ nghệ, trồng hàng vạn cây ăn trái các loại khắp núi Nhỏ (cụm Núi Sập); ông Đạo Ba (còn gọi là ông Ba Da Rán) cất am tu ở phía Đông Núi Lớn (Núi Sập). Về sau, những ông này đều nuôi chứa cán bộ hoạt động chống Pháp. 
Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, người dân Thoại Sơn lưu truyền nhiều truyền thuyết, huyền thoại về núi Ba Thê, núi Sập và miễu Thầy Thiếm được Nhân dân tôn sùng. Ngoài ra, Nhân dân còn sáng tác những câu hò dân gian thấm đượm tình người, tình yêu quê hương, tiêu biểu như:
Hò ơ…
Em chèo ghe vô Núi Sập
Lựa con khô cá sặc cho thiệt ngon
Lựa trái xoài tượng cho thiệt giòn
Em chèo ghe ra chợ Long Xuyên
Lựa gạo thiệt trắng thiệt thơm
Đem về nấu một bữa cơm
Cho người quân tử ăn còn nhớ quê.
Thoại Sơn còn là nơi có nhiều di tích lịch sử cách mạng, diễn ra những trận đánh nổi tiếng trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, được ghi dấu trong lịch sử với bia chiến công ở xã Tây Phú, bia chiến công trên đỉnh núi Ba Thê v.v… Thoại Sơn có 39 bà Mẹ Việt Nam anh hùng cùng với những người con anh hùng được lưu danh trong sử sách như nữ anh hùng Nguyễn Thị Bạo (xã Vĩnh Phú), anh hùng Nguyễn Văn Muôn (xã Vọng Thê) trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, anh hùng Lâm Thanh Hồng (thị trấn Óc Eo) trong thời kỳ làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Đó cũng là nguồn tài liệu phong phú bổ sung vào lịch sử địa phương và phục vụ cho công tác giáo dục truyền thống cách mạng.
Người dân Thoại Sơn có những phẩm chất tốt đẹp của con người Nam bộ: chất phác, thật thà, hào sảng, anh hùng trượng nghĩa và truyền thống đoàn kết trong suốt quá trình đấu tranh mở đất và giữ đất. Những phẩm chất và truyền thống tốt đẹp đó càng được phát huy mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới, giúp cho Đảng bộ và Nhân dân Thoại Sơn làm nên những bước ngoặt lớn trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương. Ngày nay, con người Thoại Sơn luôn ra sức phấn đấu để không hổ thẹn với các thế hệ đi trước và luôn xứng đáng với hai danh hiệu anh hùng: Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng lao động.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây