Khe hở hạnh phúc – Truyện ngắn của Nhà văn Vu Gia

Khe hở hạnh phúc - Truyện ngắn của Nhà văn Vu Gia
Từ trái qua: Nhà văn Vu Gia, PGS-TS Bùi Mạnh Nhị, TS Bạch Văn Hợp, PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, PGS-TS Hoàng Dũng, PGS-TS Bùi Thanh Truyền (Ảnh chụp ngày 28-2-2022)

 Khe hở hạnh phúc

Truyện ngắn của VU GIA

“Phố đêm đèn mờ giăng giăng/ Màu trắng như vì sao gối đầu ngủ yên/ Phố đêm nhiều lần suy tư/ Ghi nhớ còn trong đời/ Những ngày thương tích lớn… Mây đen làm úa trăng gầy/ Cho nên còn tiếng say mềm/ Trước thềm ngàn người vu vơ/ Vì người hay mơ dòng đời như thơ”…

Tiếng hát bay ra từ căn hộ nào đó, lắm lúc làm Ngô bực mình, nhưng riết rồi thành quen. Về ở chung cư cấp thấp, sống với những người lao động phi kết cấu cũng có cái hay là họ sống rất chân tình. Ồn ào một chút, văng tục một chút, nhưng lòng họ thẳng như ruột ngựa, giận hờn đều để lộ ra ngoài mặt. Họ rất quý trọng người có học. Lúc nào gặp Ngô, họ cũng nở nụ cười vui vẻ, một tiếng “ông giáo”, hai tiếng “ông giáo”, thậm chí biết Ngô sống một mình, nên có khi cho con mang qua khúc cá chiên, có khi tô canh chua, có khi chai nước mát do chính tay họ nấu. Có người còn muốn giới thiệu cho Ngô người phụ nữ đảm đang trên tinh thần “con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”,…

Nhiều lúc trong giờ nghỉ ngơi mà có đến mấy nhà mở nhạc, ồn ào quá sá cỡ. Nhưng khi ngồi dưới quán cà phê cóc ở chân cầu thang, nghe họ khen máy này nghe rõ lời hơn, máy kia mở lớn tiếng hơi bị méo,… Ngô chỉ biết cười, đúng là nhà nhà tranh tiếng.

Ở miền Nam, trước ngày giải phóng có cả phong trào chê loại nhạc ủy mị này là nhạc nước phông-tên (Fontaine – nước đã qua xử lý bằng các phương pháp công nghiệp từ hệ thống nhà máy lọc, cung cấp cho cư dân đô thị sử dụng, chỉ cần mở vòi là chảy ào ào), nhạc sến. Sau ngày giải phóng, dòng nhạc này được xếp vào loại nhạc vàng cấm lưu hành. Đời Ngô chẳng lúc nào rảnh để quan tâm tới đàn ca sáo thổi, nên mấy chuyện ê a ấy như người dưng nước lã. Khổ cực theo hết chương trình đại học, ra trường nhận được tháng lương đầu tiên phải lo đứa em kế vào đại học; hai năm sau lo tiếp một đứa em nữa. Khi chúng ra trường có công ăn việc làm, Ngô lại rước mẹ từ quê nghèo vào sống chung với ba anh em. Rồi lo nâng cao thực lực, rồi dựng vợ gả chồng cho hai đứa em, rồi cưới vợ sinh con,… Cuộc sống cứ xoay như đèn cù, có thời gian thưởng thức âm nhạc mới lạ.

Hôm nay, ngẫm qua một đời người, Ngô lại thấy lời bài hát có ý nghĩa quá, nó như gan ruột của mình… “Nhớ ngày nao hoa nắng ngủ trên cây/ Thương lá vàng úa tan/ Mây bơ vơ bay khắp nẽo vô tình/ Cho người yêu ước mơ”… Ừ, thưởng thức âm nhạc có khác gì uống rượu đâu. Rượu có ngon hay không, không phải xem nồng độ cũng không phải xem tư vị, nếu nó hòa tan được bi thương của người uống thì tự nhiên đó là rượu ngon.

Cuộc đời một người không thể vĩnh viễn thuận buồm xuôi gió. Tất cả theo đuổi, cuối cùng rồi sẽ hóa thành bụi đất; tất cả hư danh, cuối cùng sẽ không còn lưu giữ. Nhưng đã là con người thì luôn luôn theo đuổi những thứ đó, bởi con người là loại sinh linh kỳ quái như thế nên mới trở thành vạn vật chi linh. Đường do mình chọn. Một khi đã lựa chọn thì than vãn có ích gì. Tương phùng tức là duyên, tụ tán khó lưỡng toàn.

#

Đời người trưởng thành phải chịu ơn nhiều người. Đạo Phật có nói đến “tứ ân”, con người cần phải báo đáp. Trong đó, ân tam bảo thì Ngô chưa biết vì Ngô không có đạo, chưa tìm hiểu về lĩnh vực này, nhưng ân cha mẹ, ân chúng sinh, ân quốc gia, sống càng lâu Ngô càng thấm.

Cha Ngô hy sinh lúc Ngô còn nhỏ. Mẹ Ngô ra đi với nụ cười mãn nguyện. Món nợ quê hương, Ngô nghĩ cả đời cũng không trả hết, chỉ biết cố làm hết sức mình. Ngày Ngô vào cấp 3, huyện ủy huyện nhà có chủ trương ai thi đỗ vào đại học cũng giống như trong chiến tranh bứng được cái đồn địch, nên xứng đáng được đứng vào hàng ngũ Đảng. Có chủ trương ấy, Ngô và một số bạn bè nỗ lực nhiều hơn. Nhờ thế, tốt nghiệp đại học không phải loại xuất sắc, nhưng Ngô được giữ lại trường làm công tác giáo vụ ở khoa và được các thầy cô động viên, phân công dạy thêm một số tiết ở những lớp tại chức. Từ đó, vận may luôn đến với Ngô.

Trong lớp đại học tại chức có vị chủ tịch phường đang theo học, biết Ngô còn ở nhà thuê, gợi ý Ngô làm đơn xin cái bô rác của phường. Nhân dân đang kêu ca bô rác gây ô nhiễm môi trường và nằm chình ình ở mặt tiền đường chính làm mất mỹ quan đô thị, nên kỳ họp hội đồng nhân dân phường vừa rồi đã nhất trí giải phóng bô rác này.

Vừa tiếp nhận mặt bằng bô rác có diện tích gần 200m2, thì có người đến đặt vấn đề cho họ xây 2 căn nhà, mỗi căn 3 tầng. Chủ đất chọn một căn. Chủ đầu tư xây dựng một căn. May mắn ập đến còn hơn trúng số độc đắc. Tự dưng Ngô có nhà cửa khang trang, không phải cán bộ giảng dạy nào trong trường cũng được như thế.

Một hôm, hiệu trưởng nhà trường gọi Ngô lên vì nghe anh em ở khoa ngoại ngữ kháo nhau, Ngô thi TOEFL PBT đạt những 600 điểm, trong khi anh chị em là cán bộ giảng dạy ở khoa ngoại ngữ, người đạt cao nhất cũng chỉ mấp mém 550 điểm.

Nghe hiệu trường nhà trường khen thật lòng, Ngô cười vui vẻ và cũng khiêm tốn thật lòng:

– Dạ, cũng có chút may mắn, thầy ạ.

Thầy hiệu trưởng rót tách trà, đẩy về phía Ngô, nói:

– May mắn cũng là một loại lực lượng. Trường mình có trung tâm ngoại ngữ, miễn học phí cho tất cả cán bộ, công nhân viên của trường, nhưng bao năm qua có ai học ra hình ra dáng gì đâu. Nỗ lực của cậu, ai cũng thấy. Đó là ưu điểm cần phút huy hơn nữa.

Nghe hiệu trưởng khen, Ngô cũng hơi ngượng. Những nỗ lực của Ngô lúc còn học cấp 2 là muốn thoát khỏi nghiệp cuốc cày, muốn có điều kiện giúp đỡ mẹ bớt phần vất vả, giúp hai đứa em ăn học nên người. Những nỗ lực sau này là muốn có việc làm ổn định, muốn mọi người xung quanh không xem thường. Nói chung, những nỗ lực ấy đều vì mình chứ chưa hề nghĩ vì mọi người. Bà con ở nông thôn, sau khi vác cuốc ngoài đồng về, ai nấy đều tranh thủ xớt mấy mảng cỏ trong vườn, hoặc vun một vài luống khoai, luống cà rồi mới nghỉ tay, chứ không mấy ai nghĩ xong công việc ngoài đồng là coi như xong. Công việc Ngô được phân công để hưởng lương, thì phải cố gắng hoàn thành tốt nhất, tới tháng thò tay ký vào sổ nhận lương không thấy xấu hổ; làm thêm việc gì đó cho khoa, cho trường thì có tiền bồi dưỡng chứ có làm không đâu. Do vậy, Ngô không thể không đỏ mặt khi nhận được lời khen ấy, nhưng không thể không biết ơn lời khen thật lòng của thủ trưởng đơn vị.

Thầy hiệu trưởng đưa tới trước mặt Ngô tờ giấy, nói trường vừa nhận thông báo của Tổng lãnh sự cho một suất học bổng nghiên cứu sinh. Ngô coi không có gì lấn cấn thì nộp đơn. Nhìn Ngô cau mày, thầy hiệu trưởng nói:

– Về trình độ ngoại ngữ, họ chỉ yêu cầu TOEFL PBT 550 điểm. Khâu khó khăn này, với cậu xem như thông qua. Về phần chuyên môn, mình sẽ chuyển văn bằng của cậu qua ngành gần với yêu cầu là được. Chuyện này, mình đã trao đổi với bên Tổng lãnh sự bạn rồi. Họ đồng ý. Nếu cậu được đi học lần này, thì sau khi về sẽ giúp đỡ cho trường nhiều vấn đề thiết thực trong bối cảnh đất nước chúng ta mở rộng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác với các lực lượng chính trị, xã hội và nhân dân các nước.

Hàng chân mày của Ngô giãn ra, hứa sẽ cố gắng. Nếu được tiếp nhận, Ngô sẽ cố gắng học tốt nhất, không phụ lòng nhà trường. Và vận may lại đến với Ngô.

Sau hai năm bổ túc kiến thức, thấy Ngô am hiểu về kinh tế chính trị, chủ nghĩa trọng thương, kinh tế chính trị tư sản cổ điển, quan hệ xã hội của sản xuất và trao đổi, quy luật kinh tế, v.v… giáo sư hướng dẫn gợi ý nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp. Theo giáo sư hướng dẫn, văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ giá trị văn hóa được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, từ đó trở thành quy tắc, tập quán quen thuộc ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp đồng thời chi phối tình cảm, cách suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên của doanh nghiệp trong việc theo đuổi và thực hiện các mục đích. Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố chi phối hầu hết mọi kết quả của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không có văn hóa doanh nghiệp thì sẽ giống như một con người không có định hướng mục tiêu cuộc đời và không biết đi về đâu. Các nước chậm phát triển và trên đà phát triển rất cần tìm hiểu về đề tài này.

Cả đời tìm kiếm, tích lũy tri thức cũng chỉ để phục vụ cho bản thân, gia đình và cộng đồng, vì thế Ngô thích thú với đề tài này. Một con người không có định hướng mục tiêu cuộc đời và không biết đi về đâu, thì có sống trăm năm, ngàn năm cũng chẳng ích gì. Lời nói của giáo sư hướng dẫn như khơi thông dòng nhiệt huyết trong Ngô, một tia kiên quyết lưu chuyển…

Bốn năm sau, Ngô bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, trở về nước trong niềm vui rộng mở.

#

Điện thoại ngắt mạch. Ngô thoáng sững sờ và quyết định không gọi lại. Trâm đã tự ngắt điện thoại để kết thúc cuộc nói chuyện thì có gọi lại cũng chẳng được điều tốt lành gì, thậm chí còn đào sâu hố ngăn cách, gây bực bội cho nhau, làm cho cuộc sống thường ngày thiếu vui. Một khi đã không vui thì cuộc sống trở thành lao ngục. Không thể làm như thế. Đứa con mới tròn bốn tuổi của Ngô đang cần có mẹ, vẫn cần có bàn tay chăm sóc của mẹ, vẫn cần tình thương của mẹ dìu dắt vào đời,…

Người ta nói yêu sinh hận. Thật chăng? Ngô hít thở mấy hơi thật sâu, bình tâm nhìn lại cuộc tình đã qua. Yêu chăng? Trâm nói đúng, cô đến với Ngô là từ ngưỡng mộ dẫn đến yêu, không phải tình yêu đích thực đến từ đáy lòng. Với Ngô thì sao? Thật tình không biết. Sau ngày cưới, Ngô chỉ biết thương vợ, tận lực giúp vợ có chút công danh sự nghiệp với đời; lúc con ra đời thì thương vợ thương con, chỉ biết nỗ lực hết mình để vợ con có được cuộc sống yên vui, cố gắng xứng đáng là người chồng, người cha đúng nghĩa.

Duyên phận ư? Ngô không ít lần tự hỏi như thế, song vẫn chưa tìm được câu trả lời rõ ràng. Ngày đó, đi ngang qua căn-tin nhà trường, nghe tiếng đồng nghiệp gọi, Ngô bước vào. Chưa kịp ngồi thì cô gái đối diện với đồng nghiệp của Ngô cất tiếng chào, tự giới thiệu cho biết vừa học xong chuyên đề Ngô dạy tuần qua, khen Ngô dạy hay.

Ngô vừa kéo ghế ngồi, vừa cười vui cho rằng đã là thợ cày mà cày lỏi trước lỏi sau thì gác cày vào chái hè, đi làm nghề khác kiếm sống chứ ai dại gì bỏ tiền ra thuê.

Cuộc nói chuyện hôm ấy khá vui, xoay quanh việc học hành, thi cử. Qua mấy lần gặp gỡ, đồng nghiệp cố ý vun vào. Dù Ngô lớn hơn Trâm 17 tuổi, nhưng Trâm không ngại và gia đình Trâm cũng đồng thuận. Sau ngày Trâm bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, Ngô và Trâm nên vợ nên chồng. Ngô tự cười thầm, hết trách nhiệm này đến trách nhiệm khác, song lại thấy vui hơn, con đường trước mặt cứ như được trải đầy hoa thơm.

Ban giám hiệu nhà trường muốn tiếp nhận Trâm về làm công tác giảng dạy, nhưng Ngô không muốn vợ chồng cùng chung đơn vị, nên nhã nhặn cám ơn, xin cho Trâm về dạy ở trường bạn. Căn nhà của Ngô cho người ta thuê. Hai vợ chồng thuê lại một căn hộ chung cư cao cấp, mỗi tháng dôi ra vài nghìn đô la. Nhờ thế, cuộc sống của hai vợ chồng khá thong dong, không quan tâm tới chuyện đói nghèo. Mỗi năm, có những mấy lần xuất ngoại dạy học, và ít ra cũng được một lần đưa vợ đi theo cho biết đó biết đây.

Bạn bè thường nói vui, Ngô mới là người thể hiện được ý thơ của Nguyễn Công Trứ: “Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây/ Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”. Với Ngô, tất cả không ngoài nỗ lực của bản thân và có chút vận khí. Nếu ngày đó, Ngô không nỗ lực học tập, không được nhà trường quan tâm, không được giáo sư hướng dẫn gợi ý đề tài luận án, không được giáo sư hướng dẫn tạo điều kiện tham dự mấy lần hội thảo quốc tế có liên quan tới đề tài nghiên cứu, thì ai biết đâu mà mời đến giảng dạy… Nguyễn Công Trứ cho rằng “Nợ tang bồng vay trả trả vay”, nhưng sự vay trả món nợ này thú vị hơn, sang trọng hơn, không phải ai muốn cũng được.

Ai cũng biết gieo xuống hạt giống, chưa hẳn đã có thu hoạch, nhưng không gieo hạt, tuyệt đối không có thu hoạch. Ấy vậy mà không ít người chỉ muốn thu hoạch, không chịu gieo hạt giống, hoặc gieo một đôi lần không có kết quả liền buông tha. May mắn do con người kéo tới, không phải từ trên trời rơi xuống. Suy nghĩ này, về sau Ngô mới hiểu ra, trước đó chỉ muốn cố gắng để có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định nhằm giúp đỡ gia đình, chứ không nghĩ được cao xa như thế.

Ba năm sau, đứa con đầu lòng ra đời, Ngô thấy cuộc đời đáng yêu hơn. Có bà ngoại chăm cháu, song lần nào về đến nhà là Ngô quấn quýt với con, vui theo sự thay đổi từng ngày của con.

Nghĩ tới con, Ngô thấy nội tâm không ngừng có tình cảm ấm áp chảy qua, nhưng chuyện riêng của Ngô và Trâm không thể không thừa nhận có chút căng thẳng, có chút cảm giác chua xót, bởi bổn phận và tình yêu không giống nhau. Thời gian qua, nhiều người cho rằng Ngô là người hạnh phúc nhất trong bạn bè đồng nghiệp. Ngô cũng tin như thế, mãi đến lúc này Ngô mới thấy nước ấm lạnh ra sao chỉ có người uống mới biết.

Lúc con trai được 2 tuổi, Trâm nhận được học bổng làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Ngô cũng vui mừng cho Trâm. Đã từng nhận học bổng làm nghiên cứu sinh, Ngô biết người đi kèm cũng có sinh hoạt phí hằng tháng, nên cuộc sống của hai mẹ con Trâm không đến nỗi nào. Con cũng từng gửi nhà trẻ, nên đến xứ người gửi con nhà trẻ cũng không phiền lắm. Tuy thế, Ngô cũng chuẩn bị cho vợ con một số tiền phòng thân.

Ở một mình những mấy năm, có khi cả chục năm, nên Ngô mua một căn hộ của chung cư cấp thấp để ở, số tiền cho thuê nhà, Ngô dành hẳn cho vợ con.

Hè năm đầu tiên du học, hai mẹ con Trâm về thăm nhà và báo cho Ngô cũng như cha mẹ biết cô đã tìm được tình yêu đích thực của đời mình, xin Ngô cho cô được sống với niềm vui trong quãng đời còn lại. Gia đình khuyên nhủ rất nhiều. Ngô cũng suy nghĩ rất nhiều. Giữ người ở chẳng ai giữ người đi. Ngô đồng thuận ký đơn ly hôn.

Trước tòa, Trâm không nhận bất kỳ món tiền nào của Ngô, kể cả tiền nuôi con, chỉ nhận quyền làm mẹ. Đầu mũi của Ngô có chút chua xót, cũng có chút chờ mong. Nhưng đó chỉ là giấc mộng. Mộng tỉnh, những buồn vui đều trong mộng. Thực tế buồn vui cần phải quyết đoán cho bớt nặng lòng. Thứ gì cũng muốn chất lên đôi vai thì có vai nào chịu nổi.

Tại sao để hoàn cảnh mặc định tương lai mình? Ngô bình thản hơn lúc nào hết, bồng con từ tay mẹ vợ, cùng gia đình bước ra khỏi tòa án.

Ngô và gia đình vợ đứng ở sân tòa án chờ xe đến đón, không ai nói với ai lời nào. Trước mắt Ngô, từng chiếc lá rụng đìu hiu, cô độc. Vòng đời đã hết, không thể không rơi, không thể không chết. Không rơi thì đâu còn chỗ cho mầm xanh nảy lộc. Cố níu giữ ở đâu đó thì cũng theo gió mà tan, trở về với đất.

Nghe tiếng hô “xe đến rồi”, Ngô như choàng tỉnh, nựng mặt con rồi giao lại cho mẹ vợ ẵm, vẫy tay tiễn biệt mọi người. Về đến nhà, Ngô rót cho mình cốc rượu vang, nhấm nháp từng hớp một, không muốn nghĩ chuyện đã qua, song nó cứ đòi đến. Khi mí mắt có phần nặng, Ngô ngả lưng xuống ghế salon, thầm nhắc mình: Chuyện thế gian này, thường thường càng là truy cầu, càng không chiếm được.

#

Những người có học hàm, học vị đều có thể ký hợp đồng với trường làm việc mấy năm nữa, nhưng Ngô thấy như vậy đủ rồi. Tới tuổi cần phải nghỉ ngơi. Cả đời bận rộn. Cả đời chỉ biết phấn đấu, phấn đấu vươn lên để ổn định cuộc sống, để không bị khinh thường, đã đến lúc phải ngừng, nhường lại cho lóp trẻ vươn lên. Nói như Nguyễn Công Trứ, thì thời điểm này chính là “Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo”, Ngô đã thấy mãn nguyện, không có chút nào thẹn với lương tâm.

Bằng tiền hưu hằng tháng và tiền dạy lai rai một đôi chuyên đề trong hoặc ngoài nước, hoặc cần lắm thì đăng ký dạy ở một vài trung tâm ngoại ngữ cũng có cuộc sống khá ung dung. Ngô quyết định bán căn nhà, đóng góp một phần cho quỹ khuyến học ở quê nhà, còn lại cho con. Trâm không cần nhận tiền nuôi con của Ngô, nhưng đứa trẻ là con của Ngô, không cho nó thì cho ai. Hai đứa em đã có gia đình ổn định, không phải chật vật gì. Thiên đường, địa ngục không có mở ngân hàng, mà nếu có mở cũng không nhận tiền của cõi đời trần tục này, nên Ngô cho rằng giải quyết như thế là tối ưu.

Nghe chuyện này, có người nói ra nói vào, nhưng chuyện mình mình biết, cần gì phải giải thích với ai. Tốt xấu chỉ trong một ý nghĩ. Thế gian này không phân biệt rạch ròi tốt xấu. Có những chuyện tưởng là tốt nhưng chưa hẳn là tốt, có khi nguy hại gấp vạn lần hoặc ngược lại. Lấy giá trị đi luận, thế gian làm chuyện gì nhất định phải có giá của nó. Và thật sự có đáng giá hay không, tùy theo từng người. Ở đời, không chỉ có tiền mới vui. Và Ngô đã thấy vui, khi đã buông bỏ được những băn khoăn ẩn núp trong lòng.

Câu chuyện về 3 ước nguyện trước phút lâm chung của vị hoàng đế vĩ đại Alexander Đại đế (356-323 TCN) vẫn được người đời truyền tụng không ngớt. 3 ước nguyện của ông là muốn nhắn nhủ với người đời: “Thứ nhất, thầy thuốc giỏi đến thế nào cũng không thể thực sự chữa khỏi bệnh cho chúng ta. Khi đối diện với cái chết, họ cũng đành bất lực. Vì vậy, hãy biết trân quý sinh mệnh của mình; Thứ hai, tiền bạc, của cải dù nhiều đến đâu, khi chết đi cũng trở thành vô nghĩa, chỉ có thể dùng để lót đường mà thôi; Thứ ba, khi giã từ cõi đời, thứ con người thực sự còn lại chỉ là hai bàn tay trắng. Ta đến và đi đều là như vậy, cớ sao phải ôm giữ quá nhiều?”.

Ba mươi ba tuổi, Alexander Đại đế đã ngộ được như thế, huống gì Ngô đã sống qua một vòng hoa giáp. Nhân sinh không có nếu như, cũng không có hối hận, nếu giữ được lòng thanh tịnh. Thế thường, bướm không vì hoa mà lưu lại, hoa thì sẽ vì bướm mà đợi chờ, nhưng dường như… đã có biến đổi. Thà vác trời xanh, không phụ khanh cũng… đã biến đổi. Dưới ánh mặt trời tất có bóng mờ. Người cao to tới đâu, sau lưng cũng sẽ có nghiêng lệch bóng dáng. Hạnh phúc cũng thế, phải chấp nhận chút khe hở nào đó để đỡ phải nhọc lòng. Thế gian này không có gì là hoàn mỹ.

Chuyện không bỏ xuống được, liền không cần thả xuống, chỉ cần trong lòng không buồn bã, thì bi cũng chẳng sao, thương cũng chẳng hề hấn gì. “Cho tôi mười ngón thiên thần/ Cho tôi mười ngón thiên thần/ Để rồi dìu người tôi yêu/ Dìu người không yêu/ Và người chưa yêu”… Tiếng hát dội vào trong trí não, dường như trong nháy mắt, Ngô bỏ xuống hết thảy khúc mắc tưởng chừng sẽ đọng mãi trong lòng.

Ngoài trời, mưa đêm rả rích, có một loại cảm giác hiu quạnh, cô đơn. Trong mắt có bi thương, có đắng chát, nhưng càng nhiều hơn là tưởng niệm. Ngô thở dài thật khẽ. Mọi chuyện đi qua giống như giấc mộng buổi trưa hè, thập phần ngắn ngủi. Nhân sinh tràn đầy bi hoan ly hợp, có tụ liền có tán… Ngô hé miệng cười thầm và chìm vào gấc ngủ./

V.G

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây