Liên hoan Thơ Châu Á – Thái Bình Dương

Liên hoan Thơ Châu Á – Thái Bình Dương

Liên hoan THƠ CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG

Nhà thơ BẰNG VIỆT giới thiệu và dịch

Liên hoan Thơ Châu Á – Thái Bình Dương do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam đồng tổ chức (trong 3 lần, vào các năm 2012, 2016 và 2019) thành công, với sự tham dự của trên 50 nhà thơ Việt Nam và trên 40 nhà thơ nước ngoài đến từ khoảng 35 nước. Liên hoan trải ra nhiều hoạt động phong phú (tham quan, giao lưu, hội thảo, trình bày thơ) tại Hà Nội, Quảng Ninh và Thừa Thiên –Huế. Năm 2019, Liên hoan thơ được tổ chức đúng vào dịp Ngày Thơ Việt Nam, nên đã có một buổi đọc thơ và giao lưu thơ quốc tế khá đông vui và cuốn hút tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu về một số gương mặt các nhà thơ tên tuổi ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đã đến nước ta, tham dự tích cực vào Liên hoan Thơ nói trên và lưu lại những cảm nghĩ hết sức tốt đẹp về con người và đất nước ta, đồng thời khi về nước hứa sẽ đem tiếng thơ về Việt Nam quảng bá ra khắp thế giới.

David Mac Kirdy (Hồng Kông gốc Scotland)

David Mac Kirdy – nhà thơ Hồng Kông nhưng vốn sinh ở Scotland năm 1956. Ông tốt nghiệp  Đại học ở Hồng Kông, khoa Lịch sử và Triết học với chuyên đề về nghệ thuật và nhân văn Châu Á. Nhiều năm ông là Giám đốc Liên hoan văn học quốc tế Hồng Kông từ khi bắt đầu có hoạt động này – năm 2001. Ông giảng dạy văn học và nghệ thuật tại Đại học Hồng Kông, đã cố gắng đưa bộ môn Thơ vào giảng dạy với 2 chuyên đề do ông khởi thảo là “Thơ chuyển động” và “Thơ sống động” (Moving Poetry and Poetry Live)..                 

Thờ cúng tổ tiên

Tôi đã nhận chính dòng máu Trung Hoa vào huyết quản tôi (*)
không phải máu từ cha, mẹ, họ hàng hay những người đồng chủng,
mà là máu từ những dòng họ cổ xưa xa lạ…
Ba lít rưỡi máu truyền qua kim như con mắt mở
con mắt nhìn thấu món quà vô danh, nhân danh cuộc sống,
cứu một đứa con da trắng – sắp lìa đời!

Từ đó tôi cảm nhận mọi điều đều khác,
ngay ở cách tôi nhìn cuộc sống
qua đôi mắt biết mở to hơn,
bỏ đi rất nhiều tỵ hiềm vô nghĩa.

Chúng ta luôn nâng niu truyền thống của mình
vậy giờ đây tổ tiên tôi nên thờ cúng là ai,
là của tôi hay của những người cho máu?

Có lẽ tôi nên cảm tạ chung trên cả bàn thờ:
Người Mẹ vĩnh cửu đã sinh ra nhân loại
và Người Cha từng đã bỏ công khai phá đất trời này!


* Bài thơ này ra đời sau khi tác giả được cứu sống, nhờ được hiến máu nhân đạo tại một bệnh viện ở Hồng Kông thời còn rất trẻ.

 

Joel Arnstein (người Úc gốc Anh)

Nhà thơ người Anh định cư ở Úc là Joel Arnstein còn là một họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thiết kế. Ông ham đi du lịch, thay đổi môi trường sống để luôn  nắm bắt được mọi biểu hiện đa dạng và sinh động trong cuộc sống, thích du ngoạn qua nhiều nước Á, Phi, Mỹ La tinh với vẻ kín đáo và tĩnh lặng khi quan sát và khám phá cuộc sống.

Thủng thẳng với Luang Prabang (*)

Tôi ngồi bên quầy rượu
Ngắm chuyến phà Mê Kông
Sang sông rồi quay lại,
Ngắm chiếc thuyền gỗ mảnh
Cố bơi vượt ngược dòng,
Nhấp cạn chai bia Lào…
Mà chưa biết đi đâu
Đâu…nơi tôi cần tới?

Tôi cởi giày cởi tất
Bước vào thăm ngôi đền
Sàn bê tông nóng rực
Bàn chân bỏng rát lên!
Nhưng Phật hồn hậu cười
Cũng nền bê tông ấy
Cũng trong ngôi đền hẹp,
Mà không ở Niết Bàn!
Chỉ tay về vĩnh cửu
Qua ngách đá lên Trời.
…Nhưng tôi vẫn không đi,
Đâu… nơi tôi cần tới?

Tiếng chuông chùa gióng lên
Vỡ ra từng âm điệu
Khiến tôi quên mất lời.
Một cô bé Lọ Lem
Tay cầm dù, xinh quá!
Em nhảy lên xe máy
Phóng hút vào phố xa…
…Tôi nhìn theo bóng em
Đâu… nơi tôi cần tới?

Đàn bướm bay sặc sỡ
Chờn vờn trên khóm hoa
Dòng sông vần vụ trôi
Giờ nối giờ giục giã…
Ai bắt tôi vội nào,
Đâu… nơi tôi cần tới?

Rồi tôi ra sân bay
Đợi em, lâu cũng đợi,
Máy bay lên xuống hoài
Từng chuyến bay lỡ mãi.
…Tôi càng không nỡ đi
Đâu…nơi tôi cần tới?…


( * ) Kinh đô cũ của Lào, một thành phố cổ kính và xinh đẹp.

 

Biplab Majee (Ấn Độ)                               

Biplab Majee là một nhà thơ trẻ Ấn Độ, có cách viết giản dị và hồn nhiên khi khai thác những khía cạnh lý thú và bất ngờ từ mọi tình huống và sự vật rất đơn giản, tưởng đã mòn cũ và không còn hấp dẫn. Đó cũng là chủ kiến của ông, khi muốn thơ phải biết gây cảm xúc bột phát từ những điều hết sức bình thường.

Không gian nhỏ mà vô tận

Đó chỉ là không gian trải trên bàn viết,
Nơi cảm hứng ta như vó ngựa tung bờm:
Kìa – vầng trăng đang lên trên những ngọn đồi
Bỗng bắt được trong tầm tay, giữa bốn chân bàn trống trải!
Khoảng không vô hình cứ tiếp hoài vô tận,
Khi hơi ấm mồ hôi trán ta – tỏa mãi xuống nồng nàn,
Hơi thở ta mê say – đằm sâu vào cảm hứng…
Có lúc, mặt bàn bỗng hóa thành mông lung
Hóa ra một thảo nguyên non tơ, rợp màu xanh bát ngát,
Và trên nền màu sáng tươi non vô tận ấy
Rực lóa hào quang những màu tranh của Toulouse- Lautrec diệu kỳ (*)
Trong chồng bản thảo bộn bề, giữa ánh chiều chạng vạng!


* Toulouse- Lautrec (1864 – 1901); Họa sĩ Pháp, nổi tiếng về những bức tranh thể hiện phong cách sinh hoạt của người Bôhêmiêng ở Paris, phóng khoáng, mạnh mẽ với đủ các gam màu dân gian chói lọi, nồng ấm.

ntbv min 300x236 - Liên hoan Thơ Châu Á – Thái Bình Dương

Nhà thơ, dịch giả Bằng Việt 

Ali Abdoullahi (Iran)

 Ali Abdoullahi là một nhà thơ trẻ người Iran,đã xuất bản 4 tập thơ. Ông cũng là dịch giả thơ từ tiếng Đức và viết một vài công trình nghiên cứu về triết học, một cuốn chuyên khảo về nhà thơ nổi tiếng người Áo là Rainer Maria Rilke. Hai bài thơ dưới đây của ông đã được ông trình bày, trước tiên bằng tiếng mẹ đẻ, sau đó đọc bằng tiếng Anh, trong Liên hoan Thơ châu Á – Thái Bình Dương).

Một nửa đối diện của bầu trời

Nó được mưa gột rửa
Được nắng trời hong khô,
Nó nghe gió bay qua thì thào
Nó để bóng đêm hằng ủ ấp
Đêm còn hát ru cho nó dịu dàng…
Nó là gì? – Mảnh đá mồ côi rạn nứt làm đôi
Suốt ngàn năm cùng bầu trời đối diện!

Ban mai trước biển

Trên cát, in dấu – đúng một bàn chân
Và một lỗ tròn sâu xoáy:
Người đàn ông què, một bên chống gậy,
Tập tễnh ra đây kỳ được, cốt được chào phút mặt trời lên!

 

Sue Wootton (New Zealand)                

Sue Wootton là một nhà thơ nữ nổi tiếng từ rất trẻ của New Zealand, tới nay đã xuất bản 4 tập thơ. Thơ của chị dung dị và ưa tiếp nhận nhiều thông tin của đời thường, nhưng lại có tính triết lý tinh tế với cách nói kín đáo, lặng mà sâu. Đây là bài thơ viết cho thiếu nhi, được chị trình bày bằng tiếng Anh trong Liên hoan Thơ châu Á – Thái Bình Dương.

Viết bảng chữ cái

Em bé trèo lên ghế cao
Nhíu mày. Em biết là khó đấy,
nhưng những ranh giới này lại cần phải vượt.
Viết bảng chữ cái ư, việc này lớn quá chừng
khi người ta mới đầy năm tuổi!

Một mình thôi, em du ngoạn vào sa mạc trắng.
Chẳng có đường dẫn nào. Em ruổi theo mẫu bản đồ cổ xưa
Phải học thuộc lòng, mấp máy mồm định hướng
tìm từng chỗ rẽ mà đi.

Cuộc hành trình tới tận mép trang
Dài bất tận! Em nghiêm mặt trước chiếc bút muốn bật khỏi tay,
để lái nó theo từng đoạn vòng, đoạn thẳng,
ghì cương qua khúc lượn, cấm được phóng theo đà
khi lượn theo sườn dốc.

Em xuống tới hẻm núi mang tên Z,
dừng lại, cùng vết chấm đậm màu giống một ốc đảo đen.
Chiếc bút chì đập lạch cạch xuống bàn – niềm hân hoan chiến thắng.
Em rà soát từng đường mòn khuất khúc vừa vạch qua hoang mạc:
Hai mươi sáu chữ cái – ghi dấu chân em khám phá,
Dẫn tới những miền mai sau còn đi.

Và em nhoẻn cười nói thật tự nhiên: Kia rồi,
Thế giới là thế đó!

 

Holly Thompson (Nhật Bản)

Holly Thompson là nhà thơ nữ có 2 quốc tịch Nhật Bản và Mỹ. Bà vốn gốc người Nhật,  sinh ra ở Mỹ và tốt nghiệp cử nhân sinh học và thạc sĩ về ngôn ngữ ở Mỹ. Bà hiện là giảng viên Trường Đại học Yokohama, Nhật Bản. Bà sáng tác cả thơ và truyện ngắn, tiểu thuyết bằng thơ. Sáng tác của Holly Thompson đề cập nhiều đến đời sống tinh thần của thanh niên Nhật Bản hiện đại và cả những hậu quả trong đời sống tinh thần của những người có cả hai nền văn hóa Đông và Tây kết hợp.

Những ngọn đồi phía bắc Ulan Bator (*)

Tôi thường quen vẻ khiêm nhường thẹn thùng Nhật Bản:
đồi khoác trên mình từng tầng tán lá –
từ sát rễ đến vòm
như áo lót rồi áo choàng
che đậy kín bưng
mặt đất nằm phía dưới.

Không như ở đây, mảng cơ bắp trụi trần
những búi cỏ te tua đang lớn,
những đường viền vàng chóe phô bày
trơ ra dưới mặt trời,
để mỗi chỗ cong queo
nổi đầy nốt ruồi, vết nhám,
quanh đám rễ cuộn tròn gân guốc
đất thịt phơi bày ra.


* Ulan Bator (hay Ulan Bataar): Thủ đô Mông Cổ.

 

Guzal Beguin (Uzbekistan)                                                

Nhà thơ Guzal Beguin thuộc lớp nhà thơ trẻ nước Cộng hòa Uzbekixtan. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Ulugbek, nghiên cứu sinh lý luận văn học cao cấp Đại học văn học Gorky ở Maxcơva. Ông đã in ba tập thơ. Thơ của Guzal Beguin vừa kế thừa thơ cổ điển Uzbêch, vừa có những yếu tố tinh lọc những ưu điểm của các nền thơ ở Trung Á và phương Đông cổ điển. Chùm thơ dưới đây được ông trình bày bằng tiếng mẹ đẻ và tự dịch ra tiếng Nga.

Chùm thơ ba câu

*
Chín lần dạo chơi, cùng nỗi khổ đau,
Cây bút – ngọn sậy mỏng manh của đời tôi
Vừa kịp trang điểm cho tâm hồn – chín màu trang phục mới!
*
Chiều lại chiều, ngọn gió trống trơn
Đung đưa khẽ chiếc nôi ru trễ nải,
Chiếc nôi trẻ thơ trống mãi đến bao giờ?
*
Kìa hãy nhìn đôi cánh chim tự do
Bay run rẩy trong tròng mắt tôi,
Bay tới lúc nỗi khát tự do trong hồn tôi cất tiếng!
*
Tôi cầu khẩn thầm thì: Mùi hương, ơi mùi hương!
Tình yêu tôi lặp lại nghìn lần dưới vòm cây thơm ngát
Cây không thể mãi vô tri, đành phả trọn mùi hương ấy cho tôi.
*
Tôi đau đáu hòa ánh nhìn của mình vào với ánh trăng
Cho đến khi hiểu được vẻ trong ngần tinh khiết của đêm trăng
Thì mắt tôi lại bị mù, khi nhìn vào bóng tối!

 

Pornpen Hantrakool (Thái Lan)                  

Nhà thơ nữ Pornpen Hantrakool là thạc sĩ ngành Sử học, hiện là phó giáo sư Trường Đại học Silpakorn (Thái Lan) và phụ giảng các chuyên đề về lịch sử và văn minh phương Đông tại Trường Đại học Tenri (Nhật Bản). Ngoài thơ, bà xuất bản nhiều cuốn chuyên khảo về lịch sử và nghệ thuật Đông Nam Á, Nhật Bản. Bà cũng dịch nhiều thơ thế giới từ tiếng Anh sang tiếng Thái. Bà đã đọc bằng tiếng Thái và tiếng Anh 2 bài thơ sau đây tại Liên hoan Thơ Châu Á – Thái Bình Dương.

Đất nước tôi

Đất nước tôi có người đầy khả năng, có kẻ thậm ngu đần,
Đất nước tôi có người biết khoan dung, có kẻ luôn hèn mọn,
Đất nước tôi có người mê sáng tạo, có kẻ thích hủy hoại,
Đất nước tôi cũng có gì hơn những nước khác đâu!

Nỗi im lặng ngậm buồn

Mọi người luôn kêu gọi hướng về hạnh phúc,
Ham thích giàu sang và thịnh vượng tràn đầy,
Bên ngoài tưởng rực rỡ nở hoa cho đến tận cùng
Bên trong là nỗi im lặng ngậm buồn u uất.

 

Mary Croy (Mỹ)                        

Nhà thơ nữ Mary Croy là một trong các nhà thơ Mỹ trẻ, rất yêu mến Việt Nam và đã sang nước ta nhiều lần, được mời dự Liên hoan Thơ châu Á – Thái Bình Dương. Bà ở lại dạy tiếng Anh ở Hà Nội một thời gian. Sáng tác của bà được in nhiều trên các báo và tạp chí ở quê hương là thành phố Milwaukee, bang Wisconsin, cũng như được chọn vào một số Tuyển tập thơ. Đây là bài thơ bà viết ở Việt Nam khi đi dạy tiếng Anh ở Hà Nội.

Lá thư tình gửi Hà Nội

Tôi chẳng để tâm nhiều – việc Hà Nội làm tôi khó chịu,
Khi hoang dã tấn công tôi bằng những hồi còi,
bằng kiểu người bán rong mở loa, rao hàng oang oang,
bằng loa phóng thanh om sòm loan tin gì, tôi chẳng hiểu
ngay từ sáng tinh mơ, chỉ mới đúng sáu giờ!

Vậy mà sao khi phải rời xa Người
tôi cảm thấy mình buồn đến thế?

Tôi chẳng để tâm nhiều – việc Hà Nội làm tôi bối rối,
Khi vừa bước chân xuống tới phố phường,
tôi đã bị kẹp giữa vài luồng môtô lạng lách
vài dòng xe hơi bóng loáng mới toanh…
Và những cái nhìn – hướng về tôi khó xử,
nghe tôi lắp bắp chẳng nên lời!

Vậy mà tim tôi cứ thổn thức rung lên
Khi mỗi lần được quay lại đó?

Chỉ vừa nhìn thấy những đỉnh núi già nua
núi chị, núi em, có tên: Tam Đảo
là tôi biết mình đã được về nhà!

BẰNG VIỆT giới thiệu và dịch.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây