Mexico gây mưa nhân tạo đối phó hạn hán kéo dài

Hạn hán khắc nghiệt bao trùm Mexico gây mất mùa và thiếu nước, chính phủ đang cố gắng khắc phục tình trạng này bằng công nghệ gây tranh cãi: Gây mưa nhân tạo.

Vào tháng 7, Mexico đã khởi động giai đoạn mới nhất của dự án gây mưa nhân tạo với hy vọng cải thiện lượng mưa giữa đợt nắng nóng lịch sử và nhiều tháng hạn hán. Theo Bộ Nông nghiệp Mexico, dự án nhắm mục tiêu vào 62 đô thị tập trung ở phía bắc và đông bắc của đất nước nhằm “đối phó với ảnh hưởng của hạn hán ở khu vực nông thôn và góp phần lấp đầy tầng ngậm nước”.

Gây mưa nhân tạo (Cloud seeding) là công nghệ được phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1940. Kể từ đó, nó đã được sử dụng ở khoảng 50 quốc gia, bao gồm cả MỹTrung Quốc. Mexico cũng thử nghiệm công nghệ điều chỉnh thời tiết này trong hơn 7 thập kỷ qua.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học vẫn rất thận trọng về hiệu quả của công nghệ gây mưa nhân tạo và cảnh báo rằng đây không phải là giải pháp tối ưu cho hạn hán.

Roelef Bruintjes, nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Mỹ, nói với CNN“Công nghệ này có lịch sử gây tranh cãi vì rất khó chứng minh hiệu quả mà nó mang lại từ góc độ khoa học”.

Để kích thích tính năng tạo mưa, trước tiên các nhà khí tượng học cần tìm một đám mây. Sau đó sử dụng máy bay thông thường hoặc máy bay không người lái bơm các hạt iot bạc vào những đám mây đó, giúp tạo thêm giọt nước và gia tăng lượng mưa.

“Ý tưởng không phải là ‘tạo ra các đám mây’, bởi vì chúng ta không thể tạo hay xua tan mây. Chúng tôi chỉ cố gắng đưa một tỷ lệ lượng nước lớn hơn vào trong đám mây đủ để tạo mưa”, ông Bruintjes nói.

Chính phủ hy vọng lượng mưa nhân tạo này có thể giúp nông dân đối phó tốt hơn với hạn hán đang càn quét trên diện rộng của đất nước.

May bay phun cac hat iodua bac vao cac dam may min - Mexico gây mưa nhân tạo đối phó hạn hán kéo dàiMáy bay phun các hạt iodua bạc vào các đám mây. (Ảnh: Startup Renaissance).

Theo dịch vụ thời tiết quốc gia, vào giữa tháng 7, hơn 40% diện tích Mexico bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán từ trung bình đến cực đoan. Đất nước này cũng đang phải trải qua một đợt nắng nóng nghiêm trọng đã giết chết ít nhất 249 người trong 4 tháng qua.

Các nhà khoa học khẳng định, thời tiết khắc nghiệt sẽ trở nên tồi tệ hơn, các đợt nắng nóng và hạn hán sẽ trở nên phổ biến và dữ dội hơn khi khủng hoảng khí hậu gia tăng.

Mexico cho rằng dự án gây mưa nhân tạo được triển khai từ tháng 12/2020 đã có tác động tích cực. Người phát ngôn của Startup Renaissance, công ty chế tạo công nghệ gây mưa làm việc trong dự án của chính phủ Mexico, khẳng định: “Tất cả các dự án của chúng tôi đều thành công”.

Tuy nhiên, các nhà vật lý đám mây hàng đầu của Mexico bày tỏ lo ngại về tính khả thi của công nghệ. “Không có bằng chứng kỹ thuật gây mưa nhân tạo giúp tăng lượng mưa ở những khu kinh tế quan trọng và cũng không thể chắc chắc về ảnh hưởng bên ngoài vùng mục tiêu”, Fernando García García và Guillermo Montero Martínez, hai nhà vật lý đám mây ở Đại học tự trị quốc gia Mexico (Unam), cho biết.

Dan bo gay tro xuong do han han o do thi Coyam min - Mexico gây mưa nhân tạo đối phó hạn hán kéo dàiĐàn bò gầy trơ xương do hạn hán ở đô thị Coyame, bang Chihuahua, Mexico. (Ảnh: Reuters).

Dù chính phủ Mexico khẳng định hoạt động gây mưa nhân tạo năm 2021 làm tăng 40% lượng mưa so với dự báo, các nhà khoa học cho biết dự báo lượng mưa có độ biến động cao và bằng chứng không phản ánh gây mưa nhân tạo liên quan tới lượng mưa gia tăng. Theo giới nghiên cứu, gây mưa nhân tạo chỉ nên được xem như một yếu tố trong chiến lược quản lý tài nguyên nước tổng hợp.

Người phát ngôn của Startup Renaissance cho biết những lời chỉ trích về gây mưa nhân tạo chỉ nhắm vào công nghệ cũ của họ. Cụ thể, ông cho biết công nghệ mới của công ty được đánh giá hiệu quả hơn khi phun iot bạc vào các đám mây, thay vì kỹ thuật thông thường là sử dụng pháo sáng.

Ông Bruintjes tin rằng việc gây mưa nhân tạo có tính hứa hẹn cao, song lưu ý cần phải có nhiều nghiên cứu và dữ liệu hơn. Một số chuyên gia cũng kêu gọi chú ý nhiều hơn đến các biện pháp công nghệ cao và ít tốn kém để bảo vệ tài nguyên nước.

Phương Thảo (Nguồn: CNN)

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây