Mùa xuân nói chuyện trầu cau – Tác giả Phan Thanh Đà Hải

Mùa xuân nói chuyện trầu cau - Tác giả Phan Thanh Đà Hải

MÙA XUÂN NÓI CHUYỆN TRẦU CAU

Phan Thanh Đà Hải

Một năm bắt đầu từ mùa xuân. Ông cha ta vẫn thường nói: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”.Nhân dịp Xuân đến, nói chuyện Trầu cau để hiểu rõ hơn tập tục lâu đời của cha ông ta lan tỏa đến ngày nay.

H0 min - Mùa xuân nói chuyện trầu cau - Tác giả Phan Thanh Đà Hải
Tục ăn trầu của người Việt đã có từ rất lâu đời (ảnh Internet)

Sự tích Trầu cau

Theo truyền thuyết thì tục ăn trầu của người Việt đã có từ thời Hùng Vương, dựa vào câu chuyện trong sách Lĩnh Nam chích quái. Truyện kể rằng: Thời thượng cổ có một vị Quan Lang sức vóc cao lớn, nhà vua ban tên là Cao cho nên lấy Cao làm họ. Cao sinh hạ được hai người con trai, con cả tên là Tân, con thứ tên là Lang. Hai anh em giống nhau như đúc, trông không thể phân biệt nổi. Đến năm 17, 18 tuổi, cha mẹ đều từ trần, hai anh em đến theo học đạo sĩ họ Lưu. Nhà họ Lưu có một người con gái tuổi cũng khoảng 17, 18, muốn kết làm vợ chồng. Nàng chưa biết người nào là anh, mới bày một chén cháo và một đôi đũa, cho hai anh em cùng ăn. Người em nhường anh ăn trước. Nàng về nói với cha mẹ xin làm vợ người anh, tình vợ chồng ngày càng nồng thắm.

Vợ chồng Tân sống rất hạnh phúc. Hai anh em Tân và Lang vẫn ở bên nhau, nhưng Lang nhận thấy từ ngày anh có vợ, tình anh đối với mình không còn quyến luyến như xưa, trong khi ấy người anh vô tình không hề hay biết. Ðã thế lại xảy ra chuyện hiểu lầm. Một hôm hai anh em đi làm đồng về muộn, Lang về trước, nàng Lưu tưởng chồng, chạy ra vồn vã âu yếm. Lang vội lên tiếng, cả hai đều biết là nhầm nên rất ngượng. Tân về, biết chuyện để dạ nghi ngờ, từ đó tỏ ra lạnh nhạt với em hơn.

Người em tự lấy làm tủi hổ, cho rằng anh lấy vợ rồi nên quên mình, bèn không cáo biệt mà bỏ đi. Đi tới giữa rừng, gặp một dòng suối sâu, không có thuyền để qua, đau đớn khóc lóc mà chết, hóa thành một cây cau mọc ở ven bờ. Người anh ở nhà không thấy, từ giã vợ đi tìm. Tới chỗ đó, thấy em đã chết, gieo mình chết, hóa thành phiến đá, nằm ôm quanh gốc cây. Người vợ thấy chồng đi lâu không về bèn đi tìm chồng, tới chỗ này thấy chồng đã chết, cũng gieo mình ôm lấy phiến đá mà chết, hóa thành một cây dây leo cuốn quanh phiến đá, lá có mùi thơm cay (tức là dây trầu).

H1 min - Mùa xuân nói chuyện trầu cau - Tác giả Phan Thanh Đà Hải
Sự tích Trầu cau (ảnh Internet)

Cha mẹ nàng họ Lưu đau xót vô cùng, bèn lập miếu thờ. Người trong vùng đi ngang qua chỗ đó đều đốt hương cúng vái, ca tụng anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa.

Khoảng tháng bảy tháng tám, khí nóng chưa tan, Vua Hùng đi tuần thú, dừng chân nghỉ mát ở trước miếu, thấy cây lá xum xuê, giây leo chằng chịt, vua leo lên phiến đá xem xét, hỏi rồi mới biết có chuyện như vầy, than thở hồi lâu, truyền cho bầy tôi hái lấy lá trầu, vua nhai rồi nhổ bọt lên phiến đá, thấy có sắc đỏ, mùi vị thơm ngon bèn lấy mang về. Rồi cho lấy lửa nung đá làm thành vôi, lấy vôi ăn với trái cau và lá trầu, mùi vị thơm nồng, dòn, ngọt, má đỏ môi hồng, nên cho thiên hạ ai ai cũng trồng cau trầu khắp nơi, gặp việc cưới hỏi, tế lễ lớn nhỏ đều lấy trầu cau làm đầu. Đó chính là cây cau, cây trầu và vôi vậy. Chuyện Trầu cau có từ đó và tục ăn trầu của người Việt cũng bắt đầu từ đấy.

Từ câu chuyện “Sự tích Trầu cau” nói lên sự trân quý tình cảm của anh em trong gia đình và còn là tượng trưng cho tình yêu chung thủy của lứa đôi; vợ chồng luôn gắn bó với nhau cho đến đầu bạc, răng long, không thể sống thiếu nhau.

Trầu cau đối với người Việt xưa

H2 min 1 - Mùa xuân nói chuyện trầu cau - Tác giả Phan Thanh Đà HảiTục ăn trầu rất phổ biến đối với người Việt xưa (ảnh Internet)

Trong rất nhiều những ngôi mộ thuyền có niên đại thời Hùng Vương-An Dương Vương, nhà khảo cổ học tìm thấy chủ nhân nhuộm răng đen, có chôn theo lá trầu, quả cau trong quan tài. Những ngôi mộ ấy được xác định là người Việt cổ, khi những nhà nhân học đã xác định được những chỉ số nhân học và những nhà khảo cổ học nhận ra yếu tố thuần Việt của cách chôn cất theo kiểu sông nước của cư dân nông nghiệp.

Trong di chỉ khảo cổ thuộc văn hóa Hòa Bình, hạt cau đã được tìm thấy cách ngày nay trên dưới một vạn năm.

Vào những thế kỷ trước công nguyên, khi người Trung Quốc lần đầu tiên tiếp xúc với người Việt, họ đã ghi nhận: “người Việt để tóc ngắn, xăm mình, nhuộm răng đen và ăn trầu”. Ăn trầu thường đi đôi với răng đen, và người Việt lấy đó làm tiêu chí để phân biệt với người Trung Quốc.

Sử chép rằng: Năm Thuần Hóa thứ nhất (990), vua Tống sai sứ sang tuyên phong cho Lê Hoàn chức đặc tiến, khi về sứ thần là Tống Cảo thuật lại rằng: “… Lê Hoàn cầm cương ngựa, cùng sứ giả cùng đi, rồi lấy trầu mời ở trên mình ngựa, đấy là phong tục mời khách rất quý…”.

Sách Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi, người đời Tống soạn thế kỷ XII, chép rằng: Viên sứ thần Giao Chỉ cũng ăn trầu; hỏi vì cớ gì mà thích ăn trầu như vậy thì họ đáp rằng: “Trừ được lam chướng, hạ khí, tiêu thực, ăn lâu đã quen, nếu không ăn thì không chịu được, miệng lưỡi chua, và hôi lắm”.

H3 min 1 - Mùa xuân nói chuyện trầu cau - Tác giả Phan Thanh Đà HảiNhững chiếc bình vôi có từ thời Lý-Trần (ảnh Tiến Thắng)

Đến thời Lý-Trần, tục ăn trầu được minh định qua bộ sưu tập những bình vôi, ống nhổ bằng gốm sứ vô cùng phong phú, có thể coi là bước khởi đầu cho hệ thống ống nhổ Việt Nam phát triển cho tới trước Cách mạng tháng 8 năm 1945.

Thời Lê, tục nhuộm răng ăn trầu tồn tại khá phổ biến và dường như đã trở thành một tập tục của hoàng gia, của tầng lớp quý tộc, khi mà ngôi mộ của vua Lê Dụ Tôn, tìm thấy túi gấm đựng trầu cau và vị vua ấy nhuộm răng đen, trong tóc có tỷ lệ vàng nhỏ. Rất nhiều ngôi mộ hợp chất của quan lại đều tìm được dấu tích vật chất của tập tục này, chứng tỏ không chỉ đàn bà, mà cả đàn ông, không chỉ tầng lớp bình dân, mà cả vua, quan, quý tộc sử dụng trầu cau như một tập tục truyền thống của người Việt.

Những triều đại sau này, đặc biệt là triều Nguyễn, sưu tập vàng, bạc, đá quý của hoàng gia, thấy rất nhiều cối và chày giã trầu bằng vàng, bạc. Ống nhổ bằng vàng, bằng ngọc, bằng bạc và đồng, như là sự thể hiện đẳng cấp và thân phận của người sử dụng.

Theo sách “Xã hội Việt Nam từ thế kỷ VII” cho biết: Nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes ghi chép lại vào khoảng 1627 – 1630 những quan sát như sau: “Người Bắc có tục ăn trầu là thứ có lợi cho sức khỏe và có vị ngon, bao giờ họ cũng giắt theo vào thắt lưng một giỏ con hay một bao đầy trầu cau, ra đường gặp bạn bè thì mở ra, rồi sau khi đã chào nhau rất lễ phép, mọi người nhận lấy một miếng trầu têm sẵn của người kia mà ăn. Vì thế trong tỉnh kẻ nào hơi khá giả thì sai đầy tớ sắm sửa thứ quà nhỏ ấy, đem biếu lẫn nhau để tỏ tình thân mật; nhưng còn thường dân vẫn ăn trầu mà không có trầu têm sẵn ở nhà, thì đã có tới năm vạn hàng bán trầu lẻ rải rác khắp kinh thành”.

Theo sách “Việt Nam thế kỷ XVII: Những góc nhìn từ bên ngoài” (do Omega cùng NXB Đà Nẵng chuyển ngữ và ấn hành), linh mục Christoforo Borri viết về xứ Đàng Trong, có mô tả Cau (areca) như sau: “An Nam còn có một loại trái đặc biệt ở nước này và người Bồ Đào Nha gọi là areca (Cau) . Cây cau có thân thẳng tắp như cây cọ và rỗng ruột, lá chỉ trổ trên ngọn giống lá cọ còn quả thì mọc thành từng buồng, hình dáng tương tự hồ đào nhưng có màu xanh bóng; bên trong ruột quả màu trắng và cứng như hạt dẻ, không mùi vị. Quả này không ăn riêng mà thường dùng kèm lá trầu (betel), một loại lá giống thường xuân ở châu Âu và cũng thuộc họ thân leo, trồng nhiều ở Ấn Độ. Lá trầu cắt thành từng mảnh, quấn quanh một múi cau, bởi thường mỗi quả cau sẽ được bổ tư, bổ năm và dùng kèm với một chút vôi, vôi ở đây không được nung từ đá như ở châu Âu mà từ vỏ sò; nhà nào cũng tự làm lấy. Trong mỗi gia đình ở xứ Đàng Trong luôn có một người đảm nhiệm việc têm trầu, thường là phụ nữ. Trầu cau đựng đầy trong cơi và người ta nhai chúng suốt ngày, không chỉ khi ở nhà mà ngay cả lúc ra ngoài trò chuyện, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, nhưng không nuốt mà chỉ nhổ nước cốt trầu bởi họ chỉ muốn thưởng thức mùi vị và tác dụng của hỗn hợp tốt cho dạ dày này. Việc ăn trầu phổ biến tới nỗi người dân nơi đây khi đến chơi nhà ai cũng mang theo cau trầu sang biếu chủ nhà, người sẽ không ngần ngại nhận lấy và cho vào miệng thưởng thức. Trước khi khách về, chủ nhà liền sai người têm trầu ra sắp sẵn một cơi trầu để đáp lễ, đó là lý do vì sao trầu cau luôn được têm sẵn. Nhu cầu tiêu thụ cau lớn đến nỗi nguồn thu chính ở xứ này là từ các vườn cau như vườn ôliu của dân Ý vậy”.

Cũng theo sách “Việt Nam thế kỷ XVII: Những góc nhìn từ bên ngoài”, thương nhân Samuel Barron nói về quả cau (Arreak) ở xứ Đàng Ngoài: “Quả cau là loại cây mọc thẳng đứng, không phân cành, nhưng từ ngọn lá cây mọc ra trông như vương miện, quả to cỡ trứng chim câu lớn, phần lớn người Ấn ăn thứ quả này với một loại lá mà người Bồ Đào Nha gọi là beetle (trầu), còn người Mã lại gọi là sera: thức nhai này làm dịu hơi thở, chắc răng và phấn chấn tinh thần; khi nhai nước tiết ra có màu đỏ; trầu cau phổ biến đến độ người ta không thể tiếp đón bằng hữu mà không mời trầu. Người Đàng Ngoài, người Xiêm, Mã Lai và Java thà nhịn một phần bữa ăn cũng phải mua được trầu”. Trầu cũng không thể thiếu trong tục cưới hỏi của người Đàng Ngoài: “Khi người con trai đến tuổi mười sáu, mười tám hay hai mươi, cha mẹ anh ta sẽ lên kế hoạch gả vợ cho con, bằng cách đánh tiếng cho cha mẹ của cô gái mà họ lựa chọn, sau đó gửi lễ vật gồm một hộp trầu têm một trăm miếng, một vò rượu mạnh, một con lợn sống; chỉ khi lễ vật được đem tới thì mọi sự mới hanh thông… Trong trường hợp nhà gái bằng lòng gả con cho người con trai kia thì họ sẽ nhận lễ vật, bày tỏ sự ưng thuận với lời dạm ngõ của nhà trai”. Ở phần thăm hỏi nhau, nếu người đến thăm có phẩm hàm cao hơn người được thăm hỏi thì gia chủ thường không dám mời khách ăn uống gì, dù chỉ là miến trầu, trừ khi khách yêu cầu. Ấy vậy nhưng, trà nước và trầu têm những người này dùng luôn được người hầu của họ mang theo. Người xưa dùng trầu liên tục mọi lúc mọi nơi, nên tác giả Samuel Barron mô tả: “Họ không rửa tay trước khi ăn mà chỉ súc miệng vì có tục nhai trầu, sau khi dùng tăm xỉa răng đã để ra sẵn, họ tiếp tục nhai trầu”. 

H4 min 1 - Mùa xuân nói chuyện trầu cau - Tác giả Phan Thanh Đà HảiBộ đồ ăn trầu bằng vàng, bạc, ngà, đồng có từ thời Nguyễn, thế kỷ 19 – 20 (ảnh Tiến Thắng)

Tập tục ăn trầu của người xưa, theo bác sĩ quân y, nhà thám hiểm và nhiếp ảnh gia người Pháp Charles Edouard Hocquard  miêu tả trong cuốn sách “Một chiến dịch ở Bắc kỳ” (do Omega cùng NXB Đà Nẵng chuyển ngữ và ấn hành) thì hầu như người An Nam nào cũng thường xuyên dùng trầu. Quan lại, phụ nữ thượng lưu khi đi chơi hoặc thăm thú người quen, thường dẫn theo một người hầu mang ống nhổ bằng đồng và một tráp trầu chạm trổ đẹp mắt, trong đó chứa đủ dụng cụ cần thiết để têm trầu. Thế mới độc, lạ.

Những năm cuối thế kỷ XIX, tập tục ăn trầu rất phổ biến, không chỉ ở Bắc kỳ mà khắp cả Đông Dương. Tác giả Charles Edouard Hocquard tiết lộ: “Một số phụ nữ treo các dụng cụ này vào một dây chuyền bạc rồi gắn vô thắt lưng. Người thợ đi làm, cu-li mang quang gánh trên phố, và đến cả trẻ em từ mười hai tới mười lăm tuổi, ai nấy đều nhai trầu bất kể giờ nào trong ngày, chỉ trừ khi ăn cơm hoặc đi ngủ mà thôi. Bà già hàm răng lung lay không nhai được cau nữa, song vẫn có một cối nhỏ bằng đồng bên cạnh để giã cau nhuyễn ra, nhờ vậy bà tiếp tục cái thú ưa thích. Hai thương nhân sẽ không giao dịch nếu chưa mời nhau một miếng trầu chuẩn bị sẵn; một quan chức sẽ không tiếp đón bạn nếu chưa mở tráp đựng trầu mời bạn”.

Tác giả Charles Edouard Hocquard phát hiện ra một điều: “Người An Nam trồng loại cây này để thu hoạch lá, lá trầu to, hình trái tim, được dùng trong món trầu cau thông dụng. Trồng trầu rất khó; đòi hỏi thổ nhưỡng đặc biệt, một hướng gió thích hợp, và phải chăm chút quanh năm. Cây trầu chỉ bắt đầu cho thu hoạch sau ba năm canh tác. Bù lại, lá trầu bán rất đắt, chính vì vậy mà cu-li của chúng tôi vội vàng đi kiếm lá trầu dự trữ”.

Có trầu để ăn rồi, tới công đoạn têm trầu lại khá công phu nên theo Charles Edouard Hocquard: “Đám cu-li đi hái trộm lá đã trở về bên cạnh đòn gánh của họ; mỗi người mang về một nắm lá được chọn lựa kỹ lưỡng trong số những lá to nhất và tươi nhất; đây là dịp tốt để xem họ têm trầu”.

Việc hoàn thành được một miếng trầu để ăn cũng không hề đơn giản. Là người nước ngoài và ngoại đạo nên vị bác sĩ quân y khá tò mò với tập tục ăn trầu này. Ông viết: “Tôi thấy một người ngồi cạnh tôi têm trầu và anh ta đặt mọi thứ đồ trên đầu gối: một con dao cắt cau, một cây kim lớn và một túi to như túi đồ khâu vá đựng vôi nước. Anh ta lấy một lá trầu và đặt vào lòng bàn tay trái. Sau khi nhúng cây kim vào túi vôi, anh ta chà lên cái lá nhiều lần, rồi anh ta rút từ dây lưng ra một miếng cau khô và một rễ cây màu đỏ rồi cắt một mẩu nhỏ. Anh ta đặt miếng cau và mẩu rễ lên chiếc lá, cuốn lại thành một gói nhỏ như đầu ngón tay: miếng trầu như vậy đã têm xong”.

Sách Một chiến dịch ở Bắc kỳ lý giải thêm: “Khi được hỏi về việc này, một người An Nam đã nói: Trầu làm thanh mát miệng, giảm cơn khát và ngăn cơn đói”. Bản thân tác giả cuốn sách cũng tiết lộ đã từng… thử ăn trầu, và ông phải thừa nhận rằng nhai trầu khá dễ chịu: “Nó cho cảm giác mát lành và dường như có tác dụng lên cơn đói tương tự như chất coca, dù ăn trầu nhiều thường gây sưng phù môi; trầu làm răng ám màu đỏ nâu và làm hỏng men răng nhưng mọi người đều thích thú”, vị bác sĩ quân y người Pháp chia sẻ.

H5 min 1 - Mùa xuân nói chuyện trầu cau - Tác giả Phan Thanh Đà HảiKhông gian văn hóa trầu cau thời xưa được tái hiện trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam (ảnh Tiến Thắng)

Trầu cau trong đời sống và văn hóa của người Việt

Trong tập tục lâu đời của người Việt Nam, tiếp đãi khách đến chơi nhà thường phải có miếng trầu, bởi vậy có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”- miếng trầu đi đôi với lời chào. Vào nhà người Việt phải có cơi trầu, chén nước (rót nước mời khách). Ăn trầu thể hiện nếp sinh hoạt mang đậm tính dân tộc độc đáo của Việt Nam.

Vì trầu cau còn là lễ vật cưới xin nên những hình ảnh, màu sắc, hương vị của trầu, cau liên tưởng tới những chuyện tình yêu, duyên phận lứa đôi:

“Vào vườn hái quả cau non,
Anh thấy em giòn muốn kết nhân duyên”

Trầu cau thể hiện tình cảm nồng ấm của đôi trai gái:

“Trầu này trầu tính trầu tình
Ăn vào cho đỏ môi mình môi ta”

Bao chàng trai cô gái đã nên duyên chồng vợ cũng từ miếng trầu cau nồng thắm ấy:

“Trầu em trầu quế cùng vôi,
Anh ăn một miếng kết đôi vợ chồng”

hay:

“Vôi nồng, trầu thắm ai ơi,
Gá duyên chồng vợ ở đời trăm năm”

H6 min - Mùa xuân nói chuyện trầu cau - Tác giả Phan Thanh Đà HảiTrầu cau không thể thiếu trong đám cưới người Việt (ảnh Đinh Lơ)

Khi tiến tới hôn nhân, nhà trai đem phẩm vật đến cầu cạnh người mai mối, nhờ họ chuyển lời cầu hôn đến nhà gái:

“Mâm trầu hũ rượu đàng hoàng
Cậy mai đến nói phụ mẫu nàng mới xong”

Lễ vật nhà trai đem đến nhà gái không thể thiếu mâm trầu cau:

“Chiếc khăn nhiễu tím đội đầu
Quai thao, nón thúng, cơi trầu cầm tay
Xu xê, bánh cốm, bánh dầy
Anh nhờ cả mẹ cùng thầy đưa sang”

Người thiếu nữ từ ngày nhận trầu cau coi như đã là dâu con nhà người, tục ngữ có câu: “Miếng trầu nên dâu nhà người” là vậy.

Sau lễ gia tiên, cô dâu chú rể lạy tạ cha mẹ vợ (2 lạy, 1 vái), đoạn đi chào ra mắt cùng mời trầu, mời thuốc chú bác, cô dì nhà gái; đồng thời họ nhận được tiền phong bao cùa họ hàng. Xong xuôi, lễ vật còn lại với cỗ bàn được bưng ra, đãi đằng hai họ:

“Anh hai đi cưới chị hai,
Mâm trầu, hũ rượu tốn hai mươi tiền.
Còn dư mua chả mua nem
Mua cặp lồng đèn, hai họ cùng lên.
Ông cai, ông ký ngồi trên
Sui gia ngồi dưới, hai bên họ hàng”

H7 min - Mùa xuân nói chuyện trầu cau - Tác giả Phan Thanh Đà HảiMâm cổ cưới của người Việt luôn luôn có Trầu cau, tượng trưng cho tình yêu chung thủy của lứa đôi; vợ chồng luôn gắn bó với nhau cho đến đầu bạc, răng long (ảnh Internet)

Trầu cau không chỉ dùng trong lễ cưới, hỏi, trong mỗi cuộc vui, buồn của làng quê, là vật tế trong các lễ tế thần, gia tiên, hội làng, mừng thọ; mà còn phổ biến dùng để tiếp khách hàng ngày:

“Có trầu thì giở trầu ra
Trước là đãi bạn, sau ta với mình”

Xuân đến, Tết về, trầu cau còn được sử dụng làm quà tặng cho ông bà, cha mẹ, họ hang thâ quen:

“Ai về cho gửi buồng cau
Buồng trước kính Mẹ, buồng sau kính Thầy”

Thơ Nguyễn Khuyến có câu: “Kiếm một cơi trầu sang biếu cụ, xin đôi câu đối để mừng ông”. Hơn thế trầu cau còn là đồ cúng giỗ, dân gian có câu “sửa cơi trầu đĩa hoa dâng cụ” để tưởng nhớ tổ tiên, ghi nhớ công ơn nuôi nấng sinh thành của các bậc cha ông. Như thế đủ để biết trầu cau gắn liền với đời sống người dân như thế nào.

Miếng trầu còn là sự thể hiện lòng thành kính của thế hệ sau với các thế hệ trước, cho nên trên mâm cỗ thờ cúng gia tiên của người Việt có trầu cau.

Như chúng ta đều biết, xưa kia trầu cau là hai loại cây được trồng khắp nơi trên quê hương đất nước để lấy lá, lấy trái dùng hằng ngày. Từ vua quan cho đến thứ dân, từ đàn ông cho đến đàn bà, ai ai cũng thích nhai trầu; nhiều người còn nghiện là đằng khác, nhất là các bà già bình dân, nhai trầu bỏm bẻm suốt ngày, do đó mới có khẩu ngữ “bà già trầu”.

Ðặc biệt cây cau chẳng những được dân gian bảo nhau trồng ở sân trước nhà – chuối sau cau trước – mà ngay ở Hoàng thành, vào đời Minh Mạng (1820 – 1840), cây cau còn được chọn khắc trên đỉnh đồng, có tên Anh Ðỉnh, đỉnh thứ tư trong cửu đỉnh, được đặt trước sân Thế Miếu.

Với chúng ta, hình ảnh những hàng cau thẳng tắp, cao vút (nhiều khi cao hơn 10 mét), có lá mọc thành chùm ở ngọn cây, thân lá xẻ hình lông chim,; cùng hình ảnh những giàn trầu xanh rờn với những chiếc lá to bằng bàn tay, có hình trái tim duyên dáng nơi góc vườn… đều là những hình ảnh thân quen đã in sâu vào ký ức của nhiều người.

Hoa cau thì mọc thành một chùm lớn, phân nhánh, có mo bọc ngoài. Khi hoa kết trái thì buồng cau nở lớn, mo cau khô, rụng xuống. Câu ca dao đã mô tả hình ảnh và giới thiệu thời gian cau đơm hoa kết trái một cách thật lý thú:

“ Ðầu rồng đuôi phượng te te
Mùa đông ấp trứng, mùa hè nở con”

Riêng loại cau liên phòng, còn gọi là cau tứ quí thì ra trái cả bốn mùa. Khi được mùa, mỗi buồng cau có đến trên trăm trái, hình bầu bầu và lớn bằng quả trứng gà.

Trầu cau không chỉ được trồng để nhà dùng mà nhiều khi còn là nguồn sống của gia đình và lập nên cửa nên nhà:

“Anh về cuốc đất trồng cau,
Cho em vun ké dây trầu một bên.
Chừng nào trầu nọ bén lên,
Cau kia say trái lập nên cửa nhà”

Chả thế, gia đình nào có cả vườn trồng cau sinh lợi đều được kể là một trong những nhà giầu có nơi thôn dã: “Vườn cau, ao cá”.

Ở nước ta, từ Bắc chí Nam đều có nhiều vùng nổi tiếng trồng trầu cau và sản xuất được nhiều trầu cau ngon, gửi bán đi các nơi hoặc để xuất cảng.

Theo tài liệu của Ðỗ Tất Lợi, trước đây (năm 1930), diện tích trồng cau ở ngoài Bắc ước chừng 2.500 ha, chủ yếu là các vùng Hải Dương, Kiến An, Quảng Ninh, Nam Ðịnh và Thái Bình. Ca dao cũng có câu:

“Ðồn rằng kẻ Trọng lắm cau,
Kẻ Cát lắm luá, kẻ Mau lắm tiền”

Ở miền Trung, diện tích trồng cau khoảng 1.400 ha. Đặc biệt, trầu Chợ Dinh với cau Nam Phổ đã được ca dao vùng Thừa Thiên Huế ca tụng hết lời:

“Trầu Chợ Dinh với cau Nam Phổ
Non vôi cũng đỏ, thiếu vỏ cũng ngon.
Hạt thơm mà xác lại giòn,
Được tiếng khen là phải, dậy tiếng đồn không sai”

hay:

“Ru em em ngủ cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi Chợ Quán Chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ, mua trầu Chợ Dinh”

(Chợ Dinh và Nam Phổ là 2 xã nằm đối diện nhau ở hai bên bờ sông Hương, thuộc ngoại biên thành phố Huế).

H8 min - Mùa xuân nói chuyện trầu cau - Tác giả Phan Thanh Đà HảiVườn cau ở Bà Điểm – Hóc Môn xưa (ảnh Wikipedia)

Trong Nam, cau được trồng nhiều ở Mỹ Tho, Bến Tre, Cần Thơ, nhưng có tiếng hơn cả là trầu cau Bà Ðiểm – Hóc Môn. Bà Ðiểm – Hóc Môn, một miệt vườn ngoại thành Sài Gòn, có biệt danh là Mười tám thôn Vườn Trầu, chả vì cả mười tám thôn làng nơi đây dân chúng đều trồng trầu làm nghề chính. Trầu trồng từ vườn nhà này tiếp nối vườn nhà kia, tạo thành một vùng trầu xanh tươi bát ngát. Hiện nay, một phần do chiến tranh tàn phá, một phần do giới trẻ bỏ hẳn tục ăn trầu nên diện tích trồng trọt tất đã giảm nhiều. Cư dân vùng Sài Gòn- Gia Định thường nghe:

“Trầu Sài Gòn ăn chơi nhả bã,
Thuốc Gò Vấp hút đỡ vài hơi”

Giờ đây, tục nhuộm răng ăn trầu đã đi vào quá vãng, nhưng dường như trong nghi thức cúng lễ, dạm ngõ, cưới hỏi vẫn phải có quả cau, cơi trầu, như là một hồi ức xa xăm của người Việt.

Ngày nay, tuy vẫn giữ vai trò quan trọng trong các lễ nghi truyền thống, nhưng trong cuộc sống thường ngày, tục ăn trầu đang dần bị mai một. Bộ dụng cụ ăn trầu dường như đã thành ký ức.

Thói quen ăn trầu hiện chỉ còn tồn tại ở thế hệ người cao tuổi, chủ yếu ở nông thôn, nhưng tục ăn trầu vẫn được tiếp nối trong nghi lễ truyền thống như cúng tế, cưới hỏi, giỗ chạp… điều đó thể hiện ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc.

Công dụng của Trầu cau

H9 min - Mùa xuân nói chuyện trầu cau - Tác giả Phan Thanh Đà HảiCây Trầu trong vườn nhà tác giả (ảnh Thanh Hải)

Trầu cau rất đa dụng, nhất là cau. Thân cau được dùng làm cột nhà, làm cầu, người ta bắc thành cầu khỉ hay đóng thành bè thay cầu ván. Mo cau để lợp nhà, làm quạt, làm gầu tát nước, đôi khi còn để đựng đồ như gói tiền, gói vàng hay bọc thức ăn. Trầu cau thì làm chổi quét sân v.v…

Trong Ðông y, ngành thuốc Nam, Trầu cau được dùng làm thuốc chữa bệnh.

Lá Trầu có tác dụng kháng sinh rất mạnh đối với các loại vi trùng: Tụ cầu, subtilit và trực khuẩn coli, có tác dụng hành khí, hoạt huyết, tiêu đờm, trừ phong thấp, tiêu viêm. Nhân dân ta thường dùng lá trầu để trị đau bụng, đầy hơi, sôi bụng, ợ hơi… Cách làm như sau: Hơ nóng lá trầu đắp lên rốn hoặc vào huyệt khí hơi, thuỷ phân, dùng nhang hơ nóng phía trên.

Theo Ðỗ Tất Lợi, lá trầu giã nhỏ ép lấy nước chữa viêm mủ chân răng hoặc hòa với nước để rửa các vết lở loét, mụn nhọt hay vết chàm của trẻ sơ sinh. Lá trầu giã nhỏ để nguyên chất đắp lên ngực chữa ho hen, đắp lên vú cho sữa ngưng chảy.

Trong quả cau có nhiều tanin, alcahoit, arecolin. Quả cau có tính hạ khí, hành thuỷ thông đại tiểu trường. Dùng quả cau chữa các chứng trương tích, chướng khí, tả hạ và sát trùng. Vỏ cau trị thuỷ thũng, lợi tiểu. Hạt trị giun sán, bụng đầy chướng, tả lỵ. Người có bệnh thuộc “hư chướng” không nên dùng quả cau, nếu dùng lầm có thể hại nguyên khí, hại ngầm cả âm huyết. Hạt cau làm tê liệt thần kinh giun, sán, giun sán không bám vào thành ruột được mà bị đẩy ra ngoài. Dùng hạt cau trị giun sán phối hợp với thuốc khác, arecolin còn có tính làm chậm nhịp đập của tim.

Tất nhiên, công dụng chính của trầu cau là để ăn. Ăn trầu vừa chắc răng, bổ xương, lại vừa ngon miệng, say sưa vui chuyện; ngoài ra ăn trầu còn để làm đẹp. Người ăn trầu không lo bị rối loạn tim mạch, ăn trầu còn có tác dụng kích thích sự tiêu hoá, góp cho dịch vị và dịch tràng tiết ra nhiều hơn. Những người ăn trầu ít bị đầy chướng, không ợ hơi, sình bụng và táo bón. Người ăn trầu ít bị nhiễm trùng đường ruột.

H10 min - Mùa xuân nói chuyện trầu cau - Tác giả Phan Thanh Đà HảiLá Trầu có tác dụng hành khí, hoạt huyết, tiêu đờm, trừ phong thấp, tiêu viêm. Nhân dân ta thường dùng lá trầu để trị đau bụng, đầy hơi, sôi bụng, ợ hơi…

Một miếng trầu têm nhìn mầu sắc đã thấy đẹp mắt, khi ăn vào còn có vị ngọt ngọt của cau, cay cay, thơm thơm của lá trầu (toàn thân cây trầu có tinh dầu thơm), chát chát của hạt và vỏ (có chất tanin), cùng cảm nhận được cơ thể đang nóng nóng vì vôi và đầu óc hơi choáng váng say vì trong hạt cau có chất arecoline làm kích thích thần kinh hệ.

Ðã vậy, nếu còn được đệm thêm tí quế, tí hồi hay tí thuốc lào, thuốc lá thì miếng trầu ăn vào càng tăng phần kích thích, làm thêm nóng bừng cơ thể, thêm dậy hồng đôi má và thêm long lanh cặp mắt. Sau nữa, nước cốt trầu có sắc màu đỏ tươi làm hồng thắm đôi môi. Người phụ nữ xưa đã biết lợi dụng những ưu điểm này của miếng trầu, nên họ ăn trầu còn để làm đẹp.

Làm đẹp cũng phải biết cách và phải có nghệ thuật nữa. Ðời nào chả thế, người phụ nữ xưa “có trầu chẳng để môi thâm” đã đành, mà còn biết cách ăn hai ba miếng trầu liên tiếp nhau, tạo cho được một cặp môi đỏ có đường viền như sợi chỉ, trông thật quyến rũ, được mệnh danh là “môi ăn trầu cắn chỉ”. Khác nào ngày nay chị em bạn gái chúng ta, sau khi đã tô son trên đôi môi rồi còn lấy bút lông vẽ thêm một đường son đỏ đậm thật nhỏ quanh vành môi cho đôi môi thêm nổi.

P.T.Đ.H

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây