Ngày xuân tản mạn về Ông Địa và Thần Tài – Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải

Ngày xuân tản mạn về Ông Địa và Thần Tài - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải
Thổ Địa (bên trái) và Thần Tài

NGÀY XUÂN TẢN MẠN VỀ ÔNG ĐỊA VÀ THẦN TÀI

Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải

Theo tín ngưỡng dân gian, Ông Địa (Thổ Địa) và Thần Tài có một vị trí quan trọng trong mọi gia đình và có ảnh hưởng lớn đối với đời sống tâm linh của con người. Vì thế, nhiều gia đình ở nông thôn cũng như thành thị đều tôn thờ Ông Địa và Thần Tài một cách trang nghiêm và kính cẩn, coi đó là những vị thần hộ mệnh gần gũi và thiêng liêng nhất. Ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm là ngày vía Thần Tài, người dân thường đổ xô mua vàng, chuẩn bị mâm cúng để cầu tài lộc, giàu có cả năm.

Tập tục thờ Thổ Địa – Thần Tài ở nước ta

Trang thờ (bàn thờ) Ông Địa và Thần Tài thường đặt sát mặt đất, bên cạnh bàn thờ Tổ tiên, ở phía trái (tính từ hướng trong nhà nhìn ra cửa) nhằm thể hiện sự gắn bó với cội nguồn là Mẹ Đất. Trang thờ thường gần vị trí ra vào, để hàng ngày nghinh tiếp khách, đồng nghĩa với đón nhận tài lộc. Theo tác giả Trần Ngọc Thêm, thường thì Ông Địa ngồi bên trái (vị trí quan trọng hơn), Thần Tài ngồi bên phải. Ông Địa là vị thần bảo hộ cây trái, hoa màu, mang đậm dấu ấn của nền kinh tế nông nghiệp. Còn Thần Tài là vị thần trông coi tiền bạc, của cải, dấu ấn của nền kinh tế thương nghiệp.

Trải qua thời gian, hình tượng vị Thần Tài có nhiều thay đổi, khi thì ông đội mũ cánh chuồn, tay cầm túi vải, khi thì cầm bó lúa, lại có lúc cầm xâu tiền hoặc thỏi vàng tượng trưng cho sự giàu sang phú quý.

Đặc biệt, trong ngày Tết cổ truyền, người Việt mừng năm mới thường mở cửa đón Lân và Ông Địa vào nhà. Ông Địa và Lân đi đến đâu, trẻ con chạy theo reo mừng đến đó vì Lân – Sư – Rồng tượng trưng cho an khang – thịnh vượng. Ông Địa bụng phệ cười toe toét, tay cầm quật phe phẩy, mặc áo phanh ngực tượng trưng cho phong cách nhàn nhã, vui vẻ và hạnh phúc.

Trong cuốn Văn hóa người Việt Tây Nam bộ do Trần Ngọc Thêm chủ biên đã mô tả: “Ông Địa thường ngồi ở tư thế chân co chân xếp, chít khăn đầu rìu, một tay cầm quạt, một tay cầm điếu thuốc, với con cọp theo hộ tống. Chân co chân xếp là tư thế ngồi thoải mái của người bình dân. Khăn đầu rìu là cách trang phục điển hình của người nông dân Nam bộ. Cây quạt phe phẩy thể hiện một phong cách nhàn nhã là vật bất ly thân của người dân xứ nóng…”.

Tập tục thờ Thổ Địa trở nên phổ biến trước thời Lê Long Đỉnh (1006 – 1009) đến nỗi ông thần có miếu thờ ở bờ sông Đằng Châu, trước khi lên ngôi vua, coi đây là vị thần tối linh của mình. Sau khi lên ngôi hoàng đế, Lê Long Đỉnh đã phong thần cho thổ địa Đằng Châu là “Khai thiên Thành hoàng đại vương”. Việc phong thần nói trên của Lê Long Đỉnh đã cho thấy quan niệm đồng nhất Thổ Địa với Thành Hoàng.

Ông bà ta có câu “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Thổ Công/Thổ Địa là thần bảo hộ một khoảng, một vùng có diện tích giới hạn như Hà bá cai quản từng con sông, từng khúc sông”.  

Nói cách khác, Thổ Công có thể được hiểu là Thổ thần, là thần Thổ Địa – thần bảo hộ cho một khu đất, một cánh đồng, một và rồi một nền nhà.

Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của ghi: “Thổ địa là thần đất đai, thần bảo hộ trong một xứ nào; thổ thần, tài thần là thần đất, thần giữ tiền bạc”.

Trong thực tế, việc thờ tượng Thần Tài mới xuất hiện hơn tram năm nay, tức xuất hiện sau tập tục thờ tượng cốt Ông Địa.

Ở loại tranh Đông Hồ, theo công bố của nhà nghiên cứu Marcus Durand vào khoảng năm 1960, có bức tranh Tăng Phúc Thần Tài. Đây là bức tranh thuộc bộ sưu tập của trường Viễn Đông Bác Cổ thực hiện và được triển lãm lần đầu vào năm 1946. Tức bức tranh này có thể xuất hiện trước năm 1946.

Ở Nam bộ, việc thờ Thần Tài xuất hiện vào thời điểm nào đến nay cũng không có tư liệu xác thực, ngoài chứng liệu từ bài thơ Vịnh Thần Tài của ông Đồ Sáu Mới/Võ Văn Tân (1864 – 1927) hồi đầu thế kỷ XX. Thần Tài xứ ta là một vị thần ý niệm, biểu trưng cho tiền tài, sự giàu có. Còn xét về hình tướng, chúng ta dễ nhận ra ông Thần Tài xứ ta về cơ bản giống Thổ Địa Phước Đức chính thần của người Hoa, chỉ khác là một tay vuốt râu và tay kia cầm xâu tiền điếu (hay thoi vàng xuồng). Đây là hình tướng Thần Tài phổ biến nhất. Kế đó là loại Thần Tài tay ôm bó bông lúa, tay cầm xâu tiền điếu; hoặc tay cầm bó bông lúa, tay vuốt râu. Cá biệt cũng có loại Thần Tài giống ông Thọ (trong bộ Phúc – Lộc – Thọ) với đầu hói đặc trưng, tay cầm quạt ba tiêu, cổ đeo xâu tiền điếu quanh bụng, dài quá rốn…

H2. Thần Tài dạng Ông Thọ tay ôm bó lúa  tay xách xâu tiền - Ngày xuân tản mạn về Ông Địa và Thần Tài - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiThần Tài dạng Ông Thọ, tay ôm bó lúa; tay xách xâu tiền (Hình trong sách Thần Đất: Ông Địa & Thần Tài)

Chỉ sau một thời gian, tín ngưỡng thờ người ta thường thờ Thần Tài đã phổ biến đến nỗi giờ đây Thần Tài đã tồn tại song song với Ông Địa, như một cặp đôi không thể nào tách rời được. Hiện tượng phổ biến này có nguồn gốc tín lý cổ xưa về Thần Đất – có hai công năng: một là bảo hộ cho một diện tích đất đai nào đó (nền nhà, vuông vườn, xóm ấp…) và hai là nguyên lý sinh sản (hoa màu, nông sản…) của đất theo tín lý phồn thực. Nói cách khác, Thổ Địa cũng làm cho chủ nhà phát đạt, giàu có (được mùa, bội thu…). Đó là tín lý của thời nông nghiệp còn là hoạt động sản xuất chính yếu. Nhưng về sau, kinh tế hàng hóa phát triển, thương nghiệp và doanh nghiệp càng lúc càng có vị trí quan trọng trong hoạt động kinh tế thì tiền, vàng là dấu hiệu của sự giàu có, chứ không phải là “lúa thiên, ruộng mẫu” thì con người cần một hình tướng mới chuyên trách cho việc phát tài: ông Thần Tài.

Bàn thờ hai ông thường đặt ở một góc nhà, gần cửa ra vào để nghinh tiếp tài lộc. Bên cạnh trang thờ thường có câu liễn đối “Thổ năng sinh bạch ngọc. Địa khả xuất hoàng kim“, có nghĩa là: “Đất hay sinh ngọc trắng, Địa có thể nảy vàng ròng”.

H3. Tượng Thần Tài trái chất liệu composite hiện đại và gốm men màu Lái Thiêu - Ngày xuân tản mạn về Ông Địa và Thần Tài - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiTượng Thần Tài (trái) chất liệu composite hiện đại, và gốm men màu Lái Thiêu (Hình trong sách Thần Đất: Ông Địa & Thần Tài)

Lễ cúng, vía Thổ Địa – Thần Tài

Theo sách Thần Đất: Thổ Địa & Thần Tài của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, việc chọn ngày mồng 10 âm lịch làm ngày cúng Thổ Địa có lẽ bắt nguồn từ một quan niệm về sự sinh thành trời đất và các loài vật mà sử sách cho là do Đông Phương Sóc đưa ra vào đời nhà Hán. Theo quan niệm này, khởi thỉ vào những ngày đầu tháng Dần (tháng Giêng Âm lịch) thì: ngày mồng một sinh ra giống gà; ngày mồng hai sinh thêm giống chó; ngày mồng ba sinh thêm giống heo (lợn); ngày mồng bốn sinh thêm dê; ngày mồng năm sinh thêm trâu; ngày mồng sáu sinh thêm ngựa; ngày mồng bảy sinh ra loài người; ngày mồng tám sinh ra ngũ cốc; ngày mồng chín sinh ra trời; ngày mồng mười sinh ra đất.

Từ tín lý này mà đời sau biện sự ra các tập tục lễ thức: tháng Giêng là tháng Dần nên đến Tết đều dán “bùa nêu – Ông Cọp”, ngày mồng bảy là ngày “nhân nhật” nên có lễ khai hạ (…), mồng chín sinh ra trời nên cử hành lễ vía Ngọc Hoàng, và mồng mười là ngày cúng Đất, gọi là vía Đất.

Vía Đất gắn với tập tục Động thổ sau những ngày đầu năm: tức sau lễ này thì việc cày bừa, giã gạo, bửa củi, đốn cây mới được phép tiến hành. Đối tượng của cuộc lễ này không chỉ là thần bản gia Thổ Địa mà là đất, nói chung là “cúng đất đai” và nói chỉ định hơn là Địa kỳ Hậu Thổ, một nghi lễ tiến hành sau ngày vía Trời, Thiên Hoàng (ngày mồng 9/1).

Lệ cúng Thổ Thần, theo Lê Văn Phát, trong La vie intime d’unannamite de Cochinchine etses croyances vulgaires (Saigon, 1907) (thường được tổ chức vào các ngày mồng 2 âm lịch của 5 tháng đầu năm (tức 2/1, 2/2, 2/3, 2/4, 2/5 Âm lịch). Tác giả trên cũng giải thích rằng lệ cúng này là lễ cúng các thần Ngũ phương, vị thần được thờ ở chiếc khám đặt sát mặt đất.

Ngày mồng 2 và ngày 16 hàng tháng Âm lịch có ý kiến cho là lệ cúng thông thường của năm thần Ngũ phương và cũng có ý kiến khẳng định đó là lệ cúng Thần Tài được tích hợp chung vào đó làm một.

Việc cúng vào ngày mồng 2 và 16 hàng tháng rất phổ biến đối với các hộ buôn bán và lịch lễ cúng vào ngày mồng 10 Âm lịch 5 tháng đầu năm, thậm chí cả 12 tháng được đông đảo dân chúng thực hành.

H4 - Ngày xuân tản mạn về Ông Địa và Thần Tài - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiCúng Thần Tài – Thổ Địa

Cũng theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, tập tục “cúng Thần Tài” ở xứ ta phổ biến là ngày mồng 2 và 16 Âm lịch hàng tháng. Có ý kiến cho đây là hai ngày cúng cô hồn với lý lẽ rằng ngày sóc vọng (mồng Một và Rằm âm lịch) là ngày cúng bái thần Phật và cô hồn phải cúng sau thần Phật, tức ngày mồng 2 và 16. Thực ra, theo truyền thống Vía Đất, cúng Thổ Địa vào ngày mồng 10 tháng Giêng, ngày mồng 10 tháng 3, tháng 4 là lệ cúng Thổ Địa thông thường và ngày mồng 10 tháng 5 là ngày cúng Thổ Địa cuối cùng trong năm – gọi là ngày “Địa lạp”. Như vậy, lệ cúng vào ngày mồng 2 và 16 hàng tháng Âm lịch vốn là các ngày cúng cô hồn cốt để chúng không quấy phá việc làm ăn buôn bán cũng hàm chức năng cầu công việc làm ăn hanh thông, buôn may bán đắt nên được thế nhân coi đó là lệ cúng… Thần Tài.

Nói chung, lệ cúng trở nên đa tạp như vậy là do sự tích hợp nhiều tín lý của một tập thành tín ngưỡng đa dạng do tiến trình phát triển của lịch sử, đặc biệt là sự hội nhập các thần tài lộc từ nhiều nguồn khác nhau vào hệ thống gia thần xứ ta.

Xưa kia lễ vật để cúng ông Địa thường là nãi chuối và ba chung nước mát, khá giả hơn thì nãi chuối, chè trôi nước, xôi, trái cây. Còn ngày nay, lệ vía vẫn còn theo “lịch lễ”, song đa số việc cúng các thần này rất tự do. Sáng sáng mở cửa hàng, người ta thắp nhang, cúng Thổ Địa – Thần Tài ly cà phê, điếu thuốc, cái bánh bao hoặc gói xôi. Rằm, mồng Một cúng chè, chuối, trái cây theo lệ sóc vọng hay tuần tiết, lễ trọng hơn cúng tam sanh hoặc thịt heo quay. Đặc biệt, trên bàn thờ lúc nào cũng có một dĩa củ tỏi và dĩa trái cây.

Trong tâm thức của người Việt, Ông Địa và Thần Tài hiện thân của những vị thần phúc hậu hay giúp người. Chính vì yếu tố tâm linh đó mà nhiều người luôn hy vọng những vị gia thần đó sẽ phù trợ giúp họ thực hiện được những ước mơ và hoài bão của gia đình.

Phan Thanh Đà Hải

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây