Thầy Lê Đình Kỵ sinh năm Nhâm Tuất 1922 nhưng giấy khai sinh ghi năm Quý Hợi 1923, như vậy đến năm Quý Mão 2023 này là tròn 100 năm, năm sinh của Thầy.
Khoảng cuối thập niên 1990, tôi được thọ giáo thầy Lê Đình Kỵ một học phần về Thơ Mới 1932-1945 trong chương trình đào tạo sau đại học tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Phần lớn nội dung các bài giảng của thầy Lê Đình Kỵ hồi ấy đã được thầy nghiên cứu công phu và thể hiện trong chuyên luận Thơ Mới những bước thăng trầm do Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành lần đầu năm 1988 và tái bản năm 1993. Khi làm xong bài kiểm tra cuối học phần, tôi đến nộp bài và thăm thầy tại nhà riêng của thầy ở chung cư gần chợ An Đông. Được nghe giảng Thơ Mới theo một quan điểm tương đối mới so với đương thời từ một người thầy tài hoa và uyên bác, từng viết nhiều sách lý luận phê bình về thơ như thầy Lê Đình Kỵ quả là điều may mắn, với tôi càng may mắn hơn khi thầy Lê Đình Kỵ là người đồng hương Quảng Nam – giảng bài bằng giọng Quảng. Và không phải ngẫu nhiên mà đọc Thơ Mới những bước thăng trầm, tôi tâm đắc nhất là đoạn thầy viết về bài Tình già của Phan Khôi – một nhà Thơ Mới quê Quảng Nam: “Không phải tình cờ mà bài Thơ Mới đầu tiên Tình già là dành cho tình yêu. Bài thơ gây ấn tượng mạnh nhất không phải ở hình thức mới – một hình thức thực ra chẳng mấy người noi theo – mà ở cái mầm mống đã gieo: Đó là cái mối tình già nhân ngãi non vợ chồng, đứt nối, dở dang: Ta là nhân ngãi đâu phải vợ chồng mà tính chuyện thủy chung” (trang 138, bản in năm 1993).

(Cao Huy Đỉnh)
Quê thầy Lê Đình Kỵ cùng xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn của tác giả bài thơ Tình già, nhưng thầy xa quê từ hồi còn trẻ – năm 1952 mới ba mươi tuổi, thầy Lê Đình Kỵ đã vào Quảng Ngãi dạy học ở trường Lê Khiết cùng với thầy Lê Trí Viễn, sau Hiệp định Genève năm 1954 tập kết ra miền Bắc và đến tận lúc qua đời năm 2009 thầy Lê Đình Kỵ vẫn là người Quảng xa quê. Có điều được đọc thầy, được học thầy, tôi vẫn cảm nhận rất rõ chất Quảng Nam không chỉ trong giọng nói mà còn trong tư duy “hay cãi” của thầy – “hay cãi” ở đây được hiểu là cá tính đậm nét và quyết liệt đến cùng trong học thuật. Chính vì tư duy hay cãi này nên thầy Lê Đình Kỵ từng chịu không ít “những bước thăng trầm” trong nghề nghiệp, chẳng hạn năm 1962 khi viết giáo trình đại học Phương pháp nghệ thuật, thầy Lê Đình Kỵ bị cho là mơ hồ về lập trường giai cấp khi lý giải tính người trong văn học; hay chẳng hạn năm 1974, bài báo thầy gửi đăng tạp chí Tác Phẩm Mới nhan đề Hải Triều – những bước xung kích do Chế Lan Viên biên tập, cũng bị phê rằng đề cao cá nhân Hải Triều là có dụng ý!? Thậm chí khi biên tập bài Từ ấy và Thơ Mới của thầy Lê Đình Kỵ gửi đăng Báo Văn Nghệ hồi năm 1959, Xuân Diệu cũng sửa nhan đề gốc thành Từ ấy và phong trào Thơ Mới – động thái này bắt nguồn từ tâm lý con chim bị tên sợ làn cây cong của Xuân Diệu khi nhà thơ từng bị cho là hữu khuynh do đưa ra luận điểm tập thơ Từ ấy của Tố Hữu “thoát thai từ Thơ Mới”…
Khi trở thành thầy giáo dạy Văn ở Trường Trung học Lê Khiết trong Quảng Ngãi, thầy Lê Đình Kỵ chỉ có trong tay tấm bằng Tú tài toàn phần phân ban Triết học thi đỗ hồi năm 1944 tại Trường Trung học Pétrus Ký ở Sài Gòn, và cho tới khi đứng trên bục giảng khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ngay từ những ngày đầu trường mới được thành lập vào năm 1956, cũng như khi về hưu và tham gia đào tạo sau đại học cho thế hệ chúng tôi hồi thập niên 1990, đời thầy vẫn chỉ có ngần ấy bằng cấp… Thế nhưng học giới nước ta không ai không ngưỡng mộ sở học – cũng là thực học – của thầy. Bằng chứng là ngay đợt phong học hàm đầu tiên vào năm 1984, thầy Lê Đình Kỵ được phong thẳng học hàm giáo sư, không cần qua bước phong học hàm phó giáo sư; và vào năm 1988 thầy lại được trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, không cần qua giai đoạn vinh danh Nhà giáo ưu tú. Có thể nói thầy Lê Đình Kỵ không chỉ hiếu học và học giỏi mà còn là một tấm gương sáng về việc kiên trì tự học, tự đào tạo để trở thành một trí thức tài hoa, một nhà sư phạm mẫu mực, một chuyên gia lý luận và phê bình văn học hàng đầu ở nước ta với những công trình khảo cứu đã đi cùng năm tháng như Thơ Mới những bước thăng trầm, như Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực… Nhân kỷ niệm 100 năm năm sinh của thầy Lê Đình Kỵ (1923-2023), bài viết này như nén nhang lòng của một người học trò xin được kính dâng để tưởng nhớ đến thầy!