Những gốc đa trong tâm trí người Hà Nội
Từ lâu, hình ảnh những gốc đa đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ người dân Hà Thành. Đa che chở cho những phận đời mưu sinh dãi dầu mưa nắng, đa che bóng mát cho trẻ nhỏ vui chơi, đa cũng chở theo những ký ức tươi đẹp của nhiều người.
Cây đa đình Cổ Vũ
Người dân Hà Nội có lẽ đã rất quen thuộc với hình ảnh cây đa cổ thụ phía trước đình Cổ Vũ trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm). Đình Cổ Vũ là một ngôi đình nhỏ, thế nhưng lại được che chở bởi một cây đa khổng lồ. Nhiều người dân lớn tuổi sống gần đình chia sẻ họ không biết cây đa có từ bao giờ, chỉ biết rằng sâu thẳm trong miền ký ức của họ, hình ảnh các ông, các bố và các chú ngồi dưới gốc cây đa, trò chuyện bên chén trà trong sau những giờ lao động mệt nhọc, còn họ lúc đó vẫn là những cô bé, cậu bé chạy chơi quanh gốc đa già.
Đình Cổ Vũ đang trong giai đoạn tu bổ, tôn tạo. (Ảnh: Minh Duy)
Cô Tô Ngọc Vân, 62 tuổi, sống đối diện đình Cổ Vũ tiếp chuyện chúng tôi. Vén mái tóc hoa râm, cô nhìn về gốc đa, hoài niệm về một miền quá khứ xa thẳm. “Thời đó chúng tôi không có địa chỉ nhà cụ thể như bây giờ, nhà khó tìm lắm, nên cứ lấy gốc đa làm mốc. Chỉ nhà cho bạn bè thì cứ bảo nhà ở đối diện gốc đa, thế là tìm được ngay”. Cũng từ đó, cây đa góp mặt vào cuộc nói chuyện hằng ngày của người dân sinh sống trên con phố cổ này.
Chuyện gốc đa đình Cổ Vũ không chỉ dừng lại ở đó. Chúng tôi được người dân trong phố hướng dẫn đến nhà bà Nguyễn Thị Tuyết Nga (88 tuổi). Bà là người có cuộc đời gắn liền với gốc đa và đình Cổ Vũ. Nheo đôi mắt đã dần mờ vì năm tháng, bà Nga hồi tưởng lại câu chuyện của mình. Bà kể: “Tôi sống ở đây từ năm 1954. Vào năm 1963, cạnh đình Cổ Vũ có một trường mẫu giáo. Lúc đó xảy ra tranh chấp giữa đình và trường học. Người ta định bán ngôi đình đi, đồng nghĩa với việc cây đa cũng đứng trước nguy cơ biến mất trong đời sống của người dân nơi đây”.
Cụ bà 88 tuổi Nguyễn Thị Tuyết Nga giới thiệu về thần tích, thần sắc của đình Cổ Vũ trên phố Hàng Gai. (Ảnh: Minh Duy)
Bà con chung quanh không cam tâm trước viễn cảnh đó, nên bà Nga đã mang những tâm tư, nguyện vọng của người dân trên phố Hàng Gai mà đi khắp nơi để xin gìn giữ lại mảnh đất thiêng. Và may mắn thay, tấm lòng của bà Nga và người dân phố cổ đã được đáp lại. Đình Cổ Vũ được giữ lại theo đúng quy định của nhà nước. Cây đa cũng được tiếp tục bảo tồn, vẫn từng ngày che chở cho những nhà dân quanh đấy. Còn phần bà Nga, bà cũng trở nên gắn bó với đình, bà trở thành người trông đình, giữ gìn từng chút bản sắc văn hóa của con phố Hàng Gai.
Cây đa đền Bà Kiệu
Cách đó một con phố cũng không xa lắm, chúng ta cũng có thể bắt gặp một cây đa vô cùng đặc biệt. Gốc đa bên cạnh đền Bà Kiệu, nằm trên con phố Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm) cũng là một gốc đa quen thuộc của người dân Thủ đô.
Tán lá của gốc đa đền Bà Kiệu phủ bóng mát cả một góc đường. (Ảnh: Minh Duy)
Tương truyền, đền Bà Kiệu có từ thế kỷ thứ 17. Đền bao nhiêu tuổi thì đa cũng bấy nhiêu năm, cũng chính vì thế mà gốc đa cũng chứng kiến bao thăng trầm của dòng lịch sử. Các cụ cao niên kể lại rằng ngày xưa ngay vị trí cây đa là một cây gạo, rồi dần dần chỗ này mọc lên một cây đa.
Từ một mầm cây mọc lên từ hạt đa do chim chóc mang về, đa cứ thế lớn dần, rồi bao trùm lấy cây gạo. Một thời gian sau cây gạo chết đi, để lại một khoảng trống trong lòng cây đa, đây là điều vô cùng đặc biệt. Dân gian Việt Nam vốn có câu “thần cây đa, ma cây gạo”, nhiều người cũng vì thế lại càng có một niềm tin tươi sáng về những điều tốt lành, khi cây đa lớn dần lên rồi thế chỗ hẳn cây gạo cũ năm xưa.
Gốc đa đền Bà Kiệu. (Ảnh: Minh Duy)
Gốc đa đền Bà Kiệu rất to, tán lá sum suê, rễ cũng vươn dài. Cũng như bao gốc đa khác, gốc đa đền Bà Kiệu cũng là nơi che mưa, che nắng cho biết bao phận mưu sinh quanh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm.
Cây đa Bác Hồ
Khi nhắc đến công viên, người Hà Nội sẽ nghĩ ngay đến công viên Thống Nhất, còn khi nhắc đến công viên Thống Nhất, chắc chắn họ sẽ nghĩ ngay đến “Cây đa Bác Hồ”. Vì lẽ, đây là một kỷ niệm đẹp của Bác dành tặng cho người dân Hà Nội.
Gốc đa Bác Hồ trong khuôn viên công viên Thống Nhất. (Ảnh: Minh Duy)
Một buổi chiều 11/1/1960, nhiều người dân tại Hà Nội được sống trong niềm hân hoan và vui sướng vô bờ vì được gặp Bác Hồ, khi bác đến thăm khu đất phía nam của công viên Thống Nhất. Thời điểm này, khu đất này được người dân Hà Nội góp sức trồng cây để tạo thành một công viên xanh cho thủ đô. Sau khi chào hỏi mọi người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự mình trồng một cây đa nhỏ ở nơi này. Hình ảnh người lãnh tụ giản dị xúc đất, trồng cây vừa nghiêm trang nhưng cũng đầy ấm áp. Và cũng chính hình ảnh này ngày nay đã trở thành tấm gương và hình mẫu cho ngày Tết Trồng cây.
Cây đa Bác Hồ tại công viên Thống nhất có lẽ là một trong những cây đa nhỏ tuổi nhất ở Hà Nội nếu so với những cây đa cổ thụ khác vì đến nay, cây đa chỉ mới hơn 60 tuổi. Thế nhưng, cây đa này cũng có ý nghĩa vô cùng to lớn trong lòng người dân Hà Thành.
Cây đa Bác Hồ trồng mùa xuân 1960 là điển hình cho ngày hội Tết Trồng cây. (Ảnh: Minh Duy)
Cây đa tại tòa soạn Báo Nhân Dân
Trái ngược với những thành phố khác, điểm đặc biệt của Hà Nội là khi càng vào sâu trung tâm, người ta càng bắt gặp được vẻ cổ kính, thanh tao mà khó nơi nào có được. Nhiều du khách khi bộ hành đến phố Hàng Trống, đều bị thu hút bởi vẻ đẹp của của một tòa nhà mang dáng vẻ thanh lịch với phần sân vườn rộng rãi, gần gũi với thiên nhiên. Đó là tòa soạn Báo Nhân Dân, số 71 phố Hàng Trống.
Trong sân của tòa soạn có một cây đa cổ thụ, hàng chục người ôm mới xuể. Cây đa mái nhà cho nhiều loài chim, loài sóc sinh sống, là chốn nghỉ chân chuyện trò của những thế hệ người làm Báo.
Cây đa hơn 300 tuổi ấy không chỉ là chứng nhân của cả một quá trình lịch sử hào hùng của đất Thăng Long-Hà Nội, mà còn là một trong những cảnh đẹp hấp dẫn của người dân Thủ đô.
Cây đa hơn 300 tuổi trong sân của tòa soạn Báo Nhân Dân là niềm tự hào của các thế hệ người làm báo Đảng.
MINH DUY