Phạm Hầu – cành mai vừa hé vài hoa sớm – Tác giả: TS. Huỳnh Văn Hoa

Tin Xuân - Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng

Pham Hau canh mai vua he vai hoa som min 715x800 - Phạm Hầu - cành mai vừa hé vài hoa sớm - Tác giả: TS. Huỳnh Văn Hoa

Ở đời có những người nói to, bước vững, Phạm Hầu quyết không phải trong hạng ấy. Ở giữa đời, Phạm Hầu là một cái bóng, chân đi không để dấu trên đường đi… Hồn thơ là một cái gì đó rất mong manh, có khi chỉ một tí cũng đủ làm tiêu tan hết.

Hoài Thanh – Hoài Chân (Thi nhân Việt Nam)

Phạm Hầu sinh năm 1920 tại làng Trừng Giang, xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thân sinh của ông là Tiến sĩ Phạm Liệu, người đứng đầu nhóm Ngũ Phụng Tề Phi, từng làm Tổng đốc Nghệ An, Thượng thư Bộ Binh dưới các triều vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại.

Tiếc rằng, ông mất quá sớm, năm vừa 24 tuổi. Vốn sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng. Phạm Hầu theo gia đình ra học Quốc học Huế, sau đó vào Trường Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội), khoá 1939-1944.

Với Phạm Hầu, thơ và họa dường như đan xen vào nhau. Sinh thời, ông chưa in tập thơ nào. Thơ chỉ đăng rải rác trên Tao Đàn, Mùa Gặt Mới. Số lượng không nhiều, song những gì còn lại cũng đủ để người sau nhận ra một chân dung. Thế rồi bẵng đi mấy mươi năm binh lửa, người đọc ít biết đến một tài thơ mệnh yếu này. May sao, do quan  hệ thân tộc, ông Hoàng Minh Nhân đã cất công sưu tầm thêm 20 bài. Tập Vẫy Ngoài Vô Tận chỉ vỏn vẹn 26 bài.

Trước năm 1945, cũng như bao nhiêu thi sĩ cùng thời, thơ Phạm Hầu cũng nằm trong dòng chảy của văn học lãng mạn. Đó đây vẫn là tình yêu nhẹ nhàng, một mối tơ vương phong nhị của một đôi nam  nữ nơi một vùng quê bát ngát thiên nhiên. Những chùm sim dại, những trái bù đường, những lá hổ ngươi, hoa chuối rừng… Khung trời mộng ảo chỉ còn là hoài niệm khi bóng yêu hoa ngày nào đã xa vời và chút ngậm ngùi:

Nhớ bạn tình xa tôi mỉm cười
Nụ cười lạnh lẽo khóc đầu môi
Chân tôi vô ý đưa trên cỏ
Tung khẽ một vài chiếc lá rơi.
                            (Trên đồi)

Trái tim nhà thơ vẫn bao lần xao xuyến trước tình yêu. Tình gởi nơi cây lá, chờ một mùa trái chín, nhưng rồi cánh hoa bay rụng, sắc hoa cành, khiến:

Lòng tôi e cũng cô đơn thế
Sẽ chín yêu thương bởi mọi người
                                         (Trái xanh)

Trong phần sưu tập, chỉ có một bài thơ lục bát, bài Thu. Mùa thu được kể ra bằng nhiều thời khắc khác nhau: đêm thu, ngày thu, sớm thu, chiều thu. Các chu kỳ ấy vọng xuống tâm hồn thi sĩ những cảnh đời lẻ chiếc, đơn côi. Đấy là lòng trẻ mồ côi, tình người cô phụ hay hiên nhà quạnh quẽ với khóm trúc già xác xơ và cả người con gái đang mơ màng, hàng mi còn đọng lại những nét mờ ảo của suối thu. Dạ nhạc lại đi vào một khía cạnh khác. Bài thơ đi về với vẻ đẹp xưa, có cảnh sắc thần tiên. Ở đây, không gian như chơi vơi, huyền dịu, như thả ngày xanh trên phím đàn, lướt theo tay măng gầy xinh đẹp và yểu điệu như Văn Quân. Bến mộng bờ mơ trôi theo tiếng đàn, đến phím sau cùng là biệt ly.

Có một bài thơ năm chữ với cái tên khá lạ là Tám hoa. Bốn khổ thơ đã tả đủ bốn cung bậc của nỗi buồn ly biệt. Tám ngày qua là tám chỗ khuyết. Hơi thơ có âm hưởng tiếc thương, gợi nhớ lại những dòng thơ của Vi Thừa Khánh, đời Đường, cũng viết về hoa rụng:

Lạc hoa tương dữ hận
Đáo địa nhất vô thanh
                 (Nam hành biệt đệ)

Vọng hải đài là bài thơ được nhiều người nhắc đến. Vọng hải đài (Đài ngắm biển) nằm ở phía hữu chùa Linh Ứng thuộc ngọn Hỏa Sơn trong cụm di tích Ngũ Hành Sơn. Bia đá được dựng từ năm Minh Mạng thứ 18. Đứng ở đây, có thể nhìn thấy biển cả mênh mông, tít tắp đến tận chân trời. Và nói như Hoài Thanh, đứng trên đài lòng mà ngắm, trước cái vô tận của trời đất, lòng người cũng chùng xuống, quay trở về với mình, tự hỏi:

Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận
Chẳng biết xa lòng có những ai?

Câu trả lời không có, chỉ thấy những dư âm gờn gợn lạnh. Cái mênh mông như vời xa hơn. Đây không phải là lần duy nhất Phạm Hầu muốn nói đến cõi Vô cùng, cái Tuyệt đích. Kết thúc bài Lý tưởng, nhà thơ viết:

Ta đợi người đây, Tuyệt đích ơi !
Dẫu xa, xa cách mấy phương trời
Biết rằng vô ích sao tôi vẫn
Phung phí đời tôi mấy độ tươi.

Mỹ học cái cao cả đã nhiều lần chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật thơ của Phạm Hầu. Một lần, trong phê bình hội hoạ, thi sĩ đã viết: Ta thích nghệ thuật nào đem ta đến vô biên. Hay mấy dòng thơ:

Tôi theo tư tưởng vô cùng tận
Chỉ gặp vô cùng nỗi quạnh hiu
                              (Lý tưởng)

Nhưng, có điều là, ẩn đằng sau cái vời vợi ấy là một tâm hồn có nhiều trắc ẩn, nhiều lúc đến đớn đau, quằn quại. Thì ra, vẫn là Phạm Hầu yêu thương tha thiết chốn trần gian cơ cực này. Ông từng phát biểu: Cái quan niệm cho nghệ thuật là một trò chơi không thể đứng được nữa. Nhà nghệ sĩ không phải là một đứa trẻ vô tư trong trò chơi, nghệ sĩ không thể không đau khổ… Phải vậy chăng mà Phạm Hầu đến với Cách mạng? Theo gia đình kể lại, dù là con quan Thượng thư, ông vẫn sớm nhận ra nỗi đau của một dân tộc bị mất chủ quyền. Vì thế, ông đến với những người cộng sản và nhiều lần bị mật thám Tây bắt, tra tấn. Phạm Bình, người anh ruột đã từng chứng kiến cảnh em mình bị tra khảo, đánh đập dã man. Điều này giúp ta hiểu lời đề tặng trong bài Một đêm vừa mới tìm thấy. Giáo sư Hoàng Châu Ký phỏng đoán:

lẽ đó là lời đề tặng đồng chí Hoàng Văn Thụ bởi vì Phạm Hầu và Hoàng Văn Thụ hoạt động cách mạng cùng thời”.

Hiện chưa có cứ liệu lịch sử để xác quyết vấn đề, song điều ấy không phải không có khả năng diễn ra.

Sau một thời gian điều trị tại nhà thương Vôi – Bắc Giang, trên đường trở về quê hương, giữa cung đường Đông Hà – Huế, gần ga Truồi, Phạm Hầu trút hơi thở cuối cùng. Ấy là ngày 3/1/1944, một ngày gần tới Xuân Giáp Thân, để lại cho đời:

Cành mai vừa hé vài hoa sớm
                                    (Mơ xuân)

Người nhà đã đưa Phạm Hầu trở ra Huế, an táng bên cạnh mộ bà nội, ở trước chùa Vạn Phước. Hiện nay, trên bia mộ Phạm Hầu, được khắc hai câu thơ nổi tiếng trong bài Vọng hải đài:

Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận
Chẳng biết xa lòng có những ai?

H.V.H

Anh minh hoa Pham Hau canh mai vua he vai hoa som min - Phạm Hầu - cành mai vừa hé vài hoa sớm - Tác giả: TS. Huỳnh Văn Hoa

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây