Rằm trung thu đi lễ rước cộ Bà – Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

Rằm trung thu đi lễ rước cộ Bà

RẰM TRUNG THU ĐI  LỄ RƯỚC CỘ BÀ

Ở Toà thánh đạo Cao Đài Tây Ninh một năm có hai đại lễ : Vía Đức Chí Tôn (9-1 âm lịch) và Hội yến Diêu Trì cung vào dịp Trung thu. Cuộc lễ thật hoành tráng thu hút đến cả vạn người…

1.-CHIỀU MƯỜI BỐN

Mười tám giờ. Đột nhiên nổi lên âm thanh lễ hội rộn rã và tuồng như tất cả mọi thứ đều bật dậy và đổ xô về phía Khách đình – nơi xuất phát cuộc rước Cộ bông Phật Mẫu. Ai cũng dõi mắt trông chờ chiếc cộ chưng tượng Phật Mẫu Diêu Trì và chín vị Tiên nương năm nay ra sao. Đó là thành quả lao động của Ban Mỹ thuật đã lao tâm khổ tứ suốt cả bao ngày qua… được giấu kín trong nhà rạp.

Cộ bông Phật Mẫu xuất hiện : Phật Mẫu ngồi trên con chim loan cao lừng lựng rực rỡ ánh hào quang, hai bên có các Tiên nương cầm quạt hầu. Chín vị Tiên nương trong y phục ngũ sắc đứng ở phía trước, bố trí đổ xuôi từ cao xuống thấp. Tất thảy như Phật Mẫu và chư tiên từ trên thượng giới giáng hạ xuống phàm trần. Đoàn dẫn Cộ thật hùng hậu : phía trước vũ công múa Long Mã dẫn đầu, kề đó là Cờ đạo, Bảng đạo, dàn Trống quan (26 vị), Đồng nhi cầm hoa (18 nam và 18 nữ), dàn Lỗ bộ (8 món), lọng, tàn…Đoàn hộ tống theo sau Cộ Bà là Đội nhạc, Đội trống Xà dăm (của tín đồ Xtiêng và Khmer – gọi là “Đội nhạc Tần nhơn“) ; kế đó là các vũ công múa Tứ linh và cuối cùng là đội múa Cù (hiểu là múa lân)…

Cộ Phật Mẫu, đi về phía trước như dập dềnh trong biển người và ấn tượng nổi bật là toàn bộ cuộc rước như chìm trong không gian mịt mù khói lửa. Các thành viên của Đội Bảo vệ lễ hội, không rõ bắt đầu từ hồi nào, đã dùng đuốc để làm công cụ ngăn chận sự xâm nhập của những đợt sóng người cứ ùa vào lộ trình của đám rước. Những cây đuốc thắp sáng hai bên đường luôn chuyển động, kèm với tiếng hô cảnh cáo. Nhưng có trời mới ngăn được sự phấn khích của đám đông đang bị thu hút bởi các trò diễn và âm thanh của các loại nhạc cụ. Và có lẽ, sự huyền bí thiêng liêng đã điều khiển lễ hội thành một khoảnh khắc bồng bột chưa từng thấy, bứt ra khỏi thời gian của cuộc sống thường nhật. Bao quanh Cộ Bà : đây là Long Mã nhảy múa, kia là Phụng vũ, nọ là Ngọc Kỳ Lân hiện và ấn tượng nhất là điệu múa Rồng nhang. Con rồng lốt cứng dài có đến gần 20 thước, do một đội vũ công 30 người, uốn lượn dập dềnh. Những bó nhang cắm khắp thân rồng cháy rực, toả ra những vệt khói trải dài theo vệt lửa nhạt nhoà huyền ảo của con rồng nhang đang bay lượn rực rỡ trên đầu đoàn người dự hội. Lại nữa, chốc chốc các con vật đều khạc ra những vầng lửa (các vũ công phun dầu vào ngọn đuốc đang cháy nào đó) và ngẩng cao đầu lên cao lắc lư đầy hoan hỉ. Thế là đám đông lại xông vào để cắm thêm bó nhang của mình lên thân rồng. Tôi không biết là các người làm việc này có gởi gắm điều cầu nguyện gì không hay chỉ nhằm thể hiện sự hâm mộ của mình, sự tham dự của mình vào các trò diễn…Tiếng reo hò cổ vũ tuồng như cũng khiến cho các vũ công hăng hái hơn. Rồng, lân, phụng, rùa… đều tăng tốc và liên tục khạc lửa đẩy dạt đám đông cố tiếp cận mình ra xa. Thật náo nhiệt.Thật tưng bừng.

Đoàn rước Cộ Bà khởi đi từ Khách đình qua Bá Huê Viên, Báo Ân từ, đến trước Đền Thánh và chấm dứt ở khu vực khán đài. Họ lẫn vào đám đông và rã đám trong đêm như biến mất vào khu rừng nguyên sinh ở hai bên khán đài. Đám người dự hội cũng tản ra. Đây đó những lều, quán, những tấm bạt trải ra dưới đất vàhọ tụ lại đó. Họ chưa chịu  đi nghỉ. Họ còn trò chuyện, còn liên hoan. Bóng đêm như còn giữ lại cho họ  cái dư  âm huyền ảo của đêm hội Diêu Trì.

2.-PHẬT MẪU VÀ CHÍN TIÊN NƯƠNG

Theo “Khai nguyên luận“ của Đại đạo Tam kỳ phổ độ thì ngôi Thái cực/Thái dương là “Thiên“, là “ánh linh quang“ hay hình thể của Đức Chí Tôn ; và ngôi Thái âm là “Địa“ là “hình thể âm“ của Tây Vương Mẫu hay hình thể của Phật Mẫu (tài liệu Huấn luyện giáo hữu, bài số 10/GL). Nói tổng quát, Phật mẫu là Mẹ Sanh của muôn loài. Bà ngự trên tầng trời thứ chín – gọi là “Tạo Hóa Huyền Thiên“, cầm nắm quyền điều khiển “cơ tạo đoan“ : Phật Mẫu lấy khí “sinh quang“ để nuôi dưỡng linh hồn và thể xác chúng sinh – trong đó có con người. Do vậy mỗi sinh vật ở cõi trần đều thọ nhận công ơn đó…  Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung là cuộc lễ để tín đồ thể hiện lòng tri ân đối với công lao “hoá dục sinh thành“ của Phật Mẫu Diêu Trì ; và theo đó, Điện thờ Phật Mẫu, một thành tố quan trọng của thiết chế thờ tự của đạo, được gọi là “Báo Ân từ “ với ý nghĩa là “ngôi từ đường để thờ tự bậc đại ân“.

Theo những dữ liệu đạo sử, Đại lễ Hội Yến Diêu Trì cung bắt nguồn từ buổi cầu tiên vào đêm Trung thu năm Ất Sửu (1925). Song, trong thực tế, Diêu Trì Kim Mẫu đã từng là đối tượng thờ tự của đạo Minh Sư – Phật Đường, một tôn giáo tổng hợp Tam giáo xuất hiện ở Nam Kỳ từ nửa cuối thế kỷ XIX và thịnh phát từ những thập niên cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX : gắn bó với phong trào Thiên Địa Hội và công cuộc “Bài Pháp phục Nam“ của các phong trào chống Pháp.

Thần tích Diêu Trì Kim Mẫu được đề cập tường tận trong kinh Ngọc Lộ Kim Bàn, một bản kinh Minh Sư ra đời vào năm Quang Tự thứ 6 (1880) và được truyền bá rộng rãi ở Nam Kỳ cùng với sự hoằng hoá của phái Minh Sư Phật đường. Trong giới có học chữ quốc ngữ La tinh, người ta biết đến thần tích này qua bản dịch của ông Lâm Xương Quang (xuất bản năm 1931). Theo bản kinh này, Diêu Trì Kim Mẫu là “Vô Cực Lão Mẫu“ – xuất hiện khi âm-dương chưa được phân khai, trên mặt đất “chưa có người và điểu thú“. Lão mẫu đã tạo ra mặt trời, mặt trăng và dùng Kim Bàn tạo ra 96 ức linh căn, cho xuống trần gian. Đó là những “nguyên nhân“ đầy đủ đức hạnh, nhưng sau đó Cù Tán Đởm (một thiên quan) sanh tà tâm do lòng sân hận, đã sai bọn yêu ma dùng chước thuật làm tha hoá các linh căn, khiến họ sa mê dục lạc trần gian mà quên mất đường trở về thượng giới. Diêu Trì Kim Mẫu rất đau lòng, đã cùng chư thánh, Phật (Di Lặc) cất công đến 3 lần mới cứu độ được tất cả các linh căn về trời. Cù Tán Đởm và đồng bọn nhiều mưu ma chước quỉ cuối cùng bị trừng trị. Công cuộc “tam kỳ phổ độ“ hoàn mãn, Diêu Trì Kim Mẫu cho mở “Hội Bàn Đào“ để thưởng công phạt tội – gọi là khai mở “Hậu thiên Rằm tháng Chín Long Huê đại hội“.

Nói chung, trong kinh Ngọc Lộ kim Bàn, nội dung tóm lược trên, đã cho thấy “nguồn gốc lý thuyết“ của tín ngưỡng thờ Diêu Trì Phật Mẫu và Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung. Ở đây cũng cần lưu ý đôi điều : 1/ Hình thức “Đại lễ Hội yến“tuy đã được cử hành lần đầu tiên vào trung thu năm 1925, nhưng Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung ở Toà thánh Tây Ninh chỉ được tổ chức qui mô và định lệ hàng năm từ những năm cuối 1940 đầu 1950 ; 2/ Tuy các cấp đạo địa phương có xây Điện thờ Phật Mẫu, nhưng giáo luật chỉ cho phép tổ chức Đại lễ này tại một nơi duy nhất là ở điện thờ trong nội ô Toà thánh Tây Ninh. Do đó, cứ đến dịp Rằm tháng Tám, tín đồ các nơi đều cử người về đây dự lễ, có đến hàng vạn người. Họ cùng nhau tổ chức việc chưng bày lễ vật và các quần thể tượng kết bằng hoa quả : Phật Mẫu và chín vị Tiên nương, Tứ linh, mô hình Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung…Tất thảy những ngưởi về dự lễ với niềm xác tín sâu sắc của những người hành hương về với nguồn cội. Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung là một thiết chế của đạo, ở đó, người ta thể hiện, người ta hình dung về mối quan hệ mà họ duy trì với đấng sinh thành tạo hoá và tìm thấy cái nguyên uỷ siêu việt chung nhất của cộng đồng. Nói cách khác, Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung đảm nhận chức năng bảo vệ, tái sinh và tái tạo sợi dây liên kết các thành viên  của cộng đồng tín hữu, đây là dịp bày tỏ lòng mình : chia xẻ niềm tôn kính với đấng siêu việt chung và niềm vui được sống bên nhau, quây quần bên bữa cổ chay cùng chuyện trò thân mật…

Đại lễ là một lễ hội nghi lễ, tức nội dung của nó là một tổng thể nghi thức và hội hè, lễ hội vừa mang tính nghệ thuật của một cuộc trình diễn sân khấu và vừa phải mang tính trang nghiêm – nhằm đảm bảo chức năng thực hành nghi lễ như một biện sự từ tín lý căn bản của đạo. Đặc điểm khác là đạo được thành lập từ những năm 20, 30 của thế kỷ trước, trên cơ sở, nói một cách tổng quát, tổng hợp các tôn giáo vốn có. Do đó, nghi lễ, từ Tiểu đàn (lúc 0 giờ tại đềThánh) đến Đại đàn (12 giờ, rằm tháng 8 âm lịch) ở Báo Ân từ là một trình thức được xác lập trên cả nghi thức tế lễ của Nho giáo, Đạo giáo và cả khoa nghi của nhà Phật. Do đó, các nghi dâng hương, hoa, trà, rượu vừa có nhiều chi tiết giống nghi thức học trò lễ dâng lễ vật ở đình và giống khoa trình lục cúng (thập cúng) của khoa ứng phú Phật giáo. Đồng thời ở đó các loại hình nghệ thuật truyền thống cũng được chú ý phục hồi : nhạc lễ, các hình thức múa lốt – đặc biệt các điệu múa Tứ linh (Long, Lân, Qui, Phụng) trong diễn xướng Đại lễ từ cung đình Huế cùng được tái hiện theo một kiểu thức vừa kế thừa vừa cách tân khiến chúng có được vẻ đẹp mới lạ mà không xa lạ.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây