Tác giả Nguyễn Chí Trung

Nguyễn Chí Trung

NGUYỄN CHÍ TRUNG

(1934 – 2016)

Tên thật: Thái Nguyên Chung

Sinh tháng Hai 1934.

Quê quán: xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng

Năm 1947, tham gia kháng chiến Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từng qua các cương vị cán bộ cấp tiểu đoàn, trung đoàn, Ủy viên Thường vụ Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ; Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng và Tạp chí Văn nghệ Giải phóng (Trung Trung bộ); Trưởng tiểu ban Văn nghệ, Ban Tuyên huấn Khu 5; Bí thư Đảng Đoàn Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ (1973, 1974, 1975); sau giải phóng là Phó tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Phó chủ nhiệm Chính trị Cơ quan đại diện Bộ Quốc phòng hướng Tây Nam; Thiếu tướng, trợ lý Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1975).

Tác phẩm chính:

Đà Nẵng (bút ký, 1950); Bức thư làng Mực (truyện ngắn, 1964); Hương cau (tập truyện ngắn, 1975); Khi dòng sông ra đến cửa (truyện ngắn, bút ký, 1981).

Giải thưởng:

Giải thưởng Truyện ngắn Báo Sự thật Trung Trung bộ (1950); Kỷ niệm vùng ven (truyện ngắn) – Giải thưởng Văn học của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1972). Giải thưởng của Bộ Quốc phòng; Giải thưởng ASEAN; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật 2012.

 

VÙNG ĐẤT ĐÃ SINH RA TÔI

Người viết văn chọn nơi nào đi đến? Hemingway nói rằng: Ông đến nơi nào mà cuộc đời đòi ông đến.
Còn tôi, trong những năm tháng mới cầm bút, khi tôi về đất Quảng, tôi đã hiểu cuộc đời là thế nào, bởi vậy tôi cũng chưa hề có ý định lý giải về cuộc đời. Tôi chỉ biết ở hướng ấy, cái chiến trường phía bắc Liên khu, những đoàn quân đang kéo tới, buổi chiều ngồi dọc ven làng, chờ đến khi nắng ngả sau ngọn núi Chúa, thời điểm cho phép mọi người ồn ào bẻ lá ngụy trang, họ sang sông, không vội vàng. Rồi họ vượt dốc Giảm Thọ, ùn ùn đến tập kết ở một vùng núi giáp ranh đồng bằng: Phú Túc. Lính chủ lực mặc áo quần vải xita màu xám, lủng lẳng bên thắt lưng ống lương khô bằng tre chuốt bóng, ngồi đặc hai bên bờ suối lớn. Ở đó, người ta làm lễ ra quân rồi bước vào chiến dịch.
Chiến dịch là gì? Ngày hôm nay cái từ ấy nghe quen, dùng quen đến nỗi cả trong việc trừ sâu, diệt chuột và việc truy quét bọn đầu cơ buôn lậu, người ta cũng viện đến, chứ hồi đó, mấy năm cuối cùng của thời chống Pháp thì mới mẻ quá chừng. Trong đầu óc trẻ thơ của tôi, nó có nghĩa: Thế là từ nay không còn là mấy trận đánh lẻ tẻ một vài đại đội, không còn là những bước chân âm thầm, lén lút, nơm nớp sợ vây, sợ quét, không còn phải thúc nhau dậy từ khuya, ba lô súng đạn gọn gàng lén chuyển qua một căn cứ khác…
Đông xuân đã đến kia rồi
Súng ơi là súng có bồi hồi không( )
Chiến dịch, đó là sự bổi hổi bồi hồi ấy, xao động, nao lòng. Một lá cờ đỏ sẽ cắm vào giữa đỉnh đồn Pháp, một đoàn xe địch cứu viện bốc cháy, những sóng người thình thịch, lá ngụy trang rung và rớt dọc đường xung phong và chính mình nữa trong đội hình lớn mạnh bỗng gan dạ khác thường, lao lên rút cuộn dây thừng trói gô một thằng lính Lê dương.
Chiến dịch là gì nữa? Đó là một vùng nhân dân được giải phóng ngay ở đồng bằng, ôi chao, tha hồ mà được các mẹ, các chị chiều nuông, sửa soạn cho cơm nước, một đốt mía, một tán đường đen, một liếp thuốc rê, một nồi cháo khuya nghi ngút khói bên ánh đèn dầu ấm và rất vui.
Người lính bé nhỏ như tôi chạy theo mọi người vào chiến dịch, hầu như không có nỗi buồn. Chỉ có niềm vui với các dự đoán về những chiến công. Và bao trùm lên mọi niềm vui với những dự đoán ấy là sự ngạc nhiên cứ đến hàng ngày và mỗi ngày mỗi mới. Ờ lạ nhỉ, trong vùng tạm chiếm ác liệt này, chìm đắm và sâu thẳm đêm nay, làng vẫn thức. Những bóng người, nhiều hơn hết vẫn là các mẹ, các chị, từng tốp đứng dọc theo đường nắm tay chúng tôi, sờ vai chúng tôi, ghé sát nhìn mặt chúng tôi, phả vào mắt, vào trán, vào mũi, vào thân thể chúng tôi một hơi ấm nồng nàn như hơi ấm của rơm, của tro bếp và thì thầm. Theo dấu lộ tiêu rải bằng bẹ chuối trắng toát – mấy anh chàng lính thông tin trung đoàn mới chặt chuối ngay trong đó thôi – chúng tôi về sát đường số 1. Ờ lạ nhỉ, cả hàng ngàn con người như thế này, súng ống dây nhợ lình kình, vẫn có thể nằm sát con đường nhựa lớn nhất Đông Dương này hai trăm thước, ba trăm thước, ban ngày nghe rất rõ tiếng ì ầm của từng chuyến xe qua và ban đêm, không nghe sót một đợt mõ cầm canh nào của đám lính đồn Tứ Câu. Ờ lạ nhỉ, khi đêm đến, mặt đất lao xao, rì rầm, lặng lẽ và tấp nập, im lìm và náo nức, những tốp người mang cơm, chuyển đạn, rải dây, dẫn đường, bắc cầu, đào thêm hầm hào, canh gác, dẫn trinh sát đi vào đồn, nhận báo, nhận tin từ trên xa về và đón tin mật từ dưới thành phố lên. Những người lính trẻ chúng tôi đung đưa trong một chiếc nôi lớn: Nhân dân.
Và chúng tôi xuất kích. Kèn trận vang lên. Hồi đó xung phong là có kèn. Nhưng bỗng chốc tiếng kèn trận của trung đoàn chìm trong tiếng nổ, tiếng trống của dân. Mặt đất, mặt ruộng, mặt đường, các đám thổ pha cát lô nhô những vồng lang, tất cả gì mà kỳ lạ vậy! Nó mát rượi, nó mênh mông, dưới đôi chân trần của chúng tôi nó nhảy nhót. Hồi ấy, chúng tôi chưa biết khóc ngày thắng trận. Chúng tôi cũng chưa biết hò reo thật lớn. Trên nét mặt người lính chỉ hực hỡ một niềm hân hoan ấu thơ, hầu như ngơ ngác. Trận đầu của chiến dịch nổ ra trên đoạn đường số 1 ấy ở quãng cây số 875. Đó là một trận đánh giao thông diệt gọn một đại đội commăngđô. Gần Vĩnh Điện lắm. Gần Đà Nẵng lắm, ngay giữa khúc ruột của đồng bào Điện Bàn. Địch đưa quân cứu viện. Pháo bắn, tất nhiên mật độ pháo không cao bằng hồi chống Mỹ. Máy bay lao đến, bốn chiếc. Chúng tôi lui quân, qua cánh đồng La Thọ, qua sông Bàu Sấu. Ờ lạ chưa! Khói từ hàng ngàn đống rác bỗng bốc lên tỏa mờ cả không gian và che khỏa chúng tôi.
Vậy đấy, Nhân dân. Những trang viết đầu tiên của tôi là viết về nhân dân, người lính và nhân dân ở vùng đất Quảng này( ).
Sau ngày giải phóng miền Nam, chúng tôi đi làm công tác liệt sĩ.
Từ những ngày chiến tranh, tôi đã biết các bạn tôi hy sinh nơi nào, ngày nào, ai lấy được xác, ai bị bom và mìn vùi lấp không tìm ra, ai bị kẻ thù tàn bạo cột thân thể đằng sau xe kéo lê trên đường 100 từ Điện Hồng về Vĩnh Điện. Tôi đã được đồng chí, đồng bào kể lại những giờ phút cuối cùng họ giáp mặt với địch như thế nào. Ngày ấy, ở rừng đêm thường rất sâu. Qua những tán lá đen lóng lánh, trời hiện ra xa và ướt thẳm. Sau buổi lễ tưởng nhớ giản đơn, chúng tôi ngồi bên lửa. Cái mất mát trong chiến tranh là đương nhiên, dù sao cũng không tránh khỏi. Biết thế, nhưng vẫn cứ ngờ ngợ: Sao mà những tin đau ấy đến đột ngột quá, đau đớn quá, tức tối quá.
Các đồng chí hy sinh, công việc mỗi người thế là dang dở. Dương Thị Xuân Quý và Chu Cẩm Phong mới có mấy truyện ngắn và một tập ký vội vàng. Nguyễn Hồng vừa được kết nạp vào Đảng, cho đến ngày hy sinh tại hố bắn, chỉ để lại một Đêm cao điểm, Nguyễn Mỹ, sau Cuộc chia ly màu đỏ, tập thơ dày về tình yêu và cuộc chiến đấu ở thời sau Xuân Mậu Thân chưa có thì giờ xóc lại. Ờ, ai đó nói đúng rằng: Tài năng nghệ thuật là một cái gì đó có tính chất đơn nhất. Người sáng tác văn học mất đi là mất chính họ, buồn vui và khát vọng của một tâm hồn đơn nhất mà cuộc sống đã gieo lên đấy những hạt giống, nảy mầm theo một dáng riêng, chỉ riêng họ có, mãi mãi không bao giờ có lại.
Hồi ấy, đường từ hậu phương lớn vào cách trở, anh em ở đơn vị rút lên không phải một đôi tháng mà đào tạo thành người viết có tay nghề ngay, mất người là bớt việc. Ờ, mùa rẫy này là phải tỉa bớt một ang giống, chuyến cõng gạo này là phải rút người, đợt làm nhà sắp đến đề nghị văn phòng cho văn nghệ ta đi một công thôi. Vậy là truyện ngắn và cả thơ nữa thiếu bài đấy, số này không có bài về Hội An. Bên lửa, chúng tôi nói với nhau như thế.
Nhưng mãi cho đến hôm đi làm công tác liệt sĩ, dọc theo Thu Bồn và đường 100, tôi mới chợt nhận ra điều này: Ủa, hóa ra các bạn tôi lại bám hết dọc theo con sông Thu Bồn này mà chết. Ngọc Anh, Nguyễn Mỹ chết ở đầu nguồn. Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý chết ở cuối, gần nơi dòng sông cắt đường số 1. Ngã xuống trên những làng mạc ven sông ở đoạn giữa là Văn Cận, Nguyễn Hồng, Hà Xuân Phong, Phương Thảo, Nguyễn Trọng Định…
Sao lại thế? Sao các bạn lại bám theo dọc con sông thơ mộng và dữ dội này mà chết? – Bây giờ những bãi mìn ở quanh Hội An đã rà gỡ sạch rồi. Các bãi bói hoang dại mà những ngày chiến tranh cán bộ, lực lượng tựa vào trụ bám đã biến thành nương dâu. Những thửa ruộng Điện Bàn đã trở thành những cánh đồng 10 tấn. Cuộc sống hòa bình rộn rịp, khách mới đến ngỡ rằng cuộc sống vẫn rộn rịp như thế từ lâu. Nhưng trước đây trên những đường dây giao liên từ Mỹ Lược qua nỗng Bà Tình, đường cái mới về Châu Phong – La Tháp, từ Tứ Mỹ, Kỳ Quế xuống Kỳ Anh, từ Trung Mang, Thủy Tú ra Đèo và mấy chục đường dây dọc ngang khác, hầu như đêm nào địch cũng phục. Bữa thì có người chết, địch lót lại giữ không cho lấy xác, bữa thì đôi người bị thương, ai chạy kiếm đòn, kiếm võng để khiêng thì trở về, ai có việc gấp lại vòng xuyên đường khác. Bữa nào chạy thoát được thì đua nhau nói trạng: “Hắn bắn rách áo chứ không nhằm chi”, rồi cười ngặt nghẽo.
– Để cho các ông văn nghệ đi, rủi có hề chi Khu và Quân khu có phê bình chúng tôi không này?
Trước câu hỏi lặp đi lặp lại mãi ấy, Phan Tứ vừa đẩy gọng kính cận vừa đùa:
– Không đi cũng chết. Không viết được tức là chết. Sinh nghề tử nghiệp. Không sao đâu, cứ cho chúng tôi đi. Cho chúng tôi đi chứ?
Làm sao cũng phải đi đến đó, tận mắt thấy những trảng cát vùng Đông mênh mông, mù mịt, với những chòm nhà hầm lẩn khuất, tận mắt thấy cánh đồng Điện Phước hoang vu, cỏ mọc đến thắt lưng xanh đến dễ sợ, để có được một phút vượt con đường đỏ loét Mỹ vừa mới làm, vừa chạy thật nhanh vừa liếc nhìn nó, như nhìn trộm ấy, để có một lần nằm dưới hầm bí mật chật chội, sũng ướt, phập phồng nghe ngóng, cho ta cái hiểu biết mà sách vở mãi mãi không sao cắt nghĩa hết: Tự do là thế nào.
Làm sao cũng phải đi đến đó, để tự mình được nghe tiếng nói của bà mẹ Hòa Vang, được gặp được một cô cơ sở mật ở thành phố móc về. Ôi, cô ta được sống cái cảnh thú vị gần như ly kỳ, mà bản thân dù ao ước mấy cũng không bao giờ được sống.
Phải đi đến đó, phải về đến đó. Nó như một đòi hỏi tự thân của thể xác. Không đi đến đó, không về đến đó thì không có đau buồn, không có vui sướng, không có khát khao, không có hy vọng, không có hiểu biết, không có tình yêu, không có cả hạnh phúc, nghĩa là không có tất cả, nghĩa là không tồn tại.
Như con người cần sống khao khát thức ăn và không khí.
Như đàn bà muốn sinh nở khao khát đàn ông.
Như đứa bé hàng ngày qua bú sữa mà nhận biết cái khác biệt đến cùng của mẹ.
Bởi thế, người viết văn thời ấy qua những ngày được sống ở trên một vùng trung tâm của cơn lốc lớn mà trải biết về nhân dân và chính mình.
Hầu hết những người viết văn và làm nghệ thuật ở miền Trung Trung bộ đều đến đây – đất Quảng.
Phan Tứ sống ở Kỳ Sanh suốt cả thời kỳ mở ra 1962. Có một lần Nguyên Ngọc đi Tiên Phước về nói với tôi:
– Mình gặp Phan Tứ, người đen thui. Anh ta cày mấy đám ruộng để sản xuất tự túc ở đó. Hôm nào viết, buổi sáng ăn xong, anh ta làm một hăng gô bắp leo lên hang đá ngồi cho đến hết chiều.
Nguyên Ngọc, khi trở về Nam đến ngay Sơn – Cẩm – Hà, lúc đó đang bắt đầu một đợt phát động quần chúng lớn lấy tên là Vượt sông Tiên.
Thu Bồn ra ngay Điện Bàn, quê hương anh:
Quê hương tôi biển nhiều hơn là nước
Một giọt tận trời cao, một giọt tận đất sâu( )
Quê hương, nơi mà Con sông đương thở triền miên gội tóc những nương dâu nơi mà Viên đạn bây giờ cày lên viên đạn năm xưa, quê hương – Tiếng thoi dệt bên bờ sông Tư Phú và Nước triều lên bên bến Hà Thân( ), quê hương đất Quảng lắng sâu này nhảy nhót và hòa tan trong thơ anh.
Cao Phương trực tiếp làm chính trị viên tiểu đoàn. Dương Thị Xuân Quý đi Bình Dương, Chu Cẩm Phong về quận Ba, Đà Nẵng, Nguyễn Khắc Phục đi Xuyên Hòa.
Ngọc Anh, tác giả thực của Dưới bóng cây K’nia và mấy bài thơ viết về Tây Nguyên mà trước đây ta vẫn ngỡ rằng là thơ dịch. Khi mới vào, Nguyên Ngọc và tôi rủ xuống phía đồng bằng cùng công tác. Anh nói: Nơi mình ở chính là đầu nguồn của một con sông đất Quảng. Chính nơi đây mình có thể hiểu miền núi đất Quảng hơn bất kỳ nơi nào khác.
Thanh Quế đi với bộ đội địa phương tỉnh. Vũ Thị Hồng đi Lộc Sơn. Thái Bá Lợi trong đội hình Sư đoàn 2 về Quế Sơn, cái thung lũng sau này bước vào văn học như một nơi thử thách lòng trung thực.
Trong cuộc họp cơ quan, tôi nói: Thú vị thật, cả hai đại đội công binh đánh giao thông ở sườn đèo Hải Vân, bên kia là của Trị – Thiên, bên này là của Quảng Đà, đều là đơn vị anh hùng.
Nguyễn Bảo và Nguyễn Hồng tranh nhau đi. Ra đến đèo, sau đó Nguyễn Bảo trở về bám theo một đơn vị đặc công nước đánh vào bán đảo Sơn Trà.
Trước khi Nguyễn Bảo đi, tôi kể: Đỉnh đèo ấy bước vào văn học với biết bao bài thơ, trong đó có tráng ca Từ đêm mười chín của nhà thơ cao niên Khương Hữu Dụng, Một tiếng chim kêu sáng cả rừng.
Hoàng Minh Nhân (Hoàng Sơn) đi Hòa Hải, Đỗ Văn Đông đi Quế Sơn, Ngô Thế Oanh đi Gò Nổi, Đoàn Tử Diễn (Hà Phan Thiết), Nguyễn Bá Thâm về Điện Bàn, Tiên Phước, Trần Vũ Mai, Hà Xuân Phong đi Nông Sơn, Trung Phước, Vương Linh đi Phước Ngọc, Ngân Vịnh vốn là trung đội trưởng ở Trung đoàn Ba Gia, Thân Như Thơ, hồi ấy là tham mưu trưởng trạm đường dây Bình Sơn, ngày ngày lội qua lội lại mấy chục lần Đắk Xa, Đắk Xa ơi, con sông chảy mãi xa vời( ).
Bùi Minh Quốc, ngày giải phóng thủ đô tháng 10/1954, còn là một cậu bé nắm tay đứng trên đường phố Hà Nội mừng reo đón các anh Trung đoàn Thủ đô trở về, Tôi về có chậm không, Quảng Nam? để đến Châu Phong, La Tháp, phải ngang qua nỗng Bà Tình, là đập Vĩnh Trinh. Đôi mắt Bùi Minh Quốc lần đầu chớm gặp không gian ấy. Một lượn đồi nhấp nhô trằn trọc, một tiếng sông âm âm chảy trong lòng đất, và xa kia, rải rác những lùm tre, những bụi bờ, những hình bóng chập chờn nhòa tỏ, trái tim anh tự vấn.
Tất cả những người lính trong chiến tranh, dù là vị tướng – đồng chí Chu Huy Mân thảng thốt: Mẹ Quảng Nam ơi, con đã về – dù là một người anh hùng hay một chiến sĩ bình thường mà lịch sử lướt nhanh qua tên tuổi như con người đương đại vẫn lướt nhanh qua các bản tin vắn hằng ngày, tất cả, tất cả đến đây đều tự vấn.
Sao mà không tự vấn khi chợt thấy trên một vùng khô cằn và trống trải thấp thoáng chỉ còn mấy hàng dương cụt với những chiếc hầm đào âm trong lòng cát, một người con gái bị mảnh pháo cưa mất hai chân, hàng ngày vẫn đi bằng hai tay liên lạc từ thôn này sang thôn khác. Và một hôm trong mấy trăm con người tay không ra chặn xe tăng Mỹ, có mặt người con gái ấy. Chiếc áo cánh màu xanh lơ, tóc mới búi chặt lại, cô ta vội vã bươn tới cho kịp bè kịp bạn, giơ hai bàn tay mảnh mai trước một khối thép đang gầm gừ đi tới.
Sao mà không tự vấn khi chợt gặp một đoàn dân công mang đạn DKB ở một triền dốc nào đó, ta nhường đường đứng ra một bên. Một quả đạn nặng ngót 60 cân, trìu trĩu trên vai suốt ngày này sang ngày khác. Cho đến một đêm tối trời, đoàn dân công, già có, nữ có, hổn hển vượt đường 1, lọt về gần Non Nước, người ta lặng lẽ vùi những quả đạn trắng loang loáng trong các vồng khoai tháng Ba rồi cười toe toét.
Sao mà không tự vấn khi mỗi lần cùng với đội công tác đi “phá ấp” men theo gần làng đã thấy từ xa quanh làng rào ấp chiến lược, cứ cách nhau 50 thước, 70 thước lại có hai bóng người đứng gác. Họ đập mõ, họ la hét: Ươ, Việt cộng, Việt cộng… Họ giơ những cây đuốc lên các ngọn cau và rần rật chạy đuổi bắt. Nhưng chính họ, khi ta bò tới gần, họ chỉ cho ta một lỗ hổng trong cái hàng rào “hai sông, ba núi” ấy để ta chui qua, lọt vào làng và ấn vào tay ta một nắm xôi, một quả trứng, một mớ thuốc mới xắt, một tập giấy hút.
Biết bao nhiêu con người chưa quen biết, chưa hề nghe tên, không phải thân thích ruột rà, chỉ mới gặp ta lần đầu, thế mà thương ta, quý ta, yêu ta, khóc với ta, mừng với ta, lo cho ta, sướng khổ vui buồn vì có ta hay không có ta, lạ thế, như mẹ ta, cha ta, như anh em cùng một ruột sinh ra, từng ăn chung, ở chung và từ tấm bé đã từng day chung một núm vú.
Ta là ai? Và họ là ai? Cái gì thiêng liêng ghê gớm đã nối đời ta với đời họ, đã khiến họ buộc đời vào một con người trước đó hầu như xa lạ như ta? Vắng ta thì họ nhớ, họ trông. Đêm đêm họ thức lắng nghe những tiếng chân. Không, không có tiếng chân quen, chỉ có tiếng giày rổn rảng của bọn lính. Họ buồn, họ bươn bả chạy đi tìm kiếm “tau tưởng sắp bay bị bọn Trung đoàn 51 phục đường đêm qua làm ngủm sạch trơn rồi chớ”. Ta bị thương, mới nghe tin thì thầm đâu đó là họ thất tha thất thểu mò lên cho đến ranh.
Chao ôi, bây giờ và sau này nữa, có ai hình dung rằng: Chỉ một hộp sữa, một cân đường mang đi về phía núi nếu bọn dân vệ túm được, chúng có thể đánh gãy xương, dập lá mía. Thế mà họ vẫn lén mang đi. Ta nói, như vẫn nói với mẹ ta ngày ở nhà:
– Con nói mẹ không nghe, mẹ lên thăm là được rồi, đừng có đem cho gì cả, có bữa mấy thằng biệt động nó bắn bỏ a.
– Hừ… (cũng như mẹ ta vẫn mắng yêu ta), sướng chưa, đã được ăn mà còn được nói nữa chớ!
Ta mất, họ lập bàn thờ. Nếu không lập bàn thờ (với cái nhà hầm đào âm trong lòng cát có chỗ nào mà đặt được bàn thờ), khi chiều tắt, giữa cái chập choạng của một ngày sắp qua, họ thắp một nén hương, hướng về phía biển, khấn lâm râm rồi cắm xuống bên gốc dương cụt, hoặc ở đâu đó, hình như nơi ấy có chiếc hầm bí mật cũ, họ đào để nuôi ta.
Có lúc ta xa họ, cái thước đo nghìn lần nghiêm khắc của đúng sai. Ví như một khoảng khắc nào đó hồi 1973, trong chốc lát không nhận rõ tâm địa kẻ thù, có lệnh rút hết lực lượng du kích ở vùng sâu về. Đêm ấy, giờ chia tay, khuôn mặt ta đầm đìa nước mắt. Còn họ, trong hõm mắt đã khóc nhiều cho những hy sinh, chỉ lóe lên một tia lửa. Họ nói, ngang tàng như một người phán xét:
– Cái lệnh gì mà “ác ôn” thế?
Hay nói theo cách nói của mấy bà đấu tranh chính trị:
– Cái lệnh gì mà “sáu mặt”( )!
Sau đó họ đặt bàn tay chai sần âu yếm lên vai ta, nặng như núi, và nhìn ta:
– Mấy con có rút đi thì chiều chiều ra đứng ở mép đỉnh Hòn Tàu, để các mẹ, các bác ở dưới này ngó lên thấy con cho đỡ nhớ…
Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng… Lời nói kia muốn lặp lại câu ca thuở nào chăng? Chứ làm gì đứng tựa vào cánh cửa sau và những túp lều trụ bám tận làng mạc Hòa Hải, Điện Hòa mà có thể nhìn thấy bóng người ở đỉnh Hòn Tàu, Mặt Rạng? – Không những thế, lời nói ấy như một lời chê, một lời trách, như chất vấn một điều uốn nắn, như đánh thức một kinh nghiệm, như sự đề xướng một chủ trương.
Cũng có khi ta lỗi lầm.
Có một anh huyện ủy, tên quen lắm nhưng tôi xin phép giấu tên. Một chuyến công tác, vì sơ suất, anh đánh mất tài liệu, trong đó có danh sách cơ sở. Thế có chết không. Đời người cán bộ hoạt động vùng sâu đánh mất tài liệu có danh sách cơ sở, đó là điều đáng sợ nhất. Lần theo danh sách đó, địch đánh phá tới tấp, người bị bắt, người bị tù, người bị đánh, người bị tịch thu tài sản. Phong trào tan nát. Lòng anh huyện ủy cũng tan nát theo. Khuyết điểm đau đớn ấy không làm sao bù đắp được, cũng không có hình thức kỷ luật gì tương xứng.
Trong khó khăn, không phải là chuyện tự dày vò mà là làm sao gây dựng lại phong trào. Đằng này do chính mình mà phong trào tan vỡ. Ai mà tin anh được nữa. Bàn bạc với anh, đem tin cho anh, nộp đảng phí nhờ anh chuyển lên trên, chạy thuốc chạy thang nuôi khi anh đau ốm, cảnh giới cho anh hội họp, địch lùng đằng trước đưa anh đi đằng sau, anh nằm dưới hầm thì ngồi gác bên trên, anh nói gì thì tin nấy, thế mà anh làm lộ toẹt ra hết cho nó biết. Nó bắt sạch trơn, nó đánh như đánh trâu, nó đưa xuống Hội An, nó tống ra đảo, chết rục xương ở đó, bỏ mấy đứa con dại la lết, trường xã nó không cho học, trường huyện nó không cho học, nó đay nghiến: “Cha mày theo cộng, mẹ mày theo cộng, xé xác mày chứ đi học”. Còn cha già, mẹ già sáu mươi mặc, bảy mươi cũng mặc, cứ trời chưa tối đã phải cắp chiếu ra ngoài bờ rào ấp ngồi đó. Mấy thằng “hội đồng” xỉa roi vào mặt:
– Hễ Việt cộng mà mò được vào đây là tôi xẻo ót bà trước.
Một hôm anh ta mò về làng, vào một nhà bà mẹ trước kia đã từng nuôi anh. Anh gõ cửa, theo đúng ám hiệu. Nếu vào những ngày trước đây khi anh chưa có lỗi lầm, thì sau tiếng gõ cửa ấy là tiếng trở mình trên chiếc chõng tre ở góc nhà phía phải, rồi tiếng chân chậm và nhẹ, tiếng tay chạm vào gỗ, sau đó, một tiếng kẹt khẽ, rất êm. Cửa hé mở. Có thể nhìn được gương mặt mẹ trong đêm:
– Mới về đa con? Hắn không phục sao mà xuống sớm dữ vậy?
Nhưng hôm nay, đứng rục chân mà ngoài tiếng dế rì rĩ gần đó không có một tiếng động nhỏ nào.
Đêm sau, anh lại về. Anh lại gõ nhẹ. Những phút im lặng thế này ở một vùng sâu ghê sợ như sự câm lặng trước xác người.
Đêm sau nữa, anh lại về. Anh ngồi nép ở một góc lắng nghe. Trong ngôi nhà này, vẫn ấm hơi người, anh biết. Nhưng sao khoảnh thềm anh đang đứng, bức vách trắng mờ một bàn tay anh đang dựa vào đấy và cả giọt tranh đang hắt nhẹ vào anh mùi mục ẩm quen thuộc, tất cả lạnh lùng và cách bức đến thế. Một lúc, có tiếng thở dài, rồi tiếng cựa mình khe khẽ.
Bẵng đi mấy hôm, như con chim nhớ tổ, anh lại về. Anh lại đứng chờ và anh lại nghe tiếng thở dài, và một tiếng ho húng hắng. Ờ, đêm đêm mẹ vẫn thức. Anh gõ nhẹ, anh khích lệ mình: Bạo dạn lên. Anh dính mũi vào khe cửa:
– Mẹ ơi, cho con nói một tiếng. Một tiếng thôi.
– Tôi lạy ông, ông đi đâu thì ông đi, ông phá hết nhà hết cửa tôi rồi, ông phá hết làng xóm. “Giải phóng” gì như vậy mà “giải phóng”.
– Mẹ ơi, cho con nói một tiếng thôi. – Anh cầu khẩn.
Bà mẹ dùng dằng, bà đã đứng ở cửa.
– Tui lạy ông, ông đi đi. Ông muốn giết tui luôn nữa hả?
– Cho con nói một tiếng thôi mẹ. – Anh nói gấp – Đảng khai trừ con rồi. Mày đi đâu thì đi. Anh em đuổi con.
Hình như bà mẹ đang áp tai vào cửa sát hơn.
– Mẹ ơi, bây giờ con không biết nơi nào con đi. Mẹ cho con ở lại với mẹ thôi.
– Tui lạy ông, ông đi đâu thì đi. Tui khổ với ông lắm rồi.
– Con biết đi đâu? Mẹ mà không cho con ở thì sạch nước rồi. Sáng mai con ra đường cho thằng “tố cộng” nó bắt. Con chịu tội với mẹ, con đi đây.
Anh sắp quay lưng đi. Đã gần sáng. Tưởng chừng ngay sau giây này, một chút nữa, anh sẽ ra ngoài đường cái lớn đưa hai tay vào còng số 8 của mấy thằng cảnh sát dã chiến giữa tiếng reo của đám dân vệ: Bắt được Cộng sản rồi! Bắt được Cộng sản rồi!
– Con đi – anh nói to hơn một tí.
Có tiếng mở cửa. Bà mẹ ló đầu ra.
– Mày đi thiệt a? Quỷ sứ ở đâu nà! – Bà mẹ cầm lấy tay anh. Bà kéo tay – Hừ…
Mẹ ta ở nhà vẫn kéo tay lôi về mỗi lần ta mải chơi rông ở đâu đó gọi rát cổ không thưa.
Bà mẹ ấn anh ngồi xuống trên chiếc chõng tre. Bà mắng:
– Đi đâu? Điên à?
Thế là bà lại chỉ cho anh một góc khác trong bụi tre gai sau vườn để anh đào một chiếc hầm bí mật mới. Đêm đêm hai mẹ con lại thì thầm với nhau, trong làng sau một cuộc đánh phá vừa rồi, ai vẫn tốt, ai rụt cổ lại gặp mẹ ngoài chợ không dám chào, ai nói cạnh, nói khía, ai vẫn đến đây than với mẹ: Không biết làm sao gặp mấy ổng? Bà lại đưa thư của anh đi móc nối lại cơ sở, bà lại ra chỗ hẹn đón người thành phố về, xuống chợ mua thuốc lá, kem đánh răng và lâu lâu mang về một chai bia.
Có lẽ đến mấy tháng sau, bà mới biết mẹo của anh. Bà vừa mắng vừa cười:
– Quỷ sứ, đánh lừa tau chớ Đảng nào mà khai trừ mày.
Rồi bà nói nhỏ như đang nói với ai đó: Ổng phá quá mà rồi cũng cúp ca cúp củm nuôi ổng thôi.
Vậy đấy, Nhân Dân.
Thực ra, không có người nào không mang trong đó một chút ươn hèn, một chút nhút nhát. Con người sinh ra vốn không sẵn sàng lao vào cái chết. Nhưng trong những năm tháng ấy, ta có thể sẵn sàng hy sinh, nén đi những khao khát thầm kín vốn dày vò ta như cái đói, cái khổ, cái yêu, hàng ngày hối hả lao vào cuộc chiến đấu mất còn bình thản, và say đắm nữa, vì như thế đấy, trước mắt ta, cùng với ta, khi vui và khi buồn, khi đúng và khi sai, cả khi biết mình và chưa biết mình, ở tận trong sâu thẳm của tâm hồn ta có Nhân Dân.
Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ. Bùi Minh Quốc nhận ra điều đó. Chính mảnh đất ấy, nhân dân đã nuôi lớn tâm hồn chúng tôi, những người viết.

*

Kể từ ngày toàn thắng, cho đến nay tám năm đã qua. Có một buổi đến thăm Nguyên Ngọc, Nguyên Ngọc chợt nói:
– Thế mà tám năm rồi.
– Tám năm, bằng cả một cuộc kháng chiến chống Pháp – Tôi đáp.
Trong tám năm ấy, người nhiều, người ít, chúng ta đều đã viết và đang viết.
Chúng ta không cần đến chiến tranh, nếu không vì kẻ thù bắt buộc. Nhưng chúng ta đang cần đến những trang viết về cuộc chiến tranh thần kỳ của chúng ta mấy chục năm qua. Có lẽ còn cần hơn cả hồi đang chiến tranh. Nhân dân cần đến nó, những trang viết ấy, vì chính nhân dân khao khát tự soi mình, tự hiểu mình, tự bồi đắp cho mình phẩm giá đẹp vô ngần mà chính nhân dân đã tự đào luyện trong chiến tranh.
Chiến tranh tàn phá ghê gớm. Nhưng những gì con người thu lượm được trong khắc nghiệt của chiến tranh, những khổ đau, những bi tráng, những hào hùng, những tự vấn, những thẩm định, những phán xét, những cái bắt buộc con người nhất thiết phải lớn lên và trung thực, phải tự bóc dần cái giả dối, phải tự lọc dần cái ươn hèn, biết vượt qua cái cay đắng lắm lúc như một thứ định mệnh ập xuống đầu, tất cả những cái ấy cả khi thắng và khi thua, quý giá xiết bao. Song tất cả những cái ấy cũng sẽ rơi rụng, tan biến, mai một, thui chột dần nếu như không được kết tinh và cố định trong những tác phẩm hợp thành giá trị tinh thần.
Có một hôm, tôi nghe hai anh bạn viết nói đùa với nhau:
– Mình chẳng có tài sản gì lớn, nhà không cửa không, xe cộ ti vi, tủ lạnh không. Cái tài sản lớn nhất của mình là chính mình đây.
Câu nói đùa ấy cũng có cái lý của nó. Những trải biết riêng dành dụm, chắt lọc qua chiến tranh bằng tâm hồn của riêng mình quý báu xiết là bao.
Cái “vùng thẩm mỹ” vẫn khách quan kia, biểu hiện kia, dưới lăng kính tâm hồn và trí tuệ riêng của người viết sẽ cho ta một thế giới mới, thế giới văn học ấy, lạ lùng thay, ta đã biết rồi, đã quen thuộc lắm, nhưng lại vừa mới mẻ và tưởng như chưa từng biết.
Cán bộ Quảng Đà thì ai mà chẳng sống ở Quảng Đà, chẳng kể về Quảng Đà. Thế mà hồi in Đất Quảng( ) (thời chiến tranh, ở cái quê hương Khu 5 “hẹp như một con đường qua lại” thì không thể in nhiều được), không đủ sách đọc, người ta chép chuyền tay nhau cuốn tiểu thuyết ấy.
Chiến sĩ giao liên Quảng Đà ai chẳng biết cuộc đời giao liên vùng sâu. Thế mà người ta lại đòi, như đòi cơm, đòi muối, Ban giao bưu Quảng Nam, Quảng Đà phải đánh máy bài thơ Người đi dép một chân( ) phát đến tận tất cả các trạm nhỏ, trạm lớn.
Cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, cái riêng lung linh muôn vẻ, hình như đã có và hình như chưa có, tự trong nó vốn chứa chan tất cả những gì chung nhất. Bởi thế có những vùng đất chuyển động, sinh sôi và kết ánh như một điểm hội tụ nào đó trong không gian. Vùng đất ấy cho người viết những lý tưởng thẩm mỹ, lạ thay, hầu như đến đó, khơi nguồn ở đó người viết mới tìm được lời giải thỏa thuê vô số câu hỏi đang khát sự trả lời. Vùng đất ấy là đời, đời đòi ta đến.
Một lẽ nữa: Ấy là bởi ở đó và đến đó có những tâm hồn, những tài năng cũng quý như chính vùng đất ấy, biết chắt lọc những gì tinh chất của vùng đất ấy, sáng tạo ra “cái thiên nhiên thứ hai”, nên thời gian và lịch sử cứ đi qua, mặc nó, vùng đất ấy vẫn ương ngạnh và tràn trề sống mãi.
Đất Quảng thân yêu, ở Người có đủ hai lẽ ấy.
Cái Có có thể gìn giữ và bồi cao lên mãi. Nhưng có cũng có thể lụi tàn và mất đi. Không. Đất Quảng thân yêu của tôi – nơi mà Một tấc giang sơn, một dòng máu đỏ, Con sông Giằng gầm réo miên man mãi mãi là một vùng Văn không biết lụi tàn. Tôi tin như thế. Lòng tin gọi tên từng người viết ở đất này: Gắng nhé! Sau chiến tranh con người theo mỗi vụ, mỗi mùa, mỗi công trình, mỗi đợt ra quân, mỗi ngày sống đầy suy nghĩ mà vụt lớn. Do quá quen với nếp nghĩ cũ mòn mà hàng ngày không thấy hết sự đổi thay và coi chừng, đến một lúc nào đó lại sững sờ không nắm bắt kịp. Trong chiến tranh chẳng phải đã có lúc như thế đó sao?
Và gì nữa? Hôm 29/3/1975, khi mấy anh lính trẻ Sư đoàn 2 anh hùng mình đầy đất bụi, nhân một lát nghỉ ngơi sau chiến thắng đến vục nước rửa mặt bên bờ sông Hàn, hình ảnh ấy đã khơi dậy khao khát tổ chức viết về chiến tranh, nhân dân và người lính trong chiến tranh. Bây giờ, trước những trang viết chất chứa bao dự định e ấp của các bạn tôi – ủa, sao chiến tranh khắc nghiệt là thế mà các bạn vẫn cứ bám theo con sông Thu Bồn dữ dội này mà trầm tư, mà sáng tạo, mà bắt cuộc đời đã đi qua sống lại, đọng lại và sắc hơn – chúng tôi nói với nhau: Gắng nhé! Tám năm đã trôi.
Gắng nhé! Bởi trong sự phát triển của mình, mỗi dân tộc đều khát, đều hỏi “một quyển thánh thư” soi rọi giá trị trường tồn của dân tộc.

N.C.T.

 

TƯỞNG NHỚ THIẾU TƯỚNG – NHÀ VĂN
NGUYỄN CHÍ TRUNG
Kevin Bowen( )
(Nguyễn Phan Quế Mai chuyển ngữ)

Tôi nhớ lần gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi. Chắc hẳn đã khoảng mười lăm năm về trước, người bạn và đồng nghiệp của tôi – nhà thơ Nguyễn Bá Chung – đã thu xếp cho cuộc gặp mặt. Cũng qua nhà thơ Nguyễn Bá Chung, tôi biết về Thiếu tướng – Nhà văn Nguyễn Chí Trung và biết rằng tôi sẽ được gặp gỡ một huyền thoại.
Nhưng ấn tượng đầu tiên vào giây phút ông ngồi xuống uống cà phê cùng chúng tôi là sự giản dị đáng kinh ngạc của một con người đang ngồi đối diện với tôi. Lúc đó ông xấp xỉ bảy mươi tuổi – cái tuổi đa số con người ta sống chậm lại nhưng ở ông có cái năng lượng của một người vừa mới khởi đầu. Ông đã đọc các tác phẩm của Kissinger và MacNamara, nhưng ông muốn biết các nhà tư tưởng đích thực ở đất nước tôi phản ánh thế nào về chiến tranh Việt Nam. Ông muốn biết những nhà văn nào ông nên đọc, những quyển sách nào là quan trọng. Sự tò mò đầy trí tuệ của ông làm tôi nhớ đến một trong những người hùng khác của tôi, I.F Stone, người đã phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đầy mạnh mẽ, người ở độ tuổi tám mươi đã bắt đầu học tiếng Hy Lạp cổ đại để có thể đọc các tác phẩm Platon và Aristotle bằng ngôn ngữ gốc.
Một thời gian sau đó, Thiếu tướng – Nhà văn Nguyễn Chí Trung làm việc với Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh và Hậu quả Xã hội William Joiner. Ông đã tìm cách đọc được tất cả những cuốn sách chúng tôi đã gửi cho ông và khao khát muốn đọc thêm. Năng lượng và sự hiện diện của ông đã truyền cảm hứng cho tất cả mọi người. Ông là một trong số rất ít người có thể làm một căn phòng trống đầy ắp lên, không phải với sự khoe khoang, kiêu hãnh, mà bởi sự khiêm nhường giản dị và cách kết nối giữa một con người với một con người. Tôi nhận ra chính phẩm chất ấy đã khiến các nhà văn Việt Nam nể phục ông. Và phẩm chất ấy chính là sự thanh khiết của tinh thần, một điều hiếm thấy ở đời thường, và lại càng hiếm thấy hơn ở một người như ông, người đã chứng kiến nhiều thập niên chiến tranh. Chúng tôi đã từng đứng ở hai đầu chiến tuyến, nhưng ông không bao giờ xem cá nhân những nhà văn cựu binh chúng tôi như những kẻ thù.
Trong những năm sau đó, chúng tôi gặp nhau ở Việt Nam, tại các hội thảo hoặc những sự kiện văn học. Sự xuất hiện của ông tại các sự kiện ấy luôn là điểm nhấn đối với tôi. Ông luôn toả một vầng ánh sáng, khiến bầu không gian quanh ông bừng sáng theo và khiến tất cả những suy nghĩ hay cảm xúc tiêu cực tan biến hết. Những lúc ấy bạn chỉ muốn được ở bên ông càng lâu càng tốt, nghe ông nói, trò chuyện với ông, hoặc chỉ để được ở bên ông. Thường thì nhà thơ Nguyễn Bá Chung đã có mặt ở đó để giúp phiên dịch cho chúng tôi và đôi khi chúng tôi cố gắng nói chuyện bằng tiếng Pháp ấp úng. Nhưng chỉ cần đắm mình vào sự hiện diện của ông đã đủ lắm rồi. Đối với tôi, người từng sang Việt Nam tham chiến lúc 21 tuổi, từ năm 1968 đến năm 1969 và mang quân hàm trung sĩ, đó là một món quà ngoài sức tưởng tượng.
Năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao về văn học giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm William Joiner (1992-2012), diễn đàn văn học Việt – Mỹ Nhìn lại và phát triển đã được tổ chức tại Huế với sự tham dự của các nhà văn Mỹ và Việt Nam. Sau diễn đàn, nhóm các nhà văn chúng tôi đi thăm các chiến trường cũ, đọc các tác phẩm, trò chuyện cùng nhau, thưởng thức các đêm nhạc và thậm chí còn nhảy múa với nhau. Từ Huế, chúng tôi đi Quảng Trị, đến Khe Sanh, và ra cả biên giới với Lào. Đó là một chuyến đi vô cùng đặc biệt, và sự hiện diện của Thiếu tướng – Nhà văn Nguyễn Chí Trung khiến nó đặc biệt hơn. Trong chuyến đi có những nhà văn mà ông đã từng phát hiện, khuyến khích và cổ vũ và ông hết sức vui vẻ, thư thái. Chuyến đi đó đã đưa chúng tôi ngược về lịch sử, giúp phục hồi tình nhân loại. Tôi có thể nói rằng chuyến đi ấy nằm trong số những ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên cái đêm cuối cùng trên biên giới, khi tôi đã thức đến gần sáng cùng Thiếu tướng – Nhà văn Nguyễn Chí Trung, và cùng với những cây bút nổi tiếng của cả hai nước. Chúng tôi đã cụng ly, hát vang, chơi nhạc và thậm chí còn nhảy múa với nhau.
Lần cuối cùng tôi nhìn thấy Thiếu tướng – Nhà văn Nguyễn Chí Trung là ở Hà Nội, tại Liên hoan Thơ châu Á Thái Bình Dương năm 2015. Có thật nhiều những chiếc xe buýt chở chúng tôi – các nhà thơ từ rất nhiều quốc gia – tất bật đi lại tham dự các sự kiện. Có ai đó nói rằng có tận 20 chiếc xe như thế. Vào một ngày mưa ở Hà Nội, tôi nghe nói rằng Thiếu tướng – Nhà văn Nguyễn Chí Trung cũng có mặt ở đó. Tôi nhớ rằng cả hai chúng tôi phát hiện ra nhau ở cùng một thời điểm, mỉm cười và đi về phía nhau, ôm chầm lấy nhau. Chúng tôi ngồi đó trong chiếc lều được dựng lên cho sự kiện, nước mưa nhỏ tong tong từ mái lều, thấm ướt chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn mê mải trò chuyện. Sau đó khi về khách sạn, Thiếu tướng – Nhà văn Nguyễn Chí Trung đã gọi những nhà thơ, nhà văn cựu binh Mỹ chúng tôi là những vị Bồ tát. Ông ban cho chúng tôi cái tên đó vì tình yêu chúng tôi dành cho đất nước và con người Việt Nam và vì chúng tôi luôn quay trở lại. Đó là lời khen ngợi lớn lao nhất mà tôi từng nhận được và tôi trân trọng nó trong sâu thẳm trái tim mình. Nhưng sự thật là Thiếu tướng – Nhà văn Nguyễn Chí Trung đã và sẽ luôn luôn là vị Bồ tát vĩ đại, một người lính với trái tim rộng lớn nhất mà tôi đã từng được gặp, một người đàn ông luôn tìm kiếm sự thật sâu xa nhất và chia sẻ sự thật đó. Tôi sẽ không bao giờ quên ông.
Xin chân thành chia buồn với gia đình ông nói riêng và người Việt Nam nói chung. Sự ra đi của Thiếu tướng – Nhà văn Nguyễn Chí Trung là một tổn thất lớn lao. Đối với cá nhân tôi, mặc dù ông đã ra đi, tôi biết ông sẽ sống mãi trong trái tim tôi!

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây