Tựa gốc thông nhớ Nguyễn Công Trứ – Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã

Tựa gốc thông nhớ Nguyễn Công Trứ - Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã
Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã

NGUYỄN THÁNH NGà

– Sinh năm 1958 tại Ba Gia, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi
– Đã xuất bản 6 tập thơ.
– Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam
– Hội viên Hội thơ Haiku Thế giới WHA
– Hiện sống và viết tại Lâm ĐồngĐà Lạt và Tp HCM.

 

1.
TỰA GỐC THÔNG NHỚ NGUYỄN CÔNG TRỨ

Chiều buồn ngồi tựa gốc thông
Nhớ xưa Uy Viễn Tướng Công “khóc – cười”…
Khóc là nước chảy hoa trôi
Cười là gõ khúc mặn môi vắn dài

Người từ “bỉ cực thái lai”
“Thuyền quyên ứ hự…” đào phai má đào
Gặp cơn hoạn lộ chênh chao
Vẫn ngông khí phách, vẫn cao ngất tầm

Đọc Người dưới gốc trăm năm(*)
Mà nghe vi vút bổng trầm cheo leo
Ai từ vạn kiếp mà trèo,
Ai từ vách đá bay vèo cánh chim?…

Trải bao hưng phế nổi chìm
Người trong trời đất vẫn tìm về nghe
Cây thông Người đứng chở che
Tiếng reo chứng ngộ, tiếng the thắt buồn

Nắng nôi ngạo nghễ mưa tuôn
Uy nghi vách núi đầu nguồn trong xanh
Vươn lên thẳng tắp lá cành
Một đời “chịu rét” mới thành tự do!

Lúc Dinh Điền sứ chăm lo
“Dân nghèo yên nghiệp”, cỡi bò rong chơi…
Nhớ người lính thú thế thời
Thương người trong ngục vẫn cười…điềm nhiên!

Hai trăm năm, bóng người hiền
Vẫn về dưới cội thông thiền vi vu
Bóng cây lẫn bóng sương mù
Câu thơ Người vẫn thiên thu tót vời!

Đà Lạt 2008
(*) Đà Lạt 115 năm

 

2.
NHỮNG CÁNH RỪNG TỰ DO ĐÃ CHẾT

– Giữa thế kỷ bạo tàn
Tôi ca ngợi tự do…
(Puskin)
Đã chết rồi
những đóa hoa thinh lặng
tỏa đầy hương thơm

Đã chết rồi
những tảng đá nặng trĩu
đã bị đập tan…

Bàn tay thợ đục đá đã làm khủng hoảng những đám mây
Hơi đá không có quyền được bốc hơi
Rêu phong không có quyền để mọc
Những chú bướm mùa thu không có quyền được thở
Chồn hoang không có quyền để sống
Bầy đom đóm không có cơ hội để yêu nhau và phát sáng…

Lúc tự do đang chết
Chúng đập đầu vào đá hỏi tự do là gì?
Tự do nào cho ngọn đồi trọc?
Tự do nào cho những cánh rừng vá víu?
Tự do nào cho loài cây bị triệt hạ?
Tự do nào cho loài thú hoang?

Tự do là tự do,
Nhưng không có tự do cho cái chết!
Chúng đã bị hành hình trong bàn tay thế kỷ
Sự bạo tàn đeo lộng lẫy trên ngực núi trầm tư

Ôi tự do là gì nhỉ?
Hỡi cánh rừng, ngọn núi, thú hoang…

Những ngọn thác gào lên giãy giụa
Những ngọn núi gục đầu đeo tang
Những cánh rừng phanh thây cháy trụi
Xác muôn loài cây gục ngã
Loài thú hoang vấy máu dưới trăng…

Những cánh rừng tự do đã chết
Tức tưởi….

 

3.
PHỐ CON MÈO CÂU CÁ(*)

Ôi Paris
Paris vụt hiện trong tôi
chàng họa sĩ…

Lê Bá Đảng
tựa lưng vào tường – cơn đói lả
bỗng con mèo phố nhỏ
như tia chớp thần kỳ vụt qua vỏ não
sau tiếng thét tâm linh

”Rue du Chat-qui-Pêche”
(phố con mèo câu cá)
một buổi sáng mùa thu Paris
cả đất trời mách bảo
những con mèo một nét
cuộn mình trên lá vàng

từng chiếc
từng chiếc
đẹp như giọt nước mắt
yêu thương…

khắp Paris ẩn hiện
một chú mèo
một con đường nhỏ
một bờ sông Seine – người lữ khách
đã vẽ đến tận cùng sinh mệnh chú mèo hoang

mèo hoang
mèo người
định mệnh gắn bó
như chim bay như rắn cuộn
người họa sĩ Việt Nam
thắp sáng niềm tin
về cái nhìn sâu thẳm
ám gợi nỗi đau nhân thế

ám gợi
hai mặt cuộc đời
bốn mặt tang thương…

(*theo nhà báo Vương Tâm)

 

4.
THỜI ĐẠI CHÚNG TA

Thời đại chúng ta
“phật phật ma ma”
Những tin đồn biến dạng…

Những ngàn năm ùa về
Những thực tại không thước đo
Xâm thực thời gian “hậu sự thật”(*)

Chúng ta sống giữa thời đại hoa hồng đầy gai nhọn
Thời đại rượu vang cổ nhất thế giới
Thời đại của những cơn say tưởng tượng…

Chiều qua,
Một buổi chiều Brexit(*)
Con chuồn chuồn biết tin ai
Khi đôi mắt không hề nhắm mắt
Chúng ta đành uống những chai cocacola sủi bọt
Và ca ngợi cuộc đời ngọt quá…

Chúng ta đâu biết
Những con sẻ nâu lặng lẽ khóc cọng rơm
Những con giun đất khóc cánh đồng trôi dạt
Những cơn mưa khóc bầu trời…

Chúng ta đem quả đất đổi lấy đồng tiền
Và chấp nhận sự cai trị của đồng tiền
Ý nghĩa của sự tưởng tượng vô giá
Sự gian dối niềm tin…

Đêm nay,
Một đêm đen như mực
Tin tức biển Đông nổi sóng
Khổng Tử đâu ngờ cháu con mình phản trắc
Những kinh dạy làm người quân tử có còn không?

Thời đại chúng ta
Thời buổi “corona”
Chúng ta bỗng độc ác với mình
Khi hồn nhiên uống đầy chén đắng
Và nỗi trầm cảm truyền đời…

———————-

(*) theo Harari tác giả cuốn Hậu sự thật
(*) EU : European Union – Khối Liên Âu
Brexit là cụm từ ghép từ Britain chỉ nước Anh và exit chỉ hành động rời khỏi EU/ tin đồn mỗi tuần nước Anh mất 350 triệu bảng cho EU là tin giả

 

5.
TIẾNG VŨ LONG LANH
(Viết cho ngày sinh 17.4 nhà thơ lớn LQV)

Khi đọc thơ Lưu Quang Vũ
Ông đã đi xa rồi
Tôi không hiểu vì sao ông chết
Trong khi thơ ông chưa có quyền được chết!
Vì đất nước đang cần những tài năng…

Nhiều người đi vì một lẽ thường tình
Lưu thi sĩ một hồn thơ đầy ứ
Những bi kịch, những câu thơ tràn vào lịch sử
Bay ra thành tiếng Vũ long lanh…

Ôi trái tim nhỏ bé mênh mông
Đang khẽ đập “dưới hồi chuông vô tận…”(*)
Phải chăng cái ngày ấy đừng đi
Đừng vỡ nát một con thuyền và biển
Ông sẽ ở lại cho đến ngày kết thúc
Tiếp tục đóng đinh thành “dấu mốc chủ quyền”(**)

Tôi đã đọc Maiacovski
Hay Nguyễn Trãi, Puskin
Và nhiều nhà thơ ẩn ức
Nhưng Lưu Quang Vũ ơi, thi sĩ rất dịu dàng
Ông viết bài thơ “chiều chuyển gió”
Hay chuyển đời ông, những dự cảm cuối cùng!(***)

Sao ông không sống khi thơ ông còn sống?
Để chuyện trò với bến sông xưa
Những châu chấu ma, gọng vó, chuồn chuồn kim
Ngơ ngác tiếc một tài năng như sao mai buổi sớm

Những tháng tư của đời ông
Mùa rươm rướm
Có bao người lặng lẽ đọc. Và tôi…

(*)thơ LQV (**)theo NHQ (***)theo NVC

 

6.
MA RỪNG QUÁN

Treo trên mõm đá
Quán gỉ màu cánh gián
Chiếc cửa gỗ vừa mở ra một làn mây bốc khói
Từ trăm búp nụ hồng nhạt
Đêm qua đã ướp xong cho một ngày nữa
Cô chủ nhẹ tay bưng ly cafe đặt xuống
Mùi hương của thế giới hoang vu len kín giác quan
Không gỡ được
Không gỡ nổi cơn ma rừng
Ám lữ khách
Ám cô hồn khất thực giấc khứu thơm
Ngoài kia
Những thi sĩ choáng men đã ngồi vào ghế
Họ thưởng thức trên đầu lưỡi
Vị của thơ
Gió của núi
Và cơn lạnh của hơi đá táp vào râu tóc
Long lanh hàng mi…
Họ nhìn từng đợt sương bay
Những lá thông kim lặng lẽ khô trong bếp lửa
Cô chủ quán pha trà nhón những ngón tay thơm
Và ánh nhìn như nắng hé
Chiếc váy trắng che kín những lỗ chân lông rêu phong
Cứ thế
Nàng châm cho khách những giấc mơ về bầu trời
Và tiếng chim hót trên cây như tiếng nàng chào đón
Những thi sĩ đến từ hôm qua
Thơ họ có lẽ đang ngủ
Đừng chạm vào trang sách họ đặt trên bàn
Những câu thơ sẽ bay mất
Cho đến khi
Có giọt mật lăn ra từ câu thơ đẹp nhất
Một thi sĩ vừa nghĩ trong đầu…

 

7.
VŨ KHÚC ĐEN

như những nghệ sĩ sân khấu
bầy corona bay vào không khí
thực hiện giấc mơ
đen…

sàn diễn của chúng
là hơi thở chúng ta
dù không nhìn thấy
nhưng chúng ta biết chúng đang nhảy múa
làm nên những cái chết đen
để ca ngợi ngày khải hoàn ma quái

những loài virus
trận dịch tả đã từng làm hại Thi hào Nguyễn Du
và hàng trăm nghìn người khác
chúng là cơn bão bàng hoàng băng qua năm ấy,
trần gian…

hàng bao thế kỷ
chúng ta đứng nhìn vũ điệu toàn cầu hóa
một đế chế Inca vĩ đại
sụp đổ trước bệnh đậu mùa
một làn sóng vó ngựa Mông Cổ
bại trận trước con virus dịch hạch
một Napoleon lẫy lừng
bị đánh gục dưới mùa đông nước Nga
bởi vũ điệu lây truyền
khiến đạo quân bách chiến tan rã

phải chăng,
chúng là hệ quả của giống loài
khi loài người phá rừng chiếm đất
ăn thịt thú hoang!?

chúng đã làm thay đổi trang sử nhân loại
làm vong phế bao triều đại
chỉ bằng vũ điệu tang tóc
mong manh…

ôi con đường tơ lụa
chuột và bọ chét và vi khuẩn
du hành toàn cầu
những chiếc khẩu trang tăng giá!

chúng là cơn bão sinh học
càn quét các nền văn minh
thử thách các thể chế

thử thách chúng ta…

 

8.
LẶNG NGHE KHÚC HÁT DA VÀNG

Thuở nhỏ
Nghe Khánh Ly hát khúc Da vàng
Đứa học trò bật khóc…

40 năm sau
Khúc Da vàng vẫn thế
Nhưng đau hơn thế
Rồi bình yên như thế
Khúc hát lặng lẽ chìm vào thời thế

Khi lặng nghe
Cái nghe thinh lặng
Mới hiểu nổi gia tài của mẹ
Người mẹ cặm cụi
Người mẹ đau thương
Người mẹ hy sinh
Và nhiều người mẹ…
Đã cho con tiếng nói thật thà

Con nỡ lòng nào gian trá
Con nỡ lòng nào
Bóng tối có làm con e dè,
Bạo lực có làm con khiếp vía…

Lặng nghe khúc hát Da vàng
Có làm con thấm thía…
Khi nhìn những đôi bồ câu
Ngậm cành cây bay về
Đắp mộ cho những nỗi buồn…

 

9.
JAZZ

Trong khu vườn
Những đóa thanh âm
Rạn vỡ như nắng sớm phá đỉnh sương mù
Mặt trời đã vung gươm
Hàng cây đã tuốt kiếm

Ảo thuật sợi dây đàn
Những ký âm Morning Jazz
Jazz Jazz Jazz bài Can’t Take My Eyes Off you
Giọt trumpet bên bờ sông vô tận
Chảy ngoằn ngoèo trên những ngón hồn em

Lửa đã vun vòm cây
Uốn rung trên cung đan xen violin
Chợt vỡ bầy ong râm ran bay đi hình ông già chống gậy
Cuốn trôi giấc mơ xa xưa bên vũng lầy

Này Jazz
Hàng cây im ru nghe mưa
Và ta như cối xay quay đều trong khu vườn cất tiếng nói
Để thanh âm không bị lãng quên
Không có tên trong trí nhớ mờ sương
Ngôi nhà tắc kè hoa kia

Sẽ dội lại
Giọt coffee lên bức tường
Sụp đổ hoa tường vi bên bức tường…

 

10.
NGÀY THƠ TĨNH LẶNG

Tôi yêu sự tĩnh lặng
Dẫu ngày thơ không về
Em ở đâu vậy hỡi đê mê

Có lẽ
Thơ là tĩnh trong động
Lặng trong vượt trội phi thường
Nên vẫn thế
Thơ im lìm cô đọng trong mỗi trái tim
Đâu cần sự hào nhoáng đỏng đảnh
Đâu cần sự tung hô của một ngón tay
Đâu cần sự ve vuốt nghèo nàn đơn điệu…

Thơ lặng huy hoàng trong cuộc sống ngoài kia
Nguy nan có thơ cứu rỗi
Cô độc có thơ đi cùng
Trong ngõ ngách của bóng tối
Thơ như đốm lửa ân cần
Soi một chấm đỏ trên khuôn mặt dính bụi
Để nhận ra từng giọt mồ hôi…

Thơ tôi
Chưa trình diễn
Chưa biết lên gân
Bởi nhỏ bé ngang lề đường xó chợ
Nhìn ngắm cuộc sống tan trong từ
Chảy vào câu chữ

Gió bụi lập ngôn
Hồn nhiên lập ý

Có thể vì thô sơ
Vì ngạc nhiên niềm sống
Sự tĩnh lặng làm nên mạch ngầm…

N.T.N

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây